"Thần đồng" hay là bệnh tự kỷ

Cập nhật: 17/04/2014 Lượt xem: 5027

"Kiến thức của bạn là niềm vui của chúng tôi là nụ cười của người bệnh".

PGS. TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103

             Nhiều bậc cha mẹ rất vui mừng và tự hào khi khoe con mình với bạn bè về khả năng đặc biệt khác thường của bé, như một tiềm năng trở thành nhà khoa học xuất chúng. Chẳng hạn:

             Một em bé 4 tuổi có thể làm được các phép tính cộng trừ đến 100, mà bình thường đây là các phép tính của học sinh lớp hai. Liệu đây có phải là đứa trẻ có tiềm năng trở thành nhà toán học không!

             Một bé 5 tuổi có thể trả lời chính xác các tuyến xe bus ở hà nội từ điểm xuất phát đến điểm cuối, cả các điểm dừng đỗ của tuyến xe bus đó. Một đứa trẻ 5 tuổi khác có thể nhớ chính xác hơn 50 số điện thoại của những người thân trong gia đình. Liệu đây có phải là các “thần đồng” về trí nhớ!

        Một đứa trẻ 4 tuổi có thể đọc chính xác các từ tiếng Anh trong cuốn sách dạy tiếng Anh phổ thông, do cha mẹ bé có mời cô giáo về nhà dạy thêm tiếng Anh cho anh chị của bé.

          Nếu quan sát các bé trên một thời gian, chúng ta sẽ thấy các bé bộc lộ các bất thường trong giao tiếp với mọi người, bất thường trong cách nói, bất thường trong hành động.  

           Cha mẹ của các bé trên sẽ chuyển từ ngỡ ngàng đến thất vọng và lo lắng khi được các bác sĩ tâm thần chẩn đoán bé bị bệnh tự kỷ. Vậy bệnh tự kỷ là gì, có thể nhận biết sớm ở trẻ không, có thể điều trị được không. Đây là những vấn đề mà chúng tôi muốn chuyển tải đến các bạn.

           Bệnh tự kỷ (Autism) là một bệnh rối loạn phát triển của hệ thần kinh, biểu hiện thiếu hụt hay chậm phát triển về khả năng hòa nhập xã hội, khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ, trí tuệ thường tập trung vào một phạm vi hẹp và hành động thường lặp đi lặp lại.

           Bệnh thường biểu hiện trước 3 tuổi, khi mới sinh không thể hiện rõ bệnh, nhưng từ tháng thứ 18 trở đi, cha mẹ và những người chăm sóc trẻ có thể thấy rõ các triệu chứng của bệnh. Tỉ lệ mắc bệnh tự kỷ ở trẻ em vào khoảng 1/150 trẻ. Thật bất ngờ khi Ủy ban Y tế quốc gia Anh (NHS) ngày 22/9/2009 lần đầu tiên công bố một nghiên cứu về bệnh tự kỷ ở người trưởng thành. Theo nghiên cứu này có đến 1% dân số là người trưởng thành ở Anh mắc chứng bệnh tự kỷ (cũng tương ứng với tỉ lệ bệnh tự kỷ ở trẻ em ở nước Anh), một căn bệnh mà trước đây khi nói đến người ta chỉ nghĩ đến trẻ em mà lãng quên người lớn.

             Về triệu chứng, bệnh tự kỷ có ba biểu hiện cơ bản:

+ Thiếu hụt hoặc chậm phát triển khả năng giao tiếp xã hội: Biểu hiện sớm của triệu chứng này là trẻ không biểu lộ tình cảm, ít đòi hỏi chăm sóc, ít hoặc không cười khi được nựng, thờ ơ với những động tác gây chú ý của người lớn, ánh mắt vô cảm không tinh nhanh. Một số trẻ lại gắn bó lệ thuộc với 1-2 người thân, thường là mẹ hoặc người trực tiếp chăm sóc. Khi 2-3 tuổi các biểu hiện rõ hơn như không nhìn người khác khi giao tiếp, thờ ơ trước mọi trò đùa nựng của cha mẹ. Chỉ thích tha thẩn chơi một mình mà không thích chơi với các bạn. Trẻ chỉ biết đến nhu cầu bản thân mà không quan tâm đến người xung quanh. Trong khi chơi đùa, trẻ không biết chơi tương tác, không biết luật của trò chơi, không biết chơi “giả vờ” mang tính xã hội. Không khoe hoặc chia sẻ điều mình thích với các bạn hay bố mẹ. Có thể ngồi chơi cả buổi với một thứ đồ chơi mà không quan tâm đến người khác. Không cho ai mượn hay lấy thứ đồ chơi mà mình thích kể cả bố mẹ. Nói chung trẻ sống thu mình vào một thế giới riêng, không thích giao tiếp hoặc chia sẻ với mọi người xung quanh.

