Suy dinh dưỡng ở trẻ em

Cập nhật: 07/12/2016 Lượt xem: 10090

Suy dinh dưỡng ở trẻ em

1. Đại cương

1.1. Định nghĩa

Suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết làm ảnh huởng đến quá trình sống, hoạt động và tăng trưởng bình thường của cơ thể.

1.2. Nguyên nhân

Suy dinh dưỡng có thể xảy ra do giảm cung cấp chất dinh dưỡng, tăng tiêu thụ dưỡng chất hoặc cả hai.

1.2.1. Giảm cung cấp

Không cung cấp đủ lương thực thực phẩm

Trẻ biếng ăn, ăn không đủ nhu cầu.

Thức ăn chế biến không phù hợp, năng lượng thấp.

1.2.2. Tăng tiêu thụ

Trẻ bị bệnh, nhất là bệnh kéo dài.

Nhiễm Ký sinh trùng đường ruột.

Thất thoát chất dinh dưỡng do bệnh lý.

1.2.3. Kết hợp cả hai

Trong đa số trường hợp, suy dinh dưỡng xảy ra do sự kết hợp của cả 2 cơ chế, vừa giảm năng lượng ăn vào vừa tăng năng lượng tiêu hao (Ví dụ trẻ bệnh nhưng mẹ lại cho ăn kiêng).

1.3. Nguy cơ của suy dinh dưỡng

- Tăng tỉ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi: Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 54% trường hợp tử vong của trẻ dưới 5 tuổi ở các nước đang phát triển có liên quan đến thiếu dinh dưỡng ở mức độ vừa và nhẹ.

- Tăng các nguy cơ bệnh lý: Nhiễm trùng hô hấp, tiêu chảy... Suy dinh dưỡng là điều kiện thuận lợi để các bệnh lý này xảy ra và kéo dài, bệnh lý làm cho trẻ ăn uống kém, nhu cầu năng lượng gia tăng và vì vậy suy dinh dưỡng ngày càng trở nên nặng nề hơn.

- Chậm phát triển thể chất: Ảnh hưởng trên tầm vóc. Thiếu dinh dưỡng là nguyên nhân trực tiếp làm cho tất cả các hệ cơ quan của cơ thể giảm phát triển, bao gồm của cả hệ cơ xương, nhất là khi tình trạng thiếu dinh dưỡng diễn ra sớm như suy dinh dưỡng trong giai đoạn bào thai và giai đoạn sớm trước khi trẻ được 2 tuổi. Nếu tình trạng suy dinh dưỡng kéo dài đến thời gian dậy thì, chiều cao của trẻ sẽ càng bị ảnh hưởng trầm trọng hơn. Chiều cao của trẻ được quy định bởi di truyền, nhưng dinh dưỡng chính là điều kiện cần thiết để trẻ đạt tối đa tiềm năng di truyền của mình.

- Chậm phát triển tâm thần: Suy dinh dưỡng ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của não bộ trong giai đoạn trẻ dưới 6 tuổi. Trẻ bị thiếu dinh dưỡng thường là thiếu đồng bộ nhiều chất trong đó có những chất tối cần thiết cho sự phát triển não và trí tuệ của trẻ như chất béo, chất đường, sắt, iốt, DHA, Taurine... Trẻ bị suy dinh dưỡng cũng thường chậm chạp lờ đờ vì vậy giao tiếp xã hội kém, kéo theo sự giảm học hỏi, tiếp thu.

- Nguy cơ về mặt xã hội: Tầm vóc của dân tộc sẽ chậm tăng trưởng nếu tình trạng suy dinh dưỡng không được cải thiện qua nhiều thế hệ. Khả năng lao động về thể lực cũng như về trí lực của những người suy dinh dưỡng trong quá khứ hay trong hiện tại đều không thể đạt đến mức tối ưu, là một sự lãng phí vô  cùng lớn với những nước đang phát triển có nhu cầu về nguồn nhân lực rất cao. Nguồn nhân lực trong tương lai cũng sẽ bị ảnh hưởng vì tầm vóc và thể lực của các lớp thanh thiếu niên liên quan đến sức khỏe sinh sản.

2. Phát hiện suy dinh dưỡng

Đơn giản nhất là dùng biểu đồ tăng trưởng đánh giá cân nặng của trẻ theo độ tuổi. Biểu đồ tăng trưởng được đính kèm trong sổ theo dõi sức khỏe trẻ em, cấp cho mỗi trẻ sau sinh và dùng đến 6 tuổi. Hàng tháng trẻ sẽ được cân đo tại các cơ sở y tế địa phương, ghi nhận cân nặng vào biểu đồ và vẽ đường phát triển cân nặng theo tuổi. Trẻ được xem là có nguy cơ suy dinh dưỡng nếu đứng cân liên tục trong vòng 3 tháng, đường phát triển cân nặng theo tuổi đi theo hướng nằm ngang. Trẻ suy dinh dưỡng nếu đường phát triển cân nặng theo tuổi nằm bên dưới đường chuẩn của biểu đồ.

Tuy nhiên để đánh giá dinh dưỡng toàn diện cần có ít nhất 3 chỉ số:

- Cân nặng theo tuổi.

- Chiều cao theo tuổi.

- Tỉ số cân nặng / chiều cao.

Các chỉ số này sẽ được so sánh với bảng đánh giá tình trạng dinh dưỡng NCHS được Tổ chức Y Tế Thế Giới khuyến cáo áp dụng ở những nước đang phát triển.

Một số chỉ số nhân trắc khác cũng được dùng để phát hiện đánh giá suy dinh dưỡng như số đo vòng đầu, vòng cánh tay... nhưng thời gian sau này ít được áp dụng do không cụ thể, chi tiết và không chính xác vì phải phụ thuộc vào cách đo, kỹ năng thực hành...

3. Phân loại suy dinh dưỡng trên lâm sàng dựa trên chỉ số nhân trắc

3.1. Suy dinh dưỡng

Chỉ số cân nặng theo tuổi < –2SD so với quần thể tiêu chuẩn NCHS. Chỉ số này biểu hiện một tình trạng thiếu hụt về dinh dưỡng nhưng không đánh giá được tình trạng thiếu hụt đó xảy ra trong khoảng thời gian này hay từ trước. Dù vậy đây vẫn là chỉ số dễ áp dụng nhất trong cộng đồng nên vẫn thường được dùng như một chỉ số chuẩn đánh giá tình trạng thiếu dinh dưỡng của cộng đồng trong tất cả các cuộc điều tra về dinh dưỡng và dùng để phát hiện sớm tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng. Sau khi có hướng chẩn đoán suy dinh dưỡng dựa trên các chỉ số còn lại để đánh giá tình trạng suy dinh dưỡng.

3.2. Suy dinh dưỡng cấp

Chỉ số chiều cao theo tuổi bình thường, nhưng cân nặng/chiều cao <-2SD,  biểu thị suy dinh dưỡng mới diễn ra, và chế độ ăn hiện tại chưa phù hợp với nhu cầu.

3.3. Suy dinh dưỡng mạn đã phục hồi

Chiều cao theo tuổi <-2SD nhưng cân nặng theo chiều cao bình thường. Phản ảnh sự thiếu dinh dưỡng đã xảy ra trong một thời gian dài, nặng và sớm vì đã gây ảnh hưởng trên sự phát triển tầm vóc của trẻ. Nhưng tình trạng dinh dưỡng hiện đã phục hồi, ở những đối tượng này cần thận trọng với nguy cơ béo phì vì chiều cao thấp.

3.4. Suy dinh dưỡng mạn tiến triển

Chiều cao theo tuổi < -2SD và cân nặng theo chiều cao cũng <-2SD chứng tỏ tình trạng thiếu dinh dưỡng đã xảy ra trong quá khứ và tiếp tục tiến triển đến hiện nay.

3.5. Suy dinh dưỡng bào thai

Đánh giá dựa vào cân nặng <2500g, chiều dài < 48cm và vòng đầu <35cm sau khi trẻ chào đời.

4. Đánh giá mức độ suy dinh dưỡng

Có 3 mức độ suy dinh dưỡng: Nhẹ, vừa và nặng.

Ở tất cả các loại suy dinh dưỡng kể trên, khi có một chỉ số <-2SD là suy dinh dưỡng nhẹ, <-3SD là suy dinh dưỡng vừa, <-4SD là suy dinh dưỡng nặng.

Đối với suy dinh dưỡng bào thai, chỉ giảm cân nặng là suy dinh dưỡng nhẹ, giảm cân nặng và chiều cao là suy dinh dưỡng vừa, giảm cả cân nặng, chiều cao,  vòng đầu là suy dinh dưỡng nặng.

Các Bảng Đánh giá tình trạng dinh dưỡng trẻ em từ 0 đến dưới 5 tuổi dựa vào Z-Score (WHO – 2006)Các Bảng Đánh giá tình trạng dinh dưỡng trẻ em từ 5 đến dưới 19 tuổi dựa vào Z-Score (WHO – 2007)






5. Triệu chứng và thể lâm sàng

5.1. Giai đoạn sớm: Thường chỉ có biểu hiện đứng cân kéo dài hay sụt cân.

5.2. Giai đoàn toàn phát: Trẻ mệt mỏi, không hoạt bát, hay quấy khóc, chán ăn, ít ngủ, hay bệnh, chậm biết bò trườn, đi đứng, chậm mọc răng. Khi thăm khám thấy có thể biểu hiện của thể phù, thể teo đét hay hỗn hợp.

- Thể phù (Kwashiokor):

Trẻ chỉ được nuôi bằng chất bột, thiếu tất cả những chất dinh dưỡng đa lượng có cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng vi lượng khác. Gan sẽ tăng hoạt động tân tạo chất béo và chất đạm, kéo theo sự gia tăng hoạt động của các cơ quan khác như tim mạch, hô hấp, thận niệu…  trong một điều kiện thiếu hụt các chất hỗ trợ cho hoạt động chuyển hóa, kết quả là các cơ quan trong cơ thể dần dần trở nên suy kiệt, tế bào bị thoái hóa… Các triệu chứng lâm sàng thường gặp nhất là:

+ Phù trắng, mềm toàn thân: Do giảm đạm máu, giảm albumin trong máu làm giảm áp lực keo nên tăng thoát nước ra khoảng gian bào.

+ Rối loạn sắc tố da.

+ Thiếu máu: Da xanh, niêm nhạt, suy thoái ở da, lông, tóc, móng…

+ Còi xương, biểu hiện thiếu vitamin D, hạ canxi huyết.

+ Biểu hiện thiếu vitamin A: còi cọc, khô giác mạc, quáng gà, hay bệnh…

+ Triệu chứng bệnh ở các cơ quan: Gan thoái hoá mỡ, suy tim, giảm tiêu hoá hấp thu.

+ Chậm phát triển tâm thần, vận động.

- Thể teo đét (Maramus):

Trẻ thiếu dinh dưỡng toàn bộ, vẻ ngoài giống như ông già, các bắp thịt teo đét toàn bộ, các triệu chứng thiếu hụt chất dinh dưỡng tương tự như trong thể phù nhưng tiên lượng thường tốt hơn do tổn thương các cơ quan nhẹ hơn: gan không thoái hoá mỡ, không bị đe doạ suy tim, niêm mạc ruột bị ảnh hưởng ít, mức độ thiếu các chất dinh dưỡng thường nhẹ hơn thể phù.

- Thể hỗn hợp:

Thể phù sau khi điều trị phục hồi một phần, hết phù trở thành teo đét nhưng gan vẫn thoái hoá mỡ.

- Cận lâm sàng:

+ Thiếu máu nhược sắc: Hồng cầu giảm về số lượng, kích thước và nồng độ huyết cầu tố, Hct giảm, dự trữ sắt, vitamine B12, axit folic.. giảm.

+ Đạm máu: giảm, nhất là albumine trong thể phù.

+ Giảm các men chuyển hoá.

+ Giảm các chất điện giải nhất là trong thể phù.

+ Rối loạn lipid máu.

+ Suy giảm chức năng gan.

+ Xét nghiệm phân tìm ký sinh trùng.

5.3. Phục hồi suy dinh dưỡng nặng

- Điều trị các tình trạng cấp: Mất nước hay phù toàn thân, rối loạn điện giải, suy tim cấp, nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng...

- Bổ sung các dưỡng chất quan trọng với liều điều trị: Vitamin A, sắt, axit folic, đa sinh tố.

- Dinh dưỡng điều trị tích cực: Cho ăn càng sớm càng tốt và nhanh chóng nâng khẩu phần dinh dưỡng lên mức tối đa phù hợp với khả năng tiêu hoá hấp thu của trẻ, sử dụng các thực phẩm giàu năng lượng, các chế phẩm dinh dưỡng đặc biệt, nếu cần phải sử dụng thêm các loại men hỗ trợ tiêu hoá. Trong trường hợp rất nặng cần đặt vấn đề nuôi ăn bằng các phương tiện hỗ trợ như nuôi ăn qua sonde dạ dày, nuôi ăn bằng đường tĩnh mạch một phần…

- Phục hồi suy dinh dưỡng tại gia đình:

Hướng dẫn bà mẹ cách lựa chọn thực phẩm, số lượng thực phẩm cần thiết cho trẻ trong ngày, cách nấu thức ăn cho trẻ và khuyến khích trẻ ăn đủ cho nhu cầu phục hồi dinh dưỡng và phát triển cơ thể.

Tăng năng lượng khẩu phần cho bữa ăn hàng ngày nếu trẻ không thể ăn đủ theo nhu cầu bằng cách:

Cho ăn nhiều món trong cùng một bữa để trẻ ăn đến no căng dạ dày.

Tăng số lần ăn trong ngày nếu trẻ không thể ăn nhiều trong một lần.

Cho ăn càng đặc càng tốt, sử dụng các loại bột nảy mầm để làm lỏng thức ăn đặc nhưng vẫn đảm bảo độ đậm đặc của thức ăn.

Tăng thức ăn giàu năng lượng: thêm dầu mỡ vào thức ăn của trẻ, dùng các loại thực phẩm cao năng lượng.

Cho ăn tăng cường sau bệnh: Tăng bữa, tăng thức ăn, cho trẻ ăn bất cứ thứ gì trẻ  lựa họn.

Cho bú mẹ kéo dài sau 12 tháng.

 Tái khám thường xuyên để theo dõi sức khoẻ và mức độ phục hồi dinh dưỡng của trẻ.

6. Phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em ở cộng đồng

Cung ứng lương thực thực phẩm đầy đủ cho trẻ: Vấn đề này không được đặt lên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay ở các thành phố lớn. Tuy nhiên tại các vùng ngọai thành, vùng ven và nông thôn đây vẫn còn là vấn đề nghiêm trọng đe dọa đến tình trạng dinh dưỡng của trẻ em.

Cho trẻ bú mẹ ngay sau sinh và kéo dài 18 - 24 tháng: Sữa mẹ luôn là thức ăn đầu đời hoàn hảo nhất cho trẻ sơ sinh và là thức ăn tốt, được trẻ chấp nhận trong giai đọan sau. Sữa mẹ, ngoài cung  cấp chất dinh dưỡng còn cung cấp các yếu tố chống lại bệnh tật, bảo vệ trẻ khỏi các bệnh lý nhiễm trùng.

Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ bằng bữa ăn hợp lý: Tập cho trẻ ăn dặm khi bắt đầu 4 - 6 tháng tuổi. Cho trẻ ăn đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng (bột đường, đạm, béo), không kiêng khem, và duy trì sữa mẹ trong thời gian dưới 2 tuổi. Nếu không có sữa mẹ đủ, lựa chọn loại sữa thay thế phù hợp.

Vệ sinh an toàn thực phẩm: Là vấn đề quan trọng hàng đầu trong việc bảo vệ trẻ tránh các bệnh nhiễm trùng đường ruột, giun sán... Chọn lựa thực phẩm tươi cho trẻ, tránh bảo quản dài ngày trừ trường hợp có tủ cấp đông đúng quy cách, hạn chế  cho trẻ dùng các thực phẩm chế biến sẵn, đóng hộp, nấu nướng thức ăn chín kỹ.

Theo dõi biểu đồ tăng trưởng cho trẻ hàng tháng: Nhằm phát hiện sớm tình trạng suy dinh dưỡng hoặc các nguy cơ nếu có và can thiệp sớm.

Ngừa và trị bệnh: Điều trị triệt để các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp, tiêu chảy... không cần lạm dụng kháng sinh mà chỉ dùng kháng sinh đủ liều, đủ thời gian, chăm  sóc dinh duỡng tích cực trong thời gian bệnh và phục hồi dinh dưỡng sau thời gian bệnh.

Xổ giun định kỳ mỗi 6 tháng cho trẻ trên 2 tuổi.

Nguồn: http://www.dieutri.vn/benhhocnhi/3-4-2014/S4687/Suy-dinh-duong-tre-em.htm

Phụ lục:

Bảng theo dõi chuẩn cân nặng, chiều cao của trẻ theo WHO:

Bảng này có thể theo dõi theo từng mức độ tuổi phát triển và mức độ phát triển theo tiêu chuẩn:

- Để đạt mức độ đạt chuẩn, là cột màu xanh lá cây – chuẩn trung bình của trẻ.

- Trẻ đạt mức độ dưới chuẩn, có 3 cột (Thiếu chuẩn) : mầu đỏ, da cam và vàng trong đó:

- Thiếu chuẩn cấp 1 (màu vàng) : Giới hạn cân nặng- chiều cao vẫn ở mức hoàn toàn bình thường

- Thiếu chuẩn cấp 2 (màu da cam): Giới hạn cân nặng- chiều cao ở mức độ nhẹ, bố mẹ cần lưu ý hơn đến chế độ ăn uống và vận động

- Thiếu chuẩn cấp 3 (màu đỏ sẫm): Giới hạn cân nặng-chiều cao ở mức độ nguy hiểm, bố mẹ cần xem lại chế độ ăn uống và hoạt động thể chất, và đưa bé đến gặp các chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn cụ thể về thực đơn và vận động hợp lý cho bé.

Dưới đây là bảng tiêu chuẩn cân nặng và chiều cao với đơn vị cân nặng (kg) và chiều cao (cm) của WHO:

Tiêu chuẩn cân nặng của bé trai từ sơ sinh đến 5 tuổi

suabottot.com-can-nang-be-1suabottot.com-can-nang-be-2.pngsuabottot.com-can-nang-be-3.pngsuabottot.com-can-nang-besuabottot.com-can-nang-be-5.pngsuabottot.com-can-nang-be-6.png

WTO-Tiêu chuẩn chiều cao của bé trai

suabottot.com-chieu-cao-be-trai-1suabottot.com-chieu-cao-be-trai-3suabottot.com-chieu-cao-be-trai-4suabottot.com-chieu-cao-be-trai-5

Tiêu chuẩn cân nặng bé gái từ sơ sinh đến 5 tuổi

suabottot.com-can-nang-be-gai-1.pngsuabottot.com-can-nang-be-gai-2.pngsuabottot.com-can-nang-be-gai-3.pngsuabottot.com-can-nang-be-11suabottot.com-can-nang-be-gai-5.pngsuabottot.com-can-nang-be-gai-6.pngWTO- Tiêu chuẩn chiều cao bé gái

suabottot.com-chieu-cao-be-gai-1suabottot.com-chieu-cao-be-gai-2suabottot.com-chieu-cao-be-gai-3suabottot.com-chieu-cao-be-gai-5

Nguồn: http://blog.suabottot.com/bang-theo-doi-chieu-cao-can-nang-cua-tre-theo-tieu-chuan-who-2015/


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI