Ca bệnh hiếm và khó: Hội chứng Causalgia
(Được phát hiện tại bệnh viện đa khoa 16A Hà Đông, Hà Nội)
Bệnh nhân Nguyễn Thành Nam, sinh 1971, địa chỉ Hiền Lương, Hạ Hòa, Phú Thọ, nghề nghiệp công nghệ thông tin thường phải đi lại nhiều giữa các tỉnh. Bệnh nhân bị đau và sưng bàn chân phải kiểu như bị kim châm đã 6 tháng. Bệnh nhân đã đi khám và điều trị ở rất nhiều bệnh viện như: Bệnh viện Hồng Ngọc, Bệnh viện Y học thể thao, Bệnh viện Thiên Đức, Bệnh viện Phòng không Không quân, Bệnh viện Y học Cổ truyền Hà Nội, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện 103... Mỗi nơi nghĩ tới một bệnh khác nhau và cho điều trị nhưng không kết quả. Các bệnh được chẩn đoán gồm: Bệnh gút nhưng acid uric máu không cao, Bệnh xương khớp bàn cổ chân nhưng X-quang bàn cổ chân không có tổn thương, Hội chứng thắt lưng hông do thoát vị đĩa đệm nhưng phim MRI thắt lưng không có thoát vị, Bệnh mạch máu chân phải nhưng siêu âm mạch máu cả động mạch và tĩnh mạch đùi, khoeo và cẳng chân đều bình thường, bệnh thần kinh ngoại vi chi dưới nhưng đo điện thần kinh cơ không có rối loạn, chụp MRI khớp háng hai bên cũng không có tổn thương. Đi kèm với mỗi chẩn đoán là một đơn thuốc kèm theo nhưng đều không có hiệu quả. Bệnh nhân được một số bác sĩ khuyên đến gặp tôi, qua điện thoại tôi hẹn bệnh nhân mang tất cả tư liệu đã khám đến gặp tôi tại Phòng khám Giáo Sư Bệnh viện đa khoa 16A, Hà Đông Hà Nội.
Qua hỏi bệnh được biết bệnh đã diễn biến 6 tháng, sau một ngày bệnh nhân đi giày bị nhầm đôi, bên chân phải số giày nhỏ hơn bó chặt chân, ngày hôm đó bệnh nhân phải đi nhiều, ngồi lái xe lại thường ngồi lệch về bên phải. Ngày hôm sau xuất hiện đau và phù ở mu chân và cổ chân phải, mu chân phù căng đỏ tím kèm theo đau như có kim châm ở bàn chân. Đau và nề làm bệnh nhân không đi lại được kéo dài khoảng 1 tuần thì giảm dần. Từ đó cứ mỗi lần phải đi lại nhiều, triệu chứng đau kiểu rát bỏng, kim châm ở lòng bàn chân kèm theo phù nề đỏ tím mu chân và cổ chân lại xuất hiện. Càng về sau triệu chứng càng xuất hiện dày hơn và giữa các lần đau triệu chứng không hết hoàn toàn. Về sau thấy đau có lúc chạy dọc từ dưới lên lúc thì mặt trong, lúc thì mặt ngoài, lúc thì mặt sau cẳng chân và đùi, đau xuất hiện cả ở khớp gối và khớp háng khi ngồi xổm hoặc vận động quá mức. Khi bệnh tăng nặng ngâm chân nước nóng thì triệu chứng nặng lên rất nhiều nhưng ngâm chân nước lạnh có nước đá thì rất dễ chịu có cảm giác hết đau.
Hiện tại bệnh đang ở giai đoạn bệnh ổn định nhưng mu chân và cổ chân phải vẫn nề đỏ, bàn chân vẫn có cảm giác bỏng và kim châm, không đau thắt lưng, dấu hiệu lasegue bên phải 90 độ, Khớp gối phải gấp quá mức mới có cảm giác đau, khớp háng phải xoay khớp không đau, Patric cuối tầm đau nhẹ. Bệnh nhân có tăng cảm ở bàn chân và mu chân phải, phản xạ gân xương bình thường, không có phản xạ bệnh lý bó tháp.
Dưới đây là kết quả các xét nghiệm mà bệnh nhân đã được làm và mang đến cho tôi.
Nghe bệnh nhân mô tả, hỏi để khai thác kỹ triệu chứng, khám lâm sàng cẩn thận, xem lại các kết quả cận lâm sàng mà các bệnh viện đã làm, tôi đã chẩn đoán cho bệnh nhân là: Hội chứng Causalgia hay Loạn dưỡng thần kinh giao cảm phản xạ type 1. Đây là ca bệnh khó và hiếm, khó là vì nó không có tiêu chuẩn chẩn đoán mà chẩn đoán phải dựa vào triệu chứng lâm sàng và chẩn đoán loại trừ. Hiếm là vì bệnh lý này ngoài việc ít gặp nhưng nó lại chỉ thường gặp ở tay chứa không gặp ở chân. Gần 40 năm hoạt động trong nghề y, tôi đã chẩn đoán và điều trị cho nhiều bệnh nhân bị hội chứng này nhưng chỉ gặp ở tay, đây là ca bệnh đầu tiên tôi gặp ở chân. Có lẽ vì hiếm như vậy nên bệnh nhân đã khám qua rất nhiều bệnh viện, cả tây y và đông y cả các bệnh viện cấp trung ương mà không được chẩn đoán.
Bệnh nhân đã được tôi kê đơn điều trị theo chẩn đoán hội chứng Causalgia thời gian 2 tuần. Bệnh nhân đã điều trị được 1 tuần và thông tin lại cho tôi là triệu chứng giảm nhanh và hiện gần như không còn phù mu chân đi lại không còn cảm giác châm chích, da mu chân không còn nề đỏ. Tôi đã hẹn bệnh nhân sau khi hết thuốc thì tái khám, khi đó tôi sẽ chụp lại hình ảnh chân bệnh nhân để các bạn so sánh.
Để tìm hiểu rõ hơn về bệnh này mời các bạn đọc bài viết sau nhé:
http://hahoangkiem.com/benh-than-kinh-tam-than/hoi-chung-loan-duong-than-kinh-giao-cam-phan-xa-reflex-sympathetic-dystrophy-syndrome-rsd-3922.html