Cong vẹo cột sống ở trẻ em

Cập nhật: 07/03/2020 Lượt xem: 2062

Nguyên nhân, dự phòng và điều trị cong vẹo cột sống ở trẻ em

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103, HVQY

Khái niệm Cong vẹo cột sống

Cong vẹo cột sống là trình trạng cột sống cong theo mặt phẳng trán và vẹo xoay của các thân đốt sống theo mặt phẳng ngang.

- Cong cột sống: Bình thường nhìn từ phía sau cột sống ở tư thế thẳng. Nếu đặt một dây dọi từ mỏm gai sau của đốt cổ 7, dây dọi sẽ đi qua khe mông tức là qua đỉnh của đốt xương cụt cuối cùng, các mỏm gai sau của thân đốt sống nằm thẳng trên dây dọi. Trẻ bị vẹo cột sống sẽ thấy các gai sau của thân đốt sống lệch khỏi dây dọi sang phía bên. Có thể cong ở đoạn cột sống lưng hoặc đoạn cột sống thắt lưng theo hình chữ C thuận hoặc hình chữ C nghịch. Có thể cong cả đoạn ngực và lưng theo hình chữ S thuận hoặc hình chữ S nghịch. Để đo độ cong của cột sống người ta đo góc cong theo phương pháp Cobb.

- Vẹo cột sống: Các thân đốt sống xoay theo mặt phẳng ngang. Bình thường khi cho người bệnh đứng khép hai chân, gối duỗi thẳng, cúi xuống để hai tay tự do hướng xuống mặt đất thì điểm cao nhất của cung sườn hai bên nằm trên mặt phẳng ngang. Trong trường hợp vẹo cột sống thì hai điểm này lệch nhau, một bên cao một bên thấp. Để đo góc vẹo cột sống người ta dùng thước Scoliometer.

Nguyên nhân gây cong vẹo cột sống

Cong vẹo cột sống được phân làm hai loại là cong vẹo không cấu trúc và cong vẹo cấu trúc.

- Cong vẹo không cấu trúc là cong vẹo cột sống mà các đốt sống không có biến dạng về giải phẫu. Cong vẹo không cấu trúc gặp trong một số nguyên nhân sau:

+ Vẹo tư thế: Cột sống vẹo khi đứng thẳng, khi cúi, khi nằm, khi được nhấc bổng lên nhưng bảo bệnh nhi đứng nghiêng về bên đường cong lồi thì hết vẹo. Loại cong vẹo này thường gặp do: Ngồi sai tư thế; ghế ngồi không phù hợp với chiều cao của học sinh; phòng học thiếu ánh sáng; một vài thói quen xấu của học sinh; ngồi học quá lâu, ít thay đổi tư thế.

+ Vẹo bù trừ: Bệnh nhi bị chân dài chân ngắn làm cột sống bị vẹo khi đứng thẳng. Nếu đi dép chỉnh hình để nâng đế ở chân thấp cho hai chân bằng nhau thì hết vẹo.

Như vậy cong vẹo cột sống không cấu trúc là cong vẹo cơ năng, khi giải quyết được nguyên nhân thì cột sống hết cong vẹo. Trong trường hợp này thì cột sống cong nhưng không vẹo và không bao giờ tiến triển trở thành cong vẹo cấu trúc.

- Cong vẹo cấu trúc là cong vẹo cột sống với các đốt sống bị biến dạng ở đường cong của cột sống. Trong hầu hết các trường hợp cong vẹo cấu trúc xuất hiện trước tuổi xương ngừng lớn kèm theo xoay (vẹo) và bao gồm bốn loại:

+ Cong vẹo bẩm sinh (Congentital scoliosis): Xuất hiện ở giai đoạn bào thai, thường do sự khiếm khuyết, biến dạng của thân dốt sống, khe khớp và đĩa đệm như: thiểu sản nửa thân đốt sống, dính nửa hai đốt sống, dính khóa cứng nhiều đốt sống, cầu nối nửa thân các đốt sống.

+ Cong vẹo tự phát: không rõ nguyên nhân, thường mang tính gia đình có thể xuất hiện ở trẻ nhỏ, thiếu nhi và tuổi dậy thì.

+ Cong vẹo do bệnh thần kinh cơ: là các trình trạng vẹo cột sống gây ra bởi các bất thường của tổ chức thần kinh và cơ. Thường gặp ở bệnh nhân bại não, bại liệt, nhược cơ, và các trình trạng bệnh lý của cơ và thần kinh ngoại biên.

+ Cong vẹo trong một số bệnh khác: Những bất thường của hệ xương như hội chứng Marfan, bệnh u xơ thần kinh, rối loạn chuyển hóa xương, bệnh rỗng tuỷ sống, bệnh thoát vị tuỷ - màng tuỷ, bệnh lao xương sống.

- Một số trường hợp cong vẹo xuất hiện sau tuổi xương ngừng phát triển và không kèm xoay như: cong vẹo do gẫy lún một bên thân sống, lao cột sống gây lún một bên thân đốt sống, bệnh khớp thoái hoá, chứng loãng xương gây xẹp lún một bên thân đốt sống.

Biến chứng của cong vẹo cột sống

- Thay đổi hình dáng cơ thể: gây mất thẩm mỹ, ảnh hưởng lớn đến tâm sinh lý, sức khỏe tinh thần của trẻ.

- Tổn thương phổi và tim: Trong trường hợp vẹo cột sống nặng, khung sườn bị biến dạng có thể đè ép vào phổi và tim làm cho trẻ khó thở, giảm sức co bóp của tim, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Biến dạng khung chậu ở trẻ em nữ có thể ảnh hưởng đến sinh đẻ sau này.

- Vấn đề ở lưng: Bệnh nhân vẹo cột sống bị ảnh hưởng tới khả năng lao động, học tập và hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Trẻ thường bị đau lưng mạn tính nhiều hơn người bình thường.

Điều trị cong vẹo cột sống

Trẻ cần được can thiệp ngay khi phát hiện ra cong vẹo cột sống. Kỹ thuật can thiệp phụ thuộc vào độ cong vẹo cột sống.

+ Góc Cobb < 20 độ: sử dụng các bài tập phục hồi chức năng và theo dõi mỗi 6 tháng một lần để đánh giá mức độ tiến triển.

+ Góc Cobb 20 - 45 độ: mang áo nẹp cột sống và theo dõi mỗi 6 tháng một lần.

+ Góc Cobb tiến triển xấu đi nhanh > 40 độ thì tiến hành phẫu thuật.

Cách đo góc Cobb.

Khi phát hiện trẻ cong vẹo cột sống cha mẹ cần đưa trẻ đến các khoa Phục hồi chức năng để được khám và điều trị phù hợp.

Dự phòng cong vẹo cột sống

Luôn tập và giữ cho trẻ ngồi đúng tư thế, chọn ghế và bàn có chiều cao phù hợp với chiều cao của trẻ, phòng học phải đủ ánh sáng, khi ngồi cần khuyến khích trẻ thay đổi tư thế, không để trẻ ngồi quá lâu thường mỗi 30 phút cần cho trẻ ra ngoài hoạt động, với những trẻ em có chân dài chân ngắn cần được đi khám để được di dày, dép chỉnh hình.

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI