Lịch sử Do Thái

Cập nhật: 07/01/2017 Lượt xem: 11225

Lịch sử Do Thái

Phần 1. Người Do Thái trên vùng đất Israel (Canaan)

Lastman,_Pieter_-_Abraham's_Journey_to_Canaan_-_1614

Hình1: Hình minh họa từ Sách Joshua. Nguồn: Wikipedia.

Mọi sự đều sẽ hết, nhưng người Do Thái thì không. Tất cả các thế lực khác sẽ qua đi, nhưng Họ vẫn còn. Bí mật trong sự bất tử của Họ là gì?” – Văn hào Mark Twain

Sự ra đời của đức tin

Người Do Thái có nguồn gốc từ người Hebrew cổ đại xuất hiện tại Trung Đông vào 4.000 năm trước. Theo truyền thuyết, người Do Thái và người Ả Rập là con cháu dòng dõi từ Abram (tên lúc sinh của Abraham) là người đã vâng theo lời gọi của Thượng Đế rời bỏ quê hương ở thành Ur thuộc phía Bắc vùng Mesopotamia (Lưỡng Hà) – nay là Đông-Nam Thổ Nhĩ Kỳ, đến lập nghiệp tại xứ Canaan, một vùng đất kéo ngang từ bờ sông Jordan tới biển Địa Trung Hải ngày nay.

Đó là vào khoảng năm 2.000 TCN. Theo Sách Xuất Hành trong Kinh Thánh, Abram cùng gia đình rời bỏ quê hương ở Ur đi đến Harran. Tại đó, Abram đã nhìn thấy Thượng Đế trong giấc mơ và được Người chỉ đường tới vùng đất Canaan. Thượng Đế cũng lập Giao Ước với Abram rằng: “Ta là Thiên Chúa toàn năng, và Ta lập Giao Ước với ngươi. Ngươi sẽ là tổ phụ của nhiều dân tộc, và để đánh dấu Giao Ước này, ngươi sẽ đổi tên thành Abraham (có nghĩa là “cha của nhiều dân tộc”). Ta sẽ giữ lời hứa, và xứ Canaan sẽ thuộc về ngươi và dòng dõi của ngươi đời đời; và Ta sẽ là Thiên Chúa của họ.” Xứ Canaan về sau được gọi là Đất Hứa (Promised Land) là vì vậy. Abraham chấp nhận Giao Ước, và nguyện sẽ tôn thờ Thượng Đế – Đức Jehovah[1] – là Thiên Chúa duy nhất của vũ trụ.

Lịch sử của dân tộc Do Thái bắt đầu với câu chuyện của gia đình Abraham như thế. Họ trở thành một thị tộc (clan), rồi phát triển lớn hơn thành một bộ tộc (tribe), và cuối cùng cắm rễ để trở thành một dân tộc (nation) – dân tộc Do Thái.

Theo Kinh Thánh, Thượng Đế tạo nên trái đất, sau đó tạo ra con người. Tên của con người đầu tiên là Adam. Con cháu của Adam và Eva dẫn tới Noah.[2] Con trai lớn của Noah là Shem trở thành tổ tiên của các giống dân Do Thái và Ả-rập. Do đó, phát sinh danh từ ‘Semites’ để gọi chung người Do Thái và Ả-rập, có nghĩa là ‘con cháu của Shem’. Con cháu của Shem dẫn đến Abraham. Abraham cưới Sarah nhưng không có con cho nên Abraham lấy Hagar làm vợ thứ. Hagar sinh cho Abraham một con trai là Ishmael, và rồi cùng lúc người vợ đầu Sarah may mắn có bầu và sinh con trai đặt tên là Isaac. Sarah sau đó đòi Abraham đầy Hagar và Ishmael ra khỏi bộ tộc. Kinh Koran của Hồi giáo theo sát Kinh Thánh Cựu Ước cho đến thời điểm này nhưng bắt đầu tách ra từ đây. Theo Kinh Koran, Ishmael đi tới Mecca và con cháu của Ishmael phát triển mạnh khắp bán đảo Ả-rập và trở thành người Hồi giáo. Còn con cháu của Isaac vẫn ở lại Palestine và trở thành tổ tiên của người Hebrew mà sau này chúng ta gọi là Israelites rồi Jews, gọi chung trong tiếng Việt là người Do Thái. Trong rất nhiều thế kỷ người Hồi giáo và người Do Thái, mặc dù cùng chung một nguồn gốc, vẫn không hết thù ghét nhau phần lớn là do kỳ thị tôn giáo. Phải chăng đây là một lời nguyền nghiệt ngã mà Thượng Đế đã đặt lên số phận người Do Thái và người Ả Rập!

Tiếp tục với câu chuyện về gia đình Abraham. Sau khi Abraham chết, trách nhiệm lãnh đạo được truyền lại cho con trai của ông là Isaac, và rồi đến con trai của Isaac là Jacob. Jacob về phần mình có mười hai người con trai. Tất cả từ Abraham, Isaac, Jacob cho đến mười hai người con trai của Jacob được gọi là ‘tổ phụ (Patriarchs) tức là tổ tiên của dân tộc Do Thái. Chữ Israel lần đầu tiên được dùng trong Kinh Thánh có liên quan đến Jacob. Một đêm, Jacob nằm mơ vật lộn với một người lạ, và sau đó, chính người lạ ấy – hình bóng của Thượng Đế – đã chúc phúc và đặt cho Jacob cái tên Israel, có nghĩa là ‘Kẻ chiến đấu với Thượng Đế’. Kể từ đó, người Hebrew được gọi là Bnei Yisrael – ‘Son of Israel’ (Những người con của Israel) – hoặc Israelites.

Theo thời gian, từ dân tộc Do Thái đã ra đời ba tôn giáo lớn nhất và ảnh hưởng nhất trên thế giới, khởi đầu là Do Thái giáo vào khoảng năm 1500 TCN, tiếp theo là Ki-tô giáo được Chúa Jesus sáng lập vào giữa thế kỷ 1 như một nhánh ly khai từ Do Thái giáo, và sau đó là Hồi giáo được nhà tiên tri Muhammad sáng lập vào thế kỷ 6. Tuy nguyên thủy không phải là một nhánh ly khai từ Do Thái giáo hay Ki-tô giáo, Hồi giáo tự cho mình là sự tiếp nối hoàn hảo và thay thế cho hai tôn giáo nói trên. Sự ra đời của ba tôn giáo cùng những bản văn thiêng liêng đã tạo nên Kinh Thánh – cuốn sách được đọc rộng khắp nhất qua mọi thời đại. Kinh Torah của Do Thái giáo (hay còn được gọi là Kinh Cựu Ước theo Ki-tô giáo) đã đem lại nguồn cảm hứng cho 14 triệu tín đồ Do Thái giáo, hai tỷ tín đồ Ki-tô giáo, và được kể lại trong Kinh Koran cho 1,5 tỷ tín đồ Hồi giáo.

Canaan và người Canaan ( Canaanites)

Kết quả hình ảnh cho israel

Hình 1: Vị trí của nước Israen (màu đỏ)

Canaan nằm ở nơi giao nhau của các nền văn minh, kết nối ba châu lục Phi, Âu và Á. Nếu như ngày nay người ta tin rằng con người có nguồn gốc từ châu Phi, thì tổ tiên của tất cả người châu Á và châu Âu chắc chắn đã đi qua vùng đất này.

Khi các Đế quốc lần lượt nổi lên thì vùng đất Canaan trở thành địa điểm chiến lược. Nó trở thành một hành lang nằm giữa biển và sa mạc, cung cấp cho các đoàn thương nhân và các đạo quân chinh phục một con đường độc nhất xuyên giữa các quốc gia rộng lớn và hùng mạnh xung quanh. Những trận đánh dữ dội đã diễn ra trên và quanh vùng đất Canaan. Tất cả những điều này khiến Canaan trở thành lời nguyền cũng như phước lành cho các dân tộc nhỏ sống ở đó. Trong số các dân tộc này có tổ tiên của người Do Thái.

Có rất ít bằng chứng vật chất về người Do Thái đầu tiên. Phần lớn những điều chúng ta biết về người Do Thái là qua Kinh Torah – một tài liệu rất có khả năng thiếu sót nếu được xem là một tư liệu tham khảo lịch sử.

Như đã nói trong Kinh Thánh, sự tồn tại của người Canaan (gọi là Canaanites) của Palestine có thể được xác nhận, cũng như người Moabites, Amorites, và Edomites ở phía đông, vương quốc Aram ở phía bắc. Những bảng đất sét Ebla (Ebla Tablets) có chạm khắc trong khoảng thời gian rất sớm là năm 2350 TCN được đào thấy ở thành cổ Ebla thuộc miền Bắc Syria cho biết manh mối về người Canaan. Những lá thư giao dịch Mari (Mari Letters[3]) và Amarna (Amarna Letters[4]) đều viện dẫn đến những người du mục lang thang gọi là Habiru hay Apiru, tựa như rất giống người Hebrew. Habiru hoặc Apiru là tên gọi đã được tìm thấy trong các nguồn di tích khác nhau từ Sumerian, Ai Cập, Akkadian, Hittite, Mitanni, Ugaritic (trong khoảng thời gian giữa 1800-1100 TCN) cho một nhóm người xâm lăng du cư trong các khu vực của Fertile Crescent (vùng Lưỡi liểm Phì nhiêu) từ đông bắc Mesopotamia và Iran đến biên giới của Ai Cập ở Canaan. Tùy thuộc vào nguồn và thời đại, những người Habiru này được mô tả là dân du mục hoặc bán du mục, phiến quân, ngoài vòng pháp luật, cướp, lính đánh thuê, tôi tớ, nô lệ, lao động phục dịch, vv…

Một giả thuyết khá thuyết phục hiện nay cho rằng người Do Thái cổ đại mà chúng ta gọi là Hebrew là pha trộn của người Canaan và người Habiru, hoặc dân cướp Shasu Bedouin là những người sau này khẳng định có nguồn gốc từ Ur. Theo thời gian có vẻ như họ đã đạt tới biểu tượng của nền văn minh, với một ngôn ngữ mẹ đẻ tinh tế. Tiếng Hebrew thuộc cùng hệ ngôn ngữ Semitic[5] như tiếng Canaanite, Phoenician và Punic, nhưng cho đến nay chỉ có tiếng Hebrew là còn sót lại. Người Canaan cũng phát triển bảng chữ cái phụ âm đầu tiên của thế giới trong thế kỷ 18 và 17 TCN. Được phổ biến bởi người Phoenician thông qua thương mại, bảng chữ cái này hình thành các mẫu (template) cho các hệ thống mẫu tự Hebrew, và sau đó cho tiếng Hy Lạp, Latinh và tiếng Ả Rập.

Về chính trị, Abraham, Isaac và Jacob chỉ là những diễn viên nhỏ tại vùng đất Canaan giữa vô số những bộ lạc lớn hơn xung quanh. Trong suốt thiên niên kỷ thứ 2 TCN, Canaan chỉ là một tỉnh của một trong những cường quốc trong khu vực hồi đó: Ai Cập ở phía nam, Babylon[6] và Mesopotamia ở phía bắc. Những cường quốc này tự phụ là có những hệ thống quản trị tiên tiến, sở hữu công nghệ quân sự mới nhất, và buôn bán mở mang vượt ra khỏi biên giới. Không ai thoát khỏi ảnh hưởng của họ cả về vật chất như nghệ thuật và kiến trúc, cũng như tinh thần.

Những truyền thuyết và các chuẩn mực xã hội của Mesopotamia rõ ràng đã ảnh hưởng và đem lại màu sắc cho những phong tục tập quán của người Do Thái những ngày đầu.

Di cư đến Ai Cập

Pharaoh[7] Djoser [2650-2575 TCN] xây dựng kim tự tháp đầu tiên vào năm 2650 TCN tại Saqqara và khởi đầu cho Cổ Vương Quốc Ai Cập (Old Kingdom of Egypt) đóng đô tại Memphis. Cổ Vương Quốc đã bị tan rã trước tình trạng hỗn loạn vào năm 2180 TCN. Trong khoảng 200 năm, Ai Cập bị chia đôi thành Vương quốc miền Bắc và Vương quốc miền Nam và cuối cùng thống nhất thành Vương Quốc Ai Cập (Middle Kingdom of Egypt) vào khoảng năm 2000 TCN dưới quyền trị vì của Pharaoh Mentuhotep II đóng đô tại Thebes.

Sau năm 1800 TCN, bùng nổ kinh tế ở Ai Cập đã lôi kéo hàng ngàn người ngoại quốc di cư đến đây, trong đó có cả người Palestine. Họ lập nên những cộng đồng riêng và có cả vua riêng của họ.

Tại Canaan, một trăm năm sau Abraham, vào thời đại của Jacob, đất Canaan rơi vào cảnh mất mùa đói kém. Dân Do Thái lại phải tiếp tục di cư tìm kiếm những đồng cỏ mới. Lúc này, đất Ai Cập với phù sa sông Nile là vựa lúa của vùng Địa Trung Hải và là miền đất hứa cho các dân tộc quanh đó tìm đến khi gặp đói kém hoạn nạn. Toàn thể gia tộc của Jacob với nhân số khoảng 70 người dưới sự dẫn dắt của Jacob di cư sang Ai Cập. Chuyến đi tị nạn tưởng chỉ một đôi vụ mùa, ngờ đâu kéo dài tới 400 năm. Mười hai người con trai của Jacob phát triển thành 12 chi tộc sống ở Goshen, vùng đất phì nhiêu của Ai Cập, thuận lợi cho việc trồng trọt và chăn nuôi. Người Do Thái chuyển từ cuộc sống du mục sang cuộc sống định cư nông nghiệp. Rồi thời thế lại thay đổi, 70 người di dân nay phát triển thành hàng trăm ngàn người, và trở thành mối lo ngại cho người Ai Cập rằng sự phát triển của người Do Thái có thể gây tổn hại đến Đế chế Ai Cập. Các Pharaoh về sau quay lưng lại ngược đãi người Do Thái, bóc lột họ như nô lệ, ép họ phải đi lao dịch nặng nhọc và độc ác nhất là ra lệnh dìm chết tất cả những bé trai Do Thái mới lọt lòng nhằm dần dần tiêu diệt dân Do Thái.

Những tư liệu của Ai Cập chưa bao giờ đề cập đến sự tồn tại của người Do Thái dọc theo sông Nile. Thậm chí Kinh Thánh không nói gì trong quãng thời gian 400 năm giữa thời Joseph (con cả của Jacob) và Moses. Tuy nhiên điều đó không phải là không chứng minh sự có mặt của người Do Thái ở Ai Cập. Trong khoảng thời gian 1700-1550 TCN, một nhóm người gọi là Hyksos nổi lên và có vẻ như đã loại trừ tất cả các thủ lĩnh người bản địa. Câu hỏi rằng nhóm người này gốc gác ở đâu cho đến nay vẫn là một ẩn số. Một vài học giả cho rằng đó là người Semite, một vài người khác cho rằng đó là người Ấn-Âu (Indo-European) từ Anatolia (Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại). Nhiều sử gia, quay lại tham khảo sử gia Ai Cập Manetho (thế kỷ 3 TCN), suy luận rằng đó là người Do Thái.

Moses

Giữa hoàn cảnh nô lệ đầy khổ cực của người Do Thái, một cứu cánh đã đến, như một phép màu, đã giải cứu dân Do Thái khỏi ách nô lệ. Đó là sự xuất hiện của Moses vào khoảng thế kỷ 15-14 TCN.

Theo lời kể lại trong Kinh Thánh, Moses là một người kiệt xuất: nhà lãnh đạo dân tộc, nhà thông thái, người mang tư tưởng kiến thiết xã hội, người thầy thực tế, một con người đầy lòng trắc ẩn, cấp tiến, và đôi khi cũng là một bạo chúa. Moses là người đã dẫn dắt dân Do Thái trong cuộc hành trình Exodus ra khỏi Ai Cập. Moses cũng là người Hebrew đầu tiên đã có ảnh hưởng lên thế giới cổ đại. Người Hy Lạp đã xếp Moses đứng cùng hàng với các vị thần và anh hùng của họ.

Nguồn thông tin duy nhất mà chúng ta có về cuộc đời của Moses là từ Kinh Torah. Không có bất cứ một hé lộ nào về Exodus trong các tư liệu của Ai Cập. Tuy nhiên vị trí tâm điểm của Moses đối với Do Thái giáo là không thể chối cãi.

Tên gọi ‘Moses’ có thể có nguồn gốc Ai Cập. Theo lời kể trong Kinh Thánh, Moses được sinh ra ở Ai Cập, bố là Amram người Levite, và mẹ là Jochebed người Do Thái. Người Do Thái sống gần 400 năm trong sự hòa đồng với người Ai Cập trên vùng đất Goshen phía đông của đồng bằng sông Nile. Khi một Pharaoh mới lên cầm quyền và ra lệnh giết tất cả những trẻ sơ sinh trai Do Thái, người chị của Moses là Miriam đã dấu Moses trong một bụi cây bồ hoàng cho đến khi công chúa Thermuthis con gái Pharaoh phát hiện ra. Công chúa mang bé trai về cung và đặt tên là Moses. Từ đó Moses được nuôi dưỡng và lớn lên như một hoàng tử trong hoàng cung.

Một hôm, Moses giết chết một người lính Ai Cập khi chứng kiến người lính này đánh đập một người nô lệ Do Thái. Lo sợ bị phạt, Moses bỏ trốn hoàng cung chạy đến Ethiopia làm người chỉ huy quân đội. Sau đó ông di chuyển đến sa mạc Jordan làm người chăn cừu cho linh mục Jethro người Midianites. Trong thời gian này, Moses cưới con gái của Jethro, Zipporah, và sinh con trai là Gershom.

40 năm sau, liên quan đến Exodus, theo Sách Xuất Hành 2-3 (Kinh Thánh Hebrew), một lần trong khi Moses dẫn cừu đi sâu vào vùng núi thiêng Sinai (thuộc bán đảo Sinai của Ai Cập ngày nay), bỗng nhiên Thiên Chúa hiện ra ở giữa một bụi gai đang bốc cháy. Rồi Moses nghe tiếng Thiên Chúa nói, “Ta đã thấy nỗi thống khổ của dân ta ở Ai Cập, nơi họ đang bị đối xử như nô lệ. Ta sẽ giải phóng chúng khỏi đất nước tàn bạo đó, và ban cho chúng một mảnh đất khác tốt lành, đượm sữa và mật. Vì thế, ngươi, Moses, phải dẫn dắt dân ta ra khỏi Ai Cập về Miền Đất Hứa”.

Thế là Moses, cầm theo cây gậy linh thiêng của Thiên Chúa ban cho, cùng với vợ con lên đường trở lại Ai Cập đặng giải thoát dân Do Thái đang bị câu thúc. Biến cố ly kỳ này được ghi lại trong Sách Xuất Hành, mô tả chi tiết hành trình gian truân về Miền Đất Hứa (sử hiện đại gọi cuộc hành trình này là The Exodus) của khoảng bốn chục vạn dân Do Thái, chạy trốn khỏi Ai Cập, vượt qua Biển Đỏ (Red Sea), đi về hướng đông qua nhiều sa mạc hoang vu và lưu lạc ở đó suốt 40 năm, cuối cùng trở về chinh phục vùng đất Canaan mà Thượng Đế đã hứa cho họ từ thời Abraham. Riêng Moses, dù sống thọ đến 120 tuổi, Moses đã không được vào Miền Đất Hứa mà phải chết trong sa mạc.

Trong hành trình gian truân về Miền Đất Hứa, một sự kiện rất trọng đại đã xảy ra có liên quan đến ‘Mười Điều Răn’ (The Ten Commandments) của Thiên Chúa. Đó là thời điểm khi người Do Thái dừng chân tại vùng núi thiêng Sinai. Từ ngọn núi này, Thiên Chúa đã truyền ban Mười Điều Răn và Lề Luật cho dân Do Thái thông qua Moses. Mười Điều Răn tuyệt đối này, rất căn bản cho đời sống của người Do Thái giáo, được tìm thấy trong Sách Xuất Hành 20:1-17 và Sách Đệ Nhị Luật 5:6-21 của Kinh Thánh Hebrew.

Trước đây, Thượng Đế giao ước riêng với Abraham, còn lần này, Ngài giao ước với toàn thể dân tộc Do Thái qua những lần Moses lên đỉnh núi Sinai để trực tiếp gặp Ngài. Qua những lần gặp gỡ Thượng Đế, Moses chuyển giao lại cho dân tộc Do Thái các huấn thị của Ngài. Thượng Đế lúc này tỏ lộ danh xưng là ‘YHWH’, gọi là Jehovah, nghĩa là ‘Ta là kẻ ta là’. Và đặc điểm của Giao Ước lần này cũng rất rành rọt, đó là chừng nào dân Ngài chọn còn vâng lời Ngài, chừng đó họ sẽ được Ngài che chở.

Những tư liệu pháp lý liên quan đến sự kiện trên núi Sinai đã trở thành những tư liệu quan trọng nhất trong Kinh Thánh Hebrew. Theo Sách Sáng Thế, các nguyên lý căn bản của Do Thái giáo thực sự được mặc khải[8] tuần tự theo dòng dõi các tổ phụ, từ Adam đến Jacob. Tuy nhiên, Do Thái giáo thực sự được hình thành như là một tôn giáo chỉ khi Moses nhận lãnh Mười Điều Răn trên núi Sinai, cùng với hệ thống tư tế và các nghi thức thờ phụng tại Ngôi Đền Jerusalem sau khi dân tộc này được giải cứu khỏi Ai Cập.

Nhiều câu hỏi rằng tại sao Moses lại dẫn dắt đoàn người quẩn quanh trong sa mạc tới 40 năm trước khi trở về Miền Đất Hứa? Làm sao một dân tộc quen sống trong cảnh sung túc rồi chịu làm nô lệ hàng trăm năm có đủ tính cách và bản lĩnh để có thể chinh phục vùng đất trước mặt và xây dựng một quốc gia hùng mạnh trong tương lai? Làm sao Giao Ước của Thượng Đế, vốn thuần túy chỉ là những hứa hẹn, được pháp chế hóa thành luật lệ và thiêng liêng hóa trong những ràng buộc mang tính tôn giáo?

Theo truyền thống Do Thái giáo, để có đủ năng lực tiếp nhận Miền Đất Hứa và xứng đáng làm người chủ của nó, Moses đã buộc phải dẫn dắt dân Do Thái trải qua những cuộc thanh tẩy đạo đức cùng thao luyện nghiệt ngã trong suốt 40 năm trong sa mạc cho đến khi một thế hệ mới trưởng thành có đủ bản lĩnh để chinh phục Miền Đất Hứa. Moses được mô tả trong Thánh Kinh là một lãnh tụ tôn giáo, người công bố luật pháp, nhà tiên tri đầu tiên của Do Thái giáo. Ông được xem là người viết Kinh Torah (năm sách đầu tiên của Kinh Thánh Hebrew, còn gọi là Ngũ thư Kinh Thánh hay Ngũ kinh Moses) trong quãng thời gian 40 năm trong sa mạc. Moses còn được coi là một thiên tài quân sự và là một vị anh hùng dân tộc của người Do Thái. Buổi đầu sự nghiệp của ông khá giống với vua Cyrus Đại Đế – vị Hoàng đế khởi lập Đế quốc Ba Tư. Ông cùng với vua Cyrus Đại Đế đều đóng vai trò vô cùng lớn lao trong lịch sử của dân tộc mình.

Trên thực tế, ngoài những hiểu biết dựa theo các tài liệu trong Kinh Thánh Hebrew, chúng ta không có những tư liệu lịch sử đáng tin cậy khác về hành trình của Moses, và vì vậy những câu chuyện trong Kinh Thánh Hebrew cho ta cảm giác về những huyền thoại không xác thực. Chúng ta chỉ có thể phán đoán rằng khi Moses dẫn người Do Thái đến đỉnh núi Sinai thì ông ta chỉ làm theo tập tục lâu đời của người Ai Cập có hàng ngàn năm trước đó trong những cuộc viễn chinh săn tìm đá quí. Câu chuyện về cuộc sống lang thang 40 năm trong sa mạc cũng thế, thoạt nghe tưởng như khó tin, song giờ đây lại có vẻ hợp lý với một dân tộc quen sống du mục; và cuộc chinh phục xứ Canaan nói cho cùng chỉ là trường hợp một bộ tộc du mục đói khát tấn công một cộng đồng định cư yên ổn để giành đất sống. Sau hết, phải chăng cuộc đối thoại giữa Moses và Thượng Đế trên đỉnh núi Sinai cũng chỉ là cách Moses bầy đặt ra để dễ bề cai trị một đám dân du mục gồm hàng ngàn người cứng đầu cứng cổ trong hành trình Exodus đầy gian khó?

Khi đề cập đến câu chuyện 40 năm này, bà Golda Meir, người “đàn bà sắt” và cũng là thủ tướng thứ tư của Israel [1969-1974], đã có lần nói vui rằng: “Hãy để cho tôi nói cho các bạn nghe về một điều mà tôi chống lại Moses. Đó là ông ta đã dẫn dắt chúng tôi 40 năm lang thang trong sa mạc để rồi cuối cùng đưa chúng tôi đến một vùng đất ở Trung Đông (tức là Canaan) không có lấy một giọt dầu mỏ.”. Quả là một nghịch cảnh.

Trong những ngày cuối đời, Moses chuyển giao quyền lãnh đạo sang cho Joshua, con một người gác trại thân cận của Moses. Không chỉ là một nhà lãnh đạo quân sự, Joshua giờ có trong tay quyền lực qua phước lành của Moses. Nhưng liệu Joshua có thể tập hợp và gắn kết các bộ tộc với nhau hay không?

Bài viết được trích từ chương 1 cuốn sách “Câu chuyện Do Thái 2: Văn hóa, Truyền thống và Con người”, của tác giả Đặng Hoàng Xa, dự định xuất bản vào đầu năm 2016.

Chú thích:

[1] Jehovah: trong Kinh Thánh Torah, Jehovah là tên riêng của Thượng Đế, như đã mặc khải cho Moses trên núi Sinai [xem “Câu chuyện Do Thái: lịch sử thăng trầm của một dân tộc”].

[2] Noah: theo Sách Sáng thế, ông Noah đóng con tàu lớn mà ngày nay gọi là tầu Noah để tự cứu ông và gia đình, bảo tồn thế giới động vật, thực vật khỏi bị diệt vong bởi trận trừng phạt đại hồng thủy của Thiên Chúa.

[3] Mari Letters: là một bộ sưu tập các thư từ hoàng gia từ Mari, một nhà nước thành phố cổ trên sông Euphrates.

[4] Amarna Letters: thư từ ngoại giao, trên bảng đất sét, chủ yếu giữa chính quyền Ai Cập và đại diện của họ ở Canaan và Amurru trong khoảng thời gian những năm 1300 TCN.

[5] Semitic là nhóm các ngôn ngữ có liên quan với nhau được nói bởi 470 triệu người tại Tây Á, Bắc Phi, và Sừng châu Phi. Chúng là một nhánh của họ ngôn ngữ Phi-Á. Ngôn ngữ Semitic được nói nhiều nhất hiện nay là tiếng Ả-rập, Amharic, Hebrew, Tygrinia và Aramaic.

[6] Babylon: một thành quốc của Lưỡng Hà cổ đại, nằm ở Al Hillah, tỉnh Babil, Iraq, khoảng 85 km về phía nam thủ đô Baghdad (Iraq). Tất cả những gì còn lại của thành phố Babylon cổ đại nổi tiếng ngày nay chỉ còn là một gò đất…

[7] Pharaoh: tước hiệu của vua Ai Cập cổ đại.

[8] mặc khải: là một từ thần học hay được dùng trong Ki-tô giáo, có nghĩa là vén mở ra bức màn bí mật để cho thấy một điều gì đó.

Phần 2. Trở về Cannaan

Book_of_Joshua_Chapter_6-7_(Bible_Illustrations_by_Sweet_Media)

Hình 2: Hình minh họa từ Sách Joshua. Nguồn: Wikipedia.

Sách Joshua (The Book of Joshua – cuốn thứ 6 trong Kinh Thánh Hebrew), kể lại chuyện đoàn người Do Thái do Joshua dẫn đầu đã vượt sông Jordan và bao vây thành cổ Jericho,[1] rồi thổi vang kèn chiến thắng và kéo đổ tường thành vào ngày thứ bảy của cuộc tấn công. Câu chuyện trên được viện dẫn từ Kinh Thánh. Còn chuyện thực là như thế nào?

Cuộc tấn công Canaan của người Do Thái – sự thực hay hư cấu?

Bằng chứng khảo cổ cho thấy rằng các bức tường thành Jericho đã đổ rất lâu trước khi người Israel trở về. Một số học giả đặt câu hỏi cuộc tấn công quân sự của người Do Thái như mô tả ở trên có thực sự xảy ra hay không, và tin rằng người Do Thái đã mất tới trên 2 thế kỷ để xâm nhập Canaan. Những lời kể về cuộc chinh phục Canaan của Joshua trong các Sách Dân số (The Book of Numbers – cuốn thứ 4 trong Kinh Thánh Hebrew), Sách Joshua (The Book of Joshua – cuốn thứ 6 trong Kinh Thánh Hebrew), và Sách Thủ Lĩnh (The Book of Judges – cuốn thứ 7 trong Kinh Thánh Hebrew) cho thấy những bất đồng.

Tuy nhiên những hình ảnh trong Kinh Thánh cũng có những giá trị nhất định. Những khai quật cho thấy rằng những thành phố của Canaan như Lachish, Kiryat-Sepher và Eglon ở phía nam, Bethel ở giữa, và Hazor, một thành phố ở cực bắc, tất cả đều bị phá hủy vào cuối thế kỷ 13 TCN. Các bằng chứng khác khẳng định rằng cuộc tấn công vùng đồi núi Canaan đã xảy ra bắt đầu từ phía đông sang phía tây là ăn khớp với câu chuyện trong Kinh Thánh.

Ngôi Đền tại Shechem, một thành phố của Canaan, nơi mà Abraham được Thiên Chúa hứa cho Canaan một thiên niên kỷ trước, không có dấu hiệu bị phá hủy. Điều này nhất quán với khẳng định trong Sách Joshua rằng người Do Thái không bị cản trở trong cuộc tấn công ở đó. Xâu chuỗi tất cả những bằng chứng từ khảo cổ, các nguồn Kinh Thánh và địa chính trị của thời gian đó, chúng ta có thể dựng lại câu chuyện như sau.

Người Do Thái xuất hiện từ Sinai và đi vào khu vực Transjordan,[2] chuẩn bị tiến vào Canaan từ phía đông. Họ trang bị vũ khí nhẹ và mệt mỏi sau 40 năm trong sa mạc. Cuộc tấn công vào các thành phố được phòng thủ kiên cố của Canaan dường như bị thất bại. Thêm nữa, người Canaan tổ chức quân đội theo kiểu tập đoàn quân (field army), vì thế các trận đánh đối diện trực tiếp trên chiến trường theo kiểu qui ước của người Do Thái không mang lại kết quả.

Do vậy, người Do Thái thay đổi chiến thuật sang chiến tranh du kích. Họ lấy được các thành phố Bethel, Ai và Gibeah bằng cách giả vờ rút lui và gài gián điệp vào thành Jericho trước khi bao vây. Thông thường người Do Thái sử dụng phương thức ngoại giao để chia rẽ các dân tộc khác nhau của Canaan. Thí dụ như họ lập được hiệp ước với người Hivites của thành phố cổ Gibeon và các thành phố lân cận, giúp họ phòng thủ khi bị bốn thành bang (city-states) của Canaan tấn công.

Các đợt tấn công

Có thể chia các cuộc tấn công của người Do Thái thành hai đợt. Đợt tấn công thứ nhất do các bộ tộc Rachel thực hiện (Rachel là tên người vợ chính của Jacob), dưới sự lãnh đạo của Ephraim và Manasseh thuộc gia đình Joseph (Joseph là con đầu của Jacob). Họ tiến quân qua các vương quốc Moab và Edom của Transjordan. Sau khi vượt qua sông Jordan và lấy được Jericho, họ trèo lên dãy núi và vượt qua ngọn Ephraim. Từ đó tỏa ra theo các hướng khác nhau.

Đợt tấn công thứ hai là của thế hệ tiếp theo. Các bộ tộc Leah (Leah là tên của người vợ thứ của Jacob) do Judah lãnh đạo (Judah là con thứ hai của Jacob). Sau khi đánh bại người Amorites, họ tiến vào Canaan về phía bắc của Jericho và tiếp tục di chuyển về hướng dãy núi Judaean Hills và vùng đồng bằng Shefelah Plain gần bờ biển. Trong khi đó, các thị tộc không phải Do Thái nhưng có quan hệ với Judah như Calebites, Kenites, và Kenizzites giúp đỡ họ chiếm Hebron và Sa mạc Negev.

Sách Joshua nói rằng người Do Thái tiêu diệt 12 thành phố pháo đài, nhưng thừa nhận rằng còn lâu mới có thể khống chế toàn bộ khu vực. Sau những thắng lợi ban đầu, tình thế bị đảo ngược và người Do Thái bị đẩy ra khỏi các đồng bằng ven biển vào vùng đồi núi khô cằn.

Canaan đa sắc tộc

Người Do Thái sống cạnh các dân tộc khác ở Canaan. Ở biên giới phía bắc là người Phoenician, phía đông là người Ả Rập và các dân du mục Semitic khác như là Ammonites. Vào khoảng năm 1175 TCN, một nhóm người mới xuất hiện làm đảo lộn trật tự sắc tộc vốn rất mong manh của Canaan. Đó là người Philistines, một giống dân tiến bộ định cư dọc theo bờ biển phía nam của Canaan, tiền thân của người Palestine sau này.

Lúc này 12 con trai của Jacob (theo thứ tự sinh), Reuben, Simeon, Levi, Judah, Dan, Naphtali, Gad, Asher, Issachar, Zebulun, Joseph and Benjamin trở thành tổ tiên của mười hai bộ tộc Israel, trừ trường hợp của Joseph, người có hai con trai Manasseh và Ephraim đã được Jacob nhận làm con nuôi và trở thành danh xưng (eponym) của bộ tộc, theo Genesis 48. Tên của các bộ tộc này là: Reuben, Simeon, Levi, Judah, Zebulun, Issachar, Dan, Gad, Asher, Naphtali, Joseph and Benjamin. Trong 12 bộ tộc này, bộ tộc được các độc giả hiện đại biết đến nhiều nhất là bộ tộc Judah.

Hình 3. Bản đồ Canaan cổ với 12 bộ tộc. Nguồn: Wikipedia.

Cuộc sống trên Miền Đất Hứa

Sách Joshua và Sách Thủ Lĩnh mô tả cuộc sống buổi đầu của người Do Thái sau khi trở về Canaan là một xã hội nghèo, nông nghiệp, tổ chức theo bộ tộc và bình đẳng. Những khai quật khảo cổ trong Hậu kỳ Thời đại Đồ đồng đã xác nhận những mô tả này. Người Do Thái tổ chức xã hội dựa trên một hệ thống chính quyền cộng hòa lỏng lẻo, gọi là edah, giống như hội đoàn hay hội đồng. Ranh giới các bộ tộc dịch chuyển theo thời gian dựa trên các tranh chấp với láng giềng. Tranh chấp biên giới nội bộ rất hiếm khi xảy ra, tuy nhiên Sách Joshua có ám chỉ bóng gió đến sự ly khai giữa các bộ tộc miền bắc và nam.

Từ liên minh bộ tộc sang chế độ quân chủ

Lúc đầu, người Do Thái không có vua. Họ chỉ liên kết với nhau dựa vào những điều răn của Thiên Chúa và chung sống dựa vào sự hiểu biết Thiên Chúa của họ. Từ khoảng năm 1200 TCN cho tới năm 1047 TCN, các bộ tộc người Do Thái sống bằng nghề canh nông và chăn nuôi, được tổ chức và cai trị không phải theo nguyên tắc nhà nước mà theo chế độ gia trưởng phụ quyền. Người đứng đầu cao tuổi nhất trong mỗi tộc họ tham dự vào hội đồng bô lão, đây là tòa án đưa ra phán xét cuối cùng trong bộ tộc. Các lãnh đạo của bộ tộc được gọi là thủ lĩnh, hay còn gọi là thẩm phán (judge), có trách nhiệm đặc biệt phân xử về đất đai, hôn nhân và các sự việc liên quan tới lề luật. Đồng thời, họ còn lãnh đạo những cuộc hành quân phối hợp giữa các bộ tộc trong những trận đánh với các dân tộc xung quanh, đặc biệt với quân Philistine.

Như đã đề cập ở trên, sự xuất hiện của người Philistines vào khoảng năm 1175 TCN đã làm đảo lộn trật tự sắc tộc vốn rất mong manh của Canaan. Trong khi người Do Thái và người Canaan sau nhiều căng thẳng đạt được thỏa thuận về những khu vực ảnh hưởng và ngưng chiến thì người Philistines đã xuất hiện và đe dọa sự ổn định hòa bình của khu vực. Ngày nay từ ‘Philistines’ ám chỉ cho một cái gì đó quê mùa, nhưng người Philistines thời đó thực sự rất có tài về nghệ thuật. Họ cũng là giống người thông minh trong nghệ thuật chiến tranh. Người Philistines đã sớm biết sử dụng kiếm sắt và mũ đồng như trong Sách Samuel (The Book of Samuel – cuốn thứ 8 của Kinh Thánh Hebrew) đã miêu tả về người chiến binh Philistines khổng lồ Goliath. Tuy nhiên, mặc dù người Philistines rất cẩn mật dấu diếm cách sản xuất vũ khí của họ, người Do Thái vẫn ăn cắp được những bí mật này và sao chép lại.

Sau khi ổn định định cư dọc theo bờ biển phía nam của Canaan, từ những địa điểm dọc bờ biển như Gaza, Gath, Ashkelon, Ekron và Ashdod, người Philistines bắt đầu lấn sang vùng đất nội địa của Canaan. Các bộ tộc người Do Thái ở phía nam liên tiếp bị người Philistines tấn công [1180-1150 TCN]. Tình trạng tranh chấp và chia rẽ giữa các bộ tộc cùng với những xung đột với các dân tộc bản địa xung quanh đặc biệt là với người Philistines dần dà vượt ra ngoài tầm giải quyết của các thủ lĩnh. Đã tới lúc người Do Thái đòi hỏi cần phải có một chính quyền trung ương, dưới sự cai trị của một vị vua. Thế là Saul [1043-1010 TCN] trở thành vị vua đầu tiên của Vương quốc Thống nhất Israel. Tiếp theo là David [1002-970 TCN] là con rể của Saul, và sau đó là Solomon [970-931 TCN], con trai của David.

Israel chuyển dịch từ chế độ liên minh bộ tộc sang chế độ quân chủ.

Bài viết được trích từ chương 1 cuốn sách “Câu chuyện Do Thái 2: Văn hóa, Truyền thống và Con người”, của tác giả Đặng Hoàng Xa, dự định xuất bản vào đầu năm 2016.

Phần 3. Những vị vua vĩ đại ban đầu Saul, David, Solomon

Jerus-n4i

Hình 4. Hình: Mô hình Đền Jerusalem được phục dựng năm 1966. Nguồn: Wikipedia. 

Saul là một nông dân thuộc bộ tộc Benjamin, là bộ tộc chịu rất nhiều tổn thất do những cuộc tấn công của người Philistines. Tại thời điểm khi người Do Thái đòi hỏi cần phải có một chính quyền trung ương dưới sự cai trị của một vị vua, và sau rất nhiều lựa chọn khó khăn, Saul đã được nhà tiên tri Samuel xức dầu[1] và trở thành vị vua đầu tiên của Vương quốc Thống nhất Israel gồm 12 bộ tộc [1052 TCN]. Saul rất hiểu hoàn cảnh lúc đó của người Do Thái, và theo Sách Samuel, Saul rất thành công trong việc chiến đấu với kẻ thù từ mọi phía – người Philistines, Edomites và Ammonites, người Gibeonites, và người du mục Moabites. Trong thời gian trị vì, Saul và vị tổng chỉ huy quân đội đã xây dựng nên lực lượng quân đội chuyên nghiệp đầu tiên của Israel gồm các đơn vị dựa trên đặc điểm của các bộ tộc và lãnh thổ. Tuy nhiên, theo Sách Samuel, Saul đã đôi lần không vâng lời nhà tiên tri Samuel và cuối cùng thì Samuel đã tuyên bố rằng Thiên Chúa đã từ chối Saul trong vai trò của một vị vua. Đến thời điểm này thì “nhân vật” David bước vào câu chuyện của cung đình.

David, sau này trở thành con rể của Saul, thuộc bộ tộc Judah và là một người có biệt tài ngâm thơ. David đồng thời cũng là một tài năng lớn về quân sự. Theo lời kể trong Sách Samuel, David giết chết người khổng lồ Goliath của Philistines chỉ với một hòn đá và súng cao su [1024 TCN]. Trong vai trò lãnh đạo quân đội, David luôn giành thắng lợi ở trong bất cứ trận đánh nào mà Saul phái tới. Mỗi lần trở về từ các trận đánh, phụ nữ nhẩy múa và không tiếc lời ca ngợi David, tôn vinh chàng như một anh hùng quân đội vĩ đại hơn cả Saul. Điều này khiến Saul rất tức giận và ghen tuông trong nỗi lo sợ rằng David sẽ giành ngôi của mình. Lo sợ bị Saul ám hại, David phải bỏ trốn cùng với nhóm người thân tín của mình. Saul giết tất cả những ai đã che dấu David (1011 TCN).

Thiếu cánh tay quân sự tài ba của David, vài năm sau, trong một trận đánh với người Philistines tại núi Gilboa, quân đội của Saul chịu thất bại thảm hại và Saul tự vẫn (1010 TCN). Xác của Saul bị treo trên những bức tường của thành Beth She’an và được chôn ở Zelah. Con trai của Saul, Ish-Boshet, nối ngôi vua Israel được hai năm [1007-1005 TCN].

Sau cái chết của Saul, bộ tộc Judah ly khai khỏi sự cai trị của Gia đình Saul (House of Saul) bằng cách tôn vinh David làm vua của Judah [1010-1002 TCN]. Chiến tranh giữa Ish-Boshet và David xảy ra sau đó với thắng lợi luôn nghiêng về phía David. Năm 1005 TCN, đội quân du kích của David đánh bại các lực lượng chính thống của Ish-Boshet. Năm 1002 TCN, David thống nhất Vương quốc Israel. Lịch sử Do Thái bước vào một giai đoạn mới dưới sự trị vì của David [1002-970 TCN]. Ngôi sao sáu cánh đặc biệt của David (David Star) đã trở thành biểu tượng của dân tộc Do Thái, cùng với những bài thánh vịnh bất hủ của ông.

Vua David qua đời năm 970 TCN, nối ngôi là hoàng tử Solomon, một học giả đầy trí tuệ. Thời đại Solomon thịnh trị, thu phục được lòng tin của lân bang, mở rộng ngoại thương tới các xứ xa. Về mặt kinh điển, Kinh Torah được ghi thành văn bản dưới triều đại Solomon. Về mặt xây dựng đất nước, Solomon đã chia Israel thành 12 khu vực thuế và phát triển Vương quốc thành một trung tâm buôn bán hùng mạnh và thịnh vượng. Solomon đã mở rộng đất đai bằng tài đàm phán và ngoại giao của ông hơn là những người tiền nhiệm đã thực hiện bằng chiến tranh. Biên giới đế quốc của Solomon trải dài từ sông Nile đến sông Euphrates bao trùm cả những kẻ thù cũ, gồm cả Philistines. Bằng chứng về sự mở rộng của vương quốc đã được tìm thấy vào năm 1902 với việc phát hiện những di tích của Ir Ovot, một pháo đài cao nguyên ở Sa mạc Negev, miền Nam Israel. Di tích này được các nhà khảo cổ xác định là thuộc vào thế kỷ 10 TCN.

Tài năng thiên phú của David và Solomon còn được thể hiện nổi bật trong thi ca. Các thánh kinh trong Kinh Torah bao gồm nhiều đoạn văn được cho là của David và Solomon, nổi tiếng nhất là các thánh vịnh (Sách Thánh Vịnh – Book of Psalms – cuốn thứ 14 trong Kinh Thánh Hebrew), nơi mà thiên tài thi ca và niềm đam mê tôn giáo của David đã thể hiện một cách rõ nét. Các giáo sĩ Do Thái (Rabbis) cũng tin rằng Sách Châm Ngôn (Book of Proverbs – cuốn thứ 15 trong Kinh Thánh Hebrew) chính là tài hoa của Solomon.

Năm 960 TCN dưới thời Vua Solomon, Ngôi Đền Jerusalem đã được khởi công xây dựng, hoàn thành vào năm 825 TCN và được xem là kỳ quan đệ nhất của thế giới thời đó, hoàn thành giấc mơ dang dở của Vua David. Có thể nói thời đại David-Solomon là thời kỳ huy hoàng nhất trong lịch sử Israel. Nó vĩnh viễn là một hoài niệm đầy tự hào của dân Do Thái suốt mấy ngàn năm.

Vương quốc Thống nhất Israel bị chia đôi, Ngôi đền Jerusalem bị phá hủy lần thứ nhất (586 TCN): Ly tán lần thứ nhất

David và Solomon đã trở nên bất tử trong cả ba đức tin độc thần giáo, nhưng từ góc độ lịch sử, cái chết của Solomon đã để lại một khoảng trống dẫn đến sự chia cắt của Vương quốc Thống nhất Israel.

Trong nhiều thập kỷ, 10 bộ tộc phương Bắc không cảm thấy dễ chịu chấp nhận David là vua của họ. Sang đến thời Solomon, nhờ vào trí tuệ và sự khéo léo cho nên Solomon mới có thể tạm gắn kết những bộ tộc gây gổ này lại với nhau. Lý do chính của sự chia cắt là va chạm giữa Rehoboam, con trai và cũng là người kế thừa Solomon, và Jeroboam, một phiến quân thuộc bộ tộc Ephraim trong triều đình của Solomon. Năm 922 TCN, một cuộc nổi loạn đã chia Vương quốc Israel thành hai tiểu vương quốc. Jeroboam, người không thuộc hoàng tộc David, lãnh đạo cuộc nổi loạn của mười bộ tộc phương Bắc lập nên nước Israel lấy thủ đô là Samaria (gọi là Vương quốc Israel phương Bắc hay Vương quốc Samaria). Chỉ còn lại hai bộ tộc Judah và Benjamin trung thành với hoàng tộc David làm thành nước Judah ở phương Nam, nơi có Ngôi Đền Jerusalem, lấy thủ đô là Jerusalem.

Vương quốc Israel phương Bắc [930-720 TCN] chỉ tồn tại được khoảng 200 năm. Năm 720 TCN, Vương quốc Israel phương Bắc bị xâm lăng bởi Đế quốc Assyria (một cường quốc ở vùng Mesopotamia, tọa lạc tại thượng nguồn sông Tigris với thủ đô là Niniveh). Tất cả mười bộ tộc của Vương quốc Israel phương Bắc bị giết, bị lưu đày, và biến mất khỏi lịch sử. Lịch sử gọi sự kiện này là ‘Mười bộ tộc thất lạc’ (The Lost Ten Tribes).

Vương quốc Judah phương Nam [930-586 TCN] tồn tại lâu hơn trong sự lệ thuộc vào người Assyria rồi cuối cùng cũng bị các đạo quân xâm lăng Babylon hủy diệt vào năm 586 TCN. Thành phố Jerusalem bị tàn phá, Ngôi Đền Jerusalem bị san thành bình địa, dân nước Judah hoặc bị giết hoặc bị lưu đầy sang Mesopotamia, đặc biệt là tới thủ phủ Babylon. Sự kiện này đánh dấu lần ly tán thứ nhất của dân tộc Do Thái cổ và cũng đánh dấu sự kết thúc thời kỳ được sách vở gọi là ‘Ngôi Đền thứ Nhất’ [825-586 TCN].

Mười bộ tộc thất lạc

Chuyện gì đã xảy ra với 10 bộ tộc phương Bắc bị thất lạc cho đến nay vẫn là một bí ẩn. Nhiều người chạy tị nạn từ Israel xuống Vương quốc Judah phương Nam. Những người khác có thể pha trộn với những người phi Do Thái ở Samaria và trở thành Samaritans[2] hoặc trộn lẫn vào quỹ gen (gene-pool) của người Kurd ngày nay… Hậu duệ của 10 bộ tộc thất lạc này dường như xuất hiện ở khắp mọi nơi. Người Do Thái Ethiopia cũng như người Do Thái Yemen tự cho là con cháu của bộ tộc Dan. Bằng chứng cũng cho thấy rằng bộ tộc linh mục (priestly sect) thuộc vùng Lemba của Nam Phi có dấu hiệu di truyền của bộ tộc linh mục Kohanim của người Do Thái. Một nhóm ở Ấn Độ gọi là Shimlung nói họ là dòng dõi của bộ tộc Manasseh. Thậm chí một số người không phải Do Thái cũng tự nhận có tổ tiên thuộc 10 bộ tộc Israel đã mất…

Chúng ta sẽ quay trở lại vấn đề hấp dẫn này trong Chương II: nguồn gốc và phân loại nhân chủng Do Thái.

Lưu đày ở Babylon và trở về: Thời kỳ tự trị Do Thái

Năm 720 TCN có vẻ như đã đánh dấu sự sụp đổ của Do Thái giáo. Vương quốc Israel phương Bắc bị Đế quốc Assyria xâm chiếm. Tất cả 10 bộ tộc của Vương quốc phương Bắc biến mất khỏi lịch sử.

Vương quốc Judah phương Nam [930-586 TCN] bị các đạo quân xâm lăng Babylon hủy diệt vào năm 586 TCN. Số phận dân tộc Do Thái dường như đã xuống đến đáy. Nếu có một thời điểm nào đó trong lịch sử Do Thái giáo mà mọi ý nghĩa dường như cạn kiệt thì chính là lúc này. Người Do Thái giáo quằn quại trong đau khổ và tuyệt vọng. Đức tin của dân Do Thái đã trải qua một cuộc thử thách nặng nề khi họ chứng kiến cảnh Ngôi Đền bị tàn phá và bản thân họ bị lưu đày sang Babylon. Các nhà tiên tri giải thích rằng đây là một hình phạt về tội bất trung của người Do Thái với Giao Ước. Không phải là Thiên Chúa bỏ rơi người Do Thái, nhưng là người Do Thái đã bỏ Ngài, khi họ tìm sự nương tựa nơi các thế lực ngoại bang và ngay cả khi việc thờ phụng của họ dường như chỉ mang tính chất hình thức trống rỗng.

Thế nhưng trong hoàn cảnh hầu như tuyệt vọng ấy, các tiên tri vẫn nhắc nhở dân Do Thái hãy bình tâm tín thác vào Thiên Chúa: Thiên Chúa là đá tảng của sự tin cậy. Nếu không làm được điều này có nghĩa là người Do Thái đã mặc nhiên chấp nhận một logic là thượng đế của kẻ thắng mạnh hơn thượng đế của kẻ bại, cũng có nghĩa là dấu chấm hết cho lòng tin vào Thiên Chúa và cũng là dấu chấm hết cho dân tộc Do Thái. Các nhà tiên tri Do Thái đã từ chối logic đó và chính sự từ chối đó đã cứu vớt tương lai cho đất nước Do Thái. Một vị tiên tri Do Thái giáo vào thế kỷ 6 đã ghi lại rằng thượng đế của người Babylon Marduk đã không thể đánh bại được Đức Jehovah; và lịch sử vẫn thuộc về vương quốc của Ngài.

Tuy nhiên cuộc sống lưu đầy tại Babylon lại đã làm nảy sinh những hạt mầm mới, những truyền thống mới: đó là sự xuất hiện một tầng lớp tinh hoa trong xã hội và từ đây các học giả tôn giáo, các nhà hiền triết trỗi dậy trở thành lãnh tụ tinh thần của người Do Thái. Bắt đầu từ thời điểm này Babylon từng bước dần trở thành trung tâm sinh hoạt mới của người Do Thái bên ngoài Palestine. Điều này ảnh hưởng sâu sắc đến lịch sử của dân tộc Do Thái, đặc biệt là đối với sự phát triển của văn minh Do Thái.

Năm 538 TCN, người Ba Tư chinh phục Đế chế Babylon và người Do Thái trở thành thần dân của Đế quốc Ba Tư. Hoàng đế Ba Tư là Cyrus nhận thấy cần xây dựng một cứ điểm tại Palestine – vùng đất trọng yếu như một cầu nối giữa Tây Á và Bắc Phi. Nơi đây vừa có thể làm bàn đạp lý tưởng để tấn công Ai Cập, vừa có thể dùng làm vùng đệm chống lại sự xâm lăng từ phía Đông của Hy Lạp. Do vậy nên Cyrus quyết định ban hành chỉ dụ trả lại tự do cho người Do Thái đang sống ở Babylon, cho phép họ quay trở lại đất tổ Judah. Ngôi Đền được xây dựng lại. Bản văn cuối cùng của Kinh Thánh Hebrew được soạn thảo. Việc xây dựng lại Ngôi Đền Jerusalem mất khoảng 20 năm; lễ khánh thành Ngôi Đền vào năm 515 TCN đánh dấu bắt đầu thời kỳ mà sách vở gọi là ‘Ngôi Đền thứ Hai’. Sau khi trở về từ Babylon, người Do Thái đã phỏng theo giáo chế của Ba Tư mà xây dựng nên một giai cấp tư tế mà nền tảng là các học giả giáo sĩ Do Thái, từ đó hình thành một thực tiễn chính trị tôn giáo hợp nhất điển hình trong lịch sử tôn giáo Do Thái.

Về việc phân chia giai đoạn, trong các sách lịch sử Do Thái, khoảng thời gian từ năm 3000-538 TCN được gọi là Thời Kỳ Kinh Thánh (Bible Time), và bốn thế kỷ tiếp theo từ năm 538-60 TCN được gọi là Thời Kỳ Tự Trị Do Thái. Thời gian từ 60 TCN – 1948 CN gọi là Thời kỳ Nước ngoài Cai trị.

Tiếp theo sau sự thống trị của Ba Tư vào thế kỷ 5 TCN, Canaan rơi vào tay Đế chế Macedonia của Alexander Đại Đế [336-323 TCN]. Trong sự nghiệp chinh phục vĩ đại chưa từng có trong lịch sử của Alexander Đại Đế, Đế chế Macedonia trải dài một vùng lãnh thổ rộng lớn khắp châu Á, châu Âu và châu Phi. Sau khi Alexander chết năm 323 TCN, do bị bệnh hay ngộ độc gì đó, Đế chế Macedonia rơi vào cảnh tranh giành hỗn loạn và chia thành bốn vùng. Tướng Ptolemy Soter và Seleucus cuối cùng nắm quyền kiểm soát Ai Cập và Syria, lập nên các vương triều của riêng mình: nhà nước Ptolemaic với thủ đô ở Ai Cập ở phương nam và nhà nước Seleucid với thủ đô ở Syria ở phương bắc. Palestine ngẫu nhiên trở thành vùng đất tranh chấp của hai vương triều này. Chỉ trong quãng thời gian 17 năm từ 319-302 TCN, Jerusalem bảy lần đổi chủ. Cả hai vương triều này duy trì chính sách tuyên truyền và phổ biến văn hóa Hy Lạp đối với Palestine trong một phong trào gọi là Hy Lạp hóa (Hellenism). Ptolemy thắng thế cho đến năm 198 TCN, khi Antiochus III [223-187 TCN], một vị vua năng động dòng họ Seleucid, chinh phục và kiểm soát toàn bộ Palestine. Trong thời kỳ này, nhiều người Do Thái di cư xuống Ai Cập.

Cũng trong thời kỳ này, việc kết hợp văn hóa truyền thống Do Thái với văn hóa Hy Lạp đã có một ảnh hưởng không nhỏ đối với văn minh Do Thái và giúp người Do Thái tạo nên một nền văn hóa độc đáo của riêng mình vừa mang đặc trưng của người Do Thái vừa mang đặc trưng của người Hy Lạp.

Khi người Syria dòng Seleucid áp đặt nhiều biện pháp nhằm đàn áp tôn giáo và việc thực hành tôn giáo của người Do Thái trên vùng đất Palestine, một cuộc khởi nghĩa của người Do Thái đã nổ ra vào năm 166 TCN dưới sự lãnh đạo của Maccabees. Cuộc khởi nghĩa thắng lợi và nghĩa quân dành được quyền kiểm soát Judea (tên gọi của vương quốc Judah trong tiếng Hy Lạp và La Mã), lúc đó là một tỉnh của Đế chế Seleucid. Maccabees lập nên triều đại Hasmoneans trị vì trong khoảng thời gian 164-63 TCN. Họ khẳng định lại tôn giáo của người Do Thái, một phần bằng cách chuyển đổi cưỡng bức, đồng thời mở rộng biên giới của Judea bằng các cuộc chinh phục và giảm bớt ảnh hưởng của Hy Lạp hóa (Hellenism) và Do Thái giáo Hy Lạp hóa (Hellenistic Judaism).

Thời điểm này là kết thúc của Thời Kỳ Tự Trị Do Thái.

Ngôi đền Jerusalem bị phá hủy lần thứ hai (70 CN): Ly tán lần thứ hai

Cùng trong thời gian này vào thế kỷ 2 TCN, từ một vương quốc lạc hậu được thành lập vào năm 753 TCN với các khu định cư xung quanh Palatine Hill dọc theo sông Tiber ở miền Trung Italia, La Mã đã phát triển thành một đế chế hùng mạnh chưa từng thấy trên thế giới trước đó. Sau khi đánh bại Đế chế Macedonia và Seleucid vào thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, La Mã đã trở thành người thống trị của Địa Trung Hải, mở ra lối vào Trung Đông. Người La Mã bắt đầu để mắt đến Judea.

Tại Palestine, từ năm 60 CN trở đi, Vương quốc Hasmoneans của Israel bị suy yếu bởi các mâu thuẫn bên trong và rơi vào sự thống trị của người La Mã. Tuy nhiên sự chuyên chế và tàn bạo của Đế quốc La Mã đã khiến người Do Thái liên tục vùng lên phản kháng vũ trang. Vào năm 66, mâu thuẫn giữa người Do Thái và người La Mã ở Judah đã lên đến đỉnh điểm và biến thành cuộc nổi dậy của người Do Thái chống lại La Mã. Ban đầu người Do Thái chiếm ưu thế, nhưng chiều hướng thay đổi vào năm 68. Người La Mã dưới sự lãnh đạo của vua La Mã Titus đã giành lại quyền chủ động và vào mùa hè năm 70, quân La Mã đánh bại quân khởi nghĩa Do Thái tại Jerusalem. Hàng ngàn người Do Thái bị giết hoặc bị bắt làm nô lệ. Ngôi Đền Jerusalem bị san bằng. Cuộc khởi nghĩa thất bại và một phần lớn người Do Thái bị lưu đầy và phân tán đi khắp các miền của Đế quốc La Mã. Sự kiện này đánh dấu lần ly tán thứ hai và cũng đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ Ngôi Đền thứ Hai [515 TCN – 70 CN] và sự sụp đổ của Judea trong vai trò trung tâm sinh hoạt của người Do Thái. Từ thời điểm này người Do Thái bắt đầu một cuộc sống lưu vong trên khắp các quốc gia trên thế giới kéo dài gần 2.000 năm. Người Do Thái một lần nữa tự hỏi liệu họ có thể tồn tại và vượt qua những khó khăn này hay không.

Dưới sự cai trị của Đế quốc La Mã [70-313] và sau đó là Đế quốc Byzantine[3] [313-636], cộng đồng Do Thái trên Vùng đất Israel vẫn tiếp tục duy trì và phát triển các nền tảng giáo dục, văn hóa và luật pháp riêng của mình. Luật pháp Do Thái quan tâm đến mọi khía cạnh của cuộc sống, đã được ghi lại trong Sách Mishna (thế kỷ 2) và được giải thích trong Sách Talmud (thế kỷ 3-5). Các luật này, về sau có một số phần được sửa đổi lại cho phù hợp với hoàn cảnh, ngày nay vẫn được những người Do Thái giáo tuân thủ.

