Đau thắt lưng, nguyên nhân và dự phòng

Cập nhật: 17/04/2014 Lượt xem: 16354

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103 

(Để biết chi tiết, các bạn nên tìm đọc cuốn « tự điều trị và dự phòng đau thắt lưng không dùng thuốc » tác giả PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, NXB TDTT)

         Đau thắt lưng là một hội chứng bệnh lý rất thường gặp, đau thắt lưng phổ biến đến mức mà người ta nói rằng: nếu bạn bị đau thắt lưng thì bạn không hề đơn độc. Trong các bệnh thần kinh thì đau thắt lưng có số lượng người mắc chỉ đứng thứ hai sau đau đầu. Mọi người trên 40 tuổi, ít nhất cũng có một lần bị đau thắt lưng hoặc đã bị đau thắt lưng nhiều lần. Ở Mỹ, hàng năm thiệt hại lên tới trên 50 tỉ đô la vì những người đau thắt lưng phải nghỉ việc. Nhưng cũng thật may mắn, hầu hết các đau thắt lưng sẽ khỏi được sau vài ngày hoặc vài tuần nếu biết cách tự điều trị và chăm sóc. Ngoài ra, đau thắt lưng còn có thể dự phòng được bằng chính những kiến thức y học thường thức mà mỗi người tự trang bị cho mình.

         Khi đọc bài viết này, bạn có thể là người đang bị đau thắt lưng hoặc đã từng bị đau thắt lưng, nếu không thì chí ít cũng là người sẽ bị đau thắt lưng. Chính vì vậy người viết bài viết này hy vọng cung cấp cho bạn những kiến thức y học thường thức về đau thắt lưng, cách tự điều trị và dự phòng đau thắt lưng cho chính mình.

         Vì những lý do trên, hy vọng bài viết sẽ là món quà quí giúp bạn có kiến thức cơ bản về đau thắt lưng và biết cách tự dự phòng đau thắt lưng cho mình, hoặc tự điều trị cho mình một cách khoa học, đúng phương pháp mỗi khi bạn bị đau thắt lưng.

1. KHÁI NIỆM VỀ ĐAU

          Đau là một cảm giác báo hiệu một tổn thương tại chỗ, nó tạo ra phản xạ đáp ứng nhằm loại trừ tác nhân gây đau. Đau được ví như tiếng kêu cứu, tín hiệu cấp cứu của một cơ quan bị tổn thương, hay như “tiếng khóc của đứa trẻ khi bị đói sữa” (thiếu máu cơ tim gây ra cơn đau thắt ngực, thiếu máu chân do tắc mạch gây ra cơn đau cách hồi).

          Khi một tổ chức bị tổn thương, gây ra cảm giác đau. Cơ thể phản ứng lại bằng một loạt các phản xạ bảo vệ như ngừng các hoạt động hiện hành, rút lui, chạy trốn hay tấn công lại. Cường thần kinh giao cảm gây tăng nhịp tim, co mạch, tăng huyết áp, tăng đường huyết và tăng chuyển hóa.

          Đau còn mang tính tâm lý, chủ quan. Cùng một mức độ đau nhưng cảm giác đau giữa người này và người khác thì khác nhau. Có đau cấp tính và đau mạn tính. Đau cấp tính thường khởi phát tương đối đột ngột, tồn tại trong thời gian ngắn từ 2 - 3 ngày đến 2 - 3 tuần, thường xác định được nguyên nhân và người bệnh thường chỉ được chính xác vị trí đau. Đau cấp tính thường kèm theo các rối loạn thần kinh thực vật như tăng tần số tim, tăng huyết áp, vã mồ hôi, lo lắng. Đau mạn tính, trái lại, khởi phát chậm sau tổn thương vài tuần hoặc vài tháng, thời gian đau kéo dài trên 3 tháng, có khi hàng năm, đau thường lan xa so với vùng tổn thương và không dữ dội, không gây ra các phản xạ thần kinh thực vật rõ rệt.

          Đau được nhận cảm bởi các thụ cảm thể, chúng là các đầu tận cùng thần kinh phân bố ở khắp các tổ chức trong cơ thể, nhiều nhất ở da, có vai trò tiếp nhận các khích thích. Có nhiều loại thụ cảm thể, mỗi loại nhận cảm với một loại kích thích nhất định.

          Các thụ cảm thể nhận cảm kích thích cơ học (sờ mó, châm chích).
          Các thụ cảm thể nhận cảm kích thích nhiệt (nóng, lạnh).
          Các thụ cảm thể nhận cảm các kích thích hóa học (mùi, vị).
          Các thụ cảm thể nhận cảm áp lực (tăng áp lực gây đau).

          Tùy theo từng tổ chức mà các loại thụ cảm thể phân bố nhiều hay ít. Chẳng hạn ở da có nhiều thụ cảm thể nhận cảm kích thích cơ học và kích thích nhiệt. Nhờ nó mà khi có vật chạm vào da, châm chích lên da, nóng lạnh tác động lên da, ta nhận biết được. Nhưng da lại không có thụ cảm thể nhận cảm mùi, vị nên các mùi vị tác động lên da, chúng ta không cảm nhận được. Niêm mạc mũi có nhiều thụ cảm thể nhận cảm mùi, niêm mạc lưỡi có nhiều thụ cảm thể nhận cảm vị, giúp cho ta nhận cảm được mùi khi ngửi, vị khi nếm. Các tạng trong ổ bụng hầu như không có thụ cảm thể nhận cảm kích thích cơ học, nhưng có nhiều thụ cảm thể nhận cảm áp lực. Vì vậy, các tạng trong ổ bụng chỉ cho cảm giác đau khi áp lực của chúng tăng. Khi tắc đường dẫn mật gây ứ mật, làm áp lực trong túi mật và đường mật tăng, gây ra cơn đau quặn gan. Sỏi niệu quản gây tắc đường dẫn nước tiểu, nước tiểu ứ lại trong bể thận gây tăng áp lực trong thận và xuất hiện cơn đau quặn thận. Khi soi dạ dày, người ta cắt một mẩu niêm mạc dạ dày để xét nghiệm tế bào gọi là sinh thiết, bệnh nhân không hề thấy đau, nhưng khi dạ dày đầy hơi, nhu động dạ dày tăng làm tăng áp lực trong dạ dày lại gây ra đau.

          Các thụ cảm thể nhận cảm cảm giác đau có đặc điểm là không thích nghi, có nghĩa là không gây quen. Khi các kích thích đau tác động liên tục vào các bộ phận nhận cảm đau, các bộ phận thu nhận cảm giác ngày càng được hoạt hóa, do đó cảm giác đau ngày càng tăng. Điều này đặc biệt quan trọng vì nó kiên trì thông báo cho chúng ta biết những tổn thương gây cảm giác đau vẫn đang tồn tại. Các thụ cảm thể nhận cảm mùi lại khác, khi có một mùi nào đó tác động liên tục lên niêm mạc mũi, chúng ta chỉ ngửi thấy mùi lúc đầu, một thời gian sau không còn ngửi thấy mùi nữa, mặc dù mùi đó vẫn tác động lên niêm mạc mũi. Đặc tính này được gọi là đặc tính thích nghi hoặc là quen với kích thích, đặc tính này thường gặp ở các loại kích thích không gây nguy hiểm.

2. CÁC CẤU TRÚC NHẬN CẢM ĐƯỢC CẢM GIÁC ĐAU CỦA CỘT SỐNG THẮT LƯNG

          Mâm sụn của thân đốt sống và sụn của diện khớp đốt sống không có thụ cảm thể nhận cảm đau nên không biết đau, trừ khi lớp sụn bị dập đè ép vào các cấu trúc xung quanh có sợi thần kinh báo nhận đau. Đây là sự hoàn hảo mà tạo hóa ban cho cơ thể, vì lớp sụn thường xuyên chịu sức ép của hai đốt xương khi đi, khi đứng, khi di chuyển, nếu có sợi thần kinh báo nhận đau thì lúc nào ta cũng cảm thấy đau.

          Thân xương đốt sống không có thụ cảm thể nhận cảm đau, chỉ có lớp màng xương bên ngoài có thụ cảm thể nhận cảm đau. Khi xương bị ung thư, bị gãy, bị đè ép, tác động lên màng xương mới gây đau.

          Vòng sợi và nhân nhầy đĩa đệm cũng không biết đau.

          Các dây chằng cột sống, bao khớp đốt sống, màng xương có nhiều thụ cảm thể nhận cảm đau. Khi các tổ chức này bị tổn thương hoặc bị kích thích như bị dè ép, căng kéo sẽ gây đau.

          Các rễ thần kinh nếu bị đè ép, kéo căng, chấn thương, sẽ gây đau và làm tê liệt, mất cảm giác ở phần cơ thể mà nó chi phối.
Các cơ vùng thắt lưng có nhiều thụ cảm thể báo nhận đau nên dễ cảm nhận thấy đau khi bị tổn thương.

3. ĐAU TẠI THẮT LƯNG (HỘI CHỨNG CỘT SỐNG)
3.1. Đau thắt lưng cấp tính (đau kéo dài không quá 6 tuần) và đau thắt lưng bán cấp tính (đau kéo dài 6 – 12 tuần)

+ Khởi phát đau: đau tại vùng thắt lưng, có thể xảy ra cấp tính sau một chấn thương, sau mang vác nặng hoặc một cử động đột ngột, sau một đêm ngủ ở tư thế lệch vẹo cột sống hoặc sau nhiễm lạnh. Cũng có thể xuất hiện đau cấp tính mà không tìm thấy nguyên nhân chấn thương. Đau cũng có thể xuất hiện từ từ, tăng dần trong một vài ngày, thường liên quan tới các chấn thương nhẹ kéo dài, được gọi là các vi chấn thương. Lao động chân tay nặng kéo dài, rung xóc mạnh như khi phải đi xe ô tô dường dài, lái máy kéo, máy ủi. Tư thế nghề nghiệp như cúi lâu, ngồi lâu, tư thế lệch vẹo, đi guốc cao gót… Nhiều trường hợp đau xuất hiện liên quan đến nhiễm lạnh hoặc thay đổi thời tiết.

+ Cường độ đau: mức độ đau có thể nặng, cấp tính, tiến triển trong vài ngày tới hai đến ba tuần thì giảm dần. Đau cấp tính thường dữ dội, làm người bệnh không dám cúi, ngửa, nghiêng hoặc xoay cột sống, có thể phải nằm yên trên giường. Đau sâu, liên tục, cường độ mạnh, đau giảm khi nằm nghỉ. Các đau như vậy thường gặp trong các bệnh lý gãy lún thân đốt sống, thoát vị đĩa đệm mới. Nếu đau cả ngày và đêm, nằm nghỉ không giảm đau hoặc giảm không đáng kể, các thuốc giảm đau chỉ đỡ vài giờ rồi đau trở lại. Các đau như vậy có thể do lao cột sống, ung thư cột sống, viêm đĩa đệm hoặc thân đốt sống do vi khuẩn.

