Ánh sáng trị liệu

Cập nhật: 07/06/2015 Lượt xem: 15819

ÁNH SÁNG TRỊ LIỆU

PGS. TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103

1. TÍNH CHẤT VẬT LÝ CỦA ÁNH SÁNG

1.1. Khái niệm về ánh sáng

            Thuật ngữ "ánh sáng" được dùng để chỉ tất cả các bức xạ có trong ánh nắng mặt trời khi tới bề mặt trái đất. Về bản chất ánh sáng là sóng điện từ nằm trong dải sóng điện từ có bước sóng từ 400.000  - 10nm.

            Ánh sáng bao gồm ba phần: Phần bức xạ sáng nhìn thấy có bước sóng từ 380  - 760nm. Phần bức xạ không nhìn thấy có bước sóng ngắn hơn ánh sáng nhìn thấy là bức xạ tử ngoại (bước sóng 10  - 380nm). Phần bức xạ không nhìn thấy có bước sóng dài hơn ánh sáng nhìn thấy là bức xạ hồng ngoại (bước sóng 760  - 40.000nm).

            10nm             380nm                        760nm                           400.000nm

 

  Bức xạ            Bức xạ                 Ánh sáng                             Bức xạ                      Sóng                     Roenghen        tử ngoại                nhìn thấy                          hồng ngoại                 vô tuyến

                                                                        Ánh sáng

                                               1nm  = 1/1000mm, 1mm = 1/1.000mm

Hình 1.1: Phân vùng dải sóng điện từ.

1.2. Bản chất của ánh sáng

            Theo quan niệm hiện đại, ánh sáng có tính chất lưỡng nguyên, vừa có tính chất sóng vừa có tính chất hạt. Tính chất sóng biểu hiện trong các hiện tượng liên quan đến sự lan truyền của nó (giao thoa, nhiễu xạ, phản xạ, khúc xạ...), tính chất hạt biểu hiện trong sự tương tác của ánh sáng với vật chất (hiệu ứng quang điện, hiệu ứng quang hóa, bức xạ, hấp thụ, ...).

2. CÁC NGUỒN BỨC XẠ ÁNH SÁNG SỬ DỤNG TRONG ĐIỀU TRỊ

2.1. Ánh sáng mặt trời

            Phổ bức xạ mặt trời bao gồm cả tử ngoại, ánh sáng nhìn thấy, hồng ngoại. Vùng ánh sáng nhìn thấy bao gồm 7 màu tính từ bước sóng dài cho đến bước sóng ngắn dần là: đỏ, da cam, vàng, xanh lục (lá mạ), xanh lam (da trời), chàm, tím. Ngoài vùng bước sóng của ánh sáng màu đỏ là hồng ngoại, dưới vùng bước sóng của ánh sáng màu tím là bức xạ tử ngoại. Trong điều kiện trời trong, quang mây, trong khoảng từ 10 - 14 giờ ánh sáng mặt trời khi tới mặt đất có khoảng 10% là tử ngoại, 50% là hồng ngoại, 40% ánh sáng nhìn thấy (tỷ lệ % tính theo năng lượng). Tỷ lệ này thay đổi theo thời gian trong ngày, theo điều kiện khí hậu và từng vùng khác nhau.

            Lúc sáng sớm, nhiệt độ khí quyển thấp, mật độ không khí dày đặc hơn, lượng tử ngoại từ ánh áng mặt trời bị hấp thu hết bởi hơi nước, lượng hồng ngoại bị hơi nước và không khí hấp thu phần lớn, chỉ còn một lượng ít xuống tới mặt đất.

Từ 8 - 10 giờ sáng, lớp khí quyển nóng lên, mật độ khí quyển giảm, lượng nước bốc hơi từ mặt đất lên còn ít nên tỉ lệ tử ngoại nhiều hơn.

            Buổi trưa, không khí loãng nhất, mật độ khí quyển thấp nhất, năng lượng mặt trời xuống bề mặt trái đất tối đa. Mặt đất nóng lên, lượng hơi nước bốc hơi nhiều làm tia tử ngoại bị hấp thu nhiều, do mặt đất nóng lên và bức xạ ra tia hồng ngoại thứ phát làm tỉ lệ bức xạ hồng ngoại tăng cao nhất.

Buổi chiều, lượng bức xạ mặt trời xuống tới bề mặt trái đất giảm dần, mật độ lớp khí quyển tăng và lượng hơi nước trong khí quyển tích lũy cả ngày tăng, làm tỉ lệ tử ngoại giảm.

Khi trời nhiều mây, lượng bức xạ tử ngoại hầu như bị hấp thu hết, bức xạ hồng ngoại một phần bị các đám mây hấp thu, một phần xuyên qua mây xuống mặt đất, từ các đám mây hấp thu hồng ngoại, lại bức xạ ra tia hồng ngoại thứ phát xuống mặt đất, làm nóng khí quyển.

Ở vùng núi cao, lượng hơi nước trong không khí ít, lượng bức xạ hồng ngoại thứ phát ít nên khí hậu thường mát, tỉ lệ tử ngoại cao.

Ở vùng bờ biển, do nước có nhiệt dung lớn nên hấp thu nhiều bức xạ hồng ngoại, lượng bức xạ hồng ngoại thứ phát ít, khí hậu thường mát, tỉ lệ bức xạ tử ngoại cao do có thêm các tia tử ngoại phản xạ từ mặt nước và cát.

  2.2. Các loại đèn tử ngoại

- Đèn tử ngoại lạnh:

+ Tử ngoại diệt khuẩn: vỏ bóng hình trụ bằng thủy tinh thạch anh (cho bức xạ tử ngoại có bước sóng 1.800A0-2.200A0 đi qua), bức xạ ở phổ tử ngoại có bước sóng ngắn (tử ngoại C), có tác dụng diệt khuẩn mạnh. Vì chỉ cần điện áp thấp, nhiệt độ đèn không cao nên gọi là tử ngoại lạnh.

+ Tử ngoại huỳnh quang (tử ngoại lạnh sử dụng trong điều trị). Người ta quét vào bên trong vỏ thạch anh của bóng đèn một lớp chất huỳnh quang. Chất huỳnh quang hấp thu các tia tử ngoại có bước sóng ngắn < 2800 A0, chỉ cho các tia tử ngoại có bước sóng dài hơn đi qua. Loại đèn này là đèn tử ngoại lạnh hay tử ngoại huỳnh quang sử dụng trong điều trị.

- Đèn tử ngoại thạch anh-thủy ngân: vỏ bóng bằng thạch anh, khí trong bóng có chứa hơi thủy ngân. Loại đèn này cần công suất lớn (vài trăm Watt), ánh sáng phát ra bao gồm cả tử ngoại, hồng ngoại và ánh sáng nhìn thấy. Đây là các loại đèn APK, Q250, Q400.

Hình 1.2: Đèn tử ngoại điều trị loại thạch anh - thủy ngân.

2.3. Đèn hồng ngoại

- Đèn dây điện trở trần: dùng dây điện trở để trần, cuộn trên một lõi sứ hoặc đất chịu lửa. Cũng có thể cuộn thành lò xo để trong ống thủy tinh hoặc ống sứ. Khi có dòng điện, dây điện trở nóng lên, nhiệt độ có thể lên tới 500 - 700oC, bức xạ ra tia hồng ngoại và ánh sáng màu đỏ. Loại đèn này hiện nay ít được sử dụng.

- Đèn dây tóc có vỏ thủy tinh bao bọc và loa phản xạ. Loại đèn này có công suất 250W - 500W - 1.000W phát ra bức xạ hồng ngoại và ánh sáng nhìn thấy.

Hình 1.3: Bóng đèn và đèn hồng ngoại dây tóc.

3. TÁC DỤNG SINH HỌC CỦA ÁNH SÁNG

3.1. Tác dụng của bức xạ tử ngoại

            Bức xạ tử ngoại được chia ra làm ba vùng:

- Tử ngoại A (ultra violete bande A: UVA) có bước sóng dài nhất từ 380  - 320nm.

- Tử ngoại B (ultra violete bande B: UVB) có bước sóng ngắn hơn từ 320 - 280nm.

- Tử ngoại C (ultra violete bande C: UVC) có bước sóng ngắn nhất từ 280 - 200nm.

            Các bức xạ tử ngoại có bước sóng dưới 200nm bị hấp thu mạnh ở tất cả môi trường, kể cả một lớp không khí mỏng nên người ta không đề cập tới trong y sinh học. Phân chia các vùng tử ngoại như trên là dựa trên tác dụng sinh học của bức xạ tử ngoại. Trong thực hành, ranh giới phân chia giữa các vùng tử ngoại không rõ ràng, tác dụng sinh học của các vùng xen phủ lẫn nhau. Tử ngoại có bước sóng càng ngắn thì năng lượng càng cao, khả năng quang hóa và quang điện càng mạnh nhưng khả năng đâm xuyên kém.

3.1.1. Tác dụng sinh hóa và chuyển hóa

- Tia tử ngoại C: gây tổn thương cấu trúc protein của tế bào, hủy hoại tế bào và có tác dụng diệt khuẩn mạnh. Tác dụng diệt khuẩn của tia tử ngoại phụ thuộc vào một số yếu tố sau:

+ Bước sóng của bức xạ: Tia tử ngoại có bước sóng 254 - 265nm, có tác dụng diệt khuẩn mạnh nhất.

+ Tia tử ngoại trực tiếp có tác dụng mạnh hơn tia tử ngoại phản xạ hay tán xạ.

+ Thể vi khuẩn: Thể nha bào chịu đựng tác dụng của tia tử ngoại tốt hơn.

+ Chủng loại vi khuẩn: Các loại vi khuẩn mẫn cảm với các bước sóng khác nhau như tụ cầu vàng và trực khuẩn mủ xanh nhạy cảm với bước sóng 265nm, trực khuẩn E.colli nhạy cảm với bước sóng 234nm.

+ Nhiệt độ: nhiệt độ càng cao thì vi khuẩn càng dễ bị tiêu diệt.

- Tia tử ngoại B: có tác dụng sinh học cao, các phân tử chịu tác dụng của tia tử ngoại có thể bị ion hóa hay chuyển sang trạng thái kích thích do các điện tử chuyển mức năng lượng. Chúng có thể gây ra các phản ứng sinh học hay làm tăng tốc độ của phản ứng. Ví dụ dưới tác dụng của tia tử ngoại, chất hoạt hóa của vitamin D được hình thành có tác dụng lên chuyển hóa calci và xương như sau:

Cholesterol   gan     7 - hydroxycholesterol (tích trữ dưới da) tia tử ngoại  Provitamin D3              tia hồng ngoại    vitamin D3 (cholecalciferol)  25-hydroxylase(gan)     25(OH)D(monohydroxy cholecalciferol    1a- hydroxylase(thận)      1a,25(OH)2D3 (dihydroxy cholecalciferol).

            Chất 25OHD3 có hoạt tính sinh học yếu, chất 1a,25(OH)2D3 có hoạt tính sinh học mạnh có tác dụng làm tăng tái hấp thu calci từ ruột, hoạt hóa tạo cốt bào làm tăng tạo xương và gắn calci vào xương. Bức xạ tử ngoại có tác dụng chống còi xương ở trẻ em, tăng liền xương khi bị gãy xương...

- Tia tử ngoại A: có tác dụng sinh học yếu hơn nhưng tác dụng gây đỏ da mạnh do làm tăng histamin, tăng melanin, gây đen da ứng dụng tốt trong điều trị bệnh bạch biến.

3.1.2. Tác dụng trên thần kinh và thể dịch

            Phản ứng với tia tử ngoại phụ thuộc rất nhiều vào hệ thần kinh. Người ta còn thấy các phản ứng giãn mạch ở các vùng được chi phối bởi cùng một đốt đoạn thần kinh với vùng được chiếu tia tử ngoại. Ví dụ chiếu tử ngoại liều đỏ da vào vùng thượng vị sẽ thấy tuần hoàn trong niêm mạc dạ dày tăng.

                Khi chiếu tia tử ngoại toàn thân với liều nhẹ không đỏ da, có tác dụng điều hòa trương lực thần kinh, giảm trạng thái căng thẳng, gây cảm giác thư giãn, bớt mệt mỏi. Nếu chiếu với liều lớn gây đỏ da mạnh thì có thể làm giảm đau tại vùng chiếu.

3.1.3. Tác dụng trên da

- Đỏ da do tia tử ngoại: chủ yếu là tử ngoại A và B, sau chiếu tử ngoại 6 - 8 giờ sẽ xuất hiện đỏ da, đỏ da cực đại sau 18-24 giờ. Mức độ đỏ da tùy thuộc vào liều chiếu tử ngoại, đỏ da có thể kéo dài vài giờ hoặc vài ngày. Đỏ da xảy ra là do tia tử ngoại đã chuyển histidin thành histamin gây giãn mạch tại chỗ. Sau giai đoạn đỏ da, da trở nên sẫm màu, đen da do tăng các sắc tố melanin, sau 2 - 3 tuần lớp da đen bong đi để lại lớp da phía dưới trắng hơn.

- Bỏng da do tia tử ngoại: nếu chiếu liều tử ngoại mạnh và kéo dài, sau 1 - 2 ngày vùng da bị chiếu có thể phồng rộp, tạo thành các phỏng nước nhỏ (bỏng độ 2) do các tế bào biểu bì bị tổn thương. Vùng da bị chiếu có cảm giác rát, toàn thân có cảm giác mệt mỏi do giải phóng nhiều các chất trung gian chuyển hóa và hóa giáng protein. Các vùng da khác nhau thì cảm ứng với tia tử ngoại khác nhau, những vùng ít tiếp xúc với ánh sáng như ngực, bụng, lưng cảm ứng mạnh nhất. Các vùng tiếp xúc nhiều với ánh sáng như gối, cẳng chân, mu chân, cẳng tay, mu tay chịu được liều tử ngoại cao hơn.

Ngoài việc phụ thuộc vào các vùng da của cơ thể, mức độ cảm ứng của da với bức xạ tử ngoại còn phụ thuộc vào các yếu tố:

- Công suất nguồn bức xạ: càng lớn thì phản ứng của da càng mạnh.

- Thời gian chịu tác dụng của bức xạ: càng dài thì phản ứng của da càng mạnh.

- Khoảng cách từ nguồn bức xạ tới da: càng ngắn thì tác dụng càng mạnh.

- Màu sắc của da: Người da trắng cảm ứng với bức xạ tử ngoại mạnh hơn người da màu.

- Góc tới của bức xạ: Bức xạ càng vuông góc với bề mặt da thì cảm ứng của da càng mạnh.

- Tính quen chịu tác dụng của ánh sáng của mỗi cá nhân: Những người tiếp xúc với ánh sáng nhiều hoặc trên một người những vùng da trực tiếp tiếp xúc với ánh sáng nhiều thì chịu được liều tử ngoại cao hơn.

- Tình trạng chức năng của cơ thể lúc chịu tác dụng của bức xạ.

3.2. Tác dụng của bức xạ hồng ngoại

            Bức xạ hồng ngoại có bước sóng dài và năng lượng thấp hơn bức xạ tử ngoại nên không gây được hiện tượng quang điện, tác dụng quang hóa yếu. Năng lựợng hấp thu từ bức xạ hồng ngoại chủ yếu làm tăng giao động nhiệt của các phân tử và nguyên tử. Vì vậy khi chịu tác dụng của bức xạ hồng ngoại, tổ chức hấp thu tia hồng ngoại bị nóng lên. Tác dụng của tia hồng ngoại chủ yếu là tác dụng nhiệt. Vùng da chịu tác dụng nhiệt sẽ giãn mạch đỏ da, hiện tượng đỏ da do tia hồng ngoại sẽ hết nhanh sau khi ngừng chiếu và không để lại màu da đen.

            Do tác dụng nhiệt nên bức xạ hồng ngoại làm giãn mạch, tăng nuôi dưỡng tại chỗ, tăng tính thấm qua màng tế bào, tăng quá trình trao đổi chất. Tác dụng nhiệt còn làm tăng khả năng xuyên mạch của bạch cầu, tăng hoạt tính thực bào của bạch cầu nên có tác dụng chống viêm tại chỗ, kích thích phát triển tổ chức hạt, làm liền vết thương, làm mềm sẹo.

3.3. Tác dụng của ánh sáng nhìn thấy

Tác dụng của ánh sáng nhìn thấy chủ yếu qua mắt ảnh hưởng lên hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Màu sắc khác nhau của ánh sáng có tác dụng hưng phấn hoặc ức chế hệ thần kinh trung ương. Màu đỏ gây hưng phấn, kích thích; màu xanh gây cảm giác dễ chịu.

4. NHỮNG ĐIỂM CẦN LƯU Ý TRONG KỸ THUẬT ĐIỀU TRỊ

4.1. Điều trị bằng bức xạ tử ngoại

4.1.1. Đo liều sinh học tử ngoại

            Vì mức độ cảm ứng với bức xạ tử ngoại phụ thuộc vào từng bệnh nhân, nên trước khi tiến hành điều trị cho mỗi bệnh nhân cần đo liều sinh học tử ngoại để xác định liều điều trị thích hợp.

Liều sinh học của bức xạ tử ngoại là thời gian chiếu tối thiểu của một đèn tử ngoại cho một bệnh nhân, để cách xa 50cm chiếu vuông góc với bề mặt da, gây được hiện tượng đỏ da tối thiểu nhưng còn rõ bờ hình chữ nhật.

            Liều sinh học đo cho người nào và dùng đèn nào để đo chỉ có ý nghĩa đối với người đó và đèn đó, không áp dụng được với người khác và loại đèn khác.

4.1.2. Tính liều sinh học tương đương

- Thông thường, điều trị ở vùng nào cần đo liều sinh học ở vùng đó. Tuy nhiên, để giảm bớt thời gian đo liều sinh học khi cần điều trị nhiều vùng khác nhau, người ta có thể chỉ cần đo liều sinh học ở một vùng nhạy cảm nhất (ví dụ vùng cơ ngực lớn), rồi tính ra liều sinh học tương đương theo từng vùng. Ví dụ: đo liều sinh học ở ngực là 1 phút, muốn tính liều sinh học ở mặt sau cẳng chân, biết tỷ lệ cảm ứng ở vùng mặt sau cẳng chân là 5% so với ngực, vì vậy: 1 ´ 100/5 = 20 phút. Liều sinh học tương đương ở mặt sau cẳng chân là 20 phút, nếu cần điều trị vào vùng này gấp 4 lần liều sinh học: 4liều sinh học ´ 20 phút = 80 phút nếu để đèn xa 50cm.

- Nếu muốn điều trị toàn thân, chỉ cần đo liều sinh học một lần tại vùng cơ thể mẫn cảm nhất (vùng cơ ngực lớn hoặc vùng giữa hai xương bả vai), sau đó dùng bảng tính sẵn để tính liều chiếu hàng ngày.

4.1.3. Chỉ định và chống chỉ định

4.1.3.1. Chỉ định

- Tắm tử ngoại toàn thân:

+ Điều trị cho trẻ em bị còi xương, chậm lớn, làm nhanh liền xương ở người bị gãy xương, những người phải sống và làm việc trong điều kiện thiếu ánh sáng kéo dài như bộ đội tàu ngầm, công nhân hầm lò.

+ Nâng cao sức đề kháng và tăng cường sức khỏe cho người mới ốm dậy, bệnh nhân trong giai đoạn bình phục.

+ Rèn luyện sức chịu đựng của cơ thể.

- Điều trị tại chỗ:

+ Bệnh vảy nến: dùng liều cao từ đầu, gấp 4 - 6 lần liều sinh học, giảm liều dần tùy theo tiến triển của tổn thương cho đến khi vùng tổn thương phẳng, không còn đỏ, không còn vảy, liều còn bằng một liều sinh học.

+ Bệnh bạch biến: liều tử ngoại tăng dần từ 2 lần liều sinh học lên 3 - 4 lần liều sinh học đến khi màu da vùng bạch biến gần về bình thường.

- Rụng tóc kiểu thành đám: liều tử ngoại tăng dần từ 1 liều sinh học lên 2 - 3 lần liều sinh học

- Làm nhanh rụng hoại tử của vết thương, vết loét: Nếu vết thương hoặc vết loét nhiều dịch mủ hoại tử thì cần thay băng để làm sạch vết thương, sau đó cho chiếu tử ngoại với liều 3 - 5 lần liều sinh học. Khi dịch mủ và hoại tử giảm, phải giảm dần liều tử ngoại. Khi vết thương hoặc vết loét lên tổ chức hạt đẹp, liều tử ngoại phải giảm xuống bằng 1/4 liều sinh học để kích thích liền sẹo, nếu chiếu liều cao vào tổ chức hạt sẽ gây xơ hóa.

4.1.3.2. Chống chỉ định

- Chống chỉ định toàn thân:

+ Bệnh nhân suy kiệt, sốt cao, đang có bệnh tiến triển như lao, ung thư, viêm gan, suy thận...

+ Các bệnh nặng như suy tim, suy gan, suy thận, cường giáp.

+ Một số người có biểu hiện quá mẫn với tử ngoại, tắm tử ngoại toàn thân có thể gây choáng.

+ Bệnh lupus ban đỏ hệ thống.

- Chống chỉ định tại chỗ: viêm da, eczema giai đoạn chảy nước diện rộng, chiếu tử ngoại có thể gây tiến triển nặng thêm.

4.1.6. Tai biến, dự phòng và xử trí

- Bỏng da: có thể xảy ra do chiếu quá liều tia tử ngoại. Vùng được chiếu quá liều sẽ có cảm giác rát, sau 24 giờ xuất hiện các nốt phỏng nước nông, các nốt phỏng này sẽ để lại lớp da non ở dưới và trở lại bình thường sau 1 tuần, toàn thân bệnh nhân có cảm giác mệt. Có thể làm giảm nhẹ tai biến tại chỗ bằng cách ngay sau chiếu tử ngoại chiếu đèn hồng ngoại vào vùng đó với liều ấm trong một giờ.

- Tổn thương mắt do tia tử ngoại: Khi tia tử ngoại chiếu thẳng vào mắt mà không có kính bảo vệ, khoảng 10 - 12 giờ sau khi chiếu, bệnh nhân cảm thấy khô mắt, cộm mắt, nhìn không rõ, nhức mắt, sung huyết kết mạc làm mắt đỏ ngầu. Sau khi có các triệu chứng trên khoảng 7 - 8 giờ, cảm giác khó chịu giảm nhanh, ngày hôm sau chỉ còn cộm mắt nhẹ, khô mắt, không để lại di chứng. Phản ứng trên là biểu hiện viêm kết mạc do tia tử ngoại. Nếu chiếu liều cao tia tử ngoại vào mắt có thể gây tổn thương giác mạc, nếu nặng có thể gây bỏng nhẹ (phỏng nước) giác mạc nhưng khi khỏi không để lại di chứng. Tổn thương mắt do tia tử ngoại hay gặp ở các công nhân hàn do không dùng kính bảo vệ mắt khi hàn. Để đề phòng tổn thương mắt do tia tử ngoại, phải đeo kính bảo vệ mắt khi vào buồng điều trị.

4.2. Điều trị bằng bức xạ hồng ngoại

4.2.1. Những điều lưu ý trong kỹ thuật điều trị

            Để bệnh nhân ngồi hoặc nằm, bộc lộ vùng điều trị. Bật đèn để bức xạ vuông góc với mặt da, điều chỉnh khoảng cách đèn đến da sao cho bệnh nhân có cảm giác ấm nóng dễ chịu. Tính thời gian, khi hết thời gian thì tắt đèn cho bệnh nhân ra ngoài.

            Đối với những bệnh nhân mất cảm giác, cần điều chỉnh khoảng cách đèn thích hợp để tránh bỏng, cần thử trên vùng da bình thường để xác định khoảng chách đèn thích hợp. Nếu dùng đèn 250W, khoảng cách trung bình là 30cm.

            Bức xạ hồng ngoại thường chỉ dùng điều trị tại chỗ, vùng chiếu không quá 1/6 bề mặt cơ thể để không ảnh hưởng đến tuần hoàn toàn thân. Khi cần chiếu diện rộng, người ta dùng hòm tắm ánh sáng như tắm ánh sáng cho chi dưới, lưng, tay... Không dùng phương pháp chiếu hồng ngoại toàn thân, vì làm tăng nhiệt độ toàn thân, giãn mạch mạnh có thể gây ra tình trạng say nóng.

  

Hình 1.4: Hòm tắm ánh sáng.

  4.2.2. Chỉ định và chống chỉ định

4.2.2.1. Chỉ định

            Bức xạ hồng ngoại là bức xạ nhiệt, thường được chỉ định trong các trường hợp cần tăng nhiệt độ tại chỗ, tăng tuần hoàn dinh dưỡng tại chỗ, làm giảm phù nề, giảm co thắt cơ, giảm đau như:

- Viêm nhiễm phần mềm giai đoạn chưa hóa mủ hoặc sau khi đã được chích rạch tháo mủ.

- Rối loạn dinh dưỡng tại chỗ như: hội chứng Reynaud, hội chứng Sudex, tắc động mạch.

- Dị ứng do lạnh, lạnh cóng.

- Phù nề do chấn thương giai đoạn hấp thu dịch.

- Dự phòng loét, các vết loét, vết thương lâu liền.

- Giảm đau do căn nguyên thần kinh ngoại vi: đau dây thần kinh hông to, hội chứng đau thắt lưng mạn tính.

- Co rút cơ trong liệt cứng, hạn chế vận động khớp.

- Viêm khớp dạng thấp.

4.2.2.2. Chống chỉ định

- Các vết thương đang chảy máu hoặc các vùng đe dọa xuất huyết. Bệnh nhân bị chảy máu nội tạng thì không điều trị vào vùng tương ứng với  đốt đoạn thần kinh chi phối như: xuất huyết dạ dày, không điều trị vào vùng thượng vị; phụ nữ đang đang trong thời kỳ kinh nguyệt thì không điều trị vào vùng hạ vị...

- Các chấn thương mới: thường chống chỉ định điều trị bằng hồng ngoại trong 3 ngày đầu.

- Các ổ viêm đã hóa mủ.

- Các khối u lành hay u ác tính.

4.2.3. Tai biến và cách phòng ngừa 

            Có thể gặp bỏng: thường do bệnh nhân mất cảm giác, kỹ thuật viên để khoảng cách đèn quá gần hoặc đặt vùng điều trị bên dưới bóng đèn nếu đèn vỡ, vỏ bóng rơi vào bệnh nhân gây bỏng. Để đề phòng phải tuân thủ đúng kỹ thuật điều trị.

4.3. Điều trị bằng ánh sáng mặt trời

4.3.1. Chỉ định

- Cần tăng cường sức khỏe toàn thân cho những người mới ốm dậy, giai đoạn hồi phục bệnh, cần tăng sức đề kháng của cơ thể. Phơi nắng trên bãi biển là hình thức thích hợp nhất.

- Điều trị hoặc dự phòng còi xương, suy dinh dưỡng ở trẻ em. Thông thường, tắm nắng được thực hiện trong khoảng 8 - 10 giờ sáng, lúc này ánh nắng mặt trời tới trái đất có tỉ lệ tia tử ngoại cao, tỉ lệ tia hồng ngoại thấp.

4.3.2. Chống chỉ định

- Chống chỉ định toàn thân:

+ Bệnh nhân suy kiệt, sốt cao, đang có bệnh tiến triển như lao, ung thư, viêm gan, suy thận...

+ Các bệnh nặng như suy tim, suy gan, suy thận, cường giáp.

+ Bệnh nhân bị bệnh lupus ban đỏ.

+ Một số người có biểu hiện quá mẫn với tử ngoại, tắm tử ngoại toàn thân có thể gây choáng.

- Chống chỉ định tại chỗ: viêm da, ezema giai đoạn chảy nước diện rộng, chiếu tử ngoại có thể gây tiến triển nặng thêm.

Nguồn: Hà Hoàng Kiệm. Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng.Giáo trình dùng cho đào tạo đại học. Bộ môn Phục hồi chức năng, HVQY. NXB QDND (2017). 

  

 

 

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI