Sơn Đoòng, một di sản hang động lớn nhất thế giới

Cập nhật: 31/01/2015 Lượt xem: 3672

Thụy My

 Di sản Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới bị dự án cáp treo đe dọa

Một cảnh quan bên trong động Sơn Đoòng thuộc quần thể Phong Nha - Kẻ Bàng ở Quảng Bình.DR

Hang Sơn Đoòng xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình chỉ được khám phá vào năm 1991 khi Hồ Khanh, một người dân địa phương tình cờ tránh mưa vào cửa hang phát hiện ra. Mãi đến năm 2006 khi đoàn thám hiểm Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đến khu vực này thăm dò thì Hồ Khanh mới báo cho họ. Ngày 22 tháng 4 năm 2009, phái đoàn Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh do Howard Limbirt dẫn đầu đã công bố việc phát hiện hang và cho rằng quy mô của hang Sơn Đoòng lớn nhất thế giới. Hang có chiều rộng 150 mét, cao hơn 200 mét, dài ít nhất là 5 km. Chiều dài có thể còn sâu hơn nữa, tuy nhiên do điều kiện kỹ thuật giới hạn, các nhà thám hiểm thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh không thể đi hết chiều sâu của hang để xác định hang dài bao nhiêu. Sơn Đoòng đã vượt qua hang DeerVườn quốc gia Gunung Mulu của Malaysia (với chiều cao 100 m, rộng 90 m, dài 2 km) để chiếm vị trí là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới. Ngoài ra ở một số đoạn hang Sơn Đoòng còn có kích thước lớn tới 140 m x 140 m, trong đó có các cột nhũ đá cao tới 14 m. Một bức ảnh lộng lẫy do nhiếp ảnh gia Carsten Peter chụp vào tháng 5 năm 2010 ghi nhận đoạn hang có bề rộng khoảng 91,44m, vòm hang cao gần 243,84 m - có thể chứa lọt một tòa nhà cao 40 tầng của thành phố New York (Mỹ). Trong hang các nhà nghiên cứu còn tìm thấy một dòng sông ngầm dài 2,5 km và có cả những cột nhũ đá cao tới 70 m. Các nhà thám hiểm của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đã dành vinh dự cho Hồ Khanh đặt tên cho hang này.

 

Hang Sơn Đoòng, giữa hang có hai hố sụp (giếng trời) đủ lớn để mặt trời nhìn vào hang, ở đây trong lòng hang cây cỏ rừng nhiệt đới xanh tốt.

Hang động Sơn Đoòng hiện đang giữ kỷ lục hang động lớn nhất thế giới và là điểm tham quan kỳ thú nhất của quần thể Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đã được Unesco công nhận là di sản thế giới. Tờ báo New York Times xếp hang Sơn Đoòng đứng thứ 8 trong số 52 địa điểm xứng đáng đến du lịch trên toàn cầu trong năm 2014.

Vườn nhiệt đới Edam trong hang động lớn nhất thế giới

Theon PGS.TS. Tạ Hòa Phương, khoa Địa chất, trường đại học Khoa học Tự nhiên ở Hà Nội, chủ tịch Hội Cổ sinh – Địa tầng Việt Nam cho biết, không chỉ kích thước khổng lồ mang lại sự hùng vĩ cho Sơn Đoòng, mà bên trong kỳ quan dưới lòng đất này lại có cả một khu rừng nhiệt đới với trên 200 loài thực vật. Những thạch nhũ to lớn với nhiều hình thù khác nhau, rồi hàng triệu viên ngọc động hình thành từ cacbonat canxi tức đá vôi, những làn sương khói mong manh…khiến khung cảnh bên trong hang Sơn Đoòng trông huyền ảo như là tiên cảnh.

“ Hiện nay người ta vẫn cho rằng hang Sơn Đoòng là hang lớn nhất thế giới. Đúng là cũng có những hang khác được coi như là « tranh chấp » với nó, nhưng chính thức cho tới nay như tôi được biết, hang Sơn Đoòng giữ kỷ lục lớn nhất thế giới.

Nó lớn như thế nào ? Thực chất cũng không phải do dài nhất, mà lớn về tổng thể tích, và đặc biệt là những khoang rộng nhất của nó. Ví dụ như chiều dài thì chỉ khoảng trên 8 kilômét, nhưng có chỗ cao tới 195 mét, và chiều ngang 150 mét. Kích thước đó là khổng lồ, và người ta cho rằng có thể đưa vào đấy một tòa nhà 50-60 tầng trọn vẹn bên trong vẫn cứ lọt thỏm. Hoặc là tượng Nữ thần Tự Do ở Nữu Ước nếu cho vào đấy vẫn vừa được.

Kích thước lớn sẽ quy định những khoảng không bao la. Người ta có thể quay phim, chụp ảnh và vào đấy ngắm, phóng tầm mắt. Và đặc biệt là nó không phải hoàn toàn tối om, vì rất nhiều chỗ không có ánh sáng vào; nhưng hang Sơn Đoòng lại là một cái hang mà trong đó có hai chỗ trần bị sụp. Khi sụp trần thì hở ra một khoảng ở trên mà người ta gọi là giếng trời. Cái giếng trời này có độ sâu khoảng 200 mét, nhưng ánh sáng từ trên chiếu rọi xuống, làm phía dưới lòng hang được ánh sáng rọi vào nên cây cối phát triển lên.

Có hai hố sụp. Hố thứ nhất thì cây còn nhỏ, nhưng hố sụp thứ hai thì cây cối rất lớn, tạo thành một rừng nhiệt đới, gọi là vườn Edam. Tên Edam này lấy từ tên gốc của một khu rừng châu Âu. Nhiều người cứ nhầm lẫn, bảo đó là vườn Eden (Địa đàng), nhưng thật ra không phải.

Khu rừng nhiệt đới mà lại hiện diện trong một hang động là điều rất đặc biệt, rất lý thú ! Trong đó hiện nay các nhà sinh vật học thống kê được khoảng trên 200 loài thực vật đã được phát hiện. Tất nhiên còn nhiều loại động vật khác nữa.

Vào trong một hang động mà lại gặp rừng cây thì rất thú vị. Đặc biệt là khi ánh sáng từ trên chiếu xuống, từ một khoảng không gian mênh mông, qua những làn sương khói làm cho phong cảnh cứ như là tiên cảnh. Nó cuốn hút khách du lịch, và nhất là những nhà nhiếp ảnh quốc tế.

Rất nhiều hãng làm phim quốc tế đã vào đây. Như tôi được biết là có ít nhất là năm, sáu hoặc bảy bộ phim điện ảnh quốc tế đã từng quay ở đây. Ở Việt Nam, đài truyền hình trung ương cũng đã tổ chức một chuyến quay phim ở đó, và theo tôi được biết, đấy cũng là một cuốn phim rất đặc sắc, sẽ chiếu vào dịp Tết sắp tới”.

Thác thạch nhũ…

Nhà khoa học giải thích thêm về sự hình thành những thạch nhũ muôn hình vạn trạng kỳ vĩ, những « dòng sông ngọc » bên trong hang động Sơn Đoòng.

“Ngoài không gian mênh mông, những thành tạo địa chất trong đó cũng lớn. Ví dụ có những cột thạch nhũ cao tới khoảng 80 mét, hoặc nếu là chuông đá thì từ trên ròng xuống gần sát với trần luôn, là những thành tạo khổng lồ. Có những chỗ tạo thành nơi quần tụ của những thạch nhũ. Những quần thể này thường được những người trong hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đặt tên. Vì họ là những người phát hiện ra đầu tiên, nên có quyền đặt tên cho nó. Do đó có những chỗ ví dụ như người ta gọi là Dây Thun, Khủng Long, có chỗ đặt tên là Bàn Tay Chó – thực ra là chân chó, trông giống như những chiếc chân chó giơ lên trời…

Tất cả những cái đó khi chụp ảnh, dưới những ánh đèn hòa sắc nhân tạo, đẹp long lanh tuyệt vời ! Với khoảng cách và những không gian mênh mông, đấy là những bức ảnh mà người ta vẫn cho rằng, ở trong hang động mà có được những không gian như thế thì rất quý hiếm. Đặc biệt là hòa sắc xen với ánh sáng từ trên trời rọi xuống, ở những chỗ có hố sụp thứ nhất hoặc thứ hai đều rất đẹp. Cộng với mặt nước hồ trong đó soi xuống - nhiều khi luồng ánh sáng chiếu xuống mặt nước trông như là ở ngoài trời, như một cánh buồm ánh sáng soi xuống bóng nước long lanh…”

…và những « dòng sông ngọc »

“Ngoài những cái rất lớn, rất vĩ đại và đặc biệt như thế, trong hang Sơn Đoòng lại còn có những thực thể, hay đúng ra là những thành tạo địa chất rất nhỏ, rất mỏng manh và dễ bị phá hủy.

Ví dụ những cái người ta gọi là ngọc động, thực chất là những thạch nhũ bằng cacbonat canxi, được gắn kết hay đúng hơn là kết tủa xung quanh những nhân kết tinh. Và những nhân kết tinh đó, trong quá trình thành tạo lại được giòng nước chảy qua, cuối cùng là vừa kết tủa vừa lớn lên, xoay tròn, tạo thành những viên giống như hòn bi hay quả trứng…nói chung là có cấu tạo đồng tâm.

Chính vì thế nó tạo nên cả một thế giới của những viên ngọc động trong hang Sơn Đoòng này, nhiều tới mức khó thể biết là bao nhiêu. Cả hàng triệu viên, nằm trong những ngăn, mà những ngăn này cũng làm bằng chất cacbonat canxi, tức là chất đá vôi. Những ngăn đó rất là mỏng mảnh, nhưng cũng tạo thành hàng vạn, hàng triệu ngăn như vậy. Trong những ngăn đó lại đựng những viên ngọc động.

Do vậy mà chúng tôi gọi là những cánh đồng chứa ngọc. Nhiều người còn ví von như những dòng sông ngọc. Đó là những thành tạo ở những nơi khác đôi khi cũng có thể thấy, nhưng thấy một cách riêng lẻ, hoặc ít, hoặc không đẹp. Nhưng trong động Sơn Đoòng thì nó tạo thành một thế giới ngọc động lung linh rất đẹp, dưới góc độ của các nhà quay phim, nhiếp ảnh, người ta làm nên được những bức ảnh về ngọc động trong hang Sơn Đoòng, mà ai cũng muốn được một lần trong đời có thể nhìn thấy nó.

Hoặc những thành tạo được gọi là phitokarst hay biokarst, cũng là những thành tạo do đá vôi hình thành nên, nhưng dưới tác dụng của những loại sinh vật như nấm, tảo…Những nấm, tảo đó, ví dụ như tảo lại cần ánh sáng. Chính những luồng ánh sáng từ những hố sụp – lúc nãy tôi có nói đến hai cái – ánh sáng xuyên vào trong động, tác động của nó làm cho tảo phát triển trên bề mặt của đá vôi.

Và khi tảo phát triển, nó tiết ra một thứ axit có tác dụng ăn mòn đá vôi, nhưng đó là ăn mòn sâu theo hướng đối diện với tia sáng. Có nghĩa là, chỗ nào tia sáng chiếu vào thì nó khoét sâu theo hướng sáng đó, cuối cùng tạo thành những cấu tạo như những bó que. Rất nhiều bó que chĩa thẳng về phía ánh sáng, tạo nên một thứ mà ở ngoài đời không bao giờ có được. Ở Việt Nam tôi chưa thấy ở đâu có phitokart.

Còn một thành tạo kiểu khác là biokarst. Đấy là do những loại nấm hoặc vi khuẩn, cũng sống bám và tạo nên những chất bài tiết trên bề mặt của trầm tích cacbonat, bảo vệ cho trầm tích đó khỏi bị phá hủy. Ở bên trên, những giọt nước có thể chảy xuống, nhưng gặp chỗ nào có những sản phẩm do tảo, nấm tạo nên thì được giữ lại. Còn những chỗ xung quanh thì bị bào mòn theo chiều thẳng đứng xuống, cuối cùng tạo thành những cột.

Những cột đá đó có thể lớn hoặc nhỏ, nhưng tạo thành những quần tụ, nếu nhìn xa trông như một cánh rừng thẳng tắp gồm những cây có khi màu trắng tinh, rất độc đáo ! Những thành tạo này tôi đặt tên là biokarst. Tôi không biết trên thế giới có nơi nào có như thế không, tôi chưa được trông thấy, nhưng ở Việt Nam chắc chắn chưa có ở đâu có cả. Đó là những thành tạo rất nhỏ và rất độc đáo có trong động Sơn Đoòng. Những nơi khác tôi thấy có rất ít và kích thước nhỏ, nhưng trong động Sơn Đoòng này những viên ngọc động cũng rất lớn có viên thậm chí nặng tới một, hai ký.

Có rất nhiều những thành tạo to như thác, gọi là những thác thạch nhũ cao tới 80 mét, thậm chí vượt qua nó là cả một hành trình cực kỳ gian nan. Tôi đã cố gắng vượt qua được bức tường đó. Các nhà Hang động Hoàng gia Anh thì người ta đặt tên nó là Bức tường lớn của Việt Nam (Great Wall of Vietnam). Chính vì thế mà vượt qua nó rồi thì bắt đầu đi sang cửa sau chỉ còn khoảng 200 mét nữa, từ đó bắt đầu đi ra dễ dàng hơn. Nhưng để vượt qua bức tường đó thì không phải là chuyện đơn giản”.

Thế giới sinh vật và vật hóa thạch độc đáo

Một điểm độc đáo khác nữa là thế giới sinh vật trong hang Sơn Đoòng. Có nhiều loại sinh vật sống tại đây, chúng có những đặc điểm không giống ở bất cứ nơi nào khác vì phải thích ứng với môi trường. Bên cạnh đó là những chứng nhân của quá khứ : các hóa thạch động vật có xương sống, các quần thể san hô bốn tia màu trắng nổi bật trên nền đá vôi đen 300 triệu năm tuổi…rất thú vị đối với những nhà cổ sinh vật học.

“Độc đáo khác nữa là trong động Sơn Đoòng còn có những loại sinh vật rất nhỏ, sống trong bóng tối triền miên, những chỗ không hề có ánh sáng vào bao giờ. Nhưng dưới ánh sáng đèn pin hay ánh sáng dưới mũ những người đi thám hiểm hang động, có thể nhìn thấy những con vật thuộc bộ không cánh hoặc phụ ngành nhiều chân - lớp chân khớp chẳng hạn - bò trên mặt đất. Đất ấy chắc chắn có mùn, và mùn đó là do dòng nước có thể chảy qua, mang từ những nơi khác đến, đưa vào trong hang động. Chính vì có một chút thức ăn gì đó, mà những con vật này có thể sống được trong bóng tối.

Còn có những con nhện hay con gì đó thuộc ngành chân khớp khác nữa, chúng tôi cũng chưa thể biết tên hết được. Hoặc là đối với những động vật có xương sống, thì trong này chúng tôi thấy có một loại cá màu trắng tinh - chỉ dài cỡ vài centimet, bơi trong những hốc nước, sống trong bóng tối triền miên, do vậy mà chúng trắng muốt như cá ngân. Một số động vật như thế chúng tôi có thể thấy được.

Những thứ đó làm nên điều kỳ diệu về sự sống và thành tạo trong hang động. Ngoài ra, về sự sống của quá khứ thì trong này cũng có những hóa thạch, ví dụ như hóa thạch hội biển, hóa thạch san hô bốn tia thì có vô vàn.

Thí dụ xung quanh hố sụp thứ nhất, có một ngách đi sâu vào trong một túi nhỏ. Trên trần và vách của ngách hang đó có rất, rất nhiều hóa thạch san hô bốn tia chi chít xung quanh. Tôi chưa thấy ở đâu bên ngoài đời này chỗ nào có nhiều hóa thạch bốn tia như thế. Không những nhiều mà lại còn to và trông rất rõ ràng, bởi vì nó màu trắng, thể hiện lên trên màu đen của đá vôi có tuổi cacbon cách đây khoảng 300 triệu năm. Có nghĩa là đá vôi mà hình thành nên động Sơn Đoòng khoét sâu trong tầng đá vôi từng được hình thành dưới đáy biển cách đây khoảng 300 triệu năm.

Đấy là một điều rất là kỳ diệu. Vì đi vào trong hang mà lại gặp những quần thể san hô bốn tia hoặc là hội biển nhiều tới mức như vậy thì tôi chưa thấy ở ngoài đời có những quần tụ lớn và nhiều đến như thế. Có nghĩa là những nhà cổ sinh vật học, những người chuyên nghiên cứu về những sinh vật cổ còn di tích lại ở trong tầng đá, thì họ đều có thể đến đấy nghiên cứu, và có thể xác định được giống loài dựa trên những bức ảnh có thể chụp trực tiếp ở đấy. Còn lấy ra thì hơi khó vì trần hang rất cao, kể cả vách hang. Trông như thế nhưng rất rắn, để đục được ra một con hóa thạch thì không đơn giản tí nào. Mà có lẽ cũng không nên đục, nên để đấy thành di tích cho rất nhiều người có thể đến chiêm ngưỡng về sau.

