1. Bố
Khuyết danh
LỜI BÌNH CỦA NGUYỄN THỊ THIỆN
“NHƯNG CON SAO THẤY BỐ THẬT PHI THƯỜNG”
Lời dạy của Phật có câu nói hay về cha mẹ nhiều người biết đó là: “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ/ gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha/ Vất vả bao năm nuôi con khôn lớn/ Đem cả tấm thân gầy che chở đời con”. Tiến sĩ Hà Hoàng Kiệm (sinh 1954 - Vĩnh Phúc) làm nghề y nhưng yêu thích thơ, nhất là những bài viết về người cha. Ông sưu tầm được chùm thơ hay về chủ đề này, trong đó có bài "Bố". Thi phẩm tái hiện chân dung người bố chân thật, bình dị và đáng kính vô cùng, qua đó người con nói lên lòng kính yêu và cảm phục bố khiến ai đã đọc cũng rưng rưng xúc động, càng thêm trân quý, cảm phục người giữ trách nhiệm trụ cột của gia đình.
Người bố ấy hiện lên qua bài thơ thật điềm đạm, trầm tĩnh, nói ít làm nhiều. Bố không bộc lộ cảm xúc ra bên ngoài rõ rệt: "Bố vốn chẳng nói nhiều như mẹ/ Chẳng ríu rít lên mỗi buổi con về/ Chẳng bao giờ nói nhớ con nhiều lắm/ Chỉ cuối tuần nào cũng hỏi có về quê?" Bố cùng với mẹ là những người thầy đầu tiên dạy cho con biết điều hay, lẽ phải ở đời. Bố thấu hiểu, cảm thông với những sai lầm con lỡ mắc nên không nỡ mắng, có khi còn bênh vực khi con bị mẹ rầy la nhiều. Trong bài, cảm động nhất là lần người con bị ốm mệt: "Khi con ốm bố chẳng cưng, chẳng nịnh/ Nhưng suốt đêm dài bố ngồi đó lặng thinh". Dù không nói những lời dịu dàng, âu yếm nhưng bố đã thức suốt đêm, ngồi bên con, lo lắng dõi theo từng hơi thở và nhịp đập trái tim con, canh cho con được ngủ yên. Ngược lại, "Lần bố ốm dù rất đau rất mệt/ Con nằm bên... trông bố... ngủ ngon lành/ Bố chẳng đành nếu thấy con mất giấc/ Nên một mình chịu đựng suốt năm canh". Ngược lại khi con chăm sóc bố ốm, đang tuổi ăn tuổi lớn, con cứ vô tư ngủ ngon. Bố một mình chịu đựng, vật vã với cơn đau, không nỡ gọi sợ làm con thức giấc. Rõ ràng cùng một sự việc nhưng hai cách hành xử đối lập giữa bố và con cho thấy đức tính đáng quý và tình thương yêu con ở bố sâu nặng đến chừng nào. Lúc con ốm bố chăm lo, còn ngày thường bố quan tâm mọi mặt, nhường cho con từng miếng ăn, thấu hiểu cả sở thích khoái khẩu của con. Rất hồn nhiên, người con chỉ thấy "bố lạ lắm" những thức ăn ngon "không thích, không ăn" nên cứ "sung sướng ăn hết phần bố gắp" mà chẳng chút phân vân hay hỏi lại bao giờ. Khép lại bài thơ là lời khẳng định và nghệ thuật so sánh rất độc đáo đã nhấn mạnh tầm vóc lớn lao phi thường ở người cha: "Bố là thế như siêu nhân, người máy/ Làm cả đời, da cháy sạm, vai xương/ Bố là bố người bằng da bằng thịt/ Nhưng con sao thấy bố thật phi thường". Đây là lời đánh giá, ngợi ca cao nhất, thể hiện lòng yêu thương, kính phục đối với bố rõ nhất: bố chỉ là một người lao động bình dị nhưng cũng thật "phi thường". Bố gánh vác hết thảy những công việc nặng nhọc, nhẫn nại, hy sinh thầm lặng, giành về mình những vất vả lo toan để con và gia đình được bình an, hạnh phúc. Bờ vai bố luôn là điểm tựa cho cuộc đời con và cả gia đình. Dẫu người gầy lưng mỏi nhưng bố vẫn sẵn sàng đón nhận mọi giông tố cuộc đời để che chở, bảo vệ cho tổ ấm gia đình được bình yên, các con được lớn lên. Bố tuy không phải là người hoàn hảo nhưng bố đã yêu thương con theo cách hoàn hảo nhất.
Nếu không yêu thương, cảm phục và tri ân bố sâu nặng, không phải là người con hiếu nghĩa, tác giả bài thơ không thể viết được những vần thơ dung dị mà dễ lay động lòng người đến như vậy.
Trích trong cuốn: "TÌNH CHA CON" tuyển và bình thơ. Nguyễn Thị Thiện. NXB Hội nhà văn. 2021.
2. Lời Nói Dối Cao Thượng
Thuở còn thơ con thường nghe cha nói.
Con ăn đi cha không đói đâu con.
Lúc ăn xong nếu không hết vẫn còn.
Cha ăn nốt, cha khen ngon đấy chứ.
Khi lớn khôn con nhớ về quá khứ.
Cha thường mang chiếc áo cũ vá vai.
Đi dép lốp có lúc sút cả quai.
Quần áo mới cha cất hoài không mặc.
Cha nói mình thích mặc bền ăn chắc.
Nhường hết áo quần vải vóc cho con.
Cha bảo con cần quần áo đẹp hơn.
Còn cha mặc áo rách sờn cũng được.
Phải mưu sinh cha một mình xuôi ngược.
Lo việc nhà lo việc nước việc dân.
Cha luôn dạy con phải sống nghĩa nhân.
Không lãng phí phải chuyên cần sớm tối.
Mãi sau này con biết cha nói dối.
Và biết mình đã có lỗi với cha.
Cha là tấm gương chân chính thật thà.
Vì nhường cho con mà cha nói thế.
Khuyết danh
3. Không thể nào
Không thể nào con quên được ngày xưa
Cha ngồi quạt để Mẹ ru con ngủ.
Cánh võng chao đổ mùa hè ra cửa
Tiếng đàn ve đệm nhạc khúc à ơ...
Con giữ gìn vị ngọt tuổi ấu thơ
Như viên kẹo ngậm cả đời không hết.
Có ai dạy đâu mà con biết
Sẽ chẳng còn gì khi Cha, Mẹ xa nhau .
Rồi một ngày con không hiểu vì đâu
Nước mắt chảy lặng thầm về hai phía.
Long Quân-Âu Cơ, lên rừng-xuống bể.
Để đàn con ngơ ngác giữa Mẹ-Cha.
Con muốn ngã vào cả hai cánh tay Cha
Con muốn uống cả đôi dòng sữa Mẹ.
Tình cảm ấy chẳng thể nào chia sẻ
Như võng đong đưa không chỉ một đầu dây.
Con lớn lên thiếu thốn một vòng tay,
Như dòng sông cả hai bờ đều lở.
Mặt nước rộng đời mênh mông nỗi sợ
Một cánh bèo níu kéo tuổi thơ xa.
Con lớn lên ai cũng bảo giống Cha,
Người yêu con thì lại hiền như Mẹ.
Con chỉ sợ có một ngày như thế,
Phải lau giùm nước mắt trẻ chia hai.
Con đã đi qua những tháng năm dài,
Chân không thể bước ra ngoài nỗi nhớ.
Tuổi ấu thơ vẫn từng ngày nhắc nhở:
Có một thời...
Cha Mẹ đã...
Yêu nhau.
Khuyết danh
4. Ngày của cha
Ngày con đỏ hỏn trong nôi
Mẹ ầu ơ hát…Cha phơi lưng cày…
Chăm nuôi con lớn từng ngày
Có ăn, có mặc, áo thay theo mùa
Con vui con hát, con đùa
Mồ hôi Cha – Mẹ nặng chua chất phèn…
Những đêm con học không đèn
Cha bắt đom đóm làm đèn soi cho
Bao nhiêu khổ nhọc cam go
Đời Cha chở nặng chuyến đò gian nan!
Nhưng chưa một tiếng thở than
Mong cho con khỏe, con ngoan vui rồi
Cha như biển rộng, mây trời
Bao la nghĩa nặng đời đời con mang!
Hôm nay trên khắp thế gian
Người người tưởng nhớ ngày vàng của “Cha”
Mà con đang ở xa nhà
Đôi dòng chữ nhỏ làm quà kính dâng!!!
Phan Thanh Tùng
5. Cha tôi
Tuổi xế bóng cửa nhà vắng vẻ
Bao yêu thương tươi trẻ cuộc đời
Cha dành dụm hết cho tôi
Cho anh, cho chị, cho thời trẻ trung!
Đời vất vả điệp trùng gian khó
Thuở cơ hàn không có cơm ăn
Mờ sương cha đã gấp mành
Rong trâu cày ải dạ đành đói meo!
Cái nghèo đói cứ theo cha mãi
Bởi neo vườn nhà lại đông con
Ngược xuôi thân xác mỏi mòn
Đạp xe buôn bán cho con đỡ rầu!
Khi con lớn trắng đầu cha bạc
Mẹ xa cha tan tác cõi lòng...!
Thân già một bóng chênh chông
Các con Nam, Bắc xa vòng tay cha!
Quê nhà đó buồn và cha nhớ
Nhớ vợ hiền thêm nhớ con yêu!
Cầu mong trời phật thương nhiều
Cho cha khỏe mạnh sớm chiều bên con!
Đặng Minh Mai
6. Cha tôi
Cả đời lo lắng cho con
Tuổi già sức yếu lưng khòm chân đau
Ngày xưa mưa nắng dãi dầu
Gian nan cơ cực cha đâu nản lòng
Củ khoai củ sắn trên đồng
Chắt chiu nhặt nhạnh gánh gồng nuôi con
Cha mong bữa đói không còn
Để con no bụng ngủ ngon giấc nồng
Một đời áo vải nhà nông
Phủ đầy sương gió ướt ròng mồ hôi
Sớm khuya đồng ruộng giữa trời
Tay cha cầy cuốc cho đời con xanh
Tóc cha mây trắng phủ giăng
Con mong cha mãi an lành bên con
Đáp đền dưỡng dục công ơn
Mong cha vui khoẻ nhiều hơn con mừng.
Đặng Minh Mai
7. Đời của Ba
Lưng còng nặng gánh đôi vai
Một vai cho Nội, một vai thân cò
Cò con vắng Mẹ Ba lo
Vai kia chữ hiếu dành cho Nội rồi
Mắt rơi nhìn thấy Ba Tôi
Mẹ đi để lại khổ rồi Ba ơi
Tuổi con chưa bước vào đời
Vẫn còn bé bỏng Ba ơi khổ nhiều
Cuộc đời năm tháng buồn hiu
Mồ hôi ướt đẫm sớm chiều mưu sinh
Lẻ loi Ba chỉ một mình
Áo vai Ba rách, trên hình ai khâu
Mắt rơi con khóc đỏ ngầu
Thắt lên con gọi ! Mẹ đâu mau về
Tiếng kêu lòng xé tái tê
Nhìn Ba nước mắt dầm dề tuông ra
Bao năm lưu lạc xa nhà
Nhớ quê ngày ấy, thương Ba thuở nào
Nỗi buồn xâm chiếm biết bao
Mắt rơi cứ mãi đi vào lòng con !!
Dũng Bùi
8. Tình cha
Dòng nước mắt một đời không luống cạn
Giọt mồ hôi năm tháng chẳng hề vơi
Đó tình cha muôn thuở vốn không lời
Trong lặng lẽ, âm thầm như chiếc lá.
Buồn hay vui Cha cũng cam để dạ
Khóc hay cười Cha để cả trong tim
Như đại dương, lòng biển cả lặng im
Trong sâu thẳm tiềm tàng nhiều bí ẩn.
Công dưỡng dục suốt một đời lận đận
Nghĩa sinh thành vương vấn cả trăm năm
Bên đời con, Cha một bóng âm thầm
Luôn che chở bằng bóng râm mát dịu.
Tấm lòng cha một đời con đâu hiểu
Bởi tình Cha luôn lắng dịu ngọt ngào
Tuy giá băng nhưng sâu thẳm dạt dào
Cho mà chẳng mong chút nào đền đáp.
Rồi mai kia trên đường đời muôn dặm
Con mới hay sâu thẳm tấm lòng Cha
Luôn bao la và cũng rất mặn mà
Tình Cha đó, ngàn năm vang vọng mãi
Khuyết danh
9. Lời của cha
Con đừng nghĩ nhiều về chỗ đứng
Nên nghĩ suy về cách đứng thế nào
Đứng thẳng người, chỗ thấp thành cao
Đứng khom lưng chỗ cao thành thấp.
Biết sống đủ luôn thấy mình sung túc
Sống tham lam giàu có hóa ra nghèo
Con đừng làm cái bóng ăn theo
Biết gieo cấy để vui mùa gặt hái
Đời là biển khổ, con đừng ái ngại
Phải vượt lên để biết làm người
Hạnh phúc ở đời là tỷ số những buồn vui
Phải góp nhặt những niềm vui nhỏ nhất
Khuyết danh
10. Bài thơ tặng cha
Con muốn viết – một bài thơ tặng cha
Vài câu thôi, nhưng mà sao khó quá
Con biết rằng tình cha như biển cả
Rộng bao la và chẳng thể đong đầy!
Khi còn bé, hay cãi lại lời cha
Không muốn nghe những gì cha đã dạy
Con ghét cha, mỗi lần dùng roi gậy
Có một lần.. con bỗng thấy lệ cha
Khi lớn lên ghét thiếu thốn trong nhà
Thêm lần nữa thầm trách cha chẳng giỏi
Cha lặng im rồi rất lâu không nói
Một đêm buồn lại thấy lệ cha rơi
Và giờ đây, khi vật lộn với đời
Đời dạy con ngộ ra nhiều bài học
Cha biết không khi trong lòng mệt nhọc
Con nhớ nhà và con rất nhớ cha!
Con giận mình vì con đã nghĩ cạn
Để nỗi buồn hằn lên trái tim cha
Có đôi lúc muốn quay về quá khứ
Trên lưng cha, con thích thú vui đùa
Trong mắt con, màu ký ức hiện về
Nụ cười cha, gạt bộn bề – rạng rỡ
Lặng lẽ nghe thời gian qua hơi thở
Nhận ra rằng: cuộc sống ngắn làm sao!
Giờ con hiểu người cha nào cũng thế
Luôn bên con và lo lắng mọi điều
Khiến cha buồn nhưng cha vẫn thương yêu
Cả cuộc đời, cha là người duy nhất!
Stam