Viêm nang lông

Cập nhật: 27/04/2014 Lượt xem: 8181

Viêm nang lông

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103 

Để hiểu được viêm nang lông, trước hết chúng ta cần tìm hiểu cấu tạo của da và nang lông.

1. Cấu tạo của làn da

1.1. Thành phần của da

Da gồm 3 lớp chính lần lượt từ ngoài vào trong là thượng bì , trung bì và hạ bì (chân bì).

  Cấu trúc 3 lớp của da

1.1.1. Lớp thượng bì

Lớp thượng bì là phần trên cùng của làn da, có độ dày nhỏ nhất trong ba lớp da.  Tuy nhiên, lớp thượng bì lại giữ vai trò quan trọng nhất. Thượng bì được chia làm 4 lớp nhỏ:

 + Lớp sừng (lớp tế bào tróc vảy):  Khi nhìn làn da 1 người là lúc bạn đang nhìn vào lớp sừng của da người đó. Lớp sừng được tạo thành từ những tế bào biểu bì bên dưới đùn dần lên, lớp tế bào trên cùng chết dần và được thay thế liên tục. Lớp sừng có tác dụng che chở cho lớp tế bào sống bên trong. Lớp sừng chứa yếu tố dưỡng ẩm tự nhiên (NMF), giúp da mềm mại, ẩm mượt. Khi môi trường bên ngoài khô nóng, cơ thể sẽ sản xuất nhiều NMF hơn, nhưng phải mất vài ngày mới sản xuất kịp, vì thế da bạn trở nên khô trước khi có sự trợ giúp của NMF. Đó là lý do tại sao dùng kem dưỡng ẩm cho da trong điều kiện thời tiết khô là rất quan trọng. 

+ Lớp tế bào hạt: Lớp tế bào hạt ở dưới lớp tế bào sừng và trên lớp tế bào gai, có từ 3 - 4 hàng tế bào, chỗ dày chỗ mỏng tùy theo vị trí của da. Tế bào hạt có dạng hình thoi nhân sáng chứa nhiều hạt lóng lánh gọi là keratohyalin. 

+ Lớp tế bào gai: Lớp này gồm những tế bào đã trưởng thành, có hình đa diện, xếp thành nhiều lớp, thường có từ 6 đến 10 hàng tế bào làm thành một lớp mềm như màng nhày. Các tế bào gai cũng có khả năng sinh sản bằng gián phân, quá trình biến đổi của thượng bì từ lớp đáy đến lớp gai khoảng 20 ngày.

+ Lớp tế bào đáy: Nơi đây tập trung các tế bào sinh sản, là tế bào sản sinh ra tất cả các tế bào của lớp biểu bì. Chúng sinh ra các tế bào non và các tế bào non này sẽ di chuyển dần lên trên tạo thành các lớp bên trên (lớp gai, lớp hạt, lớp sừng). Khi tế bào di chuyển lên các lớp trên nghĩa là chúng đã già đi và khi tới lớp sừng thì chết và bong ra. Quá trình này gọi là “vòng đời tế bào”, kéo dài từ 26 đến 42 ngày. Khi bạn càng già thì vòng đời tế bào càng kéo dài, tức là quá trình làm mới tế bào chậm lại, làm cho bề mặt da bạn trông sần sùi hơn.
 

Cấu tạo lớp biểu bì: 4 lớp nhỏ

1.1.2. Lớp trung bì

Lớp trung bì nằm sát ngay dưới biểu bì, là một tổ chức liên kết, có nhiệm vụ nâng đỡ và nuôi dưỡng da. Đây là vùng có chứa các dây thần kinh, mạch máu, mạch bạch huyết, nang lông, tuyến nhờn và các tuyến mồ hôi. Lớp trung bì có chứa Collagen và Elastin định hình cấu trúc của da, tạo tính đàn hồi và độ săn chắc của da. 

1.1.3.Lớp hạ bì

Lớp hạ bì nằm dưới lớp trung bì, có chứa mô liên kết và mô mỡ. Lớp hạ bì đóng vai trò là lớp đệm giữa da và cơ thể. Hiểu được sơ lược về cấu tạo của da sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong quá trình chăm sóc cũng như biết quan tâm đúng cách tới làn da của mình.

2. Các thành phần phụ của da

2.1. Lông và nang lông

Phần lông nhô ra ngoài gọi là thân lông, phần nằm sâu trong da cho tới lớp trung bì gọi là chân lông. Bao bọc quanh chân lông có một màng là tổ chức liên kết tạo thành một nang trong nang có chứa chân lông gọi là nang lông.

2.2. Tuyến bã nhờn

Cạnh nang lông có các tuyến tiết chất nhờn, các tuyến này đổ chất nhờn vào nang lông và theo chân lông ra ngoài để bôi trơn cho da. Trong trường hợp nang lông bị bít tắc, chất nhờn bị tích lũy trong nang lông, nước được hấp thu làm chất bã cô đặc tạo thành trứng cá.

2.3. Tuyến mồ hôi

Trong lớp trung bì còn có các tuyến mồ hôi, ống tuyến dẫn ra ngoài da để tiết mồ hôi.

2. Viêm nang lông

Viêm nang lông là viêm do nhiễm khuẩn ở nang lông. Có thể chỉ có một vài nang lông bị viêm nhưng cũng có khi nhiều nang lông cùng bị viêm. Viêm nang lông có thể xảy ra ở mọi vùng da có lông trên cơ thể.

 Viêm nang lông

Biểu hiện là các sẩn, mụn mủ, các vết chợt và vẩy tiết ở cổ nang lông. Nhiễm trùng có thể lan sâu hơn toàn bộ nang lông, đó là viêm chân tóc (sycosis). Khi nang lông bị áp xe (mụn mủ) thì đã là biến chứng thành nhọt, nặng hơn là nhọt cụm, hoặc viêm mô dưới da.

Có một số yếu tố thuận lợi như khí hậu nóng, độ ẩm cao, môi trường bị ô nhiễm, bụi bẩn. Cạo râu, nhổ lông hoặc tẩy lông, sử dụng các quần áo bằng sợi tổng hợp hoặc băng bịt kín da là những yếu tố thuận lợi thường gây viêm nang lông. Các vùng da ẩm ướt như nách, bẹn, sinh dục-hậu môn, mông rất hay bị viêm. Sử dụng kem bôi có corticoid, sử dụng kháng sinh lâu dài tạo điều kiện cho các vi khuẩn kỵ khí phát triển. Người bị tiểu đường, suy giảm miễn dịch hay bị viêm nang lông hơn người bình thường.

          Các tác nhân gây viêm nang lông có nhiều loại. Đa số trường hợp viêm nang lông là do tụ cầu trùng. Ngoài ra có thể do vi khuẩn Gram âm, Pseudomonas, Proteus..., nấm men, nấm sợi, nhiễm vi rút herpes, u mềm lây và ký sinh vật demodex.

Biểu hiện bệnh là các sẩn đỏ hoặc mụn mủ ở cổ nang lông, xung quanh có quầng đỏ. Khi mụn vỡ để lại vết chợt nhỏ và đóng vầy tiết. Có thể chỉ có vài mụn nhỏ rải rác nhưng cũng có khi tụ thành đám mụn viêm vùng râu mép, râu cằm...

Biểu hiện lâm sàng theo vùng da bị viêm:

- Vùng mặt: viêm nang lông do tụ cầu trùng, trứng cá bội nhiễm vi trùng Gram âm hoặc viêm nang lông do vi trùng Gram âm đơn thuần, u mềm lây và nhiễm Demodex folliculorum ở nang lông.

- Vùng râu: viêm nang lông sâu do tụ cầu trùng vàng (Staphylococcus aureus) gây viêm chân tóc, lông (sycosis), đôi khi còn nhiễm đồng thời các vi trùng Gram âm. Bệnh thường dai dẳng, khó chữa và tái đi tái lại nhiều. Các chân tóc bị viêm có mụn đỏ, khi mụn vỡ có thể thấy vết chợt và đóng vẩy tiết. Các mụn này có thể nằm rải rác hoặc thành từng đám. Sycosis sau khi khỏi không để lại sẹo nhưng có thể để lại vết thâm tồn tại trong một thời gian. Sycosis có thể nặng hơn khi nhiễm trùng lan sâu vào bọng lông gây áp xe hoặc nặng hơn nữa là nhọt. Trường hợp áp xe, tổn thương nang lông tuyến bã có thể gây sẹo sau khi khỏi. Một số vùng hay bị sycosis như vùng râu, nách, chân tóc vùng gáy, tóc mai, lông mu. Vùng râu cũng có thể bị nhiễm nấm sợi, nhiễm vi rút herpes, u mềm lây và nhiễm Demodex gây thương tổn giống trứng cá đỏ.

- Vùng da đầu: viêm nang lông do tụ cầu và nấm sợi.

- Vùng gáy: cũng do tụ cầu và nấm sợi.

- Chân: thường hay gặp ở phụ nữ cạo lông hoặc tẩy lông chân. Thường viêm do nhiễm trùng.

- Thân mình: tụ cầu là tác nhân hay gặp gây viêm nang lông ở các nếp gấp như nách. Ngoài ra có thể gặp các tác nhân khác như Pseudomonas aeruginosa, nấm men Malassezia, Candida.

- Vùng mông: chủ yếu do tụ cầu. Nấm sợi cũng hay gặp ở những vùng nóng ẩm.

Các tác nhân gây bệnh có biểu hiện lâm sàng đặc trưng:

- Viêm nang lông do tụ cầu: tụ cầu trùng vàng có thể gây viêm nang lông nông hay còn gọi là chốc nang lông của Bockhart và cũng có thể gây viêm sâu lan xuống toàn bộ nang lông (sycosis). Sycosis hay gặp ở vùng râu và gây ngứa. Khi viêm lan cả đơn vị nang lông-tuyến bã thì có thể để lại sẹo sau khi khỏi. Bệnh hay tái phát khi không loại được các yếu tố thuận lợi như môi trường ô nhiễm, nóng ẩm. Một số vùng hay bị như vùng râu, nách, chân tóc vùng gáy, tóc mai, lông mu.

- Viêm nang lông do vi khuẩn Gram âm: thường xảy ra ở những người bị trứng cá sử dụng kháng sinh uống dài ngày. Các mụn trứng cá trở nên nặng hơn, viêm nang lông thành sẩn hoặc áp xe nang lông thành bọc vùng má, cằm.

- Viêm nang lông do nấm sợi: khởi đầu thường là nhiễm nấm ở lớp sừng quanh miệng nang lông sau đó mới lan vào sâu trong nang lông và vào lông. Nấm da và nang lông có thể thấy ở đầu với các biểu hiện khác nhau do các chủng nấm khác nhau gây nên.

 + Nấm da gây đứt sợi tóc và bong vảy da, loại nấm này gây thương tổn là một đám da tròn, bong vảy da trắng và gây rụng tóc, tác nhân gây bệnh là nấm microsporum do súc vật truyền sang mà thường là chó mèo (Microsporum canis); + Nấm da gây đứt sợi tóc sát da đầu và thấy vết đen ở chân tóc, thường do nấm Trichophyton tonsurans và T. violaceum;

+ Nấm Favus gây áp xe nang lông và rụng tóc, nếu không điều trị sớm sẽ gây rụng tóc và sẹo da đầu, do Trichophyton schoenleinii gây nên.

+Kerion thường biểu hiện đám viêm thành cục hoặc đám lớn, đau, nhiều mủ vàng như mật ong, tóc không bị đứt gãy mà bị rụng và có thể nhổ cả bọng tóc mà không đau. Nang lông bị viêm và có nhiều mủ, tạo các lỗ thông nhau giữa các nang. Có thể chỉ có một đám thương tổn nhưng cũng có khi nhiều đám trên da đầu. Thường có hạch vùng lân cận. Bệnh có thể tự khỏi nhưng gây rụng tóc và để lại sẹo. Tác nhân gây bệnh do các loại nấm ở động vật hoặc ở đất truyền sang người: T. verrucosum, T. mentagrophytes.

- Viêm nang lông do nấm Malassezia: thường hay gặp ở vùng khí hậu nóng và ẩm. Biểu hiện là các sẩn ngứa và mụn mủ ở nang lông vùng lưng, cánh tay, đôi khi có ở gáy, mặt. Các thương tổn này giống như trứng cá nhưng không có nhân mụn (comedon), phân biệt với trứng cá có comedon.

- Nấm men Candida albicans thường xảy ra ở vùng bị băng bịt hoặc bị nóng ẩm lâu ngày, ví dụ như bệnh nhân bị sốt nằm lâu, hoặc các vùng da băng bịt bằng plastic, bôi kem corticoid. Nhiễm nấm candida nang lông gây các mụn mủ thành đám.

- Viêm nang lông do nhiễm vi rút herpes: thường xảy ra ở vùng râu cằm, ria mép do cạo râu. Các mụn nước nang lông ở vùng râu, thành đám như chùm nho, sau vài ngày đóng vẩy tiết. Bệnh tự khỏi không để lại sẹo nhưng thường hay tái phát.

- Sycosis do nhiễm vi rút u mềm lây: do vi rút Molluscum contagiosum đó là các sẩn màu da lõm ở giữa ở nang lông hoặc quanh nang lông vùng râu cằm, ria mép. Bệnh do lây nhiễm và thường tự khỏi sau một thời gian vài tháng, đôi khi lâu hơn.

- Viêm nang lông giang mai: các sẩn màu đỏ đồng, có thể xếp thành hình ovan, gây rụng tóc nhưng khỏi không để lại sẹo. Ngoài ra còn có các thương tổn khác của bệnh giangmai như đào ban, mảng niêm mạc vùng sinh dục-hậu môn... và xét nghiệm huyết thanh giang mai dương tính.

- Viêm nang lông do Demodex (Demodicidosis): do nhiễm Demodex folliculorum, gây bong vẩy da xung quanh nang lông, có biểu hiện giống như vẩy phấn nang lông hoặc viêm da tiết bã nhờn (Seborrheic dermatitis) hoặc sẩn-mụn mủ đỏ nang lông giống như trứng cá đỏ (Acne rosacea) trên nền đỏ da ở mặt.

Chẩn đoán phân biệt:

- Trứng cá thông thường, trứng cá đỏ, viêm quanh miệng, viêm nang lông bạch cầu ái toan ở bệnh nhân nhiễm HIV, trứng cá do thuốc nhóm halogen, do corticoid, lithium...

- Dày sừng nang lông

- Viêm da tiết bã nhờn...

Xét nghiệm:

- Nhuộm Gram tìm cầu trùng Gram dương

- Soi tìm nấm: tìm các nấm sợi, nấm M. furfur và nấm candida.

- Nuôi cấy tìm các vi khuẩn tại thương tổn và trong trường hợp tái phát nhiều lần cần nuôi cấy tìm vi khuẩn ở hậu môn, lỗ mũi ; đó có thể là nơi chứa vi khuẩn và là nguồn lây ra ngoài da.

- Nuôi cấy phân lập nấm.

- Soi đèn Wood để phát hiện nhiễm nấm.

Tiến triển và biến chứng:

Diễn biến viêm nang lông dai dẳng, hay tái phát do những yếu tố thuận lợi như môi trường ô nhiễm, nóng và ẩm. Cải thiện môi trường sẽ giúp cho điều trị hiệu quả hơn và tránh tái phát bệnh. Rất nhiều bệnh nhân bị tái phát sau điều trị hoặc bệnh trở nên dai dẳng khó điều trị. Biến chứng có thể xảy ra nặng hơn là gây nhọt, nhọt cụm và viêm mô dưới da.

Có thể sử dụng các loại xà phòng diệt khuẩn hoặc benzoyl peroxide để phòng ngừa tái phát.

Chẩn đoán: các biểu hiện bệnh giúp cho chẩn đoán bệnh. Có thể lấy bệnh phẩm ở thương tổn và nhuộm Gram để phát hiện cầu khuẩn Gram dương. Nuôi cấy giúp cho định danh vi khuẩn và làm kháng sinh đồ để chọn kháng sinh có hiệu quả trong trường hợp điều trị bệnh dai dẳng lâu khỏi.

Điều trị:

- Điều trị tại chỗ: Có thể dùng các thuốc bôi chông nhiễm trùng như betadin, cồn iode, các loại kem hoặc mỡ kháng sinh như bactroban, fucidin...

- Điều trị toàn thân: trường hợp viêm nặng và tái phát có thể dùng thuốc đường toàn thân.

- Kháng sinh: trong trường hợp viêm nang lông do tụ cầu có thể sử dụng kháng sinh đường toàn thân khi cần thiết. Các kháng sinh thuộc nhóm β-lactamin, amoxillin, nhóm cephalosporin, cyclin, co-trimoxazol, ciprofloxacin và metronidazol. Liều lượng và cách sử dụng theo tình trạng bệnh và hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Viêm nang lông do vi khuẩn Gram âm: cần phải ngừng kháng sinh đang sử dụng, rửa benzoyl peroxide và cho ampixillin hoặc co-trimoxazol. Trong một số trường hợp phải cho Isotretinoin.

- Viêm nang lông do nấm: sử dụng các thuốc chống nấm bôi và phối hợp với thuốc uống. Thuốc bôi như Nizoral, Canesten, Mycoster.... Có nhiều loại thuốc chống nấm đường uống như itraconazole 100mg uống 2viên/ngày trong 14 ngày hoặc terbinafine uống 250mg/ngày trong 14 ngày. Đối với nấm men candida dùng itraconazole 100mg uống 2viên/ngày trong 14 ngày, hoặc fluconazol 150mg uống 2viên/ngày trong 14 ngày.

- Viêm nang lông do vi rút herpes, có thể bôi kem acyclovir 6lần/ngày và uống acyclovir 400mg 3lần/ngày hoặc 200mg 5lần/ngày, hoặc valacyclovir 500mg uống 2 lần/ngày.

- Viêm nang lông do demodex: có thể dùng kem permethrin bôi hoặc kem metronidazol phối hợp với uống metronidazol 1g/ngày trong 1 tuần.

Chú ý: đối với viêm nang lông hay tái phát cần tìm nguyên nhân, phát hiện các ổ vi trùng ở các hốc mũi, hậu môn... và tránh làm xây xước da do cạo râu bằng cách cắt râu bằng kéo.

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI