Ký sự phượt xuyên Việt - Episode 14 (Quy Nhơn Bình Định – Thành phố Đà Nẵng)

Cập nhật: 02/04/2020 Lượt xem: 3571

Phượt xuyên Việt ký                             

Episode 14 - Ngày thứ mười bốn (Quy Nhơn Bình Định – Thành phố Đà Nẵng)

Bản đồ Google tự ghi lại hành trình chúng tôi đã đi trong ngày

Ngày thứ mười ba chúng tôi về tới Quy Nhơn, trời còn chưa tối, nghỉ ngơi tắm rửa xong chúng tôi đi ăn tối và lái xe lượn dọc qua các con phố để thăm lại thành phố xinh đẹp này về đêm. Tết năm Mậu Tuất 2018 cả gia đình chúng tôi cùng gia đình cô em và gia đình người bạn đã đón tết ở đây. Bình Định là sứ sở của dừa và võ Bình Định. Ngay từ những năm chiến tranh, khi còn ở trên rừng Trường Sơn thuộc địa phận Phú Yên, các bạn gái người Bình Định cùng đơn vị thường đọc câu thơ sau để dọa dẫm mỗi khi bị chêu chọc mà tôi vẫn còn nhớ đến bây giờ: “Ai về Bình Định mà coi, Con gái Bình Định cầm roi đi quyền”.

Bình Định cũng là quê hương của ba anh em Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ. Hiện nay ngôi nhà và khu vườn các ông sinh sống khi còn nhỏ đã được xây dựng thành khu Bảo Tàng Quang Trung.

 

Khu bảo tàng Quang Trung tại làng Liên Mỹ, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 45km theo đường quốc lộ 19, khánh thành 1978

Đến nơi này chúng ta vẫn thấy cây me cổ thụ mà khi các ông còn nhỏ vẫn leo chèo để hái quả, vẫn còn giếng nước của gia đình mà bờ giếng lát gạch đá ong, nước trong và mát, bạn có thể múc lên để rửa mặt hoặc uống. Đến đây còn được xem các màn biểu diễn võ thuật.

 

Cây me cổ thụ đầu nhà gia đình ba anh em Quang Trung xưa và giếng nước của gia đình ba anh em ông đã trở thành di sản quý báu về người anh hùng dân tộc

Tới Bình Định cũng không nên bỏ qua bốn địa điểm nữa là chùa Thiên Hưng tọa lạc tại An Nhơn, Bình Định, nơi mà đại gia Bắc Hà (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng BIDV) tài trợ khá nhiều tiền vào đây để xây dựng, nên chùa có khuôn viên rất rộng và đẹp. Tháp đôi Hưng Thạnh ở phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn, Bình Định, đây là tháp Chăm vẫn còn được bảo tồn khá nguyên vẹn cho đến ngày nay. Khu mộ Hàn Mặc Tử và bãi đá trứng. Eo gió, kỳ co ở xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

 

Chùa Thiên Hưng, An Nhơn, Bình Định

  

Tháp đôi Hưng Thạnh, phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn, Bình Định,

 

Eo gió ở xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Eo Gió còn có nghĩa là eo biển hút gió, được bao bọc bởi dãy núi sát biển hình cánh cung độc đáo. Vì vậy mà địa danh này có hình thù lạ mắt, hõm như chiếc yên ngựa. Eo Gió nằm ở eo biển của xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Không chỉ gây tò mò với tên gọi, Eo Gió ở Bình Định còn hấp dẫn bởi vẻ đẹp kỳ vĩ của nó.

Đứng ở bất kỳ vị trí nào trên bãi biển Quy Nhơn nhìn về phía Nam, ở cuối bãi biển, nơi có một ngọn núi vươn ra biển sẽ thấy dòng chữ “Gành Ráng Tiên Sa”. Ở đó có khu mộ Hàn Mặc Tử và bãi đá trứng. Cả hai địa danh này đều nằm trong một khu du lịch nổi tiếng của Quy Nhơn.

Mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử tọa lạc trên ngọn đồi Thi Nhân nổi tiếng ở Quy Nhơn. Cuối bãi biển Qui Nhơn về phía nam là xóm biển Gành Ráng. Băng qua con đường vào xóm chài Gành Ráng sẽ tới một khu chợ nhỏ của người dân địa phương, ở khu này có một cây cầu nhỏ bắc ngang qua quán thủy tạ Mai Đình. Từ đây, con đường dẫn tới nơi yên nghỉ của thi sĩ Hàn Mặc Tử là một cây cầu nhỏ bắc qua suối Tiên, khi sang tới đầu bên kia của cây cầu đi theo hướng tay trái để lên đồi Thi Nhân. Con đường nhỏ lên ngọn đồi này được làm thành những bậc tam cấp bằng đá. Lên tới chân đồi Thi Nhân có một con đường vô cùng thơ mộng được gọi tên là dốc Mộng Cầm (Mộng Cầm là tên người yêu của Hàn Mặc Tử), tới đỉnh dốc Mộng Cầm, có một lối dẫn lên ngôi mộ Hàn Mặc Tử.

 

Bệnh viện phong Quy Hòa, hiện nay là Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa, là bệnh viện Hạng I, trực thuộc Bộ Y tế vốn là một làng tập trung các bệnh nhân mắc bệnh phong, được thành lập vào khoảng năm 1929. Một linh mục người Pháp có tên Paul Maheu đã phát hiện ra sự yên bình vắng lặng hiếm có của vùng đất này và ông đã quyết định xây dựng một khu điều trị cho bệnh nhân phong mang tên Bệnh viện Laproserie de Quy Hoa. Năm 1932, Paul Maheu về lại Pháp, dòng Phan sinh ở Pháp cử 6 nữ tu đến Quy Hòa để phục vụ bệnh nhân. Bệnh viện được Charles Antoine và Ozithe xây dựng lại, có cả khu nhà để người bệnh đến đây điều trị lâu dài. Ngoài bệnh viện, trong khuôn viên Quy Hòa còn có nhà thờ, nơi ở của các nữ tu và hơn 200 ngôi nhà dành cho bệnh nhân phong định cư được gọi là làng phong Quy Hòa. Cho đến trước khi Nhật đảo chính Pháp, nơi đây đã tiếp nhận, nuôi dưỡng hơn 500 bệnh nhân, trong đó có nhà thơ Hàn Mặc Tử. Sau giải phóng, ngày 25 tháng 6 năm 1976, dòng Phanxico bàn giao Bệnh viện Quy Hòa cho Bộ Y tế.

Tên tuổi làng phong Quy Hòa được nhiều người biết đến, cũng một phần bắt nguồn từ chuyện tình cờ gắn bó với cái chết của thi sỹ tài hoa nhưng đoản mệnh Hàn Mặc Tử. Nhắc đến ông là nhắc đến những trang thơ hoang dại, điên loạn với ánh trăng và những đêm dài: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ? Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên. Vườn ai mướt quá xanh như ngọc, Lá trúc che ngang mặt chữ điền. Gió theo lối gió mây đường mây, dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay. Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó, Có trở trăng về kịp tối nay? Mơ khách đường xa khách đường xa, Áo em trắng quá nhìn không ra…Ở đây sương khói mờ nhân ảnh, Ai biết tình ai có đậm đà?”. Ông là một trong những nhà thơ đi đầu trong phong trào thơ mới với những tác phẩm và hồn thơ vô cùng đặc sắc. Cuộc đời Hàn Mặc Tử có duyên với 4 chữ Bình: sinh tại Quảng Bình, làm báo Tân Bình, có người yêu ở Bình Thuận và mất tại Bình Định. Ông được biết đến với nhiều mối tình, với nhiều người phụ nữ khác nhau, đã để lại nhiều dấu ấn trong văn thơ của ông - có những người ông đã gặp, có những người ông chỉ giao tiếp qua thư từ, và có người ông chỉ biết tên như Hoàng Cúc, Mai Đình, Mộng Cầm, Thương Thương, Ngọc Sương, Thanh Huy, Mỹ Thiện.

Làng phong Quy Hòa tại số 05A Chế Lan Viên, Ghềnh Ráng, Thành phố Qui Nhơn, Bình Định, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 3 km về phía Nam.

Hàn Mặc Tử (1912-1940) mắc bệnh phong từ năm 1935 và trở thành một bệnh nhân của làng từ 9/1940, đến 11/1940 thì qua đời ở tuổi 38. Tên thật của nhà thơ là Nguyễn Trọng Trí, ông có nhiều bút danh khác nhau nhưng đến 1935 theo lời khuyên của Quách Tấn ông đổi thành Hàn Mặc Tử. Hàn là bút, Mặc là mực, Tử là người, tên Hàn Mặc Tử có nghĩa là Người của văn chương. Căn phòng nơi Hàn Mặc Tử trút hơi thở cuối cùng, nay trở thành nhà lưu niệm, vẫn giữ nguyên những đồ đạc đơn sơ ngày đó: chiếc giường cá nhân, chiếc ghế cùng vài vật dụng thông thường. Ông được chôn trong nghĩa địa của làng dưới chân núi Trứng. Mộ của ông cũng không có gì đặc biệt so với các bệnh nhân khác: một nấm đất nhỏ như kích cỡ của hàng trăm ngôi mộ khác, xếp theo dãy thứ tự, nằm lặng lẽ trong muôn vàn cái chết của người mắc bệnh phong, vốn không có gia đình, hay nhiều bè bạn khi cuối đời. Suốt 19 năm Hàn Mặc Tử nằm lại trong nghĩa địa làng phong. Trong thời gian đó, do hoàn cảnh chiến tranh, đường giao thông không thuận lợi và điều kiện khó khăn, nên mãi đến năm 1959, gia đình và bạn bè mới cải táng (bốc mộ) sang địa điểm mới là Gềnh Ráng. Buổi lễ cải táng cho nhà thơ được tiến hành khá đơn giản: chỉ có hai người chị, hai người em, ba người bạn và một vị linh mục tham dự.

Đến năm 1991, cố nhạc sỹ Trần Thiện Thanh (ca sỹ Nhật Trường), tác giả của bài hát Hoa Trinh Nữ (Mời các bạn đọc bài “Bí ẩn bài hát Hoa trinh nữ: http://hahoangkiem.com/van-hoa-xa-hoi/bi-an-bai-hat-hoa-trinh-nu-1589.html) cùng một số nhạc sỹ khác yêu mến tài năng của nhà thơ trẻ này đã quyên góp tiền để xây dựng lại ngôi mộ, đài tưởng niệm, trên nền mộ cũ của Hàn Mặc Tử. Quần thể mộ gồm một khoảng sân, phía chính giữa là đài tưởng niệm có hình tượng một cây bút, cây thánh giá dựng trên cuốn thơ. Những nét uốn lượn của cuốn sách thơ, bệ tượng đài, hình phù điêu bao quanh khu mộ cũng dễ liên tưởng đến hình tượng vầng trăng khi khuyết lúc đầy, vốn luôn thấp thoáng ẩn hiện trong thơ Hàn. Đến 2008, khu mộ được Công ty cổ phần Du lịch Sài Gòn – Quy Nhơn chỉnh trang lại để phục vụ cho du lịch. Hiện nay Gềnh Ráng - Tiên Sa, nơi có mộ Hàn Mặc Tử là một địa điểm hút khách du lịch của thành phố Quy Nhơn, Ở Gềnh Ráng còn có bãi tắm Hoàng Hậu, bãi đá trứng là những bãi biển tuyệt đẹp khi tới Quy Nhơn không nên bỏ qua.

Nhạc sỹ Trần Thiện Thanh vốn là một người rất yêu thơ Hàn. Những năm 1960, ông đã sáng tác bài hát nổi tiếng về Hàn Mặc Tử “Đường lên dốc đá nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa / Lầu ông Hoàng đó, thuở nào chân Hàn Mặc Tử đã qua / Ánh trăng treo nghiêng nghiêng, bờ cát dài thêm hoang vắng / Tiếng chim kêu đau thương, như nức nở giữa trời sương / Lá rơi rơi đâu đây sao cứ ngỡ bước chân người tìm về giữa đêm trường....”. Trần Thiện Thanh cảm động vì số phận của một nhà thơ lớn suốt hàng chục năm phải nằm nhỏ nhoi, quạnh quẽ, sau một lần viếng thăm mộ Hàn Mặc Tử, nhạc sỹ đã sáng tác bài hát nói trên và đau đáu nuôi ý định: “Nơi một thi sỹ lớn đã sống những ngày cuối đời và nằm cô quạnh suốt hai mươi năm, chẳng lẽ không có một dấu vết gì để nhớ?”. Từ làng phong Quy Hòa, ngược dốc lên đường quốc lộ sát chân núi, rồi lại xuống dốc sang triền núi bên kia, qua quãng đường dăm cây số sẽ gặp khu mộ Hàn trên Ghềnh Ráng. Theo lời kể của những người thân gia đình Hàn Mặc Tử, khi còn sống, Hàn đã từng tâm sự với bạn bè, muốn khi chết sẽ được chôn trên đèo Son là một địa điểm ở đầu thành phố Quy Nhơn, vì đó là khu vực dựa lưng vào núi, mặt quay ra biển. Nhớ lời Hàn năm xưa, sau khi bốc mộ, người thân của Hàn cũng muốn thực hiện ý muốn của người đã khuất, nhưng khi đó đèo Son là khu vực cấm nên mọi người đã chọn Ghềnh Ráng là khu vực cũng hội đủ những yếu tố như Hàn đã từng ao ước.

Từ dốc Mộng Cầm, Ghềnh Ráng, leo qua chừng hơn trăm bậc thang đá thì lên đến mộ Hàn Mặc Tử, giữa hai hàng cây song song chụm đầu vào nhau rì rào bốn mùa đón gió biển. Mộ Hàn Mặc Tử nằm dựa lưng vào núi, nhìn bao quát cả dải bờ biển Quy Nhơn chạy dài trước mặt, hút trọn tầm mắt một phần thành phố Quy Nhơn. Dưới chân khu mộ, qua một vực đá thoai thoải với muôn vàn tảng đá nhiều hình thù xếp lớp, là sóng biển bốn mùa vỗ bờ. Mộ rộng chừng dăm thước vuông, ốp đá đơn sơ, xung quanh tàn cây mát rượi. Dòng chữ lớn RIP (Rest in peace – Dịch nôm na: An nghỉ ngàn thu) màu trắng nổi bật trên nền đá ốp hồng. Phía trên đầu mộ là tượng Đức Mẹ Maria hiền từ nhìn xuống. Mộ chí không ghi tên ông là nhà thơ nổi tiếng mà chỉ ghi khiêm nhường “Đây an nghỉ trong tay Mẹ Maria: Hàn Mặc Tử, tức Phêrô Phanxicô Nguyễn Trọng Trí”.

Nhiều người dân ở Quy Nhơn nói rằng: “Hàn Mặc Tử sau khi chết hơn 60 năm vẫn không cô đơn”. Ai đó có thể không tin, nhưng nếu đã từng đến thăm mộ Hàn một lần, và gặp chàng thi sỹ bỏ nhà để lên dựng lều cạnh mộ Hàn, chỉ để thỏa ước muốn ngày đêm ngâm thơ Hàn, sưu tầm những tư liệu về Hàn Mặc Tử, thì sẽ tin câu chuyện “Hàn không cô đơn sau khi chết” là có thật. Chàng thi sỹ đó là Trương Vũ Kha, hay còn gọi là Dzũ Kha, là “Bút lửa giữ thơ Hàn”. Vì quá yêu thơ Hàn mà người đàn ông trạc tuổi hơn 40, dáng người cao dong dỏng, có mái tóc dài đầy chất nghệ sỹ, vốn tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật này, đã từ bỏ đô thị để về Ghềnh Ráng chăm sóc mộ Hàn.

Từ lều thi sĩ của Trương Vũ Kha nơi Gềnh Ráng Tiên sa, nếu muốn thăm mộ Hàn Mặc Tử thì rẽ phải, còn nếu đi thẳng thêm một đoạn 200m thì rẽ xuống bãi đá trứng còn gọi là bãi tắm Hoàng Hậu. Bãi đá trứng nằm trong khu du lịch Ghềnh Ráng. với những hòn đá to tròn như trứng khủng long xếp chồng lên nhau rất đẹp. Người ta kể rằng xa xưa ở đây có một ngôi làng trong đó có một đôi trai tài gái sắc yêu nhau thắm thiết nhưng luôn bị ngăn cấm bởi gia đình hai bên. Vì quá yêu nhau nên hai người đã thề non hẹn biển muốn sống chết bên nhau. Biết không thể ngăn cản hai con của mình. Gia đình cô gái đã giao hẹn với chàng trai phải kiếm đủ 100 tổ yến trong vòng 3 tháng mang về làm quà sính lễ. Vì quá yêu thương cô gái, chàng trai đã quyết định ra đi tìm tổ yến. Cô gái thì ở nhà trông ngóng người yêu từng ngày. Đến ngày hẹn mang sính lễ tới nhưng vẫn không thấy chàng trai quay về, cô gái khóc lóc rồi vội vã đi tìm người yêu. Khi chạy đến bãi tắm này bỗng sấm chớp nổi lên, từ trong vách núi nứt ra một khe hở, vì quá mệt mỏi cô đã đi vào đó và dần dần biến mất. Chàng trai sau khi kiếm đủ sính lễ thì mau chóng quay về tìm người yêu. Vì quá mệt mỏi sau những ngày dài, chàng trai thiếp đi trên biển, lúc tỉnh lại chàng đã thấy mình được sóng đánh tạt vào bờ biển nơi ghềnh Ráng. Lúc này chàng thấy bóng người yêu thoắt ẩn thoắt hiện trong làn sương mờ. Hai người đã cùng nắm tay nhau và biến mất. Nơi khe núi nứt ra tạo ra một dòng suối người ta gọi nó là Tiên sa. Từ đó trở đi núi sông bờ cõi nơi ghềnh Ráng luôn như thoắt ẩn thoắt hiện vẻ đẹp của đôi trai tài gái sắc đó. Vì thế mà bãi tắm ở đây còn được gọi là bãi tắm tình yêu. Cũng chính bởi thế nên khi vua Bảo Đại đi du hành, khi đi qua vùng biển này. Thấy cảnh sắc nên thơ trữ tình nên ông đã cho dừng tại nơi này để nghỉ mát và thăm thú phong cảnh. Lúc này có hoàng hậu Nam Phương, vợ của vua Bảo Đại, đi du hành cùng vua đã thấy thích thú và chọn riêng cho mình bãi tắm này. Từ đó chở đi bãi tắm này có tên là bãi tắm hoàng hậu.

 

Bãi đá trứng

Đến bãi đá trứng, chúng ta có một cảm giác tuyệt vời khi giẫm bàn chân trần lên những viên đá tròn, nhẵn như trứng chim khổng lồ, nằm xếp lên nhau trên bãi biển. Hai bên là ghềnh đá nhô cao như những chàng vệ sĩ hứng tấm lưng trần chắn những đợt sóng lớn liên tục xô vào bờ, tung lên cao những đám bọt trắng xóa. Đến đây ngồi đón gió biển được đắm mình trong không gian yên tĩnh, hài hòa của gió núi và sóng biển mới thật thú vị.

Đến Quy Nhơn mọi người nói đừng bỏ qua khu dã ngoại Trung Lương, thế là chúng tôi lại lên đường. Khu dã ngoại Trung Lương cách thành phố Quy Nhơn khoảng 30km thuộc thôn Trung Lương, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, Bình Định. Nơi đây được ví như  một Jeju phiên bản Việt cực xinh đẹp. Không chỉ có biển xanh, cát trắng và nắng vàng như mật, Trung Lương còn ghi ấn tượng bằng trải nghiệm cắm trại thú vị. Buổi chiều có thể đi theo những bậc đá, dạo bước xuống bờ biển, hoặc dừng chân nơi lưng chừng núi, lặng ngắm mặt biển xanh ngọc bích và đón gió biển. Với dải cát trắng mịn và rặng phi lao vi vu, biển xứ Nẫu có vẻ đẹp rất đỗi hoang sơ như một cô gái quê thuần khiết, bình dị. Tất cả sẽ tạo nên một trải nghiệm thực sự sảng khoái và thư giãn, làm quên hết mọi mệt mỏi, lo âu.

  

   

Khu dã ngoại Trung Lương được ví như đảo Jeju phiên bản Việt.

Chúng tôi rời khách sạn Vi Vu 110, đường Xuân Diệu, Hải Cảng, Quy Nhơn lúc 6 giờ sáng tiếp tục lên đường để trở lại Đà Nẵng. Cung đường này được cô Google ghi lại trong nhật ký là 359km với thời gian 9 giờ 12 phút để đến khách sạn Lighting Hotel Lô 5 Phạm Văn Đồng, An Hải Bắc, Sơn Trà, Đà Nẵng.

Trên cung đường này chúng tôi đi qua thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Quảng Ngãi là một tỉnh ven biển, nằm tựa vào dãy núi Trường Sơn  ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Đường bờ biển của Quảng Ngãi có có chiều dài khoảng 129 km với vùng lãnh hải rộng lớn 11.000 km2 và 6 cửa biển vốn giàu nguồn lực hải sản và có nhiều bãi biển đẹp. Ở Quảng Ngãi có nhà máy lọc dầu Dung Quất, đây là nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam. Quảng Ngãi có địa hình tương đối phức tạp, có xu hướng thấp dần từ tây sang đông với các dạng địa hình đồi núi, đồng bằng ven biển, phía tây của tỉnh là sườn Đông của dãy Trường Sơn, nơi mà hồi chiến tranh đơn vị tôi đã hoạt động ở vùng này, tiếp đến là địa hình núi thấp và đồi xen kẽ đồng bằng, có nơi núi chạy sát biển tạo ra nhiều cảnh đẹp sơn thủy hữu tình.

Năm 1471 quân Đại Việt lấy lại Thăng Hoa, Tư Nghĩa, chiếm kinh đô Chà Bàn, nay thuộc tỉnh Bình Định, của Vương quốc Chăm Pa và thành lập đạo thừa tuyên Quảng Nam, nay là các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và thành phố Đà Nẵng. Năm 1832 tỉnh Quảng Ngãi được thành lập. Cả nước lúc này có 30 tỉnh và 1 phủ, kinh đô ở Thừa Thiên. Từ thời các chúa Nguyễn, lúc Quảng Ngãi còn là cấp phủ, đến thời nhà Nguyễn độc lập là tỉnh Quảng Ngãi. Quảng Ngãi luôn là địa phương quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bằng các đội Hoàng Sa và Bắc Hải.

Tháng 3 năm 1975 tỉnh lỵ Quảng Ngãi và các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ được giải phóng. Ngày 25 tháng 3 năm 1975, tiếp tục giải phóng các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh. Ngày 31 tháng 3 năm 1975, đảo Lý Sơn nay là huyện Lý Sơn cũng giải phóng. Năm 1975 hợp nhất hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định thành tỉnh Nghĩa Bình. Tỉnh Nghĩa Bình lại được tách thành hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi năm 1989.

Thành phố Quảng Ngãi là tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Ngãi có dòng sông Trà Khúc chảy qua. Năm 1807 nhà Nguyễn xây dựng trấn Quảng Ngãi trên diện tích khoảng 26 ha tại xã Chánh Mông, thuộc huyện Chương Nghĩa. Đến năm 1896, đường xuyên Việt chạy ngang qua xã, nên đổi tên là xã Chánh Lộ. Người Pháp đặt tên là Chánh Lộ phố, được gọi là vùng trung tâm trấn. Ngày 24 tháng 3 năm 1975, thị xã Quảng Ngãi được giải phóng hoàn toàn. Năm 1989, tỉnh Quảng Ngãi được tái lập từ tỉnh Nghĩa Bình cũ, thị xã Quảng Ngãi trở lại là tỉnh lỵ tỉnh Quảng Ngãi. Năm 2002, thị xã Quảng Ngãi được công nhận là đô thị loại III, năm 2005 được công nhận thành phố Quảng Ngãi, năm 2015 thành phố Quảng Ngãi được công nhân là đô thị loại II.  Buổi trưa chúng tôi dừng lại ở một quán cơm bên đầu cầu Trà Khúc để ăn trưa và ngắm dòng sông Trà Khúc với những bãi bồi ven sông còn hoang dại.

Cầu Trà Khúc và Thành phố Quảng Ngãi.

Cách thành phố Quảng Ngãi hơn 3km về hướng Bắc, có một ngọn núi nổi tiếng có tên là Thiên Ấn niêm hà, nghĩa là dấu trời đóng bên sông, là một quả núi cao 106m nằm giữa đồng bằng huyện Sơn Tịnh ở tả ngạn của sông Trà Khúc, thuộc địa phận xã Tịnh Ấn Đông và phường Trương Quang Trọng, thành phố Quảng Ngãi. Nhìn từ xa, núi Thiên Ấn như một chiếc ấn trời niêm xuống dòng sông Trà Khúc. Núi cao 106 m, tựa hình một chiếc ấn, bốn phía sườn có hình thang cân. Giữa thiên nhiên thoáng đãng, ngọn núi như chiếc ấn của trời cao niêm cạnh dòng sông xanh nên người xưa gọi là Thiên Ấn Niêm Hà.  Đỉnh núi là một vùng bằng phẳng khá rộng. Có thể đi lên đỉnh núi bằng nhiều cách khác nhau, bằng xe máy hoặc ô tô. Con đường men lên đỉnh núi từ phía nam, đường xoắn ốc, auto có thể di chuyển dễ dàng. Ngoài ra ở đây còn có những đường bậc thang đi tắt, được kè đá dành riêng cho người đi bộ. Trên đỉnh núi có ngôi chùa cổ nằm dưới bóng cây cổ thụ gọi là chùa Thiên Ấn, được Chúa Nguyễn Phúc Chu ban biển ngạch vào năm 1716. Năm 1830, ngọn núi được khắc vào dinh tự và năm 1850 vua Tự  Đức đưa núi vào hàng danh sơn của đất nước và ghi vào tự điển. Phía Đông chùa có khu "Viên Mộ" thiết diện hình lục giác, gồm nhiều tầng, là nơi an táng các vị sư trụ trì của chùa và mộ nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng (1876 – 1947). Xưa kia núi mọc toàn là cỏ tranh chen lẫn với đá, mặt đỉnh cây cối mọc rậm rạp có cọp ở. Người dân trong làng thường dùng cỏ tranh của núi Ấn để lợp nhà, tuy nhiên, không ai dám bén mảng lên đỉnh và cho rằng nơi ấy là vùng đất thiêng. Chân núi phía Đông Thiên Ấn có cái gò cao giống cái hộp đựng con dấu, gọi là hòn Triện. Mặt khác, ngày xưa các nho sĩ thường đến Thiên Ấn lấy đá non về mài mực viết vẽ, phê sách vở rất tốt. Cũng từ đó mà trong dân gian đã có câu: "Son núi Ấn, mài hòn son Ấn, Ấn tốt son tươi Nước sông Trà, pha nấu nước trà, trà thơm nước động". Đứng trên Thiên Ấn có thể nhìn bao quát cả một khung cảnh thiên nhiên núi non thơ mộng. Phía Tây Thiên Ấn giáp với núi Long Đầu, phía Bắc giáp núi La Vọng.

Núi Ấn sông Trà

Quảng Ngãi còn là nơi được thế giới biết đến với tội ác của quân đội Mỹ ở Mỹ Lai. Khu chứng tích Sơn Mỹ (Khu chứng tích Mỹ Lai) nằm ở xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi. Đây là nơi ghi lại tội ác của Đế quốc Mỹ thảm sát 504 người. Ngày 16/3/1968, một cuộc hành quân huỷ diệt dã man chưa từng thấy, được quân xâm lược Mỹ thực hiện, đánh vào người dân Sơn Mỹ vô tội không một tấc sắt trong tay. Với chủ trương đốt sạch, phá sạch, giết sạch, chúng đã biến nơi này thành vùng đất chết. Lính Mỹ đã đổ bộ xuống phía tây xóm Thuận Yên, thôn Tư Cung và xóm Gò, thôn Cổ Lũy và cuộc thảm sát bắt đầu. Số người bị tàn sát ở thôn Tư Cung là 407 người, tại thôn Mỹ Hội là 97 người. Tổng số người bị tàn sát ở Sơn Mỹ là 504 người, trong đó có 182 phụ nữ, 173 trẻ em, 60 cụ già, 24 gia đình bị giết sạch, 247 ngôi nhà bị thiêu cháy. Vụ thảm sát Sơn Mỹ là đỉnh cao trong muôn vàn tội ác của đế quốc Mỹ đối với nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa, bị cả loài người lên án. Ở xóm Mỹ Hội, bây giờ bóng dừa đã vươn cao, ngoài kia biển xanh vẫn xua những đợt sóng bạc đầu vào bãi cát vàng sạch sẽ, duyên dáng, đúng là một cảnh đẹp có hạng ở Việt Nam. Giữa những khung cảnh trầm lắng thân thương ấy là tấm bia ghi dấu 97 người dân ở xóm bị tàn sát ngày nào.

Quảng Ngãi còn nổi tiếng với bãi biển Mỹ Khê, bãi  biển nằm ở xã Tịnh Khê, cùng với biển Khe Hai và biển Sa Huỳnh. Đường quốc lộ số 1 chạy ngay trên bờ biển Sa Huỳnh, vừa đi đường vừa có thể ngắm nhìn cảnh đẹp của bãi biển, nơi mà tháng 4 năm 1975 trên đường hành quân tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh chúng tôi đã dừng nghỉ đêm tại đây.

Bãi biển Sa Huỳnh, Quảng Ngãi, dài khoảng 5km, cong cong hình lưỡi liềm. Trước kia, nơi này gọi là Sa Hoàng tức bãi cát vàng, song vì trùng tên với chúa Nguyễn Hoàng nên được gọi chệch thành bãi biển Sa Huỳnh. Nhà thơ Xuân Diệu đã có câu: "Hỏi mình biển đẹp vô ngần, sóng xanh như đến dừng chân Sa Huỳnh". Nhật ký Đặng Thùy Trâm cũng viết: "... Khi nhìn về dãy núi phương Nam, sóng biển Sa Huỳnh vẫn mặn nhớ thương, vẫn dạt dào đêm ngày vẫy gọi, vẫn chờ anh với chiến công chói lọi, và hẹn ngày đất nước yên vui".

Chúng tôi về tới Đà Nẵng vào khoảng 4 giờ chiều, chọn một khách sạn bên bán đảo Sơn Trà: khách sạn Lighting Hotel lô G5 đường Phạm Văn Đồng quận Sơn Trà, ngay gần đầu cầu Sông Hàn, nơi có chỗ đỗ xe thuận lợi. Sau khi cất đồ đạc lên phòng, chúng tôi lái xe đi lượn dọc sông hàn ngắm các cây cầu bắc qua sông và chọn một địa diểm ăn tối bên bờ sông. Đà Nẵng về đêm rất đẹp, lung linh dưới ánh đèn đủ màu sắc, có thể ví với kinh đô ánh sáng, lại vào những ngày giáp tết, đường phố, cầu và sông Hàn được trang trí rực rỡ.

 

Lược đồ thành phố Đà Nẵng

Sông Hàn chảy từ phía Nam lên phía bắc đổ ra vịnh Đà Nẵng chia tách một dải đất ven biển Đà Nẵng với phần đất liền tạo ra bán đảo Sơn Trà. Bán đảo Sơn Trà từ trên cao nhìn xuống giống như một cái cây khổng lồ mà phần ngọn cây hướng về phía bắc là ngọn núi Sơn Trà có màu xanh của rừng, phần thân cây là dải đất dọc theo bãi biển Mỹ Khê thuộc quận Sơn Trà rồi bám rễ vào đất liền ở phía nam là quận Ngũ Hành Sơn có màu sáng của những tòa nhà đô thị.

 

Sông Hàn

Sông Hàn, bắt đầu từ ngã ba sông, được tạo bởi sông Cẩm Lệ hợp lưu với sông Cổ Mân đổ vào sông Hàn, tại chỗ giáp ranh giữa quận Hải Châu và quận Sơn Trà, chảy ngược về phía bắc để đổ ra vịnh Đà Nẵng còn gọi là vịnh Tiên Sa. Vịnh Đà Nẵng là vịnh biển được tạo ra bởi núi Sơn Trà ở phía đông nam và mũi Hải Vân ở phía tây bắc. Sông Hàn có có chiều dài khoảng 7,2 km, chiều rộng khoảng 900 - 1.200 m, độ sâu trung bình 4 - 5 m.

Đoạn từ ngã ba sông nói trên ngược về phía Tây tới chỗ Cầu Đỏ được gọi là sông Cẩm Lệ. Đoạn tiếp theo từ Cầu Đỏ về phía thượng nguồn gọi là sông Cầu Đỏ. Sông Cầu Đỏ do hai con sông: Sông Yên và sông Túy Loan hợp lại mà thành ở xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang. Sông Yên là một phân lưu của sông Vu Gia chảy từ huyện Đại Lộc của tỉnh Quảng Nam sang. Còn sông Túy Loan bắt nguồn từ phía Tây huyện Hòa Vang chảy về phía Đông, đến xã Hòa Phong thì nhận hai chi lưu là sông Lỗ Đông ở hữu ngạn từ phía Tây Nam Hòa Vang chảy tới và một sông nhỏ bên tả ngạn.

Đoạn từ ngã ba sông ngược về phía Nam là sông Cổ Mân còn được gọi là sông Cái. Sông Cổ Mân do hai sông là sông Vĩnh Điện và sông Cổ Cò hợp lưu mà thành. Hai con sông này đều nằm trong quận Ngũ Hành Sơn.

Bắc qua sông hàn là 6 cây cầu. Nếu đến Đà Nẵng mà không ngắm các cây cầu bắc qua sông Hàn thì đúng là chưa biết Đà Nẵng. Mỗi cầu có một hình dáng và đặc điểm riêng mang tính nghệ thuật cao. Đó là cầu Thuận Phước, cầu sông Hàn còn gọi là cầu quay, cầu Nguyễn Văn Trỗi, cầu Trần Thị Lý, cầu Rồng, cầu Tiên Sơn.

(1) Cầu Thuận Phước nằm sát bên vịnh Đà Nẵng bắc qua cửa sông Hàn chỗ đổ ra vịnh Tiên Sa, là cầu dây võng dài 1,8 km, rộng 18m được xây dựng trong hơn 6 năm (2003 - 2009), với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Cầu nối đường Nguyễn Tất Thành với cầu Mân Quang, giữa 2 Quận Hải Châu và Sơn Trà. Khi chui ra từ hầm Hải Vân, rẽ trái sẽ đi xuống cầu. Nếu muốn sang bán đảo Sơn Trà thì đi qua cầu, nếu muốn về thành phố Đà Nẵng thì đi theo đường Nguyễn Tất Thành dọc theo bờ sông mà không qua cầu.

(2) Cầu Sông Hàn còn được gọi là cầu quay, được xây dựng trong 3 năm (1998 - 2000. Đây là cây cầu quay đầu tiên do kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế và thi công, và là cây cầu quay duy nhất ở Việt Nam hiện nay. Cầu là vạch nối liền hai trục đường chính của Đà Nẵng là đường Lê Duẩn ở bờ Tây và đường Phạm Văn Đồng ở bờ Đông. Cầu có chiều dài 487,7m, rộng 12,9m, gồm 11 nhịp, mỗi nhịp dài 33m, kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực và 2 nhịp dây văng có tổng chiều dài 122,7m, kết cấu dầm và tháp cầu chính bằng thép, bản mặt cầu bằng bê tông cốt thép.

(3) Cầu Nguyễn Văn Trỗi là cây cầu đường bộ đầu tiên bắc qua sông Hàn được Hãng thầu RMK của Mỹ xây dựng năm 1965, là cầu quân sự để chuyên chở khí tài quân sự từ cảng Tiên Sa vào nội đô thị xã Đà Nẵng. Đây là một trong những cây cầu có kiến trúc vòm bằng giàn thép Poni hiếm hoi tại Việt Nam. Cầu gồm 14 nhịp giàn thép Poni có tổng chiều dài 513,8m, khổ cầu 10,5m, phần xe chạy 8,5m, ban đầu mặt cầu làm bằng gỗ và không có lối dành cho người đi bộ. Trước năm 1975  cầu không có tên, nó là cây cầu dã chiến phục vụ cho mục đích quân sự của Mỹ.  Sau 1975 cầu mang tên là Nguyên Văn Trỗi.

(4) Cầu Trần Thị Lý. Năm 1951 Pháp xây dựng cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hàn là một cây cầu đường sắt, gắn vào hệ thống đường sắt từ Cảng Tiên Sa đến Đà Nẵng. Cầu dài 520m, được xây dựng bởi Hãng Eiffel (Pháp), và có tên là cầu De Lattre De Tassigny (Thống chế Pháp, 1989 - 1952), phiên âm tiếng Việt là Đờ-lát Đờ Tát-xi-nhi mà người dân Đà Nẵng quen gọi là cầu Đờ Lát, cầu Đờ Lách. Đến năm 1955, người Pháp rút về nước, cầu De Lattre De Tassigny được đổi tên thành cầu Trịnh Minh Thế (tướng Cao Đài, 1922 – 1955). Bản đồ Đà Nẵng 1967 ghi rõ cầu Trịnh Minh Thế là cầu đường bộ và đường sắt. Như vậy cầu Trịnh Minh Thế đã là một cầu đường bộ từ trước 1975 chứ không phải chỉ là một cầu đường sắt. Sau năm 1975, cầu được đổi tên thành cầu Trần Thị Lý (nữ chiến sĩ cách mạng 1933 – 1992). Cầu đạt hai kỷ lục: (1) Gối trụ cầu, nặng 3,2 tấn, với sức chịu lực cho tháp trụ lên đến 32.000 tấn – lớn nhất thế giới hiện nay (kỷ lục cũ thuộc về một cây cầu ở Trung Quốc với gối trụ chịu lực 17.800 tấn). (2) Kết cấu một mặt phẳng dây rộng 34,5 mét lớn nhất Đông Nam Á.

(5) Cầu Rồng. Cầu Rồng dài 666m và rộng 37.5m với 6 làn xe, được xây dựng trong 7 năm (2007 – 2013), kinh phí gần 1,5 nghìn tỷ đồng. Cầu được thiết kế bởi Ammann & Whitney Consulting Engineers với tập đoàn Louis Berger. Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 xây dựng. Cây cầu này bắc qua sông Hàn tại bùng binh Lê Đình Dương - Bạch Đằng, tạo con đường ngắn nhất từ sân bay quốc tế Đà Nẵng tới các đường chính trong thành phố, và một tuyến đường trực tiếp đến bãi biển Mỹ Khê và bãi biển non nước ở rìa phía đông của thành phố. Con rồng trên cầu có thể phun lửa và phun nước. Trong lần phun thử ngày 6/3/2013, rồng phun được 9 quả cầu lửa với đường kính của từng quả cầu lửa đạt từ 3 tới 4 mét và các quầng lửa đi xa từ 10 tới 15 mét. Qua đo đạc thử nghiệm, cây cầu trong một đêm diễn, tiêu thụ từ 54-81 lít dầu và khoảng 2kWh điện cho việc phun lửa. Tổng chi phí theo thời giá lúc đó từ 2 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng. Phun nước một lần phun (3 phút), cần 20m3 nước và 40kWh điện. Con Rồng không phun dòng nước đặc mà phun nước thành luồng hơi cực mạnh và đẹp, Để làm điều này, cầu được thiết kế bồn chứa 20 mét khối nước và 325 mét khối khí nén, tao ra hàng vạn mét khối hơi lẫn nước phun với lưu tốc 1.944 l/s. chi phí cho một đêm Rồng phun nước (3 phút) chỉ tốn khoảng 200 ngàn đồng đến 250 ngàn đồng theo thời giá lúc thử nghiệm.

 

(6) Cầu Tiên Sơn nối liền 2 quận Hải Châu và Ngũ Hành Sơn. Cầu dài 529,8m, rộng 25,05m, nối từ giao lộ Ngũ Hành Sơn - Hồ Xuân Hương, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, đến giao lộ đường 2 tháng 9 - Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu. Cầu được xây dựng trong 3 năm (2002 -2004) với kinh phí 150,3 tỉ đồng. Cầu Tiên Sơn là điểm nối quan trọng giúp cảng biển Đà Nẵng - một trong những cảng biển lớn nhất Việt Nam - trở nên sầm uất. Với sức chịu lực cao, cầu Tiên Sơn trở thành điểm trung chuyển của hàng triệu tấn hàng hóa sang các nước bạn Lào, Campuchia... qua hành lang kinh tế Đông Tây. 

Mời các bạn xem tiếp Episode 15:

https://hahoangkiem.com/van-hoc/ky-su-phuot-xuyen-viet-episode-15-son-tra-ba-na-hill-da-nang-3843.html


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bài về chủ bút

    Tinh hoa nhân loại

      Khoa học

        Văn học

          SÁCH CỦA TÔI