+ Thiếu hụt hay chậm phát triển về khả năng giao tiếp ngôn ngữ: Trẻ chậm nói, hoặc chỉ nói được các từ rời rạc. Không diễn đạt được hoặc diễn đạt vụng về không rõ ràng bằng ngôn ngữ những điều mình muốn, chẳng hạn muốn lấy một vật ở trên bàn mà không biết nói chỉ biết cầm tay người lớn kéo lại và chỉ vào vật đó. Trẻ lớn hơn, câu nói không ăn khớp với những điều trẻ muốn, rất ít nói và nói thiếu mạch lạc. Ngoài ra, một số trẻ còn nói lắp, nói định hình một vài câu từ hoặc nói nhại người khác. Trẻ không hiểu ý nghĩa của từ, của lời nói; thường không biết bắt đầu câu chuyện với người khác thế nào và cũng không biết duy trì cuộc nói chuyện.

+ Trí tuệ thường tập trung vào một phạm vi hẹp và hành động lặp đi lặp lại: Trí tuệ trẻ thường tập trung vào một phạm vi rất hẹp, điều này làm trẻ có biểu hiện như một “thần đồng” về phạm vi đó, và hành động thường lặp đi lặp lại một cách vô thức. Trẻ có những hành vi định hình lặp lại vô nghĩa, nhiều khi làm rất lâu một cách thích thú những việc như: giơ tay nhìn bàn tay, ngắm cái bát, vỗ tay, vê hoặc xoắn vặn tay, quay tròn, lắc lư người, cười một mình... Trẻ thích chơi với một số đồ vật trong nhiều giờ như: giở xem tranh ảnh ở tạp chí, tháo các đồ vật nhỏ ra rồi tự lắp lại, cầm chong chóng quay, xoay tròn một đồ vật, lăn bóng qua lại... Trẻ không biết dùng đồ chơi theo đúng chức năng của nó.

          Một số trẻ có trí nhớ máy móc rất tốt, biết điều khiển tivi, đài, video rất thành thạo, do vậy bố mẹ lại cho rằng con mình “thông minh”. Trẻ thích chơi một thứ đồ chơi nào đó thì chỉ tập trung vào thứ đồ chơi đó, có thể chơi một mình cả buổi với đồ chơi đó, mặc dù đồ chơi đó đơn điệu không cần đến suy nghĩ hay sáng tạo. Khi đang chơi, không cho bất kỳ ai lấy thứ đồ chơi đó đi, trẻ sẽ lăn ra khóc đòi bằng được và tiếp tục chơi với đồ chơi đó. Trẻ rất thích các đồ chơi xoay tròn. Khi chơi không quan tâm tới xung quanh. Trẻ có thể thích vẽ một cái hình nào đó thì có thể hí húi cả buổi với cây bút để vẽ, không cho ai lấy cây bút đó và cũng không thể lôi kéo trẻ ra khỏi trò chơi đó bằng cách rủ rê hoặc dùng một trò chơi khác dụ dỗ.

          Trẻ có thể ngồi cả buổi với cây bút và các con số tính toán các phép cộng trừ mà không quan tâm tới các trò khác. Khác với một đứa trẻ thông minh bình thường ở chỗ trẻ thường thể hiện khả năng một cách tự phát, bất chợt, không theo yêu cầu cha mẹ, thầy cô hay bạn bè mà chỉ làm khi bản thân mình muốn. Khi lớn lên khả năng của trẻ vẫn chỉ thu hẹp trong một phạm vi mà không phát triển các phạm vi khác. 

          Có phát hiện sớm được bệnh tự kỷ ở trẻ em không?

          Có, như trên đã nói khi mới sinh đến 18 tháng thì biểu hiện bệnh tự kỷ chưa rõ rệt, nhưng cũng có thể quan sát thấy giao tiếp của trẻ với cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng chậm, thiếu tinh nhanh so với độ tuổi. Nếu một trẻ nhìn thấy người mẹ mà thờ ơ, không tỏ thái độ là một dáu hiệu rất đáng lưu ý. Từ 18 tháng tuổi đến 3 tuổi các biểu hiện trở nên rõ ràng, cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng có thể quan sát thấy những bất thường của trẻ biểu hiện ở ba lĩnh vực trên.

            Để có thể phát hiện được sự bất thường trong phát triển trí tuệ của trẻ chúng ta cũng cần biết các mốc phát triển trí tuệ bình thường của trẻ. Chẳng hạn: trẻ 0-9 tháng tuổi có thể phản ứng như thích thú, mỉm cười khi được ôm ấp, đu đưa, khi được nựng, khi nghe tiếng người khác, thích nhìn mặt người khác, nhìn thú vật. Trẻ 9-18 tháng tuổi, bắt đầu có biểu hiện lệ thuộc vào người lớn quen thuộc và biết sợ người lạ mặt, bắt đầu học những quy luật đơn giản, có sự thay đổi tâm trạng và có khả năng biểu lộ điều mình muốn. Khi 1 tuổi rưỡi đến 2 tuổi rưỡi, trẻ hay chơi một mình nhưng thích có nhiều người ở xung quanh, thích giúp đỡ người lớn, biểu hiện thiếu tự nhiên với người lạ mặt. Trên 2 tuổi rưỡi thích chơi với các bạn, thích thay đổi đồ chơi. Diễn đạt điều mình muốn bằng ngôn ngữ rõ.

           Trẻ tự kỷ thì biểu hiện phát triển trí tuệ không phù hợp với lứa tuổi. Các biểu hiện hoạt động tâm thần bị hạn chế, thiếu hụt về cảm xúc, giao tiếp, hành vi. Một số trẻ bên cạnh sự phát triển thiếu hụt về tâm thần lại phát triển “lóe sáng” về một phạm vi tâm thần hẹp nào đấy, làm cha mẹ lầm tưởng là các “thần đồng”. Các bậc cha mẹ nên nghĩ đến bệnh tự kỷ nếu trẻ có các biểu hiện sau: Không cười hoặc biểu lộ sự vui tươi lúc 6 tháng tuổi đáp ứng khi cha mẹ nựng; không bắt chước âm thanh hay biểu lộ nét mặt lúc 9 tháng; không bập bẹ, chỉ bằng ngón trỏ hay vẫy tay lúc 12 tháng; không nói được từ đơn lúc 16 tháng, từ đôi lúc 24 tháng; mất ngôn ngữ và kỹ năng xã hội đáng lẽ đã thành thục ở lứa tuổi đó; chỉ thích chơi một mình, không thích chơi với các bạn; có thể chơi một trò chơi đơn điệu một mình không biết chán trong một khoảng thời gian dài; thích các trò chơi quay tròn; sợ đám đông và không giao tiêp với mọi người, gần như thu mình vào một thế giới riêng...Nếu chịu khó quan sát trẻ trong một thời gian sẽ dễ dàng nhận ra sự bất thường trong phát triển trí tuệ của trẻ, khi đó cần đưa trẻ đi khám ở các chuyên khoa tâm thần hoặc nhi khoa để được chẩn đoán bệnh và điều trị sớm.

          Tự kỷ ở người lớn có thể chẩn đoán dựa vào các bộ câu hỏi trắc nghiệm điều tra như yêu cầu đối tượng chọn một trong các phương án “Tôi thấy kết bạn rất dễ”, “Tôi thích đi tiệc hơn là lên thư viện” hay “Tôi đặc biệt thích đọc tiểu thuyết”, "Ngày nghỉ tôi thích ở nhà một mình hơn là đi giao lưu với bạn bè"… Một thực tế cho thấy giống như các căn bệnh rối loạn về tâm sinh lý khác, tự kỷ có thể trở thành bệnh mạn tính tồn tại trong suốt cuộc đời bệnh nhân. Càng về sau, tác động của bệnh tự kỷ càng nghiêm trọng, không chỉ tác động đến khả năng học tập khi còn nhỏ, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sống độc lập khi trưởng thành. Người lớn mắc bệnh này thường có cảm giác cô độc và ám ảnh với suy nghĩ bị xã hội loại bỏ.

          Bệnh tự kỷ có điều trị được không?

         Có, điều trị càng sớm kết quả càng tốt, không phải điều trị bằng thuốc mà bằng phục hồi chức năng:

          Cha mẹ cần giao tiếp với trẻ, dành nhiều thời gian chơi với trẻ. Không cô lập trẻ, khuyến khích trẻ chơi với các bạn, tham gia các trò chơi tập thể, thay đổi đồ chơi. Dạy trẻ nói, dạy cách diễn đạt, khuyến khích trẻ bằng cách khen trẻ mỗi khi trẻ nói đúng một câu. Đưa trẻ đi khám sớm khi có các biểu hiện không bình thường về hành vi, giao tiếp, cảm xúc… để trẻ được điều trị sớm. 

           Oxy cao áp là biện pháp hỗ trợ điều trị được chứng minh giúp cải thiện khá tốt triệu chứng của bệnh tự kỷ. 

            Việc điều trị cần tới các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như các bác sĩ tâm thần hoặc bác sĩ tâm thần nhi khoa, cán bộ phục hồi chức năng, chuyên gia ngôn ngữ trị liệu, vận động trị liệu, giao tiếp xã hội…Việc điều trị cần một thời gian dài mới có kết quả.


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI