Đứt gân dài cơ nhị đầu cánh tay (ca bệnh)

Cập nhật: 16/12/2020 Lượt xem: 2166

Ca bệnh khớp vai:

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, Bệnh viện 103, HVQY

Bệnh nhân Phạm Văn Luận 62 tuổi tới khám chúng tôi, ông là người khá vui tính, cách nói và phong thái của ông gần giống nghệ sĩ Văn Hiệp, ông phàn nàn bị đau khớp vai bên phải đã 3 tháng, đau cả ban đêm, có hôm đang ngủ đau làm ông phải thức giấc, mỗi khi phải bê hoặc nhấc một vật nặng bên tay phải làm ông đau ở khớp vai. Chúng tôi khám thì vận động chủ động có hạn chế ở gần cuối tầm ở tất cả các động tác, vận động thu động thì không hạn chế, vẫn vận động được hết tầm, nghiêm pháp Palm up tay phải dương tính, nghiệm pháp Jobe và nghiệm pháp Neer âm tính, có điểm đau rãnh liên mấu động. Tôi chẩn đoán: theo dõi viêm bao họa dịch gân dài cơ nhị đầu cánh tay phải.

Sau đó ông lại đưa cánh tay trái lên, gấp cẳng tay 90 độ rồi lên gân  và ông chỉ cho chúng tôi một u nổi lên ở mặt trước cẳng tay (có hình bên dưới). Ông nói rằng u này xuất hiện cách đây 6 tháng rồi, đi khám ở các bệnh viện huyện và tỉnh cũng như các phòng khám ở địa phương các bác sĩ đều bảo là u và khuyên lên tuyến trên sinh thiết tế bào. Ông không thấy đau hay có gì bất thường bên tay đó ngoài việc khi lên gân thì khối u lại nổi lên.

Bên vai trái tôi đã đưa ra chẩn đoán là Viêm bao hoạt dịch gân dài cơ nhị đầu cánh tay phải hoặc viêm gân dài cơ nhị đầu cánh tay phải. Lý do bệnh nhân chỉ có hạn chế vận động chủ động do đau còn vận động thụ động thì khớp vai không hạn chế vận động, cho phép loại trừ viêm dính khớp vai, như vậy đây là bệnh lý viêm quanh khớp vai thể thông thường. Cần xác định cấu trúc tổn thương là gân chóp xoay hay gân dài cơ nhị đầu hay bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai. Tìm điểm đau và làm một vài nghiệm pháp cho phép tôi chẩn đoán đây là tổn thương gân dài cơ nhị đầu hoặc bao hoạt dịch của nó. Để chẩn đoán xác định có hai cách: nếu bạn có người làm siêu âm khớp vai giỏi và có kinh nghiệm thì có thể làm siêu âm cũng đủ để xác định chẩn đoán, nếu không thì chọn cách thứ hai đắt tiền hơn là chụp MRI khớp vai.

Còn bên tay trái, tôi bảo bệnh nhân thả lỏng tay không lên gân thì khối u nhỏ đi nhưng vẫn còn, sờ được ranh giới phía trung tâm, phía ngoại vi không rõ ranh giới, mật độ cũng mềm tương ứng cơ không rắn như khi lên gân. Sức cơ khi gấp cẳng tay trái có vẻ yếu hơn tay phải. Bệnh nhân không có đau đớn hay bất thường gì khác bên tay trái. Tôi chẩn đoán: bệnh nhân bị đứt hoàn toàn gân dài cơ nhị đầu cánh tay trái. Lý do khi co cơ thì bó cơ phụ thuộc gân dài cơ nhị đầu co lại nổi lên như khối u, khi thả lỏng mật độ tương tự cơ bên cạnh và chỉ sờ được ranh giới phía trung tâm (phía đầu trên xương cánh tay) còn phía ngoại vi (phía đầu dưới xương cánh tay) không có ranh giới. Tương tự như bên tay phải để chẩn đoán xác định có hai cách: nếu bạn có người làm siêu âm khớp vai giỏi và có kinh nghiệm thì có thể làm siêu âm cũng đủ để xác định chẩn đoán, nếu không thì chọn cách thứ hai đắt tiền hơn là chụp MRI khớp vai.

Tôi chọn cách chụp MRI khớp vai hai bên cho kết quả sau:

            

 MRI vai phải cho thấy viêm tràn dịch bao hoạt dịch gân dài cơ nhị đầu cánh tay phải. Trong rãnh nhị đầu thấy gân cơ hình tròn màu đen kích thước bình thường (mũi tên ngắn hình trái, mũi tên dài hình phải), nhưng bao quanh gân là bao hoạt dịch tràn dịch nhiều có màu trắng trên ảnh T2 (hai mũi tên dài hình trái, hai mũi tên ngắn hình phải).

 

 MRI khớp vai trái cho thấy đứt hoàn toàn gân dài cơ nhị đầu cánh tay. Trong rãnh nhị đầu hình trái không nhìn thấy gân nhị đầu trong rãnh (mũi tên). Hình phải Ở vị trí gân nhị đầu trong rãnh nhị đầu thấy một hình tròn màu trắng của dịch bằng kích thước của gân, biểu hiện gân bị đứt co về dưới để lại bao gân chứa dịch (mũi tên).

Như vậy chỉ bằng lâm sàng đơn thuần chúng ta có thể chẩn đoán chính xác được bệnh lý viêm quanh khớp vai. Các xét nghiệm chỉ để khẳng định mà thôi.

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI