Tìm hiểu về Israen và dân tộc Do Thái kỳ lạ

Cập nhật: 17/02/2016 Lượt xem: 11526

Trong thời đại này, có hai đất nước nhỏ bé, nhưng những người dân nước này đã làm nên những kỳ tích khiến cả thế giới đi từ ngạc nhiên đến thán phục, đó là Singapor ở Đông Nam Á và Israen ở Trung Đông. Singapor gắn liền với tên tuổi Lý Quang Diệu còn Israen với dân tộc do thái gắn liền với Do thái giáo.

Địa danh

Diện tích

(km2)

Dân số

(người)

Singapor (1960)

581,5 

5.312.000 (2012)

Hà Nội cũ (1961)

586,13

91.000

Israen (2004)

20.770 

6.900.000

Đài Loan (2006)

36.192,8

23.036.087

Dưới đây là các bài sưu tập về đất nước Israen, dân tộc do thái và Do thái giáo của họ, các bài viết phần nào lý giải những bí mật khiến họ làm nên những điều kỳ diệu.

Tìm hiểu Israel và dân tộc Do Thái

Posted on 09/10/2014 by The Observer

Tác giả: Hoàng Anh Tuấn

Trong các sắc dân trên thế giới, có lẽ hiếm có dân tộc nào chịu số phận bị đọa đày, miệt thị và khổ ải như dân tộc Do Thái với hai lần thiên di, lần thứ nhất bắt đầu vào năm 722 và lần thứ hai bắt đầu vào năm 135 Trước công nguyên (BCE). Trải qua 21 thế kỷ lưu vong, tứ tán khắp nơi và đến năm 1948 người Do Thái mới thực hiện được ước mơ “Phục quốc” (Zionism), vốn được một nhà báo Do Thái gốc Áo-Hung khởi xướng tại châu Âu từ năm 1896. Trong cùng cảnh ngộ tương tự, nhiều sắc tộc, dân tộc khác trong cùng khu vực Lưỡng Hà đã bị tiêu vong hoặc đồng hóa từ lâu. Nhưng ngược lại, mặc dù chịu những đau khổ, mất mát (như nạn diệt chủng Holocaust của Đức Quốc xã rồi nạn lưu đày, trại tập trung) nhưng người Do Thái không chỉ duy trì được tôn giáo, văn hóa, nòi giống, bản sắc của mình, mà có những ảnh hưởng vượt trội trong cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, đóng góp vào sự tiến bộ chung của nhân loại.

Với tổng số khoảng 14,5 triệu người sống rải rác tại 73 nước trên khắp thế giới (trong đó riêng tại Israel là 6 triệu, ở Mỹ 5,6 triệu), người Do Thái chiếm tỷ lệ rất nhỏ là 0,2% tổng dân số thế giới. Tuy nhiên, trong số những người nhận được giải thưởng Nobel trong các lĩnh vực vật lý, hóa học, kinh tế và y tế từ đầu thế kỷ XX đến nay, các nhà khoa học gốc Do Thái đến từ các quốc gia khác nhau đoạt được khoảng 30% tổng số giải thưởng trên.

Về địa hình, địa thế, Israel nằm ở vị trí hết sức khắc nghiệt, khác với hầu hết các quốc gia khác trên thế giới:

- Israel nằm ở ngã ba của 3 châu lục (châu Á, châu Phi, châu Âu), là mục tiêu “chinh phạt” trong suốt gần 3000 năm qua của hàng chục đế chế châu Âu, Trung Đông, từ đế quốc La Mã, Assyria, Ottoman  và gần đây nhất là Anh do có thành phố Jerusalem mà 3 tôn giáo lớn trên thế gi ới (Do Thái Giáo, Thiên Chúa giáo, và Hồi giáo) đều coi là nơi đạo của mình sinh ra và “phát tích”;

- Thiên nhiên của Israel hết sức khắc nghiệt. Là quốc gia chỉ có diện tích trên 20,000 km2 (bằng hai phần ba diện tích đảo Hải Nam), mà Israel có tới 60% là sa mạc, lượng mưa trong năm vào khoảng 50mm, tức bằng 1/30 của Việt Nam;

- Dân số Israel chỉ có 8 triệu người (trong đó có 6 triệu người Do Thái), nhưng lại bị tứ bề bao vây bởi 300 triệu dân Hồi giáo Ả-rập thù địch.

Sau hàng ngàn năm lưu lạc, khi được Liên Hợp Quốc trao quyền lập quốc năm 1948, những người Do Thái từ khắp nơi quay trở về cố quốc, giành giật từng tấc đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” với người Ả-rập. Cũng từ đây họ có cơ hội sử dụng tư chất Do Thái của mình để bảo vệ Đất Thánh (Holy Land), bắt đầu tiến trình được “chúa giao phó” nhằm cải tạo mảnh đất khô cằn này thành Miền Đất hứa (Promised Land) như trong Kinh Thánh Do Thái và bắt mảnh đất này “nhả kim cương”, chứ không phải nhả vàng!

Trên vùng đất khô cằn và thiếu nước này, người Do Thái đã cải tạo và biến Israel trở thành “ốc đảo”, là “vườn rau” của châu Âu trong mùa đông với một nền nông nghiệp có năng suất và hiệu quả cao nhất thế giới. Với một số dân làm nông nghiệp ít ỏi (chỉ 2,5% trên tổng số gần 8 triệu dân), Israel không chỉ tự túc “an ninh lương thực”, cung cấp đủ lương, thực phẩm chất lượng cao cho mình, mà mỗi năm nông nghiệp đem về 3,5 tỷ USD từ xuất khẩu. Một ha đất nông nghiệp của Israel có thể trồng được tới 300 tấn cà chua bi, còn “Cô gái Do Thái” (bò Israel) cho ra sản lượng sữa tới 12 tấn/năm, so với 9 tấn của “Cô gái Hà Lan”.

Một số nguyên nhân chính:

- Khoa học nông nghiệp phát triển: Các nhà khoa học Do Thái nghiên cứu, lai tạo các cây trồng thích hợp với thổ nhưỡng khắc nghiệt (chịu nhiệt độ cao, khô cằn cần ít nước), nhưng lại cho năng suất cao;

- Sử dụng có hiệu quả và triệt để “vàng trắng” là nước. Israel là nước đi đầu trên thế giới về công nghệ tái sử dụng nước (khoảng 70% lượng nước đã qua sử dụng); công nghệ biến nước biển thành nước lợ hoặc nước ngọt; công nghệ tưới nhỏ giọt (họ không dùng tưới phun vì lãng phí nước). Chẳng hạn, nước biển được dẫn vào các trang trại nuôi cá nước lợ (sau khi đã khử độ mặn); còn nước nuôi cá lại được tái sử dụng để tưới cây. Hệ thống tưới nước nhỏ giọt với các đường ống dẫn nước tới từng cây rồng trong với hệ thống máy tính đo độ ẩm, mức độ hấp thụ của cây để tự động điều chỉnh lượng nước tưới nhỏ giọt cho phù hợp.

Sức mạnh quốc phòng và ảnh hưởng của Israel

Nói đến bảo vệ đất nước Israel trong môi trường khắc nghiệt như vậy thì không thể không kể đến sức mạnh quốc phòng và ngành công nghiệp quốc phòng của nước này. Israel hiện được xếp trong số 10 quốc gia có sức mạnh quốc phòng lớn nhất thế giới, nhưng lại có ngân sách quốc phòng ở mức thấp nhất trong các nước này (15 tỷ USD/năm).

Để dễ hình dung, mặc dù dân số chỉ bằng khoảng 1/8 dân số nước Anh và ngân sách quốc phòng hàng năm chỉ bằng 1/3 của Anh, nhưng Israel có sức mạnh không quân đứng thứ tư thế giới, tương đương như của Anh. Như vậy nếu tính hiệu quả/số tiền chi cho quốc phòng (nói theo cách của Mỹ là “More Bang For the Buck”), thì Israel có thể là số 1 thế giới.

Tạm gác một bên con số thương vong của Israel và Hamas, trong cuộc chiến vừa qua, cả thế giới đều kinh ngạc khi chứng kiến tính hiệu quả của hệ thống đánh chặn tên lửa Mái Vòm (Iron Dome) khi chặn được tới 90% tên lửa của Hamas bắn sang Israel và gần 7000 tên lửa của Hamas bị phá hủy (cả do bị không quân Israel không kích nữa) có tầm bắn bao phủ 50% lãnh thổ và 80% dân số của Israel. Mặc dù ở ngay sát cạnh Gaza, nhưng tên lửa của Hamas bắn sang chỉ gây thương vong cho 6 dân thường (trong đó có 1 người Thái) và toàn bộ các hoạt động kinh tế khác của đất nước Israel, cũng như sinh hoạt của người dân nước này hầu hết không bị ảnh hưởng và vẫn diễn ra bình thường.

Mặc dù là đồng minh số 1 của Mỹ ở Trung Đông và thế giới, Israel vẫn cho rằng phải tự lực tự cường về quân sự, với chính sách quốc phòng riêng và dựa vào sức mình là chính. Để có sự “độc lập” tối đa, Israel không ký bất kỳ hiệp ước liên minh nào với Mỹ. Ngay cả hệ thống phòng chống tên lửa Patriot của Mỹ khi đưa sang Israel trong cuộc chiến Vùng Vịnh II để chặn tên lửa Scud của Iraq, Israel cũng thấy bất cập vì Patriot gần như bất lực và quá tốn kém khi đối phó với các tên lửa “tự chế” của Hamas.

Một số điểm nổi bật:

- Ba tổ hợp quân sự của Israel là Elbit System, Israeli Aerospace Industries và Rafael nằm trong số 100 công ty sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới. Israel xuất khẩu tới 90% vũ khí sản xuất và hàng năm thu về 3 tỷ USD từ xuất khẩu vũ khí;

- Các vũ khí của Israel thường được tích hợp rất nhiều tính năng về tầm bắn, mức độ công phá, khả năng sát thương… so với các vũ khí tương tự như của Mỹ, Nga và quan trọng là giá cả lại cạnh tranh ơn rất nhiều. Lấy súng tiểu liên GALIL của Israel so với AK47 làm ví dụ. Đạn sử dụng cho GALIL có đường kính 5,56mm, so với 7,2 mm của AK47, mức độ giật thấp hơn (dễ sử dụng cho lính nữ, mà lính nữ Israel khá đông), điều đó cho phép người lính khi ra trận mang được cơ số đạn nhiều hơn. Theo triết lý” của người Israel, tuy mức sát thương của GALIL không cao như AK47, nhưng lại có hậu quả lớn. Một là, khi ít người bị chết trận trong chiến tranh thì sự lên án và sức ép quốc tế giảm; Hai là, khi có người lính bị chết thì thông thường đối phương sẽ bỏ lại, nhưng nếu có người lính bị thương thì cần 2, 3 đồng đội dìu và do đó sẽ làm giảm sức chiến đấu của đối phương hoặc tạo ra mục tiêu mới để tiêu diệt; Ba là, làm cho đối phương chịu các hệ quả xã hội lâu dài khi chăm sóc thương binh (vì nếu lính tử thương thì chỉ lo môt lần), và do đó các tiếng nói phản chiến, hoặc gánh nặng xã hội từ bên đối phương sẽ khiến họ phải cân nhắc nhiều hơn các quyết định chiến tranh sau này.

- Tuy dân số ít, nhưng Israel duy trì được quân số thường trực khá lớn nhờ có luật nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với cả nam (36 tháng) và nữ (24 tháng) – trừ những người Israel gốc Arab hoặc một số ít gười được miễn vì lý do tôn giáo, và những người đã khi phục vụ nghĩa vụ quân sự xong đều được đưa vào danh sách lính dự bị. Trong quân đội Israel, lính nữ có vai trò thực sự chứ không phải “lính cảnh” khi họ góp tới 1/3 quân số, chiếm tới 51% tổng số sĩ quan. Đây có thế không hẳn là điểm yếu. Do hầu hết những người trưởng thành ở Israel được tôi luyện trong môi trường quân đội, huấn luyện bài bản về bản lĩnh, tính kỷ cương, và sự quyết đoán, nên tác phong này lan tỏa trong toàn bộ xã hội ở khía cạnh tích cực nhất.

Việc người Do Thái có các nhóm vận động và tác động vào nền chính Mỹ rất mạnh là điều hiển nhiên, và mọi người đều biết. Các nghị sĩ gốc Do Thái thống thường chiếm khoảng 10% trong tổng số 534 nghị sĩ Mỹ và nhiều chính trị gia tầm cỡ gốc Do Thái như cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger, ứng cử viên tổng thống Joe Lieberman… có ảnh hưởng lớn đến các quyết sách của Mỹ đối với Israel và an ninh của Israel.

Tuy nhiên, có điều ít người biết về quy tắc “không thành văn” là để vào được vòng cuối, các ứng cử viên Tổng thống Mỹ ngoài việc phải tuyên thệ trung thành với Mỹ, họ phải thuộc nằm lòng câu sẽ bảo vệ an ninh của Israel và thúc đẩy quan hệ đồng minh Mỹ-Israel sau khi đắc cử. Nói đúng nghĩa thì đó là sự vận động “ngược” để được các nhóm vận động Do Thái hậu thuẫn. Nếu không, chắc chắn họ sẽ bị đánh bật từ “vòng gửi xe”.

Không chỉ có vậy, báo chí, và các nhóm vận động có ảnh hưởng của người Do Thái còn “soi” rất kỹ tiểu sử và các phát ngôn của các lãnh đạo cấp cao trong tương lai nữa xem họ có thực sự nghĩ và làm đúng như điều họ nói không. Gần đây nhất, cựu Thượng nghị sĩ Chuck Hagel suýt bị Thượng viện Mỹ (mà hầu hết là “đồng nghiệp” khi Hagel làm Thượng nghị sĩ) cho “té đài”. Số phiếu Thượng viện bỏ cho Hagel với cương vị Bộ trưởng Quốc phòng là 56/100 trong khi theo quy định phải là 60/100 và cuối cùng các nghị sĩ phải “sửa” quy định bỏ phiếu thì Hagel mới “thoát”. Chả là khi còn là Thượng nghị sĩ của Nebrasca, có lần “nóng mắt” vì sự lộng hành của các Nhóm vận động Do Thái mà Hagel buông ra câu: “Tôi không phải là Thượng nghị sĩ Israel, mà là Thượng nghị sĩ Mỹ” (nguyên văn: I am not an Israeli Senator, I am a United States Senator)!

“Chủ nghĩa xã hội” kiểu Israel 

Tư tưởng “xã hội chủ nghĩa” như tự do, bình đẳng, bác ái in rất đậm nét trong tư duy, nền tảng chính trị và xã hội của Israel. Khi tiếp xúc với các giới khác nhau của Israel như như học giả, nhà ngoại giao, kinh tế gia và quan chức chính quyền, họ không những không phủ nhận, mà còn rất tự hào về điều này. Về hình thức có thể thấy như sau:

Một là, các Kibbudz (Công xã của người Do Thái), tương tự như một số “anh em” ở các nước khác như Nông trang tập thể (Liên Xô cũ); Công xã nhân dân (Trung Quốc) hay hợp tác xã của ta. Trong khi hầu hết những người anh em khác đều đã “thăng thiên” thì Kibbudz vẫ sống khỏe, và đang chuyển mình rất mạnh từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang mô hình quản lý hiện đại, có các trung tâm nghiên cứu, sản xuất các mặt hàng công nghệ cao, thiết bị quốc phòng… Hiện tại ở Israel có khoảng 270 Kibbudz, thu hút 100.000 người sinh sống, đóng góp khoảng 12% sản phẩm công nghệ cao và 40% sản lượng nông nghiệp xuất khẩu của Israel.

Các Kibbudznik là những cư dân sống trong các Kibbudz trên cơ sở tự nguyện, không có bất kỳ sở hữu riêng mà làm chung, hưởng chung, sinh hoạt chung và được Kibbudz cung cấp nhà cửa, chăm sóc y tế, trông giữ con cái. Nếu muốn, bất kỳ người Israel nào cũng có thể “làm đơn” xin vào Kibbudz nếu chấp nhận các nguyên tắc, luật lệ chung (do từng Kibbudz đặt ra), ngoài ra họ có thể dời bỏ các Kibbudz bất kỳ lúc nào nếu cảm thấy không còn phù hợp.

Hai là, Công đảng Israel (đảng của người lao động, có nhiều thiên hướng xã hội chủ nghĩa) được sáng lập bởi những người Do Thái trở về từ Liên Xô khi Nhà nước Do thái ra đời năm 1948. Do đó, họ mang nặng ý thức hệ và chịu ảnh hưởng bởi ý thức hệ chủ nghĩa xã hội từ Liên Xô. Từ năm 1948-1977, Công đảng đóng vai trò chi phối hệ thống chính trị Israel, và vai trò “độc quyền” này chỉ bị Đảng Likud “hạ bệ” vào năm 1977.

Ba là, trong giai đoạn 1948-1977, vai trò của nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò chi phối nền kinh tế Israel. Sở dĩ nhà nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước có vai trò lớn là do ngoài ý thức hệ, Israel còn được nhận khoản tiền bồi thường rất lớn từ nước Đức do gây ra nạn diệt chủng Holocaust nên dễ bề thao túng chính sách. Tuy nhiên, từ giữa những năm 1970, cùng với sự thay đổi chính trị, kinh tế cũng có những thay đổi theo hướng thị trường với sự ra đời của các doanh nghiệp tư nhân và tiến trình tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước. Các đồng nghiệp Israel cho biết, khi sinh thời, Thủ tướng và người sáng lập Nhà nước Do Thái David Ben Gurion rất ngưỡng mộ Hồ Chủ Tịch và phong trao đầu tranh giành độc lập của nhân dân ta. Còn các Tưỡng lĩnh Israel thì coi Võ Nguyên Giáp là nguồn cảm hứng.

Về nguồn gốc tư tưởng “xã hội chủ nghĩa” của người Do Thái, nhiều đồng nghiệp Israel cho rằng có thể lần ngược đến thời kỳ Kinh Thánh ra đời, và trong kinh thánh tiếng Hebrew của người Do Thái đã ghi rõ cả việc đối xử bình đẳng, không chỉ giữa người với nhau, mà còn với cả nô lệ và súc vật nữa. Ngoài ra, suy nghĩ đó còn được hình thành một cách bản năng, ẩn sâu trong suy nghĩ của họ xuất phát từ việc trong hơn 2000 năm chịu thân phận lưu vong, hèn mọn. Do điều kiện sống khắc nghiệt, lại bị miệt thị, khinh rẻ, trong khi phải “chiến đấu” để bảo vệ bản sắc và tôn giáo Do Thái của mình, nên người Do Thái không có cách nào khác hơn là phải sống nương tựa vào nhau, an ủi nhau, cũng chịu “thử thách của chúa” cho đến “ngày trở về Jerusalem”.

Vấn đề bảo vệ nguồn nước

Hiện nay ở phương Tây, và kể cả Việt Nam nữa, đang có phong trào thách đố nhau tự dội nước đá vào đầu (Ice Bucket Challenge) để góp tiền chữa trị bệnh ALS (Bệnh Xơ cứng cột bên teo cơ: ALS-Amyotrophic Lateral Sclerosis, có tên gọi khác là bệnh Lou Gehrig, xảy ra do một đợt biến cố tế bào làm chết các nơron thần kinh vận động ở não và tủy sống, được gọi là cơ chế huỷ diệt từng bước - apotosis) và để thử thách lòng “can đảm” của nhau (mặc dù ở ta mới thấy có một số người dội nước nhưng chưa thấy đóng tiền, có thể vì chẳng biết đóng ở đâu, đóng cho ai và tiền đó có đến tay bệnh nhân ALS hay không…!). Đặt câu chuyện này trong xã hội Israel thì thấy có phần “nhảm nhí”, cả người khởi xướng và người thực hiện có thể phải “ngồi bóc lịch”, bởi lẽ:

- Do nước là “vàng trắng”, nên Israel là một trong rất ít nước có luật ghi rất chặt chẽ về việc sử dụng nước, phạt rất nặng các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước và sử dụng nước lãng phí;

- Cả nước Israel có một hồ nước ngọt duy nhất là Hồ Galile, còn sông Jordan gần như đã cạn kiệt và có thể “nhảy” qua được ở đáy sông vào bất kỳ mùa nào trong năm. Khi làm việc với Đại sứ Dore Gold Giám đốc Trung tâm nghiên cứu các vấn đề công cộng Jerusalem (nguyên Đại sứ Israel tại Liên Hợp Quốc và cố vấn an ninh và đối ngoại của Thủ tướng Netanyahu), bạn cho biết tất cả các báo lớn trong nước sẽ chạy tít hàng đầu nếu có tin mực nước Hồ Galile thấp hơn khoảng 1cm so với năm trước, và cả nước sẽ hân hoan, sung sướng nếu nghe tin nước Hồ Galile cao hơn chỉ 0,5cm!

- Có điều khá ngạc nhiên là ngay cả khi thực hiện chiến dịch Protective Edge chống Hamas vừa qua, Israel không cắt nước và cắt điện cung cấp cho Dải Gaza (phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung của srael), mặc dù điều này có thể khiến việc chống Hamas dễ dàng hơn vì sợ sẽ gây thảm họa nhân đạo.

- Việc thực hiện “Ice Bucket Challenge” không chỉ gây lãng phí nước, mà còn cả lãng phí điện (để làm lạnh nước nữa);

Lập luận của người Do Thái là: Một, nếu thực sự quan tâm thì cứ đóng tiền, chứ sao phải dội nước. Hai, còn có rất nhiều hình thức khác vừa “vui nhộn”, vừa tạo sự quan tâm hơn của cộng đồng, mà không cần phải dội nước. Ba, tại sao lại tập trung dồn tiền cho nghiên cứu ALS lớn đến như vậy vì trên thế giới cứ 6000 người, mới có một người mắc ALS. Tạo sao lai không dành tiền và nguồn lực để tạo sự quan tâm của cộng đồng cứu chữa những căn bệnh khác còn nguy hiểm hơn nhiều, như Ebola chẳng hạn. Và còn rất nhiều các lập luận khác nữa. Điều đó, cho thấy trong văn hóa tranh luận và chính trị của người Do Thái, họ luôn nhìn vấn đề từ rất nhiều các góc độ khác nhau để tìm vấn đề và đưa ra giải pháp.

Quốc gia khởi nghiệp 

“Quốc gia khởi nghiệp: Câu chuyện về sự thần kỳ kinh tế của Israel” (nguyên văn: Start-up Nation: The Story of Israel’s Economic Miracle) là cuốn sách của tác giả Dan Senor và Saul Singer in năm 2009 và được khá nhiều người Việt biến đến với bản dịch tiếng Việt in sau đó. Khi đặt chân đến đất nước này, cảm nhận về “quốc gia khởi nghiệp” ngày một rõ nét hơn. Trong trao đổi, các quan chức của bạn nhắc không dưới 15 lần với sự tự hào và kiêu hãnh. “Start-up nation” không chỉ gợi cho mọi người thấy về một đất nước Israel non trẻ, khao khát vươn lên; là nơi các công ty khởi nghiệp (chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ cao) chen vai thích cánh; mà còn là cách biểu đạt mới để định vị Israel trên bản đồ công nghệ của thế giới. Start-up Nation không chỉ là câu nói xuông, mà là khẩu hiệu hành động của chính phủ; sự hỗ trợ của cộng đồng và thiết chế; và sự hưởng ứng của trí thức/giới doanh nhân trẻ tạo sự đột phá cho Israel.

Israel chọn hướng đi với thương hiệu “Start-up Nation” là có những lý do riêng của mình:

- Là nước nhỏ, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt và không có tài nguyên, nên muốn vươn lên thì Israel không có cách nào khác hơn là phải dựa vào nguồn chất xám, đầu tư cho nghiên cứu khoa học và tập  trung vào các ngành mũi nhọn có khả năng sinh lời “vô hạn”. Chính sách này được Israel thực thi từ khi lập nước, nhưng chỉ mới thực sự đẩy mạnh từ cuối những năm 1970 đến nay. Technion, tức Viện công nghệ Israel (Israel Institute of Technology) có thể sánh ngang với MIT của Mỹ, còn các trường ebrew University, Tel Aviv University, Ben Gurion University cũng được xếp vào hàng 50 trường Đại học tốt nhất thế giới. Tỷ lệ số người có bằng đại học/tổng số nhân lực tại Israel là 24,5%, cao vào hàng thứ ba thế giới (sau Mỹ và Hà Lan). Hầu hết các “đại gia” phần mềm, công nghệ lớn của thế giới như  Apple, Google, Microsoft đều có chi nhánh nghiên cứu, phát triển sản phẩm tại Israel để tận dụng nguồn chất xám có chất lượng tại nước này

- Người Israel luôn có hàng núi các “ý tưởng”: Trong thời đại ngày nay sức mạnh để cho bất kỳ cá nhân, thiết thế, đất nước đi lên phải bắt đầu từ việc “đẻ” ra càng nhiều ý tưởng mang tính táo bạo, đột há càng tốt. Cái này cũng giống như câu các cụ nhà ta đúc kết từ lâu: “một người biết lo bằng kho người biết làm”, nhưng chưa được hậu duệ học và làm đến nơi đến chốn. Quả thực, trong thời đại ngày nay, cái quan trọng tạo ra sự khác biệt, tạo ra sự bứt phá là phải là ý tưởng, hiện thực hóa ý tưởng và kinh doanh ý tưởng. Nếu có ý tưởng tốt thì hoàn toàn có thể thuyết phục và thu hút vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm. Thiếu lao động thì có thể ra thị trường trong hoặc ngoài nước thuê mướn. Nhưng không có ý tưởng táo bạo thì chỉ nội đi làm, gia công thuê đến bị vắt kiệt sức cũng không đủ ăn.

- Phù hợp với đặc tính đất nước Israel là nhân lực có hạn, nhưng lại rất thông minh và trong kỷ nguyên kỹ thuật số (Digital Era) thì cái chính là có lực lượng “tinh” và “chuyên” , chứ không phải là “lượng”. Các công ty “Start-up” về công nghệ khác với các công ty sản xuất và dịch vụ là thường sử dụng rất ít lao động (khoảng từ 8-25, và tối đa là 40-50 người), chủ yếu là các kỹ sư mới ra trường. Tuy gọi là mới ra trường, nhưng kỹ sự của Israel thường “già dặn” hơn kỹ sự trẻ mới ra trường của các nước khác cả về tuổi đời lẫn sự từng trải do hầu hết sinh viên Israel đều trải qua đời quân ngũ trước khi vào đại học. Sự kết hợp hoàn hảo giữa sự chín muồi về tuổi tác, bản lĩnh “gan lì” của người lính, tính sáng tạo của một nhà khoa học, sự khao khát tìm lợi nhuận hầu như đều tồn tại trong mỗi CEO của các công ty Start-up và do vậy giúp họ vững tin trước các sóng gió trên thương trường.

- Các kỹ sư công nghệ sau khi tốt nghiệp ra trường đều được khuyến khích cả tài chính lẫn chính sách để mở các công ty Start-up, và được khích lệ bởi các tấm gương thành công như phần mềm dẫn ường WAZE bán lại cho Google được 1,3 tỷ USD. Nếu như thất bại, các kỹ sư trẻ này đi làm cho các công ty đa quốc gia ngay tại Israel hay làm việc tại nước ngoài. Sau một thời gian tích lũy cả thêm kinh nghiệm và xây dựng các công ty mới, và lần này khả năng thành công của họ lớn hơn rất nhiều. Ở srael, Văn phòng khoa học gia trưởng OCS (Office of the Chief Scientist) thay mặt chính phủ xem xét va quyết định hồ sơ vay vốn ưu đãi của các công ty khởi nghiệp vì nhiều ngân hàng sợ rủi ro không dám đầu tư và số tiền này có thể lên tới 500.000 USD. Đầu tư cho chính phủ dành cho các công ty hởi nghiệp ở Israel tính theo đầu người hiện vào khoảng 270 USD (mức cao nhất thế giới), so với 170 USD của Mỹ. Trong hầu hết các trường hợp OSC chọn cách đầu tư, và hy vọng nếu công ty khởi nghiệp thành công thì họ sẽ thu vốn và lời từ bán cổ phần, còn nếu công ty thất bại thì họ coi đó là một khoản đầu tư rủi ro. Bên cạnh đó, hiện rất nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm tiến hành đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Israel theo hình thức trên. Nếu tính theo số tiền đầu tư/đầu người, số tiền Israel thu hút được từ các quỹ mạo hiểm này lớn gấp 30 lần so với châu Âu.

Di sản lịch sử

Đến Jerusalem, thăm khu phố cổ (chỉ vẻn vẹn 1km2), được nghe và xem về các bằng chứng lịch sử khu vực này trong suốt trên 3000 năm mới cảm nhận được tính phức tạp của các vấn trong nội bộ một tôn giáo, giữa ba tôn giáo (Do Thái, Thiên chúa và Đạo Hồi) với nhau, và các biến động lịch sử, các cuộc chiến tôn giáo, rồi các cuộc thay ngôi, đổi chủ. Chẳng hạn:

- Bất cứ một con đường, một nhà thờ, một ngôi nhà, một khu dân cư… đều đậm nét lịch sử hình thành và tồn tại riêng. Các bằng chứng khảo cổ học trong khu Thành cổ không chỉ trùng khớp với những gì hi trong kinh thánh của cả 3 tôn giáo, mà còn ẩn chứa trong đó các giai tầng văn hóa, lịch sử tầng tầng, lớp lớp;

- Ba tôn giáo lớn (Do Thái, Thiên chúa và Đạo Hồi) tuy kình chống nhau quyết liệt, nhưng vẫn tìm cách chung sống hòa bình. Như căn phòng có bữa tiệc cuộc cùng (trước khi Đức chúa bị hành hình) không hỉ có các kiến trúc của đạo Thiên chúa, mà còn các dấu ấn Hồi giáo như nơi làm lễ hướng về Mecca của người Hồi giáo. Ví dụ, như ngay phía dưới căn phòng này là Mộ của Vua David – Vị Vua có công thống nhất đất nước Do Thái. Với cả 3 tôn giáo đều có sự hiện diện trong căn phòng và tòa nhà này, ậy nếu phân chia sở hữu thì sẽ chia như thế nào? Một ví dụ khác là Nhà thờ Hồi giáo mái vàng (Dome of the Rock) được xem là một trong 3 nơi thiêng liêng của người Hồi giáo, nhưng lại đươc xây trên tảng đá linh thiên của người Do Thái ngay sau khi Ngôi đền của họ bị “đốt”.

- Việc thảo luận về quy chế của Jerusalem không thể chỉ diễn ra giữa Palestine và Israel, mà còn phải tính đến thái độ của cả 1 tỷ người theo đạo Thiên chúa sống rải rác khăp nơi trên thế giới vì họ cũng coi đây là “đất tổ” của mình. Đáng chú ý là ngay Nhà thờ Mộ chúa trong thành cổ Jerusalem có tên là “Church of the Holy Sepulchre”, gồm 6 nhánh của Thiên chúa giáo như Nhà thờ Ethiopia, Nhà thờ Ai  cập, Nhà thờ chính thống Armenia hay Nhà thờ chính thống Nga… Như vậy, để hiểu được văn hóa  chính trị Trung Đông thì điều cốt yếu là phải hiểu được các vấn đề tôn giáo ở khu vực.

Trở lại vấn đề Israel, hầu hết những người nghiên cứu chính trị Israel, nắm được tư duy Do Thái, và tính phức tạp trong cấu trúc kinh tế, chính trị, xã hội và tôn giáo Israel đều có nhận định chung là: tuy chỉ có hơn 8 hơn triệu dân, nhưng hệ thống chính trị của Israel được xem là hệ thống chính trị phức tạp nhất thế giới. Điều này là do:

- Người Do Thái rất thông minh, rất nhiều ý kiến;

- Cấu trúc hệ thống chính trị Israel buộc các chính trị gia phải tiếp xúc, lắng nghe và đưa tiếng nói của người dân (hoặc các đại diện của người dân) khi ra các quyết sách;

- Bất kỳ người Israel nào cũng cho rằng mình có khả năng nắm cương vị cao nhất của đất nước. Họ thậm chí còn chất vấn gay gắt ông Thủ tướng về các quyết định của mình, cho rằng “ông Thủ tướng  cũng đi tỵ nạn ở châu Âu như chúng tôi, vậy tại sao ông ấy lại gạt bỏ chúng tôi trong các quyết định của mình”.

Trước đây khi đọc câu nói của bà Golda Meir (vị nữ Thủ tướng dân cử thứ ba của thế giới) khi gặp Tổng thống Nixon rằng, “ông là Tổng thống của 150 triệu dân, còn tôi là Thủ tướng của 6 triệu Thủ tướng” thì chưa thực sự biết hàm ý câu này. Giờ mới thấy rõ ý câu này là làm chính trị ở Israel khó hơn ở Mỹ và Mỹ không nên hiểu, không ép Israel một cách quá mức.

TS. Hoàng Anh Tuấn là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Ngoại giao, Bộ Ngoại giao Việt Nam. Bài viết tổng hợp những ghi chép đăng lần đầu trên trang Facebook của tác giả về chuyến công tác tới Israel gần đây, thể hiện quan điểm cá nhân, không phải quan điểm của cơ quan nơi tác giả công tác.

Giải mã sự thành công của Israel và người Do Thái

Posted on 10/10/2014 by The Observer

Tác giả: Hoàng Anh Tuấn

Thành công của người Do Thái nhiều người đã biết, đã nghe từ lâu và có thể kể cả ngày, cả tháng cũng không hết. Là người đã tìm hiểu câu chuyện này cả chục năm nay, càng đi sâu tìm hiểu về những thành công của Israel và người Do Thái, tôi càng thấy phức tạp nhưng cũng hết sức thú vị. Chuyến đi Israel lần này, ngoài các công việc thường lệ, rất nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi, thảo luận với nhiều người, nhiều giới, nhiều nơi khác nhau giúp tôi kiểm chứng, củng cố thêm các nhận định trước đây của mình; biết thêm nhiều vấn đề mới; đồng thời cũng xóa bỏ một số các định kiến một chiều, phiến diện.

Có rất nhiều câu hỏi đeo đẳng trong suốt quá trình tìm hiểu để có câu trả lời thấu đáo, đại loại như:

1. Tại sao chỉ chiếm một phần nhỏ của dân số thế giới, nhưng người Do Thái lại có sự thông tuệ vượt thời gian, hơn hẳn các dân tộc khác trên thế giới? Nếu tính theo chỉ số IQ, chỉ số trung bình của người Do Thái là 110 so với chỉ số trung bình 100 của thế giới. Tuy mức chênh lệch IQ chỉ là 10, nhưng tỷ lệ thiên tài trong nhóm những người có IQ 110 cao hơn nhóm có chỉ số IQ 100 tới 120-150 lần!

2. Phải chăng người Do Thái có “gien” thông minh hơn người và “gien” này được lưu giữ và truyền từ đời này qua đời khác?

Câu chuyện này đã được nhiều nhà khoa học âm thầm nghiên cứu để tìm câu trả lời thấu đáo. Tuy nhiên, người Do Thái lại “bác bỏ” điều nay, cho rằng sở dĩ người Do Thái thành công là do điều kiện, hoàn cảnh bắt buộc họ phải nỗ lực, sáng tạo và vươn lên không ngừng để thích nghi với hoàn cảnh. Vậy thực, hư câu chuyện này ra sao?

3. Nếu như có “gien” Do Thái như vậy thì “gien” này được “lưu giữ” và phát triển ra sao từ thời “Cụ Tổ” của người Do Thái đến nay và trong hoàn cảnh họ bị ly tán, tha phương cầu thực?

Người Do Thái hiện nay đều coi Thủy tổ của mình là ông Abraham (và cũng là của người Hồi giáo – Người Hồi giáo gọi là Ibrahim) ra đời cách đây khoảng 4000 năm, và Nhà Tiên tri Moses, ra đời cách đây khoảng 3600 năm. Ông Mosses đã dẫn dắt các nô lệ người Do Thái chạy trốn khỏi Ai Cập và đến khu vực Bắc Israel hiện nay, thống nhất 12 bộ lạc khác để lập ra nhà nước Do Thái. Hiện nay Israel là quốc gia Do Thái duy nhất trên thế giới, người dân đa phần là người Do Thái và quốc đạo là Đạo Do Thái. Để dễ hình dung, nếu có một nước khác có đặc trưng tương tự như Israel, chẳng hạn Trung Quốc, thì đặc trưng nước đó sẽ là: Người Trung Quốc, nước Trung Quốc, Đạo Trung Quốc. Nhưng trên thực tế ta thấy: người Hán, nước Trung Quốc và Đạo Khổng.

4. Tại khu vực hiện gồm phía Bắc Ai Cập, lãnh thổ Israel, Palestine, Gioóc-đa-ni hiện nay, khu vực phía Nam Syria, và phía Đông Bắc Iraq vốn trước đây là khu vực tranh chấp quyết liệt giữa bộ lạc Do Thái với các bộ lạc khác trong khu vực, cũng như giữa các đế chế lân bang với nhau như Roma, Assyria, Babilon, Ottoman… nhằm kiểm soát khu vực đồng bằng ven biển Israel và khu đồi cao Jerusalem để cho được gần với Đức Chúa trời. Sau sự kiện Ngôi đền thứ nhất của người Do Thái bị đốt năm 586 trước Công Nguyên thì mục tiêu xâm lược là để chiếm miền đất thánh Jerusalem, nơi cả 3 tôn giáo (Do Thái, Thiên chúa, Hồi giáo) đều coi là đất thiêng của mình.

Vậy tại sao trong khi hầu hết các bộ tộc du mục khác bị đồng hóa, hoặc bị tuyệt diệt, nhưng người Do Thái lại “thoát” được nạn này (tuy rằng người Do Thái cũng trải qua nạn diệt chủng Holocaust và một số cuộc truy sát tập thể trong quá khứ)? Vậy họ đã “thoát” bằng cách nào?

5. Tại sao người Do Thái lại có truyền thống hiếu học và tỷ lệ biết chữ rất cao so với những dân du mục cùng thời? Tại sao người Do Thái lại đi tiên phong trong rất nhiều lĩnh vực như khoa học tự nhiên, luật, khoa học chính trị, công nghiệp giải trí…?

Từ hàng ngàn năm trước công nguyên trẻ em Do Thái hầu hết biết đọc biết viết, và khi lưu lạc ở châu Âu, người Do Thái cũng có tỷ lệ biết đọc, biết viết cao hơn người bản địa. Cần nhớ, trước thời kỳ Phục Hưng cả châu Âu chìm đắm trong u muội, tỷ lệ mù chữ lên tới 80-90% dân số. Đến những năm 1930 của thế kỷ trước, người Do Thái gần như độc quyền trong lĩnh vực nghiên cứu năng lượng nguyên tử, thậm chí thời kỳ đó người ta còn gọi ngành khoa học này là “ngành khoa học Do Thái”.

Nhìn rộng hơn, không chỉ người Do Thái quan tâm đến chuyện học hành của con cái, mà người Đông Á, kể cả Việt Nam, cũng vậy và có thể kể ra không ít các tấm gương thành công đáng ngưỡng mộ. Nhiều gia đình sẵn sàng bán nhà, bán cửa để đầu tư chuyện học hành của con cái. Tuy nhiên đạt đến đỉnh cao trí tuệ như Albert Einstein, Karl Marx, Noam Chomski và rất nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel gốc Do Thái lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Tại sao người Do Thái làm được chuyện đó?

6. Trên thế giới đã từng có dân tộc nào bị trục xuất, sống lưu vong trên hai ngàn năm mà vẫn giữ được bản sắc, tiếng nói, chữ viết và tập tục của mình như người Do Thái không?

7. Các giáo sĩ (Rabbi), Hội đồng giáo sĩ và những người Do Thái chính thống là những người có địa vị và tiếng nói quan trọng trong xã hội. Vậy họ có vai trò ra sao trong việc duy trì tập tục, bản sắc và “nòi giống” Do Thái?

8. Tại sao mô hình Kibbudz của người Do Thái lại thành công và có sức sống kỳ diệu ở Israel, trong khi mô hình này lại không thành công hoặc không thể thành công ở các quốc gia khác. Cốt lõi tạo nên thành công của các Kibbudz là gì?

9. Khi người Do Thái được thực hiện giấc mơ “Phục quốc” năm 1948, hàng trăm ngàn người Do Thái từ trên 70 quốc gia khác nhau trên khắp thế giới đổ về mảnh đất Israel, họ đã sát cánh cùng nhau bắt tay xây dựng và bảo vệ đất nước. Tiếp đó, sau các biến động ở Liên Xô và châu Âu trong những năm 1989-1990, 1,5 triệu người Do Thái (tức trên 1/4 dân số) trở về “cố quốc”. Mỹ, Australia, Canada cũng là quốc gia của những người nhập cư, nhưng chưa từng chứng kiến lượng lớn người nhập cư đổ về (tính theo tỷ lệ dân số) trong một thời gian ngắn đến vậy. Tuy đến từ nhiều xứ sở khác nhau, nhưng hầu hết những người Do Thái không bị gặp các rào cản ngôn ngữ và nhanh chóng hội nhập vào xã hội mới. Chuyện này thực hư thế nào và được thực hiện ra sao?

Còn rất nhiều các câu hỏi khác nữa. Vấn đề đặt ra là mô hình Israel và bài học thành công của người Do Thái (tạm bỏ qua một bên các khiếm khuyết và một số “thói hư, tật xấu” của người Do Thái) có thể học được không và áp dụng ở quy mô nào (gia đình, dòng họ, công ty, thiết chế, đất nước…)?

Israel: Cường quốc nông nghiệp giữa sa mạc

Do điều kiện tự nhiên, sa mạc chiếm đến 60% tổng số 20.000 km2 diện tích, nên đất đai canh tác còn lại của Israel rất ít và chủ yếu nằm ở khu vực đồng bằng ven biển. Tuy nhiên, điều này không ngăn cản Israel trở thành nước có nền nông nghiệp phát triển nhất thế giới, chủ yếu nhờ đi tiên phong trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng các thành tựu khoa học-công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Đi thăm các cơ sở nông nghiệp Israel mới thấy trình độ công nghiệp hóa nông nghiệp và khả năng lập kế hoạch sản xuất, dự báo thị trường của Israel đạt đến trình độ rất cao. Có lẽ dùng từ “nông dân” đối với họ là không chính xác, mà là công nhân nông nghiệp. Ngoài ra, đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa 4 “Nhà”, gồm: (i) Nhà nước; (ii) Nhà khoa học; (iii) Nhà buôn; và (iv) Nhà nông. “Nhà nông” ở đây cần được hiểu là người bỏ vốn đầu tư, tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào quá trình sản xuất nông nghiệp.

Đất đai ở Israel được nhà nước quản lý rất chặt chẽ. Nhà ở của dân thì xây trên các triền núi đá, khó cải tạo thành đất nông nghiệp, còn đất đồng bằng tuyệt đối sử dụng cho trồng trọt và canh tác. Thậm chí đất hoang mạc, nhưng tương đối bằng phẳng có thể cải tạo thành đất nông nghiệp thì cũng không được làm nhà ở trên đó.

Israel đi tiên phong trên thế giới trong lĩnh vực cải tạo đất hoang mạc, sa mạc thành đất nông nghiệp trù phú. Quy trình như sau (để đơn giản hóa): (i) San bằng đất hoang mạc, sỏi đá; (ii) Phủ lên đó 1 lớp đất dày, ít nhất là 1/2 m; (iii) Trồng các loại cỏ hoặc cây dại không cần tưới nước khoảng từ 3-5 năm, để biến đất chết thành đất màu; (iv) Sau quá trình cải tạo này, đất hoang mạc biến thành đất nông nghiệp và được giao cho các chủ đất (nhà đầu tư) để tiến hành sản xuất.

Về mặt sinh thái, bước vào thế kỷ 21, Israel là nước duy nhất trên thế giới đã mở rộng được diện tích rừng và quỹ đất nông nghiệp.

Tuy là nước nhỏ, có 8 triệu dân, nhưng Israel lại có hệ thống đường dẫn nước tái sử dụng dài nhất thế giới. Toàn bộ lượng nước thải được dẫn trở lại các trung tâm xử lý, lọc lại, sau đó được dẫn ngược trở lại theo các đường ống để sử dụng tưới tiêu cho nông nghiệp.

Hệ thống ống dẫn nước tưới được dẫn đến từng khoảnh vườn, tới từng cây và việc tưới được vi tính hóa qua hệ thống điều khiển ở trung tâm về thời gian tưới, lượng nước tưới sao cho phù hợp nhất với thời tiết, độ sinh trưởng của từng loại cây. Cũng từ trung tâm, các kỹ sư nông nghiệp sử dụng luôn đường ống dẫn nước để dẫn phân bón hoặc chất dinh dưỡng cần cho cây theo định kỳ.

Tại đầu từng khoảnh vườn, có bảng ghi chi tiết vườn trồng cây gì, giống nào, từ khi nào… Nhìn chung các cây trồng (cam, bưỏi, cà chua, ớt.. ) là những loại cây trồng có năng suất cao, đã được lai ghép cho phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng Israel là chịu nắng, chịu khô, chịu sâu bệnh nhưng lại cho năng suất cao và chất lượng quả, trái cây tốt.

Mỗi cây cam hoặc bưởi trông thấp như vậy nhưng lại rất sai quả và có thể cho đến vài tạ quả/cây khi đến mùa thu hoạch. Với lợi thế là trồng cây quả nhiệt đới có chất lượng cao, ổn định, hệ thống kiểm định chất lượng chặt chẽ, ở ngay sát châu Âu và cung cấp những hoa quả nhiệt đới “trái vụ” khi châu Âu bước vào mùa đông nên hoa quả Israel có rất nhiều lợi thế về giá và thị trường.

Đây có lẽ chính là mô hình đầu tư, sản xuất, phát triển và kinh doanh nông nghiệp mà một nước nông nghiệp như chúng ta cần học hỏi và để làm giàu tại ngay chính mảnh đất quê hương mình. Nếu so với Israel, có lẽ đất đai miền Trung Việt Nam còn màu mỡ và có các điều kiện tự nhiên để sản xuất tốt hơn nhiều. Ngay một nước có nền nông nghiệp phát triển nhất ở khu vực như Thái Lan cũng có hàng ngàn thực tập sinh lao động trong các trang trại, mà thực chất là lao động xuất khẩu.

Có điều ít người để ý là trong khi thực tập sinh Việt Nam chăm chỉ làm lụng, tiết kiệm từng đồng gửi về cho gia đình, vợ con, thì khá nhiều “lao động” Thái là các “tình báo” nông nghiệp. Họ là các kỹ sư, con cái các chủ nông trại Thái, những người nuôi chí làm giàu bằng nghề nông và sử dụng thời gian lao động tại Israel như một hình thức “khổ nhục kế”, âm thầm tìm hiểu quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý… để tìm đường khởi nghiệp làm giàu cho mình và cho nước Thái sau này.

Vậy ta nên và sẽ làm gì? Xin nhường câu trả lời cho các bạn trẻ.

Kinh Do Thái, lối sống, bản sắc, và tiếng Hebrew

Có ba câu chuyện ngồi ngẫm lại thấy khá hay và cũng phần nào liên quan đến chủ đề sắp bàn dưới đây.

CÂU CHUYỆN 1: Công việc đã xong, nhưng rủi một cái là không thể bay về được vì là ngày Thứ 7 nên hãng hàng không Israel El Al không làm việc. Nhưng lại có cái may là nhờ đó hiểu được thêm về kỳ nghỉ cuối tuần Thứ 6 và Thứ 7 (lễ Sabbath, người Do Thái đi làm từ Chủ nhật đến hết Thứ 5) của người Do Thái. Khi đi trên đường, đặc biệt ngày Thứ 7, thấy đường phố vắng ngắt và gặp không ít đàn ông Do Thái chính thống (Jewish Orthodox) mặc bộ đồ đen, đầu cũng đội mũ đen rộng vành, đứng trên vỉa hè, hai tay cầm quyển Kinh thánh Do Thái đọc lẩm nhẩm hàng tiếng đồng hồ với động tác hết sức thành kính và giữa trời nắng chang chang, trong khi đầu gật tới gật lui. Điều này không chỉ gây cho tôi sự ngạc nhiên thích thú, mà còn gợi ra rất nhiều điều.

CÂU CHUYỆN 2: Trước đó, khi chia tay Đại sứ Dan Stav, người tháp tùng trong suốt chuyến đi, tôi có nói rằng “Khi tôi mới đến nơi, ông Đại sứ có nói Bộ Ngoại giao Israel có khoảng 1000 nhà ngoại giao. Giờ đây khi đã xong các cuộc tiếp xúc tôi chỉ đồng ý một nửa. Các ông không chỉ có 1000 nhà ngoại giao, mà đó còn là 1000 Giáo sư nữa”. Dan ngửa mặt cười ha hả. Quả thực, hiếm có nước nào, kể cả các cường quốc, lại có nhiều nhà ngoại giao nắm giữ các vị trí chủ chốt nhưng lại có trình độ khá đều tay, am hiểu sâu chuyên môn và có thể trình bày vấn đề mạch lạc như một giáo sư đại học. Không chỉ rành chuyên môn, họ còn thể hiện tác phong hết sức chuyên nghiệp, động tác mạnh mẽ, dứt khoát.

CÂU CHUYỆN 3: Khi vào phòng làm việc với Lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc Phòng của họ, tôi hơi ngạc nhiên khi thấy phòng khách bày biện khá đơn giản, không rõ chỗ ngồi của chủ và khách. Bèn hỏi cô lễ tân là ngồi thế nào, cô để “Sếp” cô ngồi đâu. Câu trả lời là: Các ông ngồi thế nào thì tùy và chỉ cần để một chỗ cho ông ấy ngồi là OK. Sau này mới thấy rõ hơn, trừ một số cuộc gặp phải tuân thủ một số nghi lễ ngoại giao bắt buộc, việc ngồi tự do (free sitting) tạo không khí thảo luận thoải mái và bình đẳng giữa chủ và khách, càng ngạc nhiên hơn khi đây cũng chính là cách người Israel ngồi khi thảo luận nội bộ!

Quay trở lại Phần 1, tôi thấy rằng các câu trả lời về nguyên nhân thành công của người Do Thái, sự cố kết của dân tộc này đều khởi nguồn từ 3 yếu tố chính (i) cuốn Kinh Do Thái (Jewish Bible), (ii) cách thức duy trì Đạo, bản sắc và lối sống Do Thái; và (iii) tiếng Hebrew. Các vấn đề khác như “gien” và tố chất thông minh của người Do Thái; tính hiếu học, ham hiểu biết và sáng tạo; cách duy trì và tổ chức cuộc sống, đời sống xã hội một cách văn minh, lành mạnh của họ đều bắt nguồn từ 3 yếu tố trên. Và cũng thật trớ trêu, đây lại là nguyên nhân chính khiến họ bị xua đuổi, miệt thị, truy sát trong hơn 20 thế kỷ qua. Tôi cũng nghiệm thấy rất ít dân tộc, quốc gia có thể học được theo họ, trừ phi anh cũng trở thành… người Do thái như họ!

Ta hãy đi từng vấn đề một:

Thứ nhất, Israel là đất nước duy nhất trên thế giới được định hình bởi 4 yếu tố mang đậm chất Do Thái là: (i) Dân tộc Do Thái, (ii) Đạo Do Thái, (iii) văn hóa Do Thái, và (iv) Đất nước Do Thái.

Trong các tôn giáo trên thế giới, Đạo Do Thái được ghi nhận là đạo có tuổi đời lâu thứ hai trên thế giới (ra đời cách đây khoảng 3000 năm), sau Đạo Hindu (ra đời cách đây khoảng 4000 năm). Tuy nhiên, do Hindu là đạo đa thần, nên Do Thái giáo có thể xem là đạo độc thần (Monotheistic) ra đời sớm nhất thế giới. Đạo Độc thần là đạo chỉ thờ 1 vị chúa/thần/hoặc thánh duy nhất. Đạo Do Thái chỉ thờ duy nhất Chúa trời, nên trên bàn thờ trong nhà thờ Do Thái họ trang trí đơn giản, không thờ người hoặc động vật. Họ cho rằng, người là người, dứt khoát không thể là chúa hay thánh được và chỉ có một Đức Chúa trời duy nhất. Phải chăng điều này làm cho người Do Thái cũng như sinh hoạt tôn giáo của họ “dân chủ” hơn do không bị phân tán, mất bớt quyền lực qua các nhân vật trung gian?

Một điều rất đặc biệt là trong cuốn Kinh Torah (gồm 5 tập, ghi lại các lời của Nhà tiên tri Moses) có ghi người Do Thái được Đức chúa trời chọn (the Chosen People) để truyền đạt thông điệp của Chúa cho các dân tộc khác, dẫn dắt và khai sáng các dân tộc khác. Người Do Thái rất tin vào điều này, tin vào “sứ mạng” được Chúa giao phó. Đây có lẽ là động lực lớn nhất khiến người Do Thái luôn tìm cách đạt đến đỉnh cao của khoa học, phấn đấu đủ tầm trí tuệ “dẫn dắt” nhân loại như họ nghĩ đã được “Chúa lựa chọn”. Do đó, điểm nổi bật nhất ở người Do Thái là họ thấy mục đích cao nhất của cuộc sống là sáng tạo, chứ không chỉ là kiếm tiền, và kiếm tiền cũng như sự giàu có của họ thực ra là hệ quả của các lao động sáng tạo chứ không phải mục đích mà họ theo đuổi.

