Điều trị ung thư gan bằng sóng cao tần

Cập nhật: 18/06/2015 Lượt xem: 5594

Đốt bằng sóng cao tần điều trị ung thư gan

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103 

1. Cơ cở khoa học

 Đốt bằng sóng cao tần - RFA (radio-frequency ablation) là phương pháp sử dụng tác nhân vật lý để phá hủy nhu mô khối u bằng nhiệt do sóng điện cao tần (tần số 200-1200 kHz) sinh ra khi tác động lên các mô. Người ta đặt một điện cực ở trung tâm khối u và phát sóng cao tần để phát sinh nhiệt trong tổ chức và duy trì nhiệt độ phá hủy từ 60 -100°C. Dòng điện cao tần từ máy được truyền vào khối u qua một điện cực dạng kim (needle electrode), sóng radio được phát ra đầu kim và sinh nhiệt. Nhiệt do sóng điện cao tần sinh ra làm tăng nhiệt độ mô lên 60-100°C gây hoại tử tế bào khối u.

 

Có nhiều loại kim RFA,

kim chùm là một trong những loại kim thường dùng

Minh họa hoạt động sinh nhiệt

của kim đốt trong khối u

  Phương pháp có chỉ định tốt với các khối u nhỏ hơn 3cm. Với các khối u lớn hơn, phải dùng hai kim một điện cực hoặc kim có chùm 3 điện cực. Kết quả theo nhiều tác giả rất khả quan, tuy nhiên phải theo dõi và làm nhiều lần. Hiện nay có xu hướng kết hợp với nút hoá chất động mạch gan.

  2. Hiệu quả và lợi ích

 Tùy thuộc vào kích thước của khối u, RFA có thể được thực hiện 1 hay nhiều lần với mục đích phá hủy toàn bộ khối u. Thông thường, tổn thương có kích thước dưới 3cm đòi hỏi 1 hoặc 2 lần điều trị, những tổn thương trên 4cm có thể cần đến 5 hoặc 6 lần điều trị để có được ranh giới an toàn của việc điều trị ung thư (cách bờ khối u ≥1 cm). Việc quyết định điều trị lại cho bệnh nhân khi có bằng chứng còn sót mô ung thư trên hình ảnh chụp cắt lớp điện toán sau 1 tháng.

Trong ung thư gan nguyên phát, khi kích thước u nhỏ (<3,5 cm), tỉ lệ sống trung bình sau 1, 3, và 5 năm điều trị RFA tương ứng là 94%, 68%, và 40%. Theo các báo cáo trên thế giới, thủ thuật này rất ít khi gây biến chứng nặng, tỉ lệ biến chứng nhẹ khoảng 2-3%.

 

Khối HCC trước RFA trên CTscanner

Sau RFA 1.5 giờ, khối u hoại tử

  3. Quy trình thực hiện

 Sau khi đã có chẩn đoán xác định là ung thư gan nguyên phát hoặc từ vị trí khác di căn đến, thực hiện các xét nghiệm như một trường hợp chuẩn bị phẫu thuật thông thường, bác sĩ phẫu thuật sẽ đánh giá tình trạng bệnh để xét chỉ định và đưa ra kế hoạch điều trị. Thủ thuật thường được thực hiện trong phòng hình ảnh can thiệp (interventional room) hoặc tại phòng mổ (RFA qua da dưới hướng dẫn của siêu âm, qua nội soi ổ bụng hoặc mổ hở). Thủ thuật được thực hiện qua da, qua nội soi ổ bụng hoặc ngay trong lúc mổ bụng.

RFA qua da với an thần nhẹ và gây tê tại chỗ, sau khi rạch một vết nhỏ trên da, kim điện cực được đưa vào vị trí u đã xác định trước dưới hướng dẫn của siêu âm hoặc chụp điện toán cắt lớp (CT-scan), khi vị trí kim đã chắc chắn (đầu kim đâm xuyên vào khối u khoảng 10 mm), thì kích hoạt máy để sinh nhiệt, thời gian hoạt động của máy khoảng 6 phút. Thời gian thực hiện thủ thuật trung bình cho 1 đợt điều trị kéo dài từ 20 đến 30 phút.

Sau thủ thuật bệnh nhân được nằm theo dõi tại phòng hồi sức hoặc hậu phẫu khoảng 6 giờ, dùng thuốc giảm đau, kháng sinh dự phòng và bệnh nhân có thể xuất viện ngay trong ngày.

Đưa điện cực RFA vào khối u gan

dưới hướng dẫn siêu âm

Điện cực RFA trong khối u gan

phim CTscanner

  4. Chỉ định

 - RFA là một phương pháp điều trị u gan đang được nghiên cứu, và đến nay vẫn chưa có chỉ định rõ ràng. RFA vẫn bị giới hạn ở những bệnh nhân quá chỉ định cắt gan.

- Có ≤4 tổn thương nhỏ (<5 cm) của ung thư gan nguyên phát hoặc u di căn từ ung thư đại trực tràng mà không còn chỉ định phẫu thuật cắt gan.

 5. Chống chỉ định

 - Bệnh ngoài da vùng thực hiện thủ thuật

- Có bệnh ác tính khác đang tiến triển

- Xơ gan hoặc suy gan nặng

- Tăng áp lực tĩnh mạch cửa hoặc huyết khối tĩnh mạch cửa

- Rối loạn tâm thần

- Dưới 18 tuổi

- Đang mang thai

- Bệnh phổi nặng

- Nhiễm trùng nặng

- Rối loạn đông máu kháng trị

- Tổn thương lớn (>5 cm) (tương đối)

- Nhiều tổn thương (>4 tổn thương) (tương đối)

- U nằm cạnh mạch máu lớn, màng ngoài tim, cơ hoành, hoặc tạng khác (tương đối)

Nguồn: Ths.Bs.Ngô Lê Lâm.

Ghi chú của Hà Hoàng Kiệm về cơ chế sinh nhiệt của sóng điện cao tần: Phân tử nước có cấu trúc đặc biệt. Quỹ đạo chuyển động của nguyên tử oxy quay chung quanh tâm của phân tử còn quỹ đạo chuyển động của hai nguyên tử hydro tạo với nhau một góc 104,5 độ và hai nguyên tử hydo chuyển động đồng pha tạo ra tính lưỡng cực của phân tử nước, một đầu mang điện dương là hai nguyên tử hydro và đầu kia là oxy mang điện âm. Dưới tác động của sóng điện từ làm các phân tử nước bị xoay đảo liên tục theo tần số của sóng và động năng của các phân tử nước được chuyển thành nhiệt năng làm tổ chức chịu tác động của sóng cao tần nóng lên.

         

                                              Cấu trúc obitan của phân tử nước

 

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI