Ký sự phượt xuyên Việt - Episode 16 (Đà Nẵng – Thành phố Hà Tĩnh)

Cập nhật: 02/04/2020 Lượt xem: 3022

Phượt xuyên Việt ký                        

Episode 16 - Ngày thứ mười sáu (Đà Nẵng – Thành phố Hà Tĩnh)

Bản đồ Google tự động ghi lại lịch trình trong ngày

Hôm nay đã là ngày thứ 16 của chuyến đi và cũng là ngày 16 tháng 1 năm 2020, tức ngày 22 tháng chạp, năm Kỷ Hợi, chỉ còn 1 tuần nữa là tới tết âm lịch. Chúng tôi rời khách sạn Lighting Hotel, lô G5 đường Phạm Văn Đồng, quận Sơn Trà thành phố Đà Nẵng lúc 6 giờ sáng. Vượt qua cầu Mân Quang và cầu Thuận Phước ở cửa sông Hàn đổ ra vịnh Tiên Sa, chạy thêm khoảng 10km nữa là tới chân phía nam đèo Hải Vân. Chiều vào chúng tôi đã chọn đi qua hầm Hải Vân để dành chiều về sẽ leo đèo. Thế thì leo đèo thôi, đèo Hải vân được mệnh danh là con đèo đẹp nhất và cũng là nguy hiểm nhất của Việt Nam, con đèo được mệnh danh là “Đệ nhất hùng quan” và là nơi được các phượt thủ nhắm tới.

Đèo Hải Vân

Đèo Hải Vân còn có tên là đèo Ải Vân vì trên đỉnh đèo xưa kia có một cửa ải, hay đèo Mây vì đỉnh đèo thường có mây che phủ. Đèo cao 500m so với mực nước biển, dài 20km, cắt ngang dãy núi Bạch Mã, là một phần của dãy Trường Sơn chạy cắt ra sát biển, ở giữa ranh giới tỉnh Thừa Thiên - Huế ở phía Bắc và thành phố Đà Nẵng ở phía Nam. Đường đèo uốn lượn, một bên là núi, một bên là biển. Từ trên đèo có thể thấy dãy núi Bạch Mã sau làn sương mờ. Đứng ở phía bắc đèo có thể nhìn thấy vịnh Lăng Cô với bãi cát trắng trải dài. Đứng ở phía nam đèo nhìn thấy vịnh Đà Nẵng, cảng Tiên Sa, thành phố Đà Nẵng với góc nhìn từ trên cao.

Trước năm Bính Ngọ 1306, vùng đất có đèo Hải Vân thuộc về hai châu Ô, Rí của vương quốc Chămpa còn gọi là nước Chiêm Thành. Sau khi được vua Chămpa là Chế Mân cắt làm sính lễ cầu hôn Công chúa Huyền Trân đời Trần vào năm 1306, thì ngọn đèo trở thành ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành.

Khoảng một thế kỷ sau, vào năm Nhâm Ngọ 1402, Nhà Hồ, dưới triều Hồ Hán Thương sai tướng Đỗ Mãn đem quân sang đánh Chiêm Thành, khiến vua nước ấy là Ba Đích Lại (Jaya Sinhavarman V) phải cắt đất Chiêm Động và Cổ Lũy để cầu hòa. Kể từ đó, cả vùng đất có đèo Hải Vân mới thuộc hẳn về nước Đại Ngu, tức Việt Nam ngày nay, và trở thành ranh giới tự nhiên của hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam, như sách Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn đã chép: "Hải Vân dưới sát bờ biển, trên chọc từng mây là giới hạn của hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam".

    Đỉnh đèo Hải Vân có dấu tích cửa ải và lô cốt người Pháp xây dựng

Vào thời nhà Nguyễn, đèo Hải Vân vẫn là chỗ giáp ranh giữa Thừa Thiên và Quảng Nam. Phía bắc chân núi giáp vực biển có hang Dơi, tục gọi là bãi Tiêu. Tương truyền xưa có thần sóng, thuyền đi qua đó thường bị lật chìm, nên ngạn ngữ có câu: "Đường bộ thì sợ Hải Vân; Đường thủy thì sợ sóng thần Hang Dơi".

Trong nhiều thế kỷ, đường Cái Quan, nay là quốc lộ 1A, băng qua đèo Hải Vân rất ít người dám qua lại, bởi đường nguy hiểm, thú dữ và kẻ cướp... Bởi vậy mà văn hóa giữa hai miền Bắc - Nam ít được giao lưu. Về sau, con đường này đã thông thoáng hơn. Dưới thời Pháp thuộc, người Pháp đã cho xây dựng tuyến đường sắt quanh co theo sườn núi giáp biển để vượt qua con đèo này.

Dưới thời Việt Nam Cộng hòa vì nguy cơ tai nạn giao thông trên con đường hẹp nên việc qua lại trên đèo được điều hành bằng cách đặt 3 trạm kiểm soát: một ở Lăng Cô, một ở đỉnh đèo, và một ở Liên Chiểu, điều hành xe phải đi thành đoàn cùng lên đèo hoặc cùng xuống đèo để giảm tai nạn xe đâm nhau ngược đường. Xe từ Lăng Cô hay Liên Chiểu phải đợi tụ thành một đoàn rồi bắt đầu trèo đèo cùng một lượt. Đến đỉnh đèo thì đoàn xe dừng lại ở trạm kiểm soát và rồi xuống đèo cùng một lượt cho đến qua khỏi trạm kiểm soát ở chân đèo. Như vậy suốt đoạn đường đèo chỉ có một chiều xe chạy. Năm 1966 lực lượng công binh Seabee của binh chủng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ nới rộng đường xa lộ qua đèo thì việc giao thông không phải đợi ở ba trạm kiểm soát kể trên nữa.

Ngày 5 tháng 6 năm 2005, hầm đường bộ xuyên đèo Hải Vân đã được đưa vào sử dụng đã tạo thuận lợi cho việc đi lại, nên trở ngại ấy đã không còn nữa, tuy nhiên, đèo Hải Vân vẫn là một "hàng rào" ngăn cản một phần khí hậu giữa hai miền.

Mặc dù ngày nay đã có hầm đường bộ xuyên đèo Hải Vân, và địa hình của đường đèo vẫn còn một số hiểm trở, song nhiều người vẫn thích đi trên con đường này để thưởng ngoạn. Vào những ngày đẹp trời, đứng trên đèo có thể thấy khá rõ một phần thành phố Đà Nẵng, cảng Tiên Sa, Bán đảo Sơn Trà, Cù Lao Chàm,... và những bãi cát vàng chạy dài ôm lấy mặt nước bao la trong xanh của biển.

Ngày nay, trên đỉnh đèo Hải Vân vẫn còn dấu vết của một cửa ải. Cửa ải này được gọi là Hải Vân Quan, xây từ đời Trần và được trùng tu vào thời Nhà Nguyễn 1826. Cửa trông về phủ Thừa Thiên đề ba chữ "Hải Vân Quan", cửa trông xuống Quảng Nam đề "Thiên hạ đệ nhất hùng quan". Một bên góc bảng còn ghi thêm "Minh Mệnh thất niên cát nhật tạo", tức là làm vào ngày tốt năm Minh Mệnh thứ 7 (1826). Danh hiệu này tương truyền do vua Lê Thánh Tông phong tặng khi nhà vua dừng quân ở đây vào năm  Canh Thìn 1470.

Cửa ải Hải Vân còn chứng kiến cuộc ngự du của vua Thành Thái vào mùa hè năm 1896. Xa giá của vua đi đường thủy vào đến Lăng Cô, nghỉ qua đêm rồi hôm sau đăng sơn. Vua cưỡi ngựa, tháp tùng là giới chức Pháp gồm có Toàn quyền Rousseau và Khâm sứ Brière lên tận cửa ải để ngắm cảnh quan. Ngoài ra, đỉnh đèo Hải Vân hiện vẫn còn một vài lô cốt, tàn tích của Đồn Nhất, do quân đội Pháp xây dựng vào năm 1826 để bảo vệ ngọn đèo chiến lược này. Về sau đồn bót ấy được chuyển sang tay quân đội Mỹ. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đèo Hải Vân là nơi đã liên tiếp diễn ra những trận đánh lớn.

Ngoài vẻ đẹp hiếm có, cung đường Hải Vân rất chênh vênh, uốn lượn với hàng chục khúc cua tay áo, được ví như "khúc cua tử thần". Nhiều năm trở lại đây, hàng chục vụ tai nạn thảm khốc xảy ra, cướp đi sinh mạng nhiều người, bia thờ được đặt khắp nơi ở mỗi khúc cua.

  

Các khúc cua của đèo Hải Vân

Nói về Hải Vân, ca dao Việt Nam có câu: “Chiều chiều mây phủ Ải Vân; Chim kêu ghềnh đá ngẫm thân lại buồn”. Có nhiều thơ đề vịnh về ngọn đèo này, đáng chú ý là bài thơ chữ nho "Vãn qua Hải Vân quan" của nhà chí sĩ Trần Quí Cáp (1870 – 1908), tạm dịch ra tiếng Việt như sau: “Hùng quan chất ngất đỉnh non xây; Bước đã quen nơi cúi ngửa này; Sầu ngập mắt trông ngàn dặm biển; Giận tung quyền phá bốn bề mây, Chiều quang mái trú đìu hiu bến; Mỏi đáp rừng chim lạnh lẽo cây; Bảy dặm quang co đèo vượt khói; Non Hành giai khí ngút trời bay”.

Đèo Hải Vân và cửa ải trên đỉnh đèo được triều đình nhà Nguyễn coi trọng nên vua Minh Mệnh đã truyền cho khắc hình vào Dụ Đỉnh, tức đỉnh thứ 8 của Cửu Đỉnh trong sân Thế miếu kinh thành Huế. Nếu Hà Giang thu hút các phượt thủ bằng ngọn núi Mã Pì Lèng uốn lượn hiểm trở, các vách đá dốc cheo leo thì Huế cũng hấp dẫn du khách với  bức tranh khung cảnh núi đồi trùng trùng điệp điệp trong làn mây trắng khi đặt chân đến đỉnh đèo Hải Vân, địa điểm mạo hiểm cho những tín đồ muốn chinh phục sự mới lạ và giới hạn của bản thân.

Khi lên đến lưng chừng đèo, có một quán bên đường với một bãi đất phẳng, đứng đây có thể quan sát cả một vùng vịnh xanh trong bên dưới. Chúng tôi dừng xe, cô gái bán hàng đon đả mời chào, nhưng có lẽ chỉ có chúng tôi là khách duy nhất lúc này. Đường đèo rất vắng xe qua lại. Tôi hỏi: ở lưng chừng núi thế này thì cháu lấy nước ở đâu? Dạ, nước được dẫn từ suối trên núi về bằng đường ống cao su ạ. À, thì ra vậy. Bây giờ một ngày cháu đón được bao nhiêu khách? Ít lắm chú à, trước đây khi chưa có con hầm thì xe cộ qua lại rất đông, cái bãi này không đủ chỗ cho xe đỗ, còn bây giờ thì chú thấy đấy, cô chú là người khách đầu tiên của con trong ngày hôm nay đó. Lúc này đã 9 giờ sáng, mặt trời đã chênh chếch trên đầu, tôi đoán cả ngày chắc được hơn chục vị khách ghé quán là nhiều.

  

Ráng chiều trên đèo hải vân

Dừng xe trên đỉnh đèo, gió thổi se se lạnh, chúng tôi leo lên di tích cửa ải đã nhuốm màu năm tháng nhưng vẫn uy nghi trầm mặc, nơi lưu dấu những cột mốc trong quá trình hình thành đèo Hải Vân. Và để đứng trên dốc núi xanh ngắt, hít thở không khí trong lành, thả hồn vào thiên nhiên, đúng như cái tên tiền nhân đã đặt…

  

Bích Khê, nhà thơ tiền chiến đã có những câu thơ đầy sâu lắng về Đèo Hải Vân: “Đường đời thành bại chòm mây bạc; Tiếng cũ anh hùng ngọn cỏ lau; Nhìn cảnh nước non non nước ấy; Ngàn xưa dâu bể chạnh lòng đau!”

 

Từ trên đèo có thể quan sát được cả một vùng trời, bao gồm dãy núi Bạch Mã, tuyến tàu hỏa Bắc – Nam. Đứng phía Bắc đèo có thể nhìn thấy làng chài và vịnh Lăng Cô. Đứng ở phía Nam đèo là cả thành phố Đà Nẵng, cảng Tiên Sa, cù lao Chàm và bán đảo Sơn Trà xanh mướt. Nổi bật nhất ở đèo Hải Vân chính là cung đường dài 20km xuyên qua núi rừng xanh tươi bạt ngàn, con đường khúc khuỷu, uốn mình theo triền núi như môt tuyệt phẩm nghệ thuật.

 

Đứng ở chân đèo Hải Vân phía Bắc thấy được Vịnh Lăng Cô, một tuyệt phẩm của thiên nhiên ban tặng (hình trái). Đứng ở chân đèo phía Nam thấy được toàn cảnh thành phố Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà và Vịnh biển Tiên Sa (hình phải).

Còn một địa điểm lãng mạn và hoang sơ nữa khi tới đèo Hải Vân mà ít ai biết đến vì hơi khó tìm là cây cầu vòm Đồn Cả, nằm ở cạnh khu di tích Đồn Cả và Ga Bãi Bắc (ga Hải Vân Bắc). Cây cầu vòm Đồn Cả là cây cầu xe lửa, có dạng mái vòm, bắc qua một con suối chảy từ ngọn Bạch Mã xuống. Con suối với những tảng đá rất đẹp, nước trong vắt mát lạnh. Nhìn dòng nước tôi lại nhớ câu "Nước trong thì không có cá, em mà ngoan quá thì chẳng có ai yêu", thế mà dòng suối trong vắt và cây cầu heo hút này gần đây được rất nhiều người, nhất là các tay phượt rất yêu thích. Với thiết kế đặc biệt và độc lạ, cây cầu trông như cánh cổng thiên đường lạc vào thế giới bí mật. Nhìn từ trên cao, con đường xe lửa như dải lụa mềm vắt ngang qua núi, không kém gì cảnh quay Hollywood ở phương Tây. Đứng trên những tảng đá của dòng suối ngước nhìn lên cây cầu rêu phong quả thật hùng vĩ. Ánh nắng rực rỡ xuyên qua kẽ lá, lấp lánh xuống dòng suối, tiếng lá xào xạc khi ngọn gió vô tình thổi qua khiến ai ai cũng cảm thấy trong lòng lâng lâng khó tả.

  

Cây cầu vòm Đồn Cả bắc qua một con suối, nằm ở cạnh khu di tích Đồn Cả và Ga Bãi Bắc (ga Hải Vân Bắc).

Xuống hết đường đèo phía Bắc, con đường chui qua cầu dẫn của hầm Hải Vân rồi men theo chân núi Bạch Mã bên bờ đầm Lập An để đến cây cầu bắc qua đầm Lập An sang thị trấn Lăng Cô. Vịnh Lăng Cô đã được Câu lạc bộ các vịnh biển thế giới (Worldbays) trao danh hiệu vịnh đẹp thế giới vào ngày 6.6.2009. Đây rồi, một tấm biển lớn nền xanh có dòng chữ và mũi tên chỉ “Bãi biển Lăng Cô”. Chúng tôi rẽ lên khoảng 1,5km thì tới một bãi biển cát trắng trải dài, rẽ phải theo con đường dọc bãi biển, chạy tới cuối con đường thì thấy bên phải là Đồn Biên phòng Lăng Cô. Dừng xe lại, nhìn quanh chẳng có hàng quán nào gần đây cả, bãi biển vẫn còn rất hoang sơ. Chúng tôi lấy bộ bàn ghế dã ngoại mang theo đặt dưới rặng phi lao dọc bãi cát pha trà và cà phê cùng bánh nhân kem để thưởng thức trên bãi biển tuyệt vời này. Ghi lại tấm ảnh định vị vệ tinh vị trí mình ngồi để làm kỷ niệm.

 

Biển Lăng Cô, Huế được Worldbays (Câu lạc bộ các vịnh biển đẹp thế giới) bình chọn  là một trong những bãi biển đẹp của thế giới (2009). Bản đồ Google ghi lại vị trí của chúng tôi khi dừng lại trước đồn Biên Phòng Lăng Cô trên bãi biển Lăng Cô.

Lăng Cô được biết đến là bãi biển đẹp tự nhiên dài 10km với bờ cát trắng mịn trải dài, bao phủ bởi cánh rừng nhiệt đới rộng lớn hàng ngàn km của những ngọn núi thuộc dãy núi Bạch Mã.  Núi Bạch Mã bắt đầu được chú ý khi một kỹ sư người Pháp, ông Girard tổ chức khai phá vào năm 1932 nhằm phát triển du lịch phục vụ giới thượng lưu thời đó cùng các quan chức. Sau đó Bạch Mã dần bị lãng quên khi chiến tranh liên tục kéo dài vào những năm 50 & 60. Mãi đến khi hòa bình lập lại, thắng cảnh này mới bắt đầu chính thức được bảo tồn và phát triển với sự thành lập Vườn quốc gia Bạch Mã của chính phủ Việt Nam.

Lăng Cô là một thị trấn thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, nằm trên cuối doi đất ngăn đầm Lập An với biển. Cái tên "Lăng Cô" có người cho rằng là do người Pháp đọc trại tên "An Cư", An Cư là tên một làng chài ở phía nam đầm Lập An. Cũng có người cho rằng lúc trước ở Lăng Cô có nhiều đàn cò, nên được gọi là Làng Cò, người Pháp viết không có dấu lại thêm giọng đọc lơ lớ thành ra “Lang Cô” và dân địa phương đọc trại thành Lăng Cô. thị trấn có số nhân khẩu khoảng 11.200 ng­ười, sản xuất theo ba ngành nghề chính là nông nghiệp, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và dịch vụ th­ương mại. Trong đó, dịch vụ thư­ơng mại chiếm 40%, thủy sản là 35% và nông nghiệp là 25%. Dân c­ư có mức sống thấp so với mặt bằng bình quân trong tỉnh. Trong một vài năm gần đây, do đ­ược đầu tư­ một số công trình trọng điểm nh­ư công trình cảng n­ước sâu Chân Mây, nâng cấp quốc lộ 1A, xây dựng cầu dẫn và hầm đư­ờng bộ Hải Vân... Số người đến làm việc ở trong khu vực khá đông, dịch vụ đáp ứng mọi nhu cầu đư­ợc nâng lên, nên mức sống của người dân đã đ­ược cải thiện đôi chút. Dân c­ư tập trung trong vùng Nam của doi cát hẹp Lăng Cô, cũng là khu vực phía mũi của doi cát, và một vài vùng ven đầm Lập An chủ yếu tập trung ven đư­ờng quốc lộ 1A, gần ga đ­ường sắt Hải Vân Bắc và vùng ven đầm. Dân số một vài năm gần đây cũng có tăng lên, tăng cơ học do một số cơ quan nh­ư công đoàn, du lịch và quân đội cũng tổ chức xây dựng khách sạn, nhà nghỉ và doanh trại ở đây. Khu đất quy hoạch gồm dải bãi cát sát bờ biển có cao độ 1,5 m đến 10,5 m trở lên; tiếp đến là một dải cồn cát hẹp có cao độ từ 5,0m đến 23,0m chạy dài 8 – 9km. Ngoài ra về phía Tây và Tây Nam có đầm Lập An, các bầu trũng và các thung lũng nhỏ hẹp. Thị trấn Lăng Cô được thành lập vào năm 2002 trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Lộc Hải cũ. Bãi biển Lăng Cô là một danh lam thắng cảnh thiên nhiên của tỉnh Thừa Thiên – Huế, cùng với cụm Hải Vân – Non Nước được đưa vào danh sách các khu du lịch Quốc gia Việt Nam. Bãi biển Lăng Cô từ lâu đã nổi tiếng là một bãi biển có các điều kiện tự nhiên và phong cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam, với bãi cát trắng dài tới hơn 10 km, làn n­ước biển trong xanh bao la tuyệt đẹp, bên cạnh đó là những cánh rừng nhiệt đới rộng lớn trên những dãy núi nhấp nhô, nằm giữa núi rừng và biển là đầm Lập An rộng lớn 800 ha đầy huyền bí. Lăng Cô còn là vị trí địa lý nằm giữa 3 trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Thế giới là: Cố đô Huế, Khu phố cổ Hội An và Khu Thánh địa Mỹ Sơn với bán kính là 70 km.

 

Đầm Lập An được tạo bởi doi đất có thị trấn Lăng Cô và vòng cung chân núi Bạch Mã, có cây cầu dẫn vào hầm Hải Vân (ở trước) và cây cầu đường bộ của đường quốc lộ 1A dẫn lên đèo Hải Vân (phía xa). Thị trấn Lăng Cô nằm ở mũi doi đất, bãi biển Lăng Cô cát trắng và thoai thoải trải dài theo bờ đông của doi đất.

Nằm ngay dưới chân đèo Phú Gia, đầm Lập An đẹp như bài thơ “Thu Điếu” của Nguyễn Khuyến, đâu đó giữa làn nước biếc là “một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.” Đây từng là nơi câu cá yêu thích của vua Khải Định và Bảo Đại mỗi khi hè về. Đầm Lập An, hay còn gọi là đầm An Cư được bao quanh bởi dãy núi Bạch Mã hùng vĩ, những đụn mây sà trĩu xuống, tạo thành lớp sương mờ ảo giăng trên mặt nước, như một bức tranh thủy mặc đẹp đến nao lòng. Lúc thủy triều xuống, một điều thú vị là có thể theo chân người dân địa phương đi đào đụn cát để tìm sá sùng biển.

Trên đầm có một làng chài nhỏ có cầu gỗ dẫn ra với các nhà hàng hải sản, ở đó tha hồ khám phá đặc sản Lăng Cô, nhất là món hàu, một sản vật đặc biệt được thiên nhiên hào phóng ban tặng cho người dân nơi đây.

Rời bãi biển Lăng Cô xinh đẹp, chúng tôi đi thêm khoảng 30km nữa để tới thành phố Huế. Huế là thành phố quen thuộc của chúng tôi. Kỷ niệm lần đầu đến Huế là chuyến đi thăm núi Ngự Bình. Chẳng là trước đó chúng tôi chỉ biết tới Huế qua thơ văn, mà thơ văn nói đến Huế là nói đến “sông Hương, núi Ngự”. Sông Hương thì đây rồi, chúng tôi đã đi dạo bên bờ sông Hương, đã đi trên cầu Trường Tiền, đã ngồi trên thuyền buổi tối nghe ca Huế, đã đến chợ Đông Ba ở đầu cầu bên phía Đại Nội. Còn núi Ngự Bình thì mới chỉ nhìn thấy một ngọn núi nhô lên giống một chiếc bát úp khi đứng trên ban công khách sạn. Mình phải tới núi Ngự Bình, chứ chưa tới núi Ngự Bình thì vẫn thấy thiếu thiếu cái gì đó. Thế là sáng hôm sau chúng tôi thuê xe máy của khách sạn, theo hướng dẫn của cô tiếp tân chúng tôi đi hết đại lộ Điện Biên Phủ tới Đàn tế trời có tên là đàn Nam Giao được xây dựng dưới triều Nhà Nguyễn 1807. Đây là nơi các vua nhà Nguyễn tổ chức lễ tế trời đất vào mùa xuân hàng năm, thuộc địa phận phường Trường An, thành phố Huế. Đàn Nam Giao ở Huế còn tương đối nguyên vẹn.

 

Đàn Nam Giao, thuộc địa phận phường Trường An, thành phố Huế

Thăm Đàn Nam Giao xong chúng tôi đi tiếp theo đường Ngự Bình. Từ đây chạy thêm 2km thì rẽ tiếp đường Nguyễn Khoa Chiêm – Đặng Huy Trứ là đến núi Ngự Bình. Núi ở phía đông bắc Hương Thủy, cách trung tâm thành phố khoảng 4km, nổi lên trên một vùng đất bằng phẳng giống như bức bình phong chấn trước Kinh thành Huế, tục gọi là núi Bằng vì đỉnh núi bằng phẳng, đời Gia Long đặt cho tên như hiện nay là núi Ngự Bình. Đây là một ngọn núi đất có đỉnh phẳng, trên đỉnh có rừng thông. Cư dân truyền rằng từ thời vua Gia Long, tất cả các quan lại không phân biệt phẩm trật lớn nhỏ, mỗi người đều phải trồng ở Ngự Bình một cây thông, cho nên trải các đời vua, Ngự Bình trở thành một rừng thông. Núi Ngự Bình không cao, chỉ cao khoảng 103m. Từ lưng núi trở xuống chúng tôi thấy toàn là mộ, men theo con đường nhỏ lượn quanh dưới chân núi xem các hướng khác thế nào, nhưng con đường quanh co cũng hai bên là mộ và đi gần hết một vòng vẫn thấy toàn mộ. Quay trở về chúng tôi rút ra một kết luận: Có những cái chỉ nên tìm hiểu qua thơ văn mà không nên mục sở thị nếu như không muốn thất vọng. Với các cô người mẫu cũng vậy, chỉ nên ngắm họ từ xa trong bộ mode trình diễn dưới ánh đèn sân khấu, đừng nhìn họ lúc đang để mộc, lại càng đừng nhìn họ khi thay đồ vì bạn sẽ rất thất vọng đấy.

   

Núi Ngự Bình Huế

Một kỷ niệm khác rất đẹp đó là sau giải phóng năm 1975, lúc đó tôi mới chỉ là một chàng trai mười chín đôi mươi mặc áo lính, ngồi trên xe quân sự qua Huế. Hồi đó, dưới chế độ Việt nam Cộng Hòa có trường nữ sinh riêng, trường nam sinh riêng. Vào cuối buổi sáng thấy các em nữ sinh mặc áo dài trắng, quần trắng ùa ra cổng trường sao mà đẹp đến thế. Cái hình ảnh đó làm anh chàng lính trẻ gần 5 năm sống trên rừng lần đầu nhìn thấy sao mà nao lòng, rồi nó cứ như một dấu ấn trong lòng không phai theo thời gian năm tháng. Bây giờ, nói đến Huế phải nói đến áo dài, nón bài thơ và phá Tam Giang. Hãy điểm qua những nét đặc trưng văn hóa này của Huế một chút.

Chưa có văn bản chính thức nào kết luận về nguồn gốc và sự hình thành của tà áo dài Việt. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đó là bước phát triển từ áo tứ thân và áo năm thân của người Việt xưa. Nhưng một số văn bản khác, như nghiên cứu của Bảo tàng Áo dài thành phố Hồ Chí Minh, lại cho rằng áo dài là một nhánh trang phục riêng biệt với dấu tích xuất hiện trong các ghi chép và di vật cổ. Là chút tình tứ của người con gái Việt, áo dài mỗi nơi lại điểm chút hương đồng gió nội riêng của xứ ấy. Huế, với những tà áo dài thướt tha duyên dáng của những người con gái Việt và cũng da diết chất tình riêng người con xứ Huế. Đẹp nhất có lẽ vẫn là tà áo trắng của những cô nữ sinh Đồng Khánh xứ Huế đã đi vào thơ ca: “Nữ sinh Đồng Khánh ngày xưa; Xui hoàng hôn tím trang thơ học trò; Nữ sinh Đồng Khánh qua đò; Xui dòng Hương cất giọng hò xa xôi…”. Trải qua nhiều thăng trầm, tà áo dài xứ Huế vẫn mang trong mình những giá trị riêng có và cả những câu chuyện về văn hóa của vùng đất Cố đô. Gọi nắng trên vai em gầy, đường xa áo bay / Nắng qua mắt buồn, lòng hoa bướm say / Lối em đi về, trời không có mây / Đường đi suốt mùa, nắng lên thắp đầy”, bóng dáng áo dài thấp thoáng trong những giai điệu, lời ca bài Hạ trắng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người đã có nhiều năm tháng sống trong căn gác nhỏ trên đường Nguyễn Trường Tộ, thành phố Huế. Thuở ấy, người nghệ sĩ tài hoa đã đem lòng yêu mến một nữ sinh vẫn hàng ngày đi về qua con đường dưới căn gác nhỏ của ông. Và cái dáng thướt tha trong tà áo dài của cô nữ sinh trường Đại học Văn khoa Huế Ngô Thị Bích Diễm ấy đã như thôi miên chàng nhạc sĩ tài hoa mà từ đó bài hát "Diễm xưa" ra đời và đã đi vào lịch sử ca nhạc Việt Nam "...Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ / Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua / Trên bước chân em âm thầm lá đổ / Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa / Chiều nay còn mưa sao em không lại / Nhớ mãi trong cơn đau vùi / Làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau / Bước chân em xin về mau...".  Vì vậy hình ảnh tà áo dài Huế cứ trở đi trở lại trong những ca khúc của nhạc Trịnh như một niềm thương mến khôn nguôi. Cũng vì thế mà nhiều người sau này đến Huế thường hay thả bộ trên đường phố lắng nghe nhạc Trịnh và dõi mắt tìm những tà áo dài thướt tha dưới phố.

Nón bài thơ cũng là nét riêng của Huế, là một loại nón lá đặc biệt ở xứ Huế, khi soi lên ánh sáng thì thấy hiện lên bài thơ hay hình ảnh hoa văn được tạo nên khéo léo, bố cục cân đối giữa hai lớp lá nón. “Gió cầu vương áo nàng thôn nữ; Quai lỏng nghiêng vành chiếc nón thơ". Nón bài thơ xứ Huế cũng giống như nón ở một số địa phương khác trên cả nước, tuy nhiên nét đặc thù mang đậm dấu ấn phong cách Huế chính là dáng nón thanh tao, mềm mại, màu trắng sáng xanh mát dịu của lá và những hình hoa văn được tạo nên khéo léo, bố cục cân đối giữa hai lớp lá, chỉ khi soi ra trước ánh sáng mới có thể nhận thấy được vẻ đẹp đầy thi vị này. Nghề làm nón lá nổi tiếng ở Huế từ lâu nhưng làm nón bài thơ thì chỉ khoảng từ sau năm 1959. Người dân làng Tây Hồ, huyện Phú Vang nằm bên dòng sông Như Ý, cách thành phố Huế 12km về phía Đông, luôn tự hào quê mình là nơi xuất xứ của nón bài thơ xứ Huế. Chiếc nón bài thơ ra đời ở Tây Hồ như một sự tình cờ. Đó là vào khoảng năm 1959-1960, ông Bùi Quang Bặc, một nghệ nhân chằm nón lá, cũng là một người yêu thơ phú trong làng đã có sáng kiến làm nên nón bài thơ, bằng cách ép những câu thơ vào giữa hai lớp lá, tôn vinh thêm vẻ đẹp của chiếc nón. Lúc đó, nón lá ở Huế chủ yếu bán vào thị trường ở các tỉnh phía Nam, nên hai câu thơ đầu tiên được ông Bặc ép vào chiếc nón là: "Ai ra xứ Huế mộng mơ / Mua về chiếc nón bài thơ làm quà". Ban đầu, nón bài thơ được người dân Tây Hồ làm để tặng người thân, không ngờ lại được mọi người yêu thích. Từ đó, những người làm nón ở Tây Hồ bắt đầu làm nón bài thơ hàng loạt, đưa ra bán ở thị trường. Những câu thơ được ép vào nón cũng đa dạng và phong phú hơn, thường là những câu thơ về Huế: “Sao anh không về thăm quê em; Ngắm em chằm nón buổi đầu tiên; Bàn tay xây lá, tay xuyên nón; Mười sáu vành, mười sáu trăng lên”.

Bản đồ vệ tinh quốc lộ 1A từ Lăng Cô tới thành phố Huế đi qua bờ phía tây của đầm Cầu Hai, nếu đi theo quốc lộ 49B thì rẽ phải theo bờ phía nam và phía đông đầm Cầu Hai qua cầu Tư Hiền (khánh thành 2007) rồi đi dọc theo bờ phía đông đầm Thủy tú tới cầu Tam Giang (khánh thành 8.2007) qua cầu về quốc lộ 1, đường này xa hơn nhưng rất đẹp.

Từ bãi biển Lăng Cô chạy theo quốc lộ 1 ra phía bắc, trước khi tới thành phố Huế chúng tôi chay qua đầm Cầu Hai. Đầm Cầu Hai nằm trong hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Nói đến Huế, ngoài sông Hương, núi Ngự  còn phải nói đến phá Tam Giang. Phá Tam Giang là một hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Khu đầm này gồm bốn đầm nối nhau từ bắc xuống nam là Phá Tam Giang, Đầm Sam, Đầm Hà Trung - Thủy Tú, Đầm Cầu Hai. Đây là vùng đầm phá nước lợ lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á. Đầm phá được hình thành do một doi cát chạy dọc ven biển ngăn một phần biển mà thành.

 

Bản đồ hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai

Diện tích phá Tam Giang khoảng 52km², cách thành phố Huế 11km. Độ sâu của phá này từ 2 - 4m, có nơi sâu tới 7m. Phá Tam Giang với cửa Thuận An thông ra biển và sông Hương là con đường thủy chính từ biển lên kinh thành Huế, nên ngày xưa ai thượng kinh đều phải vượt qua phá. Phá Tam Giang kéo dài từ cửa sông Ô Lâu đến vùng cửa Thuận An với chiều dài 25 km và có diện tích 5.200ha. Phá ngăn cách với biển Đông nhờ dãy cồn đụn cát chắn bờ cao 10 - 30m, rộng từ 0,3 đến 5km. Ở phía Đông Nam, phá Tam Giang thông ra biển Đông qua cửa biển phát sinh trong trận lũ lịch sử năm 1404 gần làng Hòa Duân gọi là cửa Hòa Duân. Cửa biển Hòa Duân tồn tại đến 500 năm thì bị lấp dần tự nhiên vào năm 1904 nên được gọi là cửa Lấp. Cửa Lấp tuy còn hoạt động nhưng khẩu độ bị thu hẹp dần, khả năng thoát lũ qua cửa Hòa Duân bị giảm sút. Do vậy, từ cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII trở đi vào những năm lũ lớn, ngoài cửa Hòa Duân, nước lũ còn thoát ra biển theo con lạch ngày mỗi sâu và rộng hơn cắt qua dãy cồn đụn cát hẹp và thấp giữa làng Thái Dương Hạ. Trong đợt sóng thần ngày 15/10/1897, lạch được khoét sâu, mở rộng thành cửa biển mới và được gọi là cửa Sứt. Cửa Sứt lại bị lấp sau đó và trong trận bão ngày 19/9/1904 lại được khai thông tự nhiên, mở rộng thành cửa biển lớn mang tên Thuận An cho đến ngày nay. Ngược lại, cũng trong trận bão này cửa biển Hòa Duân bị lấp hẳn. Đến trận lũ lịch sử ngày 02/11/1999 cửa Hòa Duân được khai thông trở lại, nhưng đến năm sau đã bịt lại bởi đập Hòa Duân.

Nối tiếp phá Tam Giang về phía nam là đầm Thủy Tú. Đầm bao gồm các đầm Sam, Thanh Lam, Hà Trung và Thủy Tú kéo dài từ cầu Thuận An đến Cồn Trai trên chiều dài 33 km và có diện tích tới 5.220ha. Dãy cồn đụn cát chắn bờ ngăn cách đầm với biển Đông cao từ 2 - 12m và rộng từ 0,2 – 5km tùy từng đoạn.

Nối tiếp đầm Thủy Tú về phía Nam là đầm Cầu Hai. Đầm có dáng lòng chảo hình bán nguyệt, có diện tích 11.200ha. Đầm Cầu Hai liên thông với biển Đông qua cửa Tư Hiền, còn gọi là cửa Vinh Hiền. Dãy cồn đụn cát đoạn bờ Vinh Hiền có bề rộng khoảng 100 - 300m, độ cao 1 - 1,5m, lại luôn luôn biến động như một bãi ngang. Theo sử sách ghi lại, cửa Tư Hiền có trước cửa Hòa Duân và cửa Thuận An rất lâu, có thể vào khoảng 3.500 - 3.000 năm trước đây, và cũng mang nhiều tên gọi như Ô Long, Tư Dung, Tư Khách, Tư Hiền. Tuy chưa thấy xảy ra hiện tượng đóng kín cửa Tư Hiền kể từ khi mở thêm cửa biển thứ hai Hòa Duân vào năm 1404, nhưng bắt đầu thế kỷ XVIII trở đi, do khối lượng nước thông qua cửa Hòa Duân và con lạch giữa Thái Dương Hạ ngày một gia tăng, nên khối lượng nước trao đổi tại cửa Tư Hiền suy giảm và hậu quả là cửa biển này bị thu hẹp, lấp cạn dần. Mãi cho đến năm 1811, khi trận lũ kịch phát xảy ra, nước lũ đã phá toang bãi cát ngang chắn bờ Phú An, tạo thêm cửa Tư Hiền mới cách cửa Tư Hiền cũ 3 km về phía Bắc. Cũng từ thời gian này về sau hai cửa Tư Hiền cũ và mới đóng, mở với chu kỳ ngắn hơn, có lúc luân phiên, cửa này đóng, cửa kia mở, trong đó cửa Tư Hiền thường tồn tại không lâu và bị lấp lại khi mùa khô đến.

Nhờ dung tích trữ nước khổng lồ, từ 300 - 500 triệu m3 vào mùa khô, thậm chí tới 600 triệu m3 vào mùa lũ, hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai còn đóng vai trò quyết định đối với hiện tượng chậm lũ trên lãnh thổ đồng bằng cũng như vấn đề ổn định cửa biển (đóng - mở) và dãy cồn đụn cát chắn bờ khi có lũ lịch sử xảy ra (trận lũ năm 1409, năm 1999). Đặc biệt nhất là năm 1999 khi có lũ lớn, hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai mở thêm ba cửa thông ra biển: cửa Hòa Duân, cửa Vinh Hải, và cửa Lộc Thủy. Những cửa này không tồn tại lâu dài vì sau đó ít lâu lại bị cát bồi lấp đi. Và hiện nay hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai chỉ thông với biển Đông qua hai cửa Tư Hiền và Thuận An. Tuy là đầm nhưng vì có sóng nên có câu ca dao: “Đường vô xứ Huế quanh quanh; Non xanh nước biếc như tranh họa đồ; Thương em anh cũng muốn vô; Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang...”. Người ta sợ phá Tam Giang là vì phá Tam Giang là nơi giao điểm của các con sông, cửa ra biển hẹp nên có nhiều vụng nước xoáy, sóng to gió lớn dễ gây lật thuyền nên thuyền bè không dám qua lại. Sau này quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng, triều Nguyễn đã cho lính cải tạo mở rộng cửa và đáy phá nên các tai nạn đã thuyên giảm đáng kể. Vào thập niên 1970, trong giai đoạn ác liệt của cuộc chiến tranh Việt Nam, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã phổ nhạc cho một bài thơ của Tô Thùy Yên và đặt tên bài hát là Chiều trên phá Tam Giang. Bài hát có đoạn: "Chiều trên phá Tam Giang, anh chợt nhớ em. Nhớ sao là nhớ..."

Chợ nổi trên phá là một trong những đặc trưng của vùng đầm phá lớn nhất Đông Nam Á này. Các phiên chợ nổi thường bắt đầu từ 4 giờ sáng và tan khi bình minh ló rạng, thường vào khoảng 6 - 7 giờ. Không đông đúc và đa dạng như các phiên chợ nổi ở miền Tây Nam Bộ, chợ nổi ở đây chủ yếu là mua bán các loại thủy sản của vùng đầm phá.

Có một ốc đảo nhỏ trên phá Tam Giang, đó là làng chài Thái Dương Hạ. Xung quanh làng là nước bao phủ bốn bề, làng chài cổ xưa hàng trăm năm này vẫn tồn tại và phát triển đến ngày nay. Bao phủ quanh phá là rừng ngập mặn Rú Chá, một đặc điểm độc đáo bao quanh phá Tam Giang. Những rặng cây ngập mặn bao phủ tựa như bức tường cây. Đi thuyền vào khu vực này làm chúng ta có cảm giác lâng lâng, tách biệt với thế giới bên ngoài. Nơi này còn là nguồn tôm, cá dồi dào, rừng còn là nơi cư trú của nhiều loài chim. Khi ánh chiều tà buông xuống, từng đàn chim bay về tổ là cảnh tượng khó quên nhất khi du lịch Rú Chá.

Rời Huế chúng tôi đi khoảng 57km thì tới thị xã Quảng Trị. Hiện nay, thị xã Quảng Trị không phải là tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, thị xã đã từng là lỵ sở của dinh Quảng Trị dưới thời nhà Nguyễn. Từ năm 1976, khi tỉnh Quảng Trị hợp nhất với hai tỉnh Quảng Bình và Thừa Thiên thành tỉnh Bình Trị Thiên thì thị xã Quảng Trị là tỉnh lỵ. Khi tỉnh Quảng Trị được tái lập vào năm 1989, tỉnh lỵ được đặt tại thị xã Đông Hà cho đến ngày nay, nay là thành phố Đông Hà.

Quảng Trị là một tỉnh ven biển thuộc vùng Bắc Trung Bộ. Tỉnh lỵ của Quảng Trị là thành phố Đông Hà, thành phố nằm ở ngã ba Quốc lộ 1A và Quốc lộ 9. Quảng Trị có Khu phi quân sự là vĩ tuyến 17, là giới tuyến chia cắt miền Bắc và miền Nam Việt Nam, do đó cũng là một chiến trường ác liệt nhất trong suốt 20 năm của cuộc Chiến tranh Việt Nam (1954 - 1975).

Cuối thế kỷ 2, nhà nước Đại Việt nhanh chóng phát triển về mọi mặt và luôn tìm cách phát triển lãnh thổ để giành lấy không gian sinh tồn trước sự uy hiếp của Trung Quốc ở phía Bắc và Chăm Pa ở phía Nam. Sự phát triển nhanh chóng của Đại Việt là mối lo ngại cho Chăm Pa cũng như tham vọng của nhà Tống. Để loại trừ mọi uy hiếp ở phía Nam và phá tan âm mưu của nhà Tống câu kết với Chăm Pa đánh phá Đại Việt, năm 1069 vua Lý Thánh Tông thân chinh thống lĩnh 5 vạn quân cùng Lý Thường Kiệt đi tiên phong đánh thẳng vào kinh đô Chà Bàn, bắt được vua Chăm Pa là Rudravarman III mà sử Việt gọi tên là Chế Củ, đưa về Thăng Long. Để chuộc tội, Chế Củ xin dâng 3 châu: Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh cho Đại Việt. Vua Lý Thánh Tông nhận 3 châu đó rồi tha cho Chế Củ về nước. Ông cho đổi châu Địa Lý thành châu Lâm Bình, châu Ma Linh thành châu Minh Linh. Địa bàn của châu Minh Linh được phỏng đoán tương ứng với vùng đất từ Cửa Việt trở ra phía bắc Quảng Trị ngày nay, gồm các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Đa Krong, một phần đất của thành phố Đông Hà, các huyện Hướng Hóa và Vĩnh Linh hiện nay.

Một trong những sự kiện lịch sử đáng nhớ của Quảng Trị xảy ra vào thời nhà Trần. Năm 1306, vua Chăm Pa là Jaya Sinhavarman III, sử Việt chép là Chế Mân, dâng biểu cầu hôn lên vua Trần Anh Tông xin cưới Công chúa Huyền Trân và dâng 2 châu Ô và Lý (Rí) làm vật sính lễ. Vua Trần bằng lòng gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân và nhận hai châu Ô, Rí. Năm 1309, nhà Trần đổi châu Ô thành Thuận Châu, châu Rí thành Hóa Châu. Địa bàn Thuận Châu tương ứng với vùng đất từ sông Hiếu, Cửa Việt trở vào phía Nam Quảng Trị ngày nay, trong đó có các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, thị xã Quảng Trị và một phần đất thành phố Đông Hà hiện nay.

Từ đó cho đến khi người Việt hoàn thành công cuộc Nam Tiến, dù có vài lần ChămPa chiếm lại được quyền kiểm soát, nhưng chung quy người Việt vẫn làm chủ được vùng này. Đặc biệt từ sau năm 1558, khi Nguyễn Hoàng được vua Lê Anh Tông sai vào trấn thủ Thuận Hóa, đóng Dinh Cát ở Ái tử, các chúa Nguyễn đã áp dụng những chính sách di dân cũng như cho phép người nước ngoài nhập cư vào Đàng Trong, đặc biệt là người Hoa, nhằm làm tăng nhanh dân số cũng như tiềm lực kinh tế để làm cơ sở tranh hùng với các chúa Trịnh ở Đàng Ngoài.

Trong suốt gần 300 năm, vùng đất Quảng Trị tồn tại với tên gọi Cựu dinh thuộc vào trấn Thuận Hóa. Mãi đến sau khi Gia Long lên ngôi năm 1802, đã đặt lại Cựu dinh thành dinh Quảng Trị. Đến năm 1827, dinh Quảng Trị nâng lên thành trấn Quảng Trị. Năm 1832, trấn Quảng Trị đổi thành tỉnh Quảng Trị. Năm 1853, tỉnh Quảng Trị hợp nhất với phủ Thừa Thiên thành đạo Quảng Trị. Tới năm 1876, tỉnh Quảng Trị được tái lập.

Sau khi Pháp nắm được quyền kiểm soát Đông Dương. Năm 1890, Quảng Trị hợp nhất với tỉnh Quảng Bình thành tỉnh Bình Trị. Đến năm 1900, Quảng Trị tách ra khỏi Thừa Thiên lập thành một tỉnh riêng biệt. Năm 1906, thành lập thị xã Quảng Trị và đặt làm tỉnh lỵ.

Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải gồm 2 màu xanh và vàng là giới tuyến chia đôi 2 miền Nam và Bắc Việt Nam từ 1954. Hiện nay cầu chỉ còn là chứng tích lịch sử, một cây cầu Hiền Lương bằng bê tông mới đã thay thế.

Sau 1954, sông Bến Hải được chọn làm giới tuyến quân sự tạm thời, tỉnh Quảng Trị tạm thời chia làm hai vùng: Vùng bờ nam sông Bến Hải là tỉnh Quảng Trị do chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý. Hơn 3/4 địa bàn và dân cư của huyện Vĩnh Linh ở phía Bắc vĩ tuyến 17, bờ bắc sông Bến Hải, do Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quản lý, được thành lập đặc khu. Đặc khu Vĩnh Linh tương đương đơn vị hành chính cấp tỉnh, trực thuộc Trung ương.

Sau giải phóng, từ 1976, Quảng Trị cùng hai tỉnh Quảng Bình, thừa Thiên và đặc khu Vĩnh Linh hợp nhất thành tỉnh mới là Bình Trị Thiên. Năm 1989, tỉnh Bình Trị Thiên lại được chia thành 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. Năm 2009 chuyển thị xã Đông Hà thành thành phố Đông Hà.

Quảng Trị có nhiều sông ngòi với 7 hệ thống sông chính là sông Thạch Hãn, sông Bến Hải, sông Hiếu, sông Ô Lâu, sông Bến Đá, sông Xê Pôn và sông Se Păng Hiêng. Trong những năm Chiến tranh Việt Nam, Quảng Trị là một trong những nơi bị thả bom nhiều nhất. Ngày nay Quảng Trị là nơi có nhiều địa danh, di tích lịch sử như cầu treo Dakrông, đường mòn Hồ Chí Minh, thành cổ Quảng Trị (là một nơi gắn liền với chiến dịch mùa hè 1972), Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9, Địa đạo Vịnh Mốc, Căn cứ Cồn Tiên – Dốc Miếu, hàng rào điện tử McNamara, bãi tắm Cửa Tùng, biển Mỹ Thủy, Biển Cửa Việt.

Sông Thạch Hãn, còn gọi là sông Quảng Trị, là con sông lớn nhất tỉnh Quảng Trị, có chiều dài 155km. Đây là con sông gắn liền với lịch sử Quảng Trị. Sông có chiều dài 155km, bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn ở phía Tây tỉnh Quảng Trị và đổ ra Biển Đông qua Cửa Việt. Sông Thạch Hãn chảy qua phía Tây Nam thị xã Quảng Trị. Đoạn qua thị xã Quảng Trị sông rộng 150 – 200m, là đường thủy nối liền Quảng Trị lên Ba Lòng và về Cửa Việt để ra Biển Đông.

Về tên gọi Thạch Hãn, nguyên tên trước là Thạch Hàn có thể được lý giải rằng do ở giữa nguồn có một mạch đá ngầm chắn ngang sông. Mạch đá như mồ hôi tiết ra thành dòng chảy, tên sông đặt theo đặc điểm này nên mới có tên là Thạch Hãn. Sông Thạch Hãn dài khoảng 155km bao gồm cả đầu nguồn. Với độ dài như vậy nên lượng phù sa do sông tải đến không nhiều, trừ những ngày lũ lụt, nước thường trong xanh nhìn thấy đáy. Sông Thạch Hãn từ xưa cho tới nay đều được coi là một con sông quan trọng, là huyết mạch giao thông đường thủy uốn lượn uyển chuyển qua các lưu vực đồng bằng, các vựa lúa chính của tỉnh Quảng Trị làm cho giao thông đường thủy giữa các địa phương này rất thuận lợi. Con sông cũng cung cấp nguồn nước cho các đồng bằng xanh tươi phía dưới hạ lựu, nơi mà dòng sông đi qua.

Trong chiến tranh, chiến dịch Quảng Trị từ 28/6 đến 15/9/1972 còn được gọi là Mùa hè đỏ lửa, khi bộ đội bám chốt ngăn chặn cuộc tiến công tái chiếm Thành cổ Quảng Trị, cũng như để tạo sức ép cho bàn hội nghị Paris, việc chuyển quân và vũ khí được thực hiện qua con sông này. Số lượng lớn bộ đội, cán bộ, vũ khí, được dân quân, bộ đội đưa vượt ngang dòng sông, tiến vào trận địa Thành cổ. Dưới mật độ hoả lực dày đặc khủng khiếp của quân Mỹ dội xuống, đã có rất nhiều người lính vĩnh viễn nằm lại nơi đáy sông ở độ tuổi mới mười tám đôi mươi. Riêng trận Thành cổ con sông đã nuốt khoảng hơn 1000 chiến sĩ. Cựu chiến sĩ Quảng Trị Lê Bá Dương trong lần quay lại Thành cổ Quảng Trị, kết bè hoa thả xuống dòng Thạch Hãn, con sông đang chứa trong lòng nó hàng trăm linh hồn liệt sĩ đồng đội, đã sáng tác câu thơ nổi tiếng: “Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ; Đáy sông còn đó bạn tôi nằm; Có tuổi đôi mươi thành sóng nước; Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”.

Ở phía bắc cầu Thạch Hãn có một tượng đài mô phỏng “20 giọt máu” , đây là đài tưởng niệm 20 chiến sĩ Trung đội huyền thoại Mai Quốc Ca. Tượng đài mô phỏng 20 giọt máu, hình 20 trái tim màu sáng hồng lấp lánh, soi xuống dòng sông Thạch Hãn… Quảng Trị mảnh đất lạ kì, nơi ôm ấp hai con sông từng mang vác sứ mệnh lịch sử làm dòng sông giới tuyến. Sông Bến Hải cắt chia hai miền Nam - Bắc sau Hiệp định Giơ - ne - vơ (1954) và sông Thạch Hãn sau Hiệp định Pa - ri (1973).

  

Từ ngày non sông thống nhất, Quảng Trị có hai nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia (cả nước chỉ có bốn nghĩa trang cấp quốc gia) đó là Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và Nghĩa trang Đường 9… Rồi những địa danh từng vang vọng như Lao Bảo, Làng Vây, Khe Sanh, Tà Cơn, Phu-Lơ, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Cửa Tùng, Cửa Việt và đặc biệt Thành cổ Quảng Trị với trận chiến 81 ngày đêm máu lửa…

Ở đầu cầu Thạch Hãn, bên bờ Bắc, tượng đài mô phỏng 20 giọt máu lung linh soi bóng xuống dòng sông. Đã hơn 45 năm trôi qua, câu chuyện về những người lính dũng cảm hiến dâng tuổi thanh xuân cho thống nhất của Tổ quốc vẫn sống mãi trong lòng những người dân nơi đây. Đêm mùng 9 rạng sáng mùng 10-4-1972, Trung đội quân giải phóng mang tên người Trung đội trưởng Mai Quốc Ca gồm 20 chiến sĩ thuộc Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 do Đại đội phó Nguyễn Văn Thỏa chỉ huy nhận nhiệm vụ mang 100 kg bộc phá, thọc sâu chiếm giữ và đánh sập cầu Quảng Trị, nay là cầu Thạch Hãn, nhằm cắt đường viện trợ của địch từ phía Nam ra các căn cứ quân sự ở Ái Tử, Đông Hà; tạo điều kiện để các cánh quân của ta tiêu diệt lực lượng mạnh nhất của địch đang tập trung ở chiến trường Quảng Trị. Các anh tuổi đời còn rất trẻ, Đại đội phó - Thiếu úy Nguyễn Văn Thỏa, quê ở xã Long Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An là người lớn tuổi nhất vẫn chưa đến 30. Trung đội trưởng Mai Quốc Ca, quê ở Hà Hải, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa vừa tròn 22 tuổi. Binh nhất Hà Trọng Nguyên, quê ở Hải Nhân, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa chưa đầy 18 tuổi… Rạng sáng ngày 10-4-1972, tiểu đội đầu tiên của Trung đội Mai Quốc Ca xuất kích thì vướng mìn Cờ-lây-mo của địch. Mục tiêu bị lộ, địch hốt hoảng khi thấy bộ đội chủ lực của ta nên khẩn cấp điều một lực lượng lớn với ba tiểu đoàn lính tinh nhuệ gồm Dù, Biệt động quân và Thủy quân lục chiến có máy bay, pháo binh, xe tăng yểm trợ tạo thành một gọng kìm lớn bao vây Trung đội Mai Quốc Ca. Cả trung đội lọt thỏm giữa vòng vây của địch. Với tinh thần "1 thắng 100", 20 chiến sĩ quân giải phóng đã chiến đấu vô cùng anh dũng, kiên quyết bám trụ, đẩy lùi những đợt tiến công điên cuồng của địch từ nhiều phía. Hết đợt này đến đợt khác, các chiến sĩ của Trung đội Mai Quốc Ca đã chiến đấu bằng súng đạn, lúc hết đạn thì dùng lưỡi lê, báng súng xông lên đánh giáp lá cà với địch, quyết tâm không chịu khuất phục. Người trước ngã xuống, người sau lao lên cho đến người cuối cùng để giữ trận địa. Quần nhau với giặc suốt từ rạng sáng cho đến quá trưa thì cả 19 anh em trong trung đội hi sinh, còn lại một người bị thương khá nặng và bị địch bắt. Khi tiếng súng ngừng hẳn, địch vẫn khép chặt vòng vây không cho bất cứ người dân Quảng Trị nào đến mang xác các anh về an táng. Chúng xếp các anh nằm thành hàng ngang, phơi nắng để thị uy tinh thần những người dân hướng về cách mạng. Trước cảnh tượng nhẫn tâm đó, nhiều nông dân ở thôn Nhan Biều, thôn An Đông đấu tranh để giành lại thi thể các anh. Cuộc đấu tranh kéo dài suốt một ngày đêm nhưng vẫn không mang lại kết quả. Một phương án hành động táo bạo được vạch ra. Từ mờ sáng ngày 11-4-1972, đông đảo bà con tập trung ngay đầu cầu Quảng Trị, hô vang khẩu hiệu đòi được chôn cất thi thể các anh và tiến thẳng vào nơi thi thể các chiến sĩ. Cuộc giằng co giữa nhân dân và lính ngụy diễn ra hơn năm giờ đồng hồ. Quân địch nổ súng, xô đẩy, dùng báng súng đánh đập nhưng càng đánh đập, bà con kéo tới càng đông. Cuối cùng bà con cũng đưa được thi thể 19 chiến sĩ về mai táng tại mép sông ở bến Nhan Biều, phía Bắc sông Thạch Hãn, nơi dựng tượng đài bây giờ. Cùng những hi sinh của Trung đội Mai Quốc Ca, sông Thạch Hãn còn là nghĩa trang không bia mộ của bao chiến sĩ Thành cổ kiêu hùng. Vào những ngày tháng Bảy, hoa và nến cứ trôi mênh mang trên dòng Thạch Hãn. Dòng sông này có đến hai ngày Rằm tháng Bảy. Qua thời khắc âm dương là lung linh hàng vạn ngọn nến trong lễ thả hoa đăng. Khác với Lễ thả hoa đăng báo hiếu mẹ cha vào Rằm tháng Bảy âm lịch, Lễ thả hoa đăng đêm 27-7 dương lịch để tưởng nhớ những chiến sĩ đã hi sinh vì đất nước. Ngày đó, dòng sông máu lửa năm xưa thành dòng sông hoa lửa, ngọn lửa của tâm linh thắm đượm nghĩa tình…

Chúng tôi dừng xe ở chợ Đông Hà, chợ nằm ở góc của ngã tư Quốc lộ 1A và Quốc lộ 9, ngay sát đầu phía Nam cầu Thạch Hãn. Người ta nói, chợ là nơi thể hiện rõ nhất tập quán và văn hóa của địa phương, nên đến địa phương nào mà không vào thăm chợ thì chưa thể hiểu được nơi đó. Chợ Đông Hà cũng giống như nhiều chợ khác về sự ngăn nắp, tuy nhiên hàng hóa thì nhiều đồ sản xuất từ Thái như quạt điện, ô đi mưa, một số các đồ tạp hóa, vì giáp tết nên bánh kẹo phục vụ tết cũng nhiều. Chúng tôi mua vài món đồ rồi tiếp tục lên đường. Qua cầu Thạch Hãn, tới Vĩnh Linh nơi có di tích địa đạo Vịnh Mốc nổi tiếng rồi tới Đường Lý Thường Kiệt (quốc lộ 1A) của Thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Chúng tôi rẽ vào đường Hàn Mạc Tử rồi theo con đường Nguyễn Du và Trương Pháp dọc ven bờ sông Nhật Lệ để  đến với cửa sông và bãi biển Nhật Lệ. Chúng tôi tới thăm Tượng đài mẹ Suốt nằm bên bến đò sông Nhật Lệ. Mẹ Suốt là Người mẹ trong bài thơ của Tố Hữu mà khi xưa thời học sinh là bài học thuộc lòng của chúng tôi. Đứng bên Tượng đài tôi vẫn còn nhớ nội dung bài thơ: Lặng nghe mẹ kể ngày xưa; Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình; Mẹ rằng: Quê mẹ Bảo Ninh, Mênh mông sông biển, lênh đênh mạn thuyền”… “Một tay lái chiếc đò ngang; Bến sông Nhật Lệ, quân sang đêm ngày; Sợ chi sóng gió tàu bay; Tây kia mình đã thắng, Mỹ này ta chẳng thua!; Kể chi tuổi tác già nua; Chống chèo xin cứ thi đua đến cùng! Ngẩng đầu mái tóc mẹ rung; Gió lay như sóng biển tung trắng bờ; Gan chi, gan rứa, mẹ nờ? Mẹ rằng: Cứu nước, mình chờ chi ai? Chẳng bằng con gái, con trai; Sáu mươi còn một chút tài đò đưa; Tàu bay hắn bắn sớm trưa; Thì tui cứ việc nắng mưa đưa đò…”. Mẹ Suốt là tên gọi thân quen của một người phụ nữ anh hùng Nguyễn Thị Suốt, sinh năm 1906 tại Bảo Ninh, tỉnh Quảng Bình. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, Mẹ Nguyễn Thị Suốt chèo thuyền chở bộ đội sang sông, vận chuyển đạn từ bờ ra tàu chiến của ta chi viện cho chiến trường mặc cho bom đạn giặc Mỹ đánh phá dữ dội. Ước tính mỗi năm Mẹ Suốt có 1.400 chuyến đò qua lại giữa hai bờ sông Nhật Lệ. Năm 1967, mẹ Suốt được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đến ngày 13/10/1968, mẹ đã hi sinh trong một trận bom ác liệt của máy bay Mỹ.

    

Tượng đài Mẹ Suốt và bãi biển Nhật Lệ, Quảng Bình

Quảng Bình là một tỉnh duyên hải thuộc vùng Bắc Trung Bộ, là tỉnh nằm ở nơi hẹp nhất theo chiều đông - tây của Việt Nam, 50km theo đường ngắn nhất tính từ biên giới Lào ra biển Đông. Năm 192, Quảng Bình nằm trong lãnh thổ nước Lâm Ấp. Đến năm 758 Lâm Ấp đổi tên là Chămpa, Quảng Bình nằm trong 2 châu: Châu Bố Chính và Châu Địa Lý. Khu vực này đã thuộc về Đại Việt sau cuộc chiến tranh Việt - Chiêm 1069. Trong thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh, đất nước bị chia cắt tại sông Gianh thuộc tỉnh Quảng Bình. Đồng Hới đã trở thành tiền đồn quan trọng của chúa Nguyễn với thành Đồng Hới. Năm 1975 tỉnh Quảng Bình được sát nhập với tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên thành tỉnh Bình Trị Thiên. Đến 1989, lại chia tỉnh Bình Trị Thiên để tái lập tỉnh Quảng Bình, tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên – Huế. Dải đất Quảng Bình như một bức tranh hoành tráng, có rừng, có biển với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, thắng cảnh nổi tiếng: đèo Ngang, đèo Lý Hoà, cửa biển Nhật Lệ, phá Hạc Hải, Cổng Trời… và Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới, Hang Sơn Đoòng được công nhận là hang động lớn nhất thế giới. Với hệ thống hang động phong phú được tìm thấy cho đến nay, Quảng Bình đã được gọi là Vương quốc hang động. Ngày 13/5/2015, hang Sơn Đoòng  của Quảng Bình xuất hiện trên chương trình Good Morning American trên kênh ABC của nước Mỹ. Gần đây đoàn làm phim bom tấn nổi tiếng thế giới Kong; Skull Island đến từ Hollywood Mỹ đã thực hiện nhiều cảnh quay tại hệ thống hang động Quảng Bình ra mắt những thước phim mãn nhãn vào năm 2017. Quảng Bình  có nhiều địa danh nổi tiếng trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tộc như Cự Nẫm, Cảnh Dương, Cha Lo, Cổng Trời, Xuân Sơn, Long Đại, đường Hồ Chí Minh v.v... Quảng Bình là vùng giao thoa của hai nền văn hóa cổ Việt – Chăm Pa.

 

Những cung đường biển tuyệt đẹp đi qua các đồi cát ở tỉnh Quảng Bình

Dọc đường, chúng tôi rẽ vào Vũng Chùa viếng mộ Bác Giáp. Đúng là những người xuất chúng bao giờ suy nghĩ và hành động cũng xuất chúng. Bác Giáp là người đầu tiên không nằm ở Mai Dịch mà chọn về quê. Vũng Chùa - Đảo Yến nằm cách Đèo Ngang 7km về phía nam, thuộc thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình. Vũng Chùa là bãi biển nên thơ yên bình, ngoài biển có Đảo Yến, được xem như bức bình phong tạo nên khung cảnh hữu tình. Mũi Rồng, nơi an nghỉ cuối cùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính là ngọn núi Thọ thuộc dãy Hoành Sơn đâm ngang ra biển. Nơi đây được coi là có địa thế “rồng cuộn hổ ngồi”. Sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn Vũng Chùa – đảo Yến làm nơi an nghỉ cuối cùng, vùng biển này trở thành một địa danh du lịch tâm linh thu hút dân chúng kính mến Đại Tướng đến dâng hương với cả tấm lòng thành kính. Đường vào Vũng Chùa đã được rải nhựa đẹp, dưới chân mũi Rồng là bãi đỗ xe đã được đổ xi măng phẳng phiu.

  

Vũng Chùa đảo Yến, nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một vị tướng huyền thoại

Rời khỏi Vũng Chùa, Chúng tôi đi tiếp tới Đèo Ngang. Đèo Ngang nằm trên quốc lộ 1A ở ranh giới giữa xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh và xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, trên dãy Hoành Sơn. Sơn là núi, hoành là một bức che chắn (bức hoành phi), như vậy núi Hoành Sơn là ngọn núi chạy hướng từ tây sang đông, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn phía tây, dãy núi chạy cắt ngang qua vùng đồng bằng ven biển về hướng đông ra sát biển như một bức hoành phi chắn ngang địa danh giữa Quảng Bình ở phía nam và Hà Tĩnh ở phía bắc. Dãy Hoành sơn một thời đã là biên giới giữa nước Đại Việt và nước Chăm Pa.  Trên đỉnh núi Hoành Sơn có một con đường bê tông chạy dọc đỉnh núi trên đường phân thủy, đây là con đường quốc phòng và cũng là ranh giới phân chia hai tỉnh.

 

Hình trái là phần núi Hoành Sơn phía tây xuất phát từ dãy Trường Sơn, hình phải là núi Hoành sơn phía đông chạy cắt ngang vùng đồng bằng ven biển ra sát biển tạo thành bức hoành phi ngăn cách tỉnh quảng bình ở phía nam và tỉnh Hà Tĩnh ở phía bắc. Tới biển nó tạo thành một đỉnh núi nhô cao, ở đây có đơn vị quốc phòng đóng quân. Một con đường bê tông từ đỉnh đèo nơi cao nhất chạy trên đỉnh núi ra tới tận đơn vị quốc phòng.

Dãy Hoành Sơn nhìn từ phía biển Hà Tĩnh, phía bên kia là Quảng Bình

Có một Hoành Sơn Quan được xây dựng dưới thời Minh Mạng thứ 14 (1833) tại vị trí cao nhất của đèo, người dân còn gọi nó là cổng trời. Hiện nay đèo đã có hầm đường bộ xuyên núi, hầm này không thu phí.

    

Đèo ngang và Hoành Sơn Quan

Đèo Ngang dài 6km, đỉnh cao 250m, nổi tiếng trong bài thơ “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan: “Bước tới đèo Ngang bóng xế tà; Cỏ cây chen lá, đá chen hoa; Lom khom dưới núi, tiều vài chú; Lác đác bên sông, chợ mấy nhà; Nhớ nước đau lòng con quốc quốc; Thương nhà mỏi miệng cái gia gia; Dừng chân đứng lại, trời non nước; Một mảnh tình riêng, ta với ta”

Đèo Ngang

Đèo Ngang chưa phải là đường đèo hiểm trở khiến người ta phải xanh mặt, nhưng về cảnh quan, đường đèo này đã trở thành nguồn cảm hứng cho bao thi sĩ. Cũng là đường đèo, cũng là rừng núi, là vực thẳm, là trời mây như bao đường đèo khác, song không dễ lý giải được rõ ràng tại sao Đèo Ngang lại hấp dẫn một cách rất thơ và lãng mạn đến thế. Từ năm 2004 Hầm đường bộ Đèo Ngang được đưa vào sử dụng, chúng tôi quyết định leo đèo ngang chứ không đi qua hầm. Ngay dưới chân đèo là đền thờ Công chúa Liễu Hạnh. Ngôi đền có tổng diện tích gần 350m², phía sau đền là dãy Hoành Sơn, ngay trước mặt là hồ nước ngọt của xã Quảng Đông, mặt đền quay hướng Nam cũng là hướng biển.

 

Hình trái: Hầm đường bộ xuyên Hoành Sơn, đường nhỏ bên trái là con đường bê tông trên đỉnh núi, bên phải là con đường đèo Ngang thuộc quốc lộ 1. Hình phải là Hoành Sơn Quan xây gần sát đường bê tông trên đỉnh núi, có bậc nối đường đèo lên Hoành Sơn Quan.

Từ đèo Ngang, chúng tôi vượt qua 75km nữa để tới thành phố Hà Tĩnh. Văng vẳng bên tai giọng hát của Thu Hiền: Chứ đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh; Nhớ núi Hồng Lĩnh nhớ dòng sông La, Nhớ biển rộng quê ta ớ ơ ơ ơ…”. Hầu như mỗi tỉnh miền Trung đều có một bài hát cho riêng mình. Đi tới tỉnh nào chúng tôi mở bài hát về tỉnh đó, cảm giác thật là phiêu lãng.

Mời các bạn xem tiếp Episode 17:

https://hahoangkiem.com/van-hoc/ky-su-phuot-xuyen-viet-episode-17-thanh-pho-ha-tinh-ha-dong-ha-noi-3841.html


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bài về chủ bút

    Tinh hoa nhân loại

      Khoa học

        Văn học

          SÁCH CỦA TÔI