PGS. TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103
Bài viết đã được đăng trong tạp chí Sức khỏe và đời sống (Bộ Y tế), số 80 (5/2003) và báo Phụ nữ Việt Nam số 93 (5/8/2005) trang 10.
Ai cũng biết ánh sáng có vai trò cực kỳ quan trọng với đời sống “không có ánh sáng mặt trời thì không có sự sống trên trái đất”. Ánh sáng có bản chất là sóng điện từ và nó bao gồm ba vùng: vùng ánh sáng nhìn thấy có bước sóng trong khoảng 380-760 nanomet (nm) (1nm = 1/1000mm). Trong dải ánh sáng nhìn thấy từ bước sóng dài đến ngắn dần cho ta cảm giác 7 màu sắc liên tiếp nhau (đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím). Còn hai vùng ánh sáng nữa mà chúng ta không nhìn thấy là vùng ánh sáng có bước sóng từ 760nm đến 400 000nm, dài hơn bước sóng của ánh sáng nhìn thấy và bên ngoài ánh sáng màu đỏ nên được gọi là tia hồng ngoại. Vùng ánh sáng không nhìn thấy có bước sóng từ 10nm đến 380nm, ngắn hơn bước sóng của ánh sáng màu tím nên được gọi là tia tử ngoại. Trong ánh sáng mặt trời có cả ánh sánh nhìn thấy, tia tử ngoại và tia hồng ngoại. Tỉ lệ tính theo phần trăm năng lượng của các thành phần trên trong ánh nắng mặt tời những ngày hè trời quang mây từ 10h đến 14h là: 10% tử ngoại, 40% ánh sáng nhìn thấy, 50% là hồng ngoại.
Ánh sáng khi được chiếu lên da, năng lượng của ánh sáng được da và tổ chức dưới da hấp thu và chúng gây ra các hiệu ứng sinh học khác nhau như:
+ Tia tử ngoại: tác dụng lên quá trình chuyển hóa và các phản ứng sinh học của cơ thể và tạo ra các chất có hoạt tính sinh học cao như vitamin D, histamin, serotonin, melanin… Tia tử ngoại C có bước sóng ngắn (200-280nm) có tác dụng phân hủy protein và diệt khuẩn mạnh.
+ Tia hồng ngoại: là tia nhiệt. Tổ chức cơ thể hấp thu tia hồng ngoại sẽ tăng nhiệt độ, gây giãn mạch tại chỗ, tăng lưu thông máu, tăng khả năng thực bào của bạch cầu và tăng di chuyển của bạch cầu đồng thời gây ra một loạt các hiệu ứng sinh học khác.
Lợi dụng các tác dụng đó của ánh sáng, người ta đã sản xuất ra các đèn hồng ngoại, đền tử ngoại để sử dụng chữa bệnh. Hiện nay các phương tiện này được sử dụng khá phổ biến ở các khoa Vật lý trị liệu của các bệnh viện để chữa bệnh như sử dụng đèn tử ngoại để diệt khuẩn không khí trong các buồng mổ, buồng thay băng, điều trị còi xương cho trẻ em, tăng cường sức khỏe cho người mới ốm dậy trong giai đoạn bình phục bệnh, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể trước các vụ dịch. Sử dụng tia tử ngoại để điều trị các bệnh ngoài da như vảy nến, vảy phấn hồng Giber, ezema, bệnh bạch biến, rụng tóc thành đám. Điều trị các vết thương, vết loét lâu liền…
Người ta sử dụng tia hồng ngoại để điều trị các chứng đau do các căn nguyên thần kinh như hội chứng thắt lưng hông, hội chứng đau vai-gáy, đau do viêm rễ và dây thần kinh. Điều trị các vùng viêm do nhiễm khuẩn hoặc không do nhiễm khuẩn như viêm cơ, mụn nhọt, chắp lẹo, viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, thoái hóa khớp. Tăng cường dinh dưỡng tuần hoàn cho các vùng thiếu nuôi dưỡng do các bệnh lý mạch máu và thần kinh, các vết thương, vết loét lâu liền. Các tổ chức sẹo xấu, kém nuôi dưỡng.
Trong đời sống hàng ngày có thể tận dụng ánh nắng mặt trời như khi tắm biển, tắm nắng cho trẻ em để chữa còi xương, chiếu ánh sáng xanh dương để chữa vàng da sơ sinh… Ánh sáng là một phương tiện điều trị bệnh hiệu quả, an toàn, hầu như không độc hại và rất rẻ tiền.
Điều trị sẹo dính sau mổ bướu cổ bằng tia hồng ngoại