Sau đó, suốt từ thế kỷ 7 cho đến 1948, Canaan lần lượt rơi vào tay người Ả Rập [636-1091], sau đó là người Seljuk [1091-1099], quân Thập Tự Chinh [1099-1291], quân Mamluk [1291-1516], người Thổ Nhĩ Kỳ thời Đế chế Ottoman [1517-1917], và cuối cùng là Anh Quốc [1917-1948].

Cùng thời gian này ở bên ngoài Vùng đất Israel, kéo dài suốt 2.000 năm tính cho đến 1948 là năm mà Nhà nước Israel tuyên bố độc lập trên mảnh đất Palestine, cộng đồng người Do Thái lưu vong trôi nổi trong cuộc hành trình lưu lạc tới mọi miền đất còn lại của thế giới.

Bài viết được trích từ chương 1 cuốn sách “Câu chuyện Do Thái 2: Văn hóa, Truyền thống và Con người”, của tác giả Đặng Hoàng Xa, dự định xuất bản vào đầu năm 2016.

Ghi chú:

[1] Xức dầu (anointing) diễn tả hành động xoa dầu trên cơ thể, hay đổ dầu lên đầu nhằm một mục đích nào đó. Việc xức dầu bao gồm nhiều mục đích và ý nghĩa khác nhau. Trong thời Cựu Ước, xức dầu được xem là một nghi thức quan trọng nhằm để xác chứng rằng: người được xức dầu được Đức Chúa Trời chỉ định để thi hành một sứ mệnh đặc biệt.

[2] Samaritans là một nhóm sắc tộc-tôn giáo của Levant, hậu duệ của cư dân Semitic cổ của khu vực.

[3] Đế quốc Byzantine (Byzantine Empire) [330-1453]: còn gọi là Đế quốc Đông La Mã đóng đô ở Constantinople (nay là Istanbul, thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ).

Phần 4. Những dấu ấn văn hóa lớn

pb-121111-rabbis-cannon.photoblog900

Hình 5: Các rabbi trong một lần họp mặt tại Brooklyn, Hoa Kỳ, 2012. Nguồn: NBC.

Thời đại của các Ngôn Sứ [thế kỷ 8 – thế kỷ 5 TCN]

Một phần ba của Kinh Thánh Hebrew được viết bởi các ngôn sứ hay còn gọi là tiên tri (prophets). Theo ngữ nghĩa, nevi’im, trong tiếng Hebrew là ngôn sứ hay tiên tri, tức là người phát ngôn thay mặt Thiên Chúa, nhân danh Thiên Chúa. Họ có đặc sủng nhìn thấy những viễn ảnh qua sự linh ứng của Thiên Chúa. Ngoài chức năng nhân danh Thiên Chúa, ngôn sứ còn đóng những vai trò chính trị quan trọng trong xã hội, là người tư vấn cho hoàng gia, khởi xướng tình cảm quốc dân và hướng dẫn đạo đức cho xã hội. Nói cách khác, ngôn sứ là người đại diện cho lương tâm của Thiên Chúa, bênh vực cho công lý và con người.

Trong truyền thống Do Thái giáo, Adam, Moses, Samuel, Joshua đều là những ngôn sứ vĩ đại nhất trong lịch sử Do Thái giáo. Tuy nhiên, theo sự đồng thuận của người Do Thái thì thuật ngữ ‘ngôn sứ chuyên nghiệp’ (professional prophets) nhằm ám chỉ ba vị đại ngôn sứ và 12 tiểu ngôn sứ. Các đại ngôn sứ là Isaiah, Jeremiah và Ezekiel. 12 tiểu ngôn sứ là Hosea, Joel, Amos, Obadiah, Jonah, Micah, Nahum, Habbakuk, Zephaniah, Haggai, Zechariah và Malachi. Mỗi đại ngôn sứ viết một cuốn trong các Sách Ngôn Sứ (Nevi’im), 12 tiểu ngôn sứ đóng góp chung một cuốn. Một vài ngôn sứ khác như Neriah, Baruch và Huldah có được nhắc đến trong Kinh Thánh.

Isaiah

Isaiah là một ngôn sứ đặc biệt được người Do Thái nhắc đến nhiều nhất. Ông sống trong thời đại đen tối nhất trong lịch sử Do Thái, thế kỷ 8 TCN. Ông đã chứng kiến người Assyria phá hủy Vương quốc Israel phương Bắc, một bi kịch đã được phản ánh qua những vần thơ chua xót của ông. Isaiah là ngôn sứ trong suốt bốn vương triều của Judah – Uzziah, Jotham, Ahaz và Hezekiah.

Isaiah chỉ trích mạnh mẽ sự tôn thờ cá nhân. Ông đi một bước xa hơn các ngôn sứ khác khi khẳng định rằng Thượng Đế từ chối nghi lễ của người Do Thái nếu người thực hành tôn giáo là hung ác và không chính trực. Có lẽ lời nói mạnh mẽ nhất của Isaiah là về việc xây dựng Vương quốc của Thượng Đế trên trái đất, đó là khi hòa bình ngự trị và “gươm giáo được rèn lại thành lưỡi cầy”. Liên Hiệp Quốc đã sử dụng câu nói này như một lời tuyên ngôn không chính thức.

Những bài học trong thời kỳ lưu đày ở Babylon [586-538 TCN]

Người Do Thái xem cuộc lưu đày tới Babylon là sự trừng phạt của Thượng Đế. Tuy nhiên, cuộc sống ở Babylon không quá nghiệt ngã như thời kỳ nô lệ ở Ai Cập. Nhiều người Do Thái trở thành nhà buôn, cho vay tiền, thợ thủ công, chủ đất. Vua Jehoiachin của Judah cũng có một ghế cạnh Merodach, con trai của Nebuchadnezzar – vua của Đế chế Babylon.

Người Do Thái học được nhiều điều từ người Babylon. Các yếu tố lý thuyết mới được sàng lọc vào Do Thái giáo – sự di cư của linh hồn, các thiên thần, những khái niệm đầu tiên về thời kỳ Đấng Cứu Thế đang đến. Người Do Thái cũng hấp thu tư tưởng của Trí Thức giáo (Gnosticism[1]), còn gọi là Thuyết Ngộ Đạo…

Người Do Thái xứ Babylon được phép tự do thực hành đức tin của họ, và các nhà thông giáo (scribes) bắt đầu công việc quan trọng là sao chép lại những văn bản thánh (holy texts). Dần dần những nhà thông giáo này thay thế cho các tiên tri, và tầng lớp Rabbis (giáo sĩ Do Thái) đầu tiên đã ra đời cùng với các Hội Đường Do Thái (synagogues). Những thay đổi về tổ chức xã hội được khuyến khích: sự phân chia bộ tộc kiểu cũ ở Israel bị hủy bỏ và một cảm giác thống nhất về ‘bản sắc Do Thái’ đã hình thành.

Những cải cách quan trọng dưới thời Ezra [480-440 TCN]

Năm 538 TCN, sau khi người Ba Tư chinh phục Đế chế Babylon, Hoàng đế Ba Tư là Cyrus đã ban hành chỉ dụ trả lại tự do cho người Do Thái đang sống ở Babylon, cho phép họ quay trở lại đất tổ Judah. Ngôn sứ Isaiah đã tôn vinh Hoàng đế Cyrus là ‘người chăn cừu của Thượng Đế’ và ‘người được xức dầu’ qua hành động này. Khoảng hơn 40 ngàn người Do Thái đã từ Babylon quay trở về Judah. Tuy nhiên, những người mới trở về phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và Judah chỉ thực sự ổn định sau khi Ezra và Nehemiah trở về Jerusalem vài thế hệ sau đó. Những nhân vật có khả năng lôi cuốn này đã cải thiện đức tin của người Do Thái, tổ chức lại một hệ thống nhà nước và luật pháp đúng đắn, và định hình khuôn khổ cuối cùng của Kinh Thánh – một khởi đầu có tính chất quyết định hơn cả việc xây dựng lại Ngôi Đền.

Trong Sách Ezra (The Book of Ezra – cuốn thứ 23 trong Kinh Thánh Hebrew), Ezra cũng được gọi là ‘Ezra nhà thông giáo’ (Ezra the Scribe) và ‘Ezra Linh mục’ (Ezra the Priest). Có thể nói rằng, sau tất cả những thăng trầm, Ezra là người đã giúp thiết lập lại trật tự của Judah. Ông đã triệu tập Kresset HaGedolah, hoặc ‘Đại Hội Đồng’, và tổ chức này đã trở thành cơ quan lập pháp chính thức của Judah. Kresset HaGedolah đã điều hành mọi hoạt động của Judah thay cho quốc vương cho đến thế kỷ 2 TCN. Một điểm nhấn quan trọng trong thời kỳ này là 120 thành viên Kresset HaGedolah đã qui điển hóa Tanakh. Một vài thành viên đã đóng góp viết các văn bản thánh, như Ezra, Nehemiah, và nhà tiên tri cuối cùng, Malachi.

Năm 445 TCN, 13 năm sau khi Ezra trở về Judah, Nehemiah, quan châm rượu cho Vua Artaxerxes I của Ba Tư, trở thành thị trưởng của Judea thuộc Ba Tư. Là một nhà ngoại giao tài ba và một người cấp tiến, Nehemiah đã thuyết phục Vua Ba Tư cho phép người Do Thái xây dựng tường thành Jerusalem. Ông là nhân vật chính trong Sách Nehemiah của Kinh Thánh Hebrew, trong đó mô tả những việc làm của ông trong quá trình xây dựng lại Jerusalem trong thời kỳ Ngôi Đền thứ Hai.

Ezra và Nehemiah là hai tính cách trái ngược nhau. Một người bảo thủ và sùng đạo. Một người cấp tiến và trí tuệ. Tuy nhiên cả hai là một sự kết hợp tuyệt vời đã đem lại sức sống cho Judah và giúp dọn sạch những bợn nhơ của xã hội. Họ đã cùng ngồi đọc toàn bộ Kinh Torah giữa công chúng và tuyên bố rằng đó là hiến pháp của người Do Thái. Cùng với nhau, họ đã tạo dựng nên một nền tảng căn bản của đời sống Do Thái mà có thể cho là đã kéo dài cho đến ngày nay.

Kinh Thánh Hebrew được qui điển hóa

Trong thời kỳ Ezra, Kinh Thánh Hebrew (Hebrew Bible) – Tanakh – được qui điển hóa và trở thành kinh sách căn bản của Do Thái giáo. Thuật ngữ Tanakh được tạo thành từ những chữ đầu trong tiếng Hebrew của ba bộ sách: Torah (Sách Lề Luật), Nevi’im (các Sách Ngôn Sứ hay Sách Tiên Tri) và Ketuvim (các Sách Văn Chương); và là thuật ngữ thích hợp để mô tả kinh điển của Do Thái giáo; còn các thuật ngữ như Kinh Thánh Hebrew (Hebrew Bible) hoặc Kinh Cựu ước (Old Testament) thường được sử dụng bởi những người không phải Do Thái. Tanakh nguyên thủy được soạn bằng tiếng Hebrew, còn Kinh Cựu ước (Old Testament) và Kinh Tân ước (New Testament) của Ki-tô giáo được viết bằng tiếng Koine Greek (còn gọi là Alexandrian dialect hay Hellenistic Greek là một dạng chung của tiếng Hy Lạp được sử dụng trong suốt thời cổ Hy Lạp và La Mã). Tanakh bao gồm 24 cuốn sách, còn Kinh Cựu ước có nhiều hơn và bao gồm cả 24 cuốn của Tanakh nhưng sắp xếp theo một thứ tự khác.

Những cuốn sách tạo thành Tanakh được phát triển trong khoảng một thiên niên kỷ. Các văn bản cổ nhất dường như đến từ thế kỷ 11 hay thế kỷ 10 TCN, trong khi hầu hết các văn bản khác được phát triển sau đó. Đây là những sưu tập của các tác phẩm đã được chỉnh sửa từ các nguồn khác nhau và được gắn kết lại một cách vô cùng tỉ mỉ và cẩn thận. Còn riêng thuật ngữ “Kinh Thánh” mãi đến thế kỷ 4 sau CN mới được giáo chủ John Chrysostom [347-407] sử dụng. Ông đặt tên cho tất cả các sách Thánh của người Do Thái là Kinh Thánh. Để giữ cho văn hóa tôn giáo của mình không bị đồng hóa, người Do Thái coi việc học Kinh Thánh là một vũ khí và thông qua việc dạy con trẻ đọc Kinh Thánh để duy trì sự tồn tại của bản sắc dân tộc Do Thái.

Kinh Torah, còn gọi là Ngũ thư Kinh thánh hay Ngũ kinh Moses, là phần thiêng liêng nhất trong toàn bộ Kinh Thánh Hebrew vì nó chứa đựng lời của Thiên Chúa ban truyền lại cho người Do Thái qua Moses. Kinh Torah gồm năm cuốn sách đầu tiên của Kinh Thánh Hebrew – Sách Sáng Thế (Genesis), Sách Xuất Hành (Exodus), Sách Levi (Leviticus), Sách Dân Số (Numbers), Sách Đệ Nhị Luật (Deuteronomy). Đôi khi thuật ngữ Torah cũng hàm ý toàn bộ Kinh Thánh Hebrew.

Sách Ngôn Sứ (hay Sách Tiên Tri), theo truyền thống Do Thái, được chia thành 8 sách. Các bản dịch hiện nay lại chia chúng thành 17 sách. Theo thời gian, Sách Ngôn Sứ được chia làm hai phần: Ngôn Sứ Sớm và Muộn. Phần Ngôn Sứ Sớm gồm bốn sách: Sách Joshua, Sách Thủ Lãnh (Books of Judges), Sách Samuel I và II, và Sách Các Vua (Books of Kings) I và II. Phần Ngôn Sứ Muộn gồm bốn sách: Sách Isaiah, Sách Jeremiah, Sách Ezekiel, và một cuốn được viết bởi 12 Tiểu Ngôn Sứ.

Sách Văn Chương gồm 11 sách: ba sách thi ca – Thánh Vịnh (Book of Psalms), Sách Châm Ngôn (Book of Proverbs), Sách Job (Book of Job); năm sách Thánh Thi (Megillot) – Sách Nhã Ca (Song of Songs), Sách Ruth (Book of Ruth), Sách Ca Thương (Book of Lamentations), Huấn Ca (Ecclesiastes), Sách Esther (Book of Esther); và ba sách của Daniel, Ezra- Nehemiah, Sử Biên Niên I và II (Chronicles I và II) cũng của Ezra.

Theo mô hình được Ezra xây dựng 2.500 năm trước, Torah được đọc tại các Hội đường Do Thái theo chu kỳ của năm, trong các ngày thứ hai, thứ năm và thứ bảy (ngày Shabbat). Cùng với phần Torah, người Do Thái cũng ngâm các đoạn ngắn trong Sách Ngôn Sứ, Thánh Vịnh, hay Sách Châm Ngôn. Những đoạn ngâm này được chọn lọc để phù hợp với phần kinh Torah được giảng, và thường giúp cho các Rabbis (giáo sĩ Do Thái) thêm tài liệu cho bài thuyết giáo của mình.

Các phần khác của Kinh Thánh cũng được chọn đọc trong các ngày lễ hội. Các trích đoạn từ Thánh Vịnh, Sách Ngôn Sứ, Sách Châm Ngôn, và sau này bổ xung thêm các thơ ca thời trung cổ không nằm trong Kinh Thánh, được đọc trong những buổi lễ hàng ngày như shacharit (buổi sáng), mincha (buổi trưa), và ma’ariv (buổi chiều).

Ảnh hưởng của văn minh Hy Lạp cổ đại trong thời kỳ Hellenism

Hellenism, còn gọi là ‘thời kỳ Hy Lạp hóa’ trong tiếng Việt, là một thuật ngữ thường được sử dụng bởi các nhà sử học để chỉ thời kỳ Hy Lạp cổ đại và lịch sử Địa Trung Hải từ sau cái chết của Alexander Đại Đế năm 323 TCN cùng với sự nổi lên của Đế chế La Mã biểu hiện qua trận đánh Actium vào năm 31 TCN tới cuộc chinh phục tiếp theo của triều đại Ai Cập Ptolemaic năm tiếp theo. Tại thời điểm này, ảnh hưởng văn hóa và quyền lực của Hy Lạp đang ở đỉnh cao ở châu Âu, châu Phi và châu Á.

Cho đến thế kỷ 4 TCN, trục chính của quyền lực chính trị Trung Đông chạy dọc từ bắc xuống nam – đó chính là cuộc chiến giành ảnh hưởng giữa Ai Cập và bất cứ ai kiểm soát Mesopotamia. Tuy nhiên, vị thế này đã bị sụp đổ với sự xuất hiện của một lực lượng mới đầy sức mạnh từ phương Tây. Đó chính là Hy Lạp, nói đúng hơn đó là phong trào ‘Hy Lạp hóa’ do người Hy Lạp điều khiển. Sự nổi lên của Hy Lạp trong thời kỳ này cho thấy một thách thức trí tuệ đáng sợ đối với người Do Thái thậm trí trước khi Alexander chinh phục khu vực Levant.[2]

Văn hóa Hy Lạp đã thâm nhập vào Trung Đông qua thương mại từ rất lâu trước thời Alexander Đại Đế. Hy Lạp đã mang đến một cách nhìn mới mẻ về thế giới, thách thức trí tuệ tất cả các dân tộc Levant bao gồm cả người Do Thái. Về mặt chính trị, tại Athens dưới thời Pericles thế kỷ 5 TCN, đã có một sự đổi mới về dân chủ. Các nhà viết kịch Hy Lạp lần đầu tiên thừa nhận ý tưởng về những lựa chọn đạo đức đang đối mặt mỗi cá nhân. Còn các triết gia thì bắt chước lời kêu gọi về ‘con người là thước đo của tất cả mọi thứ’. Các trường phái triết học liên tiếp ra đời, từ những môn đệ của Socrates, Plato, và Aristotle, tới những người theo chủ nghĩa hoài nghi, đã áp dụng các phương pháp có lý tính đối với những vấn đề sâu sắc nhất về đạo đức, chính trị và siêu hình.

Nhiều khía cạnh của văn hóa Hy Lạp như những tiếng chuông báo thức đối với người Do Thái: sự khoan dung đối với việc khỏa thân nơi công cộng và đồng tính; sự nẩy sinh của những hình ảnh thần thánh; tinh thần duy lý đem đến sự nghi ngờ về mặc khải của Thiên Chúa (divine revelation); và quan niệm về một nền văn minh dân chủ. Một số người Do Thái chống lại sự siết chặt của văn hóa Hy Lạp cổ đại trong nỗi lo sợ rằng nền tảng của Do Thái giáo sẽ bị hư hại. Họ lý giải rằng sự đồng hóa sẽ trừ tuyệt người Do Thái như một dân tộc đặc biệt. Tuy nhiên, một số khác chào đón sự tinh tế của văn hóa Hy Lạp.

Nhà truyền bá tích cực nhất của văn hóa Hellenism chính là Alexander Đại Đế. Alexander không phải người Hy Lạp, mà là con trai của Philip, vua của Macedonia, một tỉnh lệ thuộc Hy Lạp nằm ở vùng Balkans. Philip chinh phục Hy Lạp năm 338 TCN và bị ám sát hai năm sau đó. Khi còn nhỏ, Alexander Đại Đế đã từng theo học nhà triết học nổi tiếng của Hy Lạp là Aristotle, do vậy ông đặc biệt nhiệt thành truyền bá văn hóa Hy Lạp tới các dân tộc trong đế chế của ông. Năm 22 tuổi, ông thề sẽ hoàn thành giấc mơ của cha mình trong việc mở rộng sang phía Đông. Trong 10 năm, đánh đâu thắng đó, Alexander đã chinh phục Đế chế Ba Tư, bao gồm cả Tiểu Á, Syria, Palestine, Phoenicia, Ai Cập, Bactria và Lưỡng Hà và mở rộng biên cương đế chế của ông đến tận Punjab thuộc Ấn Độ ngày nay. Nhờ các cuộc chinh phục của Alexander Đại đế mà nền văn minh Hy Lạp cổ đại được phát triển mạnh mẽ từ Trung Á đến tận phía tây của Địa Trung Hải, mở đầu cho nhiều thế kỷ định cư và thống trị của người Hy Lạp trên nhiều vùng đất xa xôi, một giai đoạn được gọi là thời kỳ Hy Lạp hóa – Hellenism – như đã nói trên.

Trong giai đoạn Hellenism, nhiều người Do Thái được khuyến khích di cư sang Ai Cập. Ở đây họ phát triển thịnh vượng, xây dựng các Hội đường Do Thái và bắt đầu nói tiếng Hy Lạp. Ai Cập trở thành trung tâm sinh hoạt lớn thứ hai của người Do Thái lưu vong sau Babylon.

Vai trò của tầng lớp Rabbis (Giáo sĩ Do Thái)

Do Thái giáo và kể cả dân tộc Do Thái không bao giờ có thể sống sót nếu truyền thống Rabbis không được thiết lập. Trong suốt 2000 năm đằng đẵng lưu đầy, chính các Rabbis – những tinh hoa tri thức của dân tộc Do Thái – luôn xuất hiện từ thế hệ này qua thế hệ khác là những người đã kiên tâm giữ gìn những giá trị truyền thống của Do Thái giáo và giúp các cộng đồng Do Thái giáo gắn kết thành một sức mạnh thần thánh. Có thể nói nỗ lực không biết mệt mỏi này của các Rabbis là một trong những điều kì diệu của lịch sử và chính điều kỳ diệu này là nhân tố chính giúp cho Do Thái giáo trở thành mảnh đất tinh thần vững chắc trên đó đất nước Israel đã được xây dựng và nở hoa cho đến ngày nay.

Vậy thì ai là Rabbi đầu tiên và tên gọi ‘Rabbi’ nghĩa là gì?

‘Rabbi’ (số nhiều là ‘Rabbis’) trong tiếng Hebrew là ‘người thầy vĩ đại’. Trong tiếng Việt chúng ta dịch là ‘giáo sĩ Do Thái’. Danh hiệu chuyên nghiệp này (professional rabbi) đầu tiên được áp dụng cho Yehuda HaNasi. Ông là một giáo sĩ Do Thái sống trong thế kỷ 2 [135-217] và là người biên soạn Sách Mishna (còn gọi là Mishnah) – bản tóm lược đầu tiên bằng văn bản của ‘Khẩu Luật’ hay ‘Torah Nói’ (Oral Torah) của Do Thái giáo. Ông cũng là một nhà lãnh đạo chủ chốt của cộng đồng Do Thái trong suốt thời kỳ La Mã chiếm đóng Judea.

Tuy gọi Yehuda HaNasi là Rabbi đầu tiên, nhưng sự thực thì tầng lớp Rabbis đã được hình thành rất sớm trong thời kỳ người Do Thái lưu đầy ở Babylon khoảng thế kỷ 5 TCN, bắt nguồn từ các nhà thông giáo là những người làm công việc đơn thuần là sao chép lại những văn bản thánh. Theo như đã ghi lại trong Kinh Thánh Hebrew, Yehuda HaNasi biên soạn Mishna vảo khoảng năm 200 CN.

Theo truyền thống Do Thái, việc giám hộ Kinh Torah được thực hiện qua việc chuyển giao trí tuệ từ thế hệ trước xuống thế hệ sau, từ các tổ phụ xuống các bậc huynh trưởng, rồi xuống các ngôn sứ, Kresset HaGedolah (Đại Hội Đồng), và cuối cùng là các Rabbis cho đến ngày nay. Tín điều của Đại Hội Đồng đã trở thành châm ngôn của các ngôn sứ: “Hãy kiên nhẫn trong xét đoán, đào tạo nhiều môn sinh, và xây dựng một hàng rào xung quanh Torah”.

Một truyền thống khác liên quan đến Rabbis là việc phát triển trí tuệ của người Do Thái thông qua việc chọn lọc trong sinh đẻ, nôm na là “tạo giống”. Khác với các dân tộc khác, người Do Thái đã luật hóa việc tạo giống, đặt ra mục đích cụ thể thay cho việc tạo giống tự nhiên. Trong truyền thống Do Thái giáo, Rabbis là những người được chọn từ những người thông minh nhất. Thêm vào đó, do có uy tín và địa vị trong xã hội, các Rabbis rất dễ dàng lựa chọn hôn thê từ những gia đình có gia thế, học thức. Do những chọn lọc này, con cái của các Rabbis thường rất xuất chúng, giống như cha mẹ của chúng.

Xã hội Do Thái khuyến khích các Rabbis có con, thậm chí có nhiều con để sản sinh nhiều tài năng cho xã hội. Kinh Thánh Hebrew thậm chí còn khuyên mọi người là nếu có tiền của thì hãy tìm cách cho con cái mình lấy con gái của các học giả. Kinh Thánh khuyến khích người Do Thái sinh nhiều con, cho rằng sinh 13 con thì sẽ có nhiều may mắn. Nhưng đồng thời Kinh Thánh cũng đặt ra “phanh hãm” đối với người nghèo, người ít học là sinh con nhưng phải đảm bảo các điều kiện kinh tế và tài chính. Chính nhờ “phanh hãm” này mà người nghèo, người ở tầng lớp thấp không sinh đẻ tràn lan, khiến số người này chiếm tỷ lệ ngày một ít đi trong so sánh tương đối với những người có gien tốt, hoặc có điều kiện vật chất tốt hơn. Trải qua hàng ngàn năm chọn lọc có mục đích như vậy nên việc có được nhiều gien tốt trong người Do Thái là điều dễ hiểu.

Bài viết được trích từ chương 1 cuốn sách “Câu chuyện Do Thái 2: Văn hóa, Truyền thống và Con người”, của tác giả Đặng Hoàng Xa, dự định xuất bản vào đầu năm 2016.

Ghi chú:

[1] Gnosticism: Thuyết Ngộ Đạo (từ tiếng Hy Lạp cổ đại: gnostikos γνωστικός, “học”, từ Gnosis γνῶσις, kiến thức) mô tả một tập hợp các tôn giáo cổ xưa xa lánh thế giới vật chất – mà họ xem như được tạo bởi các đấng tạo hóa – và chấp nhận thế giới tâm linh.

[2] Levant là một thuật ngữ lịch sử địa lý đề cập phỏng chừng đến một khu vực rộng lớn ở Tây Nam Á bao bọc bởi dãy núi Taurus của Anatolia ở miền Bắc, Biển Địa Trung Hải ở phía Tây, và sa mạc miền Bắc Ả Rập và Mesopotamia ở phía Đông. Một số các quốc gia hoặc các bộ phận của các quốc gia nằm trong khu vực Levant là đảo Síp, Ai Cập, Iraq, Israel, Jordan, Lebanon, Palestine, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ. Đôi khi bán đảo Sinai cũng được tính, mặc dù phần nhiều được coi là một vùng trung gian, ngoại biên tạo thành một cầu nối giữa Levant và Bắc Ai Cập.

Phần 5. Cộng đồng người Do Thái lưu vong

talmud584x360

Hình 6: Sách Kinh Talmud. Nguồn: jewishjournal.com.

Có thể nói cuộc xâm lăng Vương quốc Israel phương Bắc của người Assyria vào năm 720 TCN đã khởi đầu phong trào lưu vong (Diaspora) của người Do Thái sang các vùng đất khác trên thế giới, hình thành nên các Cộng đồng Do Thái lưu vong. Phong trào lưu vong càng phát triển mạnh vào cuối thế kỷ thứ nhất sau công lịch sau cuộc nổi dậy của người Do Thái chống lại người La Mã bị thất bại và quân La Mã phá hủy và san bằng Jerusalem vào năm 70. Có người bị ép buộc di cư. Có người tự ý. Dân tộc Do Thái bắt đầu cuộc đời trôi nổi, lang thang khắp Trung Đông, Địa Trung Hải và châu Âu qua nhiều thế kỷ.

Sự kiện Ngôi Đền Jerusalem bị phá hủy lần thứ hai vào năm 70 là một cú sốc lớn đối với người Do Thái lưu vong đến tận xương tủy. Giữa năm 115-117, người Do Thái một lần nữa tiếp tục nổi dậy chống lại kẻ cai trị La Mã và người láng giềng Hy Lạp ở một vài trung tâm lớn bên ngoài vùng đất Palestine: Alexandria, Cyprus, Mesopotamia, và Bắc Phi. Tất cả các cuộc nổi dậy này đều bị dập tắt, riêng ở Alexandria thì bị đàn áp dã man. Người Do Thái lưu vong hiểu một điều là họ cần có một cái đầu lạnh nếu dân tộc và đức tin Do Thái muốn được sống còn.

Bị lấy đi mất Ngôi Đền và không còn nơi thờ cúng, Sách Talmud được các Rabbis thời lưu vong thu thập và soạn thảo trong khoảng thời gian thế kỷ 3-5 đã trở thành ‘hiến pháp bỏ túi’ cho người Do Thái trong cuộc sống lưu đày. Sách Talmud đã khích lệ những tranh luận bác học, nghiên cứu và trở thành một kho tàng độc đáo về phong tục tập quán, nhân chủng, lề luật, lịch sử và văn chương của người Do Thái. Dần dà theo thời gian, Babylon đã thay thế Galilee để trở thành tâm điểm văn hóa và tôn giáo của người Do Thái.

Một điểm đặc biệt trong hành trình của người Do Thái lưu vong là, ở bất cứ nơi nào họ lưu lạc đến, trong bất cứ hoàn cảnh nào, vật quý nhất mà họ mang theo mình không gì khác là cuốn Kinh Thánh cùng những lời Thánh Vịnh của Vua David:

Thiên Chúa khôi phục linh hồn tôi

Thiên Chúa dẫn tôi đi trên đường công chính vì danh Ngài

Dù có bước qua thung lũng bóng tối của cái chết

Tôi cũng không sợ cái ác vì Thiên Chúa đang ở với tôi…

Kinh Thánh Hebrew đối với người Do Thái là đức tin, vừa là lịch sử, vừa là nguồn tri thức, giúp họ giữ được bản sắc trong giấc mơ trở về Đất Thánh.

Trong năm thế kỷ đầu tiên sau công lịch, trung tâm sinh hoạt của người Do Thái chuyển từ Vùng đất Israel sang Mesopotamia, đặc biệt ở thủ phủ Babylon. Trong những thế kỷ tiếp theo, họ di chuyển xa hơn tới các quốc gia Trung Đông, rồi tới vùng vành đai Địa Trung Hải, châu Âu, Bắc Phi, Mỹ. Trung tâm sinh hoạt của người Do Thái tiếp tục di chuyển từ Babylon sang Tây Ban Nha, rồi Ba Lan. Ở bất cứ đâu, người Do Thái cũng hình thành nên những cộng đồng nhỏ rải rác. Trong khi họ tồn tại là một tôn giáo và một dân tộc, họ không thiết lập bất kỳ một thể chế chính trị nào.

Từ thế kỷ 13 về sau, người Do Thái giáo chịu sự tẩy chay, bài trừ ở hầu hết ở mọi quốc gia châu Âu. Đến thế kỷ 18, ở mọi nơi người Do Thái giáo bị dồn vào những khu ổ chuột rất tù túng và không ánh sáng gọi là ghetto. Nhiều cuộc thảm sát người Do Thái giáo tiếp tục xảy ra.

Tất cả những yếu tố này đã định hình lịch sử Do Thái trong gần hai ngàn năm tiếp theo. Trong khoảng thời gian dài đó, người Do Thái đã cho thấy khả năng phục hồi và kỷ cương đầy ấn tượng. Do Thái giáo được củng cố mạnh trong các cộng đồng Do Thái lưu vong.

Sách Talmud

Theo ngữ nghĩa, Talmud có nghĩa là ‘học’ (learning). Tuy nhiên ý nghĩa thực của Talmud còn rộng hơn rất nhiều. Với nhiều người, ngoài Kinh Thánh Hebrew thì sách Talmud là đại diện cho hiến pháp tôn giáo và dân sự của người Do Thái, một bản ‘hiến pháp bỏ túi’ đã giúp họ sống sót trong gần hai thiên niên kỷ lưu vong. Những người khác coi Talmud là kho tàng vô giá của văn minh Do Thái truyền thống.

Rộng hơn nữa, Talmud tượng trưng cho một quá trình kéo dài nhiều thế kỷ, một lối sinh hoạt của các học giả và một hướng dẫn sống cho tất cả những ai thực hành Do Thái giáo. Talmud chứa đựng những lề luật nghiêm ngặt, những tranh luận về đạo đức, minh triết của các nhà thông thái, lịch sử và triết học, những câu hỏi và trả lời, nhận định về những ý nghĩa tiềm ẩn trong Kinh Thánh, thậm chí cả truyện ngụ ngôn và phương ngôn tục ngữ. Kiệt tác đồ sộ này vẫn còn tiếp tục cho đến ngày nay và như được hiểu thì không bao giờ chấm dứt.

Rất hiếm ở các dân tộc khác (bao gồm Việt Nam) có những kiệt tác vô giá như thế này. Cũng rất hiếm ở các dân tộc khác có một diễn đàn như Talmud cho phép các nhà thông thái và giới trí thức được phản biện để thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội. Người Do Thái đã làm được điều này từ trên 2.000 năm trước!

Khẩu Luật (Oral Law)

Hai bản Talmud của Palestine và Babylon, theo nghĩa hẹp, chỉ là giải nghĩa của Khẩu Luật (Oral Law). Về ngữ nghĩa, Khẩu Luật có nghĩa là những lề luật truyền miệng. Các truyền thống Do Thái cho biết Khẩu Luật đi kèm với Luật Viết (Written Law) – tên gọi khác của Kinh Thánh Hebrew – và được các ngôn sứ, các bậc trưởng lão, các Rabbis… truyền miệng cho các môn sinh của họ từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Nền tảng của Lề Luật Do Thái là 613 mitzvot, hay ‘điều răn’, có thể tìm thấy trong Sách Levi (Leviticus) và Sách Đệ Nhị Luật (Deuteronomy) của Kinh Torah. Những điều răn này nhiều khi không được giảng giải cụ thể và đòi hỏi có thêm sự giải thích bên ngoài, và đó chính là lý do tại sao lại có Khẩu Luật. Thí dụ như, khi Kinh Torah đơn giản nói “thou shall not cook the calf in its mother’s milk” (Deuteronomy 14:21 – “Anh em không được lấy sữa dê mẹ mà nấu thịt dê con”), thì Khẩu Luật sẽ phải dựa trên chỉ dụ này mà dựng lên cả một câu chuyện giải thích như thế nào và tại sao người ta không thể nấu lẫn sữa và thịt cùng với nhau.

Vậy Khẩu Luật đã được hình thành như thế nào và tại sao đã là truyền miệng lại còn được biên soạn thành văn bản thánh?

Theo phương thức đã nói ở trên, các Rabbis thường cắt nghĩa một điều luật hay điều răn trong Kinh Torah song song với một truyền thống được truyền miệng. Khi trong Kinh Torah có những từ ngữ chưa được giảng giải, những nghi thức không có hướng dẫn thì người Do Thái mặc nhiên cho rằng họ đã biết thông qua kiểu truyền miệng. Cách giải thích song song này dần dần trở thành Khẩu Luật. Kết quả là trong vài ba thế kỷ sau sự sụp đổ của Ngôi Đền Jerusalem, nhiều phần trong Khẩu Luật được các Rabbis sưu tập và biên soạn lại thành một bộ sách quí gọi là Talmud. Đây là văn bản trung tâm của các Rabbis.

Mishna (hay Mishnah)

Về cấu trúc, Talmud gồm 2 bộ: Mishna được soạn vào thế kỷ 2, và Gemara được soạn vào thế kỷ 5. Mishna là bản tóm lược đầu tiên bằng văn bản của Khẩu Luật, thực chất tóm tắt tất cả những tranh luận của các thế kỷ trước từ thời Ezra và dựa trên đó định ra bổn phận và trách nhiệm của người Do Thái trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Rabbi Yehuda HaNasi là người đầu tiên biên soạn văn bản này vào năm 200. Câu hỏi là tại sao Rabbi Yehuda lại quyết định viết Khẩu Luật thành văn bản thánh? Một số cho rằng rất nhiều học giả đã hy sinh trong hai cuộc nổi dậy vì vậy việc viết Khẩu Luật thành văn bản đơn giản là để nhằm tránh sự thất lạc trong tương lai.

Gemara

Mishna đánh dấu sự kết thúc của một quá trình và bắt đầu của một quá trình khác. Như đã nói ở trên, Mishna được viết thành văn bản gồm những lề luật, hướng dẫn, tranh luận mà trước đây chỉ được truyền miệng. Nó cũng làm khởi phát những tranh luận nóng bỏng giữa các Rabbis, và những tranh luận này về sau đã được biên soạn thành một bộ sách chú giải chi tiết khác gọi là Gemara, lấy từ thuật ngữ ‘nghiên cứu’ (study) trong tiếng Aramaic.[1] Bộ Gemara này vượt trên cả những chú giải trong sách Mishna và Kinh Torah, đề cập tới mọi lĩnh vực trong đời sống của người Do Thái trong những năm lưu lạc. Có hai phiên bản Gemara: một Gemara được biên soạn bởi cộng đồng Do Thái giáo ở Palestine và một Gemara được biên soạn ở Babylon. Talmud là kết quả gộp chung cả hai bộ Gemara và Mishna. Bộ Talmud của Palestine được hoàn thành vào năm 425. Còn bộ Talmud của Babylon hoàn thành vào năm 500, có khối lượng gấp ba lần bộ Talmud của Palestine, in thành 5.894 trang khổ đôi với 12 tập và có ảnh hưởng rất lớn với cộng đồng người Do Thái giáo trên toàn thế giới. Toàn bộ Talmud có 63 bài luận, bao gồm những ý kiến của hàng ngàn Rabbis trong nhiều chủ đề, cả về pháp luật, đạo đức, triết học, phong tục, lịch sử, thần học, truyền thuyết và nhiều chủ đề khác. Trong một số sách vở, thế kỷ 3-5 được gọi là ‘Thời kỳ Talmud’.

Một điều chắc chắn là Talmud có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tâm linh của người Do Thái, cung cấp nghi lễ thực hành tại các Hội đường Do Thái và tài liệu cho các bài thuyết giảng của các Rabbis. Sách Talmud hé lộ những lời dạy cụ thể giúp con người kéo dài cuộc sống, tăng cường sức khỏe thể chất, mang lại sự ổn định về tinh thần, giúp xây dựng gia đình và xã hội vững mạnh, và cung cấp cho con người sự khôn ngoan trong mọi quyết định của cuộc sống.

Sự thành công đáng kinh ngạc của người Do Thái trong lịch sử đã trở thành điều bí ẩn và được nghiên cứu qua nhiều thế hệ và từ nhiều góc độ. Nhiều học giả cho rằng chìa khóa của sự thành công đó là vì trọng tâm của Do Thái giáo chính là đọc sách, học tập, và làm theo những lề luật và các điều răn trong Kinh Thánh và Talmud.

Halakha

Halakha là bộ luật tôn giáo Do Thái được xây dựng dựa trên Torah Viết (Ngũ kinh Moses) và Torah Nói (Talmud), quy định những điều người Do Thái được và không được làm, những điều họ nên và không nên làm trong mọi khía cạnh của cuộc sống thường nhật, từ việc thực hiện nghĩa vụ tôn giáo, lễ nghi cho tới quan hệ hôn nhân, từ ứng xử trong cộng đồng cho tới luật dân sự và hình sự. Torah Viết (Ngũ kinh Moses) đóng vai trò trung tâm trong việc định hình tất cả các khía cạnh của đời sống Do Thái trong và sau cuộc lưu đầy Babylon [586 TCN – 538 TCN]. Còn Torah Nói (Talmud) phát triển dựa trên các cuộc tranh luận, hướng dẫn, phân xử của các thế hệ học giả, hiền triết, Rabbis, những người nổi lên như những lãnh tụ tôn giáo thế hệ mới trong thời kỳ Đền Thờ thứ Hai. Có thể nói Kinh Torah, Talmud và cuối cùng bộ luật tôn giáo Halakha là trụ cột tâm linh vững chắc của Do Thái giáo, tạo ra sự khác biệt của Do thái giáo với các tôn giáo khác.

Bài viết được trích từ chương 1 cuốn sách “Câu chuyện Do Thái 2: Văn hóa, Truyền thống và Con người”, của tác giả Đặng Hoàng Xa, dự định xuất bản vào đầu năm 2016.

Ghi chú:

[1] Aramaic: thuộc cận họ Semitic, nằm trong họ ngôn ngữ Phi-Á (Afro-asiatic). Tiếng Aramaic là một phần trong nhóm ngôn ngữ Tây-Bắc Semitic, trong nhóm này còn có các ngôn ngữ Canaanite như tiếng Hebrew và tiếng Phoenicia. Aramaic là ngôn ngữ chính của xứ Syria.

Phần 6. Cộng đồng Do thái lưu vong sau năm 70CN

Cochin_Jews

Hình 7: Một gia đình người Do Thái ở Ấn Độ. Nguồn: Wikipedia.

Cộng đồng Do thái lưu vong sau năm 70CN

Trước Công nguyên, do kết quả những cuộc xâm lăng, người Do Thái bị lưu đầy sang vùng đất Mesopotamia, đặc biệt là thủ phủ Babylon, rồi Ai Cập. Năm 70 CN, Ngôi Đền Jerusalem bị san bằng, hàng ngàn người Do Thái bị giết hoặc bị bắt làm nô lệ và bị lưu đầy phân tán đi khắp các miền của Đế quốc La Mã. Vào thời gian này có khoảng bảy triệu người Do Thái cư ngụ bên trong biên giới của Đế quốc La Mã, chiếm 10% dân số, và một triệu người sống bên ngoài biên giới chủ yếu ở Babylon.

Từ thời điểm này hành trình lưu vong của người Do Thái bắt đầu đẩy mạnh và lan rộng tới mọi vùng đất xa xôi khác trên trái đất, khởi đầu từ Trung Đông, sang vành đai Địa Trung Hải, rồi sau đó tiếp tục lan sang châu Âu, Bắc Phi, Đông Âu, Trung Hoa,… cuối cùng tới Bắc Mỹ.

Sự ra đời của Ki-tô giáo

Vào cuối thế kỷ 1, Ki-tô giáo ra đời và khởi đầu như là một chi nhánh của Do Thái giáo, với Chúa Jesus và các tông đồ của Ngài là những người thực hành Do Thái giáo. Chúa Jesus là người Do Thái vùng Galilee, sinh vào khoảng đầu thế kỷ thứ nhất. Ki-tô giáo lấy Kinh Thánh, các hình thức thờ phụng, và học thuyết tận thế của mình trực tiếp từ Do Thái giáo. Vào thời gian này, Hoàng đế La Mã Constantine I có xu hướng thiên về Ki-tô giáo và từng bước làm cho Ki-tô giáo trở thành quốc giáo. Ông đã hợp pháp hóa Ki-tô giáo với Sắc lệnh Milan năm 313. Năm 315 Constantine lên án người Do Thái là tội đồ trong cái chết của Chúa Jesus, xóa bỏ tội đóng đinh Chúa Jesus lên thánh giá khỏi những người tiền nhiệm của ông. Năm 323 Ki-tô giáo chính thức trở thành quốc giáo của Đế quốc La Mã. Năm 337 Hoàng đế La Mã Constantius II – con thứ hai của Constantine I và Fausta – ra sắc lệnh đặt Do Thái giáo ra ngoài vòng pháp luật, cấm người Do Thái làm chủ nô lệ đối với người không phải Do Thái, cấm hôn nhân giữa người Do Thái và người Ki-tô giáo, cấm các Rabbis hội họp.

Trong khi một số các Hoàng Đế La Mã khác vẫn ủng hộ quyền thực hành tôn giáo của người Do Thái, các giáo sĩ Ki-tô giáo luôn tìm cách ngăn chặn ảnh hưởng của Do Thái giáo bằng cách đòi tất cả người Do Thái giáo cải đạo sang Ki-tô giáo. Họ có cảm xúc mạnh về Palestine, nơi mà Chúa Jesus đã ra đời và bị đóng đinh trên thánh giá.

Trong những thế kỷ đầu sau công nguyên, cuộc sống của người Do Thái tại Palestine chịu nhiều khó khăn và dần dần suy tàn. Vào cuối thế kỷ 6, tại Palestine chỉ còn có 43 cộng đồng người Do Thái, chủ yếu là ở vùng Galilee và thung lũng Jordan. Người Do Thái bắt buộc phải di chuyển trung tâm sinh hoạt sang các vùng khác bên ngoài Palestine.

Mặc dù sống lưu lạc, ở những nơi này, các hoạt động của người Do Thái giáo trong việc nghiên cứu, thảo luận, bổ xung các điều luật, giới răn, và biên soạn Talmud được diễn ra rất mạnh mẽ. Cuốn Sách Talmud đồ sộ của cộng đồng Do Thái Babylon được hoàn thành vào thời gian này – khoảng năm 500 CN, có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống tâm linh, đạo đức và nề nếp sinh hoạt của người Do Thái trên toàn thế giới cho đến tận ngày nay.

Năm 622, Muhamad sáng lập ra Hồi giáo (Islam) ở bán đảo Ả Rập. Năm 636, người Ả Rập chinh phục Palestine và các khu vực khác ở Tây Á, lập ra Đế quốc Ả Rập. Dưới sự thống trị của người Ả Rập, người Do Thái phải nộp thuế thân và thuế đất để bảo vệ tính mạng, của cải và sự tôn giáo của mình. Cuộc sống người Do Thái rất khó khăn. Từ thế kỷ 8 cho đến 12, nhiều người Do Thái ở Mesopotamia và Ba Tư di chuyển bên trong lãnh thổ các vương quốc Hồi giáo, nhất là Yemen, Syria, Lebanon, Ai Cập, Maghreb. Những người khác di chuyển đến định cư ở bán đảo Iberia[1] rồi Sicily. Những làn sóng di cư Do Thái này tạo ra các cộng đồng Do Thái thành thị nhỏ khắp thế giới. Nếu lấy bản đồ thế giới, gắn đinh ghim đỏ lên những nơi có người Do Thái sinh sống năm 1170 thì tấm bản đồ đó sẽ rực một màu đỏ từ Anh, bán đảo Iberia cho tới Ấn Độ.

Đây là khoảng thời gian được gọi là ‘Thời kỳ Hoàng Kim’ (Golden Age) của lịch sử Do Thái trong đời sống lưu vong. Việc làm ăn buôn bán của người Do Thái được phát triển mở mang, tất cả đều có mức sống cao, giáo dục cho tầng lớp trẻ rất được quan tâm và để lại một di sản trí tuệ bền vững và xuyên suốt qua nhiều thế kỷ sau này cho Do Thái giáo. Về sau, với sự sa sút của những khu vực này do cuộc chinh phạt Trung Đông của người Mông Cổ từ những năm 1220 tới những năm 1250, người Do Thái chuyển hướng mở rộng di cư sang Bắc Phi và các nước khác của châu Âu. Việc này kéo dài cho đến tận thế kỷ 13-15.

Do ảnh hưởng của chính sách bài Do Thái tại châu Âu cùng các cuộc Thập Tự Chinh [1099-1291], rồi bị trục xuất khỏi Tây Ban Nha vào năm 1492… người Do Thái lại tiếp tục hành trình lưu vong của mình sang các vùng đất thuộc Đế chế Ottoman và các quốc gia thuộc Đông Âu.

Các cộng đồng Do Thái ở Địa Trung Hải

Bên ngoài Trung Đông và Ai Cập, các cộng đồng Do Thái đã đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt của vùng lưu vực Địa Trung Hải, một vị thế mà họ vẫn còn duy trì được ngay cả sau khi Đế quốc La Mã sụp đổ cuối thế kỷ 5. Đó là những khu vực xa xôi ở Marốc và Tunisia – đặc biệt những thành phố của Kairouan; và đảo Djerba. Các nơi khác bao gồm các vùng đất bao quanh Địa Trung Hải thuộc Đế chế Ottoman như Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Anatoia, miền Nam nước Pháp, và Cyrenaica – vùng bờ biển phía Đông của Libya. Không bị ảnh hưởng của sự thăng trầm của các đế chế, người Do Thái tại Libya, Syria, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo nên một mạng lưới buôn bán hàng hóa, dịch vụ và ý tưởng dọc khắp Địa Trung Hải.

Người Do Thái ở Hy Lạp

Tại Hy Lạp, các bằng chứng cho thấy rằng người Do Thái đã có mặt ở đây khoảng năm 300 TCN; một vài nhóm có thể đã đến đây sớm hơn trong thời kỳ lưu đầy Babylon. Theo thời gian, họ đã hình thành nên một cộng đồng gọi là Romaniotes hoàn toàn khác với người Do Thái Sephardi[2] và Ashkenazi[3]. Họ có  phong tục địa phương riêng và nói một ngôn ngữ riêng gọi là Yevanic, một thứ thổ ngữ Hy Lạp viết bằng chữ Hebrew. Một khách du lịch Do Thái thời tiền trung cổ tên là Benjamin viết rằng cộng đồng Romaniotes lớn nhất là ở Thebes, ở đó người Do Thái nổi tiếng với nghề nhuộm vải và sản xuất quần áo lụa thủ công. Họ cũng sống ở các đảo Corfu và Aegina, và ở Corinth, Athens và Thessaloniki là nơi sau này trở thành thành phố Do Thái Hy Lạp lớn nhất khi người Do Thái Sephardi tràn đến từ Tây Ban Nha sau khi bị trục xuất vào năm 1492.

Người Do Thái ở Tây Ban Nha – Thời kỳ Hoàng kim [thế kỷ 8-12]

Khi người La Mã xâm lăng Bán đảo Iberia vào năm 218 TCN và bắt đầu định cư vào năm 171 TCN, họ đã chạm trán với quần thể đa sắc tộc ở đây gồm người Celt, Phoenicia, Carthaginia, và cả các gia đình Do Thái – những người nói rằng họ là hậu duệ của người tị nạn Do Thái đến đây từ thời kỳ Ngôi Đền thứ Nhất. Tuy nhiên phải đến cuối thế kỷ 1 sau CN, sau khi Ngôi Đền Jerusalem bị Đế quốc La Mã phá hủy lần thứ hai, thì người Do Thái mới bắt đầu thực sự rời bỏ Palestine, mở rộng lưu vong đến những vùng lãnh thổ khác thuộc Đế quốc La Mã, đặc biệt là các quốc gia trong vành đai Địa Trung Hải trong đó có Tây Ban Nha.

Một điểm đặc biệt ở Tây Ban Nha là, qua nhiều thế kỷ chuyển đổi từ giai đoạn La Mã, sang Hồi giáo, rồi Ki-tô giáo, người Do Thái luôn giữ vai trò đứng đầu trong đời sống văn hóa, xã hội và kinh tế của Tây Ban Nha. Người Do Thái Tây Ban Nha gọi họ là Sephardim phỏng theo tên Sepharad – tên gọi của một địa danh trong Kinh Thánh. Họ nói một thứ thổ ngữ Ả Rập trong các vùng của người Hồi giáo, và nói tiếng Judeo-Spanish gọi là Judezmo hoặc Ladino trong các vùng của người Ki-tô giáo. Cả hai thứ tiếng này được viết bằng chữ cái Hebrew.

Cuộc xâm lăng Bán đảo Iberia vào những năm đầu thế kỷ 8 của người Ả Rập và Berber, dưới ngọn cờ Hồi giáo, chính là chìa khóa đã mở bung sự sáng tạo của người Do Thái ở Tây Ban Nha. Nhà cầm quyền Hồi giáo đã mang đến sự kích thích tìm hiểu tri thức, sức sống kinh tế và sự nhạy cảm thẩm mỹ – những thứ ảnh hưởng mạnh mẽ đến người Ki-tô giáo và người Do Thái, mở đầu cho ‘Thời kỳ Hoàng kim’ của người Do Thái Sephardi trong đời sống lưu lạc. Thời kỳ này đã sản sinh ra biết bao nhiêu nhà thông thái, ngôn ngữ học, khoa học, vật lý, các nhà ngoại giao, thiên văn học và các nhà huyền môn Do Thái.

Người Ả Rập thống trị Bán đảo Tây Ban Nha cho đến thế kỷ 11 khi người Ki-tô giáo giành lại được bán đảo này, và vào năm 1096 Tòa thánh Vatican khởi động các cuộc Thập Tự Chinh kéo dài từ châu Âu sang đến tận Jerusalem. Giáo Hoàng thúc giục các nhà cầm quyền Ki-tô giáo tấn công người Do Thái giáo và người Hồi giáo ở châu Âu và thu hồi các vùng thánh địa ở Palestine đang nằm dưới quyền kiểm soát của người Hồi giáo. Các cộng đồng Do Thái giáo và Hồi giáo ở khắp châu Âu bị Thập Tự Quân càn quét dữ dội đến nỗi nhiều người Do Thái giáo phải đào thoát sang các quốc gia khoan dung hơn như Ba Lan hoặc các quốc gia Hồi giáo.

Đầu thế kỷ 14, ở Tây Ban Nha lại dấy lên phong trào bài Do Thái. Những bách hại và cưỡng bức cải đạo tiếp tục tăng lên. Người Do Thái nếu không cải đạo sang Ki-tô giáo sẽ bị tử hình hoặc bị tước đoạt quyền công dân. Một bộ phận những người Do Thái giàu có đã tự nguyện chuyển sang Ki-tô giáo; một số người bị ép phải cải đạo nhưng vẫn bí mật duy trì Do Thái giáo – những người này gọi là Marranos. Để thanh trừ các Marranos, giáo hội Ki-tô Tây Ban Nha lập ra tòa án phán xét dị đoan nhằm tiến hành phán xử các Marrano bằng những biện pháp nghiệt ngã từ roi vọt đến thiêu sống. Trong thời gian này có khoảng 40 vạn người Do Thái bị phán xét trong đó ba vạn người bị tử hình. Áp lực tiếp tục tăng lên cho đến năm 1492 khi Vua Ferdinand của Tây Ban Nha ra sắc lệnh trục xuất người Do Thái giáo và Hồi giáo khỏi Tây Ban Nha. Vào giữa thế kỷ 15, sự bức hại của Tây Ban Nha đối với người Do Thái tăng đến đỉnh điểm và tàn khốc, dẫn tới phong trào bài Do Thái khắp châu Âu. Hàng ngàn người Do Thái một lần nữa lại phải bỏ Tây Ban Nha trốn sang Ý, Marốc  (Bắc Phi), Bán đảo Balkan[4], Thổ Nhĩ Kỳ của Đế chế Ottoman, và Ba Lan…

Xâm nhập sâu vào lục địa châu Âu và Đông Âu

Người Do Thái đã sớm xâm nhập vào lục địa châu Âu từ thế kỷ 1 theo chân những trại lính của Đế quốc La Mã. Cùng với mạng lưới buôn bán dọc khắp vành đai Địa Trung Hải, người Do Thái đã sớm thiết lập nên những điểm buôn bán ở những thành phố tiền đồn của Đức như Bonn, Triers, và Cologne. Những người Do Thái này được cho là những người Ashkenazi đầu tiên đã đóng góp tới 90% dân số Do Thái ngày nay. Tên gọi Ashkenazi lấy từ một địa danh trong Kinh Thánh và được sử dụng trong thời kỳ Trung cổ ám chỉ những vùng đất của Đức và miền Bắc nước Pháp.

Từ đây người Do Thái bắt đầu chuyển dần di cư đến các quốc gia khác của châu Âu.

Người Do Thái ở Ba Lan

Người Do Thái đến Đông Âu khá muộn, mãi đến tận thế kỷ 8. Một trong những điểm dừng khá đặc sắc là Ba Lan. Trong thời gian này, các nhà cầm quyền Slavơ đang muốn bắt kịp người láng giềng Đức bên cạnh và họ đã tìm thấy câu trả lời ở người Do Thái. Vì thế ngay từ ngày đầu khai sinh của nhà nước Ba Lan vào năm 966, người Do Thái đã đóng một phần sống còn trong câu chuyện Ba Lan, mặc dù sự hiện diện của họ ban đầu chỉ là nhất thời.

Đến thế kỷ 16-17, sau khi bị sắc lệnh trục xuất khỏi Tây Ban Nha vào năm 1492, rồi cùng với phong trào bài Do Thái ngày càng gia tăng trên khắp châu Âu, nhiều người Do Thái ở Tây Âu đã chạy sang Đông Âu, Trung Âu và Ba Lan, ở đó họ đã được hấp thu vào cộng đồng Do Thái Ashkenazi.

Vào cuối thế kỷ 16, người Do Thái Ashkenazi Ba Lan trở thành cộng đồng Do Thái lớn nhất thế giới, ước tính với hơn nửa triệu người. Họ thường xuyên cầu nguyện ở các Hội đường Do Thái giáo, tự do nghiên cứu Torah và Talmud, và nói tiếng Yiddish, một thứ tiếng Đức cổ địa phương trộn lẫn tiếng Hebrew. Người Do Thái tại Ba Lan có được những may mắn này là nhờ vào chính sách khoan dung tôn giáo và quyền tự chủ theo luật định xã hội của Ba Lan trong một thời gian dài. Điều này đã kết thúc với sự chia cắt của Ba Lan bắt đầu vào năm 1772, và đặc biệt, với sự kỳ thị và đàn áp người Do Thái dưới thời Đế chế Nga Hoàng.

Người Do Thái ở Nga

Các vùng lãnh thổ rộng lớn của Đế quốc Nga có một thời là nơi cư ngụ của một quần thể người Do Thái lớn nhất trên thế giới. Trong những vùng lãnh thổ này các cộng đồng Do Thái đã hưng thịnh và phát triển nhiều truyền thống thần học và văn hóa khác biệt nhất của Do Thái giáo hiện đại, trong khi cũng phải đối mặt với những thời kỳ mang nặng chính sách bài Do Thái và khủng bố tàn bạo. Do Thái Nga bao gồm một số sắc dân khác nhau, chủ yếu là Ashkenazi, ngoài ra là Do Thái Mountain, Crimean Karaites, Krymchaks, người Do Thái Bukharan, và Do Thái Gruzia.

Sự có mặt của những người Do Thái ở phần châu Âu của Nga có thể được truy ngược trở lại thế kỷ 7-14. Trong thế kỷ 11 và 12, dân Do Thái bị giới hạn trong một khu riêng biệt ở Kiev. Bằng chứng về sự có mặt của người Do Thái ở Moskva lần đầu tiên được tìm thấy trong các biên niên sử của năm 1471. Trong suốt triều đại của Catherine II, người Do Thái bị giới hạn ở những nơi họ có thể sống hoặc phải di cư đến các vùng khác của Nga. Đầu thế kỷ 19 có sự di chuyển của người Do Thái đến Novorossiya[5]. Alexander III tiếp tục tăng cường chính sách bài Do Thái. Một làn sóng tàn sát người Do Thái với quy mô lớn quét qua Ukraine trong năm 1881. Năm 1886, một sắc lệnh trục xuất được ban hành tại Kiev. Hầu hết người Do Thái bị đuổi ra khỏi Moskva vào năm 1891. Một làn sóng tàn sát lớn lại một lần nữa bùng nổ trong những năm 1903-1906. Hơn hai triệu người Do Thái trốn khỏi Nga trong giai đoạn giữa 1880-1920, chủ yếu là sang Mỹ, sau là Bắc Phi.

Làn gió mới từ Bắc Mỹ

Cuối thế kỷ 18, một làn gió mới đến từ Bắc Mỹ đã đem lại hy vọng hồi sinh cho người Do Thái. Ở Bắc Mỹ, quốc gia Hoa Kỳ được thành lập vào ngày 4 tháng 7 năm 1776 đã cho ra đời một bản hiến pháp tiến bộ nhất của nhân loại qui định rằng mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, một quốc gia ngoại giáo tuyên bố rằng người Do Thái được quyền sống và mưu cầu hạnh phúc như những người khác. Ở nước Pháp, cuộc cách mạng 1789 và tiếp theo là tuyên ngôn nhân quyền được áp dụng gồm cho cả người Do Thái. Người Do Thái được nhận vào các trường đại học Tây Âu và được tham gia vào xã hội Tây Âu ở mọi tầng lớp.

Tuy thế, ở Đông Âu, cuộc sống người Do Thái vẫn không có gì cải thiện. Ở Nga, người Do Thái bị o ép và bị dồn vào các khu định cư Do Thái tối tăm. Những cuộc tàn sát người Do Thái ở Nga năm 1881 đã làm thay đổi sâu sắc lịch sử người Do Thái, dẫn đến sự ra đời của Zionism (Phong trào Phục quốc Do Thái) – một chiến dịch nhằm vận động thành lập một nhà nước Do Thái trên mảnh đất Palestine – và sự phát triển của quần thể Do Thái Hoa Kỳ. Nó cũng gián tiếp dẫn đến Cách mạng Nga. Một cuộc xuất hành lớn từ Đông Âu và đặc biệt là từ Nga diễn ra suốt từ cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20.

Sự dịch chuyển văn hóa từ Sephardi sang Ashkenazi

Đối với người Do Thái, việc bị trục xuất khỏi Tây Ban Nha vào năm 1492 dường như đã dập tắt một nguồn sáng tưởng như không bao giờ có thể thắp lại được. Tuy nhiên, trong thực tế, đôi khi sự bất hạnh dồn người ta đến những góc chết và chính tại đó cây đời đã lại nảy mầm xanh tươi. Cùng năm này, Columbus khởi hành chuyến thám hiểm đầu tiên vượt Đại Tây Dương đi tìm ‘Tân Thế giới’, mở ra những triển vọng không ai có thể tưởng tưởng trước đó cho các thương nhân. Công nghệ in ấn giúp truyền bá kiến thức dễ dàng hơn trước kia rất nhiều. Và Đế quốc Ottoman cho phép người Do Thái bị trục xuất khỏi Tây Ban Nha được định cư dọc theo đế chế của họ, kể cả ở Palestine.

Nhìn chung, thời kỳ từ sau 1492 đã chứng kiến những thay đổi lớn trong lịch sử Do Thái: ngọn đuốc văn hóa được chuyển tay từ Sephardi sang Ashkenazi, Ba Lan thay đổi tầm vóc và trở thành trung tâm sinh hoạt lớn nhất của người Do Thái. Rabbi Loew dẫn đầu phong trào phục hưng Do Thái ở Praha (thủ đô Cộng hòa Czech) và tiếng Yiddish phát triển thành một ngôn ngữ. Yiddish, ngôn ngữ của các cộng đồng Do Thái Ashkenazi, trở thành lực đẩy chính cho việc truyền bá thông tin trong khu vực Do Thái Đông Âu. Nó là chất keo đã gắn kết ý nghĩa thế tục của cái gọi là ‘bản sắc Do Thái’.

Những vùng đất mới và cơ hội mới

Cuối thế kỷ 15 đã chứng kiến người Do Thái bị trục xuất khỏi Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, Naples và Nuremberg. Tuy nhiên những cộng đồng Do Thái trẻ đã đâm trồi nảy lộc trên những vùng đất mới. Họ xây dựng trường học, hội đường, khai thác những công nghệ mới và tiếp tục bảo tồn những truyền thống dân tộc. Người Do Thái phát đạt trở lại nhờ tạo ra những mạng lưới buôn bán rối rắm nối các miền đất mới – Thổ Nhĩ Kỳ, Bắc Phi, Hà Lan, Ba Lan và Litva.

Một điều nghịch lý là những cuộc trục xuất cuối thế kỷ 15 đã dẫn đến sự tiếp xúc giữa người Do Thái Sephardi và Ashkenazi do quyền lợi của cả hai phía. Kết quả là người Do Thái tái định cư lại dọc bờ biển Đại Tây Dương sau nhiều năm vắng bóng, trong khi Đại Tây Dương thay thế Địa Trung Hải là tâm điểm thương mại của châu Âu.

Người Do Thái Sephardi Iberia (Tây Ban Nha) tràn đến các vùng đất có chính sách khá cởi mở và khoan dung với người Do Thái như Ý, Bắc Phi, Bán đảo Balkan, Đông Địa Trung Hải, Thổ Nhĩ Kỳ của Đế chế Ottoman, và Ba Lan, trong khi phần lớn người Do Thái Ashkenazi tại Đức di cư từng nhóm lớn đến Ba Lan. Hợp tác Sephardi-Ashkenazi phát triển ngoạn mục khi Ba Lan trở thành điểm quá cảnh chính cho buôn bán bằng đường bộ mở rộng giữa các vùng đất thuộc Đế quốc Ottoman với Trung và Tây Âu.

Tại lục địa châu Mỹ, năm 1502, trong chuyến thăm đầu tiên tới Tân Thế giới, Columbus đã để lại 52 gia đình gốc Do Thái tại Costa Rica. Năm 1640, người Do Thái đã có mặt và sinh sống yên ổn dọc bờ biển Brazil còn đang dưới quyền Hà Lan. Thành phố Bahia của Brazil thậm chí còn được gọi với biệt danh là ‘The Rock of Israel’ (Tảng Đá của Israel). Sau khi người Bồ Đào Nha chinh phục Brazil năm 1654, cư dân Do Thái ở đây bỏ chạy đến vùng Surinam và Cayenne gần đó và tới Caribbe. 23 người Do Thái Sephardi của Brazil chạy tới thành phố tên là New Amsterdam lúc đó còn đang dưới quyền của Hà Lan. Ở đó họ thành lập She’arit Israel (Remnant of Israel- Dấu vết của Israel) là hội đoàn Do Thái đầu tiên ở Bắc Mỹ. Thành phố New Amsterdam về sau đổi tên thành New York năm 1665 và được nhượng lại cho Anh quốc vào năm 1674. Khi người Anh ở Bắc Mỹ tuyên bố độc lập khỏi Anh quốc vào năm 1776, cộng đồng Do Thái ở Bắc Mỹ có khoảng 2000 người. Một thế kỷ sau đó, trong giai đoạn giữa 1880-1920, bị tàn sát và trục xuất khỏi những thành phố lớn, hơn hai triệu người Do Thái đã trốn khỏi Nga, chủ yếu là sang Mỹ. Tính tổng cộng có ba làn sóng người Do Thái di cư sang Mỹ: làn sóng thứ nhất là người Do Thái Sephardi từ Brazil và Hà Lan; làn sóng thứ hai là những người Do Thái có học hành từ Đức; và làn sóng thứ ba, lớn nhất, là người Do Thái Đông Âu nói tiếng Yiddish, chạy trốn các cuộc tàn sát 1881 của Nga. Ngày nay, nước Mỹ là ngôi nhà của bảy triệu dân Do Thái, một cộng đồng Do Thái lớn nhất thế giới.

Cũng từ thế kỷ 15, việc phát minh công nghệ in ấn giúp truyền bá kiến thức dễ dàng hơn. Một sự kiện ấn tượng là Daniel Bomberg, một ki-tô hữu từ Bỉ, đã in toàn bộ Talmud trong khoảng từ 1520-1523 tại Venice và đặt tiêu chuẩn đánh số trang cho Talmud cho mọi thời gian. Tiến bộ kỹ thuật in ấn đã giúp kiến thức Do Thái được lan truyền giống như một ngọn lửa lớn trên thảo nguyên.

Người Do Thái lưu vong ở bốn góc của thế giới

Người Do Thái Ethiopia 

Có khoảng 127.000 người Do Thái Ethiopia ngày nay. Từ sau Chiến dịch Moses (1984) và Chiến dịch Solomon (1991) do Nhà nước Israel khởi động đưa người Do Thái Ethiopia về Israel, họ phần lớn hiện đang sống ở Israel. Họ tự gọi họ là Beta Israel (Ngôi nhà của Israel) trong ý nghĩa gần gũi gia đình nhưng vẫn là ‘người lạ’.

Người Beta Israel cho biết họ là con cháu của bộ tộc Dan, một trong 10 bộ tộc thất lạc của Vương quốc Israel phương Bắc vào thế kỷ 10. Một điều không bình thường so với người Do Thái Diaspora khác là người Beta Israel không sử dụng tiếng Hebrew mà lại dùng tiếng Ge’ez của Ethiopia. Sách Thánh của họ, Orit, cơ bản là đồng nhất với những phần đầu của Torah. Họ không biết gì về Talmud, cũng không thực hành các ngày lễ Do Thái giáo như  Purim hay Hanukkah.

Người Do Thái của miền Nam Ấn Độ

Người Do Thái Cochin, còn gọi là người Do Thái Malabar, là hậu duệ của người Do Thái Mizrahi[6] và Sephardi. Họ là nhóm người Do Thái cổ nhất ở Ấn Độ, với nguồn gốc có thể là từ thời Vua Solomon. Những người Do Thái Cochin định cư tại Vương quốc Cochin ở Nam Ấn Độ, nay là một phần của bang Kerala. Ngay từ thế kỷ thứ 12, người ta đã đề cập đến người Do Thái Đen (Black Jews) ở miền nam Ấn Độ. Một khách du lịch Do Thái, Benjamin xứ Tudela, khi nói về Kollam (hoặc Quilon – một thành phố cảng ở Ấn Độ) trên bờ biển Malabar, đã viết trong hành trình của ông: “… khắp hòn đảo, bao gồm tất cả các thị trấn, có vài ngàn người Do Thái. Những cư dân ở đây đều là da đen, và cả người Do Thái cũng vậy. Người Do Thái tốt bụng. Họ biết lề luật của Moses và các đấng tiên tri, cũng hiểu biết đôi chút về Talmud và Halakha”. Những người này sau đó đã được biết đến như những người Do Thái Malabari. Họ đã xây dựng giáo đường Do Thái ở Kerala vào thế kỷ 12 và 13. Họ được biết đã phát triển Judeo-Malayalam, một thổ ngữ của ngôn ngữ Malayalam.

Sau khi bị trục xuất khỏi Bán đảo Iberia vào năm 1492, một vài trong số các gia đình Do Thái Sephardi cuối cùng đã tìm được đường đến Cochin trong thế kỷ 16. Họ được biết đến như người Do Thái Paradesi (hoặc ‘người Do Thái nước ngoài’). Người Do Thái châu Âu vẫn duy trì các kết nối thương mại với châu Âu, và các kỹ năng ngôn ngữ của họ trở nên rất hữu ích. Mặc dù người Sephardi nói tiếng Ladino (hoặc Judeo-Spanish), ở Ấn Độ họ đã học Judeo-Malayalam từ những người Do Thái Malabar. Hai cộng đồng này giữ lại sự khác biệt về nhân chủng và văn hóa của họ. Vào cuối thế kỷ 19, một vài người Do Thái Ả Rập, được gọi là Baghdadi, cũng di cư đến miền nam Ấn Độ và tham gia cộng đồng Paradesi.

Sau khi Ấn Độ giành được độc lập vào năm 1947 và Israel tuyên bố độc lập năm 1948, phần lớn người Do Thái Cochin ở Kerala di cư về lại Israel vào giữa những năm 1950.

Người Do Thái phủ Khai Phong (thuộc tỉnh Hồ Nam – Trung Hoa)

Một du khách Do Thái, Ibn Battuta, khi cập bến cảng Hàng Châu của Trung Hoa vào thế kỷ 13, mô tả là đã chạm trán với một cộng đồng người Do Thái sôi động ở đó. Marco Polo trước đó cũng nói là đã gặp người Do Thái Trung Hoa ở Bắc Kinh vào khoảng năm 1286. Người Do Thái được biết là thường xuyên buôn bán xuôi ngược trên con đường tơ lụa và một vài người trong số đó đã định cư và lấy người Trung Hoa bản địa ở phủ Khai Phong thuộc tỉnh Hồ Nam.

Hầu hết các học giả đều đồng ý rằng một cộng đồng Do Thái đã có mặt ở Khai Phong kể từ triều đại Bắc Tống (960-1127), mặc dù người Do Thái có thể đã đến Trung Hoa từ thời nhà Đường (618-907) hoặc sớm hơn. Khai Phong, khi đó là thủ đô của triều đại Bắc Tống, là một thành phố lớn nằm trên một nhánh của con đường tơ lụa. Người ta dự đoán một cộng đồng nhỏ người Do Thái, rất có thể từ Ba Tư hay Ấn Độ, đã đến theo đường bộ hoặc đường biển, định cư ở thành phố và xây dựng một giáo đường Do Thái gọi là libai si vào năm 1163.

Một số người Do Thái Trung Hoa cho biết họ là hậu duệ của người Do Thái lưu vong tại Babylon vào thế kỷ 6 TCN. Sau này người Do Thái từ Yemen, Ba Tư, và Bukhara ở Trung Á cũng đã đến định cư tại bờ nam của sông Hoàng Hà.

Người Do Thái Mountain (Mountain Jews)

Với một dân số khoảng 101.000 vào năm 2004, người Do Thái Mountain hay người Do Thái Caucasus, còn được gọi là Juhuro, Juvuro, Do Thái Kavkazi hay Do Thái Gorsky là người Do Thái đã từng định cư tại các sườn núi phía đông và phía bắc Caucasus, chủ yếu thuộc Dagestan và Azerbaijan, cũng như Chechnya, Kabardino-Balkaria, Krasnodar Krai – hầu hết là các khu vực người Hồi giáo của Liên Xô cũ.

Cộng đồng người Do Thái Mountain có nguồn gốc Ba Tư thời cổ đại, đến từ Tây Nam Iran và được cho là đã định cư tại Caucasus từ thế kỷ 5. Người ta tin rằng họ đã đến Ba Tư từ thời Israel cổ đại sớm nhất là vào thế kỷ thứ 8 TCN. Giả thiết này khá phù hợp với một truyền thuyết truyền miệng của người Do Thái Mountain, truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác, rằng họ có nguồn gốc từ một trong 10 bộ tộc thất lạc vào thế kỷ 8 TCN. Ngôn ngữ của họ, Juhuri, là một ngôn ngữ Tây Nam Iran cổ đại trộn với một thổ ngữ Ba Tư được tích hợp nhiều yếu tố của tiếng Hebrew cổ.

Hầu hết người Do Thái Mountain quay trở về Israel trong quãng thời gian 1970-90. Một số nhỏ định cư ở Moskva và Mỹ.

Người Do Thái ở Marốc

Người Do Thái Berber của Bắc Phi có thể là hậu duệ của các bộ lạc địa phương đã cải đạo sang Do Thái giáo hoặc có hôn nhân với người Do Thái đi theo các đoàn quân La Mã. Khoảng thế kỷ 5 một cộng đồng Do Thái xuất hiện khá phát đạt ở Mauretania thuộc miền Nam của Marốc. Hai thế kỷ sau, những người Do Thái trốn thoát cuộc đàn áp tại Tây Ban Nha đã di cư về đây và gia nhập với họ. Năm 1391, Marốc một lần nữa lại trở thành nơi trú ẩn cho người tỵ nạn Do Thái sau khi các Ki-tô hữu Tây Ban Nha tàn phá khu vực người Do Thái ở Seville. Trong vòng 50 năm sau đó, người Do Thái đã xây dựng được một khu vực riêng có tường bao quanh gọi là mellah, ở Fez. Mellah cũng có ý nghĩa tương tự như ghetto của châu Âu.

Giữa những năm 1950-1970 đa số người Do Thái Berber ở Marốc di cư về Pháp, Mỹ, hoặc Israel.

Người Do Thái ở Nam Phi

Người Do Thái đến Nam Phi vào những năm 1820 sau khi nước Anh chiếm thuộc địa Cape, và ào ạt hơn với cơn sốt khai thác vàng và kim cương cuối thế kỷ 18. Nhiều người Do Thái Ashkenazi đến từ Litva và Latvia sau năm 1881, và người Do Thái chiếm một con số không nhỏ 23% trong tổng số di dân của Cape trong quãng thời gian 1885-1915.

Người Do Thái ở Úc

Lịch sử của người Do Thái ở Úc bắt đầu với việc chiếm đất làm thuộc địa của Anh ở Úc vào năm 1788. Những người Do Thái đầu tiên đến Úc là tám người tù bị kết án được chuyển đến Vịnh Botany vào năm 1788 tại địa điểm ngày nay là Sydney. Trong điều tra dân số Úc năm 2011 có 97.335 người Úc được xác định là người Do Thái, chiếm 0,3 phần trăm dân số Úc. Phần lớn là người Do Thái Ashkenazi, nhiều người trong số họ là những người tị nạn và những người sống sót Holocaust đến trong và sau Thế chiến II. Do Thái giáo là một tôn giáo thiểu số tại Úc.

Người Do Thái ở Nam Mỹ

Những thương nhân và dân buôn lậu Bồ Đào Nha tại Rio de la Plata chắc chắn bao gồm một vài chàng Do Thái Sephardi, nhưng người Do Thái Pháp mới chính là những người đã thành lập nên cộng đồng Do Thái đầu tiên của Argentina sau khi quốc gia này giành được độc lập năm 1810. Làn sóng di cư sau 1881 từ ‘Rusos’ (Nga) đã nâng tỷ lệ người Ashkenazi của quần thể Do Thái ở đây lên 80%, phần còn lại là từ Marốc.

Tiếp theo đó, Hiến pháp tự do 1824 và tình trạng buôn bán cao su rất sôi động đã khiến Brazil trở thành điểm đến lớn thứ hai tại châu Mỹ Latinh cho người Do Thái. Vua Mexico Maximilian I khuyến khích người Do Thái Đức đến với Mexico, và người Do Thái Sephardi đã rời bỏ Đế chế Ottoman ốm yếu để đến làm lại cuộc đời của họ ở lục địa này.

Bài viết được trích từ chương 1 cuốn sách “Câu chuyện Do Thái 2: Văn hóa, Truyền thống và Con người”, của tác giả Đặng Hoàng Xa, dự định xuất bản vào đầu năm 2016.

Ghi chú:

[1] Bán đảo Iberia (Iberia) nằm ở cực Tây Nam châu Âu, được bao quanh bởi Địa Trung Hải về hướng Đông và Nam, và bởi Đại Tây Dương về hướng Tây và Bắc. Dãy núi Pyrenees làm thành biên giới Đông Bắc của bán đảo. Gibraltar, điểm cực Nam của bán đảo, được ngăn cách với châu Phi bởi eo biển cùng tên. Đây là bán đảo lớn nhất châu Âu với 582 860 km². Bán đảo Iberia gồm có các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Andorra và Gibraltar.

[2] Sephardi Jews hay Sephardic jews hay Sephardim: nhóm người Do Thái có tổ tiên sống ở Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha.

[3] Ashkenazi Jews hay Ashkenazic Jews hay Ashkenazim: nhóm người Do Thái gốc Đức sống trong các cộng đồng ở Trung và Đông Âu mà hiện nay là miền Bắc nước Pháp, Đức và Thụy Sĩ.

[4] Bán đảo Balkan là một khu vực địa lý của khu vực Đông Nam châu Âu. bao gồm toàn bộ hoặc một phần của Albania, Bosnia và Herzegovina, Bulgaria, Croatia, Hy Lạp, Kosovo, Cộng hòa Macedonia, Montenegro, Serbia, Slovenia, và phần châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ.

[5] Novorossiya là một thuật ngữ lịch sử của Đế chế Nga biểu thị một khu vực phía bắc của Biển Đen (nay là một phần của Ukraine).

[6] Mizrahi là những người Do Thái đến từ Trung Đông và Bắc Phi.

Phần 7. Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái

Flag of Israel

Khi nói về hành trình 4.000 năm của người Do Thái, chúng ta không thể không nhắc đến Chủ nghĩa Zion (Zionism), điểm sáng cuối cùng đã làm nên bước ngoặt của lịch sử Do Thái mà trên đó ý tưởng về Nhà nước Do Thái ngày nay đã nẩy mầm, lớn lên và kết thành cây trái ngay trên mảnh đất cổ xưa Canaan thấm đẫm máu và nước mắt.

Ngay trong Thời Kỳ Thánh Kinh [3000 TCN – 538 TCN] và cho đến thời điểm quốc gia Israel cổ đại bị người La Mã hủy diệt vào năm 70 CN, người Do Thái đã sinh hoạt như một quốc gia, được cho là đầu tiên trong lịch sử. Sau đó, suốt trong hơn mười chín thế kỷ, người Do Thái lưu vong, trên những vùng đất mà họ cư ngụ, đã hình thành nên một dân tộc tách biệt với những tổ chức quản lý phi - nhà nước theo cung cách riêng của mình, với ngôn ngữ duy nhất, phong tục độc đáo, những ý tưởng khác lạ, và một nền văn hóa rất khác biệt, chưa kể đến những thứ như trang phục quần áo và nghệ thuật.

Những từ như ‘Hebrew’ và ‘Israeli’, sử dụng phổ biến hơn từ ‘Jews’ – ngay trong thời hiện đại – đã phản ánh rằng bản sắc dân tộc và con người Israel, đã tự mở rộng vượt ra ngoài phạm vi của tôn giáo. Như thế, tôn giáo chỉ là một dấu hiệu trong bản sắc người Do Thái, và thực tế đã chứng minh rằng bản sắc tôn giáo-dân tộc kéo dài của người Do Thái luôn tỏ ra mạnh hơn so với hầu như bất kỳ một dân tộc nào khác trên trái đất.

Tất cả người Do Thái Diaspora, ngay cả những người nghèo và ít học sống ở những nơi làng quê cô lập nhất, vẫn ý thức được nguồn gốc của họ tại Vùng đất Israel trong Thánh Kinh; nhiều người vẫn duy trì quan hệ với cộng đồng rất nhỏ người Do Thái đang còn sống ở đó và luôn tin rằng số phận sẽ dẫn họ trở về khi Đấng Cứu Thế xuất hiện.

Là một trong những ý tưởng cố gắng tìm câu trả lời cho khao khát của người Do Thái về một mảnh đất của riêng mình, Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái (Zionism – Chủ nghĩa Zion) đã ghép những ý tưởng dân tộc chủ nghĩa hiện đại vào kết nối cổ xưa của người Do Thái với Vùng đất Israel. Tên gọi ‘Zionism’ lấy theo tên ngọn núi Zion tiếp giáp với Thành Cổ Jerusalem. Theo cách hiểu đơn giản nhất, Zionism thừa nhận sự gắn liền của dân tộc Do Thái với Vùng đất Israel bao gồm Israel ngày nay và Bờ Tây của sông Jordan. Một số người định ra ranh giới khác biệt giữa Zionism tinh thần – cái đã giúp củng cố đức tin tôn giáo của người Do Thái từ thời lưu vong Babylon – và Zionism chính trị – là ý tưởng phục quốc đã kết tinh tại châu Âu trong những năm cuối thế kỷ 19.

Chủ nghĩa Zion đã cập nhật tất cả những ý tưởng hiện có trên tinh thần tự giác và chủ nghĩa dân tộc đương đại. Nó đề xuất câu trả lời cho ‘câu hỏi Do Thái, rằng làm thế nào để người Do Thái, bao gồm cả những người có cuộc sống không bị bao bọc bởi giới luật tôn giáo, đáp ứng những thách thức và cơ hội của thế giới hiện đại? Câu trả lời là không phải sự đồng hóa với cộng đồng bản địa xung quanh, cũng không phải là sự tồn tại thuần túy tôn giáo có thể đáp ứng những thách thức của thế giới hiện đại, mà chính là sự tồn tại của quốc gia: đó là sự cần thiết tạo ra một nhà nước Do Thái ngay trên quê hương lịch sử. Các nhà Zionist cũng lập luận rằng việc thay thế sự kiên nhẫn của lòng tin bằng hành động của con người sẽ bảo tồn cuộc sống của chính những người Do Thái và sự phát triển cho tôn giáo của họ.

Israel hiện đại không phải là một tác phẩm tùy ý hoặc ngẫu nhiên – nó không chỉ đơn thuần là kết quả của những thảm họa, ví dụ như Holocaust. Thay vào đó, nó là sự tiếp nối của một quá trình lịch sử lâu dài. Sự ra đời của Nhà nước Israel là không thể tránh khỏi và chỉ là một logic hợp lý cũng như bất kỳ nhà nước nào trên thế giới hiện nay, được tạo ra bởi một cộng đồng của những người có chung một thế giới quan, lịch sử, và ước muốn được chia sẻ số phận của mình.

Sự tồn tại của những cảm tình đối với Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái trong xã hội, tôn giáo và thế giới quan Do Thái có lẽ sẽ không đi tới đâu nếu không có một phong trào có tổ chức. Những nhà tư tưởng tiên phong giữa thế kỷ 19 – Moses Hess [1812-1875], Leon Pinsker [1821-1891], và những người khác – đã cung cấp cái nhìn thoáng qua về ý tưởng lãng mạng của một nhà nước Do Thái, nhưng Theodor Herzl [1860-1904] và Ben-Gurion [1886-1973] mới là những nhà cách mạng đã đưa ý tưởng phục quốc trở thành hiện thực vào những năm 1890 khởi đầu với khái niệm Vùng đất Israel.

Vào thế kỷ 18, ở Tây Âu, người Do Thái đã có lúc tưởng rằng họ được chấp nhận vào xã hội Tây Âu hiện đại như những người bình đẳng. Tuy thế cảm giác bài Do Thái vẫn còn nằm sâu dưới bề mặt của châu Âu Ki-tô giáo. Sự thù nghịch vẫn tồn tại và rất nhiều người Do Thái tin rằng cho dù các quốc gia châu Âu tự do như thế nào đi chăng nữa, dân tộc Do Thái sẽ không bao giờ được đối xử bình đẳng cho đến khi họ có một quốc gia của riêng mình.

Năm 1862, triết gia Do Thái tại Đức là Moses Hess [1812-1875] xuất bản cuốn sách có tựa đề Rome and Jerusalem (Thành Rome và Jerusalem) trong đó tuyên bố rõ rằng tình cảm quốc gia của người Do Thái là không thể dập tắt được và chỉ có thể hiện thực hóa bằng cách quay trở về Palestine. Nếu cần thiết người Do Thái sẵn sàng hy sinh sự tự do trong hoàn cảnh lưu vong cho sự nghiệp này.

Ít người nhận thức được cảm nghĩ của Hess trong cuốn sách cho đến khi hai người đàn ông từ Odessa (Nga), Leon Pinsker [1821-1891] và Ahad Ha-Am [1856-1927], làm sống lại những ý tưởng của nó. Thành phố cảng Odessa bên biển Hắc Hải (Black Sea) có một phần ba dân số là Do Thái và là nơi ở của 150.000 người Do Thái thế tục có học hành và đang cố gắng hòa đồng vào xã hội Nga lúc bấy giờ. Tuy nhiên những cuộc tàn sát năm 1881 làm vỡ nát giấc mơ hòa nhập và khiến Pinsker cho ra đời ngay cuốn sách Auto-emancipation (Tự-Giải Phóng): “Đối với những người đang sống, người Do Thái là người chết; đối với người bản địa, người Do Thái là người ngoài hành tinh và vô gia cư; đối với người yêu nước, người Do Thái là kẻ không tổ quốc; và đối với mọi tầng lớp, họ là những kẻ đáng ghét.” Pinsker kết luận, người Do Thái chỉ có thể được kính trọng khi họ tự giải phóng mình.

Pinsker dẫn đầu tổ chức Hovevei Tzion (Những người yêu Zion) là tổ chức đã thành lập khu định cư Zion đầu tiên tại Palestine năm 1882. Năm 1890 Hovevei đã sáng lập Odessa Committee (Ủy ban Odessa) với dự định nhằm giúp phát triển nông nghiệp tại Palestine, nhưng thiếu định hướng chính trị. Cuối cùng thì chính Theodor Herzl là người đã hoàn thành dự định đó.

Theodor Herzl, một nhà báo người Do Thái ở Hungary đã khởi xướng Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái hay còn gọi là Chủ nghĩa Zion trong nỗ lực chống lại ách áp bức và ngược đãi người Do Thái và tìm ra bất cứ mảnh đất nào trên thế giới để người Do Thái có thể sống yên ổn và thành lập quốc gia của riêng họ. Tuy thế, trong thâm tâm, người Do Thái luôn biết rằng không đâu bằng đất tổ Palestine mà họ đã bỏ ra đi hơn hai ngàn năm trước. Vì thế Chủ nghĩa Zion kêu gọi việc thành lập một nhà nước quốc gia của người Do Thái ngay tại Palestine dùng làm nơi trú ẩn cho những người Do Thái trên thế giới và ở đó họ sẽ có quyền tự quyết. Các thành viên Zion ngày càng tin rằng nhà nước này phải ở ngay quê hương lịch sử của họ, mà họ gọi là Vùng đất Israel.

Tiếp theo Theodor Herzl, một Zionist khác, David Ben-Gurion, người mà sau này trở thành vị thủ tướng đầu tiên của nhà nước Israel vào năm 1948, đã tiếp nối và trở thành người lãnh đạo của Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái. Với lòng khao khát vô bờ bến cho sự nghiệp phục quốc của người Do Thái, David Ben-Gurion đã đấu tranh không ngừng nghỉ và sau này được vinh danh là ‘người cha sáng lập ra tổ quốc Israel’. Nếu Theodor Herzl có thể khái quát hóa tầm nhìn cho chủ quyền của người Do Thái và kích thích cộng đồng Do Thái tha hương bằng khái niệm lãng mạn về một nhà nước chủ quyền, thì Ben-Gurion mới chính là người đưa tầm nhìn này từ một ý tưởng để trở thành một nhà nước thực sự có năng lực vận hành.

Thành lập nhà nước Israel năm 1948

Chủ  nghĩa Zion hiện đại đã đặt viên gạch đầu tiên cho ý tưởng về một quê hương đất nước của người Do Thái với tên gọi Vùng đất Israel trên mảnh đất Palestine. Kể từ khi người Do Thái lưu vong gần 2.000 năm, Vùng đất Israel vẫn luôn là tâm điểm trong ý thức của người Do Thái.

Thực tế thì ngay từ đầu những năm 1900, người Do Thái đã bắt đầu mua đất và phát triển những vùng định cư ở Palestine. Vào năm 1909, thành phố Tel Avil của người Do Thái đã được thành lập, và vào năm 1920, khoảng 50.000 người Do Thái đã di cư trở về Palestine. Đến năm 1933 dân số Do Thái ở Palestine đã lên tới 220.000 người.

Tháng 11 năm 1947, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua một kế hoạch phân chia vùng Palestine, sau khi chế độ ủy trị của Anh chấm dứt trên mảnh đất này, thành hai nhà nước Ả Rập Palestine và Do Thái. Tháng Năm năm 1948, người Do Thái ở Palestine tuyên bố thành lập Nhà nước Israel độc lập. Vào năm này, dân số của Israel chỉ vẻn vẹn có 700 ngàn người. Sau năm 1948, với chính sách hỗ trợ và khuyến khích của Nhà nước Israel, dòng chẩy những người Do Thái nhập cư từ khắp các miền đất trên thế giới vào Israel tăng lên cuồn cuộn: năm 1949 là 239.576 người; năm 1950 là 170.249 người; năm 1951 là 175.095 người. Trong giai đoạn 1990-1999, sau sự sụp đổ của Liên Xô, gần một triệu người Do Thái quay trở về Israel, phần lớn là khoa học gia, kỹ sư, chuyên viên học thức cao. Diện mạo của đất nước Israel thay đổi không ngừng. Hiện nay 9 trong 10 người Israel là dân nhập cư hoặc là con cháu thế hệ thứ nhất hay thứ hai của dân nhập cư. Israel giờ là nơi sống của những người có 70 quốc tịch gốc và các nền văn hóa khác nhau.

Về phần nhà nước Ả Rập Palestine, do xung đột kéo dài, phải đến tháng Năm năm 1994, sau Hiệp định Oslo, Chính quyền Palestine (tự trị) đứng đầu là Yasser Arafat mới được thành lập trên hai vùng đất tách biệt: Bờ Tây và Dải Gaza. Hai bộ phận này của lãnh thổ Palestine trên thực tế là hai vùng đất cách nhau khoảng 45 km. Bờ Tây nằm giữa Jerusalem – từ lâu đã được tuyên bố là thủ đô của cả Palestine và Israel – và Jordan về phía Đông. Dải Gaza là một dải đất nhỏ dọc theo bờ biển Địa Trung Hải phía Tây của Israel.

Văn hào Mark Twain [1835-1910] khi ghé thăm Palestine vào năm 1867, đã mô tả nó là: “… Một đất nước hoang vắng phủ đầy cỏ dại đến thê lương trong im lặng…. Chúng tôi không thấy một bóng người trên đường đi …. hầu như không một cây xanh hoặc một bụi cây ở bất cứ đâu. Ngay cả ô liu và xương rồng, những bạn bè gần gũi của khô cằn, đã gần như rời bỏ đất nước này…“. Nếu ông còn sống và quay trở lại Israel vào lúc này, ông sẽ phải sững sờ mà chứng kiến rằng một màu xanh của cây trồng và rau quả đã che phủ hầu hết các vùng đồi núi xa mạc hoang vu ngày xưa, các thành thị đang mọc lên, và sau hết, cuộc sống nơi đây đang nảy mầm.

Kết quả hình ảnh cho israel

Nước Israen từ 1947 đến nay

Phụ lục: Các cột mốc thời gian

3760 TCN: Bắt đầu lịch Do Thái.

1812 TCN: Ngày sinh theo truyền thống của Abraham.

~1700 TCN: Jacob lãnh đạo người Do Thái di cư đến Ai Cập.

1300 TCN: Moses dẫn người Do Thái chạy trốn khỏi Ai Cập về Miền Đất Hứa (Exodus). Trên đường đi, Moses nhận Mười Điều Răn của Thiên Chúa tại núi Sinai, Ai Cập.

1175 TCN: Người Philistines xuất hiện ở Canaan.

1200-400 TCN: Giai đoạn Kinh Torah được biên soạn.

1000-586 TCN: Thời gian áng chừng của các vương quốc Israel theo Kinh Thánh.

1043-1010 TCN: Người Do Thái thành lập vương quốc Israel, trị vì bởi Saul.

1002-970 TCN: David trị vì Israel, lấy Jerusalem làm thủ đô.

970-931 TCN: Solomon nối ngôi David và bắt đầu qui hoạch xây dựng lại Jerusalem.

922 TCN: Vương quốc Israel bị chia thành Israel ở phương Bắc và Judah ở phương Nam. Jerusalem trở thành thủ đô của Judah.

825 TCN: Ngôi Đền Jerusalem được hoàn thành.

720 TCN: Người Assyria xâm lược Israel và trục xuất 10 bộ tộc người Do Thái.

625 TCN: Đế quốc Assyria bị liên minh của Đế quốc Babylon và Median tiêu diệt.

586 TCN: Vua Nebuchadrezzar II của Babylon phá hủy Ngôi Đền của Solomon  và bắt dân Do Thái về Babylon làm nô lệ. Kết thúc thời kỳ Ngôi Đền thứ Nhất [825 TCN – 586 TCN].

538 TCN: Đại đế Cyrus của Ba Tư tiêu diệt Đế quốc Babylon và cho phép người Do Thái trở về Jerusalem. Một số người lựa chọn không trở về: bắt đầu thời kỳ Cộng đồng Do Thái lưu vong.

538 TCN: Sau khi trở về từ Babylon, các học giả Do Thái bắt đầu sử dụng chữ viết Aramaic để viết chữ Hebrew.

515 TCN: Khánh thành Ngôi Đền Jerusalem xây dựng lần thứ hai. Bắt đầu thời kỳ Ngôi Đền thứ Hai.

480-440 TCN: Ezra giúp thiết lập lại trật tự của Judah và qui điển hóa Tanakh. Tanakh – Kinh Thánh Hebrew – trở thành kinh sách căn bản của Do Thái giáo, đặt ra những lề luật cho đời sống hàng ngày, giữ gìn văn hóa và lễ nghi Do Thái.

Thế Kỷ 5 TCN: Canaan rơi vào tay Đế chế Macedonia của Alexander Đại Đế.

198 TCN: Antiochus III của dòng họ Seleucid chinh phục Palestine.

166 TCN: Cuộc khởi nghĩa của người Do Thái dưới sự lãnh đạo của Maccabees dẫn đến việc thành lập vương quốc Do Thái độc lập dưới sự trị vì của các vua Do Thái triều đại Hasmoneans [164-63 TCN].

63-65 CN: Đại giáo chủ của phái Pharisees Joshua Ben Gamla ban hành sắc lệnh tôn giáo “takkanah” yêu cầu tất cả các ông bố Do Thái phải gửi con trai 6-7 tuổi tới trường tiểu học.

63: Quân La Mã xâm lược Israel.

66: Các đội quân La Mã đụng độ với người Do Thái ở Jerusalem, khởi đầu cho cuộc Đại khởi nghĩa của người Do Thái.

70: Quân La Mã đánh chiếm Jerusalem và san bằng Ngôi Đền. Người Do Thái di cư khắp Đế quốc La Mã. Kết thúc thời kỳ Ngôi Đền thứ Hai [515 TCN – 70 CN].

70-313: Đế quốc La Mã cai trị Palestine.

TK 1 – TK 6: Babylon là trung tâm sinh hoạt của người Do Thái lưu vong.

200: Sách Mishna hoàn thành.

313-636: Đế quốc Byzantine cai trị Palestine.

500: Sách Talmud (Pháp điển) của Babylon hoàn thành. Thời kỳ thế kỷ 3-5 gọi là Thời kỳ Talmud.

636-1091: Người Ả Rập cai trị Palestine.

TK 8 – TK 15: Tây Ban Nha là trung tâm sinh hoạt của người Do Thái lưu vong.

1091-1099: Người Seljuk chiếm Palestine.

1099-1291: Quân Thập Tự Chinh chiếm Palestine.

1291-1516: Quân Mamluk chiếm Palestine.

1492: Vua Tây Ban Nha ra sắc lệnh trục xuất người Do Thái.

1517-1917: Palestine thuộc Đế Quốc Ottoman.

TK 16 – TK 18: Ba Lan là trung tâm sinh hoạt của người Do Thái lưu vong.

1840: Rabbi Judah Alkalai ở Bosnia khởi đầu ý tưởng về Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái (Zionism).

1881: Cuộc đại tàn sát người Do Thái tại Nga của Nga Hoàng.

1897: Theodor Herzl tổ chức quốc Đại hội Zionist để bắt đầu di cư về Đất Thánh.

1901: Theodor Herzl gặp Vua Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman là Abdulhamid II để yêu cầu thành lập quốc gia Do Thái trên mảnh đất Palestine.

1917: Quân đội Anh đánh bại người Thổ Nhĩ Kỳ (Ottoman) và giữ quyền ủy trị Palestine cho đến 1948.

1933: Hitler lên cầm quyền tại Đức.

1939-1945: Thế Chiến II, thảm sát Holocaust. Phát xít Đức giết hại 6 triệu người Do Thái trong các trại tập trung.

1947: Liên Hiệp Quốc đồng ý kế hoạch chia Palestine thành hai quốc gia Do Thái và Ả Rập Palestine.

14/5/1948: Quốc gia Do Thái chính thức ra đời với tên gọi Israel, tuyên bố độc lập ngày 14/05/1948. Hơn 1 triệu người Palestine rời khỏi Israel. Khoảng 250.000 người Do Thái sống sót khỏi thảm sát Holocaust ở châu Âu trở về đất tổ./.

Bài viết được trích từ chương 1 cuốn sách “Câu chuyện Do Thái 2: Văn hóa, Truyền thống và Con người”, của tác giả Đặng Hoàng Xa, dự định xuất bản vào đầu năm 2016.

Nguồn: Đặng Hoàng Xa, http://nghiencuuquocte.org/2015/10/27/lich-su-do-thai-p-7/#sthash.mvvOuxjP.dpuf

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bài về chủ bút

    Tinh hoa nhân loại

      Khoa học

        Văn học

          SÁCH CỦA TÔI