          Đau thắt lưng cấp hoặc bán cấp thường kèm theo co cứng khối cơ thắt lưng, sờ nắn thấy khối cơ thắt lưng cứng chắc, tư thế cột sống lệch vẹo. Người bệnh làm các động tác cúi, ngửa, nghiêng, xoay cột sống bị hạn chế và đau tăng. Cột sống cứng, mất đường cong bình thường. Các triệu chứng trên rất rõ khi đau thắt lưng cấp, nhẹ khi đau thắt lưng bán cấp. Dùng ngón tay ấn hoặc dùng búa phản xạ gõ nhẹ vào đầu các mỏm gai sau, hoặc ấn vào cạnh cột sống khe giữa hai đốt sống, có thể tìm thấy điểm đau.

3.2. Đau thắt lưng mạn tính (đau kéo dài hơn 12 tuần)

+ Khởi phát đau: thường gặp khởi phát từ từ và hay tái phát, thường do thoái hóa đĩa đệm cột sống (hư đĩa đệm).

+ Cường độ đau: đau có thể nhẹ, từ từ, với đặc điểm đau ê ẩm, căng tức, nhức mỏi, thường do thoái hóa đĩa đệm. Các đau mạn tính thường nhẹ, hay tái phát, người bệnh vẫn có thể đi lại, sinh hoạt được. Đau giảm hoặc hết khi nằm nghỉ, đau tăng lên khi vận động, đi lại nhiều, ngồi hoặc đứng lâu ở một tư thế. Đau mạn tính thường do thoái hóa đĩa đệm. Nếu đau mạn tính dai dẳng, ít liên quan đến vận động, chấn thương hoặc nghề nghiệp, nghỉ ngơi không đỡ hoặc đỡ ít, thường do các bệnh lý khác của cột sống không phải thoái hóa như viêm cột sống dính khớp, lao cột sống. Đau thắt lưng mạn tính cũng có thể xảy ra sau một đợt đau thắt lưng cấp, đau lan xuống chân theo khu vực phân bố của rễ thần kinh và mang tính chất cơ học, nghĩa là đau tăng lên khi vận động, giảm khi nằm nghỉ. Đây là kiểu tiến triển hai pha, đặc trưng của thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.

          Đau tại thắt lưng, có thể không có hội chứng rễ thần kinh hoặc kèm theo hội chứng rễ (đau lan theo rễ, dây thần kinh xuống mông, đùi, cẳng chân). Đau không có hội chứng rễ, chỉ khư trú ở vùng cột sống và cạnh cột sống thắt lưng. Đau chỉ xuất hiện khi các cấu trúc nhậy cảm đau của cột sống bị tổn thương trực tiếp hoặc tổn thương ở khu vực khác lan tới. Đau có thể xuất phát từ dây chằng dọc sau, màng cứng của tủy sống, màng xương, gân, dây chằng, các cơ cạnh cột sống, khớp đốt sống và các cấu trúc cạnh khớp.

4. ĐAU KIỂU RỄ THẦN KINH (HỘI CHỨNG RỄ)

          Rễ thần kinh là bó dây thần kinh từ tủy sống chui ra qua lỗ gian đốt sống , gồm các dây thần kinh vận động xuất phát từ các tế bào thần kinh nằm trong tủy sống và các dây thần kinh cảm giác từ ngoại vi đi vào tủy sống qua lỗ gian đốt sống. Tên các rễ thần kinh được đặt cùng tên của các đốt sống ngay trên nó. Mỗi rễ thần kinh phụ trách vận động một số cơ và phụ trách cảm giác một vùng da nhất định, rễ bên nào phụ trách phía cơ thể bên đó. Khi rễ thần kinh bị đè ép, căng kéo, dập sẽ gây ra cảm giác đau kiểu rễ thần kinh. Đau kiểu rễ thân kinh có đặc điểm:

          Đau tại chỗ rễ thần kinh bị tổn thương và lan dọc theo đường đi của dây thần kinh thuộc rễ đó.

          Gây bại hoặc liệt, teo các cơ do dây thần kinh của rễ đó chi phối và làm giảm hoặc mất phản xạ gân xương tương ứng.

          Tê bì, giảm cảm giác vùng da do các dây thần kinh của rễ đó chi phối.

          Đau có tính chất nhức nhối, buốt, giảm hoặc không đau khi nghỉ, khi ở tư thế làm chùng dây thần kinh (gấp gối và hông). Đau tăng lên khi đứng, đi lại, cử động cột sống, ho, hắt hơi hoặc làm căng dây thần kinh (nằm ngửa, nâng chân lên ở tư thế chân duỗi thẳng hoặc đứng cúi để ngón tay chạm sàn nhà trong khi gối thẳng). Tuy nhiên, cũng có khi đau liên tục không phụ thuộc vào tư thế. Giảm khả năng đi lại, sinh hoạt của bệnh nhân. Nếu dùng đầu ngón tay ấn vào cạnh cột sống, tương ứng giữa khe gian đốt sống mà rễ thần kinh tổn thương chui ra, bệnh nhân sẽ thấy đau và đau lan xuống dưới mông và đùi theo đường đi của rễ thần kinh, người ta gọi là dấu hiệu bấm chuông.

          Ấn các điểm giữa nếp lằn mông, giữa mặt sau đùi, giữa nếp gấp khoeo, giữa mặt sau bắp chân, các điểm này tương ứng với với đường đi của dây thần kinh hông to, bệnh nhân sẽ thấy đau tại chỗ ấn.

          Nếu để người bệnh nằm ngửa, duỗi thẳng hai chân, nâng từng chân lên ở tư thế chân thẳng, bình thường có thể nâng chân vuông góc với mặt giường (900), nếu nâng chân chưa được 900, bệnh nhân đau dọc mặt sau đùi hoặc đau vùng thắt lưng không thể nâng lên được nữa là biểu hiện của đau rễ thần kinh. Một cách khác là cho bệnh nhân nằm ngửa, để đùi vuông góc với mặt giường, cẳng chân vuông góc với đùi, giữ nguyên đùi, nâng cẳng chân của người bệnh lên. Bình thường có thể nâng cẳng chân thẳng với đùi, nếu chưa đạt được như vậy bệnh nhân thấy đau dọc mặt sau đùi hoặc đau thắt lưng là biểu hiện của đau rễ thần kinh (nghiệm pháp Lasègue dương tính). Các nghiệm pháp này có tác dụng làm kéo căng rễ thần kinh và gây đau nếu rễ thần kinh bị tổn thương.

