Ấn phẩm "Những gương mặt Giáo sư Việt Nam"

Cập nhật: 21/08/2017 Lượt xem: 3937

Đây là bài viết của tác giả Lan Anh đăng trong tập sách “Những gương mặt giáo sư Việt Nam, Tài năng – Trí tuệ - Nhân cách”, Tập 4, trang 290 – 301 do Nhà xuất bản Thanh niên xuất bản 2017.

 

PGS.TS. ĐẠI TÁ, HÀ HOÀNG KIỆM

…………………………………………

 

NGƯỜI THẦY THUỐC MẶC ÁO LÍNH

CỐNG HIẾN TRỌN CUỘC ĐỜI

 

Nghĩa vụ thiêng liêng của một người quân nhân là bảo vệ Tổ quốc, giữ yên bờ cõi và an toàn tính mạng cho nhân dân, trách nhiệm của một người bác sĩ là phải chăm lo cho sức khỏe người dân. Mặc trên mình cả hai sắc phục, gánh trên vai cả hai nhiệm vụ nhưng chưa khi nào PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm cảm thấy mệt mỏi, vì đó chính là niềm đam mê và khát vọng cả một đời của ông.

Tuổi thơ gian khó không thể nào quên

PGS.TS Hà Hoàng Kiệm sinh năm 1954 tại một vùng trung du, xã Vân Trục, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Mảnh đất quê hương ông với rừng cọ, đồi chè, giàu truyền thống cách mạng, mang đậm dấu ấn của văn hóa Hùng Vương và Kinh Bắc, Thăng Long, của nền văn hóa dân gian đặc sắc, của khoa bảng, với lối sống xã hội và chuẩn mực đạo đức luôn được giữ gìn và phát huy.

Gia đình ông có tám chị em, bốn nam và bốn nữ, ông là con thứ hai, vì vậy cuộc sống hết sức kham khổ. Cho đến bây giờ, PGS Kiệm vẫn không quên câu nói của bố: “Bố mẹ không có tiền của để lại cho các con mà chỉ cố gắng cho các con học hành thành đạt để làm vốn vào đời”. Tình cảnh đất nước khó khăn muôn trùng, gia đình lại nghèo khó nhưng với động lực lớn lao như vậy, bố mẹ ông vẫn kiên trì động viên các con học hành đến nơi đến chốn để mai sau có thể “vẫy cánh” thoát khỏi cảnh nghèo đói, hướng về tương lai tươi sáng hơn.

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm – Tham gia Hội đồng chấm luận án tiến sĩ tại Đại học Y Hà Nội (người đứng thứ hai bên trái)

Tuổi thơ của cậu bé Kiệm gắn liền với những chuỗi ngày vất vả, làm lũ, ngày đi học, chiều về phụ giúp bố mẹ việc nhà và chăm lo các em. Thấu hiểu được tấm lòng sâu nặng và sự hy sinh lớn lao của những bậc sinh thành, ông cùng chị và các em học tập rất chăm chỉ và sớm có trong mình một niềm khát khao tri thức. PGS Kiệm không thể giấu nổi sự tự hào về gia đình mình khi vào mỗi dịp 20/11 hàng năm về thăm các thầy cô giáo cũ thời học phổ thông, mặc dù đều đã ở cái độ tuổi xưa nay hiếm nhưng các thầy cô vẫn nhớ và đọc tên được cả tám chị em của ông vì họ đều từng là những người học trò xuất sắc một thời.

Ngày ấy cả huyện chỉ có duy nhất một trường cấp Ba, đó là trường cấp Ba Ngô Gia Tự, cách nhà ông chừng 5 km. Thương con đi học vất vả, bố mẹ ông đã dồn hết các khoản tiết kiệm để sắm cho ông một chiếc xe đạp cũ. Xe đạp hồi đó là cả một gia tài, là ước mơ của bao nhiêu con người. Chiếc xe đạp đó chính là động lực tinh thần vô giá đồng hành cùng Hà Hoàng Kiệm trên con đường đến trường, để cho hành trình đuổi theo con chữ không còn xa nữa.

Thời đấy, khối lớp 10 cuối cấp có 6 lớp với gần 400 học sinh, nhưng chỉ 5 người thi đỗ đại học, thật may mắn trong đó có ông. Sau một thời gian chờ đợi, Hà Hoàng Kiệm nhận được giấy báo nhập học Đại học Kinh tế Kế hoạch Hà Nội (nay là Đại học Kinh tế quốc dân). Rời quê hương đến với Thủ đô, đến với giảng đường đại học chỉ với hai bàn tay trắng, nhưng trên vai chàng trai trẻ còn gánh vác hành trang nặng trĩu là những ước mơ và khát vọng tri thức, khao khát thay đổi cuộc sống lớn lao.

Trong lòng ngập tràn niềm vui sướng, ông phấn khởi lên đường nhập học để chính thức trở thành sinh viên, được thỏa mãn khát khao tri thức và niềm đam mê khoa học. Nhưng dù có đi đâu về đâu và làm gì, PGS.TS Hà Hoàng Kiệm vẫn luôn hướng về quê hương với những gì tốt đẹp nhất, đó là gia đình thân yêu, là kỷ niệm tuổi thơ đáng nhớ và cũng là bệ phóng đưa ông vào đời.

Lớn nhờ củ sắn, đọt dưa

Bàn tay cha mẹ sớm trưa nhọc nhằn.

Khi ra đi ông không hề hay biết trước, cuộc sống sau này của mình sẽ xoay vần nhiều đến như vậy, những cánh cửa khác nhau cứ mở ra trước mắt và ông buộc phải lựa chọn hướng đi cho mình.

          Hành trình trở thành người thầy thuốc mặc áo lính

Năm 1972, cả nước sôi sục khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang đến hồi quyết liệt hơn bao giờ hết. Ở miền Bắc, Mỹ sử dụng máy bay và tàu chiến đánh phá ác liệt nhằm phá hoại kho tàng, chia cắt đường viện trợ của ta. Ở miền Nam, chúng hậu thuẫn chính quyền Sài Gòn mở chiến dịch “Mùa hè đỏ lửa”, kịch chiến với ta ở chiến trường Quảng Trị. Chưa dứt tâm trạng háo hức của một cậu sinh viên năm nhất thì sang học kỳ hai, Hà Hoàng Kiệm quyết định nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, cùng các anh chị và chúng bạn lên đường nhập ngũ. Sau ba tháng huấn luyện, đơn vị ông được lệnh vào Miền Nam chiến đấu và ông được bổ xung về Đội điều trị 14 của Quân khu V. Tại đây, chàng lính mới Hà Hoàng Kiệm được đào tạo thành y tá và phục vụ các chiến dịch trên địa bàn Quân khu V.

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm – Tham gia Hội đồng chấm luận án tiến sĩ tại Đại học Y- Dược Huế, Đại học Huế (người đứng thứ ba từ trái sang phải)

Quãng thời gian làm y tá trên chiến trường cũng là quãng thời gian chất chứa biết bao kỷ niệm đau thương, đồng thời cũng là bước ngoặt hình thành trong ông một ước mơ cao đẹp khác. Hàng ngày trực chiến tại các đội phẫu thuật tiền phương, đón hàng trăm ca thương binh, bệnh binh trong các chiến dịch, nhìn những đồng đội cùng trang lứa nằm bất động trên băng ca, Hà Hoàng Kiệm cùng những chiến sĩ quân y khác không tránh được cảm giác nặng lòng xót xa. Thế nhưng, một người y tá chiến trường được đào tạo vội vàng như ông, biết làm thế nào đây? Làm thế nào để giúp được đồng đội của mình đang cận kề giữa cái sống và cái chết. Sinh tử thật mong manh, những ai đã từng trải qua điều ấy mới thấu hiểu được cái thiêng liêng của tình đồng đội, đồng chí. Nhiều khi phải đứng chôn chân nhìn họ đi về cõi vĩnh hằng vì vết thương quá nặng hay vì những cơn sốt rét rừng quái ác, ông lại cảm thấy uất nghẹn nơi con tim, thầm tự trách bản thân quá kém cỏi vì vốn hiểu biết hạn hẹp về y học. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh thần tốc, đơn vị ông hành quân tới Nha Trang tiếp quản Bệnh viện Không quân Nha Trang để cứu chữa cho các thương bệnh binh trong chiến dịch. Nhiều bộ đội bị sốt xuất huyết rất nặng mà ông là người chăm sóc, trong lúc hấp hối đã cầm tay ông và nói: “Anh ơi, cố gắng cứu em, em còn bố mẹ già ở quê và em còn trẻ lắm”. Câu nói làm đôi tai ông như ù đi và nước mắt cứ thế rơi, nước mắt rơi để tiễn đưa đồng đội, nước mắt rơi vì sự non kém về kiến thức của bản thân và cũng là những giọt nước mắt cáo chung cho hình ảnh một y tá quân y Hà Hoàng Kiệm thiếu kinh nghiệm và non nớt. Từ đây, ông quyết định mình sẽ phải rẽ đi theo một hướng đi mới, đó là theo đuổi sự nghiệp y học để có thể tự tin chữa bệnh cứu người, để không còn nữa những giây phút bất lực trong uất nghẹn như vậy.

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm – Tham gia Hội đồng chấm luận án tiến sĩ tại Học viện Quân y (người đứng thứ tư từ phải sang trái)

Năm 1975, kháng chiến chống Mỹ thắng lợi hoàn toàn, non sông thu về một mối, một năm sau Hà Hoàng Kiệm được đơn vị đưa ra Bắc để theo học Đại học Quân Y (nay là Học viện Quân Y). Sáu năm học tập ở trường là sáu năm không ngừng trau dồi và phát triển của Hà Hoàng Kiệm. Ông học tập và nghiên cứu với tâm thế của một người đã trải qua cảnh mất mát những người đồng đội thân yêu, học tập để hiểu sâu hơn, hiểu rộng hơn về Y học. Ba năm là sinh viên giỏi, hai năm là chiến sĩ thi đua đã phần nào minh chứng cho những nỗ lực của ông. Năm 1982, ông tốt nghiệp và được giữ lại trường về công tác tại Bệnh viện 103 (bệnh viện thực hành của Học viện). Với niềm say mê với nghề, ông vừa làm việc vừa tiếp tục học các khóa sau đại học để năm 1987 tốt nghiệp Bác sĩ chuyên khoa cấp I nội chung, năm 1994 tốt nghiệp Thạc sĩ nội chung, năm 1995 tốt nghiệp Bác sĩ chuyên khoa cấp II nội chung, năm 1998 bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành Nội Thận-Tiết niệu và năm 2004 ông được phong học hàm Phó giáo sư.

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm – Tham gia Hội đồng chấm luận án tiến sĩ tại Đại học Y tế công cộng (người đứng thứ ba bên trái sang).

Vào năm 1992, ca ghép thận đầu tiên ở Việt Nam đã được tiến hành tại Bệnh viện 103, Học viện Quân Y. Từ năm 1994, ông là thành viên của tổ tuyển chọn và chuẩn bị các cặp người cho - người nhận thận để ghép thận tại Bệnh viện 103 và những năm sau là người đóng góp vai trò chính trong tuyển chọn và chuẩn bị các cặp người cho - người nhận ở Bệnh viện 103. Thời gian này, cấy ghép nội tạng nói chung và ghép thận nói riêng ở nước ta còn là những kỹ thuật mới mẻ nên sau mỗi lần chuẩn bị xong một cặp, ông phải báo cáo trước Hội đồng chuyên môn Ghép tạng của Bộ Y tế để Hội đồng quyết định có ghép được hay không, chọn thận nào để ghép và chọn phương pháp ghép như thế nào, dự kiến những khó khăn và cách giải quyết.

Được tiếp xúc với các thầy là các chuyên gia đầu ngành của các chuyên ngành Y học trong và ngoài nước như thầy Lê Thế Trung, thầy Tôn Thất Bách, thầy Phạm Khuê, thầy Lương Tấn Thành, Thầy Nguyễn Kim Sơn, thầy Bửu Triều, thầy Nguyễn Văn Xang… ông đã học được rất nhiều. Không chỉ là vấn đề chuyên môn, mà chính cái tâm, tấm lòng nhân ái cùng tác phong làm việc khoa học của các bậc tiền bối mới là điều khiến ông kính phục nhất. Điều đó đã thấm vào ông và từ lúc nào đã trở thành phong cách sống và làm việc của ông trong suốt những năm về sau.

Đến năm 2006, bộ môn Phục hồi chức năng của Học viện Quân Y được thành lập, PGS.TS Hà Hoàng Kiệm được Học viện điều chuyển từ bộ môn - Khoa Nội (Tim mạch - Thận - Khớp - Nội tiết) sang xây dựng và làm Chủ nhiệm Bộ môn Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng cho đến nay. Với tình yêu nghề và lòng nhiệt huyết khát khao, ông đã cùng với các cộng sự của mình từng bước phát triển và hoàn thiện bộ môn từ đội ngũ giảng viên, giáo trình giảng dạy cho đến phong cách và kỹ năng giảng dạy. Đến thời điểm hiện tại, bộ môn đã có 6 giảng viên, 2 PGS.TS, các giảng viên còn lại đều là Thạc sĩ và Bác sĩ chuyên khoa cấp II, đảm nhiệm tốt công tác đào tạo chuyên ngành cho đại học và sau đại học. Hai cuốn giáo trình “Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng” dùng cho đào tạo đại học và sau đại học do ông làm chủ biên là những cuốn giáo trình đầu tiên của chuyên ngành được đánh giá cao. Tuy non trẻ nhưng ngoài công tác đào tạo và điều trị, bộ môn đã hoàn thành một đề tài nhánh cấp Nhà nước, 3 đề tài cấp Bộ, 2 đề tài cấp cơ sở.

 

Hình trái, PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm (Người thứ hai từ trái sang) trong chủ tịch đoàn điều hành Hội nghị khoa học tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh và Hình phải, Hội nghị khoa học tại Bệnh viện Việt – Tiệp Hải Phòng (Người ngồi đầu bên trái) .

Người phương Tây có câu châm ngôn “Miếng pho mát thơm ngon mà không phải trả tiền chỉ có ở trên cái bẫy chuột”. Từ những kinh nghiệm và những trải nghiệm của mình, Bác sĩ Hà Hoàng Kiệm hiểu rất rõ rằng không có đam mê, không có cố gắng sẽ không thể có thành công, muốn tới đỉnh vinh quang thì bàn chân phải “rớm máu vì những mũi gai”. Ông thường tâm sự với học trò của mình rằng: “Ý nghĩ tạo nên hành động, hành động lặp đi lặp lại tạo nên thói quen, thói quen tạo nên tính cách, tính cách tạo nên số phận”, Phật hay Chúa không tạo nên số phận cho bất kỳ ai, số phận của mỗi người là do người đó tạo nên. Điều đó có nghĩa là muốn thành công trước hết phải có đam mê, ý thích chưa phải là đam mê, có đam mê thì phải quyết thực hiện bằng được niềm đam mê đó, phải tập cho mình những thói quen tốt không chỉ trong cách sống mà cả trong công việc. Phải chăm tích lũy kiến thức để theo quy luật “lượng đổi thì chất đổi”, cứ thế sẽ trưởng thành.

Hết mình với sự nghiệp nghiên cứu khoa học và đào tạo

Dù rất bận rộn với công việc khám chữa bệnh cũng như giảng dạy nhưng PGS.TS Hà Hoàng Kiệm vẫn rất chú tâm đến nghiên cứu khoa học với mong muốn tự tạo ra những thành tựu mới phục vụ cho chính công việc chuyên môn của mình. Ông đã tham gia và làm chủ nhiệm của 10 đề tài gồm đề tài cấp Nhà nước, đề tài nhánh cấp Nhà nước, đề tài cấp Bộ và đề tài cấp cơ sở. Ông là tác giả của 4 sáng kiến kỹ thuật cấp Bộ và cấp cơ sở, các sáng kiến của ông hiện đang được áp dụng trong khoa lâm sàng góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, như sáng kiến Ghế kéo gấp khớp gối và kéo dãn cột sống cổ để phục hồi chức năng khớp gối và điều trị thoái hóa cột sống cổ. Sáng kiến Kéo dãn cột sống tư thế sấp bằng bàn kéo cải tiến để điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Nhưng nói về những thành công mà ông tâm huyết nhất, ông thích nhắc đến một sáng kiến mới đây của ông là Kỹ thuật kéo bóc tách viêm dính khớp vai dưới gây tê thần kinh trên vai để điều trị viêm quanh khớp vai thể đông cứng. Sáng kiến đã được Hội đồng Khoa học và Y đức của Bệnh viện 103 thông qua và cho phép thực hiện trong lâm sàng ngày 22/4/2016. Ý nghĩa hơn cả là sáng kiến đã tạo ra bước chuyển ngoạn mục trong kết quả điều trị cho những bệnh nhân bị viêm quanh khớp vai thể đông cứng. Kỹ thuật vừa đơn giản, rẻ tiền, bệnh nhân không cần nằm nội trú và có thể về nhà ngay trong ngày, trước đây nhiều bệnh nhân phải phẫu thuật nội soi khớp vai mới điều trị được. Ông đã chuyển giao kỹ thuật này cho một nhóm bác sĩ trẻ của khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện 103 và đến nay đã trở thành kỹ thuật thường quy điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân viêm quanh khớp vai thể đông cứng.

 

Máy lọc nước RO cung cấp nước cao cấp cho máy thận nhân tạo, giải nhất VIFOTEC 2010.

PGS.TS Hà Hoàng Kiệm còn là đồng tác giả giải nhất VIFOTEC 2010 về đề tài Thiết kế và chế tạo hệ lọc nước cao cấp để cung cấp nước cho máy chạy thận nhân tạo phối hợp cùng Viện Vật lý ứng dụng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ông chia sẻ, nhiều những nghiên cứu của ông được ứng dụng vào thực tế đem lại hiệu quả cao, có thể kể đến nghiên cứu ứng dụng nghiệm pháp đo độ thẩm thấu nước tiểu mẫu sáng sớm để đánh giá khả năng cô đặc nước tiểu của thận. Đây cũng là nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam được Hội đồng chấm luận án cấp Nhà nước đánh giá cao. Từ đó, phương pháp này đã được ứng dụng trong tuyển chọn các cặp người cho – người nhận để ghép thận tại Bệnh viện 103.

 

Sáng kiến ghế kéo gập khớp gối và kéo giãn cột sổng cổ (hình trái) và sáng kiến cải tiến giường kéo giãn cột sống tư thế sấp.

Ông còn là đồng tác giả đề tài Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ chế tạo hệ thống thiết bị cung cấp nước cao cấp cho các máy thận nhân tạo. Hiện nay, hệ thống cung cấp nước cao cấp này đã được nhiều khoa thận nhân tạo của các bệnh viện trong cả nước lắp đặt với giá thành rẻ hơn nhập ngoại và đạt hiệu quả tốt. Ngoài ra, những sáng kiến chế tạo dụng cụ kéo gấp khớp gối và kéo giãn cột sống cổ của ông cũng đã được công nhận là sáng kiến cấp Bộ Quốc Phòng năm 2002, đã và đang được sử dụng điều trị có hiệu quả cho bệnh nhân tại khoa Vật lý trị liệu Bệnh viện 103 và được nhiều cơ sở y tế ứng dụng tốt.

 

Chứng nhận tham gia “Cụm công trình ghép tạng” được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh 2005 của PGS. TS. Hà Hoàng Kiệm.

Là người say mê với công tác đào tạo, đến nay ông đã hướng dẫn chính 8 nghiên cứu sinh chuyên ngành Nội Thận-Tiết niệu, hướng dẫn 25 luận văn Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa cấp II, Bác sĩ nội trú đã bảo vệ thành công. Ông đã đăng in 65 bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học chuyên ngành và hơn 40 bài báo tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe trên các báo và tạp chí Y học. Không chỉ có vậy, ông đã xuất bản 13 đầu sách gồm giáo trình đại học và sau đại học, sách chuyên khảo và tham khảo thuộc hai chuyên ngành Nội Thận-Tiết niệu và Phục hồi chức năng. Trong đó bộ sách gồm 2 cuốn “Thận học lâm sàng” dày gần 1000 trang và cuốn “ATLAS mô bệnh học các bệnh cầu thận và bệnh ống – kẽ thận” dày gần 500 trang với gần 800 ảnh màu mà ông là tác giả đã được nhà xuất bản y học xuất bản và trở thành bộ sách chuyên khảo hoàn chỉnh nhất từ trước đến nay về chuyên ngành thận, được các đồng nghiệp đánh giá rất cao. Với cuốn sách “Thực hành cấp cứu và điều trị bệnh nội khoa” của ông do nhà xuất bản y học phát hành đã được tái bản nhiều lần và trong 10 năm liên tục được các nhà sách lớn xếp trong top 100 cuốn sách bán chạy nhất của họ. Khi được hỏi về điều gì làm ông tự hào nhất trong hoạt động khoa học của mình, ông mỉm cười và nói rằng: một lần ông lên thăm ngọn cờ Lũng Cú, Hà Giang, nơi cực bắc tổ quốc, khi vào thư viện xã Lũng cú dưới chân cột cờ, bất ngờ ông nhìn thấy cuốn sách của mình trên giá sách của thư viện. Lần khác khi vào Cần Thơ ông cũng thấy sách của mình trên giá sách của một nhà sách lớn của thành phố. Khi gặp lại bạn bè cũ hay các em học sinh cũ nay đã là các bác sĩ cốt cán ở các miền khắp đất nước, được nghe họ nói họ vẫn giữ những cuốn sách của ông và nó đã giúp ích cho họ rất nhiều trong công việc. Ông mừng vì các kiến thức của ông đã giúp ích nhiều cho đồng nghiệp trong sự nghiệp cứu người, đáng tự hào lắm chứ.

Hết lòng với các hoạt động xã hội

Nhớ ngày giỏ dắt sau lưng

Mò cua dưới ruộng, tát bưng trưa hè

Trèo cây ổi, hái búp chè

Dắt em ra đón mẹ về buổi trưa

 

Những khi ngồi học đến khuya

Râm ran gà gáy bên kia đồi chè

Mẹ đến bên, khẽ vỗ về

Thôi con đi ngủ kẻo khuya lắm rồi…

Dù đi đâu về đâu, Hà Hoàng Kiệm vẫn luôn một lòng hướng về quê hương, nơi mảnh đất nghèo đã nuôi ông trưởng thành. Ông đã cùng với vợ mình là bà Bùi Thị Én, một nữ doanh nhân thành đạt là người đầu tiên đưa giống cây thanh long ruột đỏ có nguồn gốc từ Đài Loan về trồng thử nghiệm tại Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Thời điểm đó rất ít người biết đến giống thanh long ruột đỏ, cũng không ai dám chắc nó có phù hợp với điều kiện tự nhiên ở Vĩnh Phúc hay không. Vườn thanh long của gia đình ông cho ra quả ngọt chỉ sau 1 năm và đã được các cấp chính quyền huyện và tỉnh quan tâm phát triển thành dự án ra cả tỉnh. Giờ đây thanh long ruột đỏ Lập Thạch đã được đăng ký bản quyền trở thành thương hiệu và đã được xuất sang Malaysia (2016). Mỗi lần về quê, nhìn những đồi thanh long trải dài ông không dấu được nỗi vui mừng, cây thanh long ruột đỏ bây giờ không chỉ trở thành cây xóa đói giảm nghèo mà còn giúp người dân quê ông có thể vươn lên làm giàu.

 

Vườn thanh long ruột đỏ 1 năm tuổi do PGS. TS. Hà Hoàng Kiệm và vợ là Bùi Thị Én đưa giống về trồng thử nghiệm tại quê nhà xã Vân Trục, huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phúc. Ông Phùng Quang Hùng (người mặc áo ngắn tay) chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về thăm vườn thanh long ruột đỏ và chỉ đạo xây dựng dự án phát triển cây thanh long ruột đỏ mở rộng ra nhiều huyện của tỉnh Vĩnh Phúc.

Ông còn là người rất tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, tham gia phòng khám bệnh từ thiện chùa Trăm gian huyện Chương Mỹ Hà Nội trong nhiều năm, tham gia khám chữa bệnh và tặng quà miễn phí cho đồng bào nghèo các huyện miền núi theo các đoàn của Bệnh viện 103, Thành đoàn Hà Nội tổ chức. Ghi nhận các cống hiến đó, ông đã nhận được bằng khen của ủy ban nhân dân Huyện Sốp Khộp tỉnh Sơn La và Thành đoàn Quảng Trị. Vậy mới có thể thấy tấm lòng nhân hậu, ấm áp và cao cả của Bác sĩ quân y Hà Hoàng Kiệm. Ông thực sự đã trở thành một người thầy thuốc đích thực, biết đem kiến thức, tài năng của mình ra phục vụ nhân dân.

PGS. TS. Hà Hoàng Kiệm tham gia Phòng khám từ thiện chùa Trăm Gian, huyện Chương Mỹ, Hà Nội (người đứng thứ hai từ trái sang phải).

Với nhiều thành tựu đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp khoa học, sự nghiệp giáo dục - đào tạo và điều trị, PGS. TS Hà Hoàng Kiệm đã được nhận nhiều phần thưởng như Huân chương chiến công hạng nhất; Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng nhất; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba; Huân chương quân kỳ quyết thắng; Huy chương Vì sự nghiệp khoa học và công nghệ; Huy hiệu tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục; Kỷ niệm chương Vì thế hệ trẻ; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng; Danh hiệu thầy thuốc ưu tú và nhiều Bằng khen của Bộ Quốc Phòng, Bộ Y tế…

Có một câu hát mà tôi rất tâm đắc: “Sống như những đóa hoa này, tỏa ngát hương thơm cho đời”. Trong xã hội không thiếu những người có tài năng trên rất nhiều khía cạnh, nhưng theo tôi, tài năng chỉ có thể được xem là tài năng nếu người đó biết đem nó ra phục vụ cộng đồng, làm lợi cho bản thân và xã hội. Một đời PGS.TS Hà Hoàng Kiệm là một đời cống hiến không ngừng, cống hiến để không hổ thẹn với hai sắc áo trên vai, để làm tròn trách nhiệm của một người thầy thuốc mặc áo lính. Để rồi, ông càng thấm thía hơn: Con đường ông đã chọn là một con đường sáng, xứng đáng để các thế hệ tiếp tục tiếp nối, noi theo.

LAN ANH

 

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bài về chủ bút

    Tinh hoa nhân loại

      Khoa học

        Văn học

          SÁCH CỦA TÔI