Hướng dẫn tự điều trị đau thắt lưng

Cập nhật: 17/04/2014 Lượt xem: 6215

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103 

(Để biết chi tiết, các bạn nên tìm đọc cuốn « tự điều trị và dự phòng đau thắt lưng không dùng thuốc » tác giả PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, NXB TDTT)

1. TẠI SAO ĐAU THẮT LƯNG CÓ THỂ TỰ ĐIỀU TRỊ ĐƯỢC

+ Đau thắt lưng gặp khá phổ biến, nếu bạn bị đau thắt lư¬ng, bạn không hề đơn độc. Hầu như mọi người trên 40 tuổi, ít nhất cũng có một lần bị đau thắt lưng hoặc đã nhiều lần bị đau thắt lưng. Trong các bệnh thuộc hệ thần kinh thì đau thắt lưng chỉ đứng hàng thứ hai sau đau đầu về số lượng người mắc. Ở Mỹ, mỗi năm người ta ước tính thiệt hại lên tới 50 tỉ USD do những người đau thắt lưng phải nghỉ việc. Thật may mắn, mặc dù phổ biến như vậy nhưng hầu hết các đau thắt là không đáng lo ngại, đau sẽ thuyên giảm và khỏi sau vài ngày hoặc vài tuần nếu biết tự chăm sóc và điều trị. Ngoại trừ một số bệnh ít gặp, mà các bệnh này khi trình độ xã hội càng phát triển thì lại càng hiếm gặp như lao cột sống, viêm đốt sống do vi khuẩn, ung thư cột sống, còn lại hầu hết các đau thắt lưng là do nguyên nhân cơ học. Thường gặp nhất là đau thắt lưng do căng giãn cơ quá mức, các động tác sai tư thế, các tư thế do lao động nghề nghiệp, các hoạt động thể thao, thoái hóa đĩa đệm.

+ Đau thắt lưng chủ yếu được điều trị nội khoa, trong đó phương pháp điều trị không dùng thuốc có vai trò quan trọng. Điều trị bằng thuốc chỉ có tính chất hỗ trợ và các thuốc giảm đau chống viêm thường có nhiều tác dụng không mong muốn, không thể dùng kéo dài được. Vì vậy, người bệnh cần phải biết cách tự chăm sóc và điều trị cho mình. Việc dự phòng đau thắt lưng hoặc dự phòng tái phát đau thắt lưng phải bằng các biện pháp tập luyện và biết tránh những động tác không tốt cho cột sống chứ không phải bằng thuốc, và phải do bản thân người bệnh thực hiện chứ không phải do thầy thuốc. Người bệnh cần phải học cách tự chăm sóc bằng các bài tập và cần biết những điều phải tránh để giữ gìn cho cột sống được khỏe mạnh.

+ Phần lớn các trường hợp đau thắt lưng có thể khỏi và có thể dự phòng tái phát được bằng các phương pháp điều trị không dùng thuốc mà người bệnh có thể tự tiến hành. Các phương pháp này không những an toàn mà rất có hiệu quả, chỉ những trường hợp nặng mới phải dùng thuốc phối hợp. Dù có điều trị bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ thì người bệnh vẫn được khuyên phải áp dụng phối hợp các biện pháp không dùng thuốc mới mang lại kết quả tốt.

2. KHI NÀO NGƯỜI BỆNH CẦN PHẢI ĐẾN BÁC SĨ ĐỂ KHÁM?

+ Nếu bạn còn trẻ dưới 20 tuổi hoặc trên 50 tuổi bị đau thắt lưng lần đầu.
+ Đau thắt lưng sau khi bị chấn thương nặng như ngã từ cao xuống, bị ngã trong khi đang vác vật nặng, sau tai nạn giao thông…
+ Đau thắt lưng kèm với sốt.
+ Đau thắt lưng kèm theo biểu hiện sưng, đỏ vùng thắt lưng.
+ Đau thắt lưng kèm theo có tiền sử hoặc đang bị lao phổi, lao hạch, ung thư.
+ Đau thắt lưng lan xuống đùi và cẳng chân.
+ Đau thắt lưng kèm theo tê bì, rối loạn cảm giác ở đùi, cẳng chân.
+ Đau thắt lưng kèm theo yếu một chân khi đi lại, vận động, hoặc một bên chân bị teo nhỏ hơn chân kia.
+ Đau thắt lưng kèm theo giảm xút cân.
+ Đau thắt lưng kèm theo đái ra máu, đái buốt, đái rắt, bí đái.
+ Đau thắt lưng tăng khi nằm nghỉ hoặc đau làm tỉnh giấc ban đêm.
+ Đau không có dấu hiệu thuyên giảm sau ba ngày nằm nghỉ.
+ Đau kiểu nhức buốt, liên tục, càng ngày càng tăng.
+ Gần đây hoặc đang sử dụng thuốc corticoid kéo dài.
+ Đau thắt lưng kèm theo các biến dạng cột sống mới xuất hiện như gù, vẹo, cứng cột sống thắt lưng.

3. NHỮNG ĐIỀU NGƯỜI ĐAU THẮT LƯNG CẦN LƯU Ý

+ Phân loại đau thắt lưng:
- Đau thắt lưng cấp tính khi đau kéo dài không quá 6 tuần.
- Đau thắt lưng bán cấp tính khi đau thắt lưng kéo dài 6 đến 12 tuần.
- Đau thắt lưng mạn tính khi đau kéo dài trên 12 tuần.

+ Nếu bạn bị đau thắt lưng mới khỏi, không được làm các việc sau:
- Chơi bóng đá
- Nhảy cao, nhảy xa, nhảy từ trên cao xuống
- Tập tạ, tập xà đơn, xà kép
- Chơi gôn (golf)
- Vũ ba – lê (ballet)
- Nâng, mang, vác vật nặng
- Kéo vật nặng
- Ngồi dậy ở tư thế hai chân duỗi thẳng

4. TỰ ĐIỀU TRỊ ĐAU THẮT LƯNG CẤP TÍNH VÀ BÁN CẤP TÍNH
4.1. Nằm nghỉ, bất động vùng cột sống thắt lưng

          Tư thế tốt nhất là nằm trên giường cứng hoặc trải một lớp đệm mỏng, gối đầu lên một gối mỏng, đệm một gối mềm ở khoeo cao 10 – 15 cm để đùi và cẳng chân hơi gấp hoặc kê một ghế cao 30 cm, gác 2 cẳng chân lên.

          Bạn cần nằm nghỉ như vậy vài ngày đến khi cử động cột sống không còn gây đau tăng. Khi trở mình, cần giữ cột sống thẳng, không bị xoắn vặn. Trước khi ngồi dậy bạn cần đeo đai thắt lưng, không được ngồi dậy ở tư thế hai chân thẳng, cần co gối để làm chùng dây thần kinh hông to.

          Nằm nghỉ và bất động tốt vùng thắt lưng là biện pháp đầu tiên và bắt buộc để làm giảm nhanh đau thắt lưng, nếu bất động vùng thắt lưng không tốt thì đau thắt lưng sẽ kéo dài và chậm hồi phục. Cũng không nên bất động quá mức sẽ không tốt cho tuần hoàn, hô hấp và hoạt động của các cơ quan khác.

Hình 1: Tư thế nằm nghỉ, bất động vùng thắt lưng khi đau thắt lưng cấp.

4.2. Mang đai thắt lưng

          Bạn cần mang đai thắt lưng liên tục, chỉ tháo đai khi nằm. Cần mang đai thắt lưng trước khi ngồi dậy và sau khi nằm xuống giường rồi mới tháo đai thắt lưng.

          Đai thắt lưng cần phù hợp với thân người của bạn. Đai phải ôm sát thắt lưng, phía trên sát với bờ xương sườn, phía dưới sát với bờ trên xương cánh chậu để giữ cho cột sống thắt lưng được vững. Bạn chỉ nên ngừng mang đai thắt lưng khi đã khỏi hoàn toàn.

Hình 2: Mang đai thắt lưng.

4.3. Điều trị nhiệt

         Nếu đau cấp tính mức độ nặng, khối cơ lưng co cứng thì trong vòng ba ngày đầu bạn không nên chườm nóng hoặc điều trị bằng đèn hồng ngoại. Bạn có thể chườm lạnh bằng cách đập vụn nước đá rồi cho vào một túi nilon buộc kín để nước không chảy ra ngoài, dàn mỏng và chườm lên vùng thắt lưng cách một lớp khăn trong khoảng 8 - 10 phút. Không nên chườm lạnh kéo dài, nếu chườm lạnh thấy dễ chịu mới được chườm tiếp, nếu thấy đau tăng thì phải ngừng. Chườm lạnh gây co mạch, ức chế phản ứng phù nề, làm giảm đau, giảm co cứng cơ khi phản ứng của cơ thể quá mức. Một ngày chườm một đến hai lần. Nếu đau ở mức độ vừa phải hoặc chỉ đau nhẹ thì không nên chườm lạnh mà có thể chườm nóng ngay từ ngày đầu.

          Từ ngày thứ tư trở đi không được chườm lạnh mà phải chườm nóng hoặc dùng đèn hồng ngoại chiếu vào vùng thắt lưng ở khoảng cách đủ ấm nóng dễ chịu. Thời gian một lần chườm nóng hoặc điều trị bằng đèn hồng ngoại 20 đến 30 phút, một ngày điều trị hai đến ba lần. Điều trị nhiệt nóng tại chỗ có tác dụng tăng cường tuần hoàn, dinh dưỡng, tăng nhanh quá trình hấp thu dịch nề, giảm đau, giảm co cứng cơ và thúc đẩy nhanh quá trình hàn gắn tổn thương.

Hình 3: Điều trị bằng tia Hồng ngoại.

4.4. ĐIỀU TRỊ BẰNG DÒNG ĐIỆN XUNG

          Nếu bạn có máy điện xung dùng cho cá nhân hoặc gia đình (các loại máy này có bán rộng rãi tại các cửa hàng thiết bị y tế), bạn có thể sử dụng để điều trị ngay từ ngày đầu của đau thắt lưng. Sử dụng hai tấm điện cực dán hai bên cột sống thắt lưng, trên khối cơ lưng sát cạnh cột sống, tương ứng với vùng đau nhất. Cũng có thể dùng 4 điện cực một lần, hai điện cực đặt hai bên cột sống ngang đốt thắt lưng một và hai, hai điện cực kia đặt hai bên cột sống ngang đốt thắt lưng bốn và năm. Bạn có thể nằm sấp, mặt nghiêng về một bên, hai tay xuôi theo người, đệm một gối ở cổ chân để cẳng chân gấp so với đùi, toàn thân thư giãn hoàn toàn. Nếu không nằm sấp được, bạn có thể lăn nghiêng người để dán điện cực, sau đó nằm ngửa trở lại. Sau khi cố định điện cực xong, bật công tắc máy, chọn chế độ dòng xung rồi chỉnh núm điều chỉnh cường độ sao cho bạn có cảm giác các thớ cơ rung, co thắt nhẹ, dễ chịu nhất là được. Một lần chỉ nên điều trị 8 phút đến 10 phút, một ngày điều trị hai lần. Không nên điều trị thời gian trên 10 phút một lần, vì có thể gây kích thích làm đau tăng lên.

          Đây là phương pháp làm giảm đau, giảm co cứng cơ rất tốt, hoàn toàn không độc hại và an toàn. Tác dụng giảm đau, giảm co cứng cơ ngay trong thời gian điều trị và tác dụng còn kéo dài sáu giờ sau khi ngừng điều trị.

Hình 4: Điều trị bằng dòng điện xung.

4.5. Xoa bóp

          Khi đang đau cấp tính, trong vòng tuần đầu không nên xoa bóp vùng thắt lưng. Khi đau đã thuyên giảm nhiều, có thể xoa bóp vùng thắt lưng giúp cho thư giãn cơ và giảm đau. Cần nhớ một nguyên tắc là, nếu trong và ngay sau xoa bóp thấy đau tăng thì phải ngừng, nếu cảm thấy dễ chịu và giảm đau khi xoa bóp thì mới tiếp tục. Động tác xoa bóp cần thích hợp, nếu làm mạnh quá sẽ gây đau tăng, nếu làm nhẹ quá thì ít tác dụng. Không nhất thiết phải làm hết các động tác xoa bóp, chỉ chọn những động tác nào cảm thấy dễ chịu, không gây đau tăng. Mỗi lần xoa bóp khoảng 30 phút, một ngày hai đến ba lần.

          Hiện nay có nhiều máy xoa bóp được bán trên thị trường, có những máy nhỏ cầm tay, có máy dưới dạng ghế xoa bóp, giường xoa bóp. Những máy này chủ yếu dùng động tác rung và day, chỉ nên sử dụng hỗ trợ thêm cho xoa bóp bằng tay, không nên dùng máy thay thế hoàn toàn cho xoa bóp bằng tay.

4.6. Kéo giãn cột sống

          Trong hai tuần đầu đau thắt lưng cấp không nên kéo giãn cột sống. Khi đau đã thuyên giảm, thử phương pháp kéo giãn thứ nhất (dùng đệm dưới thắt lưng) nếu cảm thấy dễ chịu mới được tiếp tục, nếu thấy đau tăng cần phải ngừng. Khi đau giảm nhiều có thể thử áp dụng phương pháp kéo giãn thứ ba (kéo giãn trên ván dốc), hoặc phương pháp kéo giãn thứ tư (kéo giãn bằng bao cát). Trước khi kéo giãn nên điều trị bằng điện xung và nhiệt nóng trước để làm thư giãn cơ.

Hình 5: Kéo giãn cột sống.

4.7. Tập các bài tập cột sống thắt lưng

          Từ tuần thứ ba của đau thắt lưng cấp trở đi, khi đau đã thuyên giảm nhiều, có thể áp dụng các bài tập một đến bốn. Khi đau thắt lưng gần khỏi, chỉ còn đau âm ỉ hoặc cảm giác mỏi, ê ẩm thì áp dụng thêm các bài tập khác.

Hình 6: Tập các bài tập cột sống.

5. TỰ ĐIỀU TRỊ ĐAU THẮT LƯNG MẠN TÍNH
5.1. Nằm nghỉ

           Khi còn đau cần nằm nghỉ trên giường cứng hoặc có một đệm mỏng. Không nhất thiết phải bất động vùng thắt lưng như đau thắt lưng cấp, có thể nằm nghỉ thoải mái. Cũng có thể đi lại nhẹ nhàng, nhưng phải mang đai thắt lưng, nhất thiết không được lao động, mang, xách, bê, vác hoặc các cử động cột sống đột ngột quá mức trong thời gian còn đau.

5.2. Mang đai thắt lưng

          Bạn cần mang đai thắt lưng trong suốt thời gian đau, chỉ tháo đai khi nằm. Đai thắt lưng sẽ giữ cho cột sống thắt lưng của bạn luôn được bất động tương đối khi hoạt động, sinh hoạt hoặc làm việc nhẹ.

5.3. Điều trị bằng nhiệt

          Với đau thắt lưng mạn, không nên chườm lạnh. Chườm nóng là biện pháp điều trị rất tốt với đau thắt lưng mạn tính, có thể sử dụng các biện pháp chườm nóng hoặc sử dụng đèn hồng ngoại, nếu không có đèn hồng ngoại có thể sử dụng chậu than hồng hoặc tấm sưởi nhiệt cũng tốt. Mỗi ngày nên điều trị hai lần, mỗi lần 20 – 30 phút, bạn sẽ thấy kết quả rất tốt.

5.4. Điều trị bằng dòng điện xung

          Nếu bạn có máy điện xung thì đây là một phương pháp điều trị tốt. Có thể phối hợp điều trị nhiệt nóng với điều trị điện xung trước khi kéo giãn cột sống sẽ cho kết quả kéo giãn tốt hơn. Mỗi ngày chỉ nên điều trị bằng dòng điện xung hai lần, mỗi lần không quá 10 phút.

5.5. Kéo giãn cột sống

          Kéo giãn cột sống là phương pháp tốt đối với đau thắt lưng mạn, nhất là đau thắt lưng do thoái hóa đĩa đệm hoặc thoát vị đĩa đệm nhẹ và vừa. Kéo giãn cột sống thắt lưng không chỉ là phương pháp điều trị cơ bản, đúng với cơ chế bệnh sinh mà còn có tác dụng dự phòng đau thắt lưng tái phát. Tùy theo điều kiện của bạn để áp dụng các phương pháp kéo giãn mà bạn có. Trước khi kéo, nên điều trị vùng thắt lưng bằng điện xung và nhiệt nóng để làm giãn cơ, tăng hiệu quả của kéo giãn. Bạn cần nhớ một nguyên tắc là, khi áp dụng một phương pháp kéo giãn nào đó thì trong và sau kéo phải không thấy đau tăng. Nếu thấy đau tăng, phải điều chỉnh lại thời gian kéo hoặc trọng lượng kéo. Nếu lực kéo không cao nhưng kéo thời gian quá dài, hoặc nếu thời gian kéo thích hợp nhưng lực kéo đó là cao đối với bạn, cũng có thể gây đau tăng. Nếu sau khi đã điều chỉnh lại lực kéo hoặc thời gian kéo rồi mà vẫn gây đau tăng thì phải ngừng phương pháp điều trị này. Sau kéo giãn, cần nằm thư giãn 20 – 30 phút và trước khi ngồi dậy bạn nên mang đai thắt lưng.

5.6. Xoa bóp

          Xoa bóp là biện pháp thích hợp với điều trị đau thắt lưng mạn tính. Mỗi ngày có thể xoa bóp hai lần, mỗi lần 30 phút.

5.7. Tập các bài tập cột sống thắt lưng

          Các bài tập cột sống thắt lưng vừa có tác dụng điều trị đau thắt lưng mạn tính, vừa có tác dụng dự phòng đau thắt lưng tái phát. Nếu tập thường xuyên mỗi ngày một đến hai lần, mỗi lần 30 phút đến một giờ, mỗi tuần tập ít nhất 5 ngày, mỗi đợt tập ít nhất hai tháng, sẽ có tác dụng tốt bảo vệ cột sống, làm chậm quá trình thoái hóa đĩa đệm, làm cho cột sống được vững chắc nhưng mềm dẻo, tránh được các tổn thương gây đau thắt lưng do các động tác sai tư thế, các hoạt động trong sinh hoạt và lao động hàng ngày.

          Tháng đầu tập các bài tập một đến bốn, từ tháng thứ hai tập thêm các bài tập làm vững cơ thành bụng (bài mười và bài mười một).

5.8. Bơi

          Bơi vừa là biện pháp tốt làm phục hồi chức năng cột sống. Nếu đau thắt lưng mạn tính ở mức độ cho phép bơi được mà không gây đau tăng, bạn nên bơi mỗi ngày 30 phút. Bơi vừa có tác dụng điều trị, vừa có tác dụng dự phòng đau thắt lưng tái phát. Mùa đông nên bơi trong bể nước ấm, cần tránh bị nhiễm lạnh.

5.9. Tắm hơi

          Tắm hơi có hai loại, tắm hơi khô và tắm hơi nước nóng. Tắm hơi nước nóng tốt hơn, bạn cảm thấy sức nóng dễ chịu hơn. Tắm hơi giúp cơ thể đào thải nhanh các chất cặn chuyển hóa, các chất độc ra khỏi cơ thể, gây giãn mạch, tăng cường tuần hoàn nuôi dưỡng da và các cơ quan nội tạng, giúp thư giãn cơ và giảm đau nhanh.
Nếu có điều kiện tắm bùn khoáng nóng, tắm suối khoáng nóng hoặc tắm phun thủy liệu bạn cũng không nên bỏ qua những phương pháp điều trị rất hữu hiệu này.

5.10. Phương pháp tác động cột sống bằng tay (chiropractic)

          Phương pháp tác động cột sống bằng tay còn được gọi là kéo nắn cột sống, là một phương pháp rất có hiệu quả chữa đau thắt lưng. Phương pháp tác động cột sống rất được phát triển ở các nước phương tây. Ở Hoa Kỳ, phương pháp chiropractic được nghị viện chấp thuận và được các tiểu bang cấp giấy phép hành nghề. Đến nay phương này được phổ biến ở 65 nước trên thế giới. Một số nước có trường đào tạo bác sĩ chuyên tác động cột sống gọi là các bác sĩ chiropractic (doctor of chiropractic viết tắt là DC) hoặc Chiropractor. Phương này cần được chỉ định chặt chẽ và chỉ những bác sĩ hoặc kỹ thuật viên ở các khoa Vật lý trị liệu được đào tạo kỹ thuật này mới được tiến hành. Vì vậy chúng tôi chỉ nêu lên có tính chất giới thiệu.

          Tóm lại, khác với đau thắt lưng cấp, với đau thắt lưng mạn tính có thể áp dụng rộng rãi mọi phương pháp điều trị không dùng thuốc mà cuốn sách này giới thiệu. Hai biện pháp nghỉ ngơi và mang đai thắt lưng cần được áp dụng cho mọi trường hợp, đồng thời chỉ nên phối hợp thêm hai hoặc ba phương pháp khác trong một đợt điều trị. Bạn nên chọn các các phương pháp thích hợp, đó là các phương pháp mà khi áp dụng bạn cảm thấy dễ chịu, giảm đau. Chẳng hạn, bạn có thể áp dụng nhiệt nóng (hoặc chườm nóng hoặc điều trị bằng hồng ngoại) kết hợp với điện xung trước khi kéo giãn. Cũng có thể điều trị nhiệt nóng trước khi tập các bài tập cột sống thắt lưng. Có thể xoa bóp, chườm nóng và tập các bài tập thắt lưng. Nếu một phương pháp nào đó mà ngay trong hặc sau khi áp dụng thấy đau tăng thì cần phải ngừng, vì có thể phương pháp đó không thích hợp với bạn. Ngoài ra bạn cần chú ý những điều đã nêu ở chương 6 về những vấn đề cần chú ý trong sinh hoạt và lao động và mục 7.2 của chương 7 khi nào người đau thắt lưng cần đến bác sĩ để khám.

PGS.TS.Hà Hoàng Kiệm


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI