Kéo giãn cột sống thắt lưng tư thế bệnh nhân nằm sấp

Cập nhật: 22/06/2019 Lượt xem: 5238

Kéo giãn cột sống thắt lưng tư thế bệnh nhân nằm sấp

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm. Nguyên CNBM PHCN BVQY 103, HVQY

Thoát vị đĩa đệm là bệnh lý đĩa đệm bị vỡ làm các thành phần của đĩa đệm gồm nhân nhầy và các mảnh của vòng sợi thoát qua chỗ vỡ chảy ra sau lấn vào ống sống gây chèn ép các cấu trúc thần kinh trong ống sống.

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là nguyên nhân của 80% số bệnh nhân bị đau thắt lưng. Những người trẻ dưới 25 tuổi do đĩa đệm chưa bị thoái hóa nên chỉ bị thoát vị đĩa đệm khi có các chấn thương nặng và thường chỉ thoát vị một đĩa đệm. Những người trung tuổi và cao tuổi không cần phải có chấn thương nặng, chỉ cần các vi chấn thương như ngồi lâu, vận động sai tư thế cũng gây thoát vị đĩa đệm do đĩa đệm đã bị thoái hóa trở nên yếu. Những người này thường bị thoát vị nhiều đĩa đệm gọi là thoát vị đa tầng. 

- Khi bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, có ba hội chứng lâm sàng có thể xảy ra là:

+ hội chứng đau cột sống
+ Hội chứng chèn ép rễ thần kinh
+ Hội chứng đuôi ngựa (chỉ gặp hội chứng này khi thoát vị rất nặng)

- Hiện nay có ba phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm được áp dụng:

+ Điều trị bảo tồn (dùng thuốc và không dùng thuốc)
+ Điều trị can thiệp (hóa tiêu nhân, đốt đĩa đệm bằng dòng điện có tần số radio, bốc bay đĩa đệm bằng tia LASER)
+ Phẫu thuật (mổ mở, mổ nội soi, vi phẫu)

Điều trị bảo tồn chiếm 80-85%, điều trị ngoại khoa chỉ chiếm 10-15% và chỉ được áp dụng khi các biện pháp điều trị bảo tồn không đạt được mục tiêu. Trong các biện pháp điều trị bảo tồn thì kéo giãn cột sống là kỹ thuật duy nhất có thể làm thu nhỏ được khối thoát vị. Kéo giãn cột sống thắt lưng đã được áp dụng rộng rãi ở Việt Nam từ tuyến trung ương tới tuyến tỉnh và một số huyện, nhưng chỉ kéo giãn ở tư thế bệnh nhân nằm ngửa, chưa có nơi nào áp dụng kỹ thuật kéo giãn cột sống thắt lưng ở tư thế bệnh nhân nằm sấp. PGS. TS. Hà Hoàng Kiệm bệnh viện 103 là người đầu tiên nghiên cứu và áp dụng kỹ thuật kéo giãn cột sống thắt lưng tư thế bệnh nhân nằm sấp trong điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng ở trong nước. Kết quả nghiên cứu trên hai nhóm bệnh nhân có tuối và mức độ thoát vị tương đương, một nhóm được kéo ở tư thế sấp, một nhóm được kéo ở tư thế ngửa. Các bệnh nhân ở cả hai nhóm được dùng thuốc và các phương pháp vật lý trị liệu phối hợp như nhau. Đánh giá lâm sàng và chụp MRI cột sống thắt lưng trước và sau điều trị 3 tuần.

Kết quả cho thấy nhóm được kéo giãn ở tư thế nằm sấp triệu chứng lâm sàng giảm nhanh hơn và đường kính trung bình khối thoát vị thu nhỏ tốt hơn hẳn so với nhóm đối chứng (1,94mm so với 2,47mm, p < 0,01). Đây là kết quả vượt trội trong điều trị bảo tồn thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.

Vậy cơ sở nào để áp dụng kỹ thuật kéo giãn cột sống thắt lưng tư thế bệnh nhân nằm sấp trong điều trị thoát vị đĩa đệm, trong khi kỹ thuật truyền thống là kéo giãn ở tư thế bệnh nhân nằm ngửa. Khi thoát vị ra sau, khối thoát vị chèn vào ống sống, ở tư thế nằm ngửa khối thoát vị sẽ nằm về phía dưới đĩa đệm, do đó áp lực âm tính của đĩa đệm khi kéo giãn hút khối thoát vị ngược lên sẽ kém hiệu quả so với nằm sấp. Khi bệnh nhân nằm sấp, khối thoát vị nằm phía trên đĩa đệm nên áp lực âm tính của đĩa đệm khi kéo giãn sẽ hút khối thoát vị xuống dưới dễ dàng hơn, làm hiệu quả thu nhỏ khối thoát vị tốt hơn. Kết quả nghiên cứu của tác giả đã chứng minh lý thuyết trên là đúng.

Hình 1. Khối thoát vị nằm ở phía dưới khi bệnh nhân nằm ngửa (Mũi tên trên phim chụp MRI cột sống thắt lưng TVĐĐ L1-L2 của một BN nam 29 tuổi bị đau thắt lưng cấp sau khi lái xe từ Hải phòng về Hà Nội)

Hình 2. Khối thoát vị nằm ở phía trên khi bệnh nhân nằm sấp (Mũi tên trên phim chụp MRI cột sống thắt lưng TVĐĐ L1-L2 của một BN nam 29 tuổi bị đau thắt lưng cấp sau khi lái xe từ Hải phòng về Hà Nội, cùng BN ở ảnh trên)
Để có thể kéo giãn được ở tư thế bệnh nhân nằm sấp, PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm đã cải tiến máy kéo giãn tư thế bệnh nhân nằm ngửa để có thể kéo ở tư thế bệnh nhân nằm sấp. Cải tiến gồm hai phần: lắp thêm giá và đệm vào phần di động của bàn kéo và thiết kế đai kéo phù hợp với kéo tư thế sấp. Cải tiến này đã được công nhận sáng kiến kỹ thuật cấp cơ sở (cấp Học viện Quân y) năm 2013. Kỹ thuật kéo giãn cột sống thắt lưng tư thế bệnh nhân nằm sấp đã đạt giải nhất trong Hội thao kỹ thuật sáng tạo tuổi trẻ ngành y tế thủ đô lần thứ XXV (2013), được hội đồng chấm đánh giá cao và khuyến cáo phổ biến để áp dụng rộng rãi trong các cơ sở y tế cả nước.

Hình 3. Máy kéo giãn cột sống thắt lưng ELTRAC-471 (Hà Lan) chưa cải tiến

Hình 4. Máy kéo giãn cột sống thắt lưng ELTRAC-471 (Hà Lan) đã cải tiến [Đệm di động được theo phần bàn kéo di động (Mũi tên dày) và đai kéo cải tiến (mũi tên mỏng)]

Hình 5. Kéo giãn cột sống thắt lưng tư thế bệnh nhân nằm ngửa

Hình 6. Kéo giãn cột sống thắt lưng tư thế bệnh nhân nằm sấp

Hình 7. Kíp kỹ thuật đạt giải nhất hội thao kỹ thuất sáng tạo tuổi trẻ ngành y tế thủ đô lần thứ XXV (2013).

Hình 8. Bằng khen của Bộ y tế cho kíp kỹ thuật đạt giải nhất hội thao kỹ thuất sáng tạo tuổi trẻ ngành y tế thủ đô lần thứ XXV (2013).

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI