PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103
Nguồn: thanh.minh
03-02-14, 10:46
1. Ung thư là gì?
Ung thư là một bệnh rối loạn tế bào (cả sinh sản và sinh trưởng), gây ra do biến đổi trong gen (có thể di truyền hoặc không di truyền). Có nhiều loại ung thư khác nhau, và mỗi loại gây ra là do hậu quả của biến đổi gen khác nhau, nhưng các tế bào ung thư có 3 đặc điểm chính:
1. Mất khả năng tự kiểm soát sinh sản: vì thế nên cứ tiếp tục nhân đôi mãi, tạo nên khối u. Có 2 loại khối u: u lành tính và u ác tính. U lành tính sẽ tạo vỏ bọc quanh khối u vừa tạo, nên khối u cố định. U ác tính không tạo vỏ bọc, nên tế bào ung thư có thể tách ra khỏi khối u, xâm nhập vào máu, và di chuyển đến nơi khác trong cơ thể để tạo khối u mới.
2. Bất tử: khi nuôi cấy tế bào trong phòng thí nghiệm, tất cả tế bào bình thường đều trưởng thành rồi già và chết theo chương trình nhất định, chúng đều có tuổi thọ nhất định. Riêng tế bào ung thư nếu được cung cấp đủ dinh dưỡng thì sẽ sinh sản mãi, tế bào sinh ra ở giai đoạn nào thì cứ tồn tại ở giai đoạn đó mà không trưởng thành, không già và không không bao giờ chết.
3. Có khả năng di chuyển và xâm chiếm các mô trong cơ thể để tạo ra khối u mới: khả năng di chuyển này là tổng hợp của nhiều lý do, nhưng lý do chính là khi trở nên ung thư, tế bào mất đi độ kết dính với mô, và dễ dàng trở nên "trôi nổi."
Hiện nay có không ít người không biết ung thư là gì, làm thế nào để phát hiện và điều trị. Nguồn ảnh: internet.
Một số điểm lưu ý:
- Tế bào bị ung thư ở giai đoạn càng non, chưa biệt hóa thì tính chất ác tính của ung thư càng cao vì tốc độ phân chia tế bào nhanh và di căn sớm. Nếu tế bào ung thư ở giai đoạn trưởng thành, đã biệt hóa thì mức độ ác tính của ung thư thấp hơn vì tốc độ phân chia chậm và di căn chậm hơn.
- Có ba cách di căn của ung thư:
+ Khối u chèn ép xâm lấn ra các tổ chức lân cận, vị trí nào của tổ chức lân cận có áp lực thấp thì tế bào ung thư tràn ra đó trước làm cho khối u có hình dạng tia mặt trời.
+ Tế bào ung thư tách ra khỏi khối u và trôi theo dòng bạch huyết tới các hạch bạch huyết thì bị mắc lại và phát triển làm hạch to lên và phá vỡ cấu trúc hạch (di căn hạch).
+ Tế bào ung thư tách ra khỏi khối u và trôi theo dòng máu tới các cơ quan ở xa khối u rồi bị mắc lại và phát triển thành khối u ở đây (di căn xa).
2. Điều gì dẫn đến ung thư?
Một trong những giả thuyết mới nhất hiện giờ là "5 hit theory" [tạm dịch là giả thuyết "5 cú đánh trúng"]. Theo giả thuyết này, mỗi lần tế bào bị "tấn công" bởi các yếu tố như tia xạ, tia cực tím [phơi nắng, tắm biển, tanning...] hoặc tác động của các chất độc hại nào đó vô tình tích tụ trong cơ thể [do ăn uống, do dùng thuốc quá liều, do nghiện ngập hút chích...] đánh trúng vào một vị trí nào đó trong nhiễm sắc thể thì sẽ gây biến đổi ở một điểm trọng yếu trong nhiễm sắc thể. Và trong quá trình sống, cứ mỗi lần tế bào bị "tấn công" như vậy thì cơ thể sẽ càng tăng nguy cơ bị ung thư. Cho đến lần thứ 5 bị "tấn công trúng đích" thì tế bào chính thức bị đột biến nhiễm sắc thể và trở thành tế bào ung thư, từ đó bắt đầu phát triển thành khối u. Chính vì thế ung thư còn được gọi là "life style disease" - một căn bệnh gây ra do lối sống.
Có lẽ vì đặc trưng tích lũy biến đổi qua thời gian như thế, nên ung thư thường xảy ra ở người già. Đối với trường hợp người trẻ bị ung thư thì đa phần là do di truyền. Nghĩa là trong cơ thể, tế bào đã có sẵn các biến đổi của "3 lần bị tấn công trúng đích" hoặc "4 lần bị tấn công trúng đích " rồi, nên chỉ cần một, hai lần "bị tấn công trúng đích" nữa thôi là đã có thể trở thành tế bào ung thư.
Điều đáng nên biết là theo Viện Nghiên Cứu Ung Thư Quốc Gia của Mỹ thì đến 80% nguyên nhân dẫn đến ung thư là do những yếu tố có thể kiểm soát được, trong đó dinh dưỡng là yếu tố đứng đầu, chiếm 30-60%, kế đó là thuốc lá (30%), ô nhiễm không khí và nguồn nước (5%), rượu (3%), phóng xạ (3%), và các loại thuốc men (2%).
3. Chữa trị ung thư bằng cách nào?
Cách chữa trị phổ biến nhất hiện giờ là phẫu thuật (surgery) kết hợp với hóa trị (chemotherapy) [hóa trị đơn giản chỉ là cho bệnh nhân uống tổng hợp nhiều loại thuốc để ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư]. Nếu khối u nằm ở vị trí không gây nguy hiểm đến các cơ quan xung quanh, thì sẽ tiến hành phẫu thuật trước, rồi sau đó hóa trị. Nhưng nếu khối u nằm ở những vị trí nguy hại cho các cơ quan xung quanh, thì sẽ hóa trị trước để làm teo nhỏ khối u, rồi mới tiến hành phẫu thuật. Ngay cả đối với hóa trị cũng có nhiều loại thuốc tổng hợp khác nhau và mỗi bệnh nhân phản ứng với thuốc cũng khác nhau. Cùng một loại thuốc có thể có khả năng chống sự lây lan của tế bào ung thư ở một người, nhưng lại hoàn toàn có thể vô hiệu đối với một người khác. Vì thế khi điều trị hóa trị, bác sỹ sẽ cho thử nhiều loại thuốc tổng hợp khác nhau trên người bệnh, và theo dõi tiến triển của ung thư để xem thuốc nào có hiệu nghiệm với người bệnh nhất. Các loại thuốc này có độ độc hại tương đối cho cơ thể, và thường là nguyên nhân dẫn đến triệu chứng rụng tóc thường thấy ở bệnh nhân ung thư.
Một cách chữa trị nữa cũng phổ biến cho bệnh ung thư là xạ trị (radiation therapy). Năng lượng phóng xạ trong phương pháp chữa trị ung thư này đến từ tia X, tia gamma, và chùm tia từ các loại hạt phân tử (ví dụ như proton). Có 2 loại xạ trị: xạ trị nội tạng và xạ trị ngoại tạng. Xạ trị ngoại tạng là khi nguồn phóng xạ đến từ bên ngoài cơ thể. Còn xạ trị nội tạng là khi nguồn phát ra phóng xạ được cấy ghép vào bên trong cơ thể, gần cạnh khối u.
4. Có cách nào giảm nguy cơ ung thư?
Có! LỐI SỐNG & DINH DƯỠNG! Tốt nhất là đừng bao giờ đụng vào thuốc lá! [30% là một con số không nhỏ chút nào!] Còn về phần dinh dưỡng thì có một số khuyến cáo như sau:
1. Tăng cường thực đơn với các loại hạt nguyên (whole grain) là các hạt không xát kỹ còn giữ được lớp vỏ bên trong, các loại đậu, rau củ quả, trái cây.
2. Tránh sử dụng các thực phẩm và nước nhiễm hóa chất như các chất bảo quản, các chất bảo vệ thực vật và các độc tố khác, các thực phẩm đã bị nấm mốc, thực phẩm cháy như thịt cháy, nghĩa là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
3. Hạn chế chất béo và thịt động vật.
4. Tránh rượu bia.
5. Tránh tiếp xúc với nắng gắt, với thuốc trừ sâu và các loại tia xạ.
6. Tăng cường hoạt động cơ bắp (thể dục thể thao) và nên giữ cơ thể gần với trọng lượng lý tưởng.
5. Ví dụ: Acoustic neuroma [ung thư dây thần kinh thính giác]
Có nhiều loại ung thư, nhưng loại này thuộc dạng hiếm. Mỗi dây thần kinh đều có vỏ bọc xung quanh, giống như vỏ bọc đường dây điện cao thế vậy. Bệnh này được gọi là "acoustic neuroma" là vì tế bào bọc dây thần kinh phụ trách thăng bằng và thính giác bị biến đổi thành tế bào ung thư. Khi khối u tạo ra càng lớn, thì nó lại càng đè nặng lên dây thần kinh thính giác và cân bằng, dẫn đến việc người bệnh bị mất thính giác 1 bên, hoặc cả 2 bên tai, kèm theo triệu chứng chóng mặt vì khả năng giữ thăng bằng cũng bị ảnh hưởng. Bệnh này còn gây ra những âm thanh lạ trong tai.
BN Nguyễn Văn V. 63 tuổi Hà Tĩnh bị khàn tiếng ngày thứ 5, đi khám mới phát hiện khối u ung thư phổi tế bào nhỏ ở phổi trái chèn ép dây thần kinh quặt ngược trái gây liệt dây thanh âm trái (nguồn ảnh Hà Hoàng Kiệm).
Bệnh nhân Nguyễn Thị H. ung thư đường tiêu hóa di căn nhiều ổ lên gan (ảnh siêu âm là các ổ loãng âm không đồng nhất ranh giới không rõ)) và một ổ bên thùy dưới phổi phải (nguồn ảnh Hà Hoàng Kiệm).