Khái quát về lịch sử nước Mỹ
Giới thiệu
Khái quát về lịch sử nước Mỹ là ấn phẩm của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Ấn bản đầu tiên (1949-1950) đã được hoàn tất theo sáng kiến của Francis Whitney, lúc đầu thuộc Văn phòng Thông tin Quốc tế của Bộ Ngoại giao và sau này là Cục Thông tin Hoa Kỳ (USIA). Richard Hofstadter, Giáo sư Sử học tại trường Đại học Columbia, và Wood Gray, Giáo sư Lịch sử Hoa Kỳ tại trường Đại học George Washington, là tư vấn học thuật. D. Steven Endsley thuộc trường Đại học Berkerley, California, soạn tài liệu bổ sung. Ấn phẩm này đã được cập nhật và hiệu chỉnh rất nhiều lần trong những năm qua bởi Keith W. Olsen, Giáo sư Lịch sử Hoa Kỳ tại trường Đại học Maryland, Nathan Glick, nhà văn và nguyên là biên tập viên tạp chí Dialogue của USIA, cùng nhiều người khác. Alan Winkler, Giáo sư Sử học tại trường Đại học Miami (Ohio), đã viết các chương về hậu Chiến tranh Thế giới Thứ hai cho các lần xuất bản trước.
Ấn bản mới lần này đã được Alonzo L. Hamby, Giáo sư Sử học tại Đại học Ohio, hiệu chỉnh và cập nhật hoàn toàn. Giáo sư Hamby đã có nhiều tác phẩm về của ông có Người con của dân tộc, Cuộc đời Harry S. Truman, và Vì sự sống còn của nền dân chủ: Franklin Roosevelt và cuộc khủng hoảng trên thế giới thập niên 1930.
Tổng biên tập - George Clack
Phó Tổng biên tập - Mildred Solá Neely
Phụ trách nghệ thuật /thiết kế - Min-Chih Yao
Minh họa bìa - Tom White
Nghiên cứu ảnh - Maggie Johnson Sliker
Chương 1: Nước Mỹ thời lập quốc
“Trời và đất chưa bao giờ hòa hợp với nhau tốt hơn để tạo nên một nơi như thế cho sự cư trú của con người"
John Smith, Người sáng lập Jamestown, năm 1607
NHỮNG NGƯỜI MỸ ĐẦU TIÊN
Lúc đỉnh cao của thời kỳ băng hà vào khoảng giữa năm 34000 và năm 30000 trước công nguyên, phần lớn lượng nước trên thế giới được bao bọc trong những lớp băng lục địa rộng lớn. Vì vậy, biển Bering nông hơn mực nước biển ngày nay hàng trăm mét, đồng thời khi đó có một dải đất mang tên Beringia đã nổi lên giữa châu Á và Bắc Mỹ. Người ta cho rằng, tại đỉnh của nó, Beringia rộng tới 1.500 km. Là vùng đất trơ trụi và ẩm ướt, Beringia được bao phủ bởi thảm cỏ và các loài thực vật, thu hút các loài thú lớn - những con mồi mà con người thời tiền sử đã săn bắt để đảm bảo sự sinh tồn của chính họ.
Những con người đầu tiên đến Bắc Mỹ chắc chắn đã tới đây mà không hề biết rằng họ đã vượt qua biển cả để đến một lục địa mới. Chắc chắn họ đã săn đuổi các loài thú như tổ tiên họ đã làm suốt hàng nghìn năm dọc bờ biển Siberia và sau đó băng qua vùng đất nổi ấy.
Khi đã tới Alaska, những cư dân Bắc Mỹ đầu tiên đó có thể đã phải mất thêm hàng nghìn năm nữa mới xuyên qua những khoảng trống trong những tảng băng hà khổng lồ ở phía nam để đến vùng đất ngày nay là Hoa Kỳ. Người ta vẫn tiếp tục tìm thấy những bằng chứng về cuộc sống thời tiền sử ở Bắc Mỹ. Tuy nhiên, có rất ít bằng chứng có thể được xác định một cách đáng tin cậy là đã có từ trước năm 12000 trước công nguyên, chẳng hạn, việc một chòi canh săn bắn ở miền Bắc Alaska được phát hiện gần đây có thể đã có từ thời gian đó. Những mũi lao được gia công rất khéo cùng những cổ vật khác tìm thấy gần Clovis, bang New Mexico, cũng được xác định có niên đại như vậy.
Các di vật tương tự cũng đã được tìm thấy tại nhiều nơi khắp Bắc và Nam Mỹ. Điều đó chứng tỏ cuộc sống có thể đã rất phát triển ở phần lớn diện tích thuộc Tây bán cầu trước năm 10000 trước công nguyên. Cũng trong thời gian đó, voi ma-mút đã bắt đầu bị tuyệt diệt và bò rừng đã thay thế voi ma -mút làm nguồn cung cấp thực phẩm và da cho những cư dân Bắc Mỹ thời xa xưa ấy. Theo thời gian, do ngày càng nhiều loài thú lớn bị diệt vong vì bị săn bắn quá mức hoặc do thiên tai, nên các loài cây, quả mọng và các loại hạt ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong thực phẩm của người Mỹ thời tiền sử. Dần dần, việc tìm kiếm thức ăn và những nỗ lực canh tác nông nghiệp nguyên thủy đã xuất hiện. Những người da đỏ ở khu vực nay là miền Trung Mexico đã tiên phong trong việc trồng ngô, bí và đậu có thể ngay từ đầu năm 8000 trước công nguyên. Dần dần, tri thức của họ đã được phổ biến lên phía Bắc.
Cho đến năm 3000 trước công nguyên, loại ngô nguyên thủy đã được trồng ở các lưu vực sông ở tiểu bang New Mexico và Arizona. Sau đó, những dấu hiệu đầu tiên của công tác thủy lợi đã xuất hiện và tới năm 300 trước công nguyên, những dấu hiệu đầu tiên về cuộc sống theo công xã nguyên thủy đã bắt đầu.
Trong những thế kỷ đầu sau công nguyên, người Hohokum sống ở các khu vực quần cư ở những khu vực giáp Phoenix, bang Arizona ngày nay. Họ đã xây dựng những ngôi nhà hình cầu và kim tự tháp như những cái gò khiến chúng ta liên tưởng tới những công trình được phát hiện ở Mexico, và họ cũng xây dựng một hệ thống kênh và thủy lợi nữa.
NHỮNG NGƯỜI THỢ XÂY DỰNG ĐỒI GÒ VÀ NHỮNG NGÔI LÀNG CỦA NGƯỜI BẢN ĐỊA
Nhóm người da đỏ đầu tiên xây dựng những khu đồi gò ở khu vực nay là của Hoa Kỳ thường được gọi là người Adenans. Họ bắt đầu xây cất những khu nghĩa địa và thành lũy vào khoảng năm 600 truớc công nguyên. Một số gò đồi trong thời kỳ đó còn có hình những con chim hay những con rắn lớn. Có thể những khu vực đó đã được dùng cho những mục đích tôn giáo nhưng cho đến nay người ta vẫn chưa hiểu biết trọn vẹn.
Người Adenans dường như đã bị đồng hóa hoặc bị những nhóm người khác - thường được gọi chung là Hopewellian - đánh đuổi khỏi khu vực này. Một trong những trung tâm quan trọng nhất trong nền văn hóa của họ đã được phát hiện ở miền Nam bang Ohio với những dấu tích của hàng ngàn đồi gò như thế vẫn còn sót lại. Người ta tin rằng người Hopewellian là những lái buôn cừ khôi bởi lẽ họ đã sử dụng và trao đổi các công cụ và nguyên liệu ở một khu vực rộng hàng trăm cây số.
Cho đến khoảng năm 500 sau công nguyên, người Hopewellian cũng biến mất và dần dần nhường vị trí cho một nhóm đông đảo các bộ lạc mang tên Mississippi hoặc văn hóa Đền. Người ta cho rằng đô thị Cahokia giáp Collinsville, bang Illinois vào thời kỳ hưng thịnh nhất đầu thế kỷ XII đã có số dân chừng hai vạn người. Tại trung tâm thành phố có một gò đất lớn với mặt phẳng ở trên đỉnh, cao 30 mét và đáy rộng 37 hécta. Xung quanh đó cũng có tới 80 cái gò đồi khác.
Nguồn thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác ở những đô thị như Cahokia phụ thuộc vào việc kết hợp săn bắt, cướp phá, buôn bán và làm nông nghiệp. Trước ảnh hưởng của những xã hội phồn thịnh ở phía nam, các đô thị này phát triển thành những xã hội có tôn ti trật tự phức tạp, có chiếm hữu nô lệ và tế thần bằng con người.
ở vùng đất thuộc tây nam Hoa Kỳ, người Anasazi - tổ tiên của người da đỏ Hopi hiện đại - đã bắt đầu xây dựng những ngôi làng bằng đá và gạch thô vào khoảng năm 900. Những kiến trúc giống như khu chung cư độc đáo này thường được xây dọc theo các vách đá. Nổi tiếng nhất là lâu đài vách đá ở Mesa Verde, Colorado, có hơn 200 phòng. Một nơi khác - những tàn tích của làng Bonito dọc sông Chaco ở bang New Mexico - đã từng có hơn 800 phòng.
Có lẽ những dân tộc phồn thịnh nhất trong số những người da đỏ châu Mỹ thời kỳ tiền Columbus đã sống ở miền Tây bắc Thái Bình Dương trù phú, có nhiều cá và nguyên liệu thô để làm nguồn thực phẩm rất dồi dào và xây dựng những ngôi làng khoảng năm 1000 trước công nguyên. Sự xa hoa trong những buổi lễ phân phát của cải vẫn là một chuẩn mực đánh giá sự hoang phí và cảnh hội hè đình đám dường như không gì có thể sánh nổi trong lịch sử nước Mỹ thời lập quốc.
NHỮNG NỀN VĂN HÓA CỦA NGƯỜI DA ĐỎ
Như vậy, nước Mỹ khi chào đón những người châu Âu đầu tiên đã hoàn toàn không phải là vùng đất hoang. Ngày nay, người ta cho rằng vào thời đó, dân số của Tây bán cầu đã ngang bằng ở Tây Âu - khoảng 40 triệu người. Những ước tính về số người da đỏ sinh sống ở vùng đất nay là Hoa Kỳ khi mới là thuộc địa của người châu Âu dao động từ 2 tới 18 triệu. Tuy nhiên, phần lớn các nhà sử học chọn con số thấp hơn. Một điều chắc chắn là ngay từ buổi đầu tiếp xúc, những căn bệnh được mang tới từ châu Âu đã gây ra những hậu quả tàn khốc cho cư dân bản xứ. Đặc biệt, bệnh đậu mùa đã tàn phá toàn bộ nhiều cộng đồng và được coi là nguyên nhân trực tiếp làm sụt giảm nhiều người da đỏ vào những năm 1600 hơn là các cuộc chiến và giao tranh với dân di cư từ châu Âu.
Phong tục và văn hóa của người da đỏ thời gian đó đa dạng một cách lạ thường do họ sinh sống trên vùng lãnh thổ rộng lớn và thích nghi với nhiều môi trường khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể đúc kết một số khái quát chung về họ. Hầu hết các bộ lạc, đặc biệt ở miền Đông có rừng bao phủ và ở miền Trung Tây, đã khéo léo kết hợp săn bắt, hái lượm, trồng ngô và những sản phẩm khác để có đủ lương thực. Thông thường phụ nữ đảm đương việc trồng cấy và phân phối thức ăn, còn đàn ông thì đi săn bắn và tham gia chiến đấu.
Xét từ mọi góc độ, xã hội của người da đỏ ở Bắc Mỹ gắn bó chặt chẽ với đất đai. Việc tìm hiểu thiên nhiên và các hiện tượng tự nhiên đã góp phần tạo nên những tín ngưỡng của họ. Cuộc sống của họ về cơ bản được tổ chức theo hình thức lãnh địa và công xã, trong đó trẻ em được hưởng nhiều quyền tự do và khoan dung hơn so với phong tục châu Âu khi đó.
Tuy một số bộ lạc Bắc Mỹ có phát minh ra một kiểu chữ tượng hình để giữ gìn tri thức, song nền văn hóa của người da đỏ vẫn mang đậm nét truyền khẩu, đề cao việc thuật lại các câu chuyện và những giấc mơ. Đồng thời, giữa các bộ tộc khác nhau đã có nhiều mối quan hệ buôn bán. Có rất nhiều bằng chứng đầy thuyết phục cho thấy những bộ lạc sống gần nhau đã duy trì những mối quan hệ thật rộng rãi và nghiêm túc - có cả hữu hảo lẫn thù nghịch.
NHỮNG NGƯỜI CHÂU ÂU ĐẦU TIÊN
Những người châu Âu đầu tiên đến Bắc Mỹ - ít nhất là với những người đầu tiên mà chúng ta có bằng chứng đáng tin cậy - là người Na Uy. Họ đã khởi hành từ Greenland để đi về hướng tây - nơi thủ lĩnh Erik the Red đã lập một khu định cư vào khoảng năm 985. Người ta cho rằng Leif, con trai của ông, vào năm 1001 đã thám hiểm vùng duyên hải ông Bắc - Canada ngày nay - và đã sống ở đó ít nhất một mùa đông.
Mặc dù những trường ca của người Na Uy mô tả các thủy thủ người Viking đã phiêu lưu thám hiểm duyên hải Đại Tây Dương của Bắc Mỹ đến tới tận vùng Bahamas, song những nội dung như vậy vẫn chưa được chứng minh. Tuy nhiên, vào năm 1963, những dấu tích của một số ngôi nhà của người Na Uy có niên đại từ thời đồ đá được phát hiện ở L'Anse-aux-Meadows tại miền Bắc Newfoundland, do đó đã minh chứng cho ít nhất một số nội dung trong trường ca của người Na Uy.
Năm 1497, đúng 5 năm sau khi Christopher Columbus đặt chân lên vùng đất Caribê để đi tìm đường từ phía Tây sang châu Á, một thủy thủ người Venetia (vùng đông bắc Italia) tên là John Cabot đã tới Newfoundland theo sứ mệnh của vua Anh. Mặc dù nhanh chóng bị chìm vào quên lãng, song chuyến hành trình của Cabot về sau này đã trở thành căn cứ để người Anh đề ra yêu sách với Bắc Mỹ. Chuyến đi đó cũng mở đường tới những khu vực giàu hải sản ở ngoài khơi khu vực Georges Bank. Không lâu sau đó, ngư dân châu Âu, đặc biệt là người Bồ Đào Nha, đã thường xuyên lui tới khu vực này.
Mặc dù Columbus chưa bao giờ nhìn thấy đất liền của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tương lai, song những cuộc thám hiểm đầu tiên với sự giúp đỡ của ông đã được tổ chức nhờ đóng góp vật chất của người Tây Ban Nha. Cuộc thám hiểm đầu tiên trong số đó được tiến hành năm 1513 khi một nhóm thủy thủ dưới sự chỉ huy của Juan Ponce de Leon đã đặt chân lên bờ biển Florida gần thành phố St.Augustine ngày nay.
Nhờ chinh phục được Mexico vào năm 1522, người Tây Ban Nha đã củng cố vững chắc vị trí của mình ở Tây bán cầu. Những phát hiện tiếp theo đã bổ sung thêm cho tri thức của người châu Âu về miền đất mà bây giờ được gọi là nước Mỹ (America) theo tên của nhà hàng hải người Italia - Amerigo Vespucci. Amerigo đã có những bài mô tả nổi tiếng về các cuộc hành trình của ông tới Tân Thế giới. Đến năm 1529, người ta đã vẽ được những tấm bản đồ đáng tin cậy của vùng bờ biển Đại Tây Dương từ Labrador đến Tierra del Fuego. Tuy nhiên, trải qua hơn một thế kỷ nữa thì niềm hy vọng phát hiện ra con đường phía tây sang châu Á mới hoàn toàn bị gác bỏ.
Một trong những cuộc thám hiểm đầu tiên quan trọng nhất của người Tây Ban Nha là của Hernando De Doto. Ông đã từng tháp tùng Francisco Pizzaro trong cuộc chinh phục Peru. Sau khi rời Havana vào năm 1539, đoàn thám hiểm của De Soto đặt chân tới Florida và đi sâu vào miền Đông nam nước Mỹ tới tận sông Mississippi để tìm kiếm của cải.
Một người Tây Ban Nha khác, Francisco Coronado, đã khởi hành từ Mexico vào năm 1540 để đi tìm bảy đô thị huyền bí của xứ Cibola. Những cuộc thám hiểm đã đưa Coronado tới vùng Grand Canyon và Kansas, nhưng ông đã không tìm thấy vàng hay kho báu mà người Tây Ban Nha đã ra sức tìm kiếm.
Trong khi người Tây Ban Nha ra sức thám hiểm miền Nam thì miền Bắc nước Mỹ cũng đã dần được phát hiện thông qua những chuyến đi của các nhà thám hiểm như Giovanni da Verrazano. Là người xứ Florence lái thuyền thuê cho người Pháp, Verrazano đã đặt chân tới Nam Carolina vào năm 1524 và tiến về phía bắc dọc theo Đại Tây Dương đến tận cảng New York ngày nay.
Mười năm sau, một người Pháp tên là Jacques Cartier, cũng giống như những người châu Âu khác trước đó, đã ra khơi với hy vọng tìm được tuyến đường biển tới châu Á. Các cuộc thám hiểm của Cartier dọc theo sông St. Lawrence đã trở thành căn cứ để người Pháp đưa ra yêu sách đòi đất ở Bắc Mỹ. Những yêu sách này còn kéo dài tới tận năm 1763.
Sau khi thuộc địa Quebec đầu tiên của họ bị sụp đổ vào những năm 1540, những người Pháp theo đạo Tin Lành tìm cách định cư ở vùng bờ biển phía bắc Florida suốt hai mươi năm sau đó. Vì cho rằng người Pháp là mối đe dọa đối với tuyến đường thương mại dọc hải lưu Gulf Stream của mình nên người Tây Ban Nha đã tàn phá thuộc địa này vào năm 1565. Thật trớ trêu, thủ lĩnh của đội quân Tây Ban Nha, Pedro Menendez, ngay sau đó đã xây dựng một thị trấn cách đó không xa mang tên St. Augustine. Đây là khu vực định cư lâu dài đầu tiên của người châu Âu ở vùng đất là nước Mỹ ngày nay.
Số của cải khổng lồ từ các thuộc địa ở Mexico, quần đảo Caribê và Peru được chở về Tây Ban Nha đã thôi thúc nhiều cường quốc châu Âu khác. Những quốc gia hàng hải mới nổi lên như Anh đã bắt đầu quan tâm đến Tân Thế giới, một phần là vì các cuộc tấn công dưới sự chỉ huy của Francis Drake nhằm vào tàu chở kho báu của người Tây Ban Nha đã thành công.
Năm 1578, Humphrey Gibert, tác giả luận thuyết về việc tìm đường theo hướng tây bắc, đã được Nữ hoàng Elizabeth cho phép thành lập một thuộc địa cho những vùng đất còn man di, mọi rợ ở Tân Thế giới nơi các nước châu Âu khác vẫn chưa xác lập quyền kiểm soát. Phải mất năm năm Humphrey Gibert mới thực sự bắt đầu những nỗ lực của mình. Song khi ông bị mất tích trên biển, người em trai cùng mẹ khác cha của ông là Walter Raleigh đã tiếp bước.
Năm 1585, Raleigh thiết lập thuộc địa của người Anh đầu tiên ở Bắc Mỹ trên đảo Roanoke ngoài khơi bờ biển bang Bắc Carolina. Sau đó thuộc địa này đã bị từ bỏ, và những nỗ lực tiếp theo của ông hai năm sau đó cũng bị thất bại. Hai mươi năm sau người Anh mới cố gắng lần nữa tại Jamestown vào năm 1607. Thuộc địa của họ đã thành công và Bắc Mỹ bước vào một kỷ nguyên mới.
NHỮNG KHU ĐỊNH CƯ ĐẦU TIÊN
Làn sóng nhập cư ồ ạt từ châu Âu sang Bắc Mỹ đã bắt đầu vào đầu những năm 1600. Phong trào này kéo dài suốt hơn ba thế kỷ, bắt đầu từ nhóm nhỏ vài trăm người Anh tới sự xuất hiện ồ ạt của hàng triệu người nhập cư mới. Được thôi thúc bởi những động lực mạnh mẽ khác nhau, họ đã xây dựng một nền văn minh mới ở phần phía bắc của lục địa này.
Những dân nhập cư người Anh đầu tiên tới miền đất là Hoa Kỳ ngày nay đã vượt Đại Tây Dương rất lâu sau khi người Tây Ban Nha đã gây dựng được những thuộc địa giàu có ở Mexico, Tây ấn và Nam Mỹ. Cũng giống như tất cả những người đầu tiên đến Tân Thế giới, họ đã tới đây trên những con tàu nhỏ bé, chật chội. Suốt chặng đường kéo dài từ sáu tới 12 tuần lễ, họ chỉ được ăn rất ít và rất nhiều người đã chết vì bệnh tật. Tàu của họ thường xuyên bị đánh tơi tả trong các cơn bão và một số tàu đã mất tích ngoài khơi.
Phần lớn dân di cư châu Âu vượt biên để tránh các cuộc đàn áp chính trị và tìm đến những vùng đất được tự do hành đạo hoặc được hưởng những cơ hội luôn nằm ngoài tầm tay của họ ở cố quốc. Từ năm 1620 đến 1635, nước Anh nhanh chóng lâm vào cảnh khó khăn kinh tế. Nhiều người không thể tìm được việc làm. Thậm chí ngay cả những nghệ nhân cũng chỉ có mức thu nhập giúp họ sống trên mức thiếu thốn. Những đợt mất mùa càng làm tình cảnh khốn khó trở nên tồi tệ hơn. Ngoài ra, cuộc cách mạng thương mại đã mở đường cho ngành dệt phát triển mạnh mẽ và đòi hỏi nguồn cung cấp lông cừu tăng nhanh chưa từng có nhằm duy trì hoạt động của những cỗ máy dệt. Địa chủ đã rào đất, đuổi nông dân để dành đất nuôi cừu. Do đó, việc mở rộng thuộc địa đã trở thành lối thoát cho những tá điền bị gạt ra ngoài lề xã hội như vậy.
Cảm nhận đầu tiên của những người dân di cư tới vùng đất mới là khung cảnh những cánh rừng bạt ngàn. Nhưng chắc hẳn họ đã không thể sống sót nếu như không có những người da đỏ tốt bụng giúp đỡ và dạy cách trồng những loài cây bản địa như bí ngô, bí, đậu và ngô. Ngoài ra, những cánh rừng nguyên sinh rộng lớn trải dài gần 2100 cây số dọc duyên hải phía đông cung cấp cho họ nguồn củi gỗ và những loài thú săn thật phong phú. Rừng cũng cung cấp cho họ gỗ để dựng nhà, đóng đồ, đóng thuyền và sản xuất những mặt hàng có giá trị để xuất khẩu.
Mặc dù lục địa mới được thiên nhiên ưu đãi, song việc buôn bán với châu Âu vẫn đóng vai trò quan trọng sống còn, giúp những người định cư có được những mặt hàng họ không thể tự sản xuất được. Khu vực duyên hải rất có ý nghĩa với những người nhập cư. Dọc theo toàn bộ chiều dài của bờ biển có vô số vịnh và hải cảng. Chỉ có hai khu vực Bắc Carolina và Nam New Jersey là thiếu các cảng cho tàu viễn dương tới neo đậu.
Những dòng sông hùng vĩ như Kennebec, Hudson, Delaware, Susquehanna, Potomac và rất nhiều con sông khác nối các vùng đất nằm giữa bờ biển và dãy núi Appalachian với đại dương. Tuy nhiên, chỉ duy nhất dòng sông St. Lawrence thuộc quyền kiểm soát của người Pháp ở Canada là tuyến đường thủy nối với vùng Hồ Lớn và trung tâm của lục địa. Những cánh rừng ngút ngàn, sự phản kháng của một số bộ lạc da đỏ và dãy núi Appalachian cao sừng sững đã làm nản lòng những người muốn lập khu định cư cách xa đồng bằng ven biển. Chỉ có những người đặt bẫy thú lấy da và những lái buôn mới mạo hiểm tiến vào vùng đất hoang vu. Trong một trăm năm đầu tiên, những người đi khai hoang đã xây dựng những khu định cư thật khăng khít bên nhau dọc theo bờ biển.
Có nhiều lý do chính trị thôi thúc người ta di cư sang Mỹ. Vào những năm 1630, chế độ cai trị chuyên quyền của vua Anh Charles đệ Nhất đã trở thành động lực thúc đẩy phong trào di cư. Cuộc nổi dậy và những thắng lợi sau đó của những người chống đối Charles đệ Nhất dưới sự lãnh đạo của Oliver Cromwell trong những năm 1640 đã khiến những tên nịnh thần trong triều đình phải tha hương tới vùng đất Virginia. Ở những khu vực nói tiếng Đức tại châu Âu, các chính sách đàn áp của nhiều vị hoàng thân có tư tưởng hẹp hòi - đặc biệt về vấn đề tôn giáo - cùng với hậu quả nặng nề của hàng loạt các cuộc chiến đã tạo làn sóng di cư sang Mỹ cuối thế kỷ XVII và XVIII.
Mỗi chuyến đi đều đòi hỏi việc lập kế hoạch và quản lý thật cẩn trọng và phải tính tới chi phí cùng những rủi ro. Những người di cư đã phải vượt chặng đường dài gần 5000 km trên biển cả. Họ cần có những dụng cụ, quần áo, hạt giống, công cụ, vật liệu xây dựng, vật nuôi, vũ khí và đạn dược. Khác với các chính sách thực dân của các quốc gia vào những thời kỳ khác nhau, phong trào di cư từ nước Anh không trực tiếp do chính phủ hậu thuẫn, mà do các nhóm gồm những cá nhân riêng rẽ thực hiện với động cơ chủ yếu là lợi nhuận.
JAMESTOWN
Thuộc địa đầu tiên của nước Anh được thiết lập ở Bắc Mỹ là khu Jamestown. Theo chiếu chỉ của vua James đệ Nhất ban cho công ty Virginia (hay công ty Luân Đôn), vào năm 1607, một nhóm khoảng 100 người đã lên đường tới vịnh Chesapeake. Để tránh xung đột với người Tây Ban Nha, họ đã chọn một khu vực cách vịnh chừng 60 cây số ở thượng lưu sông James.
Nhóm người này chủ yếu là dân đô thị và những người phiêu lưu, thích tìm vàng hơn làm nông nghiệp. Họ hoàn toàn không có chí khí hay khả năng lập thân ở một vùng đất hoang sơ. Trong số họ, thuyền trưởng John Smith đã vươn lên thành nhân vật chủ chốt. Mặc dù có các cuộc cãi vã, những trận đói và các cuộc tấn công của người da đỏ, nhưng ông vẫn tăng cường tính kỷ luật nội bộ. Chính điều đó đã giúp tạo nên tinh thần đoàn kết trong khu định cư bé nhỏ trong suốt năm đầu tiên.
Năm 1609, sau khi Smith trở về nước Anh, khu định cư đó đã rơi vào tình trạng vô chính phủ. Suốt mùa đông năm 1609-1610, phần lớn những người ở lại đã không thể chiến thắng được bệnh tật. Đến tháng 5/1610, chỉ còn 60 trong số 300 người sống sót. Cũng vào năm đó, thị trấn Henrico (ngày nay là thành phố Richmond) đã được xây dựng ở khu vực xa hơn nữa thuộc thượng lưu sông James.
Tuy nhiên, không bao lâu sau đã có một sự kiện làm nên cuộc cách mạng trong nền kinh tế của Virginia. Năm 1612, John Rolfe bắt đầu lai giống cây thuốc lá nhập từ vùng Tây ấn với cây bản địa và đã tạo ra giống mới hợp khẩu vị người châu Âu. Chuyến tàu biển đầu tiên chở loại thuốc lá này đã cập cảng Luân Đôn năm 1614. Trong suốt một thập niên sau đó, loại thuốc lá này đã trở thành nguồn thu nhập chính của Virginia.
Dẫu vậy, sự giàu có cũng không đến với họ một cách quá dễ dàng và nhanh chóng. Tỷ lệ tử vong do bệnh tật và số lượng những cuộc tấn công của người da đỏ vẫn rất cao. Từ năm 1607 đến năm 1624 đã có khoảng 14.000 người di cư tới khu vực này, song vào năm 1624 chỉ còn vỏn vẹn 1.132 người vẫn sống ở đó. Theo kiến nghị của một ủy ban trong hoàng triều, nhà vua đã giải tán công ty Virginia và biến khu vực này thành thuộc địa của hoàng gia ngay trong năm đó.
MASSACHUSETTS
Trong những biến cố tôn giáo xảy ra vào thế kỷ XVI, một nhóm gồm cả nam và nữ tín đồ Thanh giáo đã tìm cách cải tổ Anh giáo ngay từ bên trong. Họ yêu cầu mọi nghi lễ và tổ chức gắn với Giáo hội La-mã phải được thay thế bằng những hình thức tín ngưỡng và nghi lễ Can-vanh đơn giản hơn. Với việc phá bỏ tính thống nhất giữa nhà nước và nhà thờ, tư tưởng cải cách tôn giáo của họ đã đe dọa chia rẽ công chúng và ngầm phá hoại quyền lực của hoàng triều.
Năm 1607, một nhóm nhỏ những người Phân lập - phái Thanh giáo cấp tiến không tin Giáo hội chính thức có thể được cải tổ - đã bỏ tới Leyden, Hà Lan bởi tại đây, Hà Lan cho phép họ được hưởng quy chế tị nạn. Tuy nhiên, những người Hà Lan theo phái Can-vanh lại hạn chế họ chỉ được làm những công việc có mức lương thấp. Một số người trong giáo đoàn đã chán nản với sự kỳ thị này và quyết tâm di cư sang Tân Thế giới.
Năm 1620, một nhóm những tín đồ Thanh giáo ở Leyden đã được công ty Virginia cấp phép sở hữu đất. 101 người trong số họ đã lên đường tới Virginia trên con tàu Mayflower. Một trận bão đã đánh dạt họ về phía bắc và họ đã đặt chân lên vùng đất New England tại Mũi Cá tuyết (Cape Cod). Do tin rằng họ nằm ngoài phạm vi tài phán của bất kỳ một chính phủ có tổ chức nào nên họ đã soạn một điều ước chính thức cam kết tuân thủ những đạo luật công bằng và bình đẳng do các nhà lãnh đạo được họ lựa chọn soạn thảo. Đó chính là Hiệp ước Mayflower.
Đến tháng 12, tàu Mayflower cập cảng Plymouth. Những người hành hương đã bắt đầu xây dựng khu định cư trong suốt mùa đông. Gần một nửa số người đi khai hoang đó đã bị chết trong cảnh màn trời chiếu đất và vì bệnh tật, nhưng những người da đỏ thuộc bộ lạc Wampanoag gần đó đã cung cấp cho họ kiến thức giúp họ tồn tại: đó là cách trồng ngô. Đến mùa thu năm sau, những người hành hương đã có một vụ ngô bội thu và nghề buôn lông thú và gỗ xẻ đã phát triển mạnh mẽ.
Một làn sóng nhập cư mới đã ập đến bờ biển Vịnh Massachusetts vào năm 1630 sau khi vua Charles đệ Nhất đã ban chiếu cho phép họ lập thuộc địa. Nhiều người trong số họ theo Thanh giáo và những nghi lễ tôn giáo của họ đã ngày càng bị cấm nghiêm ngặt ở nước Anh. John Winthrop, thủ lĩnh của họ, đã kêu gọi xây dựng một thành phố trên đồi ở Tân Thế giới - một nơi họ hoàn toàn có thể sống theo đúng đức tin của mình và là tấm gương cho tất cả những ai theo đạo Cơ-đốc.
Thuộc địa Vịnh Massachusetts chắc hẳn đã đóng vai trò rất quan trọng quá trình phát triển toàn bộ vùng New England nói chung, một phần là vì Winthrop và những chiến hữu theo Thanh giáo của ông đã có thể mang tới đây hiến chương của riêng mình. Do đó, quyền lực của chính phủ thuộc địa chỉ giới hạn ở Massachusetts, chứ không phải ở nước Anh.
Theo những điều khoản của hiến chương, quyền lực thuộc về Tòa án Tối cao có thành viên là những công dân tự do - một điều kiện bắt buộc để trở thành thành viên của giáo đoàn Thanh giáo. Điều này bảo đảm các tín đồ Thanh giáo vừa là lực lượng chính trị vừa là lực lượng tôn giáo chính ở thuộc địa. Tòa án Tối cao bầu ra thống đốc, và vị thống đốc không là ai khác ngoài John Winthrop.
Không phải ai cũng ưa giáo lý khắt khe của Thanh giáo. Một trong số những người đầu tiên công khai thách thức Tòa án Tối cao là Roger Williams, một mục sư trẻ tuổi. Ông đã phản đối việc thuộc địa chiếm đất của người da đỏ, nhưng ủng hộ việc tách biệt nhà thờ và nhà nước. Anne Hutchinson, một người bất đồng chính kiến khác, đã phản bác những triết lý chủ đạo trong giáo lý của Thanh giáo. Kết quả là họ và những người ủng hộ đã bị trục xuất khỏi thuộc địa.
Năm 1636, Williams đã mua đất của người da đỏ thuộc bộ lạc Narragansett ở khu vực Providence, bang Rhode Island ngày nay. Năm 1644, Quốc hội Anh do phe Thanh giáo kiểm soát đã cho phép ông biến Rhode Island thành thuộc địa riêng, trong đó nhà thờ hoàn toàn tách khỏi nhà nước và người dân được tự do hành đạo.
Những người bị coi là tín đồ dị giáo như Williams không phải là những người duy nhất rời bỏ Massachusetts. Những tín đồ Thanh giáo chính thống với mục tiêu tìm đến những vùng đất và vận hội tốt hơn cũng đã bắt đầu rời bỏ thuộc địa Vịnh Massachusetts. Chẳng hạn, những tin tức thung lũng sông Connecticut màu mỡ đã thôi thúc những nông dân đang gặp khó khăn vì đất đai bạc màu, khô kiệt. Đến đầu thập niên 1630, nhiều người đã sẵn sàng đối đầu với nguy cơ bị người da đỏ tấn công để chiếm vùng đất bằng phẳng và màu mỡ. Những khu dân cư mới như vậy thường yêu cầu bắt buộc bỏ quy chế chỉ thành viên giáo hội mới được quyền bầu cử. Bằng cách đó họ đã mở rộng quyền bầu cử tới số lượng người đông đảo hơn.
Cũng trong thời gian này, những khu định cư khác đã bắt đầu xuất hiện dọc theo duyên hải New Hampshire và Maine bởi lẽ ngày càng có nhiều người nhập cư đi tìm đất đai và tự do ở Tân Thế giới.
TÂN HÀ LAN VÀ MARYLAND
Vào năm 1609, công ty Đông Ấn, Hà Lan đã thuê Henry Hudson khảo sát khu vực xung quanh vùng đất thành phố New York ngày nay và dòng sông mang tên ông cho tới tận phía bắc Albany, bang New York ngày nay. Những cuộc hành trình tiếp theo của người Hà Lan đã trở thành căn cứ đòi đất của họ và xây dựng những khu định cư đầu tiên của người Hà Lan ở khu vực này.
Giống như người Pháp ở phía bắc, người Hà Lan trước tiên quan tâm tới nghề buôn bán lông thú. Để làm được điều đó, người Hà Lan gây dựng mối quan hệ gần gũi với năm bộ tộc của người Iroquois. Họ là nguồn cung cấp lông thú chủ yếu ở vùng đất trung tâm này. Vào năm 1617, người Hà Lan đã xây dựng một pháo đài ở điểm gặp nhau của hai con sông Hudson và Mohawk thuộc thành phố Albany ngày nay.
Khu định cư trên đảo Manhattan bắt đầu được xây dựng từ đầu thập niên 1620. Vào năm 1624, người ta đã mua hòn đảo này từ tay những da đỏ địa phương với giá 24 đô-la. Ngay sau đó, hòn đảo được đổi tên thành New Amsterdam.
Để thu hút người định cư tới khu vực sông Hudson, người Hà Lan đã khuyến khích xây dựng chế độ quý tộc phong kiến, hay còn gọi là chế độ điền chủ. Thái ấp lớn như vậy đầu tiên được thiết lập dọc theo dòng sông Hudson năm 1630. Theo chế độ điền chủ đó, bất kỳ ông chủ nào thu hút được 50 người lớn tới sinh sống trong lãnh địa của mình trong thời gian hơn bốn năm thì sẽ được thưởng một khu đất dài 25 km dọc theo triền sông Hudson, được hưởng đặc quyền đánh cá và săn bắn, và có quyền tài phán dân sự và hình sự trong lãnh địa của mình. Đổi lại, điền chủ phải cung cấp cho họ vật nuôi, công cụ và nhà ở. Tá điền phải trả tiền thuê đất và ưu tiên cho điền chủ mua nông sản dư thừa.
Ba năm sau, một công ty thương mại Thụy Điển có quan hệ với người Hà Lan đã cố gắng lập khu định cư đầu tiên của họ dọc sông Delaware về phía nam. Do không đủ sức để củng cố vị trí của mình, khu New Sweden (Tân Thụy Điển) dần dần đã bị sáp nhập vào khu New Netherland (Tân Hà Lan) và sau này là bang Pennsylvania và bang Delaware.
Năm 1632, dòng họ Calvert theo đạo Cơ-đốc đã được vua Charles đệ Nhất cho phép sở hữu vùng đất nằm ở phía bắc sông Potomac - bang Maryland ngày nay. Vì chiếu chỉ của nhà vua không nêu rõ việc cấm xây dựng các nhà thờ không thuộc đạo Tin Lành, nên thuộc địa này đã trở thành thiên đường đối với những tín đồ Cơ-đốc giáo. Thị trấn đầu tiên của bang Maryland là St.Mary's đã được thành lập năm 1634 gần khu vực nơi sông Potomac đổ vào Vịnh Chesapeake.
Trong khi thiết lập khu tị nạn cho những tín đồ Cơ-đốc giáo ngày càng bị Anh giáo ngược đãi thậm tệ, dòng họ Calvert vẫn quan tâm tới việc tạo ra những bất động sản sinh lợi. Để làm được điều đó và để tránh phiền hà với Chính phủ Anh, họ cũng khuyến khích các tín đồ Tin Lành tới nhập cư.
Chiếu chỉ của nhà vua ban cho vùng đất Maryland vừa có những nội dung cổ hủ, vừa có những nội dung cấp tiến. Một mặt, dòng họ Calvert có quyền lập thái ấp, mặt khác họ chỉ có thể ban hành luật nếu được những công dân tự do (những người được ban đất) chấp thuận. Họ thấy rằng để thu hút người định cư - và để kiếm lời từ việc cho thuê đất - họ đã phải cho những người định cư trang trại chứ không chỉ có duy nhất việc thuê điền trang. Do đó, số lượng các trang trại độc lập đã tăng lên. Những ông chủ trang trại cũng đòi hỏi có tiếng nói trong những chuyện đại sự của thuộc địa. Cơ quan lập pháp đầu tiên của bang Maryland đã được triệu tập vào năm 1635.
MỐI QUAN HỆ GIỮA THỰC DÂN VÀ NGƯỜI DA ĐỎ
Cho đến năm 1640, người Anh đã thiết lập được những thuộc địa vững chắc dọc bờ biển New England và Vịnh Chesapeake. Ở giữa những thuộc địa của họ là khu vực sinh sống của người Hà Lan và một nhóm nhỏ người Thụy Điển. Ở phía tây là khu vực sinh sống của những người thổ dân da đỏ.
Hết thân mật rồi tới thù nghịch, các bộ lạc ở miền Đông không còn xa lạ với người châu Âu. Mặc dù thổ dân da đỏ được lợi nhờ tiếp cận công nghệ mới và thương mại, song bệnh tật và cơn sốt đất đai do những người định cư đầu tiên đem tới trở thành thách thức nghiêm trọng với lối sống vốn đã có từ lâu đời của họ.
Lúc đầu, việc buôn bán với người châu Âu đã đem lại nhiều lợi ích. Họ đã có dao, rìu, vũ khí, đồ nấu ăn, lưỡi câu cá và vô số các loại hàng hóa khác. Những người da đỏ buôn bán với người châu Âu ngay từ đầu đã nhiều lợi thế hơn so với những đối thủ cạnh tranh sau này của họ. Trước nhu cầu của người châu Âu, các bộ lạc như người Iroquois đã bắt đầu dốc sức săn bắt thú lấy da trong suốt thế kỷ XVII. Đến tận thế kỷ XVIII, lông và da thú chưa thuộc đã giúp các bộ lạc có tiền để mua hàng hóa của thực dân châu Âu.
Mối quan hệ giữa thổ dân da đỏ với thực dân châu Âu trong giai đoạn đầu vừa mang tính hợp tác vừa mang tính đấu tranh. Mối quan hệ hữu hảo đến mẫu mực đã kéo dài trong suốt nửa thế kỷ tồn tại của Pennsylvania. Tuy nhiên, đã có vô số những trở ngại, giao tranh và chiến tranh kéo dài, và bao giờ cũng vậy, thổ dân da đỏ luôn bị thua và mất đất.
Cuộc nổi dậy quan trọng đầu tiên của người da đỏ đã nổ ra tại bang Virginia vào năm 1622, khiến gần 347 người da trắng bị thiệt mạng, trong đó có một số nhà truyền giáo mới đặt chân tới Jamestown.
Việc người da trắng định cư ở khu vực sông Connecticut đã châm ngòi cho cuộc chiến với người Pequot vào năm 1673. Năm 1675, vua Philip - con trai của một tù trưởng đã từng ký hòa ước đầu tiên với những người hành hương vào năm 1621 - đã cố gắng đoàn kết các bộ lạc miền Nam New England chống lại việc người châu Âu tiếp tục xâm lấn đất đai của họ. Tuy nhiên, Phillip đã bị tử trận và nhiều người da đỏ bị bán đi làm nô lệ.
Dòng người di cư liên tục đổ về khu vực hẻo lánh ở các thuộc địa miền Đông đã phá vỡ cuộc sống của thổ dân da đỏ. Do các loài thú hoang dã bị săn bắn đến cạn kiệt nên các bộ lạc buộc phải đứng trước những lựa chọn đầy khó khăn - hoặc là bị chết đói hoặc là gây chiến hoặc xung đột với các bộ lạc khác ở phía Tây.
Người Iroquois sinh sống ở hạ lưu vùng hồ Ontario và Erie ở Bắc New York và bang Pennsylvania đã thành công hơn trong việc chống lại các cuộc tấn công của người châu Âu. Năm 1570, năm bộ lạc đã hợp nhất thành một quốc gia đa dạng nhất của thổ dân da đỏ lúc bấy giờ - “Ho-De-No-Sau-Nee" hay còn gọi là Liên minh Iroquois. Liên minh này do một hội đồng gồm 50 đại diện từ từng bộ lạc trong tổng số năm bộ lạc đó điều hành. Hội đồng giải quyết công việc chung của tất cả các bộ lạc, nhưng không quyết định cách thức các bộ lạc tự do và bình đẳng giải quyết các vấn đề hàng ngày của họ như thế nào. Không một bộ lạc nào được phép tự tuyên chiến. Hội đồng đã thông qua các đạo luật để đối phó với tội phạm, trong đó có tội giết người.
Liên minh Iroquois là một thế lực hùng mạnh trong thế kỷ XVII và XVIII. Họ đã buôn bán lông thú với người Anh và đứng về phía Anh để chống lại người Pháp trong cuộc chiến giành vị trí thống lĩnh ở châu Mỹ từ năm 1754 đến 1763. Chắc hẳn nếu không có sự giúp đỡ như vậy của họ, người Anh đã không thể chiến thắng trong cuộc chiến đó.
Liên minh Iroquois vẫn hùng mạnh cho tới khi Cách mạng Mỹ nổ ra. Lần đầu tiên sau đó, hội đồng đã không thể nhất trí quyết định ủng hộ phe nào. Các bộ lạc thành viên đã tự đưa ra quyết định riêng của họ. Một số cùng chiến đấu với người Anh, một số đứng về phía những người khai hoang, số còn lại thì giữ thái độ trung lập. Do vậy, tất cả đều chống lại Liên minh Iroquois. Tổn thất của họ quá lớn và liên minh đó đã không bao giờ có thể hồi phục trở lại.
THẾ HỆ THỨ HAI CÁC THUỘC ĐỊA CỦA ANH QUỐC
Các cuộc nổi loạn của dân chúng và xung đột tôn giáo ở nước Anh vào giữa thế kỷ XVII đã cản trở phong trào nhập cư và khiến cho mẫu quốc thiếu quan tâm tới những thuộc địa còn non nớt ở châu Mỹ.
Năm 1643, lợi dụng nước Anh đang xao nhãng các biện pháp phòng ngự, các thuộc địa Vịnh Massachusetts, Plymouth, Connecticut và New Heaven đã thành lập Liên minh New England. Đó là nỗ lực đầu tiên của những người châu Âu đi khai hoang nhằm thống nhất địa giới.
Những trang sử đầu tiên của người Anh đi khai hoang ở vùng đất mới chứa đựng vô số những mâu thuẫn tôn giáo và chính trị. Các phe phái khác nhau cạnh tranh quyền lực và vị trí trong nội bộ và với những người láng giềng của họ. Đặc biệt, bang Maryland đã phải gánh chịu những cuộc xung đột tôn giáo gay gắt vốn đã từng gây tổn thất to lớn cho nước Anh trong thời kỳ của Oliver Cromwell. Một trong số những tổn thất đó là việc hủy bỏ Đạo luật Khoan dung trong những năm 1650. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, đạo luật này đã được phục hồi cùng với quyền tự do tôn giáo.
Cùng với việc vua Charles đệ Nhị khôi phục lại ngai vàng vào năm 1660, người Anh lại một lần nữa quan tâm tới Bắc Mỹ. Trong một thời gian ngắn, các khu định cư của người châu Âu đầu tiên đã được thiết lập tại Carolinas, còn người Hà Lan đã bị đánh bật khỏi khu vực New Netherland. Các thuộc địa có sở chủ sở hữu riêng cũng đã được thành lập ở các bang New York, New Jersey, Delaware và Pennsylvania.
Các khu vực định cư của người Hà Lan nằm dưới sự lãnh đạo của các thống sứ độc tài được cử tới từ châu Âu. Qua nhiều năm, cư dân trong các khu vực này đã xa lánh họ. Do vậy, khi thực dân Anh bắt đầu xâm chiếm đất đai của người Hà Lan ở Long Island và Manhattan, các thống sứ không được lòng dân đã không thể kêu gọi dân chúng đứng về phía họ. Khu vực New Netherland đã bị sụp đổ vào năm 1664. Tuy nhiên, các điều kiện trong thỏa ước rất ôn hòa, cho phép cư dân Hà Lan vẫn tiếp tục duy trì sở hữu và hành đạo theo ý muốn của họ.
Ngay từ đầu thập niên 1650, khu vực Albemarle Sound ở ngoài khơi phía bắc bang Bắc Carolina ngày nay chủ yếu có cư dân từ bang Virginia chuyển xuống sinh sống. Vị thống sứ đầu tiên được cử tới khu vực này vào năm 1664. Mãi tới khi một nhóm người Pháp theo đạo Tin Lành đến Albemarle vào năm 1704 thì thị trấn đầu tiên mới được xây dựng ở khu vực này - một vùng đất thậm chí đến nay vẫn còn hẻo lánh.
Năm 1670, những người nhập cư đầu tiên từ New England và đảo Barbados thuộc Ca-ri-bê đã chuyển tới khu vực Charleston, bang Nam Carolina ngày nay. Người ta đã chuẩn bị sẵn cho thuộc địa mới này một hệ thống chính quyền hết sức công phu theo tư tưởng của John Locke, triết gia người Anh. Một trong những đặc điểm của hệ thống chính quyền này là loại bỏ việc xây dựng chế độ quý tộc cha truyền con nối. Song một trong những điểm tồi tệ nhất của thuộc địa này là họ đã bắt đầu buôn nô lệ người da đỏ từ rất sớm. Tuy nhiên, theo thời gian, gỗ, gạo và bột chàm đã giúp thuộc địa này có nền tảng kinh tế vững chắc hơn.
Năm 1681, William Penn, một tín đồ Quaker giàu có và là bạn của vua Charles đệ Nhị, đã được ban một vùng đất lớn nằm ở phía Tây sông Delaware - sau này là bang Pennsylvania. Để giúp tăng dân số trong khu vực này, Penn đã chủ động tuyển mộ hàng loạt những người bất đồng tôn giáo ở nước Anh và châu Âu - bao gồm những tín đồ Quaker, tín đồ dòng Menno (Tin Lành ở Hà Lan), Amish, Moravia và Baptist (giáo phái chỉ rửa tội cho người lớn).
Một năm sau khi Penn chuyển tới khu vực này đã có người Hà Lan, Thụy Điển và người Anh sinh sống dọc theo sông Delaware. Cũng chính tại đó ông đã thành lập Philadelphia - “Thành phố của Tình huynh đệ".
Trong khi vẫn giữ vững đức tin của mình, Penn đã được thôi thúc nhờ tinh thần bình đẳng thường không thể tìm thấy ở những thuộc địa khác ở châu Mỹ lúc bấy giờ. Do đó, phụ nữ ở bang Pennsylvania có quyền từ rất lâu trước khi những phụ nữ khác ở nước Mỹ được hưởng những quyền như vậy. Penn và những chiến hữu của ông cũng rất quan tâm tới việc thúc đẩy quan hệ với người da đỏ ở bang Delaware và đảm bảo những người thổ dân da đỏ này cũng được trả tiền cho những mảnh đất dành cho người châu Âu đã tới định cư.
Người ta đã định cư tại bang Georgia vào năm 1732 - thuộc địa cuối cùng trong tổng số 13 bang thuộc địa được thành lập. Nằm gần sát, nếu không muốn nói là thực sự nằm trong địa giới của vùng đất Florida của người Tây Ban Nha, khu vực này được coi là vùng đệm chống lại các cuộc đột nhập của người Tây Ban Nha. Tuy nhiên, khu vực này còn có một nét nổi bật khác: Tướng James Oglethorpe chịu trách nhiệm về các công trình bố phòng của bang Georgia là một người có tư tưởng cải cách. Ông đã chủ động xây dựng một khu vực nương náu an toàn cho những người nghèo và tù nhân trước đây để giúp họ có những cơ hội mới.
DÂN DI CƯ, NÔ LỆ VÀ NHỮNG KẺ HẦU
Những người ít quan tâm tới cuộc sống mới ở nước Mỹ thường được lôi kéo sang Tân Thế giới nhờ những lời thuyết phục điêu luyện của những người khởi xướng phong trào. Chẳng hạn, William Penn đã tuyên truyền về những vận hội mới đang đón chờ những người sang định cư tại thuộc địa Pennsylvania. Các thẩm phán và chức sắc trong các nhà lao cho phạm nhân cơ hội di cư sang các thuộc địa như Georgia để thay cho việc chịu kết án tù.
Nhưng hầu như không ai trong số họ có đủ tiền để chi trả cho chuyến vượt biển của chính họ và gia đình họ nhằm bắt đầu một cuộc sống mới ở miền đất mới. Trong một số trường hợp, thuyền trưởng của các tàu kiếm được những khoản tiền kếch xù từ việc ký hợp đồng với những người di cư nghèo khổ - hay còn gọi là người hầu. Họ cũng sử dụng mọi ngón nghề từ hứa hão cho tới bắt cóc để càng thu hút nhiều số hành khách trên tàu càng tốt.
Trong những trường hợp khác, chi phí đi lại và ăn uống, sinh hoạt lại do các công ty, như công ty Virginia và Vịnh Massachusetts chi trả. Nhưng đổi lại, những người hầu đó phải cam kết làm việc cho những công ty này thông thường từ bốn tới bảy năm theo chế độ hợp đồng. Khi hết thời hạn, họ sẽ được trao quyền tự do, đôi khi bao gồm cả một mảnh đất nhỏ.
Có thể một nửa số người đến định cư ở các thuộc địa phía nam New England đã đến Mỹ theo hình thức này. Mặc dù hầu hết trong số họ đã hoàn thành những bổn phận theo đúng cam kết, song cũng có một số kẻ bỏ trốn. Dẫu vậy, cuối cùng, nhiều người trong số họ đã có đất và xây nhà hoặc là ở những thuộc địa mà họ đã đặt chân đến từ đầu hoặc là những thuộc địa lân cận. Tuyệt nhiên không có sự kỳ thị trong xã hội đối với gia đình lập nghiệp ở nước Mỹ theo hình thức này. Tất cả các thuộc địa đều có lãnh đạo trước đây từng một thời đã là người hầu theo khế ước như vậy.
Còn một ngoại lệ rất quan trọng trong mô hình này, đó là nô lệ châu Phi. Những người da đen đầu tiên được đưa tới bang Virginia vào năm 1612, đúng 12 năm sau khi thị trấn Jamestown được thành lập. Lúc đầu, nhiều người trong số họ được coi là những người hầu theo khế ước và sau này có thể được tự do. Tuy nhiên, cho đến những năm 1660, do nhu cầu về lao động trong các đồn điền ở thuộc địa miền Nam ngày càng gia tăng nên chế độ nô lệ bắt đầu trở nên hà khắc đối với họ. Nhiều người châu Phi đã bị xiềng xích đưa sang Mỹ làm nô lệ bắt buộc suốt cả cuộc đời.
ĐIỀU HUYỀN BÍ BẤT TẬN CỦA NGƯỜI ANASAZI Những khu làng Pueblo đã bị phôi pha theo thời gian và những thị trấn trên ghềnh đá nằm giữa những ngọn núi gồ ghề, trơ trụi cùng những hẻm núi ở Colorado và New Mexico là nét đặc trưng của những nơi sinh sống của những cư dân thời tiền sử ở Bắc Mỹ, hay còn gọi là người Anasazi (theo tiếng Navajo, từ này có nghĩa là những người cổ đại). Đến năm 500 sau Công nguyên, người Anasazi đã xây dựng một số ngôi làng đầu tiên ở Tây Nam nước Mỹ. Tại đây, họ đi săn và trồng ngô, bí và đậu. Người Anasazi đã phát triển hưng thịnh qua nhiều thế kỷ. Họ xây dựng hệ thống đê điều và thủy lợi rất tinh xảo cùng nghề gốm sứ khéo léo và độc đáo. Họ đã khoét sâu vào những vách đá dựng đứng để xây dựng những ngôi nhà nhiều phòng. Cho đến nay, những công trình kiến trúc của họ vẫn là một trong những khu khảo cổ nổi bật nhất ở Hoa Kỳ ngày nay. Tuy nhiên, đến năm 1300, họ đã rời bỏ các khu định cư của mình, bỏ lại mọi đồ gốm sứ, công cụ, đồ đạc, thậm chí cả quần áo - cứ như là họ có ý định quay trở lại. Tuy vậy, sự tồn tại của họ chỉ còn lại trong sử sách. Mãi tới khi các bộ lạc mới như Navajo và Ute, đặt chân tới đây và sau đó là những người Tây Ban Nha và châu Âu khác thì quê hương của họ mới hết cảnh hiu quạnh sau hơn một thế kỷ. Câu chuyện về người Anasazi gắn chặt với vùng đất mà họ đã lựa chọn để sinh sống - thật tươi đẹp nhưng cũng không kém phần khắc nghiệt. Những khu định cư đầu tiên chỉ có những ngôi nhà hầm giản dị được khoét sâu vào trong lòng đất và sau này đã trở thành những căn phòng bị lún sâu được sử dụng làm nơi tụ họp và hành lễ. Những thế hệ kế tiếp đã tìm ra phương pháp tạo nền xây dựng những ngôi làng Pueblo vuông bằng đá. Nhưng sự thay đổi ghê gớm nhất trong cuộc sống của người Anasazi lại là quyết định chuyển tới những vách đá bên dưới những ngọn núi có đỉnh bằng phẳng. Chính tại nơi đây, người Anasazi đã khoét vách đá thành những căn nhà nhiều tầng đẹp đến kinh ngạc. Người Anasazi sống theo mô hình làng xã. Họ buôn bán với những dân tộc khác trong vùng, tuy nhiên có rất ít vết tích về những cuộc chiến tranh. Mặc dù người Anasazi chắc chắn có các thủ lĩnh tôn giáo và các thủ lĩnh khác cũng như những người thợ tài hoa, song gần như không có bất kỳ sự phân biệt về xã hội hay giai cấp nào tồn tại trong xã hội của họ. Những động lực tôn giáo và xã hội chắc chắn đã đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng những khu dân cư trên vách đá và việc quyết định rời bỏ khu vực đó. Nhưng việc vật lộn để tìm có thêm lương thực trong hoàn cảnh ngày càng khó khăn có thể là nguyên nhân chính dẫn tới những sự kiện trên. Khi dân số tăng, nông dân lại tăng diện tích canh tác trên những ngọn núi có đỉnh bằng phẳng. Chính điều đó đã khiến một số cộng đồng phải canh tác trên những phần đất sát vách núi trong khi những nhóm khác đã rời các đỉnh núi bằng phẳng để sang khu vực vách đá. Nhưng người Anasazi đã không thể ngăn chặn tình trạng đất đai dần dần mất độ phì nhiêu do liên tục phải canh tác. Họ cũng không thể chống chọi lại được những trận hạn hán theo chu kỳ. Chẳng hạn, việc phân tích các vòng tuổi thân cây đã cho thấy đợt hạn hán cuối cùng kéo dài 23 năm, từ năm 1276 đến năm 1299, và cuối cùng đã buộc những nhóm người Anasazi cuối cùng phải vĩnh viễn rời bỏ khu vực này. Mặc dù người Anasazi đã phải ly tán khỏi vùng đất của tổ tiên, song những di sản mà họ để lại vẫn còn nguyên vẹn trong dấu tích khảo cổ và còn lưu lại trong những tộc người như Hopi, Zuni và những người Pueblo là con cháu của họ. |
Chương 2: Thời kỳ thuộc địa
“Vậy dân tộc Mỹ, dân tộc mới ấy là gì?”
Nhà văn kiêm nhà nông học người Mỹ J. Hector St. John de Crevecoeur, 1782
NHỮNG DÂN TỘC MỚI
Phần lớn dân di cư tới Mỹ vào thế kỷ XVII là người Anh, nhưng cũng có cả người Hà Lan, Thụy Điển và Đức ở miền Trung, một số người Pháp theo đạo Tin Lành ở bang Nam Carolina và một số nơi khác, nô lệ châu Phi chủ yếu ở miền Nam, và rải rác những nhóm nhỏ người Tây Ban Nha, người Italia, người Bồ Đào Nha sống ở khắp các thuộc địa. Từ sau năm 1680, nước Anh không còn là điểm xuất phát chủ yếu của phong trào di cư do số lượng người Scotland và Scotland-Ireland (tín đồ Tin Lành ở Bắc Ai-len) đã nhiều hơn. Ngoài ra, hàng chục ngàn người di tản đã rời bỏ Tây Bắc Âu để tránh chiến tranh, những cuộc đàn áp và chế độ chiếm hữu ruộng đất. Đến năm 1690, dân số nước Mỹ đã tăng lên tới một phần tư triệu người. Kể từ đó đến năm 1775, cứ 25 năm con số này lại tăng lên gấp đôi cho đến khi đạt mức trên 2, 5 triệu người. Mặc dù các gia đình thường chuyển đến hết thuộc địa này tới thuộc địa khác song giữa các thuộc địa vẫn có những nét rất khác biệt. Những nét đặc thù đó thậm chí còn nổi rõ hơn giữa ba nhóm thuộc địa phân định theo khu vực.
NEW ENGLAND
New England nằm ở miền Đông bắc. Đất đai nơi đây nhìn chung cằn cỗi, đầy sỏi đá, hiếm nơi bằng phẳng và mùa đông kéo dài. Điều đó khiến cuộc sống thuần nông thật khó khăn, chật vật. Có lẽ vì thế mà những người dân ở New England đã lợi dụng sức nước và xây dựng các nhà máy xay ngũ cốc và các xưởng cưa. Những cánh rừng bạt ngàn gỗ đã khuyến khích nghề đóng tàu phát triển. Những bến cảng ở vị trí vô cùng thuận lợi đã thúc đẩy thương mại. Biển đã trở thành nguồn lợi lớn. Ở Massachusetts, chỉ riêng nghề đánh bắt cá tuyết cũng đã nhanh chóng đem lại sự giàu có.
Do người định cư đầu tiên tập trung rất đông trong các làng và các thị trấn quanh các cảng biển nên nhiều người ở New England đã tiếp tục nghề kinh doanh hoặc buôn bán. Những đồng cỏ thuộc đất công và những cánh rừng đã đáp ứng mọi nhu cầu của người dân thị trấn làm việc trên các nông trại nhỏ gần đó. Dân cư tập trung cũng giúp xây dựng trường làng, nhà thờ và tòa thị chính để người dân có thể gặp gỡ trao đổi những vấn đề cùng quan tâm.
Thuộc địa Vịnh Massachusetts tiếp tục mở rộng thương mại. Từ giữa thế kỷ XVII trở đi, thuộc địa này đã trở nên giàu có và Boston trở thành một trong những hải cảng lớn nhất nước Mỹ.
Những cánh rừng ở miền Đông Bắc là nguồn cung cấp gỗ sồi để đóng tàu thủy, gỗ thông để làm cột buồm và hắc -ín để lấp kín những khe ghép của tàu. Nhờ tự đóng được tàu và giong buồm tới các hải cảng khắp nơi trên thế giới, những người thợ đóng tàu tài hoa của thuộc địa Vịnh Massachusetts đã đặt nền móng cho lĩnh vực thương mại ngày càng đóng vai trò quan trọng. Đến cuối thời kỳ thuộc địa, một phần ba đội tàu mang cờ nước Anh đã được đóng ở New England. Cá, các cửa hàng trên tàu và đồ gỗ đã thúc đẩy xuất khẩu phát triển. Những lái buôn và những người làm vận tải ở New England chẳng bao lâu sau đã phát hiện thấy rượu rum và nô lệ là những món hàng béo bở. Một trong những kiểu làm ăn táo bạo - nếu không muốn nói là phi đạo đức - của họ thời bấy giờ là buôn bán tay ba. Các lái buôn mua nô lệ từ duyên hải châu Phi bằng rượu rum New England, rồi bán nô lệ ở Tây ấn (West Indies), và tại đây họ mua mật đường mang về nhà bán cho các nhà sản xuất rượu rum địa phương.
CÁC THUỘC ĐỊA MIỀN TRUNG
Xã hội ở các thuộc địa miền Trung đa dạng và phong phú, hòa đồng và khoan dung hơn nhiều so với ở New England. Nhờ sự lãnh đạo của William Penn, Pennsylvania vận hành thật suôn sẻ và tăng trưởng nhanh chóng. Đến năm 1685, dân số ở đây đã lên tới xấp xỉ 9.000 người. Thủ phủ của thuộc địa là thành phố Philadelphia có những con đường rộng lớn và rợp bóng cây, những ngôi nhà xây bằng gạch, đá vững chắc và những bến tàu nhộn nhịp. Đến cuối thời kỳ thuộc địa, khoảng một thế kỷ sau, đã có 30.000 người sống ở đây, đại diện cho nhiều ngôn ngữ, tín ngưỡng và nghề nghiệp. Tài năng kinh doanh và thành công của họ đã biến Philadelphia trở thành một trong những trung tâm hưng thịnh bậc nhất của Đế chế Anh.
Mặc dù tín đồ phái Quaker giữ vai trò chủ đạo ở Philadelphia, song nhiều nơi khác ở bang Pennsylvania tính chất đại diện của nhóm dân số khác vẫn được đảm bảo rất tốt. Người Đức đã trở thành các nông dân khéo tay bậc nhất ở thuộc địa này. Các ngành thủ công như dệt, đóng giày, đóng đồ gỗ, mỹ thuật và các nghề khác cũng đóng vai trò quan trọng. Bang Pennsylvania cũng là cửa ngõ bước vào Tân Thế giới đối với những tín đồ Tin Lành ở Bắc Ai-len. Họ đã đến đây từ đầu thế kỷ XVIII. Một chức sắc bang Pennsylvania đã gọi họ là những con người xa lạ đầy mưu trí và dũng cảm. Họ căm ghét người Anh và nghi ngờ tất cả mọi hình thức chính quyền. Những tín đồ Tin Lành ở Bắc Ai-len có xu hướng định cư ở những vùng hẻo lánh nơi họ khai hoang, sống bằng nghề săn bắt và nông nghiệp tự cung, tự cấp.
Bang New York là ví dụ điển hình về tính chất đa ngôn ngữ của nước Mỹ. Đến năm 1646 cư dân sinh sống dọc theo sông Hudson gồm người Hà Lan, Pháp, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, người Anh, Scotland, người Ai-len, Đức, Ba Lan, Bô-hê-miêng, Bồ Đào Nha và Italia. Người Hà Lan tiếp tục có ảnh hưởng lớn về kinh tế và xã hội ở New York một thời gian dài sau khi New Netherland bị sụp đổ và hòa nhập vào hệ thống thuộc địa của Anh. Những mái nhà dâng cao của họ đã trở thành nét đặc trưng lâu dài trong kiến trúc của thành phố. Những lái buôn Hà Lan cũng đã giúp khu Manhattan có môi trường kinh doanh đầy náo nhiệt.
CÁC THUỘC ĐỊA MIỀN NAM
Trái với New England và các thuộc địa miền Trung, các thuộc địa miền Nam chủ yếu là những khu dân cư thuần nông.
Khoảng cuối thế kỷ XVII, đời sống kinh tế và xã hội ở bang Virginia và bang Maryland phụ thuộc chủ yếu vào các chủ đồn điền lớn và các chủ trại tiểu nông. Các chủ đồn điền ở khu vực Tidewater nhờ có nguồn lao động nô lệ đã chiếm giữ hầu hết quyền lực chính trị và vùng đất màu mỡ nhất. Họ xây những ngôi nhà thật tráng lệ, sống theo kiểu quý tộc và luôn đón nhận những luồng văn hóa mới nhất từ nước ngoài.
Các chủ trại tiểu nông canh tác trên diện tích đất nhỏ hơn lại tham gia các hội đồng lập pháp và từ đó tìm cách tham gia vào đời sống chính trị. Tính thẳng thắn, bộc trực của họ luôn là lời cảnh báo với nhóm đầu sỏ chính trị bao gồm những chủ đồn điền lớn: không được xâm phạm quá mức quyền của những con người tự do.
Cư dân ở vùng Carolinas đã nhanh chóng biết cách kết hợp nông nghiệp với thương mại. Chính vì vậy, thị trường đã trở thành nguồn của cải vật chất khổng lồ đối với họ. Những cánh rừng bạt ngàn cũng là một nguồn thu: gỗ xẻ, hắc-ín, nhựa thông là nguồn nguyên liệu đóng tàu tốt nhất trên thế giới. Không phải phụ thuộc vào duy nhất một vụ canh tác như ở bang Virginia, hai bang Bắc và Nam Carolina sản xuất và xuất khẩu gạo, thuốc nhuộm màu chàm tím - một loại thuốc nhuộm được chiết xuất từ các loài cây địa phương dùng để nhuộm vải. Đến năm 1750, có hơn 100.000 người sống ở cả hai thuộc địa Bắc và Nam Carolina. Charleston, bang Nam Carolina, trở thành trung tâm thương mại và hải cảng hàng đầu trong khu vực.
Ở các thuộc địa ở cực Nam, cũng tương tự như tất cả mọi nơi khác, tăng trưởng dân số ở khu vực hẻo lánh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Do không muốn định cư ở khu vực Tidewater chịu sự ảnh hưởng nặng nề của người Anh nên những người nhập cư từ Đức và tín đồ Tin Lành Bắc Ai-len đành di chuyển sâu vào đại lục. Những người không thể bảo vệ được những mảnh đất màu mỡ dọc bờ biển hoặc đất đai của họ đã trở nên bạc màu thì phát hiện những ngọn đồi về phía Tây là vùng đất mới trù phù đầy hứa hẹn. Dù còn gặp muôn vàn khó khăn song những cư dân nơi đây vẫn không ngừng ra đi. Đến thập niên 1730, họ đã đổ tới thung lũng Shenandoah ở bang Virginia và chẳng bao lâu sau, vùng đất này đã có rất nhiều những trang trại.
Những gia đình sống ở vùng giáp ranh với người da đỏ đã dựng những túp lều gỗ, khai vỡ đất hoang trồng ngô và lúa mì. Nam giới mặc quần áo da hươu hoặc da cừu còn phụ nữ mặc quần áo được may bằng vải họ đã dệt ở quê cũ. Thức ăn của họ gồm thịt hươu, nai, gà rừng và cá. Họ cũng có những thú tiêu khiển riêng - những bữa tiệc ăn thịt nướng ngoài trời, khiêu vũ, sưởi ấm ngôi nhà cho những cặp vợ chồng mới cưới, thi bắn súng và làm chăn bông. Các cuộc thi làm chăn cho đến nay vẫn còn là một truyền thống ở nước Mỹ.
XÃ HỘI, TRƯỜNG HỌC VÀ VĂN HÓA
Một nhân tố quan trọng kìm hãm giai cấp quý tộc hùng mạnh hay quý tộc lớp dưới xuất hiện ở các thuộc địa là khả năng bất kỳ người nào sống ở một thuộc địa đã được thành lập đều có thể tìm được một chỗ ở mới giáp biên giới. Vì lẽ đó, những nhân vật có quyền sinh quyền sát ở Tidewater dần dần buộc phải nới lỏng những chính sách chính trị, những yêu cầu cấp đất và những nghi lễ tôn giáo trước nguy cơ người dân đổ xô đến sinh sống ở biên giới. Một nhân tố khác cũng không kém phần quan trọng với tương lai của họ là việc thành lập những trung tâm giáo dục và văn hóa ở nước Mỹ trong giai đoạn thuộc địa. Trường Đại học Havard được thành lập năm 1636 ở Cambridge, bang Massachusetts. Đến cuối thế kỷ, trường Đại học William và Mary được xây dựng ở bang Virginia. Một vài năm sau, trường Đại học Connecticut, sau này trở thành trường Đại học Yale, cũng đã được thành lập.
Nhưng đáng chú ý hơn là sự lớn mạnh của hệ thống trường học do chính quyền quản lý. Việc Thanh giáo đề cao việc tín đồ đọc trực tiếp Kinh thánh đã đề cao tầm quan trọng của việc xóa mù chữ. Năm 1647, chính quyền thuộc địa Vịnh Massachusetts đã ban hành Đạo luật chống quỷ sa tăng, yêu cầu tất cả các thị trấn có 50 gia đình trở lên phải mở một trường trung học dạy tiếng La-tinh (để đào tạo học sinh chuẩn bị vào đại học). Ngay sau đó, tất cả các thuộc địa khác ở vùng New England, ngoại trừ bang Rhode Island, đều theo tấm gương này.
Những người hành hương và những tín đồ Thanh giáo đã mang theo những tủ sách bé nhỏ của họ và tiếp tục nhập sách từ Luân Đôn. Đến đầu thập niên 1680, những người kinh doanh sách ở Boston đã trở nên phát đạt nhờ bán các tác phẩm văn học, lịch sử, chính trị, triết học, khoa học, thần học và văn chương cổ điển. Năm 1638, nhà xuất bản đầu tiên ở các thuộc địa của nước Anh và là nhà xuất bản thứ hai ở Bắc Mỹ đã được xây dựng tại trường Đại học Harvard.
Trường học đầu tiên tại bang Pennsylvania được mở cửa vào năm 1683. Trường này dạy đọc, viết và kế toán sổ sách. Sau đó, mỗi giáo xứ Quaker đều mở trường tiểu học cho trẻ em. Việc giảng dạy ở cấp cao hơn - dành cho các môn ngôn ngữ, lịch sử và văn học cổ điển - được thực hiện ở Trường công ái hữu (Friends Public School). Trường này vẫn còn hoạt động cho đến tận ngày nay ở Philadelphia mang tên William Penn Charter School. Trường giảng dạy miễn phí cho học trò nghèo, nhưng các bậc phụ huynh nếu có điều kiện thì vẫn được yêu cầu trả học phí cho con cái của họ.
Ở Philadelphia có rất nhiều trường học tư thục không gắn bó với tôn giáo đã dạy ngôn ngữ, toán học và khoa học tự nhiên. Có một số trường học buổi tối cho người lớn. Phụ nữ không hoàn toàn bị xem thường, nhưng mọi cơ hội học tập của họ chỉ giới hạn trong việc học những kỹ năng làm việc nhà. Gia sư cũng dạy thêm tiếng Pháp, âm nhạc, khiêu vũ, hội họa, hát, ngữ pháp và thậm chí ghi chép sổ sách kế toán cho những cô con gái của các gia đình giàu có ở Philadelphia.
Vào thế kỷ XVIII, sự phát triển về tri thức và văn hóa của Pennsylvania đã được phản ánh qua hai nhân cách lớn - James Logan và Benjamin Franklin. Logan là thư ký của chính quyền thuộc địa và chính tại thư viện riêng của ông, anh chàng Franklin trẻ tuổi đã tìm thấy những tác phẩm khoa học mới nhất. Năm 1745 Logan đã cho xây một tòa nhà làm nơi lưu trữ bộ sưu tập sách của ông, đồng thời ông đã viết di chúc tặng cả tòa nhà lẫn số sách cho thành phố.
Franklin thậm chí còn đóng góp nhiều hơn vào đời sống trí tuệ của thành phố Philadelphia. Ông đã thành lập câu lạc bộ tranh luận - hạt nhân của của Hội Triết học Hoa Kỳ sau này. Những nỗ lực của ông đã dẫn tới việc xây dựng một viện hàn lâm và sau này trở thành trường Đại học Tổng hợp Pennsylvania. Ông cũng là người tiên phong trong việc thành lập thư viện cho mượn sách thu phí. Ông đã gọi đây là hình mẫu của tất cả những thư viện thu phí ở Bắc Mỹ.
Ở các thuộc địa miền Nam, các chủ đồn điền và nhà buôn giàu có thuê gia sư từ Ai-len hay Xcốt-len để kèm cho con cái họ. Một số người đã cho con cái đi học ở Anh. Do có nhiều cơ hội khác như vậy nên tầng lớp thượng lưu ở Tidewater không quan tâm tới việc phát triển giáo dục công. Hơn nữa, các nông trại và đồn điền phân tán cũng khiến cho việc lập các trường học cộng đồng trở nên khó khăn. Vì lẽ đó, chỉ có rất ít các trường học miễn phí ở bang Virginia.
Tuy nhiên, niềm khát khao được đi học không bó hẹp trong phạm vi những cộng đồng đã có tổ chức. Ở khu vực biên giới, tín đồ Tin Lành từ Bắc Ai-len mặc dù chỉ sống trong những túp lều tồi tàn nhưng lại là những người vô cùng ham học. Họ ra sức mời gọi những mục sư thông thái tới khu định cư của mình.
Sáng tác văn chương ở các thuộc địa vẫn chỉ tập trung ở New England. Tại đây người ta quan tâm đặc biệt đến những chủ đề tôn giáo. Những bài thuyết giáo là những ấn phẩm phổ biến nhất của ngành xuất bản. Vị mục sư Thanh giáo nổi tiếng, đức cha Cotton Mather, đã viết khoảng 400 tác phẩm, trong đó Magnalia Christi Americana là bức tranh thu nhỏ toàn bộ lịch sử vùng New England. Nhưng tác phẩm nổi tiếng nhất thời đó là trường thi Ngày tận thế của Đức cha Michael Wigglesworth, mô tả lời phán quyết cuối cùng bằng những ngôn từ đầy khiếp sợ.
Năm 1704, Cambridge, Massachusetts, đã phát hành tờ báo đầu tiên thành công ở các thuộc địa. Đến năm 1745 đã có 22 tờ báo được xuất bản ở Bắc Mỹ thuộc Anh.
Ở New York, một bước tiến quan trọng trong nguyên tắc tự do ngôn luận đã diễn ra với trường hợp của Johann Peter Zenger, chủ bút Tuần báo New York (New York Weekly Journal) bắt đầu hoạt động từ năm 1733 và là tiếng nói đối lập với chính quyền. Sau hai năm xuất bản, vị thống sứ không thể chịu nổi những lời mỉa mai chua cay của Zenger được nữa, và đã ra lệnh tống giam Zenger vì tội đăng tải những lời bôi nhọ xúi giục nổi loạn. Zenger vẫn tiếp tục biên tập cho tờ báo của mình trong suốt chín tháng chịu tù giam. Chính sự kiện đó đã khiến công chúng ở các thuộc địa hết sức quan tâm. Andrew Hamilton, vị luật sư trứ danh bênh vực cho Zenger, đã lập luận những lời cáo buộc do Zenger đăng tải trên báo là sự thật chứ không phải là bôi nhọ. Bồi thẩm đoàn đã tuyên án Zenger vô tội và ông đã được trả tự do.
Các thị trấn càng trở nên giàu có thì càng làm người ta lo sợ rằng có thể điều đó đang lôi kéo cả xã hội đi theo những điều trần tục, và đã góp phần gây ra làn sóng phản đối của tôn giáo trong thập niên 1730 - hay còn gọi là phong trào Tỉnh ngộ Vĩ đại. Nguyên nhân của phong trào này xuất phát từ George Whitefield, người theo giáo phái thức tỉnh lòng mộ đạo ở Wesley đến từ nước Anh năm 1739, và Jonathan Edwards, người phục vụ trong nhà thờ giáo đoàn ở Northampton, Massachusetts.
Whitefield đã bắt đầu phong trào thức tỉnh lòng mộ đạo ở Philadelphia và sau đó mở rộng tới New England. Mỗi một lần ông thu hút tới 20.000 người tới dự thông qua những màn kịch và tài diễn thuyết đầy xúc cảm. Những cuộc nổi loạn mang tính tôn giáo đã lan khắp New England và các thuộc địa miền Trung khi các mục sư rời bỏ các nhà thờ để đi thức tỉnh lòng mộ đạo.
Trong số những người chịu ảnh hưởng của Whitefield và phong trào Tỉnh ngộ Vĩ đại có Edwards. Đóng góp to lớn nhất của ông thể hiện qua bài thuyết giảng năm 1741 mang tên "Những kẻ tội lỗi nằm trong tay Chúa trời giận dữ". Edwards không sử dụng kịch nghệ mà truyền đạt những thông điệp của mình với phong thái bình thản và sâu sắc. Ông lập luận rằng các nhà thờ đã ra sức tìm cách tước khả năng cứu thế của Cơ đốc giáo trước những tội lỗi. Kiệt tác vĩ đại của ông mang tựa đề “Về tự do ý chí" (1754) đã cố gắng hòa giải phái Can-vanh với phong trào Khai sáng.
Phong trào Tỉnh ngộ Vĩ đại đã mở đường cho sự ra đời của các giáo phái Phúc âm (các nhánh Cơ- đốc giáo tin vào khả năng cải tà quy chính của mỗi cá nhân và sự không thể sai lầm của Kinh thánh không bao giờ sai) và thức tỉnh lòng mộ đạo. Các phong trào này tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa và tôn giáo ở Mỹ, đồng thời làm suy yếu địa vị của giới tăng lữ và kêu gọi các tín đồ đề cao lương tâm của chính họ. Có lẽ điều quan trọng nhất là phong trào đã thúc đẩy các giáo phái phát triển mạnh mẽ. Kết quả là, điều đó đã khuyến khích công chúng chấp nhận nguyên tắc khoan dung tôn giáo.
THÀNH LẬP CHÍNH PHỦ THUỘC ĐỊA
Trong tất cả thời kỳ đầu của chế độ thuộc địa, có một đặc điểm rất đáng chú ý là Chính phủ Anh có rất ít ảnh hưởng mang tính kiểm soát ở đây. Tất cả các thuộc địa, ngoại trừ bang Georgia, đều xuất hiện với tư cách là các công ty của các cổ đông, hoặc sở hữu phong kiến nhờ chiếu chỉ của nhà vua. Việc nhà vua đã trao chủ quyền trực tiếp cho các công ty cổ phần hoặc các địa chủ đối với các khu định cư ở Tân Thế giới chắc chắn không có nghĩa là những người đi khai hoang ở Mỹ được tự do, nằm ngoài tầm kiểm soát từ bên ngoài. Chẳng hạn, theo các điều khoản trong điều lệ của Công ty Virginia thì toàn bộ quyền hành của chính phủ được trao cho chính công ty. Tuy nhiên, hoàng gia cho rằng công ty sẽ nằm trong lãnh thổ của nước Anh. Do vậy, cư dân ở Virginia sẽ không có tiếng nói nhiều trong chính quyền của họ một khi nhà vua giữ quyền lực tuyệt đối.
Dẫu vậy, tất cả các thuộc địa lại tự coi mình là các quốc gia hoặc các nước thịnh vượng chung, bình đẳng như nước Anh, và chỉ có quan hệ lỏng lẻo với chính quyền ở Luân Đôn. Ở một phương diện nhất định thì quyền lực tuyệt đối từ bên ngoài đã lụi tàn. Những người đi khai hoang - thừa hưởng truyền thống đấu tranh giành tự do chính trị ở nước Anh từ lâu - đã đưa những khái niệm tự do vào hiến chương đầu tiên của Virginia. Hiến chương quy định những người Anh đi khai hoang sẽ được hưởng tất cả các quyền tự do, quyền bỏ phiếu và quyền được miễn truy tố như họ đã sinh ra và sống ở vương quốc Anh của chúng ta. Do đó, họ cũng được hưởng tất cả mọi quyền lợi đã được quy định trong Đại hiến chương của nước Anh do vua John ban hành năm 1215 đảm bảo quyền tự do chính trị và dân sự cho người dân, và trong hệ thống án lệ. Năm 1618, Công ty Virginia đã ra chỉ thị cho vị thống sứ được cử sang cho phép những cư dân tự do trong các đồn điền được quyền bầu ra những người đại diện để cùng với viên thống sứ và hội đồng được bổ nhiệm thông qua các sắc lệnh vì lợi ích của thuộc địa.
Các biện pháp này đã có ảnh hưởng rộng rãi nhất trong toàn bộ thời kỳ thuộc địa. Kể từ đó, người ta đã nhất trí rằng những người đi khai hoang có quyền tham gia vào vào chính quyền của riêng họ. Trong mọi trường hợp, sau này khi ban chiếu, nhà vua đều quy định người dân tự do của xứ thuộc địa có quyền có tiếng nói trong việc ban hành những đạo luật ảnh hưởng đến họ. Do vậy, các chiếu chỉ ban cho gia đình Calverts ở bang Maryland, William Penn ở bang Pennsylvania, các chủ đất ở các bang Bắc và Nam Carolina và các chủ đất ở bang New Jersey đã nêu rõ đạo luật chỉ được thông qua nếu có sự chấp thuận của những người tự do.
Trong nhiều năm ở vùng New England, thậm chí đã có một chính phủ tự trị hoàn thiện hơn so với ở các thuộc địa khác. Trên tàu Mayflower, những tín đồ Thanh giáo người Anh đã thông qua một văn bản pháp lý đảm bảo sự vận hành của chính phủ mang tên Hiệp ước Mayflower "để chúng ta đoàn kết lại thành một chính thể dân sự để đảm bảo tốt hơn trật tự của chúng ta... và từ đó soạn thảo, xây dựng và ban hành những đạo luật, sắc lệnh, luật, hiến pháp và cơ quan công bằng và bình đẳng... đáp ứng tốt nhất nhu cầu và thuận lợi nhất cho lợi ích chung của cả thuộc địa...".
Tuy không có cơ sở pháp lý cho phép những tín đồ Thanh giáo người Anh thành lập một hệ thống chính phủ của chính họ, song không có ai phản đối việc làm của họ, đồng thời theo Hiệp ước Mayflower, những người định cư ở Plymouth trong nhiều năm đã có thể giải quyết những công việc của riêng họ mà không có sự can thiệp từ bên ngoài.
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra ở Công ty Vịnh Massachusetts. Công ty này cũng được phép tự trị. Như vậy, toàn bộ quyền lực nằm trong tay những người sinh sống ở thuộc địa. Lúc đầu, khoảng mười thành viên ban đầu của công ty đến Mỹ đã cố gắng thiết lập chế độ chuyên quyền. Nhưng không bao lâu sau, những người đi khai hoang khác đã đòi hỏi có tiếng nói trong những công việc chung và tuyên bố bất kỳ hành động nào khước từ đòi hỏi chính đáng đó của họ đều có thể sẽ dẫn tới việc di cư hàng loạt.
Các thành viên công ty đã phải chịu thua và quyền kiểm soát chính phủ đã được chuyển sang những đại biểu dân bầu. Kết quả là những thuộc địa khác ở vùng New England như bang Connecticut và bang Rhode Island - cũng đã trở thành những khu vực tự trị chỉ bằng cách đơn giản khẳng định họ không nằm trong tầm kiểm soát của bất kỳ một chính quyền nào khác, và ngay sau đó đã xây dựng hệ thống chính trị của riêng họ theo mô hình của tín đồ Thanh giáo người Anh ở Plymouth.
Chỉ trong hai trường hợp là yêu cầu cai trị bị loại bỏ. Đó là bang New York được ban cho em trai Charles đệ Nhị, Công tước xứ York (sau này trở thành vua James đệ Nhị) và bang Georgia được ban cho một nhóm những "người được ủy thác". Trong cả hai trường hợp này, những điều khoản về cai trị đã chết yểu vì những người khai hoang đã nhất quyết đòi được đại diện ở cơ quan lập pháp mạnh tới mức chẳng bao lâu sau chính quyền đã phải chịu thua.
Giữa thế kỷ XVII người Anh đã sao lãng đến mức không theo đuổi chính sách thuộc địa vì cuộc Nội chiến (1642-1649) và nền cộng hòa Thanh giáo của Oliver Cromwell. Sau khi Charles đệ Nhị và triều đại Stuart được khôi phục vào năm 1660, nước Anh quan tâm tới quản lý thuộc địa hơn. Tuy nhiên, ngay cả khi đó, việc quản lý của họ vẫn kém hiệu quả và thiếu kế hoạch đồng bộ. Các thuộc địa phần lớn bị bỏ mặc để tự do xoay sở.
Sự xa xôi cách trở do đại dương bao la cũng khiến cho việc kiểm soát các thuộc địa trở nên khó khăn. Thêm vào đó là tính chất rất riêng của cuộc sống ở nước Mỹ ở thời kỳ sơ khai. Xuất thân từ những đất nước có không gian chật hẹp xen lẫn là những thành phố đông dân, những người định cư đã tìm đến xứ sở dường như rộng lớn vô tận. Ở lục địa như vậy, các điều kiện thiên nhiên đã thôi thúc con người phát huy tinh thần tự lực và vì vậy những cư dân nơi đây đã quen với việc tự đưa ra những quyết định. ảnh hưởng của chính quyền đến những khu vực hẻo lánh rất chậm chạp. Do vậy, vô chính phủ là tình trạng phổ biến thường xuyên ở khu vực biên giới.
Tuy nhiên, việc tự trị ở các chính quyền thuộc địa không có nghĩa hoàn toàn không có thách thức. Trong thập niên 1670, ủy ban Thương mại và Đồn điền trực thuộc hoàng gia được thiết lập nhằm áp dụng chế độ trọng thương ở thuộc địa đã tiến tới việc bãi bỏ hiến chương của Công ty Vịnh Massachusetts vì các thuộc địa chống lại chính sách kinh tế của Chính phủ Anh. Năm 1685, James đệ Nhị đã thông qua đề xuất thành lập lãnh thổ tự trị ở vùng New England và đưa các thuộc địa ở miền Nam kéo dài đến tận bang New Jersey vào thẩm quyền tài phán của New England, từ đó có thể tăng cường sự kiểm soát của hoàng gia đối với toàn bộ khu vực. Edmund Andros, thống sứ do hoàng gia cử sang, đã sử dụng mệnh lệnh hành chính để đánh thuế, áp dụng nhiều biện pháp cứng rắn khác và bỏ tù tất cả những ai phản đối.
Khi những tin tức về cuộc Cách mạng Vinh quang (năm 1688-1689) phế truất James đệ Nhị lan tới Boston, toàn bộ dân chúng đã nổi dậy và tống giam Andros. Theo hiến chương mới, Massachusetts và Plymouth lần đầu tiên đã được hợp nhất vào năm 1691 thành thuộc địa Công ty Vịnh Massachusetts trực thuộc hoàng gia. Các thuộc địa khác ở vùng New England nhân đó cũng nhanh chóng khôi phục lại chính quyền trước đây của họ.
Tuyên ngôn về Quyền và Đạo luật Khoan dung của người Anh ban hành năm 1689 đã khẳng định quyền tự do thờ phụng của tín đồ Cơ- đốc giáo ở các thuộc địa cũng như ở Anh, và có những quy định hạn chế quyền lực của hoàng gia. Cũng quan trọng không kém là Chuyên luận thứ hai về chính quyền của John Locke (năm 1690) - cơ sở lý luận chính của cuộc Cách mạng Vinh quang. Chuyên luận của ông đã nêu lý thuyết về chính quyền không dựa vào quyền lực thần thánh, mà dựa vào khế ước. Chuyên luận thừa nhận con người ngay từ khi sinh ra đã được tự nhiên ban cho quyền sống, quyền tự do và quyền sở hữu, do đó cũng có quyền nổi loạn khi chính phủ vi phạm quyền của họ.
Đến đầu thế kỷ XVIII gần như tất cả mọi thuộc địa đều nằm dưới quyền tài phán trực tiếp của Hoàng gia Anh, nhưng lại theo những nguyên tắc được xác lập qua cuộc Cách mạng Vinh quang. Các thống sứ tìm cách thực thi những quyền mà nhà vua đã bị tước đoạt ở nước Anh, nhưng cơ quan lập pháp của thuộc địa, nhờ biết được những sự kiện diễn ra ở nước Anh, đã quyết tâm khẳng định quyền và quyền lợi tự do của họ. Thế mạnh của họ thể hiện ở hai quyền quan trọng cơ bản tương tự như của Quốc hội Anh - quyền bỏ phiếu về thuế và chi tiêu, và quyền đề xuất các dự luật chứ không chỉ đơn thuần phản ứng lại các đề xuất của thống sứ.
Các cơ quan lập pháp đã sử dụng những quyền này để giám sát quyền lực của thống sứ do hoàng gia cử tới và để thông qua các dự luật khác nhằm mở rộng quyền và phạm vi ảnh hưởng của họ. Những mâu thuẫn liên tục diễn ra giữa thống sứ và cơ quan lập pháp đã khiến bầu không khí chính trị ở thuộc địa ngày càng trở nên hỗn độn và càng khiến những người đi khai hoang ý thức về sự khác biệt trong lợi ích giữa Mỹ và Anh. Trong nhiều trường hợp, giới chức ở hoàng gia không hiểu ý nghĩa quan trọng trong việc làm của cơ quan lập pháp thuộc địa, và do vậy họ đã thờ ơ không để ý. Tuy nhiên, những tiền lệ và các nguyên tắc được xác lập trong các cuộc xung đột giữa cơ quan lập pháp thuộc địa và các thống sứ cuối cùng đã trở thành một bộ phận quan trọng trong hiến pháp bất thành văn của các thuộc địa. Bằng cách đó, các cơ quan lập pháp địa phương đã khẳng định được quyền tự trị của họ.
CUỘC CHIẾN TRANH VỚI NGƯỜI PHÁP VÀ THỔ DÂN DA ĐỎ
Pháp và Anh đã can dự vào vô số cuộc chiến tranh ở châu Âu và Ca-ri-bê trong suốt thế kỷ XVIII. Mặc dù nước Anh đã chiếm được nhiều ưu thế - chủ yếu ở các đảo sản xuất nhiều đường ở Ca-ri-bê - song các cuộc đụng độ vẫn không phân thắng bại. Pháp vẫn duy trì được vị trí hùng mạnh ở Bắc Mỹ. Đến năm 1754, Pháp vẫn duy trì quan hệ rất tốt với một số bộ lạc thổ dân da đỏ ở Canada và dọc theo vùng Hồ Lớn. Họ đã kiểm soát sông Mississippi và xây dựng một đế chế hùng mạnh hình lưỡi liềm trải dài từ Quebec tới New Orleans nhờ việc xây dựng hệ thống các cảng biển và thương điếm. Người Anh vẫn chỉ giới hạn ở vành đai phía đông dãy Appalachian. Như vậy, người Pháp không chỉ đe dọa đế chế Anh mà cả những người đi khai hoang ở Mỹ bởi lẽ khi đã chiếm được thung lũng Mississippi, Pháp có thể ngăn chặn việc mở rộng cương vực của họ sang phía Tây.
Vào năm 1754 đã nổ ra một cuộc đụng độ vũ trang ở pháo đài Duquesne - Pittsburgh, bang Pennsylvania ngày nay - giữa một đơn vị lính chính quy của Pháp với du kích bang Virginia dưới sự chỉ huy của chàng trai 22 tuổi George Washington - một chủ đồn điền và là người lập bản đồ ở Virginia. Chính phủ Anh đã cố gắng giải quyết xung đột bằng cách triệu tập đại diện của các bang New York, Pennsylvania, Maryland và thuộc địa vùng New England. Từ ngày 19/6 đến 10/7/1754, Đại hội Albany đã gặp gỡ với người da đỏ Iroquois tại Albany, bang New York để cải thiện quan hệ với họ và đảm bảo họ sẽ luôn đứng về phía người Anh.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng đã tuyên bố việc thành lập liên minh các thuộc địa Mỹ có ý nghĩa cực kỳ cần thiết để đảm bảo sự tồn tại của các thuộc địa này, đồng thời thông qua đề xuất của Benjamin Franklin. Kế hoạch Liên minh Albany đã quy định một tổng thống được nhà vua bổ nhiệm và một đại hội đồng bao gồm các đại biểu được các cơ quan lập pháp thuộc địa lựa chọn, trong đó mỗi thuộc địa sẽ có số đại diện tương ứng với tỷ lệ đóng góp tài chính vào ngân khố chung. Cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm về quốc phòng, quan hệ với thổ dân da đỏ, thương mại và khu vực định cư ở miền Tây. Điều quan trọng nhất là cơ quan này có quyền ban hành các sắc lệnh thuế. Tuy nhiên, không thuộc địa nào chấp nhận bản kế hoạch này vì họ không muốn phải để quyền đánh thuế hoặc kiểm soát mở rộng cương vực sang phía Tây rơi vào tay một cơ quan chính quyền trung ương.
Nhờ có vị trí chiến lược tốt hơn và bộ máy lãnh đạo giỏi hơn nên nước Anh cuối cùng đã chiến thắng trong cuộc xung đột với Pháp, cuộc xung đột thường được người Mỹ gọi là Cuộc chiến tranh với Pháp và thổ dân da đỏ, và người châu Âu gọi là cuộc chiến tranh Bảy năm. Chỉ có một phần rất nhỏ trong cuộc chiến tranh này diễn ra ở phía Tây bán cầu.
Trong Hòa ước Paris ký kết năm 1763, nước Pháp đã bỏ tất cả vùng đất Canada, Hồ Lớn và lãnh thổ phía Đông sông Mississippi cho người Anh. Giấc mơ về một đế chế Pháp ở Bắc Mỹ đã hoàn toàn sụp đổ.
Sau khi chiến thắng Pháp, nước Anh đã phải đương đầu với một khó khăn mà họ đã bỏ mặc từ lâu - cai trị đế chế của họ. Luân Đôn cho rằng họ cần phải tổ chức lại những vùng đất rộng lớn của họ để tạo điều kiện cho việc phòng thủ, làm hài hòa lợi ích rất khác nhau của các vùng và dân tộc khác nhau, đồng thời phân bổ công bằng hơn những phí tổn quản lý thuộc địa.
Chỉ riêng ở Bắc Mỹ, lãnh thổ của Anh đã tăng hơn gấp đôi. Nếu như trước đây cư dân ở đây chủ yếu là tín đồ Tin Lành người Anh thì giờ đây còn có thêm những người theo đạo Thiên Chúa nói tiếng Pháp từ Quebec và đông đảo thổ dân da đỏ mới theo Cơ đốc giáo. Việc phòng thủ và quản lý những lãnh thổ cũ và mới luôn đòi hỏi phải có những khoản tiền lớn và nhân lực ngày càng tăng. Bộ máy quản lý thuộc địa cũ rõ ràng không đủ để đáp ứng những yêu cầu này. Tuy nhiên, các biện pháp thiết lập bộ máy mới lại ẩn chứa nhiều mối hoài nghi từ phía những người đi khai hoang bởi lẽ họ thấy nước Anh không còn là người bảo vệ quyền lợi cho họ, mà chỉ là mối đe dọa với chính họ.
MỘT DÂN TỘC PHI THƯỜNG?
Phải mất 175 năm sau khi một nhóm gồm hầu hết các thuộc địa của Anh được thành lập thì Hoa Kỳ mới trở thành một quốc gia. Nhưng ngay từ đầu, Hoa Kỳ là một xã hội hoàn toàn khác biệt trong con mắt của người châu Âu vốn quan sát họ từ xa, cho dù với niềm hy vọng hay nỗi lo sợ. Hầu hết những người định cư nơi đây - dù là thế hệ con cháu của giới quý tộc, những người bất đồng tôn giáo hay những người hầu bị bần cùng hóa - đều được cuốn hút bởi tương lai đầy triển vọng hoặc quyền tự do mà họ không thể có ở Cựu Thế giới. Những người Mỹ đầu tiên lại được hồi sinh một cách tự do, được khẳng định chính mình ở vùng đất hoang sơ không bị bất kỳ một trật tự xã hội nào cản trở, ngoại trừ cuộc sống nguyên thủy của những người thổ dân mà họ đã chiếm đất. Bỏ lại đằng sau gánh nặng của trật tự phong kiến cũ, họ hầu như không gặp phải bất kỳ trở ngại nào trong quá trình xây dựng xã hội dựa trên các nguyên tắc tự do chính trị và xã hội được xây dựng trong thời kỳ đầy khó khăn ở thế kỷ XVII và XVIII ở châu Âu. Dựa theo tư duy của nhà triết học John Locke, mô hình tự do đó đã đề cao quyền của các cá nhân và hạn chế quyền lực của chính phủ.
Hầu hết người nhập cư đến Mỹ đều xuất phát từ quần đảo Anh - chính thể tự do nhất ở châu Âu cùng với Hà Lan. Về tôn giáo, phần lớn trong số họ đi theo các nhánh khác nhau của giáo phái Can-vanh, đề cao cả mối quan hệ thần thánh và thế tục theo khế ước. Tất cả những điều đó đã mở đường cho sự ra đời của một trật tự xã hội được xây dựng trên nền tảng quyền cá nhân và sự uyển chuyển của xã hội. Việc xây dựng một xã hội trọng thương phức tạp và có trật tự chặt chẽ hơn ở các thành phố duyên hải trong thế kỷ XVIII cũng không cản trở xu thế này. Chính các thành phố này lại trở thành cái nôi của cuộc Cách mạng Mỹ. Đồng thời việc thường xuyên xây dựng lại xã hội với việc mở rộng biên giới phía Tây nhanh chưa từng thấy cũng đã góp phần thúc đẩy tư tưởng dân chủ - Tự do như vậy.
Ở châu Âu, các lý tưởng về quyền cá nhân diễn ra chậm hơn và khác biệt hơn. Khái niệm dân chủ thậm chí còn xa lạ hơn thế. Những cố gắng nhằm tăng cường quyền cá nhân và dân chủ ở quốc gia già cỗi nhất châu Âu đã dẫn tới cuộc Cách mạng Pháp. Những nỗ lực đập tan chế độ phong kiến mới đồng thời thiết lập quyền của cá nhân và tư tưởng bác ái dân chủ đã gây ra nỗi khiếp sợ, dẫn tới chế độ độc tài và chuyên quyền của Napoleon. Cuối cùng, điều đó đã dẫn tới những phản ứng và việc hợp pháp hóa trật tự cũ đang suy tàn. Ở Hoa Kỳ, hình ảnh châu Âu xưa đã bị nhòa đi trước những lý tưởng xuất hiện thật tự nhiên trong quá trình xây dựng một xã hội mới trên vùng đất hoang sơ. Những nguyên tắc tự do và dân chủ đã nổi lên rất mạnh ngay từ giai đoạn đầu. Một xã hội gạt bỏ những gánh nặng trong lịch sử châu Âu cuối cùng đã khai sinh một dân tộc tự thấy mình là phi thường trong lịch sử.
NHỮNG PHÙ THỦY Ở SALEM
Năm 1692, một nhóm thiếu nữ ở Salem Village, bang Massachusetts đã lâm vào những cơn đau đớn kỳ lạ sau khi nghe những câu chuyện do một người nô lệ da đỏ miền Tây kể lại. Họ đã kết tội một số phụ nữ là phù thủy. Dân thị trấn thấy khiếp sợ nhưng không hề kinh ngạc bởi niềm tin vào phép thuật phù thủy đã lan rộng ở cả Mỹ và châu Âu suốt thế kỷ XVII. Giới chức thị trấn đã triệu tập một phiên tòa để phân xử những lời cáo buộc về phép thuật. Trong vòng một tháng, sáu phụ nữ đã bị kết án và treo cổ.
Những điều gì xảy ra sau đó - tuy là một sự kiện riêng biệt trong lịch sử nước Mỹ - đã giúp người ta có một cái nhìn sáng rõ tới thế giới xã hội và tâm lý của xứ New England Thanh giáo. Giới quan chức thành phố đã triệu tập một phiên tòa để nghe những lời buộc tội thuật phù thủy và nhanh chóng kết án, hành hình một nữ chủ quán rượu làng Bridget Bishop, chỉ trong một tháng, năm phụ nữ khác đã bị kết án và bị treo cổ.
Tuy nhiên, cơn hoảng loạn ngày càng gia tăng phần lớn là vì tòa cho phép nhân chứng khẳng định họ đã từng nhìn thấy những kẻ bị cáo buộc là những linh hồn hoặc bóng ma. Thực ra những bằng chứng ma như vậy không thể chứng minh và cũng không thể kiểm chứng một cách khách quan. Đến mùa thu năm 1692, 20 nạn nhân trong đó có một số nam giới, đã bị hành quyết và hơn 100 người khác bị giam (năm người đã bị chết trong tù), trong số đó có vài người là những công dân nổi tiếng của thành phố. Khi những lời cáo buộc có nguy cơ lan khỏi Salem thì các vị mục sư ở khắp thuộc địa yêu cầu chấm dứt xét xử. Vị thống sứ đã nhất trí. Những người vẫn còn bị giam sau đó cũng được trắng án hoặc được ân xá.
Mặc dù chỉ là sự kiện đơn lẻ nhưng câu chuyện ở Salem lại khiến người Mỹ xôn xao suốt một thời gian dài. Hầu hết các sử gia nhất trí rằng Salem Village vào năm 1692 đã trải qua một cơn kích động (hysteria) lớn, lại được bồi thêm bởi niềm tin thực sự vào ma thuật. Mặc dù có một số thiếu nữ có thể đã đóng kịch song nhiều người lớn đã tham gia trò mê loạn này.
Khi phân tích kỹ hơn đặc điểm của những người cáo buộc và người bị cáo buộc, người ta còn phát hiện thấy nhiều điều hơn. Salem Village cũng giống như thuộc địa New England khi đó đang trong quá trình chuyển đổi từ một xã hội đa phần nông nghiệp với vai trò áp đảo của tín đồ Thanh giáo sang chế độ thế tục mang tính thương mại. Nhiều kẻ kết án là đại diện của nếp sống cũ gắn với nông nghiệp và giáo hội, trong khi một số người bị quy kết là phù thủy lại thuộc tầng lớp doanh thương đang ngày càng lớn mạnh gồm chủ cửa hàng và những lái buôn. Cuộc tranh giành quyền lực chính trị và xã hội giữa những nhóm cũ và tầng lớp thương nhân mới cũng là cuộc tranh đấu diễn ra liên tục trong các cộng đồng trong suốt chiều dài lịch sử nước Mỹ. Nhưng cuộc đấu tranh ấy cũng có những khúc ngoặt thật kỳ lạ và nguy hiểm khi mà công dân của họ lại bị nao núng trước niềm tin cho rằng ma quỷ xuất hiện trong nhà của họ.
Những vụ xét xử phù thủy ở Salem cũng trở thành một câu chuyện bi thảm về những hệ lụy chết người của việc tạo ra những lời cáo buộc thật giật gân nhưng giả dối. 300 năm sau, chúng ta vẫn gọi những lời cáo buộc giả dối chống lại nhiều người là "săn lùng phù thuỷ".
Chương 3: Chặng đường giành độc lập
“Cuộc Cách mạng đã diễn ra trước khi chiến tranh bắt đầu. Cách mạng đã nằm trong trái tim và khối óc của nhân dân".
Cựu Tổng thống John Adams, 1818
Suốt thế kỷ XVIII, tất cả các thuộc địa ở Bắc Mỹ của Anh đang trưởng thành tất yếu đều xây dựng một bản sắc riêng. Họ đã lớn mạnh cả về kinh tế và văn hóa. Gần như tất cả đều trải qua nhiều năm được hưởng chế độ tự trị. Trong thập niên 1760, tổng số dân của họ đã vượt 1.500.000 người - tăng sáu lần kể từ năm 1700. Tuy nhiên, mãi đến tận năm 1763, Anh và Mỹ mới thực sự bắt đầu công khai chia tách sau hơn một thế kỷ rưỡi xây dựng khu định cư lâu dài đầu tiên ở Jamestown, bang Virginia.
MỘT HỆ THỐNG THUỘC ĐỊA MỚI
Sau cuộc chiến tranh với Pháp, Luân Đôn thấy cần phải xây dựng một mô hình đế quốc mới mang tính chất tập quyền nhiều hơn, chia sẻ những chi phí vận hành của đế chế bình đẳng hơn và đảm bảo lợi ích của cả cộng đồng người Canada gốc Pháp và thổ dân da đỏ ở Bắc Mỹ. Trái lại, tất cả các thuộc địa vốn từ lâu đã quen được hưởng độc lập giờ đây lại hy vọng được tự do nhiều hơn chứ không phải ít hơn. Do mối đe dọa từ Pháp đã bị loại bỏ nên họ cảm thấy ít cần sự hiện diện quá mạnh của người Anh tại đây. Trong khi đó hoàng gia và Quốc hội thiếu nhạy bén ở bên kia Đại Tây Dương đã tự thấy họ phải cạnh tranh với những người đi khai hoang vốn đã quen với mô hình tự trị và không chịu được tình trạng can thiệp.
Việc tổ chức quản lý Canada và thung lũng Ohio đòi hỏi phải có những chính sách không được làm cho người Pháp và thổ dân da đỏ xa lánh. Nhưng ở đây Luân Đôn lại đi ngược lại lợi ích cơ bản của các thuộc địa. Do dân số tăng nhanh và nhu cầu đất đai định cư ngày càng lớn nên các thuộc địa đã đòi quyền mở rộng cương vực về phía Tây châu thổ sông Mississippi.
Lo sợ sẽ xảy ra hàng loạt các cuộc chiến với thổ dân da đỏ, Chính phủ Anh khẳng định việc mở rộng đất đai cho các thuộc địa cần được thực hiện theo từng bước. Việc hạn chế đi lại cũng là một phương cách bảo đảm sự kiểm soát của Hoàng gia đối với các khu định cư hiện có trước khi cho phép họ lập những khu định cư mới. Tuyên bố của Hoàng gia vào năm 1763 đã chuyển tất cả lãnh thổ phía tây nằm giữa dãy Allegheny, bang Florida, sông Mississippy và Quebec cho thổ dân da đỏ sử dụng. Như vậy, Hoàng gia đã cố bác bỏ yêu cầu mở rộng cương vực sang phía Tây của 13 thuộc địa và chấm dứt phong trào khai hoang sang phía Tây. Tuy tuyên bố đó chưa bao giờ được thực thi, song theo nhiều người đi khai hoang, quy định này lại là một bằng chứng rõ ràng về thái độ xem thường quyền được chiếm và định cư ở những vùng đất miền Tây của họ.
Hậu quả nghiêm trọng hơn của quy định này là chính sách thu ngân sách mới của Chính phủ Anh. Luân Đôn cần có nhiều tiền hơn để hỗ trợ đế chế ngày càng lớn mạnh của họ, đồng thời họ đang vấp phải sự bất mãn ngày càng lớn của những người dân nộp thuế trong nước. Vấn đề này chỉ có thể được giải quyết thông qua những loại thuế mới do Quốc hội áp đặt, song lại làm tổn hại lợi ích của các chính quyền tự trị của thuộc địa.
Bước đầu tiên là sự thay thế Đạo luật Mật đường năm 1733, vốn đã đặt ra mức thuế cắt cổ đối với rượu vang và mật đường nhập khẩu từ mọi khu vực nằm ngoài nước Anh, bằng Đạo luật Đường năm 1764. Đạo luật này cấm nhập khẩu rượu rum; áp mức thuế tương đối với mật đường nhập từ tất cả mọi nơi, đánh thuế rượu vang, lụa, cà phê và nhiều mặt hàng xa xỉ khác. Người ta hy vọng việc giảm thuế mật đường sẽ làm giảm động cơ buôn lậu mật từ miền Tây ấn thuộc Hà Lan và Pháp để phục vụ các lò cất rượu rum ở vùng New England. Chính phủ Anh ra sức thực hiện Đạo luật Đường. Các quan chức hải quan cũng được lệnh tăng cường hiệu quả làm việc. Các tàu chiến của Anh ở vùng lãnh hải của Hoa Kỳ cũng được lệnh bắt giữ buôn lậu. Nhà vua cũng ban hành các sắc lệnh cho phép các sỹ quan khám xét những khu vực bị tình nghi.
Cả thuế quan nhập khẩu theo quy định Đạo luật Đường và các biện pháp thực thi đạo luật này đều khiến các lái buôn ở vùng New England hoang mang. Họ cho rằng việc chi trả các khoản thuế, thậm chí ở mức thấp vẫn có thể khiến công việc kinh doanh của họ bị phá sản. Các lái buôn, các cơ quan lập pháp và các cuộc họp của thị chính đều phản đối đạo luật. Các luật sư ở thuộc địa đã phản đối với khẩu hiệu "đánh thuế không cần đại diện" để thuyết phục nhiều người Mỹ rằng họ đang bị chính mẫu quốc áp bức.
Cuối năm 1764, Quốc hội ban hành Đạo luật Tiền tệ nhằm ngăn chặn các loại tiền giấy kể từ nay được phát hành ở bất kỳ thuộc địa nào thuộc Hoàng gia không được trở thành đồng tiền hợp pháp. Do các thuộc địa luôn bị thâm hụt thương mại và thường xuyên thiếu ngoại tệ mạnh, nên biện pháp này đã gây thêm một gánh nặng nghiêm trọng cho nền kinh tế thuộc địa. Một đạo luật cũng bị thuộc địa phản đối tương tự là Đạo luật Hậu cần được thông qua năm 1765 yêu cầu các thuộc địa phải cung cấp thực phẩm và doanh trại cho các đơn vị quân đội Hoàng gia.
ĐẠO LUẬT THUẾ TEM
Một phương pháp đánh thuế không cần đại diện đã làm bùng lên sự phản kháng có tổ chức lớn nhất là Đạo luật Thuế tem (Stamp Act). Đạo luật này quy định tất cả báo chí, biểu ngữ, sách nhỏ, giấy môn bài, hợp đồng thuê mướn và các loại văn bản pháp luật khác đều bị dán tem để đánh thuế. Số tiền do hải quan Mỹ thu được sẽ được sử dụng cho phòng thủ, bảo vệ và duy trì an ninh cho các thuộc địa.
Được áp dụng như nhau đối với tất cả mọi người bất kể ngành, nghề kinh doanh, Đạo luật Thuế tem đã khiến những nhóm hùng mạnh và có tiếng nói nhất trong cộng đồng dân cư Mỹ có thái độ thù nghịch: các nhà báo, luật sư, tăng lữ, lái buôn và các doanh nhân ở cả miền Bắc và miền Nam, miền Đông và miền Tây. Các lái buôn có thế lực nhất đã tập hợp lực lượng để phản kháng và lập ra những hiệp hội phi nhập khẩu.
Thương mại với mẫu quốc đã sụt giảm vào mùa hè năm 1765 vì những nhân vật có uy thế đã tụ hợp thành nhóm những người con của tự do- những tổ chức bí mật được thành lập để phản đối Đạo luật Thuế tem, thường là bằng các biện pháp bạo lực. Từ bang Massachusetts tới bang Nam Carolina, những đám đông buộc những viên chức thuế tội nghiệp phải thôi việc, đồng thời đập tan những con tem đánh thuế. Phong trào phản kháng của du kích cũng đã vô hiệu hóa được Đạo luật này.
Được đại biểu Patrick Henry khích lệ, Quốc hội bang Virginia đã thông qua một loạt nghị quyết vào tháng 5 lên án việc đánh thuế không cần đại diện là một sự đe dọa đối với các quyền tự do của thuộc địa. Quốc hội cũng tuyên bố người dân Virginia có mọi quyền như người Anh, và do vậy chỉ có các đại biểu do họ bầu chọn mới có quyền áp thuế. Hội đồng Lập pháp bang Massachusetts đã mời tất cả các thuộc địa cử đại biểu tới dự Đại hội Thuế tem ở New York tổ chức vào tháng 10/1765 để xem xét những lời kêu gọi Hoàng gia và Quốc hội Anh giảm thuế. 27 đại biểu từ chín thuộc địa nhân cơ hội này đã tranh thủ dư luận ở thuộc địa. Sau nhiều cuộc tranh cãi, Đại hội đã thông qua một loạt nghị quyết khẳng định không có loại thuế nào đã từng hay có thể được áp lên họ, ngoại trừ bởi cơ quan lập pháp của riêng họ và Thuế tem đã thể hiện rõ ràng xu hướng bãi bỏ mọi quyền và tự do của những người đi khai hoang.
ĐÁNH THUẾ KHÔNG CẦN ĐẠI DIỆN
Câu hỏi được nêu ra như vậy chỉ xoay quanh vấn đề đại diện. Những người đi khai hoang tin rằng họ sẽ không được đại diện trong Quốc hội trừ phi họ thực sự bầu ra các Thượng nghị sỹ. Nhưng ý tưởng này trái ngược với nguyên tắc của người Anh về đại diện thực tế, theo đó mỗi đại biểu Quốc hội đều đại diện cho lợi ích của cả nước và của cả đế chế - ngay cả khi khu vực cử tri của vị đại biểu đó chỉ bao gồm một số rất ít chủ sở hữu tài sản. Lý thuyết này cho rằng tất cả thần dân Anh đều có chung lợi ích như nhau với tư cách là người sở hữu tài sản khi bầu các đại biểu Quốc hội.
Các nhà lãnh đạo Mỹ lại lập luận rằng họ chỉ có quan hệ hợp pháp duy nhất với Hoàng gia. Chính nhà vua đã cho phép thiết lập các thuộc địa bên kia đại dương và chính nhà vua đã cung cấp cho họ bộ máy chính quyền. Họ khẳng định rằng nhà vua vừa là người trị vì nước Anh vừa trị vì tất cả các thuộc địa, song họ quả quyết Quốc hội Anh có quyền ban hành các sắc luật cho thuộc địa thì cơ quan lập pháp của thuộc địa cũng có quyền ban hành luật pháp cho nước Anh. Tuy nhiên, trên thực tế, cuộc đấu tranh của họ với vua George đệ Tam cũng quyết liệt không kém so với Quốc hội. Các phe phái câu kết với Hoàng gia nhìn chung kiểm soát Quốc hội và thể hiện quyết tâm của nhà vua muốn duy trì chế độ quân chủ hùng mạnh.
Quốc hội Anh bác bỏ lập luận của thuộc địa. Tuy nhiên, các lái buôn người Anh do đánh giá được tác động của phong trào tẩy chay ở Mỹ nên đã ủng hộ phong trào đòi hủy bỏ luật. Năm 1766, Quốc hội đã lùi bước, bãi bỏ Thuế tem và sửa đổi Đạo luật Đường. Tuy nhiên, để xoa dịu những người ủng hộ chế độ trung ương tập quyền đối với các thuộc địa, Quốc hội thực hiện các biện pháp nêu trên, đồng thời thông qua Đạo luật Tuyên bố quyền lập pháp, khẳng định Quốc hội đều có quyền ban hành pháp luật có hiệu lực đối với tất cả các thuộc địa trong bất luận mọi trường hợp. Các thuộc địa chỉ được tạm thời miễn thi hành trong trường hợp sắp xảy ra một cuộc khủng hoảng.
CÁC ĐẠO LUẬT TOWNSHEND
Năm 1767 đã chứng kiến hàng loạt các biện pháp khác chứa đựng những nhân tố gây mâu thuẫn. Charles Townshend, Bộ trưởng Tài chính Anh đã cố xây dựng một chương trình tài khóa mới sau khi liên tục có sự phản đối tình trạng sưu cao, thuế nặng ở trong nước. Với ý định giảm thuế cho người Anh bằng cách thu thuế triệt để hơn vào ngành thương mại của Mỹ, Charles Townshend đã xiết chặt quản lý thuế quan, đồng thời áp đặt thuế nhập khẩu đối với các thuộc địa khi nhập các các mặt hàng của Anh như giấy, thủy tinh, chì và chè. Các Đạo luật Townshend được đưa ra với lập luận cho rằng thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu của các thuộc địa là hợp pháp nhưng loại thuế trong nước (như Thuế tem) lại không hợp pháp.
Các Đạo luật Townshend được ban hành để gia tăng nguồn thu, một phần là để lo cho các quan chức ở thuộc địa và duy trì lực lượng quân đội Anh tại Mỹ. Trước tình hình đó, luật sư Philadelphia là John Dickinson trong tác phẩm Những bức thư của một chủ trại xứ Pennsylvania đã lập luận rằng Quốc hội có quyền kiểm soát thương mại của đế chế nhưng không có quyền đánh thuế các thuộc địa, cho dù các khoản thuế quan đó đánh vào hàng trong nước hay nước ngoài.
Tình trạng phản đối việc thông qua các sắc thuế Townshend ít mang tính bạo lực hơn so với cơn thịnh nộ của dân chúng đối với Thuế tem. Tuy vậy, nó vẫn mạnh mẽ, đặc biệt ở các thành phố duyên hải miền Đông. Một lần nữa, các lái buôn lại thỏa thuận không nhập khẩu, đồng thời người dân buộc phải sử dụng các sản phẩm địa phương. Chẳng hạn, những người đi khai hoang giờ đây mặc quần áo dệt bằng sợi se tại nhà và dùng những đồ uống khác thay thế nước chè. Họ sử dụng giấy tự chế, còn nhà cửa thì không cần quét vôi. Ở Boston, việc thực thi các quy định mới đã châm ngòi cho bạo lực. Khi phòng thuế tìm cách thu thuế, họ đã bị quần chúng tấn công và đối xử thô bạo. Vì lý do vi phạm như vậy nên hai trung đoàn từ nước Anh đã được cử tới để bảo vệ nhân viên thuế vụ.
Sự hiện diện của quân lính Anh ở Boston đã trở thành nguyên nhân thường xuyên dẫn tới tình trạng rối loạn. Ngày 5/3/1770, mâu thuẫn giữa dân chúng với binh lính Anh lại bùng nổ thành bạo lực. Việc ném tuyết vô hại vào binh sỹ Anh lúc đầu giờ đây đã chuyển thành cuộc tấn công của đám đông hỗn độn. Một kẻ nào đó ra lệnh bắn. Khi khói súng tan đi, ba người dân Boston nằm chết trên tuyết. Được gọi là vụ thảm sát ở Boston, sự kiện này đã được mô tả là một bằng chứng về sự tàn nhẫn và bạo ngược của người Anh.
Phải đối mặt với tình trạng phản đối như vậy, năm 1770, Quốc hội đã quyết định rút lui chiến lược và hủy bỏ tất cả các luật thuế Townshend, ngoại trừ thuế đánh vào chè - một loại hàng xa xỉ ở thuộc địa chỉ rất ít người có điều kiện uống. Đối với hầu hết mọi người, quyết định của Quốc hội Anh chứng tỏ các thuộc địa đã giành được một sự nhượng bộ lớn và phong trào chống nước Anh phần lớn đã lắng xuống. Lệnh cấm vận của thuộc địa đối với chè Anh vẫn tiếp tục nhưng không được áp dụng một cách quá cứng nhắc. Đời sống ngày càng được cải thiện, do vậy phần lớn các nhà lãnh đạo thuộc địa đều sẵn sàng để tương lai muốn diễn ra như thế nào tùy ý.
SAMUEL ADAMS
Trong suốt ba năm yên lặng, một số ít những người cấp tiến vẫn ra sức dấy lên cuộc tranh luận. Họ thừa nhận việc trả thuế đồng nghĩa với việc chấp nhận nguyên tắc Quốc hội Anh cũng có quyền cai trị các thuộc địa. Họ lo sợ đến một lúc nào đó trong tương lai, nguyên tắc cai trị qua nghị trường có thể sẽ được áp dụng và làm tổn hại tới tất cả các quyền tự do của các thuộc địa.
Vị thủ lĩnh tích cực nhất trong số những người cấp tiến là Samuel Adams ở bang Massachusetts. Ông đã chiến đấu không mệt mỏi duy nhất chỉ vì một mục đích: độc lập. Kể từ khi tốt nghiệp Đại học Harvard năm 1743, Adams là công chức trải qua nhiều chức vụ - thanh tra các ống khói, nhân viên thu thuế và người điều khiển các phiên họp ở tòa thị chính. Tuy luôn thất bại trong kinh doanh nhưng ông là người nhạy bén và rất giỏi về chính trị. Các cuộc họp của Tòa thị chính New England là mảnh đất dung nạp tài năng của ông.
Adams mong muốn giải phóng con người thoát khỏi nỗi kinh sợ trước những kẻ đầy quyền uy về xã hội và chính trị, giúp họ nhận thấy sức mạnh và tầm quan trọng của chính mình và từ đó thôi thúc họ hành động. Để đạt được những mục tiêu này, ông đã viết báo và đăng đàn tại các cuộc họp ở tòa thị chính, khởi xướng những nghị quyết kêu gọi người dân xứ thuộc địa đề cao dân chủ.
Năm 1772, ông thuyết phục cuộc họp của tòa thị chính Boston bầu ra ủy ban quan hệ thư từ để nêu rõ mọi quyền và nỗi bất bình của người dân thuộc địa. ủy ban đã phản đối quyết định của người Anh sử dụng nguồn thu thuế để trả lương cho thẩm phán. Họ lo ngại thu nhập của các thẩm phán sẽ không còn phụ thuộc vào cơ quan lập pháp nữa, do đó các thẩm phán sẽ không còn trách nhiệm với cơ quan này. Đây chính là căn nguyên thúc đẩy một hình thức chính phủ chuyên quyền xuất hiện. ủy ban cũng trao đổi với các thị trấn khác về vấn đề này và đề nghị họ phúc đáp. Các ủy ban đã được thành lập gần như ở tất cả các thuộc địa và chính họ đã trở thành nòng cốt của các tổ chức cách mạng tích cực. Dẫu vậy, Adams vẫn chưa có đủ nhiên liệu thổi bùng lên đám cháy.
“BỮA TIỆC TRÀ BOSTON"
Tuy nhiên, vào năm 1773, nước Anh đã gây ra một sự kiện khiến Adams và đồng minh của ông thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng. Công ty Đông Ấn hùng mạnh lâm vào tình trạng bi đát về tài chính đã cầu viện Chính phủ Anh cho phép công ty được độc quyền xuất khẩu chè sang thuộc địa. Chính phủ cũng cho phép Công ty Đông Ấn trực tiếp phân phối chè cho những người bán lẻ chứ không thông qua các nhà bán buôn thuộc địa. Đến thời điểm đó, hầu hết số lượng chè tiêu thụ ở Mỹ đều được nhập khẩu trái phép và hoàn toàn không chịu thuế. Với việc bán chè thông qua các đại lý riêng với giá thấp hơn giá thông thường, Công ty Đông Ấn đã khiến cho việc buôn lậu trở nên không có lãi và gây nguy cơ đánh bại tất cả các lái buôn độc lập ở thuộc địa. Không chỉ tức giận vì thua lỗ trong buôn chè mà còn vì tình trạng độc quyền từ bên ngoài, các lái buôn thuộc địa đã liên kết với những người cấp tiến để kích động phong trào giành độc lập.
Ở các hải cảng dọc theo Đại Tây Dương, đại lý của Công ty Đông Ấn bị ép phải từ bỏ công việc. Những lô chè mới chở đến hoặc bị trả lại nước Anh hoặc phải bốc dỡ vào kho ngay. Tuy nhiên, ở Boston, các nhân viên đại lý đã chống lại người dân thuộc địa. Ỷ lại thế của viên thống sứ, họ đã chuẩn bị cho cập bến những lô hàng mới chở đến bằng tàu biển bất chấp sự phản đối. Đêm ngày 16/12/1773, một nhóm người cải trang thành người da đỏ Mohawk do Samuel Adams chỉ huy đã đột nhập lên ba chiếc tàu Anh đang buông neo và đổ các kiện chè xuống cảng Boston. Do không tin quyết tâm giữ vững nguyên tắc của người dân thuộc địa nên họ sợ rằng nếu chè được đem lên bờ, dân khai hoang cuối cùng có thể lại mua chè và trả thuế.
Vào lúc này, một cuộc khủng hoảng đang đặt ra với nước Anh. Công ty Đông Ấn đã thực thi theo luật do Quốc hội ban hành. Nếu việc phá hủy số chè đó không bị trừng phạt thì Quốc hội sẽ tự thừa nhận với thế giới họ không thể kiểm soát được thuộc địa. Dư luận chính thức ở nước Anh hầu như đều nhất trí lên án sự kiện Bữa tiệc trà Boston là hành động cố tình hủy hoại tài sản và ủng hộ các biện pháp hợp pháp buộc dân khai hoang nổi loạn phải tuân phục.
CÁC ĐẠO LUẬT CƯỠNG BỨC
Quốc hội đã đáp lại bằng các đạo luật mới mà người dân thuộc địa gọi là các đạo luật cưỡng bức hay độc đoán. Đầu tiên, Đạo luật Cảng Boston đã đóng cửa cảng Boston cho đến khi số chè đó được bồi thường đầy đủ. Hành động này đã khiến cả đời sống của cư dân thành phố bị lâm nguy, bởi lẽ việc ngăn Boston không giao thương bằng đường biển cũng đồng nghĩa với một thảm họa kinh tế. Các đạo luật khác hạn chế quyền lực của chính quyền địa phương và cấm tổ chức hầu hết các cuộc họp hội đồng thành phố nếu không được thống sứ chấp thuận. Đạo luật Hậu cần yêu cầu giới chức địa phương tìm chỗ ăn ở phù hợp cho binh lính Anh, kể cả nhà dân nếu cần thiết. Thay vì chỉ khuất phục và cô lập bang Massachusetts theo ý đồ ban đầu của Quốc hội, những đạo luật này lại tập hợp các thuộc địa khác để giúp đỡ cho bang Massachusetts. Đạo luật Quebec được thông qua gần như cùng lúc đã mở rộng địa giới phía Nam Quebec đến tận sông Ohio. Để phù hợp với các quy định trước đó của Pháp, đạo luật này cho phép xét xử không cần bồi thẩm đoàn, không thiết lập cơ quan lập pháp mang tính đại diện, đồng thời cho phép Cơ- đốc giáo hưởng quy chế bán chính thức. Phớt lờ những quy định nêu trong hiến chương trước đây, đạo luật này còn đe dọa chặn đứng việc mở rộng cương vực sang phía Bắc và Tây Bắc. Đạo luật này cũng thừa nhận các giáo phái Tin Lành đã xúc phạm Tòa thánh La-Mã và có vị trí áp đảo ở tất cả mọi thuộc địa. Tuy không được thông qua như biện pháp trừng phạt, song Đạo luật Quebec cũng vẫn bị người Mỹ đánh đồng với các đạo luật cưỡng bức khác. Tất cả các đạo luật đó sau này bị người ta gọi là "Năm đạo luật không thể dung thứ".
Theo đề nghị của Hội đồng Thị dân Virginia, đại diện các thuộc địa đã nhóm họp tại Philadelphia ngày 5/9/1774 để xem xét thực trạng đáng buồn hiện nay của các thuộc địa. Các đại biểu tham dự cuộc họp này - hay còn gọi Đại hội Lục địa lần thứ nhất - đã được bầu chọn qua đại hội nhân dân. Duy nhất bang Georgia không cử đại biểu tới dự, song tổng số 55 đại biểu đã đủ lớn để bảo đảm tính đa dạng quan điểm, đồng thời cũng đủ nhỏ để tổ chức cuộc tranh luận thực sự và hành động hiệu quả. Sự bất đồng ý kiến trong các thuộc địa đã gây ra tình huống tiến thoái lưỡng nan thật sự cho các đại biểu. Một mặt, họ sẽ phải thể hiện sự nhất trí mạnh mẽ để thuyết phục Chính phủ Anh nhượng bộ, nhưng mặt khác họ phải tránh để lộ bất kỳ tư tưởng cấp tiến hay tinh thần độc lập vốn có thể sẽ làm những người Mỹ chủ trương ôn hòa hơn cảm thấy lo sợ.
Một bài diễn văn thận trọng, kèm theo đó là một cam kết không tuân thủ các đạo luật cưỡng bức, đã kết thúc bằng việc thông qua một loạt nghị quyết khẳng định người dân thuộc địa có quyền sống, tự do và sở hữu, và các cơ quan lập pháp địa phương có quyền giải quyết tất cả mọi trường hợp đánh thuế và chính trị nội bộ. Tuy nhiên, quyết định quan trọng nhất của Đại hội là việc thành lập “Liên hiệp Lục địa nhằm khôi phục các biện pháp tẩy chay thương mại. Đại hội cũng xây dựng hệ thống các ủy ban điều tra hải quan, công bố tên những lái buôn vi phạm cam kết, tịch thu hàng hóa nhập khẩu của họ, khuyến khích tiết kiệm, phát triển kinh tế và công nghiệp.
Liên hiệp Lục địa ngay lập tức đã đảm nhận vai trò lãnh đạo ở các thuộc địa, khuyến khích các tổ chức mới ở địa phương xóa bỏ những quyền hành của hoàng gia còn sót lại. Dưới sự chèo lái của những nhà lãnh đạo ủng hộ độc lập, họ đã tranh thủ được sự ủng hộ không chỉ của những tầng lớp nghèo hơn mà cả những người thuộc tầng lớp trí thức (đặc biệt là các luật sư), hầu hết các chủ đồn điền ở thuộc địa miền Nam và một số lái buôn. Họ lôi kéo những người còn do dự tham gia phong trào dân túy; trừng phạt những kẻ thù địch; bắt đầu tích lũy quân nhu phẩm và động viên binh sỹ; và hướng dư luận thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng.
Nhiều người tuy phản đối việc người Anh xâm phạm các quyền của mình nhưng lại ủng hộ giải pháp thương thuyết và thỏa hiệp. Nhóm này gồm các sỹ quan do nhà vua bổ nhiệm, tín đồ Quaker và tín đồ các giáo phái phản đối sử dụng bạo lực, nhiều lái buôn (đặc biệt ở các thuộc địa miền Trung), những nông dân bất mãn và những cư dân vùng giáp ranh biên giới các thuộc địa miền Nam.
Lẽ ra nhà vua đã có thể gây dựng được liên minh với đông đảo những phần tử ôn hòa, đồng thời cùng với những nhượng bộ đúng lúc, củng cố được vị thế của họ tới mức đội quân cách mạng sẽ khó có thể đối phó với lực lượng thù địch. Nhưng vua George đệ Tam đã không có ý định nhượng bộ. Tháng 9/1774, phớt lờ đơn thỉnh cầu của các tín đồ Quaker ở Philadelphia gửi tới, ông viết giờ đây ván đã đóng thuyền, các thuộc địa hoặc sẽ phải khuất phục hoặc họ sẽ chiến thắng. Động thái này đã cô lập phe Bảo hoàng đang rất lo sợ trước những diễn biến của các sự kiện diễn ra sau khi ban hành các đạo luật cưỡng bức.
CUỘC CÁCH MẠNG BẮT ĐẦU
Tướng Thomas Gage, một quý tộc người Anh rất tốt bụng, có vợ là người được sinh ra ở Mỹ, đã chỉ huy một đơn vị đồn trú ở Boston. Đây là khu vực các hoạt động chính trị đã gần như thay thế vị trí của thương mại. Nhiệm vụ chính của Gage ở các thuộc địa là đẩy mạnh việc thực thi các đạo luật cưỡng bức. Khi nhận được tin người dân ở thuộc địa Massachusetts đang thu gom thuốc súng và binh khí ở thành phố Concord cách đó 32 cây số, Gage liền gửi một nhóm quân tinh nhuệ đi tịch thu vũ khí.
Sau một đêm hành quân, đội quân người Anh đã tới làng Lexington ngày 19/4/1775 và nhìn thấy một nhóm gồm 77 du kích đằng đằng sát khí - gọi như vậy là vì họ luôn sẵn sàng chiến đấu ngay lập tức - hiện ra trong lớp sương mù ban mai. Những du kích chỉ có ý định phản đối bằng cách giữ im lặng, nhưng thiếu tá hải quân John Pitcairn, chỉ huy nhóm binh lính Anh đã hét lên: “Giải tán ngay, lũ bạo loạn đáng nguyền rủa! Đồ chó, cút!". Đại úy John Parker, người chỉ huy nhóm du kích, ra lệnh cho lính của ông không được nổ súng trừ phi họ bị bắn trước. Du kích người Mỹ đang rút lui thì ai đó đã nổ súng, tiếng súng đã khiến quân Anh bắn vào du kích quân. Sau đó lính Anh tấn công bằng lưỡi lê và để lại trên bãi chiến trường tám xác chết và 10 người bị thương. Theo cách nói của nhà thơ Ralph Waldo Emerson - tác giả những vần thơ vẫn thường được trích dẫn thì đó là tiếng súng vọng khắp hành tinh.
Sau đó quân Anh tiếp tục tiến vào Concord. Người Mỹ đã giấu hầu hết vũ khí, nhưng phá bỏ tất cả những gì còn sót lại. Trong lúc đó, các lực lượng quân sự của Mỹ ở nông thôn đã được điều động để quấy rối quân Anh trên đường họ rút về Boston. Trên tất cả mọi nẻo đường, từ sau những vách đá, triền đồi và những ngôi nhà, du kích quân từ tất cả các trang trại và ngôi làng ở Middlesex đã chĩa thẳng súng vào những chiếc áo khoác màu đỏ nhạt của đám binh lính Anh. Đến khi đội quân kiệt sức của Gage lê bước đến Boston thì họ đã có hơn 250 lính bị chết và bị thương. Phía quân du kích có 93 người hy sinh.
Đại hội Lục địa lần thứ hai đã khai mạc ở Philadelphia, bang Pennsylvania, ngày 10/5. Đại hội đã bỏ phiếu quyết định tham chiến, tuyển mộ du kích quân thuộc địa vào lực lượng quân đội lục địa. Đại hội đã cử Đại tá Geoge Washington ở bang Virginia làm Tổng Tư lệnh ngày 15/6. Chỉ trong hai ngày, quân Mỹ đã bị tổn thất nặng nề về người tại đồi Bunker ở ngay ngoại thành Boston. Đại hội cũng ra lệnh cho các đội quân viễn chinh Mỹ hành quân lên phía Bắc tới Canada trước mùa thu. Sau khi chiếm được Montreal họ đã thua trong trận đột kích mùa đông vào Quebec và cuối cùng phải rút về New York.
Bất chấp xung đột vũ trang đã nổ ra, một số đại biểu dự Đại hội Lục địa vẫn phản đối ý tưởng ly khai hoàn toàn khỏi nước Anh. Vào tháng 7, Đại hội thông qua Lời thỉnh cầu Cành Ôliu (Olive Branch Petiton), cầu xin nhà vua ngăn chặn mọi hành động thù địch leo thang cho đến khi đạt được một thỏa thuận nào đó. Vua George bác bỏ; trái lại, ngày 23/8/1775 lại tuyên bố các thuộc địa đang gây ra tình trạng nổi loạn.
Nước Anh hy vọng các thuộc địa miền Nam vẫn trung thành, một phần là vì họ phải dựa vào chế độ nô lệ. Nhiều người ở các thuộc địa miền Nam sợ rằng cuộc khởi nghĩa chống lại mẫu quốc có thể cũng sẽ châm ngòi cho một cuộc khởi nghĩa của nô lệ. Tháng 11/1775, Dunmore, Thống sứ bang Virginia, đã cố lợi dụng nỗi lo sợ đó bằng cách trao tự do cho tất cả những nô lệ sẽ chiến đấu vì người Anh. Tuy nhiên, tuyên bố của Dunmore khiến cho nhiều người Virginia lẽ ra trước đây vẫn là bảo hoàng thì nay lại đứng về phía quân nổi loạn.
Thống sứ bang Bắc Carolina, Josiah Martin, cũng kêu gọi người dân Bắc Carolina trung thành với nhà vua. Khi 1500 quân đáp lại lời kêu gọi của Martin thì họ liền bị quân đội cách mạng đánh bại trước khi quân đội Anh có thể tới cứu giúp.
Tàu chiến Anh tiếp tục tiến xuống bờ biển Charleston, bang Nam Carolina và nã pháo vào thành phố vào đầu tháng 6/1776. Nhưng người dân Nam Carolina đã có thời gian chuẩn bị và họ đã đánh bật được quân Anh khỏi khu vực đó vào cuối tháng 6. Hai năm sau, những chiếc tàu chiến Anh vẫn không dám quay trở lại.
LƯƠNG TRI VÀ ĐỘC LẬP
Tháng 1/1776, Thomas Paine, một lý thuyết gia chính trị và nhà văn cấp tiến từ nước Anh đến Mỹ năm 1774, đã ấn hành cuốn sách dày 50 trang mang tựa đề “Lương tri". Trong vòng ba tháng, 100.000 bản của cuốn sách này đã bán hết. Paine đã tấn công tư tưởng quân chủ cha truyền con nối. Ông nêu rõ một con người trung thực sẽ có giá trị đối với xã hội nhiều hơn tất cả phường lưu manh vô lại núp bóng triều đình đã từng sống trên cõi đời này. Ông cũng đưa ra những giải pháp thay thế - hoặc là tiếp tục cam chịu cúi đầu trước tên vua tàn bạo và một chính phủ mục ruỗng, hoặc là tự do và hạnh phúc với tư cách là một nền cộng hòa độc lập, tự chủ. Được phổ biến ở khắp các thuộc địa, “Lương tri" đã tiếp thêm sức mạnh cho quyết tâm ly khai.
Tuy nhiên, nhiệm vụ kêu gọi từng thuộc địa thông qua tuyên ngôn chính thức vẫn còn đó. Ngày 7/6, Richard Henry Lee người bang Virginia đã trình bày một nghị quyết tại Đại hội Lục địa lần thứ hai, tuyên bố rằng những thuộc địa hợp nhất này được, và có quyền phải được trở thành những quốc gia tự do và độc lập... Ngay lập tức một ủy ban năm người do Thomas Jefferson người bang Virginia đứng đầu đã được phân công nhiệm vụ soạn thảo một tuyên ngôn để bỏ phiếu thông qua.
Phần lớn tác phẩm Tuyên ngôn Độc lập được thông qua ngày 4/7/1776 của Jefferson không chỉ tuyên bố sự ra đời của một quốc gia mới mà còn trình bày một triết lý về tự do của con người. Đây chính là động lực thúc đẩy sự phát triển trên toàn thế giới. Mặc dù bản Tuyên ngôn Độc lập đã tiếp thu triết lý khai sáng của phong trào Khai sáng ở Anh và Pháp song một văn kiện quan trọng cũng có một ảnh hưởng đặc biệt to lớn: Chuyên luận thứ hai về chính phủ của John Locke. John Locke đã tiếp thu những khái niệm về quyền vốn đã có từ lâu của người Anh và phổ biến chúng thành quyền tự nhiên của toàn nhân loại. Đoạn mở đầu của bản Tuyên ngôn Độc lập đã nhắc lại khế ước xã hội của Locke về cai trị:
Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc. Rằng để đảm bảo cho những quyền này, các chính phủ được lập ra trong nhân dân và có được những quyền lực chính đáng trên cơ sở sự nhất trí của nhân dân, rằng bất cứ khi nào một thể chế chính quyền nào đó phá vỡ những mục tiêu này, thì nhân dân có quyền thay đổi hoặc loại bỏ chính quyền đó và lập nên một chính quyền mới, đặt trên nền tảng những nguyên tắc cũng như tổ chức thực thi quyền hành theo một thể chế sao cho có hiệu quả tốt nhất đối với an ninh và hạnh phúc của họ.
Jefferson đã trực tiếp liên hệ những nguyên lý của Locke với tình hình ở các thuộc địa. Đấu tranh giành độc lập cho nước Mỹ là đấu tranh để xây dựng một chính phủ theo sự chấp thuận của nhân dân thay thế cho một chính phủ của một ông vua đã cùng với một số thế lực khác buộc chúng ta phải tuân theo quyền tài phán xa lạ với hiến pháp của chúng ta và không được luật pháp của chúng ta công nhận.... Chỉ có một chính phủ dựa trên sự tán thành của dân chúng mới có thể bảo vệ được mọi quyền tự nhiên - quyền được sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc. Như vậy, tranh đấu vì nền độc lập của nước Mỹ là tranh đấu vì quyền tự nhiên của mỗi con người.
NHỮNG THẤT BẠI VÀ NHỮNG THẮNG LỢI
Mặc dù người Mỹ đã lâm vào thoái trào nghiêm trọng trong nhiều tháng sau khi tuyên bố độc lập, song tính bền bỉ và lòng kiên trì của họ cuối cùng đã được đền đáp. Tháng 8/1776, trong trận chiến Long Island tại New York, Washington trở nên khó có thể trụ vững, và vì vậy ông đã cùng binh lính rút lui rất khéo léo trên những con thuyền nhỏ từ Brooklyn đến bờ biển Manhattan. Tướng Anh William Howe đã hai lần chần chừ và để mặc quân Mỹ bỏ chạy. Tuy nhiên cho đến tháng 11, Howe đã chiếm được Pháo đài Washington trên đảo Manhattan. Thành phố New York đã nằm trong tầm kiểm soát của quân Anh cho tới khi chiến tranh kết thúc.
Tháng 12 năm đó, các lực lượng của Washington đã gần như tan rã vì không có viện binh và cứu trợ như đã hứa hẹn. Một lần nữa, Howe lại bỏ qua cơ hội đánh bại hoàn toàn quân Mỹ với quyết định chờ đến tận mùa xuân mới tiếp tục chiến đấu. Đúng ngày Giáng sinh 25/12/1776, Washington đã vượt sông Delaware phía bắc Trenton, bang New Jersey. Tờ mờ sáng ngày 26/12, các chiến binh của ông bất ngờ tấn công đơn vị đồn trú của quân Anh ở đó, bắt sống hơn 900 tù binh. Một tuần sau, ngày 3/1/1777, Washington tấn công quân Anh ở Princeton, chiếm lại hầu hết lãnh thổ mà quân Anh đã chính thức chiếm đóng. Những thắng lợi ở Trenton và Princeton đã lấy lại tinh thần phấn chấn của quân Mỹ.
Tuy nhiên, đến tháng 9/1777, Howe đã đánh bại quân Mỹ tại Brandywine ở bang Pennsylvania, chiếm Philadelphia và buộc Đại hội Lục địa phải bỏ chạy. Washington đã phải trải qua một mùa đông lạnh cắt da cắt thịt năm 1777-1778 ở Thung lũng Forge, bang Pennsylvania, thiếu thực phẩm, quần áo và quân dụng. Nông dân và lái buôn đã đổi hàng lấy để lấy vàng và bạc từ người Anh chứ không lấy loại tiền giấy không đáng tin cậy do Đại hội Lục địa và các bang phát hành.
Thung lũng Forge là điểm thoái trào tồi tệ nhất đối với quân đội lục địa của Washington, nhưng ở nhiều nơi khác trong năm 1777 đã xuất hiện một bước ngoặt của cuộc chiến. Tướng Anh John Burgoyne, chuyển quân từ Canada sang phía Nam, đã âm mưu chiếm New York và New England qua hồ Champlain và sông Hudson. Thật không may, ông có quá nhiều đồ quân trang nặng nề đến nỗi không thể vượt qua được vùng đầm lầy và rừng rậm. Ngày 6/8, tại Oriskany, bang New York, một nhóm Bảo hoàng và thổ dân da đỏ dưới sự chỉ huy của Burgoyne đã đụng độ với lực lượng cơ động của Mỹ đang tìm cách ngăn chặn bước tiến của họ. Một vài ngày sau tại Bennington, bang Vermont, ngày càng nhiều binh lính của Burgoyne khi đi tìm đồ quân nhu thiết yếu đã bị các chiến binh Mỹ đẩy lùi.
Chuyển sang phía Tây lưu vực sông Hudson, đội quân của Burgoyne đã tiến vào Albany. Những chiến binh Mỹ đã mai phục sẵn. Dưới sự chỉ huy của Benedict Arnold - người sau này đã phản bội quân Mỹ ở West Point, bang New York - các chiến binh Mỹ đã hai lần đẩy lùi bước tiến của quân Anh. Lần này bị tổn thất nặng nề, Burgoyne phải rút về Saratoga, New York nơi lực lượng hùng hậu hơn nhiều của Mỹ dưới sự chỉ huy của Tướng Horatio Gates đã bao vây quân Anh. Ngày 17/10/1777, Burgoyne đã đầu hàng toàn bộ - bao gồm sáu vị tướng, 300 sỹ quan và 5.500 lính.
LIÊN MINH PHÁP-MỸ
Ở Pháp, tinh thần ủng hộ sự nghiệp cách mạng của người Mỹ ngày càng dâng cao: bản thân giới trí thức Pháp đang khuấy động phong trào chống chế độ phong kiến và đặc quyền trong xã hội. Tuy nhiên, nhà vua lại ủng hộ các thuộc địa vì lý do địa chính trị hơn là vì lý do hệ tư tưởng. Chính phủ Pháp đã rất muốn trả thù Anh ngay sau khi họ bị bại trận năm 1763. Để nêu cao ngọn cờ cách mạng Mỹ, Benjamin Franklin đã được cử sang Paris năm 1776. Sự thông minh, tài trí và am hiểu của ông đã khiến sự hiện diện của phái đoàn do Benjamin dẫn đầu thành sự kiện đáng chú ý ở thủ đô của Pháp, đồng thời những phẩm chất ấy đã đóng vai trò quan trọng trong việc tranh thủ sự ủng hộ của Pháp.
Pháp bắt đầu viện trợ cho các thuộc địa từ tháng 5/1776 bằng cách cử 14 tàu chở các quân nhu phẩm sang Mỹ. Trên thực tế, hầu hết số thuốc súng do quân đội Mỹ sử dụng có nguồn gốc từ Pháp. Sau thất bại của quân Anh ở Saratoga, Pháp đã thấy có cơ hội làm suy yếu kẻ thù truyền kiếp và lấy lại thế cân bằng lực lượng vốn đã bị mất đi trong cuộc Chiến tranh Bảy năm (hay còn gọi cuộc Chiến tranh Pháp và người da đỏ). Ngày 6/2/1778, Mỹ và Pháp đã ký Hiệp ước Thân thiện và Thương mại, trong đó Pháp công nhận và dành những ưu đãi thương mại cho Mỹ. Hai nước cũng ký Hiệp ước Liên minh, quy định rằng nếu Pháp tham chiến thì không nước nào được hạ vũ khí chừng nào tất cả các thuộc địa Mỹ vẫn chưa giành độc lập, rằng không nước nào được ký kết hòa ước với Anh nếu không có sự chấp thuận của nước kia, và rằng mỗi nước phải bảo đảm tài sản của phía bên kia ở Mỹ. Tính đến năm 1949 thì đây là hiệp ước phòng thủ song phương duy nhất mà Hợp chủng quốc Hoa Kỳ hoặc các thuộc địa trước đó đã từng ký kết.
Liên minh Pháp - Mỹ chẳng bao lâu sau đã mở rộng cuộc xung đột. Tháng 6/1778, tàu chiến Anh đã bắn vào tàu của Pháp và hai quốc gia đã giao chiến. Năm 1779, do hy vọng giành lại được những phần lãnh thổ bị nước Anh chiếm trong cuộc Chiến tranh Bảy năm, Tây Ban Nha đã bắt đầu tham gia và đứng về phía Pháp trong cuộc xung đột. Tuy nhiên, Tây Ban Nha lại không là đồng minh của Mỹ. Năm 1780, Anh tuyên chiến với Hà Lan vì đã tiếp tục buôn bán với Mỹ. Sự gắn kết giữa các cường quốc châu Âu mà đứng đầu là nước Pháp đã trở thành mối đe dọa nguy hiểm với nước Anh hơn nhiều so với hiểm họa từ các thuộc địa riêng rẽ ở Mỹ.
QUÂN ANH NAM TIẾN
Sau khi người Pháp đã can dự, quân Anh liền tăng cường những nỗ lực của họ ở các thuộc địa miền Nam bởi họ vẫn tin rằng phần lớn dân miền Nam là những người Bảo hoàng. Một cuộc tiến công đã diễn ra vào cuối năm 1778, bắt đầu bằng việc chiếm giữ Savannah, bang Georgia. Chẳng bao lâu sau, bộ binh và hải quân Anh cùng tiến về Charleston, bang Nam Carolina, hải cảng chính ở miền Nam. Họ cũng tìm cách dồn các lực lượng của Mỹ trên bán đảo Charleston. Ngày 12/5/1780, Tướng Benjamin Lincoln đã dâng nộp toàn bộ thành phố cùng 5.000 binh sỹ. Đây là thất bại lớn nhất của quân Mỹ trong chiến tranh.
Nhưng tình thế bị đảo ngược như vậy chỉ khích lệ tinh thần những phiến quân mà thôi. Binh lính Nam Carolina đã bắt đầu sục sạo khắp vùng nông thôn và tấn công các đường tiếp viện của quân Anh. Trong tháng 7, Tướng Mỹ Horatio Gates - trước đây đã từng tập hợp lực lượng dự bị gồm dân quân chưa được huấn luyện - đã tiến quân tới Camden, bang Nam Carolina để đối phó với lực lượng của Anh do Tướng Charles Cornwallis chỉ huy. Tuy nhiên, những binh sỹ chưa từng được huấn luyện đã hoảng sợ và bỏ chạy khi phải đối mặt với lính chính quy của Anh. Binh lính của Cornwallis đã chạm trán với quân Mỹ nhiều lần nữa, nhưng trận đánh quan trọng nhất đã diễn ra ở Cowpens, bang Nam Carolina đầu năm 1781. Chính tại đây, quân Mỹ đã chiến thắng thật vẻ vang trước quân đội Anh. Sau cuộc truy đuổi đến kiệt sức nhưng không có kết quả qua bang Nam Carolina, Cornwallis đã hạ quyết tâm chiếm bằng được bang Virginia.
THẮNG LỢI VÀ NỀN ĐỘC LẬP
Tháng 7/1780, vua Pháp Louis XVI đã cử tới Mỹ đội quân viễn chinh gồm 6.000 người dưới sự chỉ huy của Bá tước Jean de Rochambeau. Ngoài ra, hạm đội Pháp đã quấy rối việc vận tải biển của Anh và ngăn cản việc chi viện và các nguồn cung cấp của quân đội Anh ở bang Virginia. Lực lượng bộ binh và hải quân của Pháp và Mỹ với tổng số 18.000 người có sức mạnh ngang bằng với binh lực của Cornwallis trong suốt mùa hè và đầu mùa thu. Cuối cùng, ngày 19/9/1781, sau khi bị mắc bẫy ở Yorktown gần cửa biển Vịnh Chesapeake, Cornwallis đã phải dâng nộp toàn bộ đội quân gồm 8.000 lính Anh.
Mặc dù thất bại của Cornwallis đã không chấm dứt chiến tranh ngay lập tức - cuộc chiến tranh còn kéo dài dai dẳng thêm gần hai năm nữa - song tân chính phủ của Anh đã quyết định hòa đàm ở Paris đầu năm 1782. Đại điện của phía Mỹ là Benjamin Franklin, John Adams và John Jay. Ngày 15/4/1783, Đại hội Lục địa đã thông qua hiệp ước cuối cùng. Hòa ước Paris được ký ngày 3/9 đã thừa nhận nền độc lập, tự do và chủ quyền của 13 thuộc địa cũ, nay là các tiểu bang. Hợp chủng quốc Hoa Kỳ mới ra đời có biên giới kéo dài về phía Tây đến tận lưu vực sông Mississippi, về phía Bắc đến tận Canada và về phía Nam đến tận Florida - vùng đất đã được trả lại cho Tây Ban Nha. Các thuộc địa còn non nớt mà Richard Henry Lee từng nói tới hơn bảy năm trước cuối cùng đã trở thành các tiểu bang tự do và độc lập. Song nhiệm vụ gắn kết các tiểu bang thành một dân tộc vẫn còn đó.
TẦM QUAN TRỌNG CỦA CUỘC CÁCH MẠNG MỸ
Cách mạng Mỹ có ý nghĩa quan trọng không chỉ bó hẹp trong phạm vi biên giới lục địa Bắc Mỹ. Cuộc cách mạng đã thu hút sự chú ý của chính giới khắp châu Âu. Những nhân vật trứ danh theo chủ nghĩa lý tưởng như Thaddeus Kosciusko, Friedrich von Steuben, và Marquis de Lafayette đã cùng nhau khẳng định tư tưởng tự do mà họ hy vọng sẽ được lan tỏa tới các quốc gia của họ. Thành công của cuộc cách mạng đã tạo chỗ dựa vững chắc cho khái niệm quyền tự nhiên khắp thế giới phương Tây và càng thể hiện rõ hơn những lời phê phán của những người theo chủ nghĩa duy lý trong thời kỳ Khai sáng về mô hình cổ điển dựa trên chế độ quân chủ cha truyền con nối và giáo hội. Trên thực tế, Cách mạng Mỹ là phát súng báo hiệu cuộc Cách mạng Pháp, nhưng lại không có tính chất bạo lực và bạo loạn như cuộc Cách mạng Pháp bởi lẽ nó diễn ra ở một xã hội vốn đã rất tự do.
Những tư tưởng cách mạng đã được thể hiện rõ ràng nhất qua chiến thắng áp đảo của triết thuyết khế ước xã hội /quyền tự nhiên của John Locke. Diễn ra thật đúng lúc, tính chất của cuộc cách mạng này còn bác bỏ thật nhanh chóng tầm quan trọng của đạo Tin Lành phái Can-vanh bất mãn. Từ những người hành hương đến những tín đồ Thanh giáo đều ủng hộ những lý tưởng của khế ước xã hội và cộng đồng tự trị. Những học giả ủng hộ triết thuyết của John Locke và giới tăng lữ Tin Lành đều là lực lượng cổ xúy những tư tưởng tự do chủ nghĩa vốn đã rất phát triển ở các thuộc địa Bắc Mỹ thuộc Anh.
Các học giả cũng lập luận rằng tư tưởng cộng hòa cũng đã góp phần làm nên cuộc cách mạng này. Họ cho rằng tư tưởng cộng hòa không phủ nhận sự tồn tại của quyền tự nhiên mà đặt những quyền này dưới niềm tin cho rằng cần phải có một nhà nước cộng hòa tự do để duy trì trách nhiệm cộng đồng và dung dưỡng tính chất tự đào thải trong các nhà lãnh đạo của họ. Trái lại, việc đề cao quyền cá nhân, thậm chí cả mưu cầu hạnh phúc cá nhân, dường như là quá ích kỷ. Có một thời tư tưởng cộng hòa đã đe dọa gạt bỏ các quyền tự nhiên với tư cách là chủ đề lớn của cuộc cách mạng. Tuy vậy, hầu hết các sử gia ngày nay lại thừa nhận sự khác biệt như vậy đã bị đề cao quá mức. Hầu hết mọi cá nhân đều nghĩ như vậy trong thế kỷ XVIII và thấy rằng hai tư tưởng khác nhau này cũng chỉ như hai mặt của một đồng xu trí tuệ mà thôi.
Cách mạng thường gắn liền với những đảo lộn và bạo lực trong xã hội trên quy mô lớn. Nếu theo những tiêu chí như vậy thì Cách mạng Mỹ tương đối ôn hòa. Khoảng 100.000 nhân vật bảo hoàng đã rời bỏ Hợp chủng quốc mới được thành lập. Vài ngàn người thuộc giới tinh túy trước đây đã bị tịch thu tài sản và trục xuất. Nhiều người khác là dân thường trung thành với nhà vua. Phần lớn trong số họ đã lưu vong một cách tự nguyện. Cuộc cách mạng không mở ra và thúc đẩy tự do nhiều hơn ở một xã hội vốn đã tự do. Ở bang New York và hai bang Carolina, bất động sản lớn của những kẻ bảo hoàng đã bị chia cho nông dân nghèo. Những giả thuyết của tư tưởng tự do đã trở thành chuẩn mực chính thống trong văn hóa chính trị Mỹ - cho dù là thể hiện ở việc bãi bỏ giáo hội Anh, nguyên tắc bầu chọn giới chức hành pháp của tiểu bang và quốc gia, hay việc phổ biến rộng rãi tư tưởng tự do cá nhân. Song cơ cấu xã hội hầu như không thay đổi. Cho dù có cách mạng hay không thì hầu hết người dân vẫn được đảm bảo an toàn trong cuộc sống, quyền tự do và sở hữu của riêng họ.
Chương 4: Xây dựng một chính phủ quốc gia
“Mỗi người dân thường, và tất cả mọi người trên trái đất này, đều có quyền tự trị".
Thomas Jefferson, 1790 - Người soạn thảo Bản Tuyên ngôn Độc lập
HIẾN PHÁP CỦA CÁC TIỂU BANG
Thành công của cuộc cách mạng đã đem lại cho người Mỹ cơ hội xây dựng khung pháp lý cho những lý tưởng của họ như đã được trình bày trong bản Tuyên ngôn Độc lập, đồng thời khắc phục mọi nỗi oan ức thông qua các bản hiến pháp của tiểu bang. Ngày 10/5/1776, Đại hội Lục địa đã thông qua một nghị quyết kêu gọi các thuộc địa thành lập các chính phủ mới đảm bảo tốt nhất việc mưu cầu hạnh phúc và an toàn cho tất cả mọi cử tri. Một số chính phủ đã làm được như vậy, và trong vòng một năm sau khi Tuyên ngôn Độc lập ra đời, tất cả ngoại trừ ba tiểu bang, đã soạn thảo xong hiến pháp.
Các bản hiến pháp mới đã thể hiện ảnh hưởng của các tư tưởng dân chủ. Không có bản hiến pháp nào đoạn tuyệt thô bạo với quá khứ cả vì tất cả các bản hiến pháp đó đều được xây dựng trên một nền tảng vững chắc của những trải nghiệm qua thời kỳ thuộc địa và thực tiễn cuộc sống ở nước Anh. Nhưng mỗi bản hiến pháp đều được thổi thêm luồng sinh khí mới của tinh thần chủ nghĩa cộng hòa - một lý tưởng vốn từ lâu đã được các triết gia thời kỳ Khai sáng ca ngợi.
Theo lẽ tự nhiên, mục tiêu đầu tiên của những người khởi thảo những bản hiến pháp bang là bảo vệ những quyền tất yếu bởi việc vi phạm những quyền đó là nguyên nhân khiến các thuộc địa cũ đoạt tuyệt với nước Anh. Như vậy, mỗi bản hiến pháp đều bắt đầu bằng một tuyên ngôn về quyền. Bản hiến pháp của bang Virginia vốn được coi là mẫu mực cho tất cả các bang khác bao gồm bản tuyên ngôn về các nguyên tắc như chủ quyền nhân dân, giữ chức luân phiên, tự do bầu cử và xác định những quyền tự do căn bản: bảo lãnh có mức độ và trừng phạt mang tính nhân đạo, xử án nhanh thông qua bồi thẩm đoàn, tự do báo chí và tự do tín ngưỡng, và quyền của đa số được cải cách hay thay đổi chính phủ.
Các bang khác đã mở rộng danh mục các quyền tự do để bổ sung thêm quyền tự do ngôn luận, hội họp và thỉnh nguyện. Các bản hiến pháp của họ thường có những quy định như quyền được mang vũ khí, quyền bảo hộ nhân thân, quyền bất khả xâm phạm nơi cư trú và bình đẳng trước pháp luật. Tuy nhiên, tất cả các bản hiến pháp đều bày tỏ sự trung thành với mô hình tam quyền phân lập - hành pháp, lập pháp và tư pháp - mỗi cơ quan đều được hai cơ quan còn lại kiểm soát và cân bằng.
Hiến pháp bang Pennsylvania là cấp tiến nhất. Ở tiểu bang này, các nghệ nhân Philadelphia, tín đồ Tin Lành đến từ Bắc Ai-len sinh sống ở biên giới và các chủ trang trại nói tiếng Đức đã nắm vai trò kiểm soát. Hội đồng lập pháp địa phương thông qua hiến pháp cho phép mọi người đóng thuế là nam giới và các con trai của mình có quyền bầu cử; yêu cầu các chức vụ phải được đảm nhiệm theo chế độ luân phiên (không ai có thể được làm đại diện quá bốn năm trong mỗi nhiệm kỳ bảy năm) và xây dựng cơ quan lập pháp đơn nhất.
Các bản hiến pháp bang có một số hạn chế rõ ràng, đặc biệt nếu xét theo tiêu chí hiện nay. Các hiến pháp được khởi thảo để đảm bảo cho mọi người những quyền tự nhiên của họ nhưng lại không bảo vệ được cho tất cả mọi người quyền tự nhiên căn bản nhất - bình đẳng. Các thuộc địa ở phía nam bang Pennsylvania đã tước đi của những người dân nô lệ các quyền tất yếu với tư cách là những con người. Phụ nữ không có các quyền chính trị. Không bang nào đi xa tới mức cho phép quyền phổ thông đầu phiếu cho tất cả nam giới. Thậm chí ngay cả ở những bang cho phép tất cả những người đóng thuế được đi bầu cử (ngoài bang Pennsylvania còn có các bang Delaware, Bắc Carolina và Georgia), thì những người giữ chức vụ trong chính quyền bắt buộc phải có một lượng tài sản nhất định.
CÁC ĐIỀU KHOẢN CÚA LIÊN BANG
Trận chiến với nước Anh đã làm được nhiều điều khiến thái độ của thuộc địa thay đổi. Các hội đồng lập pháp địa phương đã bác bỏ Kế hoạch Liên minh Albany vào năm 1754, kiên quyết không trao quyền tự trị, dù là nhỏ nhất, cho bất cứ ai khác, kể cả những người mà chính họ đã bầu ra. Nhưng trong suốt quá trình diễn ra cách mạng, sự tương trợ lẫn nhau đã chứng minh có hiệu quả, đồng thời nỗi lo sợ về việc loại bỏ quyền lực cá nhân đã giảm đi rất nhiều.
Năm 1776, John Dickinson đã soạn thảo Những điều khoản của Liên bang và Liên minh vĩnh cửu. Đại hội Lục địa đã thông qua các điều khoản này vào tháng 11/1777. Ngay sau khi được tất cả các bang phê chuẩn, các điều khoản trên đã có hiệu lực vào năm 1781. Do thể hiện tính chất rất mong manh của tư tưởng lập quốc mới còn chập chững, các điều khoản này đã quy định thành lập một liên minh rất lỏng lẻo. Chính phủ quốc gia không có quyền áp thuế quan, điều tiết thương mại và đánh thuế. Đồng thời, chính quyền liên bang kiểm soát rất ít về quan hệ quốc tế: một số các bang đã bắt đầu đàm phán với nước ngoài. Chín bang đã tổ chức quân đội riêng, và một số đã có hải quân riêng. Do thiếu một đồng tiền chung thống nhất nên trong lĩnh vực thương mại, quốc gia mới phải sử dụng kết hợp đủ loại tiền xu và tiền giấy phức tạp do chính họ và các tiểu bang phát hành. Tuy vậy, tất cả các đồng tiền đều nhanh chóng mất giá.
Những khó khăn kinh tế sau chiến tranh đã gióng lên những hồi chuông đòi thay đổi. Cuộc chiến kết thúc đã để lại hậu quả nghiêm trọng đối với các lái buôn trước đây đã tham gia cung cấp cho quân đội ở cả hai phe và giờ đây, họ đã mất đi những lợi thế có được từ việc tham gia vào hệ thống mậu dịch nước Anh. Các tiểu bang ưu tiên cho hàng hóa Mỹ trong các chính sách thuế quan, nhưng các biểu thuế quan lại không nhất quán. Chính điều đó đã thôi thúc cần phải có một chính phủ trung ương mạnh hơn để thực thi một chính sách thống nhất.
Có lẽ các chủ trại bị thiệt thòi nhiều nhất do những khó khăn kinh tế sau cuộc cách mạng. Nguồn cung cấp nông sản đã vượt cầu. Tình trạng bất ổn tập trung chủ yếu ở những chủ trại đang mắc nợ. Họ mong muốn có những biện pháp mạnh để tránh việc tịch thu tài sản hoặc tống giam vì mắc nợ. Các tòa án nhận được quá nhiều đơn kiện đòi nợ. Suốt mùa hè năm 1786, các hội nghị của tòa thị chính và các cuộc họp không chính thức ở một số bang đã yêu cầu cải cách trong các cơ quan hành chính bang.
Mùa thu năm đó, những đám đông lộn xộn gồm các chủ trại ở bang Massachusetts dưới sự lãnh đạo của cựu đại úy Daniel Shays đã bắt đầu dùng vũ lực ngăn cản không cho các tòa án giải quyết các vụ kiện về nợ do chủ nợ khởi xướng, đồng thời trì hoãn cuộc bầu cử ở tiểu bang sắp đến. Tháng 1/1787, một đội quân rách rưới gồm 1.200 chủ trại đã tiến về kho vũ khí của Liên bang ở Springfield. Quân nổi dậy được trang bị bằng phần lớn các thanh gỗ đóng thùng rượu và cây xỉa rơm đã bị một lực lượng nhỏ dân quân bang đẩy lui. Tướng Benjamin Lincoln sau đó đã đến cùng lực lượng tăng viện từ Boston và đánh tan tác những người còn lại đi theo Shays, chính ông cựu đại úy này đã chạy thoát về Vermont. Chính phủ đã bắt 14 người nổi loạn và xử tử hình, nhưng cuối cùng đã tha bổng cho một số và thả những người khác sau một thời hạn tù ngắn ngủi. Sau khi đánh bại quân nổi loạn, một cơ quan lập pháp mới được bầu mà phần lớn số người ủng hộ những người nổi loạn và đã chấp nhận một số yêu cầu giảm nhẹ nợ cho họ.
VẤN ĐỀ MỞ RỘNG LÃNH THỔ
Cùng với sự kết thúc của cuộc cách mạng, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ lại phải đối mặt với vấn đề miền Tây vẫn chưa được giải quyết - vấn đề mở rộng lãnh thổ với những mặt phức tạp về đất đai, buôn bán lông thú, người da đỏ, khu định cư và chính quyền địa phương. Bị quyến rũ bởi đất đai vô cùng màu mỡ mới được phát hiện, những người tiên phong đã vượt qua dãy núi Appalachian và tiến tới xa hơn nữa. Cho đến năm 1775, những triền đồi xa xôi nằm rải rác dọc theo những tuyến đường sông có đến hàng chục nghìn người định cư. Bị chia cách bởi những dãy núi và hàng trăm cây số xa những trung tâm quyền lực chính trị ở miền Đông, cư dân ở đó đã thành lập các chính quyền của riêng mình. Cư dân từ tất cả các bang vùng Tidewater đã dồn về các thung lũng sông màu mỡ có những thảo nguyên bao la nằm sâu trong lục địa. Tới năm 1790, dân số của vùng Appalachian đã lên tới hơn 120.000 người.
Trước chiến tranh, một số thuộc địa đã đưa ra những tuyên bố khẳng định phần đất sở hữu của họ thật lớn và nhiều khi chồng chéo vượt khỏi dãy Appalachian. Đối với những người không có những yêu sách như thế thì chiến lợi phẩm về lãnh thổ giàu có này dường như được chia phần không công bằng. Đứng về phía những người đó, bang Maryland đã đưa ra một quyết nghị khẳng định các vùng đất miền Tây phải được coi là tài sản chung do Đại hội Lục địa phân chia thành những chính quyền tự do và độc lập. ý tưởng này không được đón nhận một cách hồ hởi. Tuy vậy, vào năm 1780 bang New York đã tiên phong bằng cách nhường lại tất cả phần đất mà họ khẳng định thuộc quyền sở hữu. Năm 1784 bang Virginia vốn nắm giữ những quyền sở hữu lớn nhất đã từ bỏ toàn bộ đất đai ở phía bắc sông Ohio. Các bang khác cũng đã nhượng lại những vùng đất họ khẳng định thuộc quyền sở hữu. Đại hội có thể sẽ thừa hưởng quyền sở hữu tất cả mọi đất đai ở phía bắc sông Ohio và phía Tây dãy núi Allegheny. Việc sở hữu chung hàng triệu héc - ta đất chung như vậy là một bằng chứng hiển nhiên nhất về tính chất quốc gia và tính thống nhất, và điều đó đã đem lại nội dung nhất định cho tư tưởng thống nhất và hợp nhất thành quốc gia, đồng thời những phần lãnh thổ rộng lớn này cũng là một khó khăn đòi hỏi phải được giải quyết.
Đại hội Liên bang đã xây dựng một hệ thống tự trị hạn chế cho vùng lãnh thổ Tây Bắc mới đó. Sắc lệnh Tây Bắc năm 1787 đã quy định về bộ máy tổ chức mới này. Lúc đầu, đây được coi là một quận với người đứng đầu là thống sứ cùng các thẩm phán do Đại hội bổ nhiệm. Khi lãnh thổ này có đến 5.000 cư dân nam giới tự do nằm trong độ tuổi bầu cử thì sẽ được có quyền lập Quốc hội lưỡng viện, và chính khu vực này sẽ tự bầu ra Hạ viện. Ngoài ra, khu vực này còn được cử một đại biểu không có quyền bỏ phiếu tới Đại hội. Cứ khi nào một trong số các bang có tới 60.000 cư dân tự do thì sẽ được gia nhập Liên bang có vị thế bình đẳng với các bang sáng lập trên mọi phương diện. Sắc lệnh cũng đảm bảo các quyền dân sự và các quyền tự do, khuyến khích giáo dục và nghiêm cấm chế độ nô lệ hay các thức nô lệ cưỡng bức khác.
Chính sách mới đã bác bỏ quan niệm vốn có từ lâu đời cho rằng các thuộc địa tồn tại vì lợi ích của mẫu quốc và lệ thuộc về chính trị, có địa vị thấp kém về xã hội. Trái lại, chính sách mới đề ra nguyên tắc các thuộc địa (lãnh thổ) là phần mở rộng của quốc gia và được phép - không phải là đặc quyền và chỉ là quyền - được hưởng tất cả mọi lợi ích của bình đẳng.
HỘI NGHỊ LẬP HIẾN
Đến thời điểm Sắc lệnh Tây Bắc được ban hành, các nhà lãnh đạo Mỹ vẫn đang trong quá trình soạn thảo bản hiến pháp mới, mạnh mẽ hơn để thay thế cho các điều khoản Liên bang. George Washington, tổng công trình sư trong quá trình đó, đã mô tả rất chính xác rằng các tiểu bang hợp lại với nhau chỉ bằng sợi dây cát. Những tranh chấp giữa bang Maryland và bang Virginia về tuyến đường thủy trên sông Potomac đã dẫn tới việc tổ chức hội nghị đại biểu của năm tiểu bang tại Annapolis, bang Maryland năm 1786. Một trong số các đại biểu là Alexander Hamilton đã thuyết phục các đồng nghiệp của ông rằng thương mại có quan hệ mật thiết với các vấn đề kinh tế và chính trị. Do vậy, điều cần làm là phải có một tư duy mới căn bản về Liên bang.
Hội nghị Annapolis đã ra lời kêu gọi tất cả các tiểu bang cử đại diện tới dự Đại hội sẽ được tổ chức vào mùa xuân năm sau tại Philadelphia. Đại hội Lục địa lúc đầu phẫn nộ trước bước đi táo bạo này, nhưng sau đó đã chấp thuận khi George Washington ủng hộ phương án này và được cử làm đại biểu. Trong suốt mùa thu và mùa đông năm sau, các cuộc bầu cử đã được tổ chức ở tất cả các bang, trừ bang Rhode Island.
Tháng 5/1787 đã diễn ra một cuộc họp quan trọng của những người xuất chúng tại Đại hội Liên bang. Các cơ quan lập pháp bang đã cử các nhà lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm từ chính quyền thuộc địa và bang, Đại hội Lục địa, quân đội và tôn giáo. George Washington vốn được coi là công dân xuất sắc của đất nước vì tính liêm chính và tài thao lược của ông trong thời cách mạng đã được chọn làm chủ tịch.
Trong số các thành viên tích cực nhất có hai người đến từ bang Pennsylvania: Gouverneur Morris - người đã thấy cần phải có một chính quyền liên bang, và James Wilson - người đã lao động không mệt mỏi vì tư tưởng quốc gia. Bang Pennsylvania cũng đã bầu Benjamin Franklin khi ông sắp kết thúc sự nghiệp phi thường phụng sự nhân dân và đạt những thành tựu khoa học rực rỡ. Từ bang Virginia còn có James Madison, một chính khách trẻ tuổi có suy nghĩ thực tế, một người am tường chính trị và lịch sử. Theo lời của một người đồng sự thì xét từ góc độ siêng năng và đầu óc thực tế thì... đây là một người am hiểu tường tận nhất về bất kỳ một điểm tranh luận nào. Madison được công nhận là cha đẻ của Hiến pháp.
Bang Masachusetts cử hai đại diện tới là Rufus King và Elbridge Gerry, những thanh niên đầy năng lực và kinh nghiệm. Roger Sherman, từ anh thợ đóng giày trở thành thẩm phán, là một trong số các đại biểu của bang Connecticut. Đại diện cho bang New York có Alexander Hamilton, người đã đề xuất tổ chức hội nghị. Vắng mặt tại hội nghị có Thomas Jefferson - khi đó ông là công sứ đại diện cho Hoa Kỳ tại Pháp, và John Adams - đang nắm giữ chức vụ như Jefferson ở nước Anh. Trong số 55 đại biểu thì thanh niên chiếm đa số với độ tuổi trung bình là 42.
Đại hội Lục địa đã ủy quyền cho Hội nghị thảo các điều sửa đổi những Điều khoản Liên bang, nhưng, như Madison đã viết sau này, các đại biểu với niềm tin mạnh mẽ vào đất nước của họ đã gác các điều khoản sang một bên và tập trung xây dựng một hình thức chính quyền hoàn toàn mới.
Họ đã nhận thấy điều vô cùng cần thiết là hài hòa hai cấp chính quyền khác nhau - chính quyền địa phương hiện có của 13 bang bán độc lập, và chính quyền trung ương. Họ đã thông qua nguyên tắc khẳng định tất cả mọi chức năng và quyền lực của chính phủ thống nhất - hoàn toàn mới và mang tính cởi mở - phải được xác định và công khai cẩn thận trong khi tất cả những chức năng và các quyền lực khác cần phải được hiểu là thuộc về các bang. Nhưng do hiểu rõ chính phủ trung ương cần phải có quyền lực thực tế nên các đại biểu cũng nhất trí là chính phủ đó phải được trao quyền - đúc tiền, quản lý thương mại, tuyên bố chiến tranh và thiết lập hòa bình cùng những quyền khác.
TRANH LUẬN VÀ THỎA HIỆP
Các chính khách nhìn xa trông rộng của thế kỷ XVIII từng nhóm họp ở Philadelphia là những người trung thành với khái niệm cân bằng quyền lực trong chính trị của Montesquieu. Nguyên tắc này đã được củng cố thêm nhờ thực tiễn diễn ra ở thời kỳ thuộc địa và qua những tác phẩm của John Locke đã trở nên quen thuộc đối với hầu hết các đại biểu dự hội nghị. Những ảnh hưởng như vậy đã củng cố niềm tin vững chắc rằng cần phải thiết lập ba nhánh chính quyền ngang bằng và tương hỗ lẫn nhau. Các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp phải được cân bằng một cách hài hòa sao cho không một cơ quan nào lại có thể giành được thế áp đảo. Các đại biểu cũng nhất trí cơ quan lập pháp, tương tự như các cơ quan lập pháp thuộc địa và Nghị viện Anh, phải là lưỡng viện.
Trong hội nghị đã có sự nhất trí cao về những điểm này. Nhưng cũng có những ý kiến khác nhau nảy sinh. Các đại biểu của các bang nhỏ, như New Jersey chẳng hạn, đã phản đối những điều thay đổi có thể sẽ làm giảm ảnh hưởng của họ trong chính phủ trung ương nếu dựa theo quy mô dân số chứ không dựa vào vị thế bình đẳng của tiểu bang như đã được quy định trong các điều khoản của Liên bang.
Mặt khác, đại diện của những bang lớn như Virginia lại lập luận ủng hộ cho quyền đại diện theo tỷ lệ. Các cuộc tranh cãi này có nguy cơ kéo dài bất tận cho đến khi Roger Sherman đưa ra các luận cứ ủng hộ quyền đại diện theo tỷ lệ dân số của các bang trong một viện của Quốc hội - Hạ viện - và quyền đại diện bằng nhau ở viện kia - Thượng viện.
Việc tập hợp những bang lớn áp đảo bang nhỏ sau đó đã tan rã. Nhưng hầu như bất kỳ vấn đề kế tiếp nào cũng đều làm nảy sinh những chia rẽ mới, chỉ có thể được giải quyết thông qua thỏa hiệp. Đại diện miền Bắc muốn số nô lệ được thống kê để tính mức thuế đóng góp của mỗi bang, nhưng con số này không quyết định số ghế một tiểu bang sẽ có trong Hạ viện. Theo một thỏa hiệp đạt được mà hầu như không có bất đồng quan điểm thì số thành viên trong Hạ nghị viện sẽ được phân chia theo số dân tự do cộng với ba phần năm số nô lệ.
Một số thành viên như Sherman và Elbridge Gerry vẫn còn khốn khổ vì cuộc nổi loạn của Shays. Họ lo sợ quảng đại quần chúng thiếu sự khôn ngoan cần thiết để tự trị, vì vậy họ không muốn bất cứ nhánh nào trong chính quyền liên bang được nhân dân bầu trực tiếp. Những người khác lại cho rằng chính quyền liên bang cần phải dựa vào quần chúng càng rộng rãi càng tốt. Một số đại biểu mong muốn loại trừ vùng miền Tây đang ngày càng lớn mạnh không được trở thành tiểu bang; những vị khác thì bảo vệ nguyên tắc bình đẳng được xác lập trong Sắc lệnh Tây Bắc năm 1787.
Không có sự khác biệt nghiêm trọng về những vấn đề kinh tế quốc gia như tiền giấy, các đạo luật liên quan tới những nghĩa vụ hợp đồng, hoặc vai trò của phụ nữ vốn bị loại trừ ra ngoài chính trị. Nhưng đã xuất hiện nhu cầu cân bằng những lợi ích kinh tế của các tầng lớp; giải quyết những cuộc tranh luận về quyền hạn, nhiệm kỳ và lựa chọn người đứng đầu cơ quan hành pháp; và giải quyết những vấn đề liên quan tới nhiệm kỳ của thẩm phán và các loại hình tòa án cần được thành lập.
Làm việc suốt trong mùa hè nóng bức ở Philadelphia, cuối cùng Hội nghị đã đạt được dự thảo trình bày ngắn gọn việc tổ chức một chính phủ tinh vi nhất từ trước tới nay - một chính phủ có quyền tuyệt đối trong phạm vi đã được xác định và hạn chế rõ ràng. Chính phủ liên bang có toàn quyền đánh thuế, vay tiền, lập các sắc thuế thống nhất và thuế gián thu, đúc tiền, xác định các đơn vị trọng lượng và đo lường, cấp bằng sáng chế phát minh và chứng nhận bản quyền, thiết lập các bưu điện và xây dựng các đường bưu điện. Chính phủ liên bang cũng có quyền tuyển mộ và duy trì quân đội và hải quân, quản lý các công việc liên quan tới người da đỏ, thực hiện chính sách đối ngoại và tiến hành chiến tranh. Chính phủ liên bang sẽ thông qua các đạo luật nhập tịch cho người nước ngoài và quản lý đất công, và cho phép các tiểu bang mới gia nhập trên cơ sở bình đẳng tuyệt đối với các tiểu bang cũ. Quyền thông qua toàn bộ đạo luật thích hợp và cần thiết để thực thi những quyền lực đã được xác định rõ ràng được trao cho Chính phủ Liên bang để có thể đáp ứng những nhu cầu và đòi hỏi của các thế hệ mai sau và của một chính thể đã được mở rộng đáng kể.
Nguyên tắc tam quyền phân lập đã được thí điểm ở hầu hết hiến pháp của các tiểu bang và đã chứng tỏ có hiệu quả. Vì lẽ đó, Hội nghị đã lập ra hệ thống chính quyền với ba nhánh riêng biệt - lập pháp, hành pháp và tư pháp - mỗi nhánh đều được hai nhánh còn lại kiểm soát. Chính vì vậy các dự luật của Quốc hội sẽ không trở thành luật cho đến khi được tổng thống phê chuẩn. Tổng thống cũng phải trình tất cả những đề cử vào vị trí quan trọng và tất cả những hiệp ước do ông ký kết để Thượng viện thông qua. Đến lượt mình, tổng thống có thể bị buộc tội hay bãi chức theo quyết định của Quốc hội. Cơ quan tư pháp phải xét xử tất cả mọi trường hợp nảy sinh theo quy định của luật pháp và Hiến pháp liên bang. Trên thực tế các tòa án được trao quyền diễn giải cả luật cơ sở và luật thành văn. Nhưng các thành viên của cơ quan tư pháp do tổng thống đề cử và được Thượng viện công nhận cũng có thể bị Quốc hội phế truất.
Để bảo vệ cho hiến pháp tránh bị thay đổi vội vã, điều V đã quy định những Điều bổ sung sửa đổi Hiến pháp phải được đề nghị hoặc bởi hai phần ba ở cả hai viện của Quốc hội, hoặc bởi hai phần ba số bang tham dự hội nghị. Các đề xuất phải được phê chuẩn bởi một trong hai phương pháp: hoặc do các cơ quan lập pháp của ba phần tư các bang hoặc do hội nghị ở ba phần tư các bang và Quốc hội đề nghị cách thức được áp dụng.
Cuối cùng hội nghị đã phải đứng trước một vấn đề quan trọng nhất: các quyền lực được trao cho chính phủ mới phải được thi hành như thế nào? Theo các điều khoản liên bang trước đây, trên lý thuyết, chính quyền liên bang đã nắm những quyền lực quan trọng, song trên thực tế những quyền lực này đã vô giá trị vì các bang không hề quan tâm đến những quyền lực ấy. Vậy phải làm gì để cứu vãn chính phủ mới tránh khỏi số phận như thế?
Ngay từ lúc đầu, hầu hết các đại biểu đã nhất trí với câu trả lời duy nhất - sử dụng vũ lực. Nhưng họ đã mau chóng nhận thấy rằng việc sử dụng vũ lực đối với các bang sẽ phá hoại liên minh. Người ta đã quyết định chính phủ không chỉ đạo các bang mà chỉ định hướng cho dân chúng ở các bang, và nên ban hành luật để quản lý toàn bộ các công dân của đất nước. Hội nghị đã thông qua hai lời tuyên bố ngắn gọn nhưng rất quan trọng và là vấn đề chủ đạo của Hiến pháp:
Quốc hội có quyền... ban hành tất cả các đạo luật cần thiết và thích hợp để thực thi... Quyền lực quy định trong Hiến pháp này được trao cho Chính phủ của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ (Điều I, Khoản 7).
Hiến pháp này, các đạo luật của Hoa Kỳ được ban hành theo Hiến pháp này, mọi Điều ước đã hoặc sẽ được ký kết dưới thẩm quyền của Hoa Kỳ sẽ là luật tối cao của quốc gia. Quan tòa ở các bang đều phải tuân theo những luật này; bất cứ một điều gì trong Hiến pháp hoặc luật của các bang mà trái ngược với Hiến pháp Liên bang đều không có giá trị. (Điều VI)
Do đó các bộ luật của Hợp chúng quốc có khả năng thực thi tại các tòa án quốc gia thông qua các thẩm phán và cảnh sát trưởng, cũng như trong các tòa án bang thông qua các thẩm phán bang và các quan chức thực thi luật pháp bang.
Cuộc tranh luận còn tiếp tục cho tới tận ngày nay về những động cơ thôi thúc những người viết Hiến pháp. Năm 1913, nhà sử học Charles Beard, trong cuốn Giải thích Hiến pháp từ góc độ kinh tế, đã lập luận rằng những người cha lập quốc đại diện cho lợi ích của tầng lớp tư bản thương mại đang ngày càng lớn mạnh và đòi hỏi cần phải có một chính phủ trung ương hùng mạnh. Ông cho rằng rất nhiều người trong số họ có thể đã được thôi thúc bởi họ nắm giữ quá nhiều trái phiếu đã bị mất giá của chính phủ. Tuy nhiên, chính James Madison, người soạn thảo chính của hiến pháp lại không có trái phiếu và chỉ là một chủ đồn điền ở bang Virginia. Trái lại, những người phản đối Hiến pháp lại sở hữu một lượng lớn chứng khoán và trái phiếu. Như vậy, không chỉ có lợi ích kinh tế đã ảnh hưởng đến diễn tiến của cuộc tranh luận mà cả những lợi ích của các tiểu bang, tầng lớp dân cư và ý thức hệ cũng đã chi phối. Nhân tố không kém phần quan trọng chính là chủ nghĩa lý tưởng hằn sâu trong những người thảo hiến pháp. Là sản phẩm của phong trào Khai sáng, những người cha lập quốc đã xây dựng một chính quyền mà họ tin rằng sẽ thúc đẩy tự do cá nhân và bản tính thiện của con người. Những lý tưởng thể hiện trong bản Hiến pháp Mỹ là một thành tố quan trọng tạo nên bản sắc dân tộc Mỹ.
PHÊ CHUẨN VÀ TUYÊN NGÔN NHÂN QUYỀN
Ngày 17/9/1787, sau 16 tuần cân nhắc cẩn thận, bản hiến pháp hoàn thiện đã được 39 trong số 42 đại biểu có mặt ký kết. Franklin chỉ vào hình nửa mặt trời vẽ bằng mầu vàng chói ở sau chiếc ghế tựa của Washington và nói:
Suốt những ngày diễn ra Hội nghị, tôi đã thường xuyên... nhìn vào chiếc ghế (kia) phía sau lưng tổng thống mà không thể phân định được đó là mặt trời đang mọc hay đang lặn; nhưng giờ đây cuối cùng thì tôi thực sự hạnh phúc biết rằng đó là vầng mặt trời lúc bình minh chứ không phải lúc hoàng hôn.
Hội nghị đã kết thúc, các thành viên tản ra quán rượu thành phố, cùng ăn và chia tay nhau thật chân thành, ấm áp. Tuy nhiên, một nội dung quan trọng trong đấu tranh xây dựng một liên minh hoàn hảo hơn vẫn đặt ra phía trước. Vẫn cần phải có sự chấp thuận của các hội đồng lập pháp dân bầu ở các tiểu bang trước khi văn kiện hiến pháp có thể có hiệu lực.
Hội nghị đã quyết định rằng hiến pháp sẽ có hiệu lực ngay sau khi hội đồng lập pháp của 9 trong tổng số 13 bang phê chuẩn. Đến tháng 6/1788, đã có chín bang theo yêu cầu phê chuẩn hiến pháp, nhưng các bang lớn như Virginia và New York thì chưa. Hầu hết mọi người đều thấy nếu không có sự ủng hộ của họ thì hiến pháp sẽ không bao giờ được tôn kính. Đối với nhiều người, bản hiến pháp dường như còn ẩn chứa vô số những mối nguy: liệu chính phủ trung ương hùng mạnh đã tạo nên hiến pháp đó có áp bức và hành hạ họ bằng các khoản thuế khóa nặng nề và lôi họ vào cuộc chiến tranh hay không?
Những quan điểm khác biệt về các vấn đề này đã dẫn tới sự tồn tại của hai phe nhóm - những người ủng hộ chế độ liên bang và một chính quyền trung ương mạnh mẽ, và những người phản đối chế độ liên bang muốn có một liên minh lỏng lẻo của từng bang riêng rẽ. Những lập luận của cả hai phe được chuyển tải qua báo chí, các cơ quan lập pháp và các hội nghị bang.
Ở Virginia, những người chống chủ nghĩa liên bang đã tấn công chính phủ mới được đề xuất bằng cách phản bác đoạn mở đầu của Hiến pháp: “Chúng tôi, những người dân của Hợp chúng quốc. Bằng việc không sử dụng các tên riêng của các bang trong Hiến pháp, các đại biểu lập luận các bang sẽ không duy trì được quyền hay quyền lực riêng rẽ của mình. Phái chống chủ nghĩa liên bang ở Virginia thì do Patrick Henry lãnh đạo. Ông đã trở thành người phát ngôn chính cho những người nông dân ở vùng sâu, vùng xa vốn rất lo sợ trước những quyền lực của Chính phủ Liên bang mới. Các đại biểu còn do dự đã bị thuyết phục bởi đề nghị của hội nghị bang Virginia đưa ra Tuyên ngôn Nhân quyền, còn phái chống chủ nghĩa liên bang đã liên minh với những người ủng hộ chủ nghĩa liên bang để phê chuẩn Hiến pháp ngày 25/6.
Tại New York, Alexander Hamilton, John Jay và James Madison đã kêu gọi phê chuẩn Hiến pháp qua một loạt các bài luận nổi tiếng mang tựa đề Bút ký của những người ủng hộ liên bang. Những bài luận đăng tải trong các tờ báo ở New York đã trở thành lập luận cổ điển ủng hộ chính quyền liên bang trung ương theo mô hình tam quyền phân lập - hành pháp, lập pháp và tư pháp kiểm soát và cân bằng lẫn nhau. Do những bài Bút ký có ảnh hưởng lớn tới đại biểu New York nên Hiến pháp đã được phê chuẩn ngày 26/7.
Mối ác cảm với một chính quyền trung ương mạnh chỉ là một mối lo lắng duy nhất trong số những mối lo của những người phản đối Hiến pháp; một mối lo ngại tương đương đối với nhiều người là nỗi lo sợ rằng Hiến pháp không bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cá nhân một cách có hiệu quả. George Mason, người Virginia, tác giả bản Tuyên ngôn Nhân quyền của bang Virginia năm 1776, là một trong ba đại biểu tham dự Hội nghị Lập hiến đã từ chối ký văn kiện cuối cùng vì nó không liệt kê ra những quyền cá nhân. Cùng với Patrick Henry, ông đã ra sức chống lại bang Virginia phê chuẩn Hiến pháp. Đương nhiên, năm bang bao gồm cả Massachusetts đã phê chuẩn Hiến pháp với điều kiện rằng những Điều bổ sung sửa đổi hiến pháp cần phải được bổ sung lập tức.
Khi phiên họp Quốc hội đầu tiên diễn ra ở thành phố New York tháng 9/1789, những lời kêu gọi có các Điều bổ sung sửa đổi để bảo vệ các quyền cá nhân đã thực sự giành được sự nhất trí rất cao. Quốc hội đã nhanh chóng thông qua 12 Điều bổ sung sửa đổi như vậy; đến tháng 12/1791, đã có đủ số bang đã phê chuẩn 10 Điều bổ sung sửa đổi để đưa chúng vào thành một phần của Hiến pháp và gọi chung là Tuyên ngôn Nhân quyền. Trong số các quy định của các Điều bổ sung sửa đổi có: quyền tự do ngôn luận, báo chí, tôn giáo và quyền hội họp một cách hòa bình, quyền phản đối và yêu cầu các thay đổi (Điều bổ sung sửa đổi thứ nhất); Bảo vệ chống lại những cuộc khám xét, tịch thu không hợp lệ tài sản và bắt giam (Điều bổ sung sửa đổi thứ tư); thủ tục tố tụng công bằng ở tất cả các vụ án hình sự (Điều bổ sung sửa đổi thứ năm); Quyền được xử án công bằng và nhanh chóng (Điều bổ sung sửa đổi thứ sáu); Bảo vệ chống lại hình phạt dã man và bất thường (Điều bổ sung sửa đổi thứ tám); và điều khoản cho rằng mọi người được sử dụng những quyền bổ sung mà không được ghi trong Hiến pháp (Điều bổ sung sửa đổi thứ chín).
Từ khi thông qua Tuyên ngôn Nhân quyền chỉ có 16 Điều bổ sung sửa đổi được bổ sung vào Hiến pháp. Tuy một số Điều bổ sung sửa đổi tiếp theo đã điều chỉnh cấu trúc và hoạt động của Chính phủ Liên bang, nhưng phần lớn các điều khoản này vẫn tuân theo những tiền lệ do Tuyên ngôn Nhân quyền đã xác lập và mở rộng các quyền cá nhân và các quyền tự do.
TỔNG THỐNG WASHINGTON
Một trong những công việc cuối cùng của Quốc hội liên bang là tổ chức cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên tiến hành, lấy ngày 4/3/1789 là ngày khai sinh chính phủ mới. Một cái tên được tất thảy mọi người nhắc tới cương vị người lãnh đạo quốc gia là George Washington và ông đã được tín nhiệm bầu làm tổng thống và tuyên thệ nhậm chức ngày 30/4/1789. Bằng những lời tuyên thệ mà sau này bất kỳ tổng thống nào cũng sử dụng, Washington đã cam kết thực thi những bổn phận của chức vụ tổng thống một cách trung thành, và cố gắng hết sức mình nhằm bảo toàn, bảo vệ và che chở Hiến pháp của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.
Khi Washington nhậm chức tổng thống thì Hiến pháp mới chưa hề quan tâm tới tập quán lẫn ủng hộ hoàn toàn quan điểm của dư luận có định hướng. Chính phủ mới đã phải xây dựng bộ máy riêng và điều tiết một hệ thống thuế để đảm bảo sự hoạt động của chính mình. Các bộ luật vẫn chưa được thực thi chừng nào cơ quan tư pháp vẫn chưa được thành lập. Quân đội thì nhỏ bé. Lực lượng hải quân tạm thời không còn tồn tại nữa.
Quốc hội mau chóng thành lập Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính với Thomas Jefferson và Alexander Hamilton giữ chức bộ trưởng tương ứng. Bộ Chiến tranh và Bộ Tư pháp cũng đã được thành lập. Do Washington chỉ muốn đưa ra các quyết định sau khi tham vấn ý kiến những người có trí tuệ được ông đánh giá cao, nên Nội các của Tổng thống Mỹ đã được thành lập, bao gồm Bộ trưởng của tất cả các bộ mà Quốc hội có thể lập ra.
Trong khi đó, đất nước vẫn liên tục phát triển và làn sóng nhập cư từ châu Âu đang gia tăng. Người Mỹ đang chuyển sang miền Tây: Người các bang New England và Pennsylvania đang chuyển tới bang Ohio; người các bang Virginia và Carolina chuyển sang các bang Kentucky và Tennessee. Chỉ cần có số tiền nhỏ cũng đủ để mua những trang trại mầu mỡ, và do vậy, nhu cầu lao động không ngừng tăng. Miền thung lũng màu mỡ trải dài phía trên các bang New York, Pennsylvania và Virginia chẳng bao lâu sau đã trở thành khu vực trồng lúa mì.
Tuy nhiều mặt hàng vẫn còn được sản xuất thủ công tại gia, nhưng cuộc cách mạng công nghiệp vẫn còn đang ở buổi bình minh ở Mỹ. Bang Massachusetts và Rhode Island đang đặt nền móng cho các ngành công nghiệp dệt quan trọng; bang Connecticut bắt đầu sản xuất hàng thiếc và đồng hồ; các bang New York, New Jersey và Pennsylvania chế tạo giấy, thủy tinh và sắt. Vận tải biển ở Mỹ đã phát triển tới quy mô lớn mức chỉ đứng thứ hai sau nước Anh. Thậm chí cho tới năm 1790, các tàu Mỹ đã tới Trung Quốc để bán lông thú và mang về chè, hương liệu và tơ lụa.
Vào thời khắc quyết định trong sự nghiệp phát triển đất nước, sự lãnh đạo tài tình của Washington đóng vai trò vô cùng quan trọng. Ông đã tổ chức chính quyền liên bang, ban hành các chính sách định cư ở các vùng lãnh thổ trước kia nằm trong tay nước Anh và Tây Ban Nha, bình định biên giới tây bắc và giám sát việc kết nạp ba tiểu bang mới: bang Vermont (1791), bang Kentucky (1792) và bang Tennessee (1796). Cuối cùng trong Diễn văn Từ biệt của mình, Washington đã cảnh báo cả nước Mỹ nên tránh xa những liên minh lâu dài cố định với bất cứ thế lực nào ở thế giới bên ngoài. Lời khuyên này đã ảnh hưởng tới thái độ của người Mỹ đối với thế giới trong nhiều thế hệ tương lai.
CUỘC TRANH LUẬN GIỮA HAMILTON VÀ JEFFERSON
Đã có mâu thuẫn nảy sinh trong thập niên 1790 giữa các đảng phái chính trị đầu tiên ở Mỹ. Trên thực tế, phái ủng hộ chủ nghĩa liên bang do Alexander Hamilton lãnh đạo, và phe chống chủ nghĩa liên bang do Thomas Jefferson đứng đầu, là những chính đảng đầu tiên ở thế giới phương Tây. Khác với các nhóm chính trị lỏng lẻo trong Hạ viện Anh, hay ở các thuộc địa Mỹ trước thời kỳ cách mạng, cả hai chính đảng này đều có cương lĩnh và nguyên tắc tương đối nhất quán, lực lượng ủng hộ tương đối ổn định và bộ máy tổ chức mang tính liên tục.
Phái ủng hộ chủ nghĩa liên bang nhìn chung đại diện cho nhóm lợi ích thương mại và công nghiệp bởi lẽ họ cho rằng đây chính là những động lực thúc đẩy tiến bộ trên thế giới. Họ tin rằng thương mại và sản xuất chỉ có thể được thúc đẩy qua bàn tay của một chính quyền trung ương hùng mạnh, có đủ sức huy động vốn tín dụng và phát hành đồng tiền ổn định. Mặc dù công khai nghi ngờ chủ nghĩa cấp tiến đang âm ỉ trong quần chúng nhân dân, song họ lại thu hút được công nhân và thợ thủ công. Lực lượng chính trị hùng mạnh của họ nằm ở các tiểu bang vùng New England. Thấy nước Anh, xét trên nhiều góc độ, là một mô hình mà nước Mỹ nên chạy đua nên họ ủng hộ duy trì quan hệ hữu hảo với mẫu quốc trước đây.
Mặc dù Alexander Hamilton chưa bao giờ có thể có đủ sức tranh thủ sự ủng hộ của dân chúng đối với việc lựa chọn các chức vụ qua bầu cử, song ông lại là bộ não của phái ủng hộ chủ nghĩa liên bang về hệ tư tưởng và chính sách công. Ông cống hiến cho xã hội niềm đam mê hiệu quả, trật tự và tổ chức. Đáp lại lời kêu gọi của Hạ viện về kế hoạch huy động tín dụng công, ông đã đưa ra và ủng hộ các nguyên tắc không chỉ áp dụng với nền kinh tế quốc dân mà còn với một chính phủ hiệu quả. Hamilton đã chỉ rõ nước Mỹ phải có tín dụng hỗ trợ phát triển công nghiệp, thương mại và hoạt động của chính quyền. Những bổn phận của chính phủ đòi hỏi phải có niềm tin và sự ủng hộ của dân chúng.
Đã có nhiều người mong muốn chối bỏ các khoản nợ công hay chỉ trả một phần của khoản nợ ấy. Tuy nhiên, Hamilton đã cương quyết đòi thanh toán hoàn toàn và cũng yêu cầu có kế hoạch tiếp quản các khoản nợ phát sinh từ thời cách mạng nhưng các bang vẫn chưa trả được. Hamilton cũng bảo trợ một đạo luật của Quốc hội nhằm xây dựng Ngân hàng Trung ương Hợp chúng quốc theo mô hình Ngân hàng Trung ương Anh. Ngân hàng này vừa là thiết chế tài chính trung ương của quốc gia vừa có các chi nhánh hoạt động ở nhiều nơi khác khắp cả nước. Ông đã bảo trợ cho xưởng đúc tiền quốc gia, ủng hộ thuế quan, và nhấn mạnh việc bảo hộ tạm thời cho các công ty mới là cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp quốc gia có sức cạnh tranh. Những biện pháp này - đặt nền tảng vững chắc cho các khoản tín dụng của chính phủ trung ương và cung cấp cho chính phủ tất cả nguồn lực cần thiết - đã khuyến khích thương mại và công nghiệp phát triển, đồng thời tạo ra mạng lưới những lợi ích tạo chỗ dựa vững chắc cho chính quyền liên bang.
Đảng Cộng hòa dưới sự lãnh đạo của Thomas Jefferson chủ yếu đứng về phía lợi ích và giá trị nông nghiệp. Họ nghi ngờ các nhà băng và hầu như không quan tâm tới thương mại và sản xuất. Họ tin rằng tự do và dân chủ sẽ đơm hoa kết trái tốt nhất trong một xã hội thuần nông, gồm những nông dân tự cung tự cấp. Họ cảm thấy không cần một chính phủ trung ương hùng mạnh. Thực ra, họ coi một chính phủ như vậy chỉ là nguy cơ gây đàn áp trong tương lai. Tóm lại, họ cổ xúy cho quyền của các tiểu bang. Họ có lực lượng hùng mạnh nhất ở miền Nam.
Mục tiêu cao cả của Hamilton là một bộ máy chính quyền hiệu quả hơn, trong khi đó Jefferson lại nói "Tôi không phải là người ủng hộ một chính phủ quá nhiệt huyết". Hamilton lo sợ tình trạng vô chính phủ và luôn suy nghĩ đảm bảo an ninh, trật tự; trong khi đó Jefferson lại lo sợ tình trạng chuyên chế và luôn suy nghĩ đảm bảo quyền tự do. Nếu Hamilton coi nước Anh là một hình mẫu thì Jefferson - công sứ tại Pháp trong giai đoạn đầu của cuộc Cách mạng Pháp - lại coi việc lật đổ chế độ quân chủ ở Pháp là một hiện thân của những lý tưởng tự do của thời kỳ Khai sáng. Trái với bản năng bảo thủ của Hamilton, Jefferson lại thiên về chủ nghĩa cấp tiến dân chủ.
Một mâu thuẫn nảy sinh rất sớm giữa hai người ngay sau khi Jefferson nhậm chức ngoại trưởng đã dẫn tới một cách lý giải mới và rất quan trọng của Hiến pháp. Khi Hamilton trình dự luật thành lập ngân hàng quốc gia của mình thì Jefferson - đại diện cho những người cổ xúy quyền lực của các tiểu bang - đã lập luận rằng Hiến pháp đã liệt kê một cách rõ ràng toàn bộ những quyền lực thuộc về Chính phủ Liên bang và dành tất cả những quyền lực khác cho tất cả các tiểu bang. Không có quy định nào trong Hiến pháp cho phép chính phủ được thiết lập ngân hàng.
Hamilton đã phản bác lại rằng, vì đây có muôn vàn chi tiết cần thiết nên một bộ luật quy định về quyền phải được diễn giải từ những quy định chung, và một trong những quyền đó là cho phép Quốc hội ban hành tất cả các đạo luật cần thiết và phù hợp để thực thi những quyền lực khác đã được trao cụ thể. Hiến pháp đã trao quyền cho chính quyền liên bang đặt ra và thu các loại thuế, trả nợ và vay tiền. Ngân hàng quốc gia sẽ giúp đỡ về mặt vật chất trong việc thực hiện những chức năng này có hiệu quả. Vì vậy, theo những quyền lực được suy rộng ra, Quốc hội có quyền thành lập một ngân hàng như vậy. Washington và Quốc hội đã chấp nhận quan điểm của Hamilton - và như vậy đã tạo một tiền lệ mở rộng việc diễn giải quyền lực của Chính phủ Liên bang.
CÔNG DÂN GENET VÀ CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI
Tuy một trong những nhiệm vụ đầu tiên của chính phủ mới là củng cố nền kinh tế trong nước và làm cho quốc gia được an toàn về tài chính, song Hoa Kỳ không thể coi thường những vấn đề đối ngoại. Những nền tảng của chính sách đối ngoại của Washington là duy trì hòa bình, giúp đất nước có thời gian phục hồi những vết thương và tiếp tục quá trình hợp nhất dân tộc. Những sự kiện ở châu Âu đã đe dọa các mục tiêu này. Nhiều người Mỹ theo dõi một cách say sưa và dành thiện cảm sâu sắc cho cuộc cách mạng Pháp. Tháng 4/1793, những tin tức dồn dập đổ về, thông báo Pháp đã tuyên chiến với Anh và Tây Ban Nha, đồng thời đặc phái viên mới của Pháp, Edmond Charles Genet - công dân Genet - đang trên đường sang Mỹ.
Sau cuộc cách mạng Pháp dẫn tới việc Vua Louis XVI bị xử tử tháng 1/1793, Anh, Tây Ban Nha và Hà Lan đã can dự vào cuộc chiến với nước Pháp. Theo Hiệp định Liên minh Pháp - Mỹ năm 1778, Hoa Kỳ và Pháp là những đồng minh vĩnh viễn và nước Mỹ có nghĩa vụ giúp nước Pháp bảo vệ khu vực Tây ấn. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn còn là một nước rất yếu về quân sự và kinh tế, và do vậy không có khả năng can dự vào một cuộc chiến tranh mới với các cường quốc châu Âu.
Ngày 22/4/1793, Washington đã bãi bỏ thành công các điều khoản của Hiệp ước 1778 - điều ước đã giúp Mỹ có thể giành độc lập thông qua việc tuyên bố Hợp chúng quốc mong muốn hữu nghị và vô tư, không thiên vị với tất các cường quốc đang tham chiến. Khi tới nước Mỹ, Genet được nhiều công dân hoan hô, nhưng được tiếp đón bằng nghi thức lạnh nhạt của Chính phủ. Genet nổi giận và vi phạm lời hứa, không cung cấp một chiếc tàu chiến Anh bị bắt giữ với tư cách là tàu lùng (tàu của tư nhân được chính phủ giao nhiệm vụ chuyên đi bắt tàu buôn địch). Sau đó Genet đe dọa trực tiếp nêu vấn đề cho nhân dân Mỹ thấy. Ngay sau đó Hoa Kỳ đã yêu cầu Chính phủ Pháp triệu hồi ông về nước.
Sự kiện Genet đã làm căng thẳng những mối quan hệ giữa Mỹ với Pháp giữa lúc quan hệ với nước Anh còn lâu mới được coi là khăng khít. Quân đội Anh còn chiếm đóng các pháo đài ở miền Tây, tài sản bị binh lính Anh chiếm đoạt trong thời cách mạng vẫn chưa được khôi phục hay trả lại, và hải quân Anh đang chặn các tàu Mỹ chuẩn bị tới các cảng Pháp. Hai nước dường như vẫn tiến đến bên bờ của một cuộc chiến. Trước tình hình đó, Washington đã cử John Jay, Chánh án Tòa án Tối cao đầu tiên, làm đặc phái viên tới Luân Đôn. Jay đã đàm phán một hiệp ước bảo đảm việc rút quân Anh ra khỏi các pháo đài miền Tây và về lời hứa của Luân Đôn sẽ đền bù thiệt hại do việc nước Anh chiếm giữ các tàu và hàng hóa Mỹ vào năm 1793 và 1794, nhưng lại không nêu cam kết sẽ không có các vụ bắt giữ trong tương lai. Hơn nữa, hiệp định đã không giải quyết vấn đề hết sức nhức nhối là người Anh vẫn cưỡng bức tòng quân các thủy thủ Mỹ tham gia lực lượng Hải quân Anh, cản trở ghê gớm việc buôn bán của Mỹ với Tây ấn, đồng thời chấp nhận quan điểm của Anh cho rằng đồ quân trang quân dụng của hải quân và các vật liệu chiến tranh đều là hàng lậu, và sẽ bị bắt giữ nếu chở tới cảng biển của quốc gia thù địch trên tàu của các quốc gia trung lập.
Nhà ngoại giao người Mỹ Charles Pinckney thì thành công hơn trong thương thuyết với Tây Ban Nha. Năm 1795, ông đã đàm phán một hiệp định quan trọng giải quyết vấn đề biên giới Florida theo yêu cầu của Mỹ và cho phép người Mỹ tiếp cận cảng New Orleans. Cũng tương tự như vậy, Hiệp định Jay với người Anh đã phản ánh vị thế tiếp tục suy yếu của Mỹ so với một siêu cường trên thế giới. Hiệp định này không được công chúng ủng hộ rộng rãi, nhưng lại được những người ủng hộ chủ nghĩa liên bang công khai ủng hộ bởi lẽ họ đề cao mối quan hệ kinh tế và văn hóa với nước Anh. Washington ủng hộ hiệp định này vì nó là món quà mặc cả tốt nhất có thể có trong bối cảnh lúc bấy giờ. Sau một cuộc tranh luận nảy lửa, Thượng viện đã thông qua hiệp định này.
Vụ trò hề công dân Genet và Hiệp ước Jay đã chứng minh cả những khó khăn mà một nước nhược tiểu phải đương đầu khi bị kẹt giữa hai cường quốc, và khoảng cách rất xa trong quan điểm giữa phe ủng hộ chủ nghĩa liên bang và những người theo chủ nghĩa cộng hòa. Đối với những người ủng hộ chủ nghĩa liên bang, những kẻ theo chủ nghĩa cộng hòa ủng hộ cuộc Cách mạng cấp tiến và đầy bạo lực ở Pháp là những tên cấp tiến đầy nguy hiểm (Gia-cô-banh). Đối với những người cộng hòa, những người ủng hộ chính sách thân Anh là những kẻ bảo hoàng, dám vứt bỏ quyền tự nhiên của người Mỹ. Những người ủng hộ chủ nghĩa liên bang gắn hiệu quả và phát triển quốc gia với thương mại; còn những người chủ trương cộng hòa lại coi tương lai của nước Mỹ là tương lai của một nền cộng hòa thuần nông rộng lớn. Cuộc cạnh tranh trong quan điểm mâu thuẫn nhau của họ ngày càng trở nên trầm trọng.
ADAMS VÀ JEFFERSON
Washington nghỉ hưu năm 1797, kiên quyết rời nhiệm sở sau hơn tám năm làm Tổng thống. Thomas Jefferson, người bang Virginia (chủ trương cộng hòa), và John Adams (ủng hộ liên bang) cạnh tranh nhau để kế nhiệm ông. Adams đã chiến thắng trong một cuộc bầu cử với số phiếu sít sao. Tuy nhiên, ngay từ đầu, ông là đã người đứng đầu một đảng và một chính quyền bị chia rẽ giữa những người ủng hộ ông và những người thuộc phe của Hamilton đối nghịch với ông.
Adams gặp muôn vàn khó khăn ở bên ngoài. Giận dữ trước việc hiệp ước của Jay được ký với Anh, Pháp quay sang áp dụng định nghĩa đồ buôn lậu của hiệp định trên và bắt đầu bắt giữ tàu của Mỹ khi trên đường sang Anh. Đến năm 1797, Pháp đã chiếm giữ 300 tàu của Mỹ và đã cắt đứt các quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ. Khi Adams gửi ba người đại diện tới Paris để đàm phán, các đại diện của ngoại trưởng Charles Maurice Talleyraud (những người được Adams đặt biệt hiệu X, Y và Z trong báo cáo của mình gửi Quốc hội) đã thông báo cho người Mỹ rằng những cuộc đàm phán chỉ có thể bắt đầu nếu Hoa Kỳ cho Pháp vay 12 triệu đô-la và hối lộ các quan chức Chính phủ Pháp. Sự thù địch của nước Mỹ đối với nước Pháp đã dâng lên tới tột điểm. Vụ áp-phe XYZ đã dẫn tới việc tuyển binh lính và củng cố lực lượng hải quân còn non trẻ của nước Mỹ.
Vào năm 1799, sau một loạt trận hải chiến với Pháp, chiến tranh dường như không thể tránh khỏi. Trong cuộc khủng hoảng này, Tổng thống Adams đã bác bỏ những lời khuyên từ Hamilton - người muốn tiến hành chiến tranh - và nối lại đàm phán với Pháp. Napoleon lúc ấy vừa mới lên nắm quyền, ông đã tiếp các phái viên của Mỹ rất chân tình và hiểm họa của cuộc xung đột đã lắng xuống sau khi có cuộc đàm phán về Hiệp định năm 1800. Hiệp định này đã chính thức giải phóng nước Mỹ khỏi liên minh quân sự đã được ký kết với Pháp 1778. Tuy nhiên, do biết được thế yếu của Mỹ nên Pháp từ chối việc trả 20 triệu đô-la đền bù cho những chiếc tàu Mỹ bị hải quân Pháp chiếm giữ.
Sự thù địch với nước Pháp đã khiến Quốc hội thông qua các Đạo luật về Ngoại kiều và nổi loạn. Những đạo luật này này ngược lại nghiêm trọng những quyền tự do dân sự của Mỹ. Đạo luật Nhập quốc tịch thay đổi yêu cầu nhập quốc tịch từ năm năm lên tới 14 năm là nhằm vào người nhập cư Ai-len và Pháp vốn bị nghi ngờ ủng hộ những người chủ trương cộng hòa. Đạo luật Ngoại kiều chỉ có hiệu lực trong hai năm đã trao cho tổng thống quyền trục xuất hay tống giam những công dân nước ngoài trong thời chiến. Đạo luật Nổi loạn cấm việc viết, nói hay xuất bản bất cứ nội dung giả dối, xúc phạm và ác ý chống lại tổng thống hay Quốc hội. Một vài vụ kết án thành công theo Đạo luật Nổi loạn chỉ đẻ ra những kẻ tử vì đạo chiến đấu vì sự nghiệp tự do dân sự và càng gia tăng sự ủng hộ cho phe Cộng hòa.
Các đạo luật đã vấp phải sự chống đối. Jefferson và Madison đã bảo trợ cho việc thông qua các nghị quyết của hai bang Kentucky và Virginia do các cơ quan lập pháp của họ trình vào tháng 11 và 12/1798. Khẳng khái tuyên bố các quyền của tiểu bang, các nghị quyết nhấn mạnh các tiểu bang có thể nêu những quan điểm của họ về những hành động của liên bang cách và vô hiệu hoá các hành động ấy. Học thuyết về vô hiệu hóa sau này được các bang miền Nam sử dụng chống lại thuế quan bảo hộ và chế độ nô lệ.
Đến năm 1800, nhân dân Mỹ đã sẵn sàng thay đổi. Dưới sự lãnh đạo của Washington và Adams, phái ủng hộ chủ nghĩa liên bang đã thiết lập được một chính quyền mạnh, nhưng đôi khi đã không tôn trọng nguyên tắc Chính phủ Liên bang phải lắng nghe nguyện vọng của dân vì chính phủ đã theo đuổi các chính sách xa lạ với đông đảo nhân dân. Chẳng hạn, năm 1798, họ đã ban hành sắc thuế về nhà cửa, đất đai và nô lệ, làm ảnh hưởng tới tất cả chủ sở hữu ở Mỹ.
Jefferson dần dần đã tập hợp một lực lượng quần chúng gồm đông đảo các chủ trại nhỏ, những chủ cửa hàng và những người làm công ăn lương khác ủng hộ ông. Ông đã đắc cử với kết quả sít sao. Jefferson rất được lòng dân bởi ông kêu gọi thực hiện chủ nghĩa lý tưởng Mỹ. Trong bài diễn văn nhậm chức - diễn văn nhậm chức đầu tiên tại thủ đô mới là Washington, D.C. - ông cam kết xây dựng một chính quyền khôn ngoan và tiết kiệm, đảm bảo trật tự cho dân chúng nhưng sẽ cũng để cho công chúng tự do theo đuổi nghề nghiệp và tiến bộ.
Chỉ có sự hiện diện của Jefferson ở Nhà Trắng mới có thể khuyến khích những tiến trình dân chủ. Ông giảng giải và thực hiện những triết lý đơn giản về dân chủ, tránh xa hoa và phô trương thường gắn liền với chức vụ tổng thống. Theo tư tưởng cộng hòa, ông đã cắt giảm chi tiêu quân sự. Do tin rằng nước Mỹ là thiên đường của những người bị áp bức, ông đã thông qua luật nhập quốc tịch tự do. Đến cuối nhiệm kỳ hai của ông, vị Bộ trưởng Tài chính nhìn xa trông rộng của ông, Albert Gallatin, đã giảm nợ công xuống còn dưới 560 triệu đô-la. Vì được lòng dân nên Jefferson đã tái đắc cử tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo một cách dễ dàng.
BANG LOUISIANA VÀ NƯỚC ANH
Một trong số những đạo luật của Jefferson đã nhân đôi diện tích nước Mỹ. Vào thời kỳ cuối của cuộc Chiến tranh Bảy năm, nước Pháp đã nhượng quyền cho Tây Ban Nha sở hữu vùng lãnh thổ phía Tây sông Mississippi. Việc tiếp cận cảng New Orleans gần cửa sông này có ý nghĩa sống còn đối với việc vận chuyển hàng hóa của Mỹ bằng tàu từ vùng thung lũng sông Ohio và Mississippi. Ngay sau khi Jefferson đắc cử tổng thống, Napoleon đã buộc Chính phủ Tây Ban Nha trả lại lãnh thổ rộng lớn ở Lousiana cho Pháp. Động thái này đã khiến người Mỹ e sợ và căm phẫn. Những kế hoạch của Napoleon nhằm xây dựng một đế chế thuộc địa bao la ở phía Tây đã đe dọa sự phát triển trong tương lai của Hợp chúng quốc. Jefferson đã tuyên bố "nếu nước Pháp chiếm lại Louisiana thì kể từ giây phút đó, chúng ta phải tự kết thân với người Anh và hạm đội của họ".
Tuy nhiên, Napoleon không còn quan tâm đến Lousiana sau khi Pháp bị đánh bật khỏi Haiti trong cuộc nổi dậy của nô lệ. Khi biết rằng một cuộc chiến tranh khác với nước Anh đang sắp xảy ra, Napoleon đã quyết định bổ sung ngân sách và đặt Louisiana ngoài tầm với của người Anh bằng cách bán vùng đất này cho Hoa Kỳ. Đề nghị của Napoleon đã đưa Jefferson vào tình thế khó xử: Hiến pháp không nêu cụ thể quyền mua bán lãnh thổ. Một mặt, Jefferson muốn đề xuất một Điều bổ sung sửa đổi Hiến pháp song mặt khác, việc trì hoãn cũng có thể khiến Napoleon thay đổi ý định. Sau khi được tham mưu rằng quyền mua lãnh thổ đã nằm sẵn trong quyền ký kết các điều ước, Jefferson đã dịu đi và nói rằng "lương tri của dân tộc ta sẽ sửa sai hậu quả của một sự giải thích không chặt chẽ một khi sự giải thích ấy sản sinh ra những kết quả không mong muốn".
Hợp chúng quốc đã mua được Louisiana với giá 15 triệu đô-la vào năm 1803. Miền này rộng hơn 2,6 triệu km2 và có cảng New Orleans. Nước Mỹ đã có được một vùng đất bao la có những đồng bằng màu mỡ, những dãy núi, những khu rừng và hệ thống sông ngòi. Chỉ trong vòng 80 năm, khu vực này trở thành trung tâm của nước Mỹ - và là vựa lúa mì của thế giới.
Khi Jefferson bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai của mình vào năm 1805, ông tuyên bố quy chế trung lập của Mỹ trong cuộc chiến giữa Anh và Pháp. Tuy cả hai phe đều cố gắng hạn chế vận chuyển hàng hải trung lập tới phe kia, song sự kiểm soát của Anh trên biển cả đã khiến lệnh cấm và bắt giữ của nước này càng trở nên nghiêm trọng hơn nhiều so với bất cứ hành động nào do Pháp của Napoleon gây ra. Các chỉ huy hải quân Anh thường xuyên khám xét tàu Mỹ, tịch thu tàu và hàng hóa, và cướp đi những thủy thủ mà họ cho là thần dân của nước Anh. Họ cũng thường xuyên cưỡng ép ngư dân Mỹ đi lính cho họ.
Khi Jefferson tuyên bố ra lệnh cho các tàu chiến Anh ra khỏi lãnh hải của Mỹ thì người Anh đã phản ứng lại bằng cách cưỡng bức tòng quân càng nhiều thủy thủ người Mỹ hơn. Jefferson quyết định sử dụng sức ép kinh tế. Tháng 12/1807, Quốc hội thông qua Đạo luật Cấm vận, cấm tất cả hoạt động ngoại thương. Trớ trêu thay, luật lại yêu cầu cần có lực lượng cảnh sát hùng hậu, và chính điều này đã gia tăng rất nhiều quyền hạn của Chính phủ Liên bang. Về mặt kinh tế, biện pháp này quả là lợi bất cập hại. Chỉ riêng trong một năm, xuất khẩu của Mỹ đã giảm một phần năm so với trước. Ngành vận tải biển cũng bị mất đi do biện pháp này. Tình trạng bất mãn tăng mạnh ở New England và New York. Ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Giá cả hàng hóa đã sụt giảm khi các chủ trại miền Nam và miền Tây không thể xuất khẩu được lượng ngũ cốc, bông, thịt và thuốc lá dư thừa của họ.
Lệnh cấm vận đã không khiến nước Anh phải chết đói đến mức phải thay đổi chính sách. Do sự phản đối trong nước ngày càng gia tăng, Jefferson đã quay sang biện pháp mềm mỏng hơn nhằm hài hòa lợi ích của ngành vận tải biển. Đầu năm 1809 ông đã ký Đạo luật Không giao dịch, cho phép buôn bán với tất cả các nước trừ Anh hay Pháp và những nước phụ thuộc họ.
James Madison đã kế nhiệm Jefferson làm tổng thống năm 1809. Quan hệ với nước Anh đã trở nên tồi tệ hơn, và hai nước đã nhanh chóng đi đến bên bờ vực của cuộc chiến. Tổng thống đã trình Quốc hội một bản báo cáo chi tiết, chỉ dẫn hàng nghìn dẫn chứng về việc người Anh cưỡng bức công dân Mỹ tòng quân. Ngoài ra, những người định cư ở Tây Bắc đã bị thổ dân da đỏ tấn công vì bị mật vụ Anh ở Canada kích động. Kết quả là, nhiều người Mỹ đã ủng hộ việc chinh phục Canada và loại bỏ ảnh hưởng của Anh ở Bắc Mỹ, đồng thời trả thù cho món nợ cưỡng bức tòng quân và đàn áp về thương mại. Đến năm 1812, không khí chiến tranh bao trùm khắp nơi, và nước Mỹ đã tuyên chiến với Anh ngày 18/6.
CUỘC CHIẾN TRANH NĂM 1812
Nước Mỹ tham chiến mà nội bộ chia rẽ sâu sắc. Nếu như miền Nam và miền Tây ủng hộ chiến tranh thì các bang New York và New England lại phản đối bởi lẽ chiến tranh cản trở việc làm ăn buôn bán của họ. Lực lượng quân sự của Mỹ rất yếu. Cả binh lực mới có dưới 7.000 quân chính quy, lại đóng rải rác dọc bờ biển gần biên giới với Canada và ở vùng nội địa xa xôi. Lực lượng dân phòng của các tiểu bang chỉ được huấn luyện thô sơ và vô kỷ luật.
Sự thù nghịch giữa hai nước đã bắt đầu từ việc xâm lược Canada. Lẽ ra nếu được dàn xếp kịp thời và hợp lý thì họ đã chung tay chống lại Montreal. Tiếc thay, toàn bộ chiến dịch đã thất bại và kết thúc với việc quân Anh chiếm đóng Detroit. Tuy nhiên, hải quân Mỹ lại đạt nhiều thắng lợi. Ngoài ra, các tàu chiến Mỹ do tư nhân quản lý, di chuyển khắp Đại Tây Dương, đã bắt giữ được 500 tàu Anh trong những tháng mùa thu và mùa đông hai năm 1812 và 1813.
Chiến dịch năm 1813 chủ yếu diễn ra ở Hồ Erie. Tướng William Henry Harrison - sau này là tổng thống - đã lãnh đạo lực lượng gồm dân quân, lính tình nguyện và quân thường trực từ bang Kentucky với mục tiêu chiếm lại Detroit. Ngày 12/9, trong khi vẫn còn ở thượng nguồn sông Ohio thì ông đã nhận được tin tức cho biết Thiếu tướng Hải quân Oliver Hazard Perry đã đánh bại hoàn toàn hạm đội Anh trên Hồ Erie. Harrison đã bao vây Detroit và đẩy lùi quân Anh sang Canada, đập tan đội quân Anh bại trận đang tháo chạy cùng bè lũ thổ dân da đỏ của chúng trên sông Thames. Giờ đây toàn bộ vùng đất này đã nằm trong sự kiểm soát của Mỹ.
Một năm sau, Thiếu tướng Thomas Macdonough đã giành chiến thắng trong cuộc đấu súng tầm ngắn với hạm đội nhỏ của Anh trên Hồ Champlain ở vùng New York thượng. Mất sự yểm trợ của hải quân, đội quân xâm lược của Anh gồm 10.000 người đã rút lui về Canada. Tuy nhiên, hạm đội của Anh lại quay sang quấy rối vùng bờ biển miền Đông với khẩu hiệu tiêu diệt và tàn phá. Đêm ngày 24/8/1814, một lực lượng viễn chinh đã đột kích vào lực lượng dân quân của Mỹ, rồi hành quân lên Washington D.C., sau đó rút lui và để lại thành phố trong khói lửa. Tổng thống James Madison phải rút chạy về bang Virginia.
Các nhà đàm phán Anh và Mỹ đã hội đàm tại châu Âu. Tuy nhiên, các phái viên của Anh quyết định nhượng bộ khi họ biết tin về chiến thắng của Macdonough trên Hồ Champlain. Trước tình trạng ngân khố ngày càng thâm thủng phần lớn là do các chi phí quá lớn trong các cuộc chiến tranh của Napoleon, các nhà đàm phán của Anh đã chấp nhận Hiệp định Ghent vào tháng 12/1814. Hiệp định đã chấm dứt tình trạng thù địch, đặt dấu chấm hết cho việc phục hồi các cuộc chinh phục, đồng thời xác định một ủy ban phụ trách giải quyết tranh chấp biên giới. Do không biết hòa ước đã được ký kết nên cả hai bên vẫn tiếp tục giao chiến ở New Orleans, bang Louisiana. Dưới sự chỉ huy của Tướng Andrew Jackson, quân Mỹ đã giành chiến thắng trên bộ vẻ vang nhất, chấm dứt mãi mãi bất kỳ tia hy vọng nào của người Anh về việc tái lập sự ảnh hưởng của họ ở phía Nam biên giới Canada.
Trong khi người Anh và người Mỹ đang đàm phán giải quyết thì các đại biểu ủng hộ chủ nghĩa liên bang được các cơ quan lập pháp của các bang Massachusetts, Rhode Island, Connecticut, Vermont và New Hampshire lựa chọn đã tập trung ở Hartford, bang Connecticut để phản đối cuộc chiến tranh của Ngài Madison. Bang New England đã cố giao thương với kẻ thù trong suốt cuộc chiến, và một số vùng thực tế đã trở nên giàu có nhờ hoạt động thương mại này. Tuy nhiên, những người ủng hộ chủ nghĩa liên bang lại tuyên bố rằng cuộc chiến tranh đã hủy hoại nền kinh tế. Do có thể xảy ra khả năng ly khai khỏi liên minh, nên hội nghị đã đề xuất một loạt các dự thảo Điều bổ sung sửa đổi Hiến pháp nhằm bảo vệ lợi ích của bang New England. Song đoạn kết của cuộc chiến - bị ngưng lại sau chiến thắng vẻ vang ở New Orleans - đã để lại trong những người ủng hộ chủ nghĩa liên bang một vết nhơ nhục nhã về sự phản bội mà họ không bao giờ có thể tẩy được.
CƠN GIÁC NGỘ VĨ ĐẠI LẦN HAI
Đến cuối thế kỷ XVIII, nhiều người Mỹ có học thức đã tự nhận không còn theo những tín ngưỡng Cơ- đốc truyền thống nữa. Đáp lại phong trào thế tục đang diễn ra trong thời đại, phong trào phục hưng tôn giáo đã nhanh chóng tiến về phía tây vào nửa đầu thế kỷ XIX.
“Cơn giác ngộ vĩ đại lần hai này có nhiều loại hình hoạt động và có sự khác biệt theo địa phương và cách thức thể hiện gắn bó tôn giáo. Ở bang New England, tinh thần tôn giáo trỗi dậy đã kích thích một làn sóng tuyên truyền mạnh mẽ trong xã hội. Ở phía tây New York, tinh thần phục hưng đã khuyến khích sự xuất hiện những giáo phái mới. Ở vùng Appalachian thuộc bang Kentucky và Tennessee, phong trào phục hưng đã củng cố các giáo phái Giám lý và Baptist, và sản sinh một hình thức thể hiện tôn giáo mới - tụ họp trong lều trại.
Trái với Cơn giác ngộ vĩ đại trong thập niên 1730, phong trào phục hưng ở miền Đông nổi tiếng vì không có kích động cuồng loạn và công khai cảm xúc. Trái lại, những người phi tín ngưỡng đã kinh sợ với sự im lặng đáng kính của những người đang mang những bằng chứng cho đức tin của họ. Tinh thần phục hồi phái phúc âm ở bang New England đã dẫn đến sự ra đời những hội truyền giáo liên giáo phái để truyền bá phúc âm tới miền Tây. Các thành viên của những giáo phái này không chỉ hành động như những tông đồ vì đức tin mà còn như những nhà giáo dục, những nhà lãnh đạo nhân dân và đại diện của nền văn hóa đô thị miền Đông. Việc ấn hành sách báo và các hội giáo dục đã góp phần đẩy mạnh truyền bá đạo Cơ- đốc. Nổi bật nhất trong số các hội này là Hội Thánh kinh Hoa Kỳ thành lập năm 1816. Lòng hăng say hoạt động xã hội vốn được kích thích bởi phong trào phục hưng tôn giáo đã góp phần mở đường cho các nhóm bãi nô, Hội Khuyến khích Thanh tịnh và những nỗ lực cải tạo nhà tù, đồng thời chăm sóc người tàn tật và người thiểu năng trí tuệ.
Miền Tây New York, từ Hồ Ontario đến dãy núi Adirondack đã là nơi hoạt động của nhiều cuộc phục hưng tôn giáo trước đây - hay còn gọi là phong trào Rực cháy khắp quận. Chính tại nơi đây có một nhân vật nổi tiếng, Charles Grandison Finney, luật sư đã trải qua lễ hiển linh và chuẩn bị giảng Phúc âm. Phong trào thúc đẩy lòng mộ đạo của ông đã được chuẩn bị chu đáo, thu hút được đông đảo quần chúng và quảng bá rất rộng. Finney đã giảng đạo ở khu vực Rực cháy khắp quận suốt thập niên 1820 và đầu thập niên 1830 trước khi chuyển tới bang Ohio vào năm 1835 làm giảng viên thần học tại Đại học Oberlin. Sau này ông trở thành hiệu trưởng của trường.
Hai giáo phái khác ở Mỹ là Mormons (các Thánh ngày nay) và Seventh Day Adventists (giáo phái Tin vào lần xuất hiện thứ hai của Chúa), cùng khởi đầu ở miền đất rực cháy này.
Ở khu vực Appalachian, phong trào phục hưng tôn giáo có những nét đặc điểm giống Cơn giác ngộ vĩ đại của thế kỷ trước. Nhưng tại đây, trung tâm của phong trào phục hưng là những cuộc gặp gỡ trong lều - một nghi lễ tôn giáo kéo dài nhiều ngày cho nhóm tín đồ phải lưu lại nơi hành lễ vì quá xa nhà. Những người tiên phong ở vùng thưa thớt dân cư đã tìm đến những buổi hành lễ trong lều làm nơi trốn tránh cuộc sống đơn côi nơi biên ải. Niềm hân hoan từ việc tham gia buổi lễ phục hưng tôn giáo cùng với hàng trăm và có lẽ hàng nghìn người đã thôi thúc họ vui ca, nhảy múa, hò hét thâu suốt các buổi lễ.
Phong trào phục hưng tôn giáo nhanh chóng lan khắp các bang Kentucky, Tennesssee và miền Nam bang Ohio, trong đó người hưởng lợi chủ yếu là tín đồ Giám lý và Baptist. Mỗi giáo phái đều có tài sản giúp họ trở nên hưng thịnh ở miền biên ải. Các tín đồ Giám lý có bộ máy tổ chức rất hiệu quả, chủ yếu dựa vào các mục sư - hay còn gọi là những kỵ sỹ kinh lý - tìm đến những con người sinh sống ở khu vực biên giới xa xôi. Các kỵ sỹ kinh lý đến với dân thường để giúp đỡ họ gây dựng quan hệ với các gia đình sống ven biên giới. Họ hy vọng sẽ cải biến những con người này thành những tín đồ. Những người thuộc Giáo phái Baptist không có tổ chức giáo hội chính thức. Những người giảng đạo kiêm chủ trang trại của họ được tôn vinh là "những người nhận được lời hiệu triệu của Chúa Trời". Họ học kinh thánh và lập nhà thờ nơi sau này chính họ sẽ được thụ phong. Những ứng viên mục sư khác cũng xuất phát từ các nhà thờ này, giúp giáo phái Baptist thiết lập được sự hiện diện xa hơn vào miền đất hoang sơ. Sử dụng những phương pháp như vậy, giáo phái Baptist đã đóng vai trò chủ đạo ở khắp các bang giáp biên giới và hầu hết miền Nam.
Cơn giác ngộ vĩ đại lần hai đã có ảnh hưởng mạnh mẽ tới lịch sử nước Mỹ. Sức mạnh của các tín đồ Baptist và Giám lý đã gia tăng đáng kể so với những giáo phái chủ đạo khác thời thuộc địa - Anh giáo, Giáo hội Trưởng lão và những người theo giáo đoàn. Sự khác biệt ngày càng lớn trong nội bộ giáo hội Tin Lành Hoa Kỳ đã phản ảnh sự lớn mạnh và đa dạng của một dân tộc đang vươn dậy.
Chương 5: Mở rộng sang phía Tây và sự khác biệt giữa các vùng
“Hãy tiến về phía tây, hỡi chàng trai, và hãy lớn lên cùng tổ quốc"
Biên tập viên Horace Greeley, 1851
GÂY DỰNG TÌNH ĐOÀN KẾT
Cuộc Chiến tranh 1812, xét từ góc độ nào đó, là cuộc chiến lần thứ hai giành độc lập và khẳng định sự đoạn tuyệt vĩnh viễn của nước Mỹ với nước Anh. Khi chiến tranh khép lại, nhiều khó khăn trầm trọng đặt ra với nền cộng hòa non trẻ kể từ thời cách mạng giờ đã biến mất. Nhà nước liên bang theo Hiến pháp đã đem lại sự cân bằng giữa tự do và trật tự. Cùng với khoản nợ công rất nhỏ và một lục địa đang ngóng chờ được khám phá, cánh cửa hòa bình, thịnh vượng và tiến bộ xã hội đã mở ra trước dân tộc Mỹ.
Hoạt động thương mại càng làm cho tình đoàn kết dân tộc thêm vững chắc. Những mất mát trong chiến tranh đã giúp nhiều người nhận thấy tầm quan trọng phải bảo vệ các nhà sản xuất Mỹ cho đến khi họ có thể một mình chống chọi được với sự cạnh tranh của nước ngoài. Nhiều người lập luận rằng độc lập về kinh tế cũng quan trọng không kém độc lập về chính trị. Để cổ súy tinh thần tự lực cánh sinh, các nhà lãnh đạo Quốc hội như Henry Clay thuộc tiểu bang Kentucky và John C. Calhoun thuộc tiểu bang Nam Carolina đã kêu gọi thực hiện chính sách bảo hộ mậu dịch, hạn chế hàng nhập khẩu nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp Mỹ phát triển.
Đây là thời điểm thuận lợi để tăng thuế quan. Các linh mục ở Vermont và Ohio muốn bảo hộ chống lại sự tràn ngập của len nước Anh. Ở bang Kentucky, ngành dệt cây gai dầu địa phương thành vải sợi may bao và túi mới ra đời đã bị ngành công nghiệp dệt vải may túi bao Scotland đe doạ. Pittsburgh ở bang Pennsylvania vốn đã là một trung tâm cán thép rất phát triển, nay sốt sắng thách thức các nhà cung cấp thép Anh và Thụy Điển. Biểu thuế ban hành năm 1816 đã đủ mạnh để bảo hộ thực sự các nhà sản xuất.
Ngoài ra, dân miền Tây còn ủng hộ một hệ thống đường sá và kênh đào quốc gia để nối kết họ với các thành phố và hải cảng miền Đông, và để mở mang những vùng đất miền biên giới cho việc định cư. Tuy nhiên, họ đã không thành công trong việc kêu gọi chính quyền liên bang tham gia phát triển nội bộ bang do có sự phản đối từ bang New England và miền Nam. Những con đường và những con kênh còn lại là mối quan tâm của các bang cho đến khi Đạo luật Hỗ trợ Đường bộ Liên bang năm 1916 được thông qua.
Vị thế của Chính phủ Liên bang vào thời gian này đã được củng cố mạnh mẽ nhờ có một số quyết định của Tòa án Tối cao. Một người đại điện ủng hộ chủ nghĩa liên bang, John Marshall, người bang Virginia, đã trở thành Chánh án Tòa án Tối cao năm 1801 và giữ chức vụ này cho tới khi ông qua đời năm 1835. Tòa án vốn yếu ớt trước khi ông nhậm chức thì giờ đây đã trở thành một tòa án mạnh, có vị trí ngang hàng với Quốc hội và tổng thống. Theo các quyết định mang tính lịch sử sau đó, Marshall đã xây dựng quyền của Tòa án Tối cao và củng cố chính quyền liên bang.
Marshall là người đầu tiên trong hàng ngũ đông đảo các vị thẩm phán Tòa án Tối cao mà những quyết định của họ đã tạo nên ý nghĩa và áp dụng cho Hiến pháp. Khi ông kết thúc sự nghiệp phục vụ của mình thì Tòa án Tối cao đã giải quyết chừng 50 vụ án liên quan tới các vấn đề hiến pháp. Một trong những phán quyết nổi tiếng nhất của Marshall - vụ Marbury kiện Madison (1803) - ông đã kiên quyết khẳng định quyền của Tòa án Tối cao được xem xét tính hợp hiến của tất cả các bộ luật của Quốc hội Liên bang hay của cơ quan lập pháp của tiểu bang. Trong vụ Mc Culloch kiện Maryland (1819) ông đã khẳng khái nêu cao lý thuyết của Hamilton cho rằng, suy rộng ra, Hiến pháp ban cho chính phủ những quyền hạn vượt ra ngoài phạm vi những quyền đã được quy định rõ ràng trong văn kiện này.
MỞ RỘNG CHẾ ĐỘ NÔ LỆ
Chế độ nô lệ mặc dù cho đến lúc này còn ít thu hút sự chú ý của công chúng song đã bắt đầu có được tầm quan trọng hơn nhiều với tư cách là một vấn đề quốc gia đại sự. Vào những năm đầu tiên của nền cộng hòa, khi các bang miền Bắc đang tiến hành giải phóng nô lệ, nhiều nhà lãnh đạo đã cho rằng chế độ nô lệ sẽ bị thủ tiêu. Năm 1786, George Washington đã viết rằng, ông chân thành cầu chúc cho một kế hoạch nào đó có thể được thông qua theo đó chế độ nô lệ có thể được bãi bỏ một cách từ từ, chắc chắn và tinh tế. Jefferson, Madison và Monroe từ Virginia và các chính khách miền Nam hàng đầu khác đều có những lời phát biểu tương tự.
Sắc lệnh Tây Bắc ban hành năm 1787 đã cấm chế độ nô lệ ở lãnh thổ miền Tây bắc. Cho tới năm 1808, khi việc buôn bán nô lệ quốc tế bị bãi bỏ thì có nhiều người miền Nam nghĩ rằng chế độ chiếm hữu nô lệ sẽ mau chóng chấm dứt. Song mọi sự mong đợi như vậy đã không được thành hiện thực bởi vì trong thế hệ sau đó, dân miền Nam liên kết chặt chẽ với nhau biến việc tổ chức chiếm hữu nô lệ thành những nhân tố kinh tế, khiến cho chế độ này càng đem lại lợi nhuận nhiều hơn so với trước năm 1790.
Nguyên nhân chính là do sự phát triển nghề trồng bông quy mô lớn ở miền Nam nhờ việc áp dụng canh tác các giống bông mới và phát minh máy tỉa hạt bông của Eli Whitney vào năm 1793 giúp tách được các hạt ra khỏi bông. Đồng thời, cuộc Cách mạng Công nghiệp đã thúc đẩy ngành công nghiệp dệt hoạt động với quy mô lớn, làm gia tăng nhu cầu về bông nguyên liệu. Việc triển khai các vùng đất mới ở miền Tây sau năm 1812 đã mở rộng rất lớn khu vực có thể trồng bông. Nghề trồng bông đã dịch chuyển nhanh chóng từ các bang thuộc khu vực Tidewater ở duyên hải miền Đông qua miền Nam trũng thấp hơn tới vùng đồng bằng châu thổ sông Mississippi và cuối cùng là tới bang Texas.
Mía, một loại cây trồng khác sử dụng nhiều lao động, cũng góp phần mở rộng chế độ nô lệ ở miền Nam. Những vùng đất ấm, màu mỡ ở Đông Nam Louisiana rất lý tưởng cho việc trồng mía đem lại lợi nhuận cao. Tới năm 1830, bang Louisiana đã cung cấp cho cả nước khoảng một nửa lượng đường. Cuối cùng, những người trồng thuốc lá đã chuyển sang miền Tây và mang theo họ chế độ nô lệ.
Vì xã hội tự do của miền Bắc và xã hội chiếm hữu nô lệ của miền Nam đều bành trướng sang phía Tây nên có lẽ sẽ có lợi về chính trị nếu duy trì được sự bình đẳng vững chắc giữa các bang mới đang tiến về những vùng lãnh thổ miền Tây. Năm 1818, khi Illinois được chấp nhận vào liên minh, 10 bang đã được phép có chế độ nô lệ, 11 bang cấm chế độ này; nhưng sự cân bằng đã được phục hồi sau khi bang Alabama được thừa nhận theo chế độ nô lệ. Dân số ở miền Bắc tăng nhanh hơn, cho phép các bang miền Bắc chiếm đa số ghế trong Hạ viện. Tuy nhiên, sự bình đẳng giữa miền Bắc và miền Nam vẫn được duy trì ở Thượng viện.
Vào năm 1819, bang Missouri có 10.000 nô lệ đã xin gia nhập liên bang. Dân miền Bắc tập hợp lại để phản đối việc gia nhập của Missouri trừ phi đó là một bang tự do, và làn sóng phản đối đã lan khắp cả nước. Có một thời gian Quốc hội đã lâm vào tình trạng bế tắc, nhưng Henry Clay đã đạt được một thỏa thuận mang tên Thỏa hiệp Missouri: Missouri được gia nhập với tư cách là một bang có chế độ nô lệ cùng lúc với bang Maine gia nhập với tư cách là một bang tự do. Ngoài ra, Quốc hội đã cấm chế độ nô lệ ở lãnh thổ Louisiana vốn được mua lại từ nước Pháp ở khu vực phía bắc biên giới phía Nam của bang Missouri. Đồng thời quy định này dường như đã trở thành một thắng lợi đối với các bang miền Nam vì người ta không ngờ rằng vùng sa mạc Mỹ bao la này lại có người đến sinh sống. Cuộc tranh luận đã tạm thời được giải quyết ổn thỏa, nhưng Thomas Jefferson đã viết cho một người bạn rằng "vấn đề trọng yếu này tựa hồ tiếng chuông báo cháy đã khiến tôi tỉnh giấc với nỗi sợ khủng khiếp. Ngay lập tức tôi cho rằng đó là hồi chuông khai tử Liên bang".
CHÂU MỸ LA-TINH VÀ HỌC THUYẾT MONROE
Vào những thập niên đầu tiên của thế kỷ XIX, miền Trung và Nam Mỹ đã hướng về Cách mạng. Tư tưởng tự do đã khuấy động nhân dân châu Mỹ La-tinh từ thời các thuộc địa Anh chiến đấu giành tự do. Cuộc chinh phục Tây Ban Nha của Napoleon năm 1808 đã báo hiệu người Mỹ La-tinh sẽ vùng lên khởi nghĩa. Cho tới năm 1822, dưới sự lãnh đạo tài tình của Simon Bolivar, Francisco Miranda, José de San Martin và Miguel Hidalgo, tất cả khu vực nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ở châu Mỹ - từ Argentina và Chile ở miền Nam tới Mexico ở miền Bắc - đều đã giành được độc lập.
Nhân dân Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã quan tâm sâu sắc đến việc củng cố lại những kinh nghiệm của chính họ trong việc đoạn tuyệt với chế độ cai trị của châu Âu. Những phong trào đòi độc lập ở châu Mỹ La-tinh đã khẳng định niềm tin nơi họ về quyền tự trị. Năm 1822, Tổng thống James Monroe, trước áp lực ngày càng lớn của dư luận, đã cho phép công nhận các quốc gia mới ở Mỹ La-tinh và đã nhanh chóng trao đổi công sứ với các quốc gia này. Tổng thống đã công nhận họ là các quốc gia độc lập thực sự, hoàn toàn tách khỏi những mối ràng buộc trước kia với châu Âu.
Chính lúc đó, Nga, Phổ và áo đã thiết lập Liên minh Thần thánh để bảo vệ họ trước các cuộc cách mạng. Bằng việc can thiệp vào những nước nơi phong trào của quần chúng đang đe dọa chế độ quân chủ, liên minh này - có sự tham gia của Pháp thời hậu Napoleon - đã hy vọng có thể ngăn chặn cách mạng lan rộng. Chính sách này đi ngược lại với nguyên tắc tự quyết của nước Mỹ.
Chừng nào mà Liên minh Thần thánh giới hạn những hoạt động của họ trong phạm vi cựu thế giới thì điều đó không gây lo lắng cho Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Nhưng khi Liên minh tuyên bố ý định muốn phục hồi các thuộc địa cũ của Tây Ban Nha thì người Mỹ bắt đầu lo âu. Do Mỹ La-tinh có ý nghĩa rất quan trọng với lợi ích thương mại của Anh nên nước Anh đã quyết định ngăn chặn hành động này. Luân Đôn hối thúc mở rộng các bảo đảm của Anh - Mỹ đối với châu Mỹ La-tinh, nhưng Ngoại trưởng John Quincy Adams lại thuyết phục Monroe hành động đơn phương: “Có thể sẽ ngay thẳng, chân thật hơn, cũng như đường hoàng hơn nếu ta tuyên bố những nguyên tắc của mình một cách rõ ràng với Nga và Pháp so với việc leo lên một con thuyền nhỏ đuổi theo tàu chiến của Anh.
Tháng 12/1823, khi biết hải quân Anh sẽ bảo vệ châu Mỹ La-tinh chống lại Liên minh Thần thánh và Pháp, Tổng thống Monroe đã nhân dịp gửi thông điệp hàng năm tới Quốc hội công bố những điều mà sau này người ta gọi là Học thuyết Monroe - chối từ chấp nhận bất cứ một sự mở rộng thống trị tiếp theo của châu Âu ở các nước châu Mỹ:
Các lục địa châu Mỹ... từ nay trở đi không thể được coi là đối tượng của thực dân hóa trong tương lai do bất cứ một cường quốc châu Âu nào tiến hành.
Chúng ta phải coi bất kỳ toan tính nào về phần họ nhằm mở rộng hệ thống [chính trị] của họ tới bất cứ bộ phận nào của bán cầu này đều là nguy hiểm đối với hòa bình và an ninh của chúng ta.
Chúng ta đã không can thiệp và sẽ không can thiệp vào những thuộc địa hay các xứ phụ thuộc nào của bất cứ cường quốc châu Âu nào. Nhưng với những chính phủ đã tuyên bố nền độc lập của mình và bảo vệ nền độc lập ấy và được chúng ta thừa nhận thì chúng ta phải coi bất kỳ một sự can thiệp nào nhằm mục đích áp chế họ hay kiểm soát số phận của họ bằng bất kỳ phương thức nào do bất cứ cường quốc châu Âu nào thực hiện đều thể hiện khuynh hướng thù nghịch đối với nước Mỹ.
Học thuyết Monroe đã thể hiện tinh thần đoàn kết với các nền cộng hòa mới giành độc lập ở châu Mỹ La-tinh. Những dân tộc này đã công nhận tầm quan trọng của quan hệ chính trị với Hoa Kỳ bằng việc thiết lập các hiến pháp mới của mình theo mô hình của Bắc Mỹ xét trên nhiều phương diện.
CHỦ NGHĨA BÈ PHÁI VÀ CÁC CHÍNH ĐẢNG
Ở trong nước, nhiệm kỳ tổng thống của Monroe (1817-1825) được mệnh danh là thời đại của những tình cảm tốt lành. Cụm từ này đã thừa nhận chiến thắng về chính trị của Đảng Cộng hòa trước Đảng ủng hộ chủ nghĩa liên bang bị thất bại với tư cách một lực lượng dân tộc. Đồng thời, đây cũng là thời kỳ có xung đột bè phái và cát cứ.
Kết cục của những người theo phái ủng hộ chủ nghĩa liên bang đã dẫn tới sự chia rẽ thành bè phái trong chính trị và gây rối loạn cho hệ thống đề cử tổng thống của các chính đảng trong Quốc hội. Khi đó, các cơ quan lập pháp bang có thể chỉ định các ứng cử viên. Vào năm 1824, các bang Tennessee và Pennsylvania chọn Andrew Jackson cùng với Thượng nghị sỹ bang Nam Carolina là John C. Calhoun tham gia liên danh. Bang Kentucky chọn Chủ tịch Hạ viện là Henry Clay; bang Massachusetts chọn Ngoại trưởng John Quincy Adams, con trai của vị tổng thống thứ hai của Hoa Kỳ là John Adams; ủy ban thường trực của Quốc hội - cơ quan bị chế nhạo là phi dân chủ - thì chọn Bộ trưởng Tài chính William Crawford.
Nhân cách và tư tưởng cục bộ địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc xác định kết quả bầu cử. Adams đã thắng cử trong các cuộc bỏ phiếu của đại cử tri từ bang New England và phần lớn bang New York; Clay thắng cử ở các bang Kentucky, Ohio và Missouri; Jackson thắng cử ở miền Đông Nam, các bang Illinois, Indiana, Bắc và Nam Carolina, Pennsylvania, Maryland và New Jersey; còn Crawford thắng ở các bang Virginia, Georgia và Delaware. Không có ứng cử viên nào đạt đa số phiếu đại cử tri, vì vậy theo các điều khoản của Hiến pháp thì cuộc bầu cử được chuyển sang Hạ viện giải quyết. Tại đây Clay là một nhân vật có ảnh hưởng nhất. Ông ủng hộ Adams, và Adams đã giành được chức tổng thống.
Trong nhiệm kỳ này của Adams, những liên minh đảng mới đã xuất hiện. Những người ủng hộ Adams đã lấy tên Những người theo phái Cộng hòa quốc gia để thể hiện sự ủng hộ của họ đối với Chính phủ Liên bang ngày càng đảm đương vai trò lớn hơn trong công cuộc phát triển đất nước. Tuy Adams lãnh đạo đất nước trung thực và có hiệu quả, nhưng ông không phải là một tổng thống được người ta ưa. Adams đã không thiết lập được một hệ thống đường sá và kênh đào quốc gia. Đức tính bộc trực lạnh lùng nhưng giàu chất trí tuệ của ông đã không được lòng bạn bè. Ngược lại, Jackson có sức lôi cuốn quần chúng mạnh mẽ và có bộ máy chính trị hùng mạnh. Những người ủng hộ ông đã hợp lại để thành lập Đảng Dân chủ. Họ cho rằng Đảng này trực tiếp xuất thân từ Đảng Cộng hoà - Dân chủ của Jefferson. Trên thực thế, Đảng Dân chủ cổ súy nguyên tắc chính phủ phân cấp nhưng nhỏ gọn. Tập hợp lực lượng chống Adams, họ đã quy kết tổng thống tham nhũng khi bổ nhiệm Clay làm ngoại trưởng. Trong cuộc bầu cử năm 1828, Jackson đã đánh bại Adams bằng một chiến thắng áp đảo.
Jackson vốn là chính khách ở bang Tennessee, một chiến binh chống lại người da đỏ và là người hùng trong trận chiến New Orleans trong chiến tranh năm 1812. Ông đã giành được sự ủng hộ từ quần chúng. Ông lên nắm giữ chức tổng thống nhờ phong trào dân chủ dân túy đang dâng cao. Cuộc bầu cử năm 1828 là dấu mốc quan trọng trong xu thế thể hiện sự tham gia của cử tri ngày càng rộng lớn hơn. Vào thời điểm đó, hầu hết các tiểu bang hoặc đã thông qua quyền phổ thông đầu phiếu cho nam giới da trắng, hoặc đã giảm thiểu yêu cầu về tài sản. Năm 1824, các thành viên của cử tri đoàn ở sáu tiểu bang vẫn được cơ quan lập pháp của bang lựa chọn. Đến năm 1828, các thành viên của cử tri đoàn đã được lựa chọn qua phổ thông đầu phiếu ở tất cả các bang ngoại trừ hai bang Delaware và Nam Carolina. Những diễn biến này là sản phẩm của một quan điểm rộng rãi cho rằng người dân nên cai trị và chính phủ của tầng lớp tinh túy truyền thống đã đi đến dấu chấm hết.
CUỘC KHỦNG HOẢNG VÔ HIỆU HÓA
Vào cuối nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình, Jackson đã buộc phải đối đầu với bang Nam Carolina - tiểu bang quan trọng nhất trong tất cả các bang trồng bông đang nổi lên ở viễn Nam - về vấn đề biểu thuế bảo hộ. Những giới doanh thương và nông nghiệp ở bang này vẫn hy vọng Jackson sẽ sử dụng quyền lực tổng thống của mình để sửa đổi các luật thuế ban hành năm 1828 mà họ gọi là Đạo luật Ghê tởm. Theo quan điểm của họ thì tất cả các lợi ích của việc bảo hộ đều rơi vào túi các nhà sản xuất miền Bắc và trong khi cả nước giàu lên thì riêng bang Nam Carolina lại nghèo đi. Năm 1828, chính trị gia hàng đầu của tiểu bang - đồng thời cũng là Phó Tổng thống của Jackson cho đến khi ông từ chức vào năm 1832 - John C. Calhoun đã tuyên bố tại cuộc đấu xảo và biểu tình ở Nam Carolina rằng các bang có quyền vô hiệu hóa đạo luật mang tính đàn áp của chính quyền liên bang.
Năm 1832, Quốc hội đã thông qua và Jackson ký dự luật giảm mức thuế ban hành năm 1832, nhưng điều đó cũng không đủ để xoa dịu đa số người dân Nam Carolina. Bang này đã thông qua Sắc lệnh Vô hiệu hóa, tuyên bố cả mức thuế quan ban hành năm 1828 và 1832 đều vô hiệu trong phạm vi biên giới của họ. Cơ quan lập pháp của bang cũng thông qua các đạo luật để thực thi sắc lệnh này, bao gồm cho phép xây dựng quân đội và chuẩn chi mua vũ khí. Vô hiệu hóa là chủ đề phản đối vốn đã có từ lâu nhằm chống lại những hành động bị cho là thái quá của chính quyền liên bang. Jefferson và Madison đã đề xuất khái niệm vô hiệu hóa trong các nghị quyết của bang Kentucky và Virginia năm 1798 nhằm phản đối các Đạo luật Ngoại kiều và Nổi loạn. Hội nghị Hartford năm 1814 đã viện dẫn khái niệm này để phản đối cuộc chiến năm 1812. Tuy nhiên trước đây chưa từng bao giờ có một tiểu bang thực sự cố gắng áp dụng vô hiệu hóa. Quốc gia non trẻ giờ đây lại phải đối mặt với cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất của chính mình.
Để chống lại mối đe dọa của bang Nam Carolina, Jackson đã phái bảy tàu hải quân nhỏ và một tàu chiến tới Charleston vào tháng 12/1832. Ngày 10/12 ông đã ra một tuyên bố đanh thép chống lại những kẻ ủng hộ việc vô hiệu hóa. Tổng thống tuyên bố rằng, bang Nam Carolina đã đứng trên bờ vực của phản loạn và phản bội và ông đã kêu gọi nhân dân của bang này khẳng định lại lòng trung thành của họ với liên bang. Ông cũng nêu rõ rằng, nếu cần thiết, cá nhân ông sẽ lãnh đạo quân đội Hợp chủng quốc thực thi pháp luật.
Khi vấn đề về các biểu thuế quan lại được trình ra trước Quốc hội, thì đối thủ chính trị của Jackson, Thượng nghị sỹ Henry Clay, một người ủng hộ rất mạnh cho việc bảo hộ mậu dịch, đã ủng hộ một biện pháp thỏa hiệp. Dự luật thuế quan của Clay - một dự luật nhanh chóng được thông qua năm 1833 - đã xác định rõ rằng toàn bộ các mức thuế vượt quá 20% giá trị các hàng hóa nhập khẩu sẽ được giảm xuống hàng năm để đến năm 1842, các khoản thuế đánh vào tất cả các mặt hàng sẽ đạt mức biểu thuế vừa phải của năm 1816. Đồng thời, Quốc hội thông qua Đạo luật Quân sự, cho phép tổng thống sử dụng sức mạnh quân sự để thực thi pháp luật.
Bang Nam Carolina đã hy vọng giành được sự ủng hộ của các bang miền Nam khác, nhưng họ phát hiện thấy họ đã tự cô lập chính mình (Đồng minh tin cậy nhất của họ là bang Georgia đã muốn và đã có được quân lực Hoa Kỳ để loại bỏ các bộ lạc da đỏ ra khỏi lãnh thổ của họ). Cuối cùng, Nam Carolina đã bãi bỏ quyết định của mình. Tuy nhiên, cả hai phía đều tuyên bố chiến thắng. Jackson đã bảo vệ vững chắc liên bang. Nhưng bằng việc thể hiện sự chống đối của mình, tiểu bang Nam Carolina đã đạt được nhiều yêu cầu của họ và đã minh chứng rằng một bang đơn lẻ vẫn có thể ép Quốc hội chấp nhận ý chí của mình.
TRẬN CHIẾN CỦA NGÂN HÀNG
Mặc dù những tranh cãi về vấn đề vô hiệu hoá một đạo luật của Quốc hội trên lãnh thổ bang là mầm mống của cuộc Nội chiến, song nó không phải là một vấn đề chính trị nghiêm trọng bằng cuộc đấu tranh đầy cam go để đảm bảo sự tồn tại của ngân hàng trung ương của liên bang - Ngân hàng thứ hai của Hợp chủng quốc. Ngân hàng thứ nhất đã được thành lập năm 1791 dưới sự lãnh đạo của Alexander Hamilton và đã được trao đặc quyền trong một giai đoạn là 20 năm. Tuy chính phủ có nắm giữ một số vốn cổ phần của ngân hàng này, nhưng ngân hàng này - tương tự Ngân hàng Trung ương của Anh và các ngân hàng trung ương khác cùng thời - lại là công ty tư nhân, trong đó lợi nhuận được chuyển cho những cổ đông của nó. Chức năng phục vụ nhà nước của ngân hàng này là nơi lưu trữ các khoản thu của chính phủ, cho chính phủ vay ngắn hạn, và trên hết là đảm bảo một đồng tiền vững mạnh bằng cách không chấp nhận giá trị danh nghĩa của tiền (tiền giấy) do các ngân hàng nhà nước cho phép phát hành quá khả năng bù đắp của chính phủ.
Đối với giới tài chính và kinh doanh miền Bắc, ngân hàng trung ương là công cụ cần thiết để đảm bảo chính sách tiền tệ thận trọng. Nhưng ngay từ đầu, ngân hàng này đã bị dân miền Nam và miền Tây phản đối vì họ tin rằng sự thịnh vượng và phát triển trong khu vực của họ dựa vào lượng tiền và tín dụng dư dật. Đảng Cộng hòa của Jefferson và Madison đã nghi ngờ tính hợp hiến của ngân hàng này. Khi điều lệ của ngân hàng này hết hạn vào năm 1811 thì nó đã không được gia hạn.
Trong vài năm tiếp theo, hoạt động ngân hàng nằm trong tay các ngân hàng được nhà nước cấp độc quyền mà đã phát hành những lượng tiền nhiều quá mức. Điều này đã gây ra sự hỗn độn và làm gia tăng lạm phát. Một điều đã trở nên ngày càng rõ ràng là ngân hàng của các tiểu bang không thể cung cấp cho đất nước một đồng tiền đáng tin cậy, và do vậy vào năm 1816, Ngân hàng thứ hai của Hoa Kỳ - tương tự ngân hàng đầu tiên - đã được cấp đặc quyền trong 20 năm. Ngay từ khi bắt đầu, Ngân hàng thứ hai đã không được phổ biến ở các bang mới và các vùng lãnh thổ mới, và số người thịnh đạt biết tới ngân hàng này cũng ít hơn. Các đối thủ cho rằng ngân hàng đã nắm độc quyền thực sự với khoản tín dụng và tiền tệ của quốc gia, và họ khẳng định rõ ngân hàng này đại diện cho quyền lợi của một số rất ít người giàu có.
Xét tổng thể thì ngân hàng này đã được quản lý tốt và cung cấp được dịch vụ có giá trị; nhưng Jackson là người từ lâu đã có cùng quan điểm với phe Cộng hòa là không tin tưởng vào định chế tài chính này. Được bầu lên với tư cách một người được lòng dân, ông biết rằng người lãnh đạo mang dòng máu quý tộc của ngân hàng này, Nicolas Biddle, là một người dễ bị đánh bại. Khi phe ủng hộ ngân hàng trong Quốc hội thúc ép việc gia hạn sớm điều lệ của ngân hàng, Jackson đáp lại bằng hành động phủ quyết và lên án độc quyền đặc lợi. Nỗ lực xóa bỏ hiệu lực của việc phủ quyết này đã không thành công.
Trong chiến dịch bầu cử tổng thống tiếp theo, vấn đề ngân hàng đã gây ra sự chia rẽ lớn. Các thương nhân lớn, giới sản xuất và tài chính ủng hộ một đồng tiền mạnh. Các nhà băng và doanh nhân ở các khu vực ủng hộ việc cung cấp tiền nhiều hơn và tỷ lệ lãi thấp hơn. Những người đi vay nợ, đặc biệt là nông dân, cũng nhất trí với quan điểm này. Jackson và những người ủng hộ ông đã gọi ngân hàng trung ương là con ác quỷ và nhanh chóng giành được thắng lợi dễ dàng trong cuộc tranh cử với Henry Clay.
Jackson đã thấy sự tái cử của mình năm 1832 là bằng chứng sự ủy nhiệm của nhân dân nhằm đánh bại ngân hàng khiến nó không thể nào có thể vực dậy được. Tháng 9/1833 ông ra lệnh cấm không cho một khoản tiền nào của chính quyền được gửi vào ngân hàng, kể cả việc rút dần số tiền đang gửi tại đây. Chính phủ đã gửi tiền của mình ở các ngân hàng của các tiểu bang đã được lựa chọn - hay phe đối lập còn gọi là ngân hàng được ưu ái.
Trong thời gian của thế hệ kế tiếp, nước Mỹ xoay xở được nhờ một hệ thống ngân hàng tiểu bang khá lộn xộn không được quản lý, việc này đã giúp cho việc kích thích sự mở rộng về phía Tây nhờ khoản tín dụng rẻ nhưng đã khiến cho cả quốc gia dễ bị tổn thương trước cú sốc định kỳ. Trong thời kỳ Nội chiến, Hoa Kỳ đã khởi xướng hệ thống đặc quyền dành cho các ngân hàng địa phương và khu vực. Nhưng cuối cùng, vào năm 1913, nước Mỹ đã quay lại sử dụng một ngân hàng trung ương duy nhất với sự ra đời của hệ thống Cục Dự trữ Liên bang.
CÁC ĐẢNG VIÊN ĐẢNG CỘNG HÒA, ĐẢNG DÂN CHỦ VÀ PHÁI BẤT KHẢ TRI
Những đối thủ chính trị của Jackson đã không có hy vọng thành công là vì trong số họ còn có ý định trái nhau. Do vậy họ đã câu kết tất cả những thành phần bất mãn lại với nhau, nhập vào một chính đảng chung có tên gọi là Đảng Whig. Tuy họ tổ chức ngay sau khi chiến dịch bầu cử năm 1832 nhưng phải mất hơn một thập niên trước khi họ có thể giải quyết được những điểm khác biệt và có thể tạo nên một cương lĩnh chính thống. Phần lớn nhờ sức hấp dẫn của Henry Clay và Daniel Webster - những chính khách mẫn tuệ bậc nhất của Đảng Whig - họ đã củng cố được lực lượng đảng viên của mình. Nhưng vào cuộc bầu cử năm 1836, Đảng Whigs vẫn còn bị chia rẽ nên không thể đoàn kết được dưới sự dẫn dắt của một nhà lãnh đạo duy nhất hay dựa trên một lập trường chung. Martin Van Buren ở New York, Phó Tổng thống của Jackson, đã thắng trong cuộc đua này.
Tình trạng trì trệ kéo dài của kinh tế và nhân cách được phóng đại của người tiền nhiệm đã làm lu mờ những công lao của Van Buren. Những hoạt động công khai của ông không làm dấy lên được lòng nhiệt tình say mê vì ông thiếu những phẩm chất có sức hấp dẫn mạnh mẽ của phong cách lãnh đạo và tài nhạy cảm gây ấn tượng sâu sắc vốn thể hiện trong mọi động thái của Jackson. Cuộc bầu cử năm 1840 đã xảy ra vào lúc đất nước đang đau đớn vật vã với thời kỳ gian khổ và đồng lương thấp, và đặc biệt là các đảng viên Đảng Dân chủ đang trong thế phòng ngự.
ứng cử viên tổng thống của Đảng Whig là William Henry Harrison của bang Ohio. Ông nổi tiếng với tư cách là một người hùng trong các trận xung đột với người da đỏ cũng như chiến tranh năm 1812. Cũng như Jackson, ông được coi là đại diện cho miền Tây dân chủ. Ứng cử viên phó tổng thống là John Tyler người Virginia. Ông có những quan điểm ủng hộ các quyền của các bang và các biểu thuế thấp rất nổi tiếng ở miền Nam. Harrison đã giành được chiến thắng áp đảo.
Tuy nhiên ngay trong tháng tổ chức lễ nhậm chức, Harrison đã qua đời ở tuổi 68, và Tyler trở thành tổng thống. Những niềm tin của Tyler rất khác với niềm tin của Clay và Webster, nhưng ông vẫn là người có ảnh hưởng lớn nhất trong Quốc hội. Kết quả là đã có sự đoạn tuyệt công khai giữa tân tổng thống và đảng đã bầu ông. Nhiệm kỳ tổng thống của Tyler không đạt được điều gì khác rõ ràng hơn ngoài quy định, nếu một tổng thống qua đời thì phó tổng thống sẽ kế nhiệm với đầy đủ quyền lực trong suốt nhiệm kỳ của mình.
Tuy vậy người Mỹ thấy mình bị chia rẽ ở những phương diện phức tạp hơn nhiều. Đông đảo những người nhập cư theo công giáo La-mã vào nửa đầu thế kỷ XIX, chủ yếu là người Ai-len và người Đức đã châm ngòi gây nên những phản ứng cực đoan trong những người Mỹ bản địa theo Tin Lành giáo. Dân nhập cư đã mang tới bờ biển nước Mỹ những phong tục và hành đạo mới thật kỳ lạ. Họ đã đua tranh với dân bản địa để giành giật việc làm ở các thành phố dọc vùng bờ biển miền Đông. Hơn nữa, những thay đổi về chính trị của những năm 1820 và 1830 đã làm gia tăng khả năng hoạt động chính trị của những người nhập cư. Những chính trị gia dòng dõi quý tộc bị thất thế đã đổ lỗi cho người nhập cư vì đã làm họ mất đi quyền lực. Sự thất bại của Cơ đốc giáo nhằm ủng hộ phong trào giảm uống rượu mạnh đã làm dấy lên những lời buộc tội rằng La-mã đang cố gắng lật đổ nước Hoa Kỳ bằng rượu.
Quan trọng nhất trong các tổ chức theo thuyết bẩm sinh vốn đã xuất hiện trong giai đoạn này là một hội kín, đó là Dòng tu của Lá cờ điểm sao, thành lập năm 1849. Khi các thành viên của hội này từ chối nhận diện mình, họ mau chóng được đặt tên là Những người bất khả tri. Trong một số năm, họ đã tổ chức được bộ máy khắp cả nước và có quyền lực chính trị tương đối.
Những người bất khả tri cổ xúy việc mở rộng về thời gian đòi hỏi cho việc nhập quốc tịch từ 5 năm lên tới 21 năm, và loại trừ người nhập cư và các tín đồ công giáo La-mã khỏi các chức vụ nhà nước. Năm 1855, tổ chức này đã giành được quyền kiểm soát các cơ quan lập pháp ở bang New York và Massachusetts. Đến lúc đó, chừng 90 nghị sỹ Mỹ đã có liên hệ với đảng này. Sau đó, cuộc khủng hoảng giữa Bắc và Nam về vấn đề mở rộng chế độ nô lệ đã gây chia rẽ sâu sắc trong đảng, gợi lại các cuộc tranh luận giữa Đảng Whig và Dân chủ vốn đã áp đảo nền chính trị Mỹ trong 25 năm cuối cùng của nửa đầu thế kỷ XIX.
NHỮNG KHUẤY ĐỘNG CỦA CẢI CÁCH
Sự biến động đột ngột của tinh thần dân chủ trong vấn đề chính trị mà được minh chứng bằng cuộc bầu cử Jackson chỉ là một giai đọan trong cuộc tìm kiếm dài lâu của nước Mỹ vì những quyền và những cơ hội lớn hơn cho tất cả các công dân. Một cuộc biến động khác là sự bắt đầu của tổ chức người lao động. Năm 1835, các lực lượng lao động ở Philadelphia, bang Pennsylvania đã thành công trong việc giảm thời gian làm việc trong ngày trước đây từ sáng sớm đến tối mịt xuống còn 10 tiếng một ngày. Đến 1860, quy định ngày làm việc mới đã được ban hành trong luật ở một số tiểu bang, và nhìn chung được chấp nhận là chuẩn mực.
Sự lan truyền của phong trào đòi quyền bầu cử đã dẫn tới quan điểm mới về giáo dục, vì các chính khách nhìn xa trông rộng ở khắp nơi hiểu rằng phổ thông đầu phiếu đòi hỏi cử tri phải biết chữ và có kiến thức. Các tổ chức của công nhân đã đòi hỏi phải có trường học miễn phí, được hỗ trợ thuế dành cho tất cả trẻ em. Dần dần, hết bang này đến bang khác, các đạo luật đã được ban hành để cung cấp giáo dục miễn phí cho trẻ em. Sự lãnh đạo của Horace Mann ở bang Massachusetts lúc này đặc biệt hiệu quả. Hệ thống trường công đã trở thành phổ biến ở khắp khu vực miền Bắc nước Mỹ. Tuy nhiên, ở các khu vực khác của đất nước, cuộc đấu tranh vì nền giáo dục công lập vẫn tiếp tục xảy ra trong nhiều năm.
Một phong trào xã hội có ảnh hưởng lớn khác xuất hiện trong giai đoạn này là sự chống lại việc bán và sử dụng rượu, tức là phong trào vận động hạn chế rượu. Phong trào này bắt nguồn từ những mối quan tâm lo ngại về hệ quả của nó như: các niềm tin tôn giáo, hậu quả của rượu đối với sức khỏe của người lao động, nạn bạo lực và nạn ngược đãi phụ nữ và trẻ em. Vào năm 1826 các mục sư ở Boston đã tổ chức hội khuyếch trương phong trào hạn chế rượu. Bảy năm sau ở Philadelphia, Hội này đã tổ chức một hội nghị quốc gia và thành lập Liên hiệp hạn chế rượu Mỹ. Liên hiệp này đã kêu gọi từ bỏ tất cả các loại đồ uống có cồn và gây áp lực với các cơ quan lập pháp bang cấm việc bán và sản xuất rượu. Cho tới năm 1855, 13 bang đã thực hiện như vậy, tuy nhiên các bộ luật sau đó đã bị thách thức tại tòa án. Các bộ luật này chỉ tồn tại ở miền Bắc New England, nhưng dù sao thì vào những năm, từ 1830 đến 1860, phong trào hạn chế rượu cũng đã làm giảm sản lượng rượu tiêu thụ theo đầu người.
Những nhà cải cách khác đã hướng tới các vấn đề nhà tù và chăm sóc những người bị bệnh tâm thần. Những nỗ lực đã được thực thi để biến các nhà tù vốn nhấn mạnh việc trừng phạt trở thành các trại cải huấn, tại đây, các phạm nhân sẽ được phục hồi, cải tạo. Ở bang Massachusetts, Dorothea Dix đã lãnh đạo cuộc tranh đấu nhằm cải thiện các điều kiện cho những người mắc chứng tâm thần, những người đã bị giam giữ trong những trại tế bần thảm hại, khốn khổ và các nhà tù. Sau khi giành được sự cải thiện ở Massachusetts, bà đã đưa chiến dịch của mình hướng tới miền Nam nơi có chín bang đã lập các bệnh viện cho người mắc chứng tâm thần vào những năm 1845 và 1852.
QUYỀN CỦA PHỤ NỮ
Những cuộc cải cách như vậy đã khiến nhiều người phụ nữ nhận thức được vị trí bất bình đẳng của họ trong xã hội. Từ thời thuộc địa, những phụ nữ chưa chồng đã được hưởng nhiều quyền hợp pháp như nam giới, tuy nhiên phong tục buộc họ phải lấy chồng sớm. Khi đã kết hôn thì phụ nữ đã thực sự mất đi những quyền của họ trước luật pháp. Phụ nữ không được phép đi bầu cử và việc học hành của họ vào các thế kỷ XVII và XVIII chủ yếu chỉ ở mức biết đọc, biết viết, âm nhạc, khiêu vũ và may vá.
Sự thức tỉnh của phụ nữ bắt đầu với cuộc đi thăm Mỹ của Frances Wright, một giảng viên và nhà báo Scotland, người đã công khai khuyếch trương các quyền của phụ nữ ở khắp nước Mỹ vào những năm 1820. Vào thời gian này phụ nữ bị cấm phát biểu ở những nơi công cộng, thì Wright không chỉ lớn tiếng phát biểu mà còn khiến chủ tọa kinh ngạc bởi những quan điểm của bà bênh vực quyền của phụ nữ tìm kiếm thông tin về việc kiểm soát sinh đẻ và ly dị. Đến những năm 1840, một phong trào vì quyền phụ nữ Mỹ đã nổi lên. Lãnh đạo đầu tiên của phong trào này là Elizabeth Cady Stanton.
Vào năm 1848, Cady Stanton và đồng nghiệp là Lucretia Mott đã tổ chức một hội nghị quyền phụ nữ - hội nghị phụ nữ đầu tiên trong lịch sử thế giới tại Seneca Falls bang New York. Các đại biểu đã soạn thảo một Tuyên ngôn Tình cảm yêu cầu quyền bình đẳng với đàn ông trước pháp luật, quyền bầu cử, cơ hội công bằng trong giáo dục và việc làm. Các nghị quyết được nhất trí thông qua trừ nghị quyết về quyền đi bầu cử. Nghị quyết này sau đó đã giành được đa số phiếu chỉ sau khi Frederick Douglas, một người da đen theo chủ nghĩa bãi nô, phát biểu một bài gây xúc động mạnh ủng hộ nghị quyết này.
Tại Seneca Falls, Cady Stanton đã trở nên nổi tiếng với tư cách vừa là nhà văn vừa là người lớn tiếng ủng hộ quyền phụ nữ. Bà đã nhận thấy từ rất sớm rằng nếu không có quyền bỏ phiếu, phụ nữ không bao giờ có thể bình đẳng với nam giới. Noi gương William Lloyd Garrison, một người ủng hộ bãi nô, bà phát hiện thấy rằng mấu chốt để đi tới thành công nằm ở chỗ thay đổi quan điểm của công chúng, chứ không phải là hành động của Đảng. Seneca Falls đã trở thành chất xúc tác cho sự thay đổi trong tương lai. Chẳng bao lâu sau, các hội nghị khác về quyền khác của phụ nữ đã được tổ chức. Những người phụ nữ khác tiên phong bước lên tuyến đầu của phong trào đấu tranh bình đẳng chính trị và xã hội của họ.
Cũng vào năm 1848, Ernestine Rose, một người nhập cư Ba Lan đã đấu tranh để một đạo luật được thông qua tại bang New York. Đạo luật này cho phép phụ nữ đã kết hôn được giữ phần tài sản của mình theo tên của mình. Trong số những luật lệ đầu tiên loại này ở Mỹ thì Đạo luật về tài sản phụ nữ đã kết hôn đã khuyến khích các cơ quan lập pháp bang khác ban hành các luật tương tự.
Vào năm 1869, Elizabeth Cady Stanton và một nhà đấu tranh tích cực chủ đạo khác cho nữ quyền, Susan B. Anthony, thành lập Hiệp hội quốc gia về quyền bầu cử của phụ nữ (NWSA), hiệp hội này ủng hộ một Điều bổ sung sửa đổi Hiến pháp về quyền phụ nữ được đi bầu cử. Hai người này sẽ trở thành những người bênh vực ủng hộ thẳng thắn nhất của phong trào phụ nữ. Khi mô tả sự hợp tác hoạt động của họ, Cady Stanton nói "Tôi đã tạo nên các tiếng sét còn chị ấy bắn những tiếng sét ấy".
TÂY TIẾN
Miền biên giới đã làm được nhiều điều để tạo dựng nên cuộc sống của nước Mỹ. Những điều kiện ở dọc toàn bộ vùng bờ biển Đại Tây Dương đã kích thích di dân tới những khu vực mới mẻ hơn. Từ New England nơi đất đai đã không thể đem lại những năng suất ngũ cốc cao, đã xuất phát cả một dòng người đều đặn gồm những người đàn ông và đàn bà rời các trang trại và làng mạc vùng ven bờ biển của họ tới vùng đất nội địa màu mỡ của lục địa. Ở các khu định cư miền xa xôi của các bang Nam và Bắc Carolina và Virginia, dân chúng bị bất lợi vì thiếu những con đường và những con kênh cho phép tiếp cận những thị trường ven biển, và họ cũng chịu khốn khổ vì sự thống trị về chính trị của các chủ đồn điền vùng thủy triều vốn cũng phải di chuyển về miền Tây. Cho đến năm 1800, các thung lũng sông Mississippi và Ohio đang trở thành vùng biên giới rộng lớn. "Chào nhé, chúng tôi ra đi, trôi xuôi dòng trên xứ Ohio", lời hát này đã trở thành bài ca của hàng ngàn dân di cư.
Dòng dân cư tiến về miền Tây vào đầu thế kỷ XIX đã dẫn tới sự phân chia những vùng lãnh thổ cũ, và xác lập những đường biên giới mới. Vì có các bang mới được kết nạp nên tấm bản đồ chính trị đã ổn định hóa vùng phía đông của Mississippi. Từ năm 1816 đến năm 1821, 6 bang đã được thành lập: Indiana, Illinois và Maine (đây là 3 bang tự do) và Mississippi, Alabama và Missouri (các bang nô lệ). Miền biên giới đầu tiên đã gắn bó chặt chẽ với châu Âu, miền biên giới thứ hai có quan hệ chặt chẽ với các vùng định cư ven bờ biển, nhưng thung lũng sông Mississippi là độc lập và dân cư vùng này chăm chú nhìn sang miền Tây hơn là sang miền Đông.
Cư dân miền biên giới là một nhóm cư dân khác. Một du khách Anh đã mô tả họ như là một sắc dân táo bạo, liều lĩnh và chịu được gian khổ đang sống trong những căn lều tồi tàn... Họ là những người thô lỗ nhưng hiếu khách, dễ thương đối với người ngoại quốc, họ trung thực và cả tin. Họ gieo trồng ít ngô của người da đỏ, bí ngô, nuôi heo và nhiều khi họ có một hay hai con bò... Khẩu súng trường là phương tiện chống đỡ chính yếu của họ. Vốn rất khéo léo, lành nghề với cây rìu, cái bẫy và chiếc cần câu, những người này đốt dọn những con đường đi, dựng những căn lều đầu tiên bằng gỗ súc và đối chọi với những bộ lạc da đỏ bản địa có đất đai bị họ chiếm.
Khi ngày càng có nhiều cư dân nhập cư lọt sâu vào vùng đất hoang dã thì nhiều người đã trở thành các chủ trại cũng như thợ săn. Một căn nhà tiện nghi bằng gỗ súc với các cửa sổ lắp kính, một ống khói và các phòng riêng biệt đã thay thế cho chiếc lều gỗ, giếng nước đã thay thế cho dòng suối. Những người định cư siêng năng cần cù sẽ nhanh chóng dọn quang những vùng đất mọc đầy cây to bằng việc đốt gỗ lấy tro làm phân bón và để lại các gốc cây đã đốn mục nát. Họ trồng ngũ cốc, rau và quả; sắp xếp các cánh rừng để nuôi hươu, gà tây rừng và lấy mật; họ đánh cá ở những con suối gần nhà; chăm sóc đàn gia súc và heo. Những người đầu cơ đất đai mua những khoảnh đất rộng, rẻ, và nếu giá đất tăng họ bán những ruộng đất của họ đi và họ tiếp tục đi xa hơn nữa về miền Tây, mở đường cho những người khác.
Các thầy thuốc, luật sư, chủ cửa hàng, biên tập viên, nhà truyền giáo, thợ cơ khí và các nhà chính trị chẳng bao lâu sau đã đi theo các chủ trại. Tuy nhiên, các chủ trại là một cơ sở vững chắc. Ở những nơi họ định cư, họ có ý định ở lại và hy vọng con cái họ sẽ ở đó sau khi họ qua đời. Họ xây dựng những kho lúa lớn và những ngôi nhà gạch hay nhà khung. Họ mua gia súc giống đã cải tạo, cày cấy đất đai và gieo những loại hạt có năng suất cao. Một số người dựng những xưởng xay bột, xưởng cưa và lò cất rượu. Họ tạo nên những con đường chính rất bền tốt, họ xây những ngôi nhà thờ và trường học. Những biến đổi khó có thể tin được đã hoàn tất chỉ sau vài năm. Vào năm 1830 chẳng hạn, Chicago ở bang Illinois chỉ là một khu làng buôn bán với một pháo đài không có triển vọng gì; nhưng ngay một thời gian dài trước khi một số người định cư đầu tiên qua đời thì khu làng đó đã trở thành một trong số những thành phố rộng lớn nhất và giàu có nhất nước Mỹ.
Thật dễ dàng có thể sở hữu những trang trại. Sau năm 1820, đất của nhà nước có thể mua được với giá 1,25 đô-la cho một nửa héc -ta và sau Đạo luật Trang trại ban hành năm 1862 thì đất đó có thể có được chỉ cần bằng chiếm cứ và cải tạo thôi. Hơn nữa, những công cụ để canh tác đất đai cũng dễ kiếm. Đó là cái thời khi mà, theo câu nói của John Soule viết ra và được nhà báo Horace Greeley phổ biến, những người trẻ tuổi có thể tiến về miền Tây và lớn lên cùng đất nước.
Ngoại trừ việc di cư tới vùng Texas do Mexico sở hữu thì biên giới vùng nông nghiệp phát triển sang phía tây chỉ mãi tới năm 1840 mới qua miền Missouri. Vào năm 1819, để trả công cho việc đoạt được những quyền khai khẩn của công dân Mỹ với trị giá 5 triệu đô la, nước Mỹ đã đoạt từ tay Tây ban Nha cả vùng Florida lẫn quyền của Tây Ban Nha sở hữu khu vực Oregon ở miền Viễn Tây. Đồng thời, miền Viễn Tây đã trở thành khu vực hoạt động rộng lớn của việc buôn bán lông thú mà vốn dĩ có giá trị hơn nhiều so với da thú. Cũng như những ngày đầu tiên của cuộc thám hiểm của người Pháp ở thung lũng Mississippi, lái buôn là người mở đường cho dân định cư vượt qua sông Mississippi. Những thợ bẫy thú lấy da là người Pháp và người Xcotlen - Ai-len khi khảo sát những con sông lớn và các nhánh sông đã phát hiện ra những đoạn đèo trên các dãy núi Rocky và Sierra, từ đó dẫn tới việc di dân bằng đường bộ vào thập niên 1840 và sau này, mở ra khả năng khai khẩn vùng nội địa nước Mỹ.
Xét một cách toàn diện thì sự tăng trưởng của đất nước thật to lớn: dân số tăng từ 7, 25 triệu lên hơn 23 triệu từ năm 1812 đến năm 1852, đất đai sẵn có cho việc định cư tăng gần bằng diện tích châu Âu - từ 4, 4 triệu lên tới 7, 8 triệu km2. Tuy nhiên, vấn đề vẫn chưa được giải quyết đó là những cuộc xung đột căn bản giữa các địa phương mà cho đến những năm 1860 bùng nổ thành nội chiến. Một điều cũng không thể tránh khỏi là cuộc mở rộng sang miền Tây đã khiến dân nhập cư xung đột với dân bản địa của miền đất này là người da đỏ.
Vào đầu thế kỷ XIX, nhân vật kiệt xuất nhất gắn bó với những xung đột đó là Andrew Jackson, người miền Tây đầu tiên chiếm lĩnh Nhà Trắng. Vào giữa cuộc chiến tranh năm 1812, Jackson khi đó phụ trách lực lượng dân quân Tennesse đã được phái tới phía nam Alabama, tại đây ông đã đàn áp không thương xót cuộc khởi nghĩa của dân da đỏ Creek. Sau đó, người Creek đã nhượng hai phần ba đất đai của họ cho Hoa Kỳ. Sau này Jackson đã đánh tan những băng nhóm người da đỏ Seminole, khiến họ phải chạy khỏi những vùng trú ẩn của họ ở Florida do người Tây Ban Nha sở hữu.
Vào những năm 1820, Bộ trưởng Chiến tranh của Tổng thống Monroe, ông John C. Calhoun, đã theo đuổi chính sách lùa những bộ lạc còn lại ra khỏi miền Tây Nam cổ kính và tái định cư họ ở bên kia sông Mississippi. Jackson đã tiếp tục chính sách này với tư cách là tổng thống. Vào năm 1830, Quốc hội đã thông qua Đạo luật di chuyển người da đỏ, cung cấp tài chính để đưa các bộ lạc miền Đông qua sông Mississippi. Vào năm 1834, một vùng lãnh thổ đặc biệt của người da đỏ đã được thiết lập ở khu vực mà bây giờ là bang Oklahoma. Tính tổng cộng thì các bộ lạc đã ký 94 hợp đồng trong thời gian hai nhiệm kỳ của Jackson để nhượng quyền sở hữu hàng triệu hécta đất cho Chính phủ Liên bang và di dời hàng chục bộ lạc ra khỏi vùng đất chôn nhau cắt rốn của tổ tiên họ.
Có lẽ chương bi hùng nhất trong cuốn sử bất hạnh này liên can tới người da đỏ Cherokees mà đất đai của họ ở vùng phía tây bang Nam Carolina và bang Georgia đã được bảo đảm bằng hiệp ước từ năm 1791. Vốn là một trong những bộ lạc tiến bộ nhất trong các bộ lạc miền Đông, số phận người Cherokees đã được quyết định khi vàng được phát hiện trên đất đai của họ vào năm 1829. Người Cherokees đã bị bắt buộc phải tiến hành cuộc di chuyển lâu dài và hiểm nghèo tới Oklahoma vào năm 1835. Nhiều người đã chết vì bệnh tật và tình trạng vất vả, thiếu thốn trên con đường nổi tiếng mang tên Đoạn trường nước mắt.
MIỀN BIÊN ẢI, MIỀN TÂY VÀ TRẢI NGHIỆM CỦA NƯỚC MỸ
Biên giới - ranh giới giữa lãnh thổ đã có người định cư với vùng đất chưa có người ở - bắt đầu từ Jamestown và Plymouth Rock. Biên giới dịch chuyển về phía Tây suốt chiều dài gần 300 năm, băng qua những vùng đất hoang sơ, rợp bóng rừng và những đồng bằng trống trải cho đến khi cuộc điều tra dân số cứ mười năm một lần tiến hành năm 1890 cho thấy chí ít, Hợp chủng quốc không còn nhận thấy ranh giới phân chia định cư một cách rõ ràng nữa.
Vào thời đó, đối với nhiều người, một chương lịch sử dài đã khép lại - một chương sử mà ở đó đất nước đã vươn lên từ vài thương điếm nhỏ mang dấu ấn văn minh của người Anh tới vị thế của một quốc gia độc lập có bản sắc riêng. Người ta dễ dàng có thể tin rằng quá trình khai hoang và hậu khai hoang, cứ thế liên tục diễn ra khi người ta đi chinh phục một lục địa mới, chính là nhân tố quyết định tới sự phát triển của quốc gia non trẻ này.
Năm 1893, nhà sử học Frederick Jackson Turner, khi thể hiện một cảm xúc thường thấy ở nhiều người như ông hồi đó, đã tuyên bố chính miền biên giới đã khiến cho nước Mỹ không phải là một khúc thừa của châu Âu. Miền biên cương đã giúp tạo nên một dân tộc có văn hóa có lẽ thô ráp hơn của châu Âu nhưng giàu thực tế, nhiệt huyết, cá tính và dân chủ hơn. Sự tồn tại của những khu vực đất tự do rộng lớn đã giúp tạo nên một dân tộc có nhiều chủ sở hữu và là van an toàn cho những tâm tư uẩn khúc ở các thành phố và những nơi định cư quá đông. Những phân tích của ông hàm ý một nước Mỹ không có miền biên ải hẳn sẽ rất giống như một châu Âu rệu rã, với những chế độ xã hội bị phân tầng, xung đột giai cấp và hiếm có cơ hội tốt.
Sau hơn một trăm năm, các học giả vẫn còn tranh luận về tầm quan trọng của miền biên ải trong lịch sử Hoa Kỳ. Rất ít người cho rằng miền biên ải giờ đây vẫn còn mang ý nghĩa quan trọng quyết định như Turner đã nêu. Một số người thậm chí còn đi xa hơn bằng cách bác bỏ lập luận của Turner. Họ cho rằng ông đã lãng mạn hóa cả một quá trình lịch sử đẫm máu và nước mắt - với những dấu ấn như cuộc chiến chinh phục Mexico, cách thức đối xử gần như diệt chủng với các bộ lạc da đỏ và tàn phá môi trường. Họ cho rằng những hình ảnh thường thấy ở miền biên giới là chỉ là khổ ải và thất bại.
Dẫu vậy, thật khó có thể tin rằng ba thế kỷ dài trong phong trào Tây tiến lại không có tác động nào tới bản sắc dân tộc. Chúng ta hãy nhớ lại, những nhà quan sát đầy tinh tế người nước ngoài như học giả người Pháp Alexis de Tocqueville lại mê mẩn trước miền Tây Hoa Kỳ. Thực vậy, khu vực định cư cuối cùng ở biên giới - một vùng đất rộng thênh thang, trải dài từ Texas lên phía Bắc cho tới tận biên giới Canada mà ngày nay người Mỹ gọi chung là miền Tây - dường như vẫn mang những lý tưởng đặc trưng nhất về chủ nghĩa cá nhân, dân chủ và cơ hội hiện hữu rõ ràng hơn nhiều so với phần còn lại của nước Mỹ. Có lẽ chúng ta cũng có thể phát hiện thấy rằng nhiều người ở nhiều vùng đất khác, khi nghe thấy hai tiếng người Mỹ cũng đều liên tưởng ngay tới biểu tượng của vùng biên giới cuối cùng đó - "cao bồi".
Nguồn: http://www.maxreading.com/sach-hay/khai-quat-ve-lich-su-nuoc-my/gioi-thieu-3087.html