Phượng Hoàng Cổ Trấn - Thiên Môn Sơn - Trương Gia Giới.

Cập nhật: 22/05/2019 Lượt xem: 6353

Phượng Hoàng Cổ Trấn - Thiên Môn Sơn - Trương Gia Giới, chốn bồng lai tiên cảnh

 

Ký sự ảnh của Hà Hoàng Kiệm

Tôi rất thích thú khi tự tay chụp được được các bức ảnh về con đường 99 khúc quanh, 99 bậc lên cổng trời và con đường Skywalk vắt ngang qua vách đá dựng đứng cao hàng trăm mét, Ngọn núi Hallelujah “Cột trụ trời Nam” được đạo diễn lừng danh Hollywood James Cameron lấy làm nguyên bản trong siêu phẩm điện ảnh Avatar. Đứng trên mê hồn đài ngắm nhìn toàn bộ cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ nhất của Viên Gia Giới với hơn 300 cột đá cao hàng trăm mét trong Viên Gia Giới là cảm hứng cho những cột đá lơ lửng gữa mây trong phim Avartar hay đến thăm Lão Tôn ở Hoa quả Sơn bên bờ Hồ Bảo Phong. Các địa danh này đều tập trung ở một huyện của tỉnh Hồ Nam Trung Quốc đó là Trương Gia Giới. Trương Gia Giới nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc (Gọi là Hồ Nam vì tỉnh nằm ở phía nam hồ Động Đình, còn tỉnh Hồ Bắc nằm ở phía bắc hồ Động Đình). Đây là khu vực giữa phần nhô lên của vùng cao nguyên hai tỉnh Vân Nam, Quý Châu và vùng trũng xuống của hồ Động Đình. Chính điều này đã góp phần tạo nên cảnh đẹp thần tiên, từ núi non, sông nước hữu tình đến những thung lũng nên thơ, khu rừng nguyên sinh hoang dã. Đặc biệt, với rừng đá sa thạch hùng vĩ, nơi đây còn được mệnh danh là “Pandora* trên trái đất”. Miêu Vương Thành (thành của vua Miêu) hay Phù Dung Trấn là một trong 10 điểm hấp dẫn nhất Quý Châu, mang đậm bản sắc của dân tộc Miêu. Nơi này còn là chốn thế ngoại đào nguyên, nên thơ trữ tình,  với những người dân chất phác thuần hậu, cuộc sống bình dị giản đơn, được tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Miêu.

  

Vậy thì phải lên đường thôi. Thế là ngày 10.5.2019, chúng tôi đi xe auto từ Hà Nội lên Lạng sơn, qua Hữu Nghị Quan rồi đi theo đường cao tốc tới Nam Ning. Lên tàu hỏa ở ga Nam Ning, tỉnh Quảng Tây, TQ. Đây là ga tàu của một tỉnh tự trị miền núi Trung Quốc mà chúng tôi có cảm tưởng như một nhà ga sân bay. Khi tàu chuyển bánh, điều không giống ở Việt Nam là con tàu chạy rất êm không thấy lắc ngang hay nhún bồng bềnh như tàu ở Việt Nam, chúng tôi có thể kê giấy lên bàn mà viết bình thường khi tàu đang chạy với tốc độ 90km/h, việc đi lại cũng khá thoái mái vì không phải xoạc hai chân ra để đỡ bị tàu lắc ngã như ở Việt Nam. Cũng không nghe thấy tiếng rít của bánh sắt trên đường ray và những tiếng va lịch kịch chói tai giữa bánh sắt và các điểm nối ray như tàu của Việt Nam. Giờ đi và đến các ga khá chính xác chỉ chênh lệch so với lịch trình không quá 5 phút. Quả thật với một phương tiện công cộng như vậy nên thu hút được rất đông hành khách, tuy không phải ngày cao điểm đi lại nhưng các gường và ghế ngồi đều lấp kín khách. Đường sắt Trung Quốc là đường đôi, hai tàu không phải chờ để tránh nhau như tàu ở Việt Nam nên giờ giấc có thể duy trì chính xác. Đường ray 1,4m cũng tạo cho con tàu chạy ổn định và trật tự giao thông được duy trì nghiêm ngặt đã giúp cho việc đi lại được trôi chảy. Sau chuyến hành trình bằng tàu hỏa kéo dài 16h qua hơn 900km, chúng tôi xuống ga Trương Gia Giới. Ngay phía trên ga đã thấy các cabin cáp treo lướt qua đều đặn, đó chính là cáp treo được nói là dài nhất và cao nhất thế giới đưa du khách lên đỉnh núi Thiên Môn Sơn cao 1200m. Chúng tôi cũng sắp sửa được ngồi trên tuyến cáp treo này. Nhưng lên cáp treo là kế hoạch của ngày hôm sau. Hôm nay chúng tôi thăm Phù Dung cổ trấn rồi di chuyển tới Phượng Hoàng cổ trấn để được ngắm nhìn chốn bồng lai tiên cảnh này cả ban đêm và ban ngày.

(*) Trong thần thoại Hy Lạp: Pandora là người đàn bà vô cùng xinh đẹp, thanh tú và kiều diễm. Cô có tiếng nói thánh thót như chim, sức sống bừng bừng, rạo rực như hơi thở hừng hực của lửa nóng ở lò rèn. Thân hình cô mềm mại như một làn sóng biển, uyển chuyển như một giống cây leo, sáng ngời như ánh trăng rằm, long lanh như những hạt sương chưa tan buổi sớm. Pandora xinh đẹp tuyệt vời, trí tuệ và quyến rũ đã ra đời như một sự trừng phạt loài người vì sự đánh cắp lửa của Prometheus. Cô được gửi xuống chung sống cùng Epimetheus, em trai Prometheus dưới trần gian, cùng với một chiếc bình đậy kín. Thuần túy do tính tò mò, một ngày Pandora đã mở chiếc bình và từ trong bình tất cả các tai họa và những điều xấu xa bay ra và lan tràn mặt đất. Pandora vội đậy bình lại và chỉ còn lại Hy Vọng nằm lại ở đáy bình với con người. Theo Hesiod, đây là nguồn gốc của mọi tai ương trên đời.

Phù Dung cổ Trấn: là thị trấn cổ hơn 2000 năm tuổi được mệnh danh “Thị trấn treo trên thác nước”. Khi đặt chân lên địa phận thị trấn cổ Phù Dung, nguồn gốc dân tộc Miêu là ở nơi đây, được chứng kiến một thác nước tuyệt đẹp, khiến chúng tôi có cảm nhận như thác Pren của Đà Lạt xưa. Trụ đồng Khê Châu cao gần 4 mét, gồm 8 cạnh, nặng 2 tấn rưỡi, trên khắc hơn 2500 chữ ghi lại giai đoạn lịch sử của dân tộc Thổ Gia trong Viện bảo tàng phong tục tập quán dân tộc Tương Tây là văn vật trọng điểm bảo tồn đợt đầu cấp quốc gia do Quốc vụ viện công bố. Tại đây, chúng tôi cảm nhận được nền văn hóa dân tộc của người Thổ Gia, xem biểu diễn múa Mao-cu-sư, một hình thức múa rất cổ xưa của người Thổ Gia gồm các nội dung săn bắt, cày cấy, sinh hoạt... của tổ tiên người Thổ Gia.

  

  

  

 

Phố cổ của người Miêu và Thác nước ở Phù Dung cổ trấn. Nơi đây được coi là nơi gốc tích của người Miêu với một lịch sử bi thương và cuối cùng bị đẩy lên cư ngụ ở các vùng núi cao rải rác ở nhiều nơi không khác gì dân tộc Do Thái.

 

Khi đến vùng này các bạn đừng quên thưởng thức món bánh tép nhảy (tép hay còn được gọi là tôm riu được đánh bắt từ Đà Giang còn tươi đang nhảy trong chậu được trộn với bột và rán thành bánh) và quả xâm có người còn gọi là quả thanh long núi.

Rời Phù Dung cổ trấn chúng tôi tới Phượng Hoàng cổ trấn với con sông Đà Giang huyền thoại trong cuốn tiểu thuyết “Biên Thành của Thẩm Tùng Văn về đêm thật lung linh huyền ảo.

Phượng Hoàng Trấn: được mệnh danh là ngôi làng cổ đẹp nhất thế gian với lịch sử hơn 1300 tuổi.

Trung Quốc tự hào là nơi lưu giữ được các công trình cổ kính và tráng lệ khó có ở đâu sánh bằng. Trong đó, Phượng Hoàng Cổ trấn ở tỉnh Hồ Nam có lẽ là là một trong hai viên ngọc sáng nhất của đất nước này (viên ngọc kia là Lệ Giang cổ trấn ở tỉnh Vân Nam. Để tìm hiểu về Lệ Giang cổ trấn, mời các bạn đọc bài sauhttp://hahoangkiem.com/van-hoc/ngoc-long-tuyet-son-le-giang-co-tran-dai-ly-co-thanh-tam-vi-tuyet-pham-3712.html).

Phượng Hoàng cổ trấn thuộc địa phận huyện Phượng Hoàng, châu tự trị người Thổ Gia, người Miêu Tương Tây ở phía Tây tỉnh Hồ Nam, cách Trương Gia Giới khoảng 280km, cách Hoài Hóa 92km và Cát Thủ khoảng 53km.

  

 

 

 

 Sông Đà Giang:  là con sông chảy qua cổ trấn. Mỗi mùa, con sông Đà Giang đều khoác lên mình một "tấm áo" riêng biệt. Mùa xuân, những chồi non hé nở soi bóng xuống làn nước trong xanh, dòng sông như nàng công chúa vừa thức giấc sau giấc ngủ đông dài. Mùa hạ mặt sông rực rỡ với những tia nắng lấp lánh như dát vàng. Mùa thu dòng Đà Giang như một nàng thiếu nữ dịu dàng xinh đẹp. Mùa đông dòng sông huyền ảo hơn bao giờ hết với màn sương mù bảng lảng. Hai bờ sông là các ngôi nhà cổ như treo trên vách núi soi bóng xuống dòng sông lung linh huyền ảo như chốn bồng lai.

Con sông là gốc tích thiên tiểu thuyết “Biên Thành của Thẩm Tùng Văn (đã có bản dịch tiếng Việt). Nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết là một ông lão và cô cháu gái, Cốt truyện luôn được giới phê bình nhấn mạnh: nó làm ta suy nghĩ tới một bức tranh Trung Hoa cổ điển, và mời gọi ta trở lại kiếm tìm một thế giới trữ tình đã mất của những ông chài, của đồng nội... Một kiệt tác của một tác giả quan trọng.

Thúy Thúy, cô bé mồ côi sống cùng ông ngoại làm nghề lái đò trên con sông Đà Giang đã trở thành một thiếu nữ khả ái ở tuổi 15. Người ông vui mừng khi thấy cậu cả Thiên Bảo của gia đình chủ bến đem lòng thương yêu cô Thúy Thúy nhưng nàng chẳng hề để ý tới việc cưới xin. Thực ra, trái tim nàng đã thầm lặng hướng theo cậu em thứ hai là Na Tống, cho dù Na Tống đã được gia đình chủ bến sắp xếp cho cuộc hôn nhân với một gia đình danh giá. Cuộc tình tay ba chưa có lối thoát thì cái chết đã cướp đi cậu cả Thiên Bảo trong một chuyến đi thuyền. Thúy Thúy bị coi là kẻ mang vận đen cho gia đình chủ bến, tình yêu của nàng và Na Tống rơi vào tuyệt vọng. Người ông quá lo lắng, đau buồn cũng sớm lìa bỏ cuộc sống trong một đêm mưa gió. Na Tống chẳng tìm ra cách giải quyết nào cho số phận tình yêu, ra đi không một lời hẹn ước. Thúy Thúy ở lại với con đò cô đơn, chờ mong người con trai có thể sẽ về mà cũng có thể chẳng bao giờ quay lại.

Đi dọc con sông Đà Giang bây giờ khó mà hình dung được bến đò nơi ông cháu cô Thúy Thúy năm xưa chở khách ở nơi nào vì có nhiều chiếc cầu với các kiểu dáng điệu đà bắc ngang mà nổi tiếng nhất là cây “Cầu đá Nhảy”.

Đùng quên ngồi thuyền du ngoạn sông Đà Giang, chiêm ngưỡng những thắng cảnh nổi tiếng như: Lầu Đông Môn, Lầu Bắc Môn, Khu Phong Cảnh Sa Vịnh, Lầu Nghệ Thuật Hồng Kiều, v.v…

 

Con sông Đà Giang với cây cầu đá nhảy nổi tiếng (hình phải). Mấy cô bạn cùng đoàn đã chuẩn bị sẵn bộ đồ đỏ và lưu lại được những bức ảnh rất nghệ thuật.

  

 

Cây cầu Hồng Kiều nổi tiếng (bên phải).

 

Ngây ngất trước cảnh đẹp thần tiên lung linh về đêm, mờ ảo như sương khói ban ngày, nhưng rồi cũng phải rời khỏi Phượng Hoàng cổ trấn với bao cảm xúc về một thị trấn cổ đẹp như cảnh tiên, ngày hôm sau chúng tôi lên cáp treo để tới đỉnh thiên môn sơn.

    

Bến cáp treo được tổ chức khá trật tự, những người trên 60 tuổi như chúng tôi và những trẻ em dưới 10 tuổi được ưu tiên một cổng ra trước. Ngồi trên cabin vượt qua các ngọn núi cao dựng đứng ngắm con đường 99 khúc quanh ngoằn ngoèo bên dưới và những ngọn núi đá ẩn mình trong mây mù giống như đang cưỡi phượng hoàng bay trong phim Avatar. Nhưng lưu ý những ai có chứng sợ độ cao có lẽ không nên ngắm nhìn xuống dưới. Ngọn núi Thiên Môn Sơn rất nổi tiếng với con đường trên trời (Skywalk) và hệ thống cáp treo tại Thiên Môn được tuyên bố trong các ấn phẩm du lịch là "cáp treo dài nhất tại một ngọn núi cao nhất trên thế giới” với 98 cabin cáp treo và tổng chiều dài lên tới hơn 7.400 mét, độ cao của ga trên của tuyến cáp treo là 1.279 mét. Từ cáp treo chúng ta có thể ngắm toàn cảnh thị trấn và cảnh rừng núi nguy nga tráng lệ, ngắm cung đường được như bức tranh nghệ thuật nhưng nguy hiểm nhất thế giới với 99 khúc quanh ngoạn mục. Bạn cũng có thể chọn chiều lên là đi auto trên con đường 99 khúc quanh và xuống bằng cáp treo, nhưng chúng tôi thì chọn cách ngược lại để được ngắm toàn cảnh trước.

Thiên Môn Sơn: Thiên Môn Sơn nằm trong vườn quốc gia Núi Thiên Môn, Trương Gia Giới, ở tây bắc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, được mệnh danh là Núi thần Tương Tây “Hồn của Vũ Lăng”, đồng thời cũng là nguồn cảm hứng cho bộ phim nổi tiếng Avatar với những cột đá treo lơ lửng ngang trời. 

 

Lên tới đỉnh Thiên Môn Sơn, mây mù bao phủ như mưa phùn, nhiều người khoác áo mưa mua từ dưới phố vừa để chống rét vừa để tránh ướt vì gió lạnh xuống tới 10 độ C giữa mùa hè. Một loài cây trên đỉnh Thiên Môn Sơn mà chúng tôi ngồi chụp ảnh dưới gốc, có hoa màu trắng giống như cánh chim hòa bình mà anh chàng tour guide nói là nó có từ thời khủng long và vẫn tồn tại cho tới tận bây giờ, chỉ trên đỉnh Thiên Môn Sơn mới có loài cây này. Thực hư thế nào không rõ, nhưng tôi không nhìn thấy cây nào cổ mà chỉ toàn cây còn rất trẻ. Thế mới biết, người Trung Quốc thật khéo thêu dệt nên những huyền thoại cho các điểm du lịch. Ngọn núi này quanh năm mây phủ, rất hiếm có ngày trời quang mây để có thể nhìn rõ con đường 99 khúc quanh và chiều cao của cây cầu Skywalk, chúng tôi lên đây vào giữa mùa hè mà nhiệt độ cũng chỉ 10 độ và mây mù dày đặc giống như mưa phùn.

Trên đỉnh Thiên Môn Sơn, người ta đã dựng một con đường nhỏ men theo vách đá dựng đứng tại nơi cao nhất của đỉnh Thiên Môn. Con đường có tên Skywalk, dài khoảng 80m, trong đó có 1 đoạn lát kính và thành cũng là kính trong suốt. Đi theo con đường bao quanh những vách núi đá dựng đứng khiến mọi người thót tim nếu nhìn xuống dưới. Một bên là núi, một bên là mây, thỉnh thoảng có thêm những lá bùa may mắn màu đỏ rực rỡ sẽ mọi người cảm thấy như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh, đi trên 9 tầng mây của thiên đường. 

Skywalk:

Ở độ cao 1.400m so với mặt biển, cây cầu có chiều dài 60m, lối đi rộng 1,5m được thiết kế hoàn toàn bằng kính trong suốt uốn lượn theo vách núi dựng đứng. Cây cầu Skywalk đặc biệt này tạo cảm giác choáng ngợp cho bất kỳ ai đặt chân lên đó. Lan can cũng được thiết kế bằng kính trong suốt khiến chúng ta có cảm giác lửng lơ, bay bổng một cách chân thực nhất. Đi trên cây cầu Skywalk chúng ta sẽ cảm nhận được vẻ đẹp cực kỳ hùng vĩ của Hành Lang Quỷ Cốc. Chinh phục cảm giác sợ độ cao cùng Hàng Lang Kính ven vách núi cực kỳ độc đáo. Rời khỏi con đường Skywalk chúng tôi tiếp tục tham quan Cổng Trời – Thiên Môn Động, chinh phục con đường 99 khúc quanh.

 

 Có sợ khô. ô. ô. ô. ng......?                       Khô ô. ô. ô. ng sợ!.

 

   

Khi lên tới đỉnh của Thiên Môn Sơn, chúng tôi đi theo con đường Skywalk bao quanh những đỉnh núi trên vách đá dựng đứng cao hàng trăm mét, xuyên từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác. Đi qua Sàn Đạo Kính (con đường gác kính trên vách đá). Một bên là núi, một bên là mây, thỉnh thoảng có thêm những lá bùa may mắn màu đỏ rực rỡ sẽ khiến mọi người cảm thấy lạc như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh, như đang đi trên 9 tầng mây của thiên đường.

   

Sau khi rời khỏi con đường Skywalk, chúng tôi đi theo hệ thống thang cuốn đồ sộ chui trong lòng núi với 21 thang để đến Cổng Trời - nơi giao thoa giữa trời và đất.

  

Cổng Trời đây rồi, nhưng phải leo 99 bậc mới lên tới nơi cơ.

Để lên được Cổng Trời hình bán nguyệt, cao tới 130m, mây đang phủ kín, phải leo 99 bậc mới tới nơi. Với địa thế ngoạn mục, đây thường là nơi được tổ chức các màn biểu diễn nhào lộn của các nghệ sĩ trên dây và của những chiếc máy bay phun khói chui qua Cổng Trời.

   

Người Trung Quốc rất thích con số 9, vì 9 là cửu, một bước nữa là tới Thiên (trời), nên ở đây phải leo 99 bậc mới tới được cổng trời. Từ cổng trời có thể đi auto theo con đường 99 khúc quanh để xuống núi.

  

Nếu bạn nào say xe hoặc sợ thì nên chọn đường xuống bằng cáp treo nhé.

Rời khỏi Thiên Môn Sơn, chúng tôi đi về Vũ Lăng Nguyên trên con đường cao tốc xuyên núi. Có đi trên con đường này mới thấy trình độ cầu đường của Trung Quốc đã đạt đến mức siêu phàm có lẽ khiến Mỹ cũng phải ghen tỵ. Con đường gần 400km hạ độ cao hàng ngàn mét từ đỉnh núi nọ nối tiếp sang đỉnh núi kia mà ngồi trên xe auto 45 chỗ không có cảm giác là đi trên đường núi. Nếu như con đường du lịch 99 khúc quanh như một tác phẩm nghệ thuật, thì con đường này là một tuyệt tác về công nghệ. Vì nó là con đường cao tốc với tốc độ tối đa 100km đi xuyên từ núi nọ sang núi kia bằng các đường hầm xuyên qua đỉnh núi và các cây cầu vượt qua các hẻm núi có nơi trụ cầu cao tới hàng trăm mét.

 

 

Trực tiếp chứng kiến kỹ thuật cầu đường của Trung Quốc như vậy, tại sao đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông của nhà thầu Trung quốc tại Việt Nam lại tồi tệ đến vậy, vốn đội lên gấp đôi, thời gian chậm theo hợp đồng gấp 2 lần, chất lượng công trình thì còn nhiều vấn đề [1]. Có phải tại trình độ cầu đường của nhà thầu Trung Quốc yếu kém hay do quản lý của Việt Nam và các quan chức Việt Nam có vấn đề. Nếu được chứng kiến những con đường qua núi của Trung Quốc chắc mọi người sẽ nhanh chóng tìm ra câu trả lời.

Chúng tôi dừng chân ở Vũ Lăng nguyên sau 4h di chuyển. Ở đây có cây cầu kính huyền thoại, hồ Bảo phong và công viên Trương Gia Giới (Viên Gia Giới). Chúng tôi đi dự chương trình Rạng Rỡ Tương Tây của Trương Nghệ Mưu vào buổi tối sau khi đi thăm cầu kính vào buổi chiều.

Vũ Lăng Nguyên: là một khu du lịch nổi tiếng, được UNESCO công nhận là Di sản thế giới từ năm 1992. Ở đây có cầu kính Thiên Vân Độ, hồ Bảo Phong với động Liêm Tuyền ở núi Hoa Quả Sơn của lão Tôn, có Viên Gia Giới với các cột đá cao hàng trăm mét lơ lửng gữa mây trong phim Avatar.

Cầu kính Thiên Vân Độ: Cây cầu là tác phẩm của HaimDotan - kiến trúc sư nổi tiếng người Israel. Với chiều dài 430m, lối đi rộng 1,5m và độ cao 300m so với mặt đất, cây cầu kính Thiên Vân Độ được mệnh danh là cây cầu kính dài nhất thế giới. Bề mặt cầu được làm bằng kính trong suốt dày 6cm, hoàn toàn không sử dụng thép hay bê tông. cầu kính Thiên Vân Độ là cây cầu nối hai ngọn núi ở miền nam Trung Quốc được xây dựng trên một hẻm núi trong Công viên Rừng Quốc gia Trương Gia Giới, khánh thành vào ngày 20 tháng 8 năm 2016, lập kỷ lục thế giới về độ cao, độ dài và các kỹ thuật xây dựng cầu treo qua hẻm núi hiện đại nhất với nhịp chính dài 1.146 mét và cao 350 m so với mặt đất. Nhìn từ xa, Thiên Vân Độ hệt như một sợi dây treo lơ lửng trên mây.

 

 

Rạng Rỡ Tương Tây: Đây là tác phẩm kết hợp giữa nghệ thuật biểu diễn, âm thanh, ánh sáng của Trương Nghệ Mưu đã dựng lại các huyền thoại và nền văn hóa của dân tộc Miêu tại vùng Tương Tây như câu chuyện tình của nàng Thúy Thúy bên dòng sông Đà Giang, Lịch sử chiến tranh và huyền thoại cương thi (di xác về quê) của người Miêu.

Sắc tộc Hmong, mà ta hay gọi là Miêu tộc hay người Mèo, ước tính hiện có khoảng hơn 6 triệu dân trên thế giới, mà đại đa số lại sống ở Trung quốc. Số còn lại sống rải rác ở miền bắc các nước Việt, Lào, Thái và Miến điện. Có khoảng 80 ngàn người đã được định cư tại Hoa Kỳ. Người Trung hoa xưa phân biệt sắc tộc Hmong ra làm hai loại: loại đã thuần (shu) và loại hoang (sheng). Loại Hmong thuần là nhóm đã được đồng hóa với người Hoa, còn loại hoang là nhóm sống biệt lập trong rừng, thoát ngoài vòng kiềm tỏa của chính quyền. Những nhà truyền giáo Tây phương lần đầu tiếp xúc với nhóm Hmong sống hoang dã ở vùng Tứ-xuyên, Vân-nam vào thế kỷ 17 rất lấy làm ngạc nhiên là họ không có nét thuần Á châu mà lại phảng phất giống caucasian, nhiều người lại có màu tóc hung hoặc bạch kim, và vài người lại có mắt xanh. Có thể là vì thế mà người Hoa gọi họ là Miêu, hay Mèo chăng? Số người giống caucasian này còn lại tương đối ít vì các chính quyền liên tiếp của Trung-quốc luôn luôn tìm cách sát hại họ, dù họ đã trốn sang Lào, không nương tay, ngay cả đến thời Dân quốc và Trung Quốc ngày nay.

Sự kiện này đã làm các nhà truyền giáo bấy giờ bỏ công tìm hiểu thêm về nguồn gốc của người Hmong. Nhưng sử sách của người Hoa lại hầu như muốn bỏ quên giống dân này, chẳng có mấy sách cổ nhắc đến một cách rõ ràng, không khác gì khi nói về nguồn gốc của Việt tộc. Ngay cả các nhà sử học người Hoa vẫn cho rằng người Hmong là kẻ thù đầu tiên của Hoa tộc, và xuyên suốt sử Tàu kể từ triều đại đầu tiên cho đến nhà Mãn Thanh, người Hmong đã không ngừng nổi dậy và bị truy diệt bởi quan quân Trung quốc.

 

 

Đến năm 907, nước Tàu bị loạn lạc với thời kỳ Ngũ đại (Lương, Đường, Tấn, Hán, Chu) và Thập quốc (907 – 960), nhà Hậu Chu cố đánh lấy vương quốc Hmong mà gốc gác của họ là ở Hồ Nam. Đến khi nhà Tống tái thống nhất Trung quốc (Sung: 960-1279), lại cử binh giành lại các đất vùng Hồ-bắc và Hồ-nam. Trong các cuộc giao tranh toàn bộ vương triều của Hmong bị tiêu diệt, và đây cũng là bước ngoặc lịch sử chấm dứt thời vàng son của bộ tộc Miêu. Người Miêu có tục cương thi, các gia đình người Miêu ở Hồ Nam vẫn còn những phòng gọi là khách sạn cương thi để thi hài người chết ban ngày nghỉ trong khách sạn ban đêm di chuyển về quê hương họ trong tư thế áo choàng trắng hai tay giơ ra trước mà chúng ta thấy trong hoạt cảnh Rạng Rỡ Tương Tây.

Truyền kỳ còn được kể lại giữa những người Miêu về những ngày bi thảm đó như sau: Hang Tchu là vua của Miêu tộc lúc bấy giờ, đã già và mệt mỏi vì chiến trận, giàn quân kháng cự quân Tống. Con gái duy nhất của Hang Tchu là Ngao Shing cũng cùng xông pha trận tuyến với cha. Nàng không những xinh đẹp mà còn học được phép lạ với lá cờ thần bí, khi phất lên là bão tố kéo đến phá tan quân Tống.

Tướng nhà Tống là Tỷ Thanh (Ty Ching) cầu hòa với điều kiện là Miêu tộc phải trao lá cờ phép cho họ. Triều thần người Miêu họp bàn và sợ rằng người Hoa bày quỉ kế, nên trao một lá cờ giả. Tỷ Thanh vội dâng lá cờ cho vua Tống, nhưng khi thử với lửa thì biết là không phải lá cờ thật. Tỷ Thanh liền bị bỏ ngục và kết án tử hình nhưng nhờ triều thần can gián cho đoái công chuộc tội. Y liền quay lại đất Hồ Nam giả làm môi giới để cầu hôn Ngao Shing cho thái tử nhà Tống. Vua Miêu chấp thuận nhưng Ngao Shing thì nhất định cự tuyệt, liền bị vua cha bạc đãi đến chết. Nàng qua đời thì cờ phép cũng trở nên vô hiệu cho nên Tỷ Thanh mới có thể tiêu diệt được triều thần Hang Tchu.

Người Hmong lại phải chạy trốn vào vùng Quế-châu và Tứ-xuyên; số khác lại tẩu tán xuống Quảng-đông và Quảng-tây, trở thành những bộ lạc thiểu số. Quan cai trị người Hoa lại còn chia rẽ họ bằng cách phân nhóm và buộc họ phải ăn mặc y phục có màu khác nhau, và từ đó mà ta biết đến nhóm Miêu đen, trắng, hoa, đỏ và xanh. Mỗi nhóm lại cử lên một tộc trưởng, một chức vụ như là tiểu vương (kiatong). Tuy vậy họ vẫn luôn tìm cách liên kết với nhau khi cần chống lại kẻ thù chung là Hoa tộc.

Hồ Bảo Phong: là hồ nước ngọt nằm trong khu thắng cảnh Vũ Lăng Nguyên, tỉnh Hồ Nam, có chiều dài 2,5km, độ sâu trung bình 72m, diện tích khoảng 15ha và có sức chưa tối đa 6 triệu mét khối nước. Nguồn gốc của cái tên Bảo Phong là bởi cơn gió nào lọt vào hồ này cũng giữ được rất lâu nhờ địa hình núi đá vôi che chắn. Bảo Phong bốn mùa luôn được bao bọc xung quanh bởi cây xanh tươi tốt và những đỉnh núi đá cây bụi phủ với các hình dạng khác nhau. Nước hồ tĩnh lặng, tinh khiết đem lại một cảm giác bình an, thư thái cho con người. Khi đi du thuyền trên hồ, chúng tôi thực sự thích thú bởi hình ảnh phản chiếu đẹp lung linh của các đỉnh núi đá, cây xanh xuống mặt hồ.

  

Hồ Bảo Phong có một loài cá hoang dã là cá Oa Oa, cá là loài lưỡng cư có 4 chân, ban đêm chúng bò lên cạn kiếm ăn, khi gặp nguy hiểm chúng kêu Oa Oa, nên người dân gọi chúng là cá Oa Oa. Cá Oa Oa có giá 900 tệ/kg tương đương 3 triệu động Việt Nam.