          Rễ L5 chui qua khe gian đốt L5 – S1, chi phối cảm giác da dọc mặt ngoài đùi, mặt ngoài cẳng chân tới mắt cá ngoài, mu bàn chân, ngón chân cái và ngón thứ hai. Thoát vị đĩa đệm L4 – L5 sẽ gây chèn ép rễ L5, bệnh nhân sẽ thấy tê bì, giảm cảm giác các vùng này. Rễ L5 phụ trách vận động nhóm cơ chày trước, khi bị tổn thương, bệnh nhân sẽ khó gấp bàn chân về phía mu chân và rất khó đứng bằng gót chân.

          Rễ S1 chui qua lỗ gian đốt S1 – S2, chi phối cảm giác da dọc mặt sau đùi, mặt sau cẳng chân tới gót chân, gan bàn chân, ngón chân thứ ba, bốn và năm. Thoát vị đĩa đệm L5 – S1 sẽ gây chèn ép vào rễ S1, bệnh nhân sẽ thấy tê bì, giảm cảm giác các vùng này. Rễ S1 phụ trách vận động cơ dép (mặt sau cẳng chân) nên bệnh nhân khó gấp bàn chân về phía gan chân, khó đứng bằng mũi chân. Phản xạ gân gót bị giảm hoặc mất.

5. NGUYÊN NHÂN GÂY ĐAU THẮT LƯNG
5.1. Căng giãn cơ, dây chằng cột sống quá mức

          Đây là nguyên nhân thường gặp nhất của đau thắt lưng. Nhưng thật may mắn, đau thắt lưng do nguyên nhân này là không đáng lo ngại. Đau xảy ra sau các động tác sai tư thế, do các cử động đột ngột trong sinh hoạt, lao động. Đau cũng có thể xuất hiện do giữ cột sống thắt lưng ở tư thế lệch vẹo một thời gian lâu như nằm ngủ trên võng, nằm ngủ ở tư thế xoay vặn người, ngồi làm việc hoặc học tập ở tư thế cột sống lệch vẹo. Các đau này thường là đau cấp tính hoặc bán cấp tính, tuy dữ dội nhưng không đáng lo ngại, sẽ tự khỏi sau khi nằm nghỉ một vài ngày rồi chườm nóng, điện xung, tập luyện nhẹ nhàng cột sống thắt lưng.

5.2. Hư đĩa đệm cột sống (thoái hóa cột sống)

         Đây là nguyên nhân thường gặp thứ hai, thường thấy ở người trên 40 tuổi, tuổi càng cao càng hay gặp. Đau thắt lưng do thoái hóa đĩa đệm thường là đau mạn tính, hay tái phát, đau thắt lưng đơn thuần hoặc có kèm theo hội chứng rễ (đau lan xuống mông và chân). Đau có các đặc điểm sau:

+ Tuổi thường trên 40.
+ Đau thường âm ỉ, tức mỏi ở vùng thắt lưng.
+ Đau có tính chất cơ học rõ: đau tăng lên khi vận động, nằm nghỉ thì giảm hoặc hết đau.
+ Chụp X-quang cột sống thắt lưng tư thế thẳng và nghiêng có các biểu hiện sau:

- Mất đường cong sinh lý của cột sống thắt lưng, cột sống thắt lưng trở nên thẳng hoặc vẹo sang bên mà không cong ưỡn về trước như bình thường.
- Xương dưới mâm sụn của đốt sống tăng cản quang (dấu hiệu dày đậm xương dưới mâm sụn).
- Khe gian đốt sống thắt lưng hẹp lại (khe gian đốt sống nhỏ hơn 1/3 chiều cao thân đốt sống kế cận).
- Có gai xương ở bờ thân đốt sống
- Có hình ảnh giả trượt thân đốt sống

Hình 1: Thoái hóa cột sống với gai xương thân đốt sống.

5.3. Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

          Tác giả Sapota (1970) đưa ra 6 tiêu chuẩn lâm sàng để chẩn đoán thoát vị đĩa dệm như sau:

+ Có yếu tố chấn thương (chấn thương mạnh hoặc vi chấn thương do nghề nghiệp).
+ Đau cột sống thắt lưng lan xuống mông và chân.
+ Đau có tính chất cơ học (đau tăng lên khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi).
+ Lệch vẹo cột sống, co cứng cơ cạnh cột sống.
+ Dấu hiệu bấm chuông dương tính: ấn cạnh cột sống đau lan xuống mông và chân.
+ Dấu hiệu Lasègue dương tính: nằm ngửa, chân không đau duỗi, chân đau co để đùi vuông góc với mặt giường, cẳng chân vuông góc với đùi. Giữ nguyên đùi ở tư thế vuông góc với mặt giường, cầm cổ chân nâng cẳng chân lên, người bệnh thấy đau ở mặt sau đùi và thắt lưng không thể nâng được cẳng chân thẳng với đùi như bình thường.

Hình 2. Phim chụp MRI cột sống thắt lưng cho thấy thoát vị đĩa đệm L4-L5.

          Nếu người bệnh có 4 tiêu chuẩn trở lên trong 6 tiêu chuẩn trên thì có thể chẩn đoán được là có thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Muốn chẩn đoán chắc chắn thoát vị đĩa đệm và chẩn đoán thể thoát vị đĩa đệm, người bệnh cần được chụp cộng hưởng từ hạt nhân hoặc chụp đĩa đệm có bơm thuốc cản quang.

5.4. Loãng xương

          Loãng xương cũng là bệnh thường gặp ở người cao tuổi hoặc phụ nữ đã mãn kinh. Loãng xương có thể gây đau cột sống thắt lưng và đau có đặc điểm:

+ Gặp ở phụ nữ sau mãn kinh 3 – 4 năm hoặc đàn ông trên 70 tuổi.
+ Đau thắt lưng mạn tính, đau lan tỏa không xác định được điểm đau.
+ Gù cong cột sống.
+ Chụp X-quang cột sống thấy:

- Mặt trên thân đốt sống lõm hơn bình thường, nặng hơn sẽ thấy lõm cả mặt trên và mặt dưới thân đốt sống.
- Thân đốt sống ít cản quang, trở nên trong hơn, nếu nặng có thể có hình ảnh khung thân đốt sống (thân đốt sống trong, viền quanh thân đốt sống đậm).
- Một hoặc nhiều thân đốt sống bị xẹp lún phía trước, làm thân đốt sống nhìn giống như hình chêm hoặc hình lưỡi.
          Các hình ảnh X-quang trên xuất hiện khi loãng xương đã nặng, để chẩn đoán sớm cần làm các xét nghiệm có độ chính xác cao như chụp photon đơn, chụp photon kép, siêu âm đo mật độ xương, chụp cộng hưởng từ hạt nhân…

5.5. Xẹp lún thân đốt sống do chấn thương

+ Có nguyên nhân chấn thương. Nếu ở người trẻ dưới 30 tuổi, chấn thương thường phải mạnh như ngã từ cao xuống ở tư thế ngồi, tai nạn giao thông… Nếu ở người đã có loãng xương thì chỉ cần các vi chấn thương, chẳng hạn như bước hụt chân, trượt chân, cũng có thể gây gãy lún thân đốt sống.
+ Đau thắt lưng cấp tính sau chấn thương, đau cố định ở một vị trí.
+ Gù nhọn cột sống (nhìn phía sau có cảm giác mỏm gai một đốt sống lồi lên).
+ Ấn hoặc gõ nhẹ bằng búa phản xạ vào mỏm gai đốt sống bị gãy lún sẽ thấy đau chói.
+ Chụp X quang cột sống thắt lưng thẳng và nghiêng cho chẩn đoán xác định, thấy thân đốt sống bị xẹp lún phía trước tạo thành hình chêm.

Hình 3: Gãy xẹp thân đốt sống.

5.6. Trượt thân đốt sống

          Trượt thân đốt sống thực sự thường do hở eo đốt sống. Hở eo là một tật bẩm sinh do cuống đốt sống không được cốt hóa hoàn toàn, để hở một khe thấy được trên phim X quang, có thể gặp ở đốt L5 hoặc L4, L3. Loại trượt này thường tự nhiên, không có nguyên nhân chấn thương thường do tật bẩm sinh hở eo đốt sống.

          Giả trượt thân đốt sống thường do thoái hóa đĩa đệm cột sống, nó không phải là trượt thân đốt sống thực sự mà do gai xương mọc ở phía trước thân đốt sống, trên phim chụp X quang nghiêng có cảm giác thân đốt sống nhô về trước.
Biểu hiện của trựơt thân đốt sống:

+ Đau cột sống thắt lưng.
+ Vuốt dọc gai sau cột sống thấy có điểm lõm tương ứng với thân đốt sống bị trượt ra trước (đấu hiệu nhát dìu).
+ Có thể có hội chứng rễ (đau lan xuống mông và chân) nếu thân đốt trượt quá 1/4 đường kính gây chèn ép rễ thần kinh.
+ Chụp X quang cột sống thắt lưng thẳng và nghiêng, thấy thân đốt sống phía trên trượt ra trước so với đốt sống phía dưới.

Hình 4: Trượt thân đốt sống L4.

5.7. Viêm cột sống dính khớp

+ Thường gặp ở thanh niên nam giới, trẻ dưới 30 tuổi.
+ Đau và cứng cột sống thắt lưng kéo dài trên 3 tháng, nghỉ ngơi không đỡ đau.
+ Cột sống thắt lưng cứng và thẳng, hạn chế tất cả các động tác: cúi, ngửa, nghiêng, xoay.
+ Đau khớp xương ức-đòn, các khớp xương ức-sườn. Hạn chế độ giãn lồng ngực (dùng thước dây đo vòng ngực ngang qua liên sườn 4, khi hít vào sâu hết mức và khi thở ra hết mức chênh lệch dưới 2,5 cm).
+ Chụp X-quang khớp cùng chậu hai bên có viêm khớp cùng chậu.
+ Có thể có đau các khớp lớn như khớp háng, khớp gối, khớp khuỷu.

 

Hình 5: Cột sống hình thân cây tre do tạo thành các cầu xương và viêm khớp cùng chậu ở bệnh nhân viêm cột sống dính khớp.

5.8. Lao cột sống

+ Hiện tại hoặc trước đây có lao phổi, lao màng phổi hoặc lao hạch.
+ Đau âm ỉ cột sống, khu trú tại một hoặc hai thân đốt sống, đau cả khi nằm nghỉ, tăng lên khi vận động, về sau đau liên tục.
+ Thường có sốt nhẹ về chiều, gầy xút cân, ra mồ hôi ban đêm, kém ăn.
+ Chụp X quang cột sống thẳng và nghiêng, thấy hai thân đốt sống kế cận bị phá hủy, khe gian đốt giữa hai đốt sống hẹp.

5.9. Ung thư cột sống

+ Tuổi thường trên 40.
+ Hiện tại hoặc trước đây đã được chẩn đoán ung thư ở một cơ quan khác.
+ Đau cột sống liên tục, ngày càng tăng, đau cả ngày và đêm. Dùng thuốc giảm đau không đỡ hoặc chỉ đỡ ít trong vài giờ lại đau trở lại.
+ Người gầy, xút cân nhanh.
+ Chụp X quang cột sống, tốt nhất nên chụp cộng hưởng từ hạt nhân (MRI) thấy thân đốt sống bị phá hủy.

5.10. Viêm đốt sống do vi khuẩn không phải lao

          Đây là bệnh rất hiếm gặp, vi khuẩn từ một ổ nhiễm khuẩn khác trong cơ thể theo đường máu tới thân đốt sống. Đau thắt lưng có đặc điểm:

+ Đau liên tục cả ngày và đêm, đau nhức buốt, nằm nghỉ không đỡ.
+ Toàn thân có triệu chứng nhiễm khuẩn: sốt, bạch cầu trong máu cao.
+ Hiện tại hoặc ngay trước đó bị một bệnh nhiễm khuẩn như mụn nhọt, viêm phổi, viêm cơ…
+ Chụp X quang cột sống thắt lưng thấy hình ảnh phá hủy thân đốt sống.

5.11. Một số nguyên nhân khác

+ Gai đôi cột sống, đây là tật bẩm sinh. Cung sau của thân đốt sống, hay gặp là đốt xương cùng một, đốt thắt lưng năm hoặc bốn, không được cốt hóa hoàn toàn, để lại một khe hẹp hoặc rộng thấy được trên phim X quang chụp ở tư thế thẳng.

Hình 6: Gai đôi S1.

+ Cùng hóa đốt thắt lưng thứ năm, đây là tật bẩm sinh. Đốt thắt lưng thứ năm thấp, cả hai gai gang hoặc chỉ có một gai ngang tạo thành khớp với xương cánh chậu.

+ Thắt lưng hóa xương cùng một, đây là tật bẩm sinh. Đốt xương cùng thứ nhất ở cao và hai gai ngang tự do, không tạo thành khớp với xương cánh chậu, nó trở thành đốt thắt lưng thứ sáu.

+ Hở eo đốt sống, đây là dị tật bẩm sinh, trên phim X-quang có hình ảnh "chó đeo vòng cổ", có thể gây trượt thân đốt tự phát hoặc sau một chấn thương nhẹ.

Hình 7: Hình ảnh chó đeo vòng cổ do hở eo thân đốt sống.

         Các dị tật bẩm sinh vùng cột sống thắt lưng thường gây đau thắt lưng ở người trẻ, thanh thiếu niên, mà không có nguyên nhân chấn thương.

+ Viêm khớp đốt sống (nằm trong bệnh cảnh của viêm khớp dạng thấp).

5.12. Đau thắt lưng do các bệnh nội tạng

          Một số bệnh của các cơ quan trong ổ bụng hoặc vùng khung chậu nhỏ, có thể gây đau vùng thắt lưng, hoặc đau lan ra vùng thắt lưng. Đặc điểm của loại đau này là đau cả vùng, không xác định được vị trí rõ rệt, đau ở một bên hoặc hai bên thắt lưng. Không thấy thay đổi hình dạng cột sống, vận động cột sống ở các tư thế cúi, ngửa, nghiêng, xoay bình thường, không gây đau tăng. Không có phản ứng co cứng khối cơ thắt lưng, có các triệu chứng kèm theo của bệnh nội tạng. Các bệnh nội tạng có thể gây đau vùng thắt lưng gồm:

+ Bệnh thận, đường tiết niệu:

- Viêm cầu thận cấp, viêm cầu thận mạn, viêm thận – bể thận cấp. Đau thường nhẹ, âm ỉ vùng hố thắt lưng, có thể đau một bên hoặc hai bên. Thường kèm theo phù hoặc đái rắt đái buốt, đái ra máu.
- Sỏi đài, bể thận, sỏi niệu quản. Đau có đặc điểm thành cơn (đau quặn thận) ở một bên vùng thắt lưng, lan xuyên xuống bộ phân sinh dục.

+ Bệnh đường tiêu hóa:

- Loét dạ dày, tá tràng, ung thư dạ dày. Đau vùng thượng vị lan xuyên ra phía sau lưng, đau có liên quan đến ăn uống.
- Bệnh tụy như sỏi tụy, viêm tụy cấp, viêm tụy mạn.
- Bệnh gan mật như sỏi đường dẫn mật, viêm gan mạn cũng có thể đau lan ra vùng thắt lưng.
- Bệnh phụ khoa như u nang buồng trứng, u xơ tử cung, viêm phần phụ, đau bụng kinh nguyệt, đau sau đặt vòng tránh thai.

6. Các vấn đề cần chú ý trong sinh hoạt và lao động

          Đau thắt lưng thường khởi phát sau các động tác trong sinh hoạt hoặc lao động sai tư thế. Yếu tố tư thế do nghề nghiệp cũng là một nguyên nhân quan trọng gây ra đau thắt lưng. Do vậy một ngư¬ời biết cách chăm sóc cột sống sẽ giữ được cột sống trẻ lâu, phòng và tránh được đau thắt lưng.

6.1. TƯ THẾ KHI NGỦ

         Nhiều trường hợp đau thắt lưng, đau cổ vai xảy ra sau khi ngủ dậy, do tư thế nằm ngủ không thích hợp. Một tư thế nằm ngủ thoải mái, không gây đè ép vào các dây thần kinh, các mạch máu nuôi dưỡng chi, không gây lệch vẹo cột sống, vừa giúp cho giấc ngủ được sâu vừa phòng tránh được đau thắt lưng và đau cổ vai.

+ Tư thế nằm ngửa: nằm ngửa trên giường phẳng, hai gót chân mở bằng vai, chỉ nên dùng một lớp đệm mỏng, nếu đệm dày nên dùng đệm cứng tránh mềm quá. Hai chân thẳng, có thể đệm một gối mềm và mỏng ở khoeo. Đầu chỉ gối một gối mỏng sát gáy, hai bàn tay để trên bụng. Đây là tư thế giữ cho cột sống ở đường cong sinh lý, các mạch máu và dây thần kinh đến các chi không bị căng kéo hay đè ép.

         Tránh gối đầu quá cao làm cổ gập về phía trước, các cơ, dây chằng và các rễ thần kinh vùng gáy bị kéo căng một thời gian dài sẽ gây phản ứng co cứng cơ và đau cổ gáy.

+ Tư thế nằm nghiêng: chân dưới duỗi, chân trên co, cánh tay phía dưới vuông góc với thân mình. Đầu được gối trên một gối cao bằng chiều rộng của vai để giữ cho đầu không bị nghiêng lệch về bên.
          Tránh gối đầu trên gối mỏng hoặc quá cao, làm đầu bị nghiêng lệch sang bên, dễ gây đau cổ gáy. Thân mình không đ¬ược đè lên cánh tay phía dưới gây đè ép vào động mạch và thần kinh cánh tay, nhiều trường hợp sau ngủ dậy bị liệt một bên tay do động mạch và thần kinh bị đè ép.

+ Cần tránh ngủ trên võng vì làm cột sống thắt lưng bị cong gập về phía trước, các cơ, dây chằng và rễ thần kinh vùng thắt lưng bị căng giãn kéo dài, có thể gây đau thắt lưng. Ngủ ở tư thế này, đĩa đệm bị đè ép ở phía trước, áp lực trong đĩa đệm tăng gây thiếu nuôi dưỡng đĩa đệm. Ở người đã có thoát vị đĩa đệm hoặc lồi đĩa đệm, tư thế ngủ võng có thể là tăng thể tích thoát vị hoặc lồi đĩa đệm chèn ép vào rễ thần kinh hoặc tủy sống, đồng thời do vùng rễ thần kinh bị đè ép lâu gây phù nề tại chỗ lại gây tăng chèn ép, có thể làm khởi phát đau thắt lưng cấp.

6.2. LAO ĐỘNG HOẶC HỌC TẬP Ở TƯ THẾ NGỒI HOẶC ĐỨNG LÂU

          Nếu phải lao động hoặc học tập ở tư thế ngồi hoặc đứng lâu, phải luôn giữ cho cột sống ở tư thế thẳng, trọng lực rơi đúng giữa hai ụ nồi, ở tư thế này, lực sẽ phân bố đều lên đĩa đệm. Cần thay đổi tư thế mỗi 20 đến 30 phút một lần, tránh ngồi cúi gập về trước hoặc lệch vẹo về một bên, vì ở tư thế này áp lực tác động lên đĩa đệm tăng lên nhiều lần. Điều này đặc biệt quan trọng đối với lái xe ô tô, người đi xe ô tô hoặc xe máy đường dài, công nhân lái máy ủi… vì ngoài trọng lực, cột sống còn phải chịu lực rung sóc. Nếu phải thường xuyên đi công tác bằng xe ô tô đường dài, hoặc đi máy bay, nên sử dụng một đệm hơi vùng cổ và một đệm mềm vùng thắt lưng để giữ cột sống ở tư thế sinh lý, các loại đệm này hiện đang có bán trên thị trường.

6.3. KHI PHẢI NÂNG HOẶC NHẤC VẬT NẶNG TỪ THẤP LÊN

          Để nâng hoặc nhấc vật nặng từ dưới đất lên, tư thế đúng là gập gối, lưng giữ thẳng, nâng vật cân đối cả hai tay, vật càng gần trọng tâm cơ thể càng tốt, nâng vật lên trong khi vẫn giữ thẳng lưng.

Hình 8: Tư thế sai (bên trái) và tư thế đúng (bên phải) khi nâng vật nặng.

          Không nên cố gắng nâng vật nặng quá khả năng của mình hoặc lệch một bên hoặc nâng trong khi vật ở xa trọng tâm cơ thể. Cần tránh cúi khom lư¬ng để nâng vật nặng. Ở tư thế này, đĩa đệm phải chịu hai lực, thứ nhất là trọng lượng nửa trên cơ thể cộng với trọng lượng của vật nặng, thứ hai là lực co của khối cơ lưng để thắng hai trọng lực trên, làm cho lực ép lên cột sống tăng lên gấp bội. Nếu đĩa đệm đã thoái hóa, tư thế trên dễ gây thoát vị đĩa đệm ra phía sau. Nếu đã bị loãng xương, tư thế trên dễ gây xẹp lún thân đốt sống. Người bệnh sẽ có cảm giác khục và đau nhói ở cột sống thắt lưng. Thắt lưng đau dữ dội và khối cơ vùng thắt lưng co cứng, người bệnh sẽ không dám cử động cột sống thắt lưng.

          Tư thế xách vật nặng lệch về một bên cũng cần tránh. Ở tư thế này, trọng lượng kéo cột sống lệch về một bên, khối cơ đối bên phải co mạnh để giữ cân bằng, hai lực này ép lên cột sống, làm đĩa đệm phải chịu một lực tác động lớn.

         Nếu phải đẩy hoặc kéo vật nặng thì chọn đẩy tốt hơn kéo. Nếu vật nặng càng xa trọng tâm cơ thể thì lực tác động lên cột sống càng tăng, tốt nhất là bê vật nặng sát thân mình và luôn giữ cột sống thẳng để trọng lực rơi đúng giữa hai gót chân.

          Hãy quan sát tư thế cột sống của vận động viên lúc cử tạ, chúng ta sẽ thấy cột sống của các lực sĩ này luôn được giữ thẳng, và trọng lực của vật nặng luôn được đặt trùng với trục trọng tâm của cơ thể, nhờ đó mà các vận động viên có thể nâng được những vật nặng gấp nhiều lần trọng lượng cơ thể họ mà cột sống không bị tổn thương.

6.4. CÁC CỬ ĐỘNG ĐỘT NGỘT

          Bất cứ động tác nào của cơ thể cũng phải có sự tham gia của hai khối cơ, khối cơ chủ vận co để gây ra cử động, khối cơ đối vận co để giữ cho tầm mức vận động được chính xác. Sự co của hai khối cơ này phải được hợp đồng chặt chẽ, vì vậy cần có sự chuẩn bị về tinh thần hoặc khởi động nhẹ nhàng trước khi làm động tác. Nếu một động tác làm đột ngột, dù là động tác nhẹ cũng dễ gây sai lệch tư thế do sự phối hợp không đồng bộ giữa hai khối cơ chủ vận và đối vận. Các cử động như vậy dễ gây tổn thương như căng giãn, đứt rách dây chằng, bao khớp, điểm bám gân, sợi cơ, sai lệch khớp. Hiểu rõ điều này nên trư¬ớc khi bắt đầu buổi tập, huấn luyện viên bao giờ cũng buộc các vận động viên phải tập khởi động. Trong sinh hoạt và lao động hàng ngày cũng vậy, cần tránh các động tác đột ngột, giật cục, đặc biệt các động tác xoay vặn cột sống mà không được chuẩn bị trước. Những người được tập luyện thư¬ờng xuyên có thể tránh đư¬ợc các tổn thương khi có những động tác bất ngờ, do phản xạ đáp ứng nhanh nhậy hơn những người ít tập luyện.

6.5. NHIỄM LẠNH

         Rất nhiều bệnh lý khởi phát sau khi bị nhiễm lạnh, trong đó có đau thắt lưng. Khi bị nhiễm lạnh đột ngột, các mạch máu co thắt gây thiếu máu tại vùng bị nhiễm lạnh. Chuyển hóa tại chỗ giảm, sức đề kháng giảm, làm các vi khuẩn thường trú phát triển gây bệnh. Minh chứng rõ nhất là nhiễm lạnh dễ gây viêm họng, viêm amydal, viêm phổi, là những nơi có nhiều loại vi khuẩn thường trú.

          Sau giai đoạn co mạch toàn bộ, nếu nhiễm lạnh tiếp tục thì sẽ chuyển sang giai đoạn giãn các tĩnh mạch, trong khi các động mạch vẫn tiếp tục co thắt. Tình trạng này vừa gây thiếu máu vừa gây ứ máu tĩnh mạch, tổ chức thiếu oxy, thành mạch tăng tính thấm gây phù nề tại chỗ. Nếu dây hoặc rễ thần kinh chui trong một ống xương hẹp, tình trạng phù nề sẽ gây chèn ép cùng với thiếu nuôi dưỡng sẽ gây tổn thư¬ơng dây hoặc rễ thần kinh đó. Điển hình là liệt mặt do lạnh, dây thần kinh số bảy chi phối vận động các cơ vùng mặt chui trong ống xương đá, khi bị nhiễm lạnh có thể bị tổn thương và gây ra liệt nửa mặt và người ta gọi là liệt mặt do lạnh. Ở vùng thắt lưng, khi lỗ gian đốt sống bị hẹp do thoái hoá đĩa đệm, lồi đĩa đệm hoặc thoát vị đĩa đệm, nhưng hẹp chưa đến mức gây chèn ép rễ thần kinh thì chưa gây ra đau. Nếu bị nhiễm lạnh, phù nề và thiếu nuôi dưỡng sẽ làm tăng chèn ép và gây tổn thương rễ, làm xuất hiện đau thắt lưng lan xuống mông và chân.

         Lạnh còn gây co cứng cơ do phản xạ, co cứng cơ là một nguyên nhân gây ra đau thắt lưng.

          Vì những lý do trên cần phải tránh bị nhiễm lạnh, nhất là nhiễm lạnh đột ngột. Những người thường xuyên được rèn luyện với lạnh, sẽ có khả năng chịu lạnh tốt hơn những ngời ít rèn luyện vì tạo lập được phản xạ thích nghi nhanh nhậy hơn. Những người cao tuổi, người đã có tiền sử đau thắt lưng, người có bệnh mạn tính càng phải chú ý tránh bị nhiễm lạnh.

6.6. ĐI DÀY CAO GÓT

          Đi dày cao gót làm trọng tâm cơ thể bị lệch về phía trư¬ớc, do vậy người đi dày cao gót luôn phải ngửa về sau để giữ cân bằng. Sự mất cân đối về phân bố lực này kéo dài sẽ dẫn đến nhanh thoái hóa đĩa đệm, dễ thoái hóa khớp đốt sống, tổn thư¬ơng các dây chằng cột sống và gây ra đau thắt lưng. Đây là cái giá phải trả cho việc tạo dáng đẹp. Tốt nhất nên đi dày đế phẳng, nếu đi dày cao gót thì nên có chế độ tập luyện cột sống hàng ngày.

6.7. CHẾ ĐỘ ĂN

          Với người bị đau thắt lưng cấp hoặc mạn tính không cần chế độ ăn kiêng, bạn có thể ăn uống bình thường, chú ý cung cấp đủ dinh dưỡng, tăng cường rau quả tươi để bổ xung nhiều vitamin và các yếu tố vi lượng.

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI