Hội chứng Causalgia (Hội chứng loạn dưỡng thần kinh giao cảm phản xạ: reflex sympathetic dystrophy)
PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103
1. Đại cương
1.1. Định nghĩa
Hội chứng Sudex hay còn gọi là Hội chứng vai-tay được đặc trưng lâm sàng bởi đau kiểu bỏng buốt, rối loạn dinh dưỡng vận mạch bàn ngón tay, kết hợp với viêm quanh khớp vai thể đông cứng cùng bên.
Hội chứng vai-tay được Kahlmeter mô tả từ 1936, đây là hội chứng ít gặp, chỉ dưới 1% các bệnh nhân viêm quanh khớp vai, nhưng lại là hội chứng nặng nề, khó điều trị nhất, có thể dẫn đến một bên tay bị tàn phế. Hội chứng vai-tay (Shoulder-hand syndrome) còn được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hội chứng loạn dưỡng thần kinh giao cảm phản xạ (reflex sympathetic dystrophy), teo Sudeck (Sudeck’s atrophy), hội chứng loạn dưỡng thần kinh vận mạch phản xạ (reflex neurovascular dystrophy),
1.2. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân của hội chứng vai-tay cho đến nay vẫn chưa được biết, nhưng có một số yếu tố nguy cơ đã được đề cập:
+ Tuổi: thường gặp ở người 40-60 tuổi, tỉ lệ nữ/nam là 2/3 số bệnh nhân.
+ Sau chấn thương gãy xương vùng cổ tay, 1/3 dưới hai xương cẳng tay, nhất là khi cố định gãy xương không tốt, xương liền lệch trục.
+ Bệnh nhân có hội chứng ống cổ tay (hội chứng chèn ép bó mạch thần kinh ở ống cổ tay).
+ Sau chấn thương hoặc bệnh lý vùng cột sống cổ, chấn thương vùng vai.
+ Sau đột quỵ não, thường từ 1-6 tháng.
+ Bệnh nhân đái tháo đường, bệnh nhân có cơn đau thắt ngực, bệnh nhân có các bệnh nội tiết…
Hội chứng vai-tay thường xảy ra sau một sự kiện có tính chất kích hoạt (triggering event), tuy nhiên có một phần ba trường hợp khởi phát không rõ sự kiện kích hoạt. Các sự kiện kích hoạt gây hội chứng vai-tay có thể gặp gồm:
- Chấn thương vùng vai, tay
- Các phẫu thuật
- Bệnh tim
- Thoái hóa cột sống cổ
- Đột quỵ não
- Kích thích thần kinh do bị đè ép (hội chứng ống cổ tay)
- Các bệnh lý vùng khớp vai
- Ung thư vú
- Sử dụng một số thuốc như: thuốc kháng lao, thuốc nhóm barbiturat
1.3. Mô bệnh học
+ Mô bệnh học khớp vai là hình ảnh viêm quanh khớp vai thể đông cứng. Tổn thương thấy ở bao khớp và màng hoạt dịch khớp ổ chảo-cánh tay mà không có tổn thương ở gân cơ chóp xoay và bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai.
+ Vùng cổ tay, bàn tay và các ngón tay cùng bên vai tổn thương là hình ảnh rối loạn vận mạch và dinh dưỡng. Phù tổ chức dưới da nặng hơn ở phía mu tay, xung huyết, trong lòng mạch máu chứa đầy hồng cầu, ứ trệ tĩnh mạch và bạch mạch. Nếu bệnh kéo dài, thấy teo các cơ vùng bàn và ngón tay, loãng xương bàn tay và ngón tay.
1.4. Sinh bệnh học
Người ta biết rằng cảm giác đau xuất phát từ ba nguồn.
+ Thứ nhất, đau xuất phát từ ngoại vi do các thụ cảm thể nhận cảm đau bị kích thích bởi các tác nhân cơ học, hóa học, và nhiệt học.
+ Thứ hai, đau xuất phát từ các tổn thương thần kinh, các tổn thương đó có thể là ở các neuron thần kinh ngoại vi hay neuron thần kinh trung ương.
+ Thứ ba, là đau do yếu tố tâm lý, tâm thần.
Đau gây ra các phản xạ đáp ứng của thần kinh, bao gồm cả đáp ứng vận động và đáp ứng vận mạch dinh dưỡng. Trung khu các phản xạ này ở tủy sống hoặc não. Phản xạ của hệ thần kinh vận động, và phản xạ của hệ thần kinh giao cảm có mối liên hệ với nhau ở mức tủy sống. Khi có các kích thích đau thì không chỉ gây ra các đáp ứng vận động mà còn gây ra các đáp ứng của hệ giao cảm. Phản ứng của hệ giao cảm thể hiện ở sự co hoặc dãn các mạch máu, co hoặc dãn cơ trơn, tăng tiết mồ hôi, ảnh hưởng đến tuần hoàn và dinh dưỡng của các cơ quan ngoại vi. Vì vậy hệ thần kinh giao cảm còn được gọi là hệ thần kinh sinh dưỡng.
Khi có một kích thích đau từ ngoại vi, các xung động thần kinh được dẫn truyền về hạch cảm giác ở rễ sau tủy sống. Từ đây các xung được dẫn truyền theo nhiều hướng khác nhau phụ thuộc vào từng loại cảm giác. Những sợi dẫn truyền cảm giác đau, nóng lạnh khi vào sừng sau tủy sống được chia ra:
+ Các sợi bắt chéo sang bên đối diện để tới cột bên trước của tủy sống, rồi đi lên đồi thị tạo thành bó gai-thị. Bó gai thị chia thành ba bó nhỏ là: bó tân gai-thị lên các nhân sau đồi thị. Bó cựu gai-thị lên các nhân không đặc hiệu ở đồi thị và lan tỏa lên vỏ não. Bó gai-lưới-thị qua thể lưới rồi lên các nhân không đặc hiệu ở đồi thị. Thể lưới có chức năng hoạt hóa vỏ não, đồi thị chịu trách nhiệm nhận cảm cảm giác đau, vỏ não có chức năng phân tích cảm giác đau. Khi có rối loạn ở đồi thị, gây tăng cảm giác đau mạnh (hội chứng thalamic)
+ Các sợi đi ra cột sau cùng bên rồi lên trên.
+ Trong tủy sống các sợi thần kinh hướng tâm còn tách ra các nhánh bên:
- Nhánh bên tiếp xúc với neuron trung tâm vận động ở sừng trước tủy sống cùng bên. Sự tiếp xúc này tạo ra cung phản xạ vận động ở mức tủy sống. Đáp ứng của các neuron sừng trước tủy sống là đáp ứng vận động cùng bên, như rụt chi lại khi bị đau.
- Nhánh bên tiếp xúc với neuron trung tâm giao cảm ở sừng bên của tủy sống cùng bên. Sự tiếp xúc này tạo ra cung phản xạ giao cảm ở mức tủy sống. Các neuron sừng bên tủy sống gây ra đáp ứng thần kinh giao cảm, biểu hiện là đáp ứng vận mạch dinh dưỡng cùng bên kích thích.
Các kích thích đau, nóng lạnh được dẫn truyền từ ngoại vi vào tủy sống, rồi từ tủy sống được dẫn truyền lên não. Từ đây hai cung phản xạ được thiết lập, đó là cung phản xạ ở mức tủy sống và cung phản xạ từ não bộ để gây ra các đáp ứng. Đáp ứng phản xạ của thần kinh giao cảm ở mức tủy sống chỉ ảnh hưởng tới khu vực mà đốt đoạn thần kinh đó chi phối. Đáp ứng phản xạ của thần kinh giao cảm trong cung phản xạ từ não bộ, không chỉ ảnh hưởng tới khu vực có kích thích mà còn gây ra các đáp ứng toàn thân.
Hình 2.32. Cấu tạo rễ thần kinh cột sống cổ
Khi có các kích thích đau trường diễn, mạn tính từ ngoại vi, làm phản xạ thần kinh giao cảm ở mức tủy sống có thể bị rối loạn, từ đó gây ra các rối loạn giao cảm ở các tổ chức ngoại vi trong khu vực thần kinh giao cảm đó chi phối. Hội chứng loạn dưỡng thần kinh giao cảm phản xạ thuộc cơ chế này. Hội chứng ống cổ tay dẫn đến hội chứng vai-tay là một ví dụ. Khi dây thần kinh giữa bị chèn ép ở ống cổ tay, chừng nào sự chèn ép này chưa được giải quyết thì các kích thích đau còn được dẫn truyền về tủy sống. Kích thích đau mạn tính này được dẫn truyền về sừng bên tủy sống (là trung tâm thần kinh giao cảm) đã gây ra các rối loạn phản xạ thần kinh giao cảm theo cung phản xạ tủy sống. Hậu quả là chi bên có hội chứng ống cổ tay sẽ xuất hiện tình trạng loạn dưỡng thần kinh giao cảm phản xạ (hội chứng vai-tay). Trong trường hợp này, hội chứng ống cổ tay là sự kiện kích hoạt (triggering event). Trường hợp bị gãy Pautocon (gãy đầu dưới xương quay) hoặc gãy 1/3 dưới hai xương cẳng tay được nắn chỉnh cố định không tốt, gây liền lệch trục. Tư thế liền lệch trục đã gây ra tình trạng chèn ép bó mạch thần kinh vùng cổ tay gây ra kích thích đau mạn tính, sau đó hội chứng vai-tay xuất hiện. Trường hợp này, tư thế liền xương không tốt trở thành sự kiện kích hoạt. Trong trường hợp đột quỵ não, hội chứng vai-tay xảy ra sau đó 1-6 tháng. Tác giả Zyluk A thông báo gặp từ 12,5-27% bệnh nhân bị đột quỵ não. Ban đầu đau và hạn chế vận động khớp vai xảy ra trước, sau đó xuất hiện loạn dưỡng bàn tay. Người ta tin rằng cơ chế của hội chứng này khởi đầu là các vi chấn thương vùng khớp vai bên liệt, các vi chấn thương tiếp tục và kích thích đau mạn tính được dẫn truyền về trung tâm ở sừng bên tủy sống, nơi mà các phản xạ thần kinh giao cảm nhậy cảm, gây ra các rối loạn thần kinh giao cảm ở ngọn chi của chính chi có khớp vai tổn thương. Người ta thấy trên 2/3 số bệnh nhân bị hội chứng vai-tay có sự kiện kích hoạt, chỉ chưa đến 1/3 số bệnh nhân không phát hiện được sự kiện kích hoạt.
Hình 3.33. Sơ đồ giải thích cơ chế loạn dưỡng thần kinh giao cảm
Sinh bệnh học của hội chứng vai-tay còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng hầu hết các tác giả thống nhất đây là tình trạng rối loạn phản xạ thần kinh giao cảm mà nguồn gốc từ trung tâm thần kinh giao cảm cổ, nơi mà chi phối vùng bàn tay và vai bên bệnh, gọi là hội chứng loạn dưỡng thần kinh giao cảm phản xạ (reflex sympathetic dystrophy syndrome - RSD). Khớp vai và bàn tay trong hội chứng này là đầu gần và đầu xa của cùng một chi. Phản xạ vận mạch và dinh dưỡng của chi chịu sự chi phối của trung tâm thần kinh giao cảm ở sừng bên tủy sống cùng bên chi đó. Các kích thích đau mạn tính của các vi chấn thương từ chi, lặp đi lặp lại được dẫn truyền vào trung tâm ở sừng bên tủy sống, nơi nhạy cảm của phản xạ thần kinh giao cảm, từ đó gây ra các rối loạn chức năng thần kinh giao cảm ở chi gây ra các kích thích đó. Trong trường hợp này thần kinh vận động ngoại vi và thần kinh trung ương hầu như không đóng vai trò gì.
Silas Weir Mitchell Hội chứng Causalgia Hội chứng Causalgia
(Causalgia) ở chi trên ở chi dưới
Hình 2.34. Hội chứng Causalgia |
Hội chứng loạn dưỡng thần kinh giao cảm phản xạ được tác giả Silas Weir Mitchell (tên khác là Causalgia) mô tả kỹ trong thời kỳ nội chiến của Mỹ và ông gọi là hội chứng đau cục bộ phức hợp (Complex regional pain syndrome - CRPS), một số tác giả gọi hội chứng này là hội chứng Causalgia. Hội chứng Causalgia không chỉ thấy ở chi trên mà còn thấy cả ở chi dưới. Năm 1995 hội chứng Causalgia được Hội chống đau quốc gia Mỹ phân ra hai týp. Týp 1 là các bệnh nhân bị hội chứng Causalgia có các sự kiện kích hoạt nhưng không có bằng chứng về tổn thương thực thể thần kinh. Týp 1 được gọi là hội chứng loạn dưỡng thần kinh giao cảm phản xạ (reflex sympathetic dystrophy - RSD). Týp 2 là hội chứng Causalgia nhưng có các bằng chứng về tổn thương thực thể thần kinh. Týp 2 được gọi là hội chứng Causalgia hay hội chứng đau cục bộ phức hợp (Complex regional pain syndrome - CRPS).
Các giả thiết về cơ chế bệnh sinh chủ yếu hướng tới rối loạn cục bộ thần kinh giao cảm cổ, và rối loạn các trung tâm thần kinh sinh dưỡng, hoặc do viêm dây thần kinh giao cảm. Các lý thuyết này được ủng hộ một phần bởi khi phẫu thuật cắt hạch giao cảm cổ (cắt hạch sao) làm hết các triệu chứng rối loạn vận mạch ở bàn ngón tay bệnh nhân. Đồng thời khi kích thích điện đối với điểm tận cùng của dây thần kinh ngoại biên gây đau bỏng buốt, người ta thấy xuất hiện chất được gọi là neurokinin (hiện nay người ta biết chất đó là N-Methyl-D-Aspartate), chất này gây dãn mạch. Người ta tìm thấy chất neurokinin trong tổ chức bị đau bỏng buốt, Khi lấy chất này tiêm vào tổ chức bình thường làm xuất hiện một cơn đau bỏng buốt.
2. Lâm sàng
2.1. Tiền sử
+ Khai thác kỹ các tiền sử về chấn thương vùng vai, vùng cột sống cổ, vùng cổ bàn tay và 1/3 dưới cẳng tay.
+ Phát hiện các bệnh lý toàn thân, các bệnh hệ thống, bệnh nội tiết, chuyển hóa, đau thắt ngực, đột quỵ.
+ Yếu tố tuổi và giới cũng góp phần quan trọng vì bệnh thường gặp ở người có tuổi từ 40-60, tỉ lệ nữ chiếm 70% tổng số bệnh nhân bị hội chứng loạn dưỡng thần kinh giao cảm phản xạ (hội chứng vai-tay), nam chỉ chiếm 30%.
2.2. Triệu chứng lâm sàng
Lâm sàng của hội chứng vai-tay thường diễn biến qua ba giai đoạn:
2.2.1. Giai đoạn 1 (giai đoạn cấp tính): thường kéo dài 3-6 tháng.
+ Các triệu chứng rối loạn vận mạch và dinh dưỡng bàn tay với các biểu hiện:
- Đau kiểu bỏng buốt thường xuyên, tăng dần, dai dẳng ở vùng bàn ngón tay, nhất là khi hạ bàn tay xuống thấp, khiến bệnh nhân luôn phải dùng tay lành đỡ tay bệnh, và nâng tay bệnh lên cao. Đau cả ngày và đêm, đau tăng khi có kích thích như kích thích bằng kim châm lên da, một cơn gió lạnh, nhúng tay vào nước lạnh. Bệnh nhân luôn có cảm giác nóng bỏng và buốt nên thích quấn quanh bàn tay một khăn ẩm để làm dịu bớt các kích thích.
- Phù nề vùng cổ tay, bàn tay và các ngón tay, da căng bóng, mất các nếp nhăn, phù căng ấn lõm, phía mu tay phù nặng hơn phía lòng bàn tay, phù tăng khi để bàn tay thấp xuống và giảm khi nâng cao tay.
- Da bàn tay và các ngón tay đỏ tím, có vân đỏ trắng xen kẽ, đỏ tím tăng khi hạ bàn tay thấp xuống và nhạt hơn khi nâng bàn tay lên cao.
- Cảm giác vùng bàn ngón tay có thể giảm có thể tăng cảm. Nhiệt độ da cùng cổ bàn tay và các ngón tay có thể tăng, có thể giảm so với tay đối diện. Ấn vào vùng da mu tay hoặc bàn ngón tay thấy lõm do nề và màu da trở nên trắng bạch, khi thả ra vùng da trở nên đỏ tím. Da mu tay trở nên mỏng, mất các nếp nhăn, và các móng tay giòn dễ gãy. Có thể ra nhiều mồ hôi.
- Các ngón tay ở tư thế gấp do phù căng phía mu tay hơn phía lòng bàn tay, làm các dây chằng bên các khớp đốt ngón bị kéo căng gây gấp các khớp đốt ngón. Hạn chế vận động các khớp cổ tay, bàn ngón tay do đau, do phù nề, do rối loạn vận động cơ. Mỗi khi cố gắng vận động bàn tay và ngón tay, cơn đau bỏng buốt lại xuất hiện mạnh lên làm bệnh nhân không dám vận động.
+ Đông cứng khớp vai cùng bên bàn tay tổn thương:
- Đau khớp vai thường xẩy ra muộn hơn đau bỏng buốt ở bàn tay. Đau thường xuyên cả khi nghỉ và đau tăng khi vận động khớp vai. Đau nhiều về đêm.
- Hạn chế vận động khớp vai tăng dần, rồi hạn chế vận động hoàn toàn kiểu khớp vai đông cứng.
Những trường hợp nhẹ có thể chỉ có triệu chứng ở bàn và cổ tay mà không có đông cứng khớp vai hoặc chỉ có đau ở khớp vai mà không có đông cứng.
+ Cận lâm sàng:
- Chụp X-quang khớp vai cho thấy xương khớp vai bình thường. MRI ghi hình khớp vai có bơm thuốc cản quang (MRI-arthrogram) thấy thể tích khớp vai giảm, lượng thuốc bơm vào ổ khớp chỉ được vài millilit (<2ml). Diện khớp thu hẹp thuốc không vào được các túi cùng hoạt dịch dưới mỏm quạ, túi hoạt dịch gân nhị đầu.
- Chụp X-quang cổ bàn tay thấy xuất hiện sớm mất vôi các đầu xương đốt bàn, đốt ngón và khối xương cổ tay.
- Xét nghiệm huyết học và sinh hóa máu không thấy thay đổi.
2.2.2. Giai đoạn 2 (giai đoạn loạn dưỡng): thường kéo dài 3-6 tháng.
+ Các triệu chứng rối loạn vận mạch và dinh dưỡng bàn tay cùng với đông cứng khớp vai tồn tại dai dẳng nhiều tháng, khiến bệnh nhân đau đớn và lo lắng.
- Bàn và ngón tay bệnh nhân luôn nề, các ngón tay ở tư thế gấp, da mu tay đỏ tím, có chỗ tái. Các nếp nhăn mất do nề, da căng bóng, đỏ tím loang lổ chỗ đỏ chỗ trắng. Khi giơ tay lên cao cảm giác căng tức bàn tay giảm, bàn tay bớt nề đỏ. Hạ bàn tay xuống thấp, cảm giác căng tức và đau nhức tăng, da căng bóng do phù tăng và tím đỏ. Đau buốt tăng khi có các kích thích như va chạm, châm chích, gió lạnh. Hạn chế vận động các khớp cổ tay và bàn ngón tay do rối loạn thần kinh vận động, đau và nề căng. Da teo, rối loạn sắc tố, móng giòn dễ gãy, tăng tiết mồ hôi.
- Khớp vai đau, nhưng nổi bật là hạn chế vận động. Nhìn bên ngoài khớp vai bình thường. Bao khớp viêm dính bó chặt lồi cầu và ổ chảo khiến lồi cầu không thể trượt được trên ổ chảo, mọi vận động của cánh tay đều kéo xương bả vai vận động theo. Tầm vận động của khớp vai là do vận động của xương bả vai mà không có vận động của khớp ổ chảo-cánh tay.
Hình ảnh bàn tay và X-quang xương bàn cổ tay ở một bệnh nhân bị hội chứng vai-tay |
Hình trái: Bàn tay bên trái bình thường, bàn tay bên phải bị hội chứng vai-tay
Hình phải X-quang xương bàn tay và cổ tay thấy mất vôi ở đầu xương đốt bàn và đốt ngón, tiêu xương và khuyết xương ở đầu xa xương đốt bàn 2, 3 và 4, mất vôi cả khối xương cổ tay.
+ Toàn thân bệnh nhân không sốt, bạch cầu máu không tăng, xét nghiệm sinh hóa máu bình thường.
2.2.3. Giai đoạn 3 (giai đoạn teo): thường tồn tại kéo dài.
+ Đông cứng khớp vai chuyển sang giai đoạn tan đông, tầm vận động khớp vai phục hồi dần, cơ vùng vai và cánh tay bị teo.
+ Triệu chứng rối loạn dinh dưỡng vận mạch bàn ngón tay giảm dần, đau buốt và phù nề giảm dần làm lộ diện tình trạng teo các cơ vùng bàn tay và ngón tay. Bàn tay có dạng “bàn tay khỉ” do dính khớp bàn-ngón trong tư thế duỗi, viêm gân gấp gây dính các khớp liên đốt ngón trong tư thế gấp, teo cơ ô mô cái và ô mô út, cổ tay dính ở tư thế gấp. Tầm vận động của khớp cổ tay và bàn ngón tay giảm nặng làm bàn tay trông giống như “bàn tay khỉ” và gần như mất chức năng.
+ Chụp X-quang cổ bàn tay thấy mất vôi nặng ở đầu xương bàn và ngón tay, khuyết xương ở đầu xa xương ngón tay, mất vôi ở nhóm xương cổ tay.
3. Chẩn đoán
Chẩn đoán hội chứng vai-tay chủ yếu dựa vào lâm sàng:
+ Đau kiểu bỏng buốt và rối loạn vận mạch dinh dưỡng vùng bàn ngón tay
+ Viêm quanh khớp vai thể đông cứng cùng bên
+ Chụp X-quang xương bàn ngón tay thấy mất vôi ở đầu xương bàn và ngón, có thể có khuyết xương ở đầu xương, mất vôi nhóm xương cổ tay.
4. Điều trị
Điều trị hội chứng vai-tay đang còn là một thách thức đối với các thầy thuốc. Các thuốc chống viêm giảm đau chỉ giúp bệnh nhân giảm đau nhất thời, hết tác dụng của thuốc lại đau trở lại. Rối loạn vận mạch dinh dưỡng bàn tay có thể thuyên giảm khi phong bế gốc chi hoặc phẫu thuật cắt hạch giao cảm cổ. Đông cứng khớp vai cần liệu pháp vận động, nhưng mỗi vận động lại làm tăng rối loạn dinh dưỡng vận mạch bàn tay. Điều trị sớm ngay từ giai đoạn 1 thường cho kết quả tốt hơn điều trị muộn.
4.1. Điều trị nội khoa
Hội chứng vai-tay chủ yếu là điều trị nội khoa, kết hợp giữa điều trị bằng thuốc và vật lý trị liệu thường mang lại hiệu quả tốt nhất. Điều trị sớm ngay từ giai đoạn 1 là rất quan trọng, nó giúp giảm triệu chứng và thời gian phục hồi rút ngắn. chỉ điều trị can thiệp trong những trường hợp điều trị nội khoa thất bại. Các biện pháp gồm:
4.1.1. Điều trị bằng thuốc
+ Thuốc chống viêm giảm đau nhóm non-steroid đường uống hoặc tiêm. Corticoid có thể dùng liều cao một đợt với thời gian ngắn có thể có hiệu quả, nhưng không được dùng kéo dài vì có thể làm tăng rối loạn dinh dưỡng và loãng xương.
+ Phong bế gốc chi có thể giúp làm giảm các triệu chứng rối loạn vận mạch dinh dưỡng bàn tay: giảm đau, giảm nề, giảm tím đỏ bàn tay.
+ Phong bế hạch sao hoặc đám rối thần kinh cánh tay có thể giúp giảm đau và giảm rối loạn vận mạch dinh dưỡng bàn tay
4.1.2. Vật lý trị liệu
+ Dây treo tay: dùng dây vòng qua cổ để treo tay là cần thiết để tránh đau nhức và phù nề tăng khi bàn tay ở vị trí thấp. Ban đêm và lúc nghỉ cần kê cao tay hơn mức tim để làm giảm nề.
+ Dùng băng thun hoặc dây thun quấn từ đầu ngón tay vào gốc ngón lần lượt từng ngón, sau khi cuốn tới gốc ngón tay tháo ra ngay. Rồi cuốn từ đầu xa bàn tay vào cổ tay để làm giảm nề, sau khi cuốn tới cổ tay tháo ra ngay. Mỗi ngày thực hiện 1-2 lần là một biện pháp có lợi.
+ Ngâm bàn tay vào nước lạnh (chậu nước đá) 1-2 phút mỗi lần, mỗi ngày 1-2 lần cũng giúp giảm bớt triệu chứng nề, đỏ, đau, loạn dưỡng bàn tay.
+ Các phương pháp điều trị nhiệt nóng có thể áp dụng vào vùng vai và cột sống cổ (tương ứng C5-C7), tuy nhiên cần tránh áp dụng vào vùng bàn tay khi rối loạn vận mạch đang nặng. Các kỹ thuật có thể áp dụng là: sóng ngắn, sóng cực ngắn, vi sóng, bức xạ hồng ngoại, paraffin. Khi bệnh chuyển sang giai đoạn 3, các triệu chứng rối loạn dinh dưỡng vận mạch vùng bàn tay thuyên giảm (đau bỏng buốt giảm, phù nề giảm, thay đổi màu sắc da cải thiện), có thể áp dụng các biện pháp điều trị nhiệt nóng kết hợp vận động phục hồi chức năng bàn tay.
+ Có thể áp dụng các biện pháp giảm đau bằng dòng điện, như điều trị điện xung vào vùng vai và vùng cổ gáy, điện xung dòng TENS (transcutanious electrical nerve stimulating) thường được khuyến cáo áp dụng, điện di Novocain 2% vào vùng C5-C7.
+ Điều trị bằng dòng Galvanic với điện cực khăn quàng cổ để giúp điều hòa rối loạn thần kinh thực vật.
Khi triệu chứng rối loạn dinh dưỡng vận mạch vùng bàn tay thuyên giảm (bệnh chuyển sang giai đoạn 3), cần tích cực áp dụng các biện pháp điều trị đông cứng khớp vai để phục hồi chức năng khớp vai. Sử dụng các bài tập phục hồi chức năng khớp vai với mục đích gây dãn bao khớp, chống dính bao khớp, giải phóng khớp khỏi tình trạng bó cứng của bao khớp (xem bài viêm quanh khớp vai thể đông cứng).
4.2. Điều trị can thiệp
Điều trị can thiệp chỉ áp dụng trong những trường hợp nặng, điều trị nội khoa thất bại. Có thể áp dụng các biện pháp:
+ Phong bế và triệt hạch giao cảm cổ
+ Mổ cắt bỏ hạch giao cảm cổ bằng nội soi hoặc mổ mở
Sau triệt hoặc cắt hạch giao cảm cổ, triệu chứng loạn dưỡng thần kinh giao cảm cải thiện tốt, nhưng đông cứng khớp vai không thay đổi cần điều trị tích cực.
5. Tiến triển và tiên lượng
Hội chứng vai-tay nếu không được điều trị sẽ tiến triển theo ba giai đoạn và dẫn đến tay bị bệnh mất chức năng, tàn phế (bàn tay khỉ). Giai đoạn 1 là giai đoạn cấp tính: các triệu chứng rối loạn vận mạch và dinh dưỡng bàn tay cùng với đông cứng khớp vai tiến triển tăng dần. Giai đoạn 2 là giai đoạn loạn dưỡng: các triệu chứng rối loạn vận mạch và dinh dưỡng bàn tay cùng với đông cứng khớp vai tồn tại dai dẳng. Giai đoạn 3 là giai đoạn teo: đông cứng khớp vai chuyển sang giai đoạn tan đông, tầm vận động khớp vai phục hồi dần, cơ vùng vai và cánh tay bị teo. Triệu chứng rối loạn dinh dưỡng vận mạch bàn ngón tay giảm dần, đau buốt và phù nề giảm dần làm lộ diện tình trạng teo các cơ vùng bàn và ngón tay. Chụp X-quang cổ bàn tay thấy mất vôi ở đầu xương bàn và ngón tay, khuyết xương ở đầu xa xương ngón tay, mất vôi ở nhóm xương cổ tay. Tầm vận động của khớp cổ tay và bàn ngón tay giảm nặng làm bàn tay gần như mất hoàn toàn chức năng.
Điều trị nội khoa với hai mục tiêu: giảm đau chống viêm và điều chỉnh rối loạn dinh dưỡng vận mạch, có thể giúp thuyên giảm triệu chứng và phục hồi được chức năng của khớp vai và bàn tay. Khi các triệu chứng rối loạn dinh dưỡng đang nặng nề cần tránh vận động thụ động bàn ngón tay, vì sẽ kích thích làm tăng rối loạn dinh dưỡng. Khi các triệu chứng rối loạn dinh dưỡng vận mạch thuyên giảm, có thể áp dụng các biện pháp điều trị nhiệt nóng kết hợp vận động bàn ngón tay sẽ hạn chế được quá trình tiêu xương và teo cơ, chức năng bàn tay được phục hồi.
Bệnh nhân được hủy hoặc cắt hạch giao cảm cổ, các triệu chứng rối loạn dinh dưỡng vận mạch bàn tay thuyên giảm nhanh, tạo điều kiện cho áp dụng các biện pháp điều trị phục hồi chức năng bàn tay và khớp vai được thuận lợi cũng cho tiên lượng về chức năng tốt.
Để hiểu rõ hơn về bệnh viêm, đau vùng khớp vai, xin mời các bạn đọc cuốn "VIÊM QUANH KHỚP VAI, CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ" của tác giả Hà Hoàng Kiệm mới xuất bản 2015.