Ngoài ra hóa thạch của động vật có xương sống - đặc biệt là của thú, động vật có vú, thì có một con hóa thạch thuộc bộ có vuốt, có nghĩa là động vật ăn cỏ. Bây giờ cũng chưa thể xác định chính xác đó là con gì, nhưng theo một người bạn của tôi - tiến sĩ Vũ Thế Long, ông bảo rằng con này chắc chắn hoặc là con nai, hoặc là con dê, vì nó không có đầu nhưng hộp sọ bị biến mất. Chính vì thế mà với bộ xương còn lại tương đối nguyên vẹn, ông cho rằng nó không phải động vật ăn thịt như hổ, báo…

Những người địa phương, đặc biệt là ông Hồ Khanh - người phát hiện ra động Sơn Đoòng này đã cho rằng chắc nó là một con hổ. Và nó trấn ở cửa sau của động Sơn Đoòng để bảo vệ vật linh thiêng của hang. Nhưng qua nghiên cứu sơ bộ của chúng tôi, thì nó là động vật ăn cỏ - cũng là một bộ xương dài cỡ trên một mét. Và với tất cả những xương còn giữ lại trên nền thạch nhũ, và cũng tại quả đồi thạch nhũ nho nhỏ đó, có rất nhiều viên ngọc động nằm rải rác chung quanh, tạo nên một phong cảnh rất độc đáo.

Với những người nghiên cứu về khảo cổ học hoặc cổ sinh vật học như chúng tôi thì thấy rất thú vị. Có thể có những du khách không quan tâm lắm, thì cũng là chuyện bình thường. Nhưng trong con mắt nghề nghiệp của chúng tôi, thì đây là một trong những bộ xương hóa thạch của động vật có vú đẹp nhất của Việt Nam”.

Tuyến du lịch đẳng cấp quốc tế duy nhất tại Việt Nam

Phó giáo sư tiến sĩ Tạ Hòa Phương nói thêm, chính những cảnh quan tráng lệ, tính đa dạng sinh học của hang động có từ 2 đến 5 triệu năm tuổi này, đã làm say mê nhiều khách quốc tế thích du lịch mạo hiểm. Hang Sơn Đoòng hiện là tuyến du lịch đẳng cấp quốc tế duy nhất tại Việt Nam, tuy giá đắt – một tour đến 3.000 đô la, nhưng thậm chí đã bán hết vé cả trong năm 2015. Nếu xây dựng cáp treo đưa nhiều khách đến, biến thành điểm du lịch đại trà, thì môi trường hoang sơ, dễ bị tổn thương này có nguy cơ bị phá vỡ.

“Vì vậy trong năm 2014 này, hãng du lịch Oxalis khai thác du lịch mạo hiểm. Đây là tuyến du lịch mạo hiểm đẳng cấp quốc tế duy nhất của Việt Nam, với cái giá khá cao. Chỉ đi trong vòng 4 đến 6 ngày, giá khoảng 3.000 đô. Đây là một hành trình mà đúng là ở Việt Nam không có nơi nào đặt giá cao như thế nhưng rất nhiều người đăng ký.

Cho tới nay trên 1.000 người đăng ký, và với mức độ của năm 2014 này thì chỉ có khoảng 245 người được vào. Trong năm 2015 chỉ mở ra bán vé trong vài ngày thôi, thì họ cũng đã bán hết vé, khoảng 500. Hiện nay khai thác chỉ ở mức độ như vậy. Nếu khai thác nhiều hơn, có thể sẽ gây ảnh hưởng không tốt đối với môi trường, có thể làm hỏng.

Hiện người ta đang cố gắng làm thế nào giữ được vẻ hoang sơ nguyên vẹn như hàng triệu năm nay nó vốn như thế, không có sự hiện diện của con người. Bây giờ chúng ta đến đấy ồ ạt thì có thể làm cho nó bị phá hủy, từ nhiều nhân tố.

Ví dụ như con người vào thì chắc chắn phải có những hoạt động đi lại, để lại dấu vết, nấu ăn…kể cả hơi thở, mồ hôi, chất thải… đủ mọi thứ đều có thể ảnh hưởng tới môi trường và tác động xấu tới sự hoang sơ vốn có của nó.

Chính vì thế hiện nay rất nhiều người muốn làm sao giữ được, bảo vệ nó, không chỉ cho Quảng Bình, cho Việt Nam mà cho cả thế giới vì rất nhiều người hâm mộ, coi đó là một trong những điểm đến lý thú nhất trên Trái Đất”.

 

Bên trong Sơn Đoòng


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bài về chủ bút

    Tinh hoa nhân loại

      Khoa học

        Văn học

          SÁCH CỦA TÔI