TRỊ LIỆU BẰNG NƯỚC KHOÁNG NÓNG, BÙN KHOÁNG, VÀ TẮM HƠI
PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103
1. Đại cương
1.1. SƠ LƯỢC LỊCH SỬ CHỮA BỆNH BẰNG NƯỚC VÀ NƯỚC KHOÁNG
Sử dụng nước để điều trị bệnh và tăng cường sức khỏe được gọi là thủy trị liệu (hydrotherapy). Trong đó, sử dụng nước của các suối nước khoáng hoặc nước khoáng để điều trị, bao gồm cả sử dụng bùn để điều trị, được gọi là Spa therapy hoặc Balneotherapy. Sử dụng nước biển để điều trị được gọi là Thallasotherapy.
Khởi đầu thủy trị liệu được biết có từ thời văn hóa cổ Trung Hoa, Nhật Bản (suối khoáng nóng Nhật Bản). Đến thế kỷ 18-19, thủy trị liệu được phát triển mạnh bởi các bác sĩ Hahn J.S. (1696-1773), bác sĩ Vincent Priessnitz (1764-1850) và Rausse (1805-1848). Vào thời gian này, ở Đức, thủy trị liệu được phát triển mạnh do các bác sĩ chịu trách nhiệm.
Cuốn sách đầu tiên về thủy trị liệu được xuất bản năm 1702 của bác sĩ Hahn J.S. có tên là “Lịch sử của tắm lạnh, cả cổ xưa và hiện đại” (The history of cold bathing, both ancient and modern). Cuốn sách đã được tái bản 6 lần và được dịch ra nhiều thứ tiếng.
1797 một cuốn sách mang tính khoa học đầu tiên về thủy trị liệu của bác sĩ James Currie ở Liverpool (Anh) được xuất bản với tựa đề “Những báo cáo y học về hiệu quả của nước lạnh và ấm, điều trị sốt và các bệnh khác” (Medical reports on the effects of water, cold and warm, as a remedy in fevers and other diseases). Cuốn sách đã được Michaelis dịch ra tiếng Đức năm 1801.
Vào những năm 1840 thủy trị liệu được phát triển mạnh ở các nước Châu Âu, nhưng chưa được phổ biến ở Hoa Kỳ. Năm 1911 cuốn từ điển Encyclopedia Britannica đã trình bày khái niệm về thủy trị liệu và chia ra các phương pháp: tắm bằng túi nước, tắm bằng túi khí nóng, tắm nước (tắm phun, tắm vòi sen, tắm bồn xoáy…), tắm hơi, tắm suối khoáng, tắm toàn thân, tắm từng bộ phận cơ thể.
Tới giữa thế kỷ 20, với sự phát triển nhanh chóng của nền y học hiện đại, đặc biệt là điều trị bằng thuốc, đã làm giảm vị trí của thủy trị liệu trong y học. Ngày nay thủy trị liệu được sử dụng trong lĩnh vực vật lý trị liệu và phục hồi chức năng. Thủy trị liệu đặc biệt được phát triển ở các trung tâm hoặc các khu điều dưỡng phục hồi chức năng, và mở rộng ra các khu nghỉ dưỡng (resort) đã góp phần to lớn giúp tăng cường và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, góp phần điều trị nhiều loại bệnh, nhất là các bệnh mạn tính, và giúp phục hồi chức năng cho các bệnh nhân.
1.2. TÁC DỤNG SINH HỌC CỦA NƯỚC KHOÁNG
Sử dụng nước suối khoáng nóng (hot spring) vào mục đích bảo vệ sức khỏe và chữa bệnh là dựa trên cơ sở khoa học của ba yếu tố. Đó là tác dụng của nước (thủy trị liệu), tác dụng của nhiệt độ nước (nhiệt độ trị liệu), tác dụng của khoáng chất (khoáng trị liệu).
1.2.1. THỦY TRỊ LIỆU
Sử dụng nước để điều trị và tăng cường sức khỏe, đặc biệt trong giai đoạn dưỡng bệnh sau các vụ dịch hoặc các bệnh mạn tính, đã được chứng minh có hiệu quả tốt.
2.2.1.1. Các hình thức thủy trị liệu
+ Tắm ngâm bộ phận cơ thể: người ta tạo các bồn có kích thước nhỏ, có thể sử dụng để ngâm một tay, một chân, hoặc hai tay, hai chân.
+ Tắm ngâm toàn thân: bồn tắm ngâm toàn thân có thể là bồn đơn dùng cho một người, có thể là bồn đôi dùng cho hai người, hoặc bồn tập thể dùng cho 4-5 người cùng tắm. Bồn có thể là bồn nước tĩnh, có thể là bồn nước xoáy có các vòi phun tạo ra dòng nước xoáy.
+ Bơi trong bể: có thể là bể bơi tĩnh, có thể là bể bơi có bộ phận tạo sóng. Có bể bơi dùng cho trẻ em, bể bơi dùng cho người lớn.
+ Bọc chăn ẩm: dùng chăn ẩm có nhiệt độ mát hoặc ấm, cuốn bọc toàn bộ cơ thể trong 20-30 phút, sau đó tắm lại.
+ Tắm ngâm trong túi nước: có thể sử dụng túi cho một chi, túi cho hai chi, hoặc túi ngâm toàn thân.
+ Tắm bùn: có thể dùng bùn khoáng hay bùn hữu cơ, bùn được chế biến dưới dạng bột mịn, rồi hòa với nước, ngâm trong bồn nước bùn hoặc xoa bùn lên người trong 20-30 phút, sau đó ra phơi nắng 15-20 phút rồi tắm dưới vòi sen.
Tắm bùn khoáng
+ Tắm nước: tắm nước có các hình thức sau:
- Tắm vòi sen: dùng vòi sen tạo các tia nước phun từ trên xuống
- Tắm phun lên: các tia nước phun từ dưới lên
- Tắm phun áp lực: các vòi phun tạo ra các tia nước mạnh phun ngang, hoặc dùng vòi di động để phun vào các vị trí cần điều trị. áp lực tia nước giống như xoa bóp vùng điều trị.
+ Tắm hơi: có hai loại
- Tắm hơi nước (steam bath hay Turkish bath): hơi nước nóng được phun ra trong phòng, nhiệt độ phòng có thể lên tới 50o-70o. Có các lá có tinh dầu thơm để tạo hương thơm như dùng lá sả, lá hương nhu…
Tắm hơi nước (steam bath)
- Tắm hơi khô (sauna): trong phòng tắm kín, để một bếp điện làm nung nóng các hòn đá, người tắm múc nước dội lên các hòn đá nung nóng nếu muốn nhiệt độ phòng tăng thêm.
Buồng tắm hơi khô (sauna) |
Tắm hơi khô (sauna) |
Tắm hơi
2.2.1.2. Tác dụng của thủy trị liệu
+ Tạo thuận lợi cho cử động của các khớp, giúp phục hồi chức năng vận động của các khớp. Khi một bộ phận hoặc toàn bộ cơ thể ngâm trong nước, bộ phận cơ thể hoặc cơ thể sẽ chịu một lực đẩy của nước đúng bằng trọng lượng của thể tích nước bị chiếm chỗ (định luật Arcimet). Vì vậy thủy trị liệu rất thích hợp khi cần phục hồi chức năng cho các khớp bị hạn chế vận động do bệnh lý như viêm khớp dạng thấp, đau khớp do thoái hóa khớp, sau chấn thương khớp, sẹo vùng khớp gây hạn chế vận động, sau phẫu thuật nối dây chằng khớp, sau phẫu thuật thay khớp nhân tạo, yếu cơ do tổn thương thần kinh, bại hoặc liệt do tổn thương thần kinh ngoại vi hoặc trung ương. Lực đẩy của nước giúp làm giảm trọng lực phần chi ngoại vi khớp, tạo thuận lợi hơn cho cử động khớp. Vì vậy, tập phục hồi chức năng khớp trong nước là một biện pháp tốt trong phục hồi chức năng.
+ Làm tăng cường sức mạnh của các cơ. Các cử động nhanh ở trong nước sẽ gặp phải sức cản vừa phải, buộc cơ phải tăng hoạt động. Đây là biện pháp rèn luyện sức cơ rất tốt với người bệnh giảm sức cơ sau một thời gian dài phải bất động, hoặc do suy nhược cơ thể sau giai đoạn bị bệnh, hoặc các bệnh nhân bị liệt hoặc bại do tổn thương thần kinh ngoại vi hoặc trung ương. Vì vậy, tập trong nước là một biện pháp tốt để làm mạnh dần sức cơ ở những người bệnh này.
+ Làm tăng cường lưu thông máu. Các bộ phận ngâm trong nước phải chịu một áp lực của nước tác động lên da, cơ, khớp. Nếu ngâm càng sâu thì áp lực càng lớn, áp lực này thay đổi liên tục do các chuyển động của nước và của cơ thể, tạo điều kiện cho lưu thông máu được tốt hơn, nhất là hồi lưu máu về tim từ các tĩnh mạch và bạch huyết. Thủy trị liệu là biện pháp rất tốt cho những bệnh nhân sau bất động lâu vì bệnh tật, những người già giảm vận động, những người suy nhược cơ thể sau các bệnh cấp tính hoặc mạn tính.
+ Phục hồi chức năng hô hấp và tim mạch. Các bài tập và hoạt động dưới nước làm tăng cường quá trình chuyển hóa trong cơ thể, tăng cường lưu thông máu, tăng tiêu thụ năng lượng, đòi hỏi hô hấp và tuần hoàn phải tăng cường. Thủy trị liệu làm phục hồi chức năng hô hấp và tuần hoàn rất tốt, mang lại lợi ích cho những người bị bệnh hen, bệnh phổi phế quản tắc nghẽn mạn tính, bệnh tim phổi mạn, những người già.
+ Tác dụng lên chuyển hóa. Thủy trị liệu giúp tăng cường lưu thông máu, tăng quá trình trao đổi chất, các hoạt động trong nước đòi hỏi tiêu tốn năng lượng, quá trình chuyển hóa được tăng cường. Do đó kích thích hoạt động chức năng của các cơ quan trong cơ thể, người bệnh cảm thấy nhanh đói, ăn ngon miệng hơn, ngủ tốt hơn và tăng cân.
+ Tác dụng lên hệ thần kinh. Nước tác đông lên da, áp lực nước tác động lên các tổ chức sâu như cơ, khớp, giống như động tác xoa bóp, kích thích lên các thụ cảm thể thần kinh. Các mùi thơm của tinh dầu cũng tác động lên thần kinh khứu giác làm thư dãn, êm dịu. Người bệnh có cảm giác thư thái, dễ chịu, giảm các stress, dễ đi vào giấc ngủ và ngủ sâu hơn. Thủy trị liệu là biện pháp giải tỏa stress, nhất là các stress tâm lý, rất tốt và hợp sinh lý.
+ Tác dụng lên hệ tiêu hóa. Các tác dụng tổng hợp của thủy trị liệu lên quá trình chuyển hóa, hoạt động tim mạch, hô hấp, lên hệ thần kinh, có tác dụng kích thích hệ tiêu hóa. Các tuyến tiêu hóa bài tiết tốt hơn, quá trình tiêu hóa và hấp thu được tăng cường, người bệnh ăn ngon và ăn được nhiều hơn.
2.2.2. Tác dụng chữa bệnh của nhiệt độ nước
Tác dụng của nhiệt độ nước lên một vùng cơ thể hoặc toàn bộ cơ thể sẽ gây ra các biến đổi sinh lý, sinh hóa, các phản xạ thần kinh khác nhau, tùy theo đó là nhiệt lạnh hay nhiệt nóng. Sử dụng nhiệt độ để điều trị bệnh đã được con người áp dụng từ thời cổ đại. Có rất nhiều cách sử dụng nhiệt độ để điều trị, trong đó thủy trị liệu sử dụng nhiệt độ của nước để điều trị. Thông thường, người ta sử dụng các nguồn nước nóng, nhất là các suối nước khoáng nóng để điều trị.
2.2.2.1. Các hình thức sử dụng nhiệt độ nước nóng để điều trị
+ Làm nóng một vùng cơ thể: dùng túi nước nóng, ngâm nước nóng, đắp bùn nóng.
+ Làm nóng toàn bộ cơ thể: tắm ngâm trong bồn nước nóng, bể nước nóng, suối nước nóng. Sông hơi nước nóng (steam bath), Sông hơi nóng khô (sauna).
+ Tắm bùn nóng: có thể sử dụng bùn khoáng hoặc bùn hữu cơ hòa trong nước nóng để người bệnh ngâm bùn trong bể, xoa bùn lên cơ thể.
2.2.2.2. Tác dụng chữa bệnh của nhiệt độ nước nóng
Khi chịu tác dụng của nhiệt nóng, vùng cơ thể chịu tác dụng của nhiệt độ sẽ nóng lên, các mao mạch dãn nở, tính thấm thành mạch tăng, tăng quá trình trao đổi chất, tăng chuyển hóa, dinh dưỡng mô được tăng cường, quá trình tái tạo tổ chức được thúc đẩy, quá trình viêm giảm. Tăng nhiệt độ làm tăng thải mồ hôi, tăng đào thải các chất độc tạo ra trong quá trình chuyển hóa và các chất độc xâm nhập từ môi trường. Tăng nhiệt độ mô sẽ thúc đẩy quá trình bảo vệ, hồi phục, hàn gắn tổn thương, làm giảm quá trình phá hủy, giảm viêm, giảm đau.
Nếu một vùng rộng của cơ thể chịu tác dụng nhiệt độ hoặc tác dụng nhiệt độ toàn thân, cơ thể sẽ huy động cơ chế thải nhiệt, làm tăng tiết mồ hôi, tăng đào thải các chất độc nội sinh hoặc ngoại sinh, tăng nhịp thở, tăng tần số tim, dãn mạch toàn thân nhất là các mạch máu dưới da. Nếu nhiệt độ tăng quá mức, vượt quá khả năng điều hòa nhiệt độ của cơ thể, có thể gây ra tình trạng say nóng.
Nhiệt nóng khi tác động lên tổ chức cơ thể một cách thích hợp có tác dụng tốt cho sức khỏe, có tác dụng chữa bệnh và làm nhanh phục hồi tổn thương. Các tác dụng chính của nhiệt nóng có thể giải thích như sau:
+ Tăng nhiệt độ làm tăng quá trình chuyển hóa. Vùng cơ thể chịu tác dụng của nhiệt nóng sẽ tăng quá trình chuyển hóa, tạo ra nhiều năng lượng, tiêu thụ oxy tăng, do nhiệt độ làm tăng chuyển động nhiệt độ của các phân tử, nguyên tử, tăng tốc độ các phản ứng sinh học.
+ Tăng nhiệt độ làm tăng tuần hoàn, dinh dưỡng, kích thích tái sinh tổ chức. Nhiệt độ tăng gây dãn mạch, tăng cường cung cấp máu đến vùng cơ thể tăng nhiệt độ, quá trình này còn được thúc đẩy bởi thay đổi áp lực của nước, tăng tính thấm thành mạch, tăng quá trình trao đổi chất, do đó dinh dưỡng cho tổ chức tốt hơn, quá trình tái tạo tổ chức và hồi phục tổn thương tốt hơn.
+ Tăng nhiệt độ làm tăng khả năng chống viêm. Do dãn mạch, tăng lưu thông máu, làm pha loãng và phân tán nhanh các chất trung gian gây viêm (mediators viêm), làm giảm phản ứng viêm tại chỗ. Nhiệt nóng làm tăng khả năng di chuyển của bạch cầu đến vùng viêm, tăng chỉ số thực bào của bạch cầu, do đó giúp khu trú ổ viêm và tiêu hủy các tác nhân gây viêm. Tăng tính thấm thành mạch do tăng nhiệt độ, giúp hấp thu nhanh dịch nề trong giai đoạn lui bệnh, làm giảm chèn ép, giảm các yếu tố gây viêm, gây đau, do đó làm giảm đau, nhất là các chứng đau mạn tính.
+ Nhiệt nóng làm mềm tổ chức xơ sẹo. Các tổ chức sẹo thường cứng, co kéo, làm biến dạng hình thái da. Nếu sẹo ở gần khớp có thể làm hạn chế vận động khớp. Mô sẹo thường được nuôi dưỡng kém, dễ bị loét, xơ chai, ngứa, mất cảm giác… Nhiệt nóng có tác dụng rất tốt làm cho tổ chức sẹo mềm mại do làm thư duỗi và mềm mại các sợi collagen, làm giảm độ nhớt của chất nền elastin của mô sẹo. Tập phục hồi chức năng khớp do hạn chế vận động khớp vì mô sẹo trong bể nước ấm thường đạt được kết quả cao nhất.
+ Đối với thần kinh. Nhiệt độ ấm vừa phải tác dụng lên các thụ cảm thể thần kinh của da, gây ra tác dụng hưng phấn nhẹ ban đầu, người bệnh cảm giác thoải mái, thư dãn, giải tỏa các stress, các căng thẳng tâm lý tiêu tan. Về sau, gây an thần nhẹ, trấn tĩnh, làm dễ đi vào giấc ngủ và ngủ sâu hơn vào buổi tối.
+ Đối với da. Tổ chức da được cung cấp nhiều máu hơn, tăng nuôi dưỡng da, tăng tiết mồ hôi làm loại nhanh các sản phẩm ứ đọng vốn độc hại cho da, loại đi lớp biểu bì già, giúp cho làn da sáng và trẻ trung hơn.
2.2.3. Tác dụng chữa bệnh của chất khoáng trong nước khoáng
Ở người lớn, 60% trọng lượng cơ thể là nước, lượng nước này được phân bố 80% ở trong tế bào, 20% ở khoang gian bào (trong tổ chức kẽ và mạch máu). Nước trong cơ thể hòa tan rất nhiều khoáng chất cần thiết cho sự sống. Có loại khoáng chất cần nồng độ cao, thường được gọi là các chất điện giải như Na+, Cl-, Ca++, K+, Mg++, HCO3-. Có nhiều khoáng chất chỉ có hàm lượng rất thấp, nhưng không thể thiếu, được gọi là các nguyên tố vi lượng, như sắt, đồng, kẽm, coban, iod… Các chất điện giải và các nguyên tố vi lượng được cung cấp hàng ngày qua thức ăn và nước uống. Tuy nhiên, tùy theo thực phẩm và nguồn nước được cung cấp, có thể xảy ra thiếu các chất điện giải hay các nguyên tố vi lượng. Cũng có thể nguồn cung cấp hàng ngày đủ nhưng nhu cầu cơ thể tăng lên do lao động, bệnh tật, thời tiết, khí hậu, gây ra thiếu các chất điện giải hay thiếu các nguyên tố vi lượng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Các nguyên tố vi lượng tham gia vào thành phần các cấu trúc hoặc thành phần các enzym, khi thiếu sẽ gây ra các rối loạn chức năng hoặc rối loạn chuyển hóa và gây ra bệnh tật. Ví dụ, thiếu sắt gây ra thiếu máu nhược sắc, vì sắt tham gia vào cấu trúc hem trong hồng cầu. Hem là cấu trúc có chức năng liên kết với oxy để vận chuyển oxy đến các mô. Thiếu iod gây ra bệnh biếu cổ, suy chức năng tuyến giáp, chậm phát triển trí tuệ, gây ra chứng đần độn ở trẻ em.Từ thời cổ xưa, loài người đã biết sử dụng các nguồn nước khoáng để tăng cường sức khỏe. Ngày nay, nước khoáng được sử dụng dưới dạng nước uống đóng chai và tắm nước suối khoáng. Các nguồn suối nước khoáng được xây dung thành các khu nghỉ dưỡng (resort), các khu điều dưỡng phục hồi chức năng để chữa bệnh và tăng cường sức khỏe.
2.2.3.1. Các hình thức sử dụng nước khoáng
+ Sử dụng nước khoáng đóng chai để làm nước uống. Đây là nguồn nước khoáng được khai thác từ tự nhiên, có thành phần khoáng thỏa mãn các tiêu chuẩn quy định, có thành phần các chất hữu cơ và vi sinh thỏa mãn các điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm. Sử dụng nước khoáng đóng chai có nhiều loại: nước khoáng mặn, nước khoáng ngọt, nước khoáng có ga.
+ Tắm nước khoáng. Có thể tắm ngâm trong bồn, tắm vòi sen, tắm vòi phun áp lực, tắm bồn nước xoáy, tắm bể bơi nước khoáng…
2.2.3.2. Tác dụng của khoáng chất trong nước khoáng
+ Đối với nước khoáng đóng chai để làm nước uống vừa có tác dụng giải khát, vừa có tác dụng bổ xung các nguyên tố vi lượng và các chất điện giải cho cơ thể. Tác dụng tốt khi đi đường xa, lao động trong điều kiện nóng bức, ra nhiều mồ hôi. Nước khoáng tốt cho những người đang trong giai đoạn hồi phục bệnh, những bệnh nhân suy kiệt, người có bệnh đường ruột mạn tính, các bệnh nhân bị bệnh cơ, xương, khớp.
+ Đối với biện pháp tắm ngâm nước suối khoáng. Tùy theo thành phần khoáng chất trong nước khoáng mà nước khoáng có tác dụng khác nhau. Chẳng hạn, nước khoáng chứa nhiều lưu huỳnh (như nước khoáng mỹ An ở Huế) có tác dụng tốt với bệnh ngoài da. Nước khoáng chứa nhiều bicarbonat lại có tác dụng tốt với người bị bệnh đường hô hấp mạn tính như hen, tâm phế mạn tính, bệnh phổi phế quản tắc nghẽn mạn tính (COPD), người bị bệnh gút, người bệnh đái tháo đường, người bị bệnh khớp mạn tính.
3. CHỈ ĐỊNH VÀ CHỐNG CHỈ ĐỊNH THỦY TRỊ LIỆU SUỐI KHOÁNG NÓNG
3.1. Chỉ định
3.1.1. Các bệnh khớp mạn tính
+ Viêm khớp dạng thấp
+ Bệnh gút mạn tính
+ Viêm cột sống dính khớp
+ Các viêm bao gân: viêm quanh khớp vai, viêm mỏm lồi cầu cánh tay, viêm mỏm châm quay, chứng đau xương cụt.
3.1.2. Các bệnh xương khớp do thoái hóa
+ Thoái hóa cột sống cổ, cột sống thắt lưng
+ Thoái hóa khớp gối, khớp háng
3.1.3. Phục hồi chức năng khớp
+ Hạn chế vận động khớp sau chấn thương, do sẹo vùng khớp
+ Hạn chế vận động khớp do các bệnh khớp mạn tính
+ Hạn chế vận động khớp do bất động kéo dài
+ Phục hồi chức năng khớp sau mổ nối dây chằng chéo khớp gối, sau thay khớp, sau phẫu thuật khớp
3.1.4. Các bệnh lý phần mềm
+ Có các vùng đe dọa loét do thiểu dưỡng
+ Các bệnh lý của tổ chức liên kết
+ Các rối loạn vi tuần hoàn, tổn thương vi mạch do đái tháo đường
+ Teo cơ, yếu cơ do bất động kéo dài, do suy dinh dưỡng, do tổn thương thần kinh trung ương hoặc thần kinh ngoại vi, do rối loạn vi mạch.
3.1.5. Các bệnh lý thần kinh
+ Hội chứng đau thắt lưng mạn, hội chứng thắt lưng hông, hội chứng cổ vai
+ Liệt, bại nửa người do di chứng đột quỵ não, chấn thương sọ não
+ Bại hai chi dưới do di chứng tổn thương tủy sống
+ Liệt, bại do tổn thương thần kinh ngoại vi
+ Suy nhược thần kinh
3.1.6. Các bệnh lý mạn tính đường hô hấp
+ Hen phế quản
+ Bệnh phổi phế quản tắc nghẽn mạn tính
3.1.7. Các bệnh lý đường tiêu hóa mạn tính
+ Viêm đại tràng mạn
+ Hội chứng ruột kích thích
+ Viêm loét dạ dày, tá tràng
3.1.8. Phục hồi sức khỏe
+ Sau lao động căng thẳng
+ Giai đoạn dưỡng bệnh
+ Suy nhược cơ thể
+ Người già
+ Giải tỏa các stress tâm lý
3.2. Chống chỉ định
+ Người bệnh suy tim, suy gan, suy thận nặng
+ Người bệnh tăng huyết áp
+ Người có bệnh động kinh, rối loạn tâm thần
+ Người đang có sốt hoặc có nhiễm khuẩn cấp tính
+ Các bệnh khớp đang trong giai đoạn tiến triển cấp tính có sưng, nóng, đỏ khớp
+ Người bị bệnh lao đang tiến triển
+ Người bị đột quỵ não mới, hoặc nhồi máu cơ tim (3 tháng đầu)
+ Người bị bệnh ung thư
+ Người có các vết thương, vết loét chưa liền
+ Người bị giảm hoặc mất cảm giác nhiệt độ
3.3. Tai biến có thể gặp
+ Bỏng: nếu nước quá nóng có thể gây bỏng
+ Tụt huyết áp: do ngâm nước nóng quá lâu hoặc tắm hơi nóng kéo dài gây dãn mạch toàn thân có thể gây tụt huyết áp, nhất là khi thay đổi tư thế.
+ Say nóng: do tắm hơi hoặc ngâm nước nóng toàn thân quá lâu làm tăng thân nhiệt độ kéo dài có thể gây ra tình trạng say nóng, trụy tim mạch, có thể nguy hiểm đến tính mạng.
4. CẤU TRÚC KHU ĐIỀU DƯỠNG SUỐI KHOÁNG
Để phát huy tốt nhất tác dụng điều dưỡng nước khoáng nóng, cần cấu trúc khu thủy trị liệu bằng nước suối khoáng nóng hợp lý.
4.1. Khu tắm phun nước khoáng nóng
+ Tắm vòi sen: các tia nước được phun từ trên xuống
+ Tắm phun lên: các tia nước được phun ngược từ dưới lên, mục đích tác dụng vào vùng mông, ụ ngồi, tầng sinh môn.
+ Tắm bằng vòi phun áp lực: các tia nước được phun với áp lực mạnh theo chiều ngang, sắp đặt các tia nước phun vào toàn bộ cơ thể từ chân dến ngực và từ nhiều phía. Hình thức này được gọi là xoa bóp bằng tia nước áp xuất.
+ Thác nước khoáng nóng: tạo thác nước dội từ trên cao xuống từ suối khoáng
4.2. Khu tắm bồn nước khoáng nóng
Đây là khu vực thuận lợi cho tập luyện phục hồi chức năng cơ, khớp, thần kinh.
+ Các bồn tắm đơn, bồn tắm đôi, bồn tắm tập thể, với nước khoáng nóng tĩnh
+ Các bồn tắm đơn, bồn tắm đôi, bồn tắm tập thể, với nước khoáng nóng có hệ thống vòi tạo dòng nước chảy xoáy.
Quy trình: tắm vòi sen trước để làm sạch cơ thể, và thích nghi, sau đó tắm bồn. Với bồn nước nóng không nên tắm quá 15-20 phút, với bồn lạnh không nên quá 30 phút. Sau tắm bồn tắm lại dưới vòi sen rồi lau khô người. chú ý tránh gió lùa sau khi tắm.
4.3. Bể bơi nước khoáng nóng
+ Bể bơi nước khoáng nóng cho trẻ em
+ Bể bơi nước khoáng nóng cho người lớn
Quy trình: Không nên bơi quá 30 phút, khoảng 5-10 phút bơi nên lên bờ nghỉ 5 phút.
4.4. Khu tắm bùn khoáng
+ Quy trình tắm bùn khoáng gồm bốn bước:
Bước một: tắm vòi sen để rửa sạch bụi bẩn và mồ hôi
Bước hai: tắm bùn khoáng 15-20 phút
Bước ba: xoa bùn lên da và nằm phơi nắng 10-15 phút đến khi bùn khô
Bước bốn: tắm vòi sen để rửa sạch bùn
+ Cấu trúc khu tắm bùn khoáng gồm:
Các vòi sen nước khoáng phun nước từ trên xuống
Các bồn tắm bùn khoáng: có bồn đơn dùng cho một người, bồn đôi dùng cho hai người, bồn tập thể dùng cho 4-5 người. Bồn tắm bùn có thể làm bằng xi măng, sứ, hoặc gỗ, nhưng phải chống trơn trượt, vì bùn khoáng thường rất trơn.
Khu phơi nắng: có các giường nan thoáng để nằm
4.5. Khu tắm hơi
+ Các buồng tắm hơi nước khoáng nóng (steam bath hay Turkish bath)
+ Các buồng tắm hơi nóng khô (sauna)
Quy trình: tắm vòi sen trước sau đó vào buồng tắm hơi, không nên tắm hơi quá 10 phút mỗi lần. Chú ý trong buồng tắm hơi không khí thấp gần sàn nhà nhiệt độ thấp hơn không khí ở cao gần trần nhà. Trong buồng tắm hơi có thể nằm, ngồi, đứng. Cần duy trì nhiệt độ vừa chịu đựng không để quá nóng. Sau tắm hơi tắm lại dưới vòi sen rồi lau khô người.
4.6. Khu nghỉ dưỡng
+ Khách sạn hoặc nhà nghỉ
+ Khu vườn
+ Khu thể thao, giải trí
+ Phòng y tế:
- Có bác sĩ và nhân viên y tế
- Trang bị đủ thuốc và các phươngtiện cấp cứu
PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm
Khu điều dưỡng suối khoáng nóng, bùn khoáng Tháp Bà Nha Trang,
Nguồn: Hà Hoàng Kiệm. Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng.Giáo trình dùng cho đào tạo sau đại học. Bộ môn Phục hồi chức năng, HVQY. NXB QDND (2014).