Ấn phẩm "Tấm gương người làm khoa học"

Cập nhật: 06/07/2017 Lượt xem: 2802

Đây là bài viết của tác giả Kim Nguyên đăng trong tập sách “Tấm gương người làm khoa học” tập 16, trang 257 - 269 của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam xuất bản 2017.

 

TTƯT. PGS. TS.

Hà Hoàng Kiệm

TTƯT. PGS.TS Hà Hoàng Kiệm

SỐNG TRỌN VỚI ĐAM MÊ,

TẬN HIẾN CHO CUỘC ĐỜI

 

Nhắc đến ông, những người bệnh tại Bệnh viện 103, Học viên Quân Y, những đồng nghiệp và học trò của ông luôn nhớ đến hình ảnh một người bác sĩ giàu y đức, một nhà quản lý tận tâm với công tác khám chữa bệnh và một nhà khoa học nhiệt thành với sự nghiệp nghiên cứu khoa học của ngành Y. Ông là TTƯT. PGS.TS Hà Hoàng Kiệm - Chủ nhiệm bộ môn Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y.

 

Bước ngoặt “định mệnh”

PGS.TS Hà Hoàng Kiệm sinh ngày 11 tháng 7 năm 1954 tại xã Vân Trục, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Vùng quê trung du nghèo khó nhưng mang trong mình vẻ đẹp của sự yên bình chính là nơi chứa đựng những ký ức tuổi thơ, vun đắp đạo lý làm người và nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão đẹp đẽ trong ông.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có tới 8 chị em, nên tuổi thơ của ông là những chuỗi ngày vất vả, lam lũ, song không vì thế mà ông từ bỏ niềm khát khao tri thức. Ngược lại, những khó khăn ngày đó lại trở thành động lực mạnh mẽ giúp ông vượt qua nghịch cảnh. Dù cuộc sống kinh tế rất vất vả nhưng bố mẹ ông luôn động viên các con học tập. Cho đến bây giờ, ông vẫn nhớ như in câu nói của người bố thân yêu: “Bố mẹ không có tiền của để lại cho các con mà chỉ cố gắng cho các con học hành thành đạt để làm vốn vào đời”. Hiểu rõ những hy sinh thầm lặng của bố mẹ nên 8 chị em ông ai cũng cố gắng học hành thật tốt. Ông không giấu nổi niềm vui và niềm tự hào về gia đình mình, về các anh chị em của mình. Khi đến thăm các thầy cô giáo cấp III nhân ngày 20/11 hàng năm, mặc dù đã ở tuổi trên 80 nhưng các thầy vẫn nhớ và đọc tên từng người trong 8 chị em ông vì ai nấy đều là những người có học lực nổi trội trong trường. Hồi ấy, cả huyện chỉ có một trường cấp III chính là trường cấp III Ngô Gia Tự cách nhà ông tới 5 cây số. Vì thấy con đi bộ vất vả nên bố mẹ đã dành dụm và mua cho ông một chiếc xe đạp cũ. Niềm vui mừng khôn tả thôi thúc ông càng phải cố gắng hơn nữa để có thể đền đáp công ơn và sự kỳ vọng của bố mẹ. Những năm tháng ấy ông luôn mơ ước trở thành sinh viên đại học, được cắp sách đi đưới bóng cây sân trường đại học, được ngồi trong giảng đường để rồi trở thành một nhà khoa học. Ước mơ đó đã trở thành động lực thôi thúc ông vượt qua mọi khó khăn thiếu thốn lúc bấy giờ để học tập. Sáng sáng ông cắp sách đến trường, chiều về lại phụ giúp bố mẹ những công việc gia đình như chăn bò, cắt cỏ, kiếm củi,… tối đến, bên ánh đèn dầu mờ tỏ, ông ôn lại bài vở, miệt mài góp nhặt tri thức, xây dựng ước mơ tươi đẹp. Tuổi trẻ của ông cứ thế trôi đi trong sự nỗ lực không ngừng nghỉ.

Tốt nghiệp Trung học, ông háo hức đăng ký dự thi Đại học. Sau những ngày hồi hộp chờ đợi kết quả, ông đã nhận được giấy báo nhập trường Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học kinh tế Quốc dân). Thời ấy, khối lớp 10 cuối cấp có 6 lớp với gần 400 học sinh, nhưng chỉ 5 người thi đỗ Đại học, trong đó có ông. Tạm biệt quê hương với biết bao nhọc nhằn vẫn còn đó, tạm biệt gia đình thân yêu - nơi đã tiếp thêm sức mạnh để ông vượt qua khó khăn, năm 1971, mang theo niềm vui và cả sự háo hức, ông lên Hà Nội nhập học. Ngỡ như từ đây ông có thể chuyên tâm theo đuổi ước mơ trở thành một nhà khoa học của mình thì một bước ngoặt lại mở ra làm thay đổi hoàn toàn định hướng ban đầu của ông.

Những năm đó, đất nước chìm ngập trong mưa bom bão đạn khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra toàn miền Bắc và chiến trường miền Nam ngày càng ác liệt. Chứng kiến những hy sinh, mất mát của đất nước, cùng với bao bạn bè cùng trang lứa, chàng sinh viên Hà Hoàng Kiệm đã quyết định tạm gác lại việc học tập, xếp bút nghiên, xung phong lên đường nhập ngũ khi mới vừa bước sang kỳ II năm thứ nhất. Sau 3 tháng huấn luyện quân sự, đơn vị ông được lệnh hành quân vào chiến trường miền Nam. Ông được bổ sung vào Đội điều trị 14 của Quân khu V. Ở đây, ông được đào tạo thành y tá và phục vụ các chiến dịch trên địa bàn Quân khu. Quãng thời gian làm y tá trên chiến trường cũng là quãng thời gian chất chứa biết bao kỷ niệm đau thương, đồng thời vừa là bước ngoặt hình thành trong ông một ước mơ cao đẹp khác. Hàng ngày đón nhận và phục vụ các thương binh, bệnh binh, những người lính cùng tuổi mình, nhiều đồng đội bị những vết thương quá nặng hoặc sốt rét ác tính đã không qua khỏi, ông không giấu nổi cảm giác bất lực vì vốn kiến thức y học ít ỏi được đào tạo vội nơi chiến trường. Chính điều ấy đã thôi thúc ông phải học tiếp ngành y. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh thần tốc, đơn vị ông hành quân tới Nha Trang tiếp quản bệnh viện Không quân Nha Trang (nay là Bệnh viện Quân y 87) để cứu chữa cho các thương bệnh binh trong chiến dịch. Nhiều bộ đội bị sốt xuất huyết rất nặng mà ông là người trực tiếp chăm sóc, trong lúc hấp hối đã cầm tay ông và nói “Anh ơi, cố gắng cứu em, em còn bố mẹ già ở quê và em còn trẻ lắm”. Nhìn đồng đội ra đi mà ông ứa nước mắt. Từ đó, ông càng nung nấu ước mơ học về ngành y hơn bao giờ hết.

Mang theo ước mơ cao đẹp, sau khi chiến tranh kết thúc, năm 1976, ông được đơn vị cho ra Bắc để theo học Đại học Quân Y (nay là Học Viện Quân Y). Sau những năm tháng trải qua khói lửa chiến tranh, gửi lại tuổi thanh xuân và những năm tháng đẹp nhất trên chiến trường vì tình yêu quê hương, đất nước, vì hòa bình, hạnh phúc nhân dân, chàng trai Hà Hoàng Kiệm lại một lần nữa cầm lên tay cuốn sách, theo đuổi ước mơ đang ngày một bùng cháy của mình. Sáu năm trên giảng đường Học viện Quân Y là 6 năm vất vả, phấn đấu, tìm hiểu và suy ngẫm, học để hiểu sâu hơn, học để rồi chữa bệnh của người học viên từng trực tiếp chứng kiến cũng từng bất lực trước sự mất mát, hy sinh của những đồng đội thân yêu. Và rồi, năm 1982, ông tốt nghiệp Đại học. Với thành tích 3 năm liền học sinh giỏi, 2 năm được bầu làm chiến sĩ thi đua, ông được giữ lại trường và về công tác tại Bệnh viện 103, bệnh viện thực hành của Nhà trường. Từ đó về sau, con đường học tập, nghiên cứu khoa học, điều trị cho bệnh nhân và giảng dạy, dìu dắt các thế hệ học trò với niềm đam mê y  học luôn song hành trong cuộc đời ông.

Mỗi một quãng đường ông đều có nhiều suy nghĩ phải luôn trau dồi chuyên môn, sống trọn với đam mê, với sự lựa chọn của bản thân mình. Tại Bệnh viên 103, ông vừa làm việc vừa tiếp tục học các khóa sau Đại học. Ông tốt nghiệp Bác sĩ chuyên khoa cấp I nội chung năm 1988, Thạc sĩ nội chung năm 1994, Bác sĩ chuyên khoa cấp II nội chung năm 1995. Năm 1998, ông hoàn thiện mình hơn khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành Nội Thận - Tiết niệu. Và không lâu sau, vào năm 2004, với những đóng góp cho sự nghiệp Y học, ông trở thành Phó giáo sư chuyên ngành Thận tiết niệu.

Trải qua một hành trình thật dài, từ tuổi ấu thơ nhiều gian khó đến những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, rồi cuộc đời người lính với biết bao hồi ức đã làm thay đổi cuộc sống và con đường sự nghiệp, PGS.TS Hà Hoàng Kiệm luôn tâm niệm một điều rằng, theo đuổi ngành Y chính là định mệnh mà cuộc đời dành cho ông.

Hành trình dài sống trọn với đam mê

Gắn bó với sự nghiệp y học, với Học viện Quân Y cho đến nay đã hơn 40 năm, PGS. TS Hà Hoàng Kiệm đã thực sự sống và cống hiến hết mình, trọn vẹn với con đường mà mình đã lựa chọn. Và từng dấu mốc trên con đường sự nghiệp, ông luôn khắc sâu trong tâm trí để lấy đó làm động lực tiếp tục cố gắng.

Vào năm 1992, ca ghép thận đầu tiên ở Việt Nam đã được tiến hành tại Bệnh viện 103, Học viện Quân Y. Từ năm 1994, ông là thành viên của tổ tuyển chọn và chuẩn bị các cặp người cho - người nhận thận để ghép thận tại Bệnh viện 103 và những năm sau là người đóng góp vai trò chính trong tuyển chọn và chuẩn bị các cặp người cho - người nhận ở Bệnh viện 103. Khi đó, công cuộc ghép tạng còn mới mẻ đối với ngành y tế Việt Nam, nên sau mỗi lần chuẩn bị xong một cặp, ông phải báo cáo trước Hội đồng chuyên môn Ghép tạng của Bộ Y tế để Hội đồng quyết định có ghép được hay không, chọn thận nào để ghép và chọn phương pháp ghép như thế nào, dự kiến những khó khăn và cách giải quyết. Thời gian này được tiếp xúc với các thầy là các giáo sư chuyên gia đầu ngành của các chuyên ngành y học trong và ngoài nước như thầy Lê Thế Trung, thầy Tôn Thất Bách, thầy Phạm Khuê, thầy Lương Tấn Thành, thầy Nguyễn Kim Sơn, thầy Bửu Triều, thầy Nguyễn Văn Xang… Nhờ đó, ông đã học được rất nhiều điều. Ngoài kiến thức chuyên môn là tác phong làm việc khoa học, lòng nhân ái, sự say mê và tận tâm với nghề nghiệp của các thầy. Những đức tính quý báu đó đã thấm vào ông từ khi nào và dần trở thành cách sống và cách suy nghĩ của ông.

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm (Người đứng thứ nhất bên phải) trong Hội đồng chấm luận án Tiến sĩ tại trường Đại học Y Hà Nội.

Đến năm 2006, bộ môn Phục hồi chức năng của Học viện Quân Y được thành lập, ông được Học viện điều chuyển từ bộ môn - Khoa Nội (Tim mạch - Thận - Khớp - Nội tiết) sang xây dựng và làm Chủ nhiệm Bộ môn Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng cho đến nay. Ở vị trí công tác mới, với nhiệt huyết của mình, ông đã xây dựng bộ môn ngày càng phát triển và hoàn thiện cả về đội ngũ giảng viên, giáo trình giảng dạy, các nghiên cứu khoa học chuyên ngành. Đến nay, Bộ môn đã đào tạo không chỉ bậc Đại học mà cả sau Đại học, bác sĩ chuyên khoa cấp I và bác sĩ chuyên khoa cấp II chuyên ngành, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cho một chuyên ngành còn non trẻ. Bộ môn đã hoàn thành nhiều đề tài nhánh cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp cơ sở.

Hết lòng chăm lo cho sự phát triển của Bộ môn, của Học viện và tận tụy với công tác điều trị, PGS. TS Hà Hoàng Kiệm vẫn không ngừng nghiên cứu, đóng góp công sức và trí tuệ của mình cho thành tựu y học đất nước với 10 đề tài nghiên cứu, trong đó có một đề tài cấp Nhà nước, 7 đề tài cấp Bộ và nhánh cấp Nhà nước, 2 đề tài cấp cơ sở. Đặc biệt như, ông là chủ nhiệm đề tài nhánh cấp Nhà nước “Đánh giá tính an toàn và tác dụng lâm sàng của Omegaka hỗ trợ điều trị viêm khớp dạng thấp bằng phương pháp siêu âm dẫn thuốc” thuộc đề tài hợp tác cùng Viện hóa học các hợp chất thiên nhiên Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Đề tài đã góp phần trong việc phát triển một loại thuốc mới từ nguồn nguyên liệu sinh vật biển của Việt Nam. Bên cạnh đó, ông còn là đồng chủ nhiệm đề tài cấp tỉnh “Thực trạng và kết quả điều trị bệnh lý thoái hóa cột sống ở bệnh viện Y học cổ truyền Vĩnh Phúc. Đánh giá tác dụng của Golsamine trên bệnh nhân thoái hóa cột sống”; chủ nhiệm đề tài cấp cơ sở “Nghiên cứu hiệu quả điều trị thoái hóa cột sống cổ bằng phương pháp kéo dãn”, “Kết quả lâm sàng điều trị viêm khớp dạng thấp bằng siêu âm dẫn chế phẩm Omegaka”… Ngoài các đề tài, ông còn có hơn 60 bài báo khoa học đã đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành, hơn 40 bài báo tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe trên các báo và tạp chí y học….

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm (Người đứng thứ ba từ trái sang phải) trong Hội đồng chấm luận án Tiến sĩ tại trường Đại học Y Dược Huế, Đại học Huế.

Đặc biệt hơn, PGS. TS Hà Hoàng Kiệm chính là tác giả của 4 sáng kiến kỹ thuật cấp bộ và cấp cơ sở. Các sáng kiến của ông hiện đang được áp dụng trong Khoa lâm sàng góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, như sáng kiến “Ghế kéo gấp khớp gối và kéo dãn cột sống cổ” để phục hồi chức năng khớp gối và điều trị thoái hóa cột sống cổ; “Máy kéo dãn cột sống thắt lưng tư thế sấp” để điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Nhưng nói về những thành công mà ông tâm huyết nhất, ông thích nhắc đến một sáng kiến mới đây của ông là “Kỹ thuật kéo bóc tách viêm dính khớp vai dưới gây tê thần kinh trên vai” để điều trị viêm quanh khớp vai thể đông cứng. Sáng kiến đã được Hội đồng Khoa học và Y đức của Bệnh viện 103 thông qua và cho phép thực hiện trong lâm sàng ngày 22/4/2016. Ý nghĩa hơn cả là sáng kiến đã tạo ra bước chuyển ngoạn mục trong kết quả điều trị cho những bệnh nhân bị viêm quanh khớp vai thể đông cứng. Trước đây, các bệnh nhân này thường phải điều trị nội khoa kéo dài 6 tháng đến hàng năm, ra viện rồi lại vào viện với khớp vai bị hạn chế vận động và đau. Nhiều bệnh nhân phải mổ nội soi khớp vai để bóc tách dính bao khớp. Nhưng với kỹ thuật đơn giản, không xâm nhập, rẻ tiền của ông đã bóc tách được phần bao khớp bị dính, bệnh nhân chỉ cần dùng thuốc chống viêm thêm 1-2 tuần là khỏi. Ngay sau kỹ thuật, tầm vận động khớp vai của bệnh nhân đã trở lại bình thường, bệnh nhân có thể về ngay trong ngày mà không cần nhập viện. Ông đã chuyển giao kỹ thuật cho một nhóm các bác sĩ trẻ trong khoa Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng bệnh viện 103. Kỹ thuật đã giải quyết thành công cho các bệnh nhân viêm quanh khớp vai thể đông cứng mà chưa có một tác dụng không mong muốn nào xảy ra và đã trở thành kỹ thuật thực hiện thường quy tại khoa Phục hồi chức năng bệnh viện 103. Ông đồng thời là đồng tác giả giải nhất VIFOTECH 2010 về đề tài “Thiết kế và chế tạo hệ lọc nước cao cấp để cung cấp nước cho máy chạy thận nhân tạo” phối hợp cùng Viện Vật lý ứng dụng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm (người thứ hai từ trái sang) trong chủ tịch đoàn điều hành Hội nghị khoa học tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh.

Với mong muốn được truyền tải và phổ biến những kiến thức y học rộng rãi hơn đến tất cả mọi người cũng như hỗ trợ hiệu quả cho việc nghiên cứu, học tập của các học viên, sinh viên chuyên ngành, ông còn tích cực tham gia viết sách. Hai cuốn giáo trình “Vật lý trị liệu” và “Phục hồi chức năng”, một dùng đào tạo Đại học và một dùng đào tạo sau Đại học của Bộ môn Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng do ông là chủ biên đã trở thành cẩm nang của các bác sĩ chuyên ngành Phục hồi chức năng không chỉ trong Quân đội mà cả ngoài Quân đội. Ngoài ra, ông đã xuất bản 13 đầu sách gồm giáo trình Đại học và sau Đại học, sách chuyên khảo và tham khảo thuộc hai chuyên ngành Nội thận - Tiết niệu và Phục hồi chức năng. Trong đó, bộ sách chuyên khảo gồm 2 cuốn “Thận học lâm sàng” và “ATLAS mô bệnh học các bệnh cầu thận và bệnh ống kẽ thận” của ông được Nhà xuất bản Y học phát hành, được các đồng nghiệp đánh giá rất cao. Cuốn “Thực hành cấp cứu và điều trị bệnh nội khoa” của ông do Nhà xuất bản Y học phát hành đã được tái bản nhiều lần và được nhiều thế hệ sinh viên trường y coi là “sách gối đầu giường”, gần 10 năm liền được các nhà sách xếp trong Top 100 cuốn sách bán chạy nhất của họ.

Là một bác sĩ, một nhà khoa học luôn trăn trở với sự phát triển của nền y học nước nhà và sức khỏe của mỗi người dân, PGS. TS Hà Hoàng Kiệm còn là một người thầy thiết tha với sự nghiệp “trồng người” của đất nước. Đến nay, ông đã giảng dạy, đào tạo cho nhiều thế hệ học trò tiếp bước con đường mà ông đã và đang đi. Ông đã hướng dẫn chính 8 luận án Tiến sĩ chuyên ngành Nội thận - Tiết niệu; 25 luận văn Thạc sĩ y học. Trong mắt những thế hệ học trò, ông luôn là một tấm gương sáng về tinh thần lao động miệt mài, tận tụy, sáng tạo và cống hiến không ngừng nghỉ, sống hết lòng với ước mơ và đam mê của bản thân. Hiện nay, ngoài các công việc của bộ môn, ông vẫn tham gia giảng dạy Đại học và sau Đại học chuyên ngành Thận tại bộ môn nội Tim mạch - Thận - Khớp - Nội tiết của Học viện Quân Y và một số trường Đại học Y khu vực phía Bắc và miền Trung... Vừa làm công tác điều trị vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu khoa học, ba công việc đó đã cuốn hút ông, để rồi chẳng mấy khi ông rời khỏi nơi làm việc trước 6 giờ chiều.

Với những thành tựu to lớn trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp khoa học, sự nghiệp giáo dục - đào tạo và sự nghiệp “cứu nhân độ thế”, PGS. TS Hà Hoàng Kiệm đã được nhận nhiều phần thưởng xứng đáng như Huân chương chiến công hạng nhất; Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng nhất; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba; Huân chương quân kỳ quyết thắng; Huy chương Vì sự nghiệp khoa học và công nghệ; Huy hiệu tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục; Kỷ niệm chương vì thế hệ trẻ; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng; Danh hiệu thầy thuốc ưu tú và nhiều Bằng khen của Bộ Quốc Phòng, Bộ Y tế…

Trái tim nhân ái với khát khao được tận hiến

Hơn nửa đời người cống hiến những tinh túy của mình cho nghề, cho đời, PGS. TS Hà Hoàng Kiệm không ngừng đem tâm sức của mình đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng và sự nghiệp phát triển của đất nước. Thế nhưng, còn một điều ở ông mà bất cứ ai cũng kính trọng, yêu mến, đó chính là một tấm lòng nhân ái, một trái tim ấm nóng tình người với khát khao được tận hiến.

Ông luôn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, tham gia phòng khám bệnh từ thiện chùa Trăm gian huyện Chương Mỹ - Hà Nội trong nhiều năm, tham gia khám chữa bệnh và tặng quà miễn phí cho đồng bào nghèo các huyện miền núi theo các đoàn của Bệnh viện 103, Thành đoàn Hà Nội tổ chức… Sự ghi nhận cho tấm lòng đáng quý chính là những bằng khen của Ủy ban nhân dân Huyện Sốp Khộp tỉnh Sơn La, của Thành đoàn Quảng Trị… dành cho ông. Nhưng trên tất cả chính là sự kính trọng mà ông nhận được từ tất cả mọi người.

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm (người đứng thứ hai từ trái sang phải) trong đoàn khám bệnh từ thiện tại Phòng khám từ thiện Chùa Trăm gian, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Hiện nay, ngoài công tác điều trị, giảng dạy và nghiên cứu khoa học, ông cùng người vợ thân yêu của mình là bà Bùi Thị Én - một nữ doanh nhân thành đạt, vẫn tích cực với những công việc cộng đồng, xã hội, một lòng hướng về quê hương. Hai vợ chồng ông chính là người đầu tiên đưa giống cây thanh long ruột đỏ có nguồn gốc từ Đài Loan về quê ông ở huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc để trồng từ khi ở miền Bắc chưa có giống thanh long ruột đỏ nào và cũng chưa ai biết giống thanh long có phát triển được ở khí hậu miền Bắc hay không. Và vườn thanh long của gia đình ông đã cho kết quả sau 1 năm trồng thử nghiệm, được các cấp chính quyền huyện và tỉnh quan tâm phát triển thành dự án ra cả tỉnh. Điều vui mừng là thanh long ruột đỏ Lập Thạch đã được đăng ký bản quyền trở thành thương hiệu và được xuất khẩu sang Malaysia chuyến đầu tiên năm 2016. Quan trọng hơn, nó không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà đã trở thành cây làm giàu cho người dân quê hương ông. Niềm hạnh phúc bởi những cống hiến thiết thực và ý nghĩa cho sự phát triển của quê hương mình càng thôi thúc ông cố gắng hơn nữa và làm nhiều việc có ích hơn nữa.

 

Vườn thanh long ruột đỏ 1 năm tuổi do PGS. TS. Hà Hoàng Kiệm và vợ là Bùi Thị Én đưa giống về trồng thử nghiệm tại quê nhà xã Vân Trục, huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phúc. Ông Phùng Quang Hùng (người mặc áo ngắn tay) chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về thăm vườn thanh long ruột đỏ và chỉ đạo xây dựng dự án phát triển cây thanh long ruột đỏ mở rộng ra nhiều huyện của tỉnh Vĩnh Phúc.

Sau những sải chân thật dài, vượt qua bao thử thách, gian nan, tận hiến vì sự nghiệp y đức nhân văn, cao cả, PGS. TS Hà Hoàng Kiệm vẫn luôn một lòng hướng tới sự phát triển của quê hương, đất nước. Và từ những gì đã trải qua, từ kinh nghiệm trong quá trình phấn đấu, trưởng thành của mình, ông luôn muốn nhắn nhủ đến học trò của mình, đến các thế hệ trẻ một quy luật phát triển mà ông đã rút ra: “Ý nghĩ tạo nên hành động, hành động lặp đi lặp lại tạo nên thói quen, thói quen tạo nên tính cách, tính cách tạo nên số phận”, Phật hay Chúa không tạo nên số phận cho bất kỳ ai, số phận của mỗi người là do người đó tạo nên. Điều đó có nghĩa là muốn thành công trước hết phải có đam mê, ý thích chưa phải là đam mê. Có đam mê phải hành động có phương pháp để biến đam mê thành hiện thực. Không có thành công nào không phải trả giá. Giống như câu châm ngôn của người phương Tây: “Miếng pho mát thơm ngon mà không phải trả tiền chỉ có ở trên cái bẫy chuột”. Có được những thành công như ngày hôm nay, bản thân ông thực sự đã không ít lần phải “trả giá”. Mỗi lần trả giá là một bài học để rồi lại tiếp tục theo đuổi đam mê của mình.

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bài về chủ bút

    Tinh hoa nhân loại

      Khoa học

        Văn học

          SÁCH CỦA TÔI