Ngọc long tuyết sơn - Lệ Giang cổ trấn - Đại Lý cổ thành, Tam vị tuyệt phẩm
Ký sự ảnh của Hà Hoàng Kiệm
Ngọc Long tuyết sơn (núi tuyết Ngọc Long):
Ngọc Long tuyết sơn là ngọn núi cao thứ 71 của thế giới nằm ở phía bắc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Ngọc Long tuyết sơn có tất cả 12 đỉnh núi cao trên 5.000m. Đỉnh cao nhất có tên gọi là Phiến Tử Đẩu cao 5.596m. Bên kia núi là vực Hổ Khiêu nổi tiếng thách thức các nhà leo núi muốn chinh phục. Điều đặc biệt ở ngọn núi Ngọc Long là tuyết bao phủ quanh năm, lượn lờ giữa bầu trời mang hơi thở mùa đông lạnh giá. Núi tuyết Ngọc Long còn có tên gọi là núi “Satseto” trong tiếng dân tộc Nạp Tây. Tên gọi này có nghĩa là ngọn sóng toàn những núi đá trắng. Hơn nữa hình dáng của nó trông giống như lưng của một con rồng bạch ngọc đang nằm uốn lượn giữa mây trời, nên người ta gọi núi là Ngọc Long.
Chúng tôi đang ở một ngôi chùa dưới chân núi tuyết. Phía sau chúng tôi là núi tuyết Ngọc Long.
Nếu bạn nào muốn một lần được bước trên tuyết, nằm trên tuyết, nặn các con vật từ đống tuyết xốp thì có thể đến đây. Đừng lo, đã có cáp treo đưa bạn vượt qua các cánh rừng thông để vượt lên độ cao 5000m này. Cáp treo ở đây được chia thành nhiều chặng khác nhau do độ cao được phân thành từng lớp không giống nhau. Một số độ cao khác, du khách có thể tiếp tục di chuyển lên đỉnh núi bằng leo bộ hoặc thuê một chú ngựa. Với việc cáp treo ở độ cao tối đa là 4.500m được công nhận là tuyến cáp treo có độ cao cao nhất Châu Á.
Auto đưa chúng tôi theo những con đường dốc ngoằn ngoèo lên độ cao 3300m. Một thảo nguyên xanh mướt của cỏ, rất rộng lớn và đẹp đến mê hồn mà không ai lại không ghi lại cho mình một vài hình ảnh.
Bình nguyên Vân Sam dọc đường đi lên núi tuyết, những con bò Yak có bộ lông dài như tấm thảm, giống bò của cao nguyên Tây Tạng đang nhởn nhơ gặm cỏ phía xa là đỉnh núi tuyết Ngọc Long.
Từ cabin cáp treo có thể nhìn thấy thôn Ngọc Hồ của người Nạp Tây sinh sống ở độ cao 2.200m. Những mái nhà ngói, nhà bằng đất nện giữa vùng tuyết trắng tạo nên bức tranh đẹp như trong phim truyền hình. Nếu lên núi Ngọc Long bằng ngựa có thể dừng chân ở đây.
Chặng đường tiếp theo, chúng tôi nhìn thấy ngọn Ngọc Long Sơn Tuyết gần hơn với tuyết trắng bao phủ quanh năm, nhưng giữa tuyết phủ trắng xóa là những rừng thông lá nhọn vẫn xanh tươi. Lên tới độ cao 4.800m, chúng tôi nhìn thấy một dòng sông băng chảy từ trên đỉnh núi xuống. Dòng nước trong suốt và lạnh buốt này sẽ chảy qua Lệ Giang cổ trấn ở cách chân núi khoảng 30km, nơi mà chúng tôi sẽ đến sau khi xuống núi.
Trên núi, chúng tôi đi qua một rừng thông tuyết phủ, người ta đã làm các con đường lát gỗ giúp cho mọi người đi lại được dễ dàng, nhưng thỉnh thoảng có những đoạn để trống để du khách được trực tiếp bước trên tuyết. Nếu thích bạn có thể nằm trên tuyết, đùa nghịch cùng tuyết.
Nằm trên tuyết xốp để cảm giác tuyết là gì, bốc một nắm tuyết xốp thử nếm một chút cho tan trong lưỡi để cảm nhận sự thú vị của tuyết.
Đây là tuyết, xốp và mềm, dính lên quần áo nhưng phủi là sạch cứ yên tâm lăn lê thoái mái nhé. Cái dân vùng nhiệt đới chưa bao giờ biết tuyết là gì thì đây là một trải nghiệm thú vị.
Đã có những con đường giúp du khách đi trên ngọn núi tuyết được thuận lợi dễ dàng và không làm ảnh hưởng đến cảnh quan tự nhiên của ngọn núi. Phải nói TQ làm du lịch rất chuyên nghiệp.
Lượng người đến rất đông và người TQ nói rằng khi nào du khách chưa tiêu hết tiền thì chưa muốn rời khỏi TQ, quả đúng như vậy họ rất khéo trong việc khiến người ta sẵn sàng móc túi để chi tiêu, giống như bạn đang thả một nắm cát để góp phần xây dựng nền kinh tế TQ phát triển.
Bên kia núi là khe Hổ Nhảy, một dòng sông chảy giữa hai vách núi dựng đứng mà hổ có thể nhảy từ vách núi nọ sang vách núi kia được, vùng này là thách thức của các nhà leo núi.
Rời khỏi đỉnh núi chúng tôi xuống thăm sông Bạch Thủy dưới chân núi, nơi dòng nước từ băng tuyết của đỉnh núi tan chảy xuống. Dòng sông với những bậc đá đẹp mê hồn cùng những chú bò Tây Tạng với bộ lông dài như tấm áo phủ suốt từ lưng xuống. Nhưng nước sông lạnh buốt, các chú bò có thể bình thản lội qua nhưng bạn đừng cố thử lội xuống nhé.
Những chú bò yak đặc trưng của vùng Tây Tạng đang vượt sông Bạch Thủy dưới chân núi tuyết sơn. Cô gái chăn bò cũng giống như những người dân bản địa chúng tôi gặp trên đường có hai gồ má đỏ rực kèm những vết rạn do tia cực tím ở vùng núi cao quá mạnh.
Tour Guide nói rằng người dân ở vùng này cũng giống như người Tây Tạng (vì nơi này là ở chân Tây Tạng), cả đời ở họ chỉ tắm có 3 lần, đó là khi sinh ra, khi lấy vợ hoặc chồng và khi chết. Chẳng biết thực hư ra sao nhưng khách sạn ở vùng này không thấy có nhà tắm. Khi đứng ở ngoài trời nắng thì phía mặt trời chiếu có cảm rác ấm rát, còn nửa người phía bên kia lại thấy lạnh buốt như mùa đông. Hay thật, thế này thì có bảo mình tắm mình cũng sợ. Vậy thì chắc người họ bẩn lắm, không họ tắm khô bằng cách xoa bỏ ghét, và chính lớp ghét đó giúp cho làn da của họ chống lại tia cực tím rất mạnh ở vùng núi cao này. Vi khuẩn có lẽ cũng khó sinh sản và phát triển trong điều kiện khí hậu ở đây. Máu nghề nghiệp lại nổi lên, tôi lại nảy ra ý định tìm hiểu bản đồ dịch tễ bệnh tật của vùng này. Nhưng rồi cũng phải lên auto để đi tiếp thôi.
Chào Ngọc Long tuyết sơn, di chuyển trên xe auto khoảng 30km chúng tôi tới Lệ Giang cổ trấn, một tuyệt phẩm như tranh vẽ của người xưa.
Lệ Giang cổ trấn (Lijiang Old Town):
Trung Quốc tự hào là nơi lưu giữ được các công trình cổ kính và tráng lệ khó có ở đâu sánh bằng. Trong đó, Lệ Giang cổ trấn ở Côn Minh có lẽ là là một trong hai viên ngọc sáng nhất của đất nước này (viên ngọc kia là Phượng Hoàng Cổ trấn ở tỉnh Hồ Nam. Để tìm hiểu về Phượng Hoàng cổ trấn, mời các bạn đọc bài sau: http://hahoangkiem.com/van-hoc/phuong-hoang-co-tran-thien-mon-son-truong-gia-gioi-chon-bong-lai-tien-canh-3711.html). Trải qua bao thăng trầm lịch sử và bào mòn của thời gian, vùng đất 800 năm tuổi vẫn tràn ngập không gian cổ kính, toát ra từ mỗi một ngôi nhà, con phố, cho đến lối sống của người dân. Lệ Giang còn được biết đến với cái tên Đại nghiên là cổ trấn nằm ở độ cao 2.410m tại cao nguyên Tây Bắc Vân Nam, bao bọc xung quanh là những ngọn núi tuyết phủ quanh năm. Đây là một đô thị cổ hơn 800 năm lịch sử, mang những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Nạp Tây. Những góc phố cổ kính xen kẽ hệ thống kênh đào chằng chịt là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc của người Hán, Bạch và Tây Tạng đã tạo nên nét đặc sắc chỉ riêng Lệ Giang mới có. Lệ Giang nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), sát với Tây Tạng, dưới chân núi Ngọc Long cao 5.596m quanh năm tuyết phủ. Đô thị cổ Lệ Giang là một trong những Di sản Văn hóa thế giới được UNESCO công nhận. Lệ Giang đến giờ vẫn “đặc quánh” không khí cổ kính, toát ra không chỉ từ những ngôi nhà, con phố, dòng kênh mà còn từ phong cách sống của cư dân, đã từng là một thị trấn nghỉ chân trên con đường tơ lụa cổ nổi tiếng. Thành cổ Lệ Giang mang hơi hướng của Tây Tạng nhưng lại có rất nhiều cây cầu bắc trên hệ thống sông Ngọc Hà chảy trong nội thành.Tìm hiểu qua bộ phim Mê Kông ký sự của Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí minh chúng tôi được biết dòng sông Mê Kông mà trước khi đổ ra biển nó chảy qua miền nam Việt Nam với 9 khúc sông được gọi là sông cửu long được bắt nguồn từ hai nhánh Trát khúc và ngang khúc từ Tây tạng đến Vân Nam thì hợp dòng thành Lan Thương giang "con sông cuộn sóng" chảy qua phía đông Lệ Giang cổ trấn. Hoa ra đây là đầu nguồn của con sông Cửu Long.
Phố cổ Lệ Giang, được bình chọn là một trong 2 cổ thành đẹp nhất Trung Quốc, cổ thành kia là Phượng Hoàng cổ trấn. Đây là một thành phố thu hút khách du lịch nhờ cả di sản thiên nhiên lẫn bề dày văn hóa lịch sử lâu đời. Nằm ở độ cao 2.400 mét so với mực nước biển, khí hậu Lệ Giang quanh năm mát mẻ nhưng mưa nắng cũng rất thất thường. Đô thị cổ Lệ Giang được xây dựng dọc theo các dãy núi và dòng sông. Nhờ kết quả của sự hòa trộn nét văn hóa và sự phát triển của dân tộc Nạp Tây. Kiến trúc những tòa nhà là sự kết hợp chặt chẽ kiến trúc của người Hán, Bai và Tây Tạng. Người Nạp Tây đã rất kỳ công để trang trí nhà cửa và phương tiện đi lại tạo nên sự gần gũi giữa con người và thiên nhiên, hoa và cây cảnh được trồng rất nhiều trên đường phố. Một con sông nhỏ với dòng nước trong vắt từ núi tuyết Ngọc Long chảy qua giữa phổ cổ với hai bên là những căn nhà cổ của người Nạp Tây lung linh đèn lồng, bây giờ trở thành những nhà hàng và những khách sạn cho khách du lịch và những cây cầu bắc qua suối, từng đàn cá vàng bơi tung tăng như những kiệt tác tranh phong cảnh cổ.
Thành phố này có hàng cây 350 tuổi và những kiến trúc từ thời Minh. Hệ thống kênh đào chằng chịt trong thành phổ giống như “Venice” của phương Đông hay “Tô Châu” trên cao nguyên, nhưng có điều khác biệt là với dòng nước trong vắt và từng đàn cá bơi lội tung tăng giống như trong một bể cá cảnh vậy.
Trong thành phố có rất nhiều kênh đào và các dòng suối nước trong vắt chảy qua khu vực dân cư, từng đàn cá bơi lội tung tăng dưới dòng nước. Hai bên bờ là những dàn hoa và hàng liễu rủ dọc theo những con kênh đào làm thành phố giống như một bức tranh thủy mặc đẹp đến mê hồn.
Công viên Hắc Long Đàm, trước kia nơi đây được gọi là miếu Long Vương, xây dựng năm 1737, năm Càn Long thứ 2. Công viên nằm ở phía Bắc của cổ thành Lệ Giang, đi bộ khoảng 1km từ quảng trường Ngọc Hà men theo sông sẽ tới được đây. Trong công viên có một số công trình kiến trúc từ thời nhà Thanh như: Long Thần Từ, Đắc Nguyệt Lâu, Cầu Tỏa Thúy, Ngọc Hoàng Các, Ngũ Phong Lâu. Công viên này nổi tiếng nhất là cảnh núi tuyết Ngọc Long đổ bóng xuống hồ. Phía bắc của công viên là Bảo tàng Văn hóa Đông Ba Lệ Giang được xây dựng năm 1984, đây là nơi nghiên cứu và lưu trữ các hiện vật của văn hóa Đông Ba.
Ấn tượng Lệ Giang, chương trình “Impression Lijiang - Ấn Tượng Lệ Giang” do đạo diễn Trương Nghệ Mưu dàn dựng. Một vở nhạc kịch được biểu diễn ngoài trời, trên độ cao hơn 3.000m, với cảnh nền sân khấu chính là bầu trời và dãy núi Ngọc Long, thật khó tưởng tượng nếu không một lần chứng kiến. Đây là màn trình diễn hoành tráng với sự tham gia của 500 vũ công và 200 ngựa giữa sân khấu đá dựng ngoài trời ở độ cao hơn 3000m so với mực nước biển, lấy phông nền trực tiếp chính là đỉnh núi tuyết Ngọc Long, tái hiện lại cuộc sống cũng như những nét lịch sử văn hóa độc đáo của người Lệ Giang. Đạo diễn của ‘Impression Lijiang’ cũng là cha đẻ của rất nhiều tác phẩm nổi tiếng của Trung Quốc.
Mộc Phủ Thiên Vương (Mu’s Residence), một công trình lịch sử văn hóa tiêu biểu được ví như “Tử Cấm Thành phương Nam” ở thành phố Lệ Giang. Trước cổng, dòng nước chảy từ hướng bắc xuống được bắc ngang bởi cây cầu đá rộng không có thành. Đối diện bình phong ngoài là tòa cổng thành bằng đá. Xưa kia tòa cổng thành này là công trình kỳ vĩ nhất đất Lệ Giang, làm bằng đá ngọc trắng. Nơi đây đã có lịch sử gần 500 năm tuổi, trước kia là vương phủ của Mộc gia – thủ lĩnh thị tộc lớn nhất Lệ Giang. Mộc Phủ có tổng chiều dài gần 400m với cấu trúc Nội công Ngoại quốc cực kỳ chặt chẽ. Mộc phủ gồm 162 gian nhà nhỏ phân thành 5 khu: tiền điện, chính điện, hậu điện, nhà hội đồng, nhà thờ tổ và hai dãy hành lang bao xung quanh. Mỗi một gian điện đều nguy nga rộng lớn, xây theo lối chồng diêm 2 tầng 8 mái, riêng chính điện 12 mái, các mái đều như đầu đao uốn cong cách điệu, chạm trổ màu sắc theo phong cách cao nguyên bắt mắt.
Vạn Cổ Lầu (Wangu Pavilion), Vạn Cổ Lầu nằm trên đỉnh công viên Đồi Sư Tử cũng là nơi cao nhất Lệ Giang. Lên đến Vạn Cổ Lầu có thể thu toàn cảnh Lệ Giang cổ trấn và Ngọc Long Tuyết Sơn trong tầm mắt. Thiết kế của Vạn Cổ Lầu cũng rất đặc sắc với 5 tầng cao 33 m được xây dựng trên 16 chiếc cột, xung quanh có 4 cặp sư tử ở 4 mặt lầu cùng các bức tường được chạm khắc với hàng nghìn con rồng.
Lam Nguyệt Đàm (Blue Moon Valley), đây là nơi sở hữu khung cảnh tuyệt đẹp nằm ngay dưới chân núi Ngọc Long, được chia làm 4 hồ: Ngọc Dịch, Kính Đàm, Lam Nguyệt và Thính Đào. Cái tên Lam Nguyệt Đàm hay thung lũng trăng xanh là do vào ngày nắng, nước ở đây sẽ chuyển sang màu xanh ngọc bích đặc trưng do trong nước có chứa đồng. Ngoài ra khi trời mưa, bùn trắng và đá vôi ở lòng sông sẽ bị xoáy lên, làm cho nước có màu trắng như sữa nên người địa phương còn gọi là sông Baishui (sông nước trắng).
Nhìn từ trên cao xuống, toàn bộ thung lũng có hình giống như một vầng trăng khuyết. Các hồ tạo thành một tấm gương tự nhiên phản chiếu hình ảnh của ngọn núi tuyết lớn cùng với khung cảnh xanh mát xung quanh.
Làng Bạch Sa (Baisha village), chính là Bạch Sa cổ trấn xưa, vốn là kinh đô cũ của vương quốc Nạp Tây. Trước kia, khi họ mới di cư đến vùng này, theo thời gian thi nơi này cũng đã bị mai một đi nhiều. Ở làng Bạch Sa mọi ưu phiền cuộc sống được gác sang một bên nhường chỗ cho sự thanh bình, nhẹ nhàng, đây là cơ hội để tìm hiểu thêm về cuộc sống hàng ngày của con người nơi đây.
Rời Lệ Giang cổ trấn chúng tôi về thành cổ Đại Lý nơi bắt nguồn của cuốn tiểu thuyết đã được dựng thành phim Thiên Long Bát Bộ của tác giả Kim Dung.
Đại Lý cổ thành:
Những ai yêu thích Kim Dung, hẳn đã đọc thiên tiểu thuyết Thiên Long Bát Bộ, tác phẩm vĩ đại nhất của ông và chắc chắn đều nhớ nhân vật Đoàn Dự, một trong ba nhân vật chính của tác phẩm này. Đoàn Dự là vị vua thứ 16 của Vương quốc Đại Lý và là vị quân chủ Đại Lý trị vì lâu nhất trong 39 năm. Sau khi thoái vị, ông xuất gia đi tu. Như vậy, nhân vật Đoàn Dự trong Thiên Long Bát bộ được xây dựng dựa trên nhân vật lịch sử của vương triều Đại Lý, tuy nhiên cuộc đời và tính cách đã được “tiểu thuyết hóa”. Vương quốc Đại lý xưa đã kết thúc khi đế chế Mông Cổ xâm chiếm năm 1253, tuy nhiên trong hơn 300 năm lập đô tại thành cổ Đại Lý, vương triều dòng họ Đoàn đã xây dựng được một kinh đô có văn hóa và lịch sử phát triển.
Thành Đại Lý tựa lưng vào Thương Sơn để nhìn về phía hồ Nhĩ Hải từng có tên Diệp Du thành hoặc Tử thành. Kinh đô của dòng họ Đoàn này có từ những năm 937 cho đến năm 1253 với vị vua sáng lập là Đoàn Tư Bình. Vào năm 1253, vương quốc nhỏ bé này bị đế chế Mông Cổ xâm chiếm và trở thành một thành phố của Vân Nam như ngày nay. Bức tường thành nhỏ bé này không hề bị tàn phá trong rất nhiều năm, đem lại nhiều câu chuyện kì bí về dòng họ Đoàn đằng sau cổng thành.
Đại Lý là một quốc gia theo Phật giáo Mật Tông. Từ vua đến dân đều xuất gia. Trong hai mươi hai đời vua của mình thì có đến mười vị vua bỏ ngôi đi tu như Đoàn Chính Thuần, Đoàn Chính Hưng.
Các trục đường chính vuông góc với bốn cổng thành và từ đó tỏa ra các ngõ nhỏ vuông vức. Kiến trúc nhà ống với những chiếc cổng và những con đường được lát hoàn toàn bằng đá hoa cương xanh là điểm nhấn trong du lịch tại cổ thành này.
Có đoạn thành có những con suối nhỏ trong vắt bắt nguồn từ dãy Thương Sơn chảy ngang những con phố hình thành nên một khu phố được gọi là Phố Suối Reo. Phần bên trong của đoạn thành là những quán hàng lưu niệm đan xen. Phố cổ ban đêm cũng là điểm thu hút du khách - tại đây có hệ thống khách sạn dành cho du khách nghỉ lại đêm tại cổ thành.
Điểm cao nhất để ngắm nhìn được toàn cảnh là núi Thương Sơn. Dãy núi này cách thành cổ chưa đầy 1km và từ đó có cáp treo đưa lên tận đỉnh núi. Từ đây, phóng tầm mắt tớ hồ Nhĩ Hải, hồ nước ngọt lớn thứ ba Trung Quốc và có hình giống tai người. Ngay cổng vào của cáp là bản khắc dòng chữ đề tựa của nhà văn Kim Dung trên nền đá tím.
Thành cổ Đại Lý, hay còn gọi là Tử Cẩm Thành Đại Lý được xây dựng thời kỳ Vương quốc Đại Lý (937-1253) đã bị đốt cháy trong chiến tranh với nhà Nguyên, thành cổ còn lại tới hiện nay được xây dựng năm 1382, đời nhà Minh, có tường thành cao 7,6 m rộng 6 m, chu vi 12 dặm.
Các trục đường chính vuông góc với bốn cổng thành. Toàn bộ đường trong thành đều được lát bằng đá hoa cương xanh, hai bên là những căn nhà từ thế kỷ XIV còn nguyên vẹn. Con suối nhỏ chảy ra từ núi Thương Sơn, được dẫn qua thành cổ bằng hệ thống dẫn nước rất sạch và quy củ. Những tia nắng mùa đông xua tan cái lạnh vùng núi, chiếu sáng lầu văn dưới hàng liễu rủ, nơi những người dân Đại Lý đang say sưa chơi những nhạc cụ dân tộc và những bài hát truyền thống.
Vẫn còn một số nhà hàng, nơi có thể ngồi ăn như những người “ngày xưa” trên những chiếc ghế tết bằng cói, đặt trên nền cỏ khô, nhưng tiếc là không gian của nhà hàng lại hơi “hiện đại” quá, không gợi được không khí cổ xưa.
Những ngôi chùa Phật giáo cổ ở Đại Lý đều được bảo vệ cẩn thận là do Đại Lý là một quốc gia theo Phật giáo Mật tông. Từ vua đến dân đều xuất gia. Trong hai mươi hai đời vua của mình thì có đến mười vị vua bỏ ngôi đi tu như Đoàn Chính Thuần, Đoàn Chính Hưng, Đoàn Dự…
Con sông Lan Thương, đầu nguồn của sông Mê Kông cũng từ Lệ Giang cổ trấn chạy qua Đại Lý về phía đông để qua Mianma, Lào, Căm Pu Chia rồi qua miền nam Việt Nam để đổ ra biển đông bằng 9 nhánh sông (Sông Cửu Long), trong đó Sông Tiền và sông Hậu là hai nhánh lớn nhất.
Tam tháp Đại Lý, cách thành 1 km về phía Bắc bên hồ Nhĩ Hải là một công trình kiến trúc cổ rất đặc sắc. Tam Tháp được xây dựng bằng gạch và phủ bùn trắng. Đó là Ba bảo tháp độc lập tạo thành một tam giác cân đối xứng. Phong cách trang nhã, cân bằng và uy nghi là duy nhất trong kiến trúc cổ xưa của Trung Quốc. Được xây dựng từ đầu TK thứ IX, thời nhà Đường. Tháp chính, được gọi là Tháp Thiên Thuần được xây dựng cao 69,6 mét và là một trong những tháp cao nhất trong lịch sử Trung Quốc. Tháp chính có đáy hình vuông và mười sáu tầng; mỗi tầng lại có mái lật lên trên. Bức tượng Phật ngồi bằng đá cẩm thạch trắng được chạm khắc ở giữa mặt tiền của mỗi tầng. Thân của tháp được xây rỗng từ tầng đầu tiên đến tầng thứ tám, bao quanh với bức tường dày 3,3m, bên trong lưu giữ các bức tượng và tài liệu cổ.
Năm 1978, hơn 700 đồ cổ của Phật giáo, bao gồm các tác phẩm điêu khắc bằng vàng, bạc, gỗ hoặc đá và các tài liệu đã được tìm thấy trong các gian điện của tháp chính khi tiến hành sửa chữa lớn. Những người thợ thiết kế và xây dựng tháp được cho là đến từ Trường An (Tây An ngày nay), kinh đô nhà Đường vào thời điểm đó. Hai ngôi tháp kia, được xây dựng khoảng một trăm năm sau, đứng về phía tây bắc và phía tây nam của tháp Qianxun. Chúng cao 42,19 mét. Khác với tháp Qianxun, đáy hai tháp có hình bát giác với mười tầng. Mặt tiền các tầng của hai tháp này cũng được chạm khắc tượng Phật. Đã từng có 30 lần động đất nhỏ và hai trận động đất lớn xảy ra ở đây, năm 1515 và 1925 chỉ còn sót lại khoảng một trăm ngôi nhà cổ, trong đó có Tam Tháp. Tam Tháp được xây dựng để trấn áp những con thủy quái, con vật được cho là đã sống trong khu đầm lầy Đại Lý và không muốn cho con người đến đây sinh sống. Tam Tháp đã tồn tại hơn một nghìn năm, trải qua những cuộc chiến, thiên tai… Ngôi chùa Sùng Thánh đã từng là đền thờ hoàng gia của Vương quốc Đại Lý. Chùa được xây dựng lần đầu cùng với Tháp chính Thiên Thuần, nhưng bị hỏa hoạn phá hủy trong thời nhà Thanh. Ngôi đền được xây dựng lại vào năm 2005 với tổng diện tích hơn 1.000 mẫu, nằm trên một trục chính dài 2 km.
Chùa Sùng Thánh chính được xây dựng vào khoảng nửa sau của thế kỷ thứ 9. Trong quá trình sửa chữa vào năm 1979, ba tấm đồng đã được tìm thấy ở dưới đáy của ngôi mộ, ghi lại những năm chính xác của những sửa chữa trước đó, đó là 1000, 1142 và 1145.
Chùa Sùng Thánh là nơi xuất gia tu hành của các vị vua vương triều Đại Lý. Đây cũng chính là chùa Thiên Long, nơi công tử Đoàn Dự vô tình học được Lục mạch thần kiếm trong truyện Thiên Long bát bộ.
Phim trường Thiên Long Bát Bộ, thuộc phía Tây Bắc thành Đại Lý. Đó là công trình được xây dựng mô phỏng theo kiến trúc thời nhà Tống, có hoàng cung, vương phủ uy nghi, phố xá, tửu lầu, nhà cửa, mái lợp ngói âm.
Mỗi ngày hai buổi, phim trường lại tổ chức các buổi trình diễn, làm sống lại phim trường. Cảnh đội quân đứng trước cổng thành, dẹp đường để Vua và Hoàng hậu ra nghênh đón khách… “du lịch”.
Đây chính là nơi xây dựng phim trường để quay bộ phim Thiên Long Bát Bộ năm 2003-2006 của đạo diễn Trương Kỷ Trung.
Phim trường rộng 700 mẫu, và đã chi phí khoảng 12 tỷ nhân dân tệ (tương đương gần 2 triệu Đô la Mỹ) để xây dựng. Phim trường gồm nhiều hạng mục dùng để quay các cảnh phim, công trình chính là bức tường thành mô phỏng theo khuôn mẫu của thành cổ Đại Lý.
Sau khi thành công với Thiên Long Bát bộ, phim trường còn được dùng để tiếp tục sản xuất các bộ phim truyền hình như Công chúa Đại Lý, Trà Mã Cổ Đạo và nhiều bộ phim khác.
Một nhóm mãi võ và biểu diễn trên đường phố thời nhà Tống.
Đây là ngày lễ kén rể, cô tiểu thư nhà giàu sẽ tung quả còn từ trên lầu son xuống đất, chàng trai may mắn nào nhận được quả còn của cô sẽ trở thành chàng rể “chuột sa chĩnh gạo”.
Hãy nhìn những khuôn mặt này của du khách mới thấy sức hấp dẫn của trò “may rủi tìm chồng” này. Đây là phim trường mà còn thế này thì kén chồng thật cho con gái nhà giàu thì sẽ khủng khiếp đến mức nào!
Cuối cùng thì cũng có một người may mắn. Đáng tiếc là chàng rể lại là người ngoại quốc, nên khi bố vợ hỏi tên tuổi…chẳng hiểu gì cứ ú ớ…chỉ cúi đầu cười tủm! Bố vợ tương lai tưởng chàng bị thiểu năng!
Ở một góc chợ, có các nhóm biểu diễn các trò chơi và văn hóa dân gian. Ai cũng có thể thử tài với những cung tên và nhiều trò khác nữa.
Đại Lý sẽ đưa khách tham quan trở về thời gian của nó với tất cả những gì đã có từ cổ xưa như Tam Tháp, chùa Sùng Thánh hay thành cổ Đại Lý và cả những gì mới được xây dựng như phim trường. Bạn sẽ hiểu hơn về bối cảnh Thiên Long Bát Bộ và thấy được những gì Kim Dung mô tả không hoàn toàn tưởng tượng mà có thật!
Ở đây bạn cũng có thể đặt cho mình một video cưỡi thảm bay, bay trên núi đồi, sông suối và các làng mạc thành phố trên nền nhạc du dương trầm bổng. Bấm vào link dưới đây nhé.
https://www.youtube.com/watch?v=HYJKtpJkTw8