Dong thuyền trên hồ Bảo Phong, ngắm nhìn phong cảnh đẹp như tranh vẽ của những rặng núi xanh ngắt hai bên bờ và thác nước trắng muốt đổ xuống từ sườn núi. Thác nước Yuanyang (Uyên Ương) đổ xuống từ độ cao 100m, tiếng rì rào của nó vang vọng khắp vùng núi.

Đi thuyền dọc Hồ Bảo Phong chúng tôi tới động Liêm Tuyền núi Hoa quả Sơn để gặp lão Tôn, nhưng hình như Lão Tôn vẫn đang phò Đường Tăng đi lấy kinh nên không thấy có ở đây, chỉ còn thác nước Yuanyang (Uyên Ương) đổ xuống từ độ cao 100m, tiếng nước dội vang vọng khắp Hoa Quả Sơn.

Viên Gia Giới: Rừng nguyên sinh Trương Gia Giới rộng khoảng 4.810ha, ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển. Nơi đây đã được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới năm 1992, Công viên Địa chất Thế giới vào năm 2004. Công viên rừng quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên tuyệt đẹp với hơn 3.000 cột đá dưới hình thù thiên biến vạn hóa cực kỳ đa dạng. Khu rừng nguyên sinh đặc biệt với hơn 3.000 cột đá, trong đó bao gồm cả cột trụ Hallelujah (Cột trụ trời nam) được đạo diễn của Avatar lấy làm nguyên mẫu cho những ngọn núi bồng bềnh giữa mây trong bộ phim của mình.

  

Ngọn núi Hallelujah “Cột trụ trời Nam” được đạo diễn lừng danh Hollywood James Cameron lấy làm nguyên bản trong siêu phẩm điện ảnh Avatar.

Nếu đủ dũng cảm và sức khỏe thì bạn đừng từ chối leo lên Mê Hồn Đài. Lên đây bạn sẽ được trả công hoàn toàn xứng đáng bằng ngắm nhìn toàn bộ cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ nhất của Viên Gia Giới. 

 

Bách Long Thiên - thang máy ngoài trời cao nhất thế giới. Từ đỉnh có thể xuống tới chân núi để quan sát dọc chiều cao của các ngọn núi cao 320 mét.

Thiên Tử Sơn: vùng núi đá độc đáo được hình thành trong quá trình đứt gãy và kiến tạo của địa chất. Lên đến đỉnh, cảnh đẹp của núi non hùng vĩ hiện ra như: Ngự Bút Phong, Tiên Nữ Tán Hoa, Thạch Phàm Xuất Hải...

Kết thúc chuyến đi 6 ngày 5 đêm tuy có mệt nhưng thấy được nhiều điều, từ những điều kỳ diệu của thiên nhiên đến những kỳ quan công nghệ của con người. Nếu không có cáp treo, không có con đường Skywalk hay con đường 99 khúc quanh thì Thiên Môn Sơn vẫn chỉ là nơi hang cùng ngõ hẻm, rừng thiêng nước độc mà không ai có thể đặt chân đến được. Nhờ có Mê hồn đài và Bách Long Thiên, du khách mới có cơ hội thưởng ngoạn được Thiên Tử Sơn. Ấy thế mà đề xuất làm cáp treo lên Hang Sơn Đoòng lại gặp phải rất nhiều ý kiến cho rằng nó sẽ phá vỡ cảnh quan môi trường. Chắc hẳn những người có ý kiến như vậy chưa hề biết đến danh thắng Trương Gia giới.

[1] Theo vnexpress, Thứ tư, 5/6/2019, 10:08 (GMT+7): Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt năm 2009, với tổng mức đầu tư hơn 550 triệu USD (gần 8.800 tỷ đồng) từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước.  Dự án khởi công tháng 10/2011 với mục tiêu hoàn thành vào tháng 6/2014, một năm sau chính thức khai thác. Tuy nhiên, sau đó dự án lùi tiến độ vận hành đến tháng 6/2016, rồi tiếp tục lùi đến cuối năm 2016, cuối quý 2/2017. Sau khi được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 868 triệu USD (18.000 tỷ đồng), dự án lùi đến tháng 10/1017, rồi đến tháng 2/2018, cuối năm 2018. Tháng 9/2018, dự án chạy thử nghiệm và lại lùi thời gian vận hành đến tháng 4/2019. Dịp 30/4, dự án tiếp tục lỡ hẹn, lùi đến quý 2/2019.

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bài về chủ bút

    Tinh hoa nhân loại

      Khoa học

        Văn học

          SÁCH CỦA TÔI