Thứ hai, trong bất kỳ tôn giáo nào, tính “Giáo điều” đều tồn tại, duy chỉ khác nhau về mức độ. “Giáo điều” là những điều được ghi trong kinh/kinh thánh hoặc được các Bề trên giảng và được coi mặc nhiên đúng, không bàn cãi. Tuy nhiên, bản kinh Torah của người Do Thái lại rất gợi mở để mọi người suy nghĩ, khám phá. Trong 5 cuốn Kinh Torah thì có đến 4 cuốn nói về luật và 1 cuốn về các vấn đề trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày. Torah ghi các vấn đề trong cuộc sống, đặt ra các câu hỏi, gợi mở để suy nghĩ, nhưng lại không chỉ có một câu trả lời, mà có nhiều câu trả lời tùy thuộc bối cảnh khác nhau, và thậm chí còn để khoảng trống để mọi người cho trí tưởng tượng bay bổng với các hỏi và câu trả lời. Trong bữa cơm gia đình cuối ngày, hoặc trong ngày Sabbath, các thành viên trong gia đình, trong cộng đồng đọc và tranh luận các điều ghi trong kinh thánh, và có thể chính điều này làm tăng thêm năng lực trí tuệ, làm cho họ rất giỏi về luật.

Thứ ba, các bạn Israel cho biết, cuốn Kinh Torah giống như một cuốn sách khoa học hơn là một cuốn kinh với các “Giáo điều”. Chẳng hạn, trong Kinh Torah ghi rõ ngày Thứ 7 là ngày Chúa nghỉ ngơi, nên tất cả mọi người Israel, kể cả các nô lệ và súc vật không được làm việc trong những ngày này. Ngày lễ Thứ 7 của họ gọi là ngày lễ Do Thái (Sabbath) được xem là ngày “nghỉ tuyệt đối”, theo đó Chúa khuyên các thành viên trong gia đình dành thời gian này bên nhau, cùng trò chuyện, đi chơi, vợ chồng “yêu” nhau, gia đình cùng nhau đi đến nhà thờ (Synagogue). Trong ngày này, mọi người không được bật lửa (vì thời xa xưa, bật lửa có nghĩa là phải vào bếp nấu nướng, tức vẫn “đi làm”) và ăn đồ ăn được chuẩn bị từ hôm trước. Thậm chí thang máy trong các cao ốc cũng để “chế độ Sabath”, tức người Do Thái không dùng tay bấm nút (biểu hiện của “làm việc”), mà để thang tự chạy automatic và mở cửa trước từng tầng một từ tầng thấp nhất đến tầng cao nhất của tòa nhà. Ngày Chủ nhật là ngày làm việc đầu tiên của họ, và điều ngạc nhiên là theo cách gọi trong Kinh thánh Do Thái các ngày làm việc trong tuần theo tuần tự là các ngày “sáng tạo”, chứ không phải ngày “đi làm”.

Chỉ bấy nhiêu thôi cũng gợi ra một số điều thú vị:

- Ngày thứ 7 nghỉ tuyệt đối để lấy sức lao động cho các ngày khác trong tuần và đây có thể là nguồn cảm hứng cho việc đấu tranh đòi quyền của người lao động sau này;

- Lễ Sabbath tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình (khi cả nhà cùng ngồi ăn quay quần bên nhau), và giữa các thành viên trong cộng đồng (khi hàng xóm cùng kéo nhau đến nhà thờ);

- Là cơ sở của việc đấu tranh giành quyền bình đẳng phụ nữ (không lao động trong ngày Sabbath) sau này, cũng như quyền của động vật;

- Vợ chồng “sản xuất” em bé trong ngày nghỉ khi tinh thần thoải mái thì đứa trẻ sau này cũng sẽ thông tuệ hơn.

Người Do Thái coi trọng chuyện học hành

Người Do Thái rất chú trọng đến chuyện học hành và chữ nghĩa của con cái. Cuốn Kinh Talmud từ cách đây trên 2000 năm đã yêu cầu các ông bố, bà mẹ phải dạy cho con cái biết đọc, biết viết từ năm lên 6 tuổi. Điều này, cũng như một số giáo lý khác trong kinh Talmud, được người Do Thái thực hiện hết sức nghiêm túc (sẽ nói kỹ sau), một phần vì thấy đúng, một phần vì sợ bị cộng đồng xa lánh. Do đó, từ cách đây trên 2000 năm người Do Thái cơ bản xóa được nạn mù chữ, với trên 90% người dân biết đọc, biết viết.

Đối với cuộc sống của con người hiện đại thời nay, điều này là quá sức bình thường. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh người Do Thái là những người du mục, nông dân, thậm chí tha phương cầu thực mà vẫn giữ được truyền thống này, trong bối cảnh tới trên 90% dân châu Âu và các sắc dân khác ở Bắc Phi, Trung Đông ở xung quanh thời đó mù chữ thì đây quả là điều phi thường. Không chỉ thời nay người Do Thái mới được trọng dụng và phát huy vai trò, mà vào thời cực thịnh của Đạo Hồi (thế kỷ IX-XIII) sau Công nguyên, người Do Thái được người Hồi giáo tin dùng và đóng vai trò nổi trội là các thương gia biết tính toán, “ăn nên, làm ra” với hệ thống buôn bán kéo dài từ Trung Đông, qua Nam Á và Đông Nam Á, thậm chí tới Thượng Hải.

Vậy trong điều kiện bị chiếm đóng và lưu lạc, họ duy trì được chữ viết và tiếng nói của mình ra sao trong hàng ngàn năm mà không bị mai một? Câu trả lời chính là sự sùng đạo và cuốn kinh Do Thái viết bằng tiếng Hebrew.

Hầu hết những người Do Thái mà tôi gặp, dù là người Chính thống hay người Do Thái bình thường, đều nói rằng khi gặp nạn, vật đầu tiên và cũng là vật quý giá nhất mà người Do Thái đem theo đầu tiên đó chính là CUỐN KINH THÁNH, chứ không phải bất cứ vật dụng nào khác. Cuốn Kinh thánh Do Thái (Hebrew Bible) đối với họ vừa là đức tin, vừa là lịch sử, vừa là nguồn tri thức, vừa giúp họ giữ được bản sắc, vừa giúp họ có tương lai:

Một là, sự sùng đạo, khiến người Do Thái phải đọc kinh liên tục, đọc thuộc làu, đọc ở trong nhà, đọc ngoài đường, đọc ở nhà thờ… giúp người Do Thái giữ được tiếng nói, nhận diện được ngôn ngữ đặc trưng của mình và được truyền từ đời này qua đời khác.

Hai là, khi lưu lạc sang các xứ khác nhau, ngữ âm của họ có bị thay đổi do phát âm theo thổ ngữ địa phương, nhưng cơ bản họ vẫn hiểu được nhau dù lang bạt hàng ngàn năm, và tới tận 73 quốc gia và lãnh thổ khác nhau. Điều đó giải thích tại sao người Do Thái từ “tứ xứ” đổ về, nhưng đã nhanh chóng gắn kết với nhau ngay sau khi Israel được tái lập năm 1948.

Ba là, không chỉ thạo tiếng Hebrew, mà người Do Thái còn thạo tiếng bản địa nơi họ sinh sống. Như vậy trên thực tế, người Do Thái sử dụng thông thạo hai ngoại ngữ từ rất sớm. Khoa học đã chứng minh, những người hoặc nhóm cộng đồng sử dụng được trên 1 ngoại ngữ thường có chỉ số IQ lớn hơn nhóm, hoặc người sử dụng ít ngôn ngữ hơn. Không chỉ vậy, kinh thánh không chỉ là phương tiện duy trì ngôn ngữ, mà còn giúp họ mở mang các kiến thức luật, kinh tế và khoa học thông thường ở trong đó.

Bốn là, niềm ao ước tột cùng trở về Jerusalem cũng được ghi trong Kinh thánh. Thời cổ đại, dù muốn đi đâu, làm ăn gì, thì người Do Thái cũng quy ước về quần tụ tại Jerusalem để hành lễ ít nhất là 4 lần 1 năm. Đến nay, truyền thống đó vẫn được duy trì và người Do Thái ở Israel thường về Jerusalem mỗi năm một lần, còn người Do Thái ở khắp nơi trên thế giới thì về ít nhất 1 lần trong đời. Kinh Thánh Do Thái ra đời trong bối cảnh người dân Do Thái đã từng mất tổ quốc, mất Jerusalem trong một thời kỳ dài từ hàng trăm năm trước đó. Do đó, Kinh Thánh nhắc nhở người Do Thái rất kỹ về điều này. Truyền thống có từ cả ngàn năm nay và đến nay vẫn được duy trì trong cộng đồng Do Thái, là khi gặp nhau, hoặc khi viết thư, họ thường nói đến việc “sớm hẹn gặp nhau tại Jerusalem”, “hẹn gặp tại Jerusalem vào năm tới”. Do đó, ước nguyện trở về Jerusalem, lấy lại Jerusalem luôn cháy bóng trong mỗi người Do Thái và họ không bao giờ quên điều này khi tha hương.

Đạo Do Thái và việc duy trì nòi giống

Việc thực hiện nghiêm ngặt các phong tục tập quán của Do Thái giáo giúp người Do Thái sàng lọc gien “xấu”, lấy và nhân giống gien “tốt”. Thực ra, không chỉ người Do Thái làm vậy, mà các dân tộc khác như ngoài Hoa và Việt Nam cũng có những vần thơ để chọn người xứng đôi, vừa lứa như “Trai anh hùng, gái thuyền quyên”, “Nữ tuệ tam tài nguyên thị đối” (Gái giỏi trai tài nom thật đối), v.v…. Chắc chắn đây không chỉ là chuyện “tâm đầu, ý hợp” của trai gái, mà còn liên quan đến việc duy trì nòi giống sau này.

Nếu như người Đông Á chỉ dừng lại ở mức “khuyên răn” thì người Do Thái đã “luật hóa” và “hệ thống hóa” được việc chọn lọc có chủ đích thay cho việc chọn lọc tự nhiên, vô thức để “hoàn thiện” và “phát triển” gien của mình:

Một là, trong Đạo Do thái, Giáo sĩ (các Rabbis) là những người được chọn từ những người thông minh nhất. Các Rabbis là người diễn giải Kinh thánh có uy tín và trọng lượng nhất, duy trì các giá trị “chính thống” và được xã hội hết sức trọng vọng. Tuy là thầy tu, nhưng các Rabbis vẫn có con như những người bình thường, và thậm chí có rất nhiều con. Do có uy tín cao trong xã hội, nên họ dễ dàng chọn hôn thê và hôn thê được họ ưu tiên chọn thường là con cái của các học giả (scholars), rồi sau đó mới đến con các nhà buôn.

Hai là, không chỉ các Rabbis chọn như vậy, kinh thánh Do Thái thậm chí còn khuyên mọi người là nếu có tiền của thì hãy tìm cách cho con cái của mình lấy con gái của các học giả. Kinh thánh khuyến khích người Do Thái sinh nhiều con, cho rằng sinh 13 con thì sẽ có nhiều may mắn. Nhưng trên thực tế lại có các “phanh hãm” đối với người nghèo, người ít học là sinh ra con cái nhưng phải đảm bảo các điều kiện kinh tế và tài chính. Chính điều này làm cho người nghèo, người ở tầng lớp thấp không “sinh tràn lan”, mà sinh có trách nhiệm và số người này chiếm tỷ lệ ngày một ít đi trong so sánh tương đối với những người có “gien” tốt, hoặc có điều kiện vật chất tốt hơn. Trải qua hàng ngàn năm chọn lọc có điều kiện như vậy nên việc có được nhiều gien tốt trong người Do Thái là điều dễ hiểu.

Ba là, trong quan niệm Do Thái chính thống, và ngay tại các khu vực người Do thái chính thống sinh sống hiện nay tại Israel, phụ nữ, con gái không bao giờ được “bén mảng” đến Nhà thờ. Trái lại, đàn ông dù bận công việc đến mấy cũng tìm cách đến nhà thờ vào lúc 6h chiều hàng ngày để làm lễ trước khi về nhà. Tuy nhiên, phụ nữ Do Thái lại được xem là có “quyền năng” tuyệt đối trong việc duy trì nòi giống. Con của một phụ nữ Do Thái đương nhiên được coi là người Do Thái, còn con của người đàn ông Do Thái với một phụ nữ không phải Do Thái thì chỉ được coi là người Israel (nếu như sống ở Isael), chứ không được coi là người Do Thái. Thời xa xưa, việc gia đình người Do Thái có một cô con gái lấy chồng không phải người Do Thái bị coi là “nỗi nhục” của cả gia đình và dòng họ, và người bố “từ con” bằng cách đào một nấm mộ giả coi như đứa con mình dứt ruột đẻ ra đã chết.

Nhiều nhà thần học mà tôi có điều kiện tiếp xúc cho rằng Đạo Do Thái hiện là một trong số ít tôn giáo “giữ” được “kỷ cương” khá tốt. Tuy nhiên vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh câu chuyện này và cần nghiên cứu sâu hơn mới có câu trả lời thỏa đáng. Quả thực, bất kỳ tôn giáo lớn hoặc quan trọng nào đều đứng trước 3 thách thức lớn trong quá trình phát triển, đó là:

- Duy trì được sự thống nhất, giữa các dòng, nhánh, xu hướng khác nhau trong cùng một tôn giáo, duy trì một đức tin chung trong thể thống nhất. Ví dụ, sự phân liệt rõ nhất thể hiện ở Đạo Hồi hiện nay với  các dòng Shia, Suni, rồi nhánh Wahabis thuộc Suni, nhánh Alewite, Druze thuộc dòng Shia…, mà dòng, nhánh nào cũng cho mình mới là “chính thống”, còn những dòng, nhánh khác là “ngoại đạo”, cần bị loại bỏ để làm “trong sạch” Đạo Hồi;

- “Đồng hành” cùng xã hội hiện đại, nhưng vẫn duy trì các giá trị, các nguyên tắc “cốt lõi” (tức tính chất “chính thống”, mặc dù việc diễn giải và tự nhận các tính chất này còn nhiều điều phải bàn);

- Tránh việc tạo ra một tầng lớp “tăng lữ” mới, với các đặc quyền, đặc lợi, hủy hoại chính tôn giáo của mình.

Do Thái giáo cũng không phải là ngoại lệ, nhưng ít gặp các “vấn nạn” ở trên hơn, do:

- Ngay khi ra đời, Do Thái giáo đã không có “vấn nạn”, đưa đến sự kình chống nhau sâu sắc giữa các dòng tu. Đạo Hồi chẳng hạn, ngay sau khi Nhà tiên tri Mohamed qua đời, sự giằng xé giữa những  người cho rằng cần phải chọn người thừa kế hoặc có dòng màu trực hệ để “hướng đạo” hạy chọn những người có khả năng nhất trong việc kế thừa và phát triển di sản của Mohamed đã đưa đến việc phân chia Hồi giáo thành 2 nhánh lớn là Shia và Suni. Do Thái giáo cũng có những dòng hết sức cực  đoan, thậm chí không công nhận Nhà nước Israel, nhưng họ vẫn hợp tác, và không đi đến chỗ đối đầu nhau bằng bạo lực. Những người có tác dụng giữ sự hòa hợp và thống nhất Đạo Do Thái là các giáo sĩ và Hội đồng giáo sĩ.

- Trong hệ thống luật dân sự của Israel, còn có luật Do Thái Halakha tương tự như luật Sharia của Hồi giáo mà một số nước như Arab Saudi, Brunei… áp dụng. Halakha bao gồm 613 điều răn  (commandments) với hệ thống tòa án riêng, và các “bản án” tôn giáo đối với người có đạo thậm chí còn đáng sợ và nghiêm khắc hơn các bản án dân sự. Luật Halakha tồn tại trong mọi ngóc ngách của đời sống xã hội, can thiệp sâu và điều chỉnh rất nhiều quy tắc, tập tục của đời sống xã hội. Nếu không  tuân theo Halakha, các Rabbis có quyền rút “Phép thông công” (excommunicate) – tương đương với một bản án tử hình – và điều này cũng đồng nghĩa với việc khi qua đời, linh hồn người chịu hình phạt đó không được bay lên Thiên đàng.

- Người theo Đạo chính thống Orthodox tin và tự chọn cho mình lối sống theo các giá trị truyền thống và nguyên tắc nguyên thủy. Tuy nhiên, họ không tìm cách áp đặt lối sống của mình hay kỳ thị những  người thế tục. Bản thân các Giáo sĩ (Rabbis) và những người Orthodox không được hưởng đặc quyền, đặc lợi, họ thỏa mãn với cuộc sống thanh bạch của mình. Trong đạo Hồi chẳng hạn, những người Wahabbis cũng có cuộc sống thanh bạch, khắc khổ, nhưng điều nguy hại là họ lại tìm cách áp  đặt lối sống của mình lên những dòng, nhánh khác.

- Khác với các Đạo giáo khác là tìm mọi cách truyền đạo để mở rộng thành viên, càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, để trở thành một người Do Thái rất khó, phải có căn cứ, bằng chứng xác nhận tới ít nhất 4  đời trước đó và quy theo mẫu hệ. Họ cho rằng, đã là “thiên sứ nhà trời”, “được chúa chọn” thì chỉ có ít người được hưởng vinh dự, chứ đâu có thể kết nạp tràn lan, cứ vào đến synagogue (nhà thờ Do Thái)  là trở thành Do Thái ngay được.

Trong những điều kiện khắc nghiệt thời kỳ Đế quốc La mã là bá chủ khu vực Trung Đông, để tránh bị truy đuổi và tận diệt, người Do Thái buộc phải cải đạo sang đạo Thiên chúa. Tuy nhiên họ lại cải đạo trở lại thành người Do Thái khi điều kiện cho phép. Bản thân Hitler là người rất căm thù dân Do Thái, một cộng đồng đoàn kết nhưng sống tách biệt với người bản xứ. Trong con mắt Hitler, đã sinh ra là một người Do Thái thì sẽ luôn luôn là một người Do Thái, cải đạo chẳng giúp ích gì, và quyết truy sát 1 người nếu tìm được bằng chứng trước đó 4 đời họ là người Do Thái.

Tản mạn thay lời kết: Chuyện ăn uống và tố chất của người Do Thái

Đồ ăn Kosher (Kosher food) là đồ ăn được chế biến và ăn theo kiểu Do Thái. Đối với người Do Thái Chính thống, việc sử dụng Kosher là điều gần như bắt buộc, còn đối với người thế tục thì tùy lựa chọn. Các canteen phục vụ tai các cơ quan chính phủ Israel như Bộ Ngoại giao hay Bộ Quốc phòng nghiễm nhiên là các nhà hàng phục đồ ăn Kosher. Đồ ăn Kosher hiện ngày càng trở nên phổ biến tại Israel và trên khắp thế giới và không chỉ người Do thái chính thống mới dùng. Hiện nay, có 100.000 loại thực phẩm Kosher khác nhau được bán trên phạm vi toàn thế giới.

Vậy Kosher là gì và ăn như thế nào? Trong Halakha quy định rất rõ, chi tiết và khá phức tạp, nhưng chung quy lại có một số điểm chính:

Về các thức ăn Kosher:

- Một số con vật ăn được: chỉ ăn những con vật có móng chẻ, ăn cỏ và nhai thức ăn lại như bò, dê, cừu. Các con vật không ăn được là lợn, ngựa, và lạc đà.  Lợn tuy có móng chẻ nhưng không nhai lại,  còn ngựa, lạc đà tuy ăn cỏ nhưng không có móng chẻ.

- Ăn các loài có cánh như gà, vịt, ngỗng, bồ câu… Không ăn các loài chim ăn thịt như diều hâu, chim ưng, đại bàng.

- Ăn các loài cá có vây và vẩy như các hồi, cá ngừ, cá trích… Không ăn các con cá không vảy như lươn, các trê, cá tầm, tôm, tép, nghêu sò, ốc hến, các loài bò sát, côn trùng.

- Các thức ăn trung tính như trái cây, nước trái cây, ngũ cốc, trứng gà vịt, mật ong, rượu vang, chè, café.

Về cách ăn đồ Kosher:

- Chỉ uống sữa và các vật phẩm chế biến từ sữa của các con vật Kosher như bò, dê, cừu. Chỉ được dùng sữa và các vật phẩm chế từ sữa 6 tiếng sau khi dùng thịt, hoặc 30 phút trước khi ăn thịt chứ  không được ăn, uống đồng thời. Đồ chế biến sữa và thịt, kể cả chậu rửa bát nhất thiết phải dùng riêng.

- Lúa mì, gạo, và một số loại rau, củ nhất định thì ăn được. Không ăn, uống nước trái cây hoặc đồ chế biến từ các loại loại quả như cam, quýt, bưởi… dưới 3 tuổi.

- Không ăn nội tạng động vật hay gia cầm; không ăn phần phía sau của con thú và không ăn thịt, cá đồng thời.

- Khi ăn thịt phải lấy hết sạch máu và người chế biến phải học cách giết con vật sao cho con vật chết nhanh nhất, không đau đớn, nhưng lại ra được hết tiết. Thậm chỉ còn phải rửa sạch và ngâm miếng  thịt trong nước 30 phút trước khi chế biến để ra hết máu,

- Các nhà hàng Kosher nhất thiết phải do đầu bếp Do thái chính thống trực tiếp nấu nướng và bị phạt rất nặng, kể cả tước giấy phép kinh doanh, hành nghề nếu vi phạm.

Có lẽ trên thế giới không có dân tộc nào có kiểu ăn “kiêng, khem” phức tạp và rườm rà như người Do Thái chính thống. Các nhà hàng phục vụ đồ ăn Kosher thường đắt hơn từ 20-30% so với nhà hàng thông thường, vậy mà lúc nào cũng đông khách ăn.

Theo tôi, đây không chỉ là đồ ăn kiêng của người Do Thái, mà THỰC CHẤT KOSHER LÀ ĐỒ ĂN, CÁCH ĂN THÔNG MINH, KHOA HỌC, THẬM CHÍ LÀ LÝ TƯỞNG không chỉ của người Do Thái, mà của con người nói chung. Nếu chỉ khuyên nhủ thông thường sẽ ít người theo, nhưng khi khoa học được “phủ” một lớp màu tôn giáo thì Kosher đã trở nên thành món ăn kỳ ảo, mê hoặc và quyến rũ.

Tạm cắt nghĩa một số thứ:

- Theo người Do Thái, con vật cũng như con người đều có linh hồn. Nếu làm cho con vật chết đau đớn thì nó sẽ oán trách và cả người thịt lẫn người ăn nó đều bị “quở phạt”. Do đó, giết nhanh để con vật  mau chóng được hóa kiếp lên thiên đàng.

-Khi co n vật cắt được tiết nghĩa là con vật còn tươi, chứ không phải ăn đồ ôi. Thú tính và sự ngu muội của con vật nằm ở “dòng máu”, và ăn thú vật hay gia cầm có tiết sẽ làm con người lâu dần nhiễm “thú  tính” và đầu óc trở nên trì độn, còn nòi giống đi đến chỗ thoái hóa.

- Thịt ăn cùng với cá không còn tác dụng bổ dưỡng nữa, mà triệt tiêu lẫn nhau. Còn trái cây trong 3 năm đầu thường chứa nhiều chất, độc tố có hại cho cơ thể.

- Uống sữa sau khi ăn thịt không tốt cho sức khỏe vì bản thân thịt nhiều chất đạm, lâu tiêu lại có thêm chất bổ dưỡng khác nữa làm cho cơ thể không thể hấp thụ nổi và dễ sinh bệnh.

- Trong điều kiện thiên nhiên hết sức khắc nghiệt của vùng Bắc Phi – Trung Đông, việc ăn uống tốt giúp người Do Thái chống chọi tốt hơn với khí hậu khắc nghiệt, làm cho không chỉ thể trạng khỏe khoắn mà trí tuệ của họ cũng hơn người. Các cụ nhà ta chả nói bệnh vào từ mồm đó sao?

Như vậy, trải qua cả ngàn năm, với cuốn Kinh Thánh Hebrew, người Do Thái không chỉ thành công trong việc bảo tồn, mà còn phát triển bản sắc, văn hóa, tôn giáo của mình. Không những vậy, thông qua ăn uống, cuộc sống tinh thần lành mạnh, làm cho “gien Do Thái” vốn đã ưu việt, ngày một trở nên ưu việt hơn. Khác với các tôn giáo khác, người Do Thái không tìm cách phát triển tôn giáo của mình qua con đường truyền đạo như Đạo Hồi, Đạo Thiên chúa, hay Đạo Phật, mà tìm cách giữ sao cho Do Thái giáo càng “thuần khiết” càng tốt. Phải chăng những người được Chúa “chọn mặt gửi vàng” đâu có thể phát triển tràn lan được!

Có lẽ chính vì vậy mà cách đây từ trên 3.000 năm Nhà tiên tri Moses của người Do Thái đã lường trước điều này khi ông, ngay từ khi đó, đã hình dung ra rằng nếu người Do Thái làm theo các lời răn dạy của ông thì họ sẽ trở thành đối tượng bị săn đuổi và tận diệt của nhiều sắc dân khác và vì vậy đã chuẩn bị cho họ hành trang đầy đủ trong cả ngàn năm thiên di trước khi “trở về Jerusalem”. Điều ngạc ngạc nhiên là người Do Thái không than thân, trách phận mà họ coi đó là “sự thử thách” của Chúa trời đối với dân tộc Do Thái!

TS. Hoàng Anh Tuấn là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Ngoại giao, Bộ Ngoại giao Việt Nam. Bài viết tổng hợp những ghi chép đăng lần đầu trên trang Facebook của tác giả về chuyến công tác tới Israel gần đây, thể hiện quan điểm cá nhân, không phải quan điểm của cơ quan nơi tác giả công tác.

Tìm Hiểu Do Thái Giáo?

dothai-1

     Do Thái Giáo là một tôn giáo lâu đời nhất thờ độc thần, tức là chỉ thờ phượng một Đức Chúa Trời duy nhất, thánh danh của Ngài bằng tiếng Hê-bơ-rơ là Yahweh (Gia-vê) hay Yehôwâh (Giê-hô-va). Căn cứ vào Thánh Kinh Cựu Ước người ta được biết Do Thái Giáo tin rằng Yahweh hay Yehôwâh là Đấng Tạo Hóa tự hữu hằng hữu, vô sở bất tại, toàn năng, toàn tri đang cai quản vũ trụ và muôn loài vạn vật trên thế gian này.

      Kinh Thánh Cựu Ước cho biết Đức Chúa Trời đã dùng Áp-ram hay Áp-ra-ham sáng lập ra Do Thái Giáo vào khoảng thế kỷ XX (TCN). Áp-ra-ham ra đời vào khoảng năm 2166 TCN, tại U-rơ, xứ Canh-đê (I-rắc). Áp-ra-ham thuộc giống dân A-ram, cùng vợ là Sa-rai theo cha mình rời U-rơ, để đi đến Cha-ran kiều ngụ. Tại Cha-ran Đức Chúa Trời hiện ra bảo Áp-ra-ham rời bỏ Cha-ran để đi đến Ca-na-an, tức là Palestine ngày nay. Đức Chúa Trời hứa sẽ ban phước và sẽ làm cho dòng dõi của Áp-ra-ham trở thành một dân tộc lớn. Dân tộc này sẽ đem phước hạnh đến cho toàn thể nhân loại, như Kinh Thánh Cựu Ước ghi: “Vả, Đức Giê-hô-va có phán cùng Áp-ram rằng: Ngươi hãy ra khỏi quê hương, vòng bà con và nhà cha ngươi, mà đi đến xứ ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; ta sẽ ban phước cho ngươi” (Sáng 12:1-2). “Vâng theo lời Chúa gọi, Áp-ra-ham cùng vợ là Sa-rai và cháu là Lót đi đến Ca-na-an. Tại Ca-na-an, Đức Chúa Trời hiện ra, ban cho Áp-ra-ham và dòng dõi người vùng đất này. Áp-ra-ham liền lập một bàn thờ để thờ phượng Đấng đã hiện đến cùng mình.” (Sáng 12:1-7).

      Hai mươi lăm năm sau, khi Áp-ra-ham được 100 tuổi, người sanh ra Y-sác. Đến năm Y-sác 60 tuổi, Y-sác sanh ra Ê-sau và Gia-cốp. Đến năm 1991 TCN, Áp-ra-ham qua đời, hưởng thọ được 175 tuổi.

      Năm 1876 TCN, vùng đất Ca-na-an gặp cơn đói kém, nên Gia-cốp cũng gọi là Y-sơ-ra-ên, cùng gia đình của các người con, gồm có khoảng 70 người, di cư qua Ai-cập sinh sống. Sau 430 năm sống bên Ai-cập, con cháu của Gia-cốp sanh sôi nảy nở trở thành dân tộc Do Thái, cũng gọi dân Y-sơ-ra-ên, có dân số vào khoảng 2.000.000 người.

dothai-4

      Năm 1446 TCN, Đức Chúa Trời dấy lên tiên tri Môi-se để đưa dẫn dân Do Thái từ Ai-cập trở về đất hứa Ca-na-an. Dưới quyền lãnh đạo của Môi-se, dân Do Thái vượt Biển Đỏ như đi trên đất khô tiến về Ca-na-an. Khi đến được vùng núi Si-nai, Môi-se lên núi Si-nai kiến diện Đức Chúa Trời để nhận 10 điều răn mà Đức Chúa Trời ban cho dân Do Thái tuân giữ. Mười điều răn này đòi hỏi dân Do Thái thực thi trách nhiệm của họ đối với Đức Chúa Trời và người đồng loại của mình. Tại nơi này, Môi-se tái xác nhận với người Do Thái là dân tộc họ đã được Đức Chúa Trời tuyển chọn để thờ phượng Ngài, như lời Môi-se nói,“Ngài đã chọn ngươi trong muôn dân trên mặt đất, đặng làm một dân thuộc riêng về Ngài”(Phục 7:6).
Trong thời gian bốn mươi năm sống lưu lạc trong đồng vắng, Môi-se dựng Đền Tạm (đền thờ tạm) để thờ phượng Đức Chúa Trời. Khi chiếm được đất Ca-na-an, dân Do Thái tiếp tục thờ phượng Đức Chúa Trời trong Đền Tạm cho đến khi vua Sa-lô-môn xây được một đền thờ thực thụ tại Giê-ru-sa-lem vào năm 966 TCN.

     Đến năm 66 SC, người Do Thái nổi dậy chống quyền đô hộ của La Mã. Hoàng đế La Mã đưa quân đến dẹp tan cuộc nổi dậy vào năm 70. Để trả thù cho cuộc nổi dậy này, quân La Mã phá hủy đền thờ và thành Giê-ru-sa-lem; bắt người Do Thái phải sống lưu vong. Dầu phải sống lưu vong, người Do Thái vẫn tiếp tục duy trì sinh hoạt tôn giáo của mình trong các nhà hội cho đến ngày nay. Năm 1948, Liên Hiệp Quốc cho người Do Thái lưu vong trở về lập lại quốc gia Do Thái (Y-sơ-ra-ên) trên đất Ca-na-an xưa, nay gọi là Palestine. Sau khi đã thành lập được quốc gia cho mình rồi, điều kế tiếp họ dự định là xây cất lại đền thờ ở Giê-ru-sa-lem để có nơi dâng sinh tế chuộc tội và cử hành các nghi lễ thờ phượng Thiên Chúa như ngày xưa.

dothai-5

    Do Thái Giáo tin rằng Đức Chúa Trời Yahweh (Giê-hô-va) là chân thần thực hữu duy nhất, vô hình, vô thể, là Đấng Tạo Hóa đã tạo dựng nên loài người và vũ trụ. Chỉ có Ngài mới đáng để loài người tôn thờ. Ngài biết ý tưởng và việc làm của từng người. Ngài sẽ thưởng cho người làm điều lành và hành phạt kẻ làm điều ác. Người Do Thái tin có các thần khác, nhưng đều là tà thần không đáng được tôn vinh và thờ phượng.

      Do Thái Giáo tin rằng Đức Chúa Trời đã tạo dựng loài người bình đẳng theo “ảnh tượng” Ngài, nghĩa là loài người có phần tâm linh, tâm hồn, trí phán đoán và sự thông minh. Ngài cho con người có tự do làm điều mình muốn nhưng phải chịu trách nhiệm những việc mình làm.

      Do Thái Giáo không tin có thuyết luân hồi, nhưng tin có sự sống lại của kẻ chết, tin con người có một đời để sống, rồi sau khi chết sẽ bị xét đoán để được thưởng hay bị hành phạt tùy theo việc mình làm lúc còn trong xác thịt.

      Người Do Thái cho rằng Đức Chúa Trời có lập giao ước với tổ phụ họ, ban bố luật pháp cho dân tộc họ để làm tuyển dân cho Đức Chúa Trời. Họ tin rằng Đấng Mê-si hay Đấng Christ (Đấng chịu xức dầu) sẽ là một người sanh ra từ dòng dõi của vua Đa-vít, thuộc chi phái Giu-đa của dân tộc Do Thái. Đấng Mê-si sẽ đến làm vua cai trị thế gian này và Ngài sẽ đem các nước lại để cùng nhau sống trong hòa bình. Quốc gia Do Thái sẽ trở thành “nước của thầy tế lễ” làm trung gian giữa Đức Chúa Trời và các quốc gia trên thế giới.

Hiện nay, Do Thái Giáo chia ra làm ba môn phái như sau:

Chánh Thống: Người Do Thái theo môn phái Chánh Thống cố làm đúng theo các giáo lý đã có từ lúc ban đầu; họ cẩn thận làm theo các luật kiêng cử về thức ăn, và thận trọng giữ ngày sa-bát.

Bảo Thủ: Người Do Thái theo môn phái Bảo Thủ làm theo các luật lệ của Kinh Talmud. Họ thi hành các nghi lễ tôn giáo theo truyền thống, nhưng uyển chuyển để thích hợp cho từng thế hệ.

Strong>Cải Cách: Người Do Thái theo môn phái Cải Cách không coi trọng các luật lệ truyền khẩu của Kinh Talmud, nhưng chú trọng nhiều đến việc giáo dục đạo đức cho tín hữu.

dothai-3

      Đến cuối thế kỷ thứ 20, dân số Do Thái trên thế giới có khoảng từ 13 đến 14 triệu người. Trong số này, có khoảng 5-6 triệu ở Hoa Kỳ, 5-6 triệu ở Do Thái, 2 triệu ở Âu Châu, 400.000 ở Châu Mỹ La-Tinh, 350.000 ở Gia Nã Đại, 100.000 ở Phi Châu, 100.000 ở Úc Châu  và 50.000 ở Á Châu (không kể nước Do Thái).

Trích từ www.cdnvn.com

 

Đạo Do Thái

Giáo xứ Ba Thôn - Ban Bác Áihttps://www.facebook.com/GiaoxuBaThon/?fref=nf

7 Tháng 5 2014 ·

Do Thái giáo hay còn gọi là Đạo Moses (Mosaic Religion) là Đạo tôn thờ Thiên Chúa Yahweh, là Cha của các Tổ Phụ Abraham, Isaac và Israel (Jacob). Ngài cũng là Đấng, qua tay ông Moses, đã giải phóng cho dân Do Thái thoát ách thống khổ bên Ai Cập và mang họ vượt Biển Đỏ trở về quê hương an toàn. Và cũng qua trung gian ông Moses, Thiên Chúa đã truyền cho dân Do Thái và cho cả nhân loại ngày nay Mười Điều Răn như giao ước phải thi hành để được chúc phúc và được sống với Thiên Chúa là tình thương. Là một tôn giáo gắn liền với Kinh Thánh Do Thái và lịch sử dân tộc Israel. Do Thái giáo xem mình là mối quan hệ giao ước giữa Con cái Israel (sau này là nhà nước Do Thái) với Thiên Chúa. Và như thế, nhiều người xem đây là tôn giáo thờ độc thần đầu tiên. Tín hữu Do Thái thuộc Đạo này cho đến nay vẫn chỉ tôn thờ một Thiên Chúa Yahweh độc nhất mà thôi (monotheism). Họ không có ý niệm gì về một Thiên Chúa Ba Ngôi (The Holy Trinity) vì họ không nhìn nhận Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa, đã xuống thế làm Người để cứu chuộc nhân loại. Họ cũng không biết gì về Chúa Thánh Thần, mặc dù Kinh Thánh Cựu Ước có hé mở chút ánh sáng về Ba Ngôi Thiên Chúa qua trình thuật Ba người khách lạ đến thăm ông Abraham và được ông niềm nở đón tiếp dù không biết họ là ai (Stk 18:1-15).

Vì đại đa số người theo Do Thái giáo là người Do Thái nên tín đồ tôn giáo này cũng còn được gọi là người Do Thái, và gọi như thế là đang nói đến nhóm tôn giáo-dân tộc, vì các lý do trong sách thánh đã xác định họ là một quốc gia, chứ không chỉ riêng những người theo đạo. Năm 2007, dân số Do Thái ước tính khoảng 13.2 triệu người, trong đó có 41% sinh sống ở Israel. Trong Do Thái giáo hiện đại, uy quyền không được trao cho một người riêng lẻ hay một cơ quan nào cả mà nó ở trong sách thánh, giáo luật, và các thầy giảng (Rabbi) là những người diễn dịch Kinh Thánh thư Giáo luật. Theo những lời truyền của người Do Thái, Do Thái giáo khởi nguồn bằng Giao ước giữa Thiên Chúa và ông Abraham (khoảng năm 2000 trước Công nguyên), tổ phụ và quốc tổ của nhà nước Do Thái. Qua nhiều thời đại, Do Thái giáo gắn liền với rất nhiều luân lý tôn giáo, mà quan trọng nhất là đức tin vào một Thiên Chúa duy nhất là đấng toàn năng, rất nhân từ, thông biết mọi sự, Người đã tạo dựng vũ trụ và tiếp tục thống trị nó. Theo tục truyền Do Thái, Thiên Chúa thiết lập giao ước với con cái Israel và hậu duệ của nó và cho chúng biết lề luật và giới răn của Người thông qua ông Moses trên Núi Sinai. Do Thái giáo trân trọng việc học hỏi Cựu ước và tuân giữ các điều răn đã ghi trong Cựu ước. Cũng vì không nhìn nhận Chúa Cứu Thế Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa và Phúc Âm của Người nên Kinh Thánh của Do Thái Giáo chỉ có phần Cựu Ước mà thôi.
Học thuyết và tín điều đức tin

Do Thái giáo là một tôn giáo độc thần dựa trên những nguyên tắc và đạo đức đã được nói đến trong Kinh Thánh Do Thái. Trong thực tế, Do Thái giáo hầu như không đồng nhất nhưng trong lý thuyết thì luôn luôn là tôn giáo độc thần.
Theo lịch sử, Do Thái giáo xem niềm tin vào sự mặc khải và sự chấp nhận sách Torah (sách Ngũ Kinh) là cốt lõi căn bản của đức tin, nhưng Do Thái giáo lại không có một cơ quan trung ương để hướng dẫn các giáo điều. Việc này làm phát sinh nhiều nghi thức khác nhau tuỳ vào niềm tin thần học cụ thể vốn gắn liền với sách Torah và Talmud. Trong khi một số thầy rabbi chấp nhận một nghi thức, số khác lại bất đồng, nhiều người lại chỉ trích những nỗ lực như thế là giảm thiểu sự tuân phục toàn bộ sách Torah. Đáng chú ý, trong sách Talmud một số nguyên tắc đức tin lại được xem là rất quan trọng mà những ai phản kháng lại đều có thể bị xếp vào loại "apikoros" (dị giáo).   

Qua nhiều thế kỷ, rất nhiều nghi thức của nguyên tắc đức tin Do Thái giáo đã xuất hiện rõ, mặc dù chúng có thể khác biệt ở vài điểm cụ thể nào đó, chúng vẫn biểu lộ sự tương đồng của nền tảng đức tin. Trong những thể thức ấy, một thể thức vô cùng quan trọng là 13 nguyên tắc đức tin của triết gia Maimonides hình thành từ thế kỷ XII.

13 nguyên tắc của đức tin:

1. Đức Chúa Trời thực hữu.

2. Đức Chúa Trời có một và khác biệt với muôn vật.

3. Đức Chúa Trời không có thân thể vật chất.

4. Đức Chúa Trời là vĩnh cửu.

5. Chỉ cầu nguyện cùng một mình Đức Chúa Trời mà thôi.

6. Lời của các tiên tri là chân thật.

7. Những lời tiên tri của Môi-se là chân thật và Môi-se là tiên tri vĩ đại nhất trong số các tiên tri.

8. Bộ Torah được ghi chép thành văn tự và bộ Torah khẩu truyền (về sau được chép lại thành bộ Talmud) đều do Đức Chúa Trời phán truyền cho Môi-se.

9. Sẽ không có một bộ Torah nào khác hơn là bộ Torah truyền thống.

10. Đức Chúa Trời biết hết các ý tưởng và việc làm của loài người.

11. Đức Chúa Trời sẽ thưởng người tốt và phạt người xấu.

12. Đấng Mê-si sẽ đến.

13. Người chết sẽ được sống lại.

 

Do Thái Giáo

http://www.ahvinhnghiem.org/mucluc.html

Người Do Thái cổ xưa là dân du mục, theo truyền thuyết Abraham đã di cư từ vùng Mesopotamina đến vùng Canaan, sau nầy gọi là Palestine, giáp với Ai Cập. Cháu nội của Abraham là Jacob đặt tên lại là Israel (có nghĩa là phấn đấu theo Chúa), Jacob có 12 người con, họ là tổ tiên của 12 bộ tộc Do Thái. Kinh thánh cho biết con trai của Jacob đã bán người anh em Joseph làm nô lệ cho Ai Cập. Khi nạn đói kém xãy ra ở Canaan, Joseph tìm được cha và những anh em ở đó, và họ đã buôn bán phát đạt trong nhiều năm. Về lâu sau nầy, cháu chắt họ trở thành là nô lệ.

Về Moses và Exodus, Moses đã hướng dẫn những người Do Thái nô lệ ra khỏi biên giới Ai Cập, còn giữ lại trong ý thức của người Do Thái tân thời. Tên Moses là người Ai Cập, theo truyền thuyết thiếu thời Moses sống trong cung đình Ai Cập, cho nên chưa chắc là gốc người Do Thái. Chúa báo cho biết trước là giao những đứa trẻ Do Thái từ Ai Cập và đưa chúng đến Canaan, do vậy Moses được người Do Thái thừa nhận là dân tộc của họ.

Về Exodus thì không rõ thời gian, nhưng có lẽ xảy ra vào thế kỷ 13 ttl. Những tù nhân đã đào thoát xuyên qua cực Bắc của Biển đỏ để vào sa mạc và đi tới núi Sinai hay Horeb. Theo thánh kinh, khi Moses đưa mọi người tới Sinai, chỉ có một mình Moses lên đỉnh, tại đây Luật đã được Thiên Chúa tiết lộ cho Moses tại ngọn Sinai nầy. Ðó là Mười Ðiều Răn,

Ðạo Do Thái là tôn giáo thõa hiệp giữa Yahweh (Thiên Chúa) và con cháu của Abraham, đã được chuẩn bị, thử nghiệm, thăng hóa. Thõa hiệp đó là thõa hiệp giữa Yahweh (Thiên Chúa) và người Do Thái, theo thõa hiệp, Thiên Chúa chọn người Do Thái đem đạo nầy truyền bá cho mọi dân tộc, và người Do Thái chỉ tôn thờ có một mình Thiên Chúa mà thôi, thõa hiệp được khắc trên đá, sau ghi vào trong sách gọi là kinh Torah, là năm quyển sách tương truyền do Moses soạn, gồm có: Genesis (Sáng thế kỷ), Exodus (Xuất Ê díp tô ký), Leviticus (Lê vi ký), Numbers (Dân số ký) và Deuteronomy (Phục truyền Luật lệ ký).

Moses ở tại sa mạc Sinai 40 năm, sau đó đưa những người nầy đến vùng đất hứa, thành lập nước Do Thái khoảng 1800 năm trước tây lịch.

Khi còn là một vương quốc thống nhất 12 bộ tộc dưới triều đại vua Davis (1010-970 ttl), vua Davis chọn Jesusalem làm thủ đô, sau đó vua Solomon (970-931ttl) kế nghiệp, vua Solomon cho xây đền thờ kinh Torah tại thành phố Jerusalem lần thứ nhất, dành để cầu nguyện. Sau khi vua Solomon qua đời, con là Rehobam yếu kém nên chỉ giữ được phần đất phía Nam, trong đó có thành phố Jerusalem, lấy danh xưng là vương quốc Juda.

Phần đất phía Bắc vẫn là Israel gồm 10 bộ tộc, về sau phần đất nầy bị các nước khác xâm chiếm, dân Do Thái sống phân tán nhiều nơi, Riêng vương quốc bé nhỏ Do Thái bị đô hộ hơn thế kỷ, cuối cùng cũng bị mất nước luôn năm 587 ttl, các nhà lãnh đạo bị người babylon bắt như tù nhân đưa họ đến Babylon.

Ðền Thờ do vua Solomon xây bị phá vào năm 578 ttl, Ngôi đền hiện chỉ là bức Tường Phía Tây của ngôi đền tại Jerusalem cũng được gọi là The Wailling Wall, được xây cất lại lần thứ hai vào thế kỷ II ttl và bị dân La Mã phá hủy vào năm khoảng năm 70 stl.

Nước Do Thái đã bị các nước khác đô hộ, lần lược như sau: Babylonian (587-538 ttl), Persian (538-333), Hellenistic (333-63) Roman (63ttl-313stl), Byzentine (313-636), Arab (636-1099), Crusaders (1099-1291), Manluk (1291-1516), Ottoman (1516-1917), British (1918-1948), ngày 14-5-1948 Do Thái tuyên bố Ðộc Lập, nhờ Liên Hiệp Quốc có nghị quyết cho tái lập nước Do Thái trên phần đất cũ của họ bên bờ biển Ðịa Trung Hải.

Về đất nước Do Thái có những điểm đặc biệt:

Trong lịch sử nhân loại, chỉ có một quốc gia duy nhất, sau 1000 năm độc lập và 2000 năm lưu đày biệt xứ, đã trở về nơi quê cha đất tổ, xây dựng lại một quốc gia tân tiến và dân chủ. Ðó là nước Do Thái.

Mặc dầu tản mác lâu dài trên các phần đất khác nhau của địa cầu như Á châu, Âu châu, Mỹ châu, Úc châu, Phi châu, và chịu nhiều ngược đãi, khổ nhục,... người Do Thái đã không bao giờ quên rằng :

- Thiên Chúa đã chọn tỏ hiện ra với các Tổ phụ của họ: Abraham, Isaac, Jacob.
- Từ 20 thế kỷ trước công nguyên, Thiên Chúa đã hứa cho họ đất Do Thái.
- Từ 13 thế kỷ trước công nguyên, qua trung gian Moses (Moisen), họ đã lãnh nhận 10 điều răn, là những giới luật đã trở thành kim chỉ nam dẫn đạo thế giới văn minh.
- Tiếp đó người Do Thái đã sống một thời thịnh vượng và độc lập trên lãnh địa riêng của họ dưới tài lãnh đạo của vua David, một vị vua thi sĩ, một vũ tướng, một lãnh tụ xứng đáng, rồi vua Salomon nổi tiếng khôn ngoan, là tác giả tác phẩm bất hủ "Diệu Ca", và cũng là tác giả ngôi đền thánh lộng lẫy tại Jerusalem tôn vinh Thiên Chúa độc nhất.

Do Thái là giao điểm của các lục địa và các nền văn minh cổ, là quốc gia của Kinh Thánh, là quê hương của ba đại tôn giáo độc thần, là đất thánh của Do Thái giáo (82.90%), Hồi giáo (13.50%), và Kitô giáo (2.30%).

Ðây là quê hương :

- Của các tổ phụ được chôn cất tại Hébron

- Của Moses đã lãnh nhận trên núi Sinai 10 điều răn, nền tảng của luật luân lý phổ quát,

Ðây cũng là quê hương của các vua Do Thái :

- Vua David đã chọn Jérusalem làm thủ đô.

- Vua Salomon đã xây dựng ngôi đền thánh huy hoàng tại Jerusalem.

- Vua Jesus đã chào đời tại tại Bethlehem, chính trên máng lừa Chúa sinh ra này đã được xây lên ngôi thánh đường dâng kính Chúa Hài đồng. Là quê hương của đức Jesus đã sống tại Nazareth, đã làm phép lạ đầu tiên tại Cana, rồi trên núi Thabor, trên sông Jourdan, biển Galilée.

Sau cùng tuyệt đỉnh của tất cả, con tim của đất thánh chính là thành phố Jerusalem vĩnh cửu với ngôi thánh đường mang phần mộ Chúa, vườn chôn táng Chúa, con đường chịu nạn, vườn Gietsemani, núi cây dầu, căn phòng tiệc ly sau cùng trên núi Sion. Rồi trên núi Moria, núi đền thánh có 2 trong những nơi rất thánh của Hồi giáo: là Dome du roc và giáo đường El Aksa. Và một nơi rất thánh của Do Thái giáo là bức tường phía Tây, vết tích cuối cùng của đền thánh Jerusalem ngày xưa.

Ðặc biệt ở Do Thái, người có thể thăm viếng các Kibboutz. đây là các cộng đồng làng xã rất nổi tiếng trên thế giới, trong đó mọi người đều hoàn toàn bình đẳng: làm việc theo năng lực và hưởng thụ theo nhu cầu.

Trở lại với kinh thánh của Thiên chúa giáo có Cựu ước và Tân ước, phần đầu của Cựu ước là Năm Quyển Sách Của Moses, như đã trình bày trên, đó cũng là kinh Torah của Do Thái Giáo.

Tín đồ đạo Do Thái hiện nay chiếm 0.8% dân số thế giới, khoảng 48 triệu. Ðạo Do Thái được hình thành từ 3800 năm trước.

Nội dung chính thõa hiệp giữa Ðức Chúa Trời và dân Do Thái như sau :

  1. Ta là Giê hô va Ðức Chúa Trời ngươi, đã rút ngươi ra khỏi xứ Ê díp tô, là nhà nô lệ.
  2. Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác.
  3. Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp nầy, hoặc trong nước dưới đất. Ngươi chớ quỳ lạy các hình tượng đó, và cũng đừng hầu việc chúng nó; vì ta là Giê hô va đức Chúa Trời ngươi, tức là đức Chúa Trời kỵ-tà, hể ai ghét ta, ta sẽ nhơn tội tổ phụ phạt lại con cháu đến ba bốn đời và sẽ làm ơn đến ngàn đời cho những kẻ yêu mến ta và giữ các điều răn của ta.
  4. Ngươi chớ lấy danh Giê hô va mà làm chơi, vì đức Giê hô va chẳng cầm bằng vô tội kẻ nào lấy danh ngài mà làm chơi.
  5. Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh. Ngươi hãy làm hết công việc mình trong sáu ngày, nhưng ngày thứ bảy là ngày nghỉ của Giê hô va và đức Chúa Trời ngươi: trong ngày đó, người con trai, con gái, tôi trai, tớ gái, súc vật của ngươi, hoặc khách ngoại bang ở trong nhà ngươi, đều chớ làm công việc chi hết; vì trong sáu ngày đức Giê hô va dã dựng nên trời, đất, biển và muôn vật ở trong đó, qua ngày thứ bảy thì Ngài nghỉ: Vậy nên đức Giê hô va đã ban phước cho ngày nghỉ và làm nên ngày thánh.
  6. Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi ban cho.
  7. Ngươi chớ giết người.
  8. Ngươi chớ phạm tội tà dâm.
  9. Ngươi chớ trộm cướp.
  10.  Ngươi chớ nói chứng dối cho kẻ lân cận mình.
  11.  Ngươi chớ tham nhà kẻ lân cận ngươi, cũng đừng tham vợ người, hoặc tôi trai, tớ gái, bò, lừa hay là vật chi thuộc về kẻ lân cận ngươi.

Xuất Ê Díp Tô Ký XX

Căn cứ theo đó, Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Tin Lành lập thành Mười Ðiều Răn:

Mười Ðiều Răn của Do Thái giáo:

1. Ta là Giê hô va Ðức Chúa Trời ngươi, đã rút ngươi ra khỏi xứ Ê díp tô, là nhà nô lệ.

2. Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác.

Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp nầy, hoặc trong nước dưới đất. Ngươi chớ quỳ lạy các hình tượng đó, và cũng đừng hầu việc chúng nó; vì ta là Giê hô va đức Chúa Trời ngươi, tức là đức Chúa Trời kỵ-tà, hể ai ghét ta, ta sẽ nhơn tội tổ phụ phạt lại con cháu đến ba bốn đời và sẽ làm ơn đến ngàn đời cho những kẻ yêu mến ta và giữ các điều răn của ta.

3. Ngươi chớ lấy danh Giê hô va mà làm chơi, vì đức Giê hô va chẳng cầm bằng vô tội kẻ nào lấy danh ngài mà làm chơi.

4. Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh. Ngươi hãy làm hết công việc mình trong sáu ngày, nhưng ngày thứ bảy là ngày nghỉ của Giê hô va và đức Chúa Trời ngươi: trong ngày đó, người con trai, con gái, tôi trai, tớ gái, súc vật của ngươi, hoặc khách ngoại bang ở trong nhà ngươi, đều chớ làm công việc chi hết; vì trong sáu ngày đức Giê hô va dã dựng nên trời, đất, biển và muôn vật ở trong đó, qua ngày thứ bảy thì Ngài nghỉ: Vậy nên đức Giê hô va đã ban phước cho ngày nghỉ và làm nên ngày thánh.

5. Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi ban cho.

6. Ngươi chớ giết người.

7. Ngươi chớ phạm tội tà dâm.

8. Ngươi chớ trộm cướp.

9. Ngươi chớ nói chứng dối cho kẻ lân cận mình.

10. Ngươi chớ tham nhà kẻ lân cận ngươi, cũng đừng tham vợ người, hoặc tôi trai, tớ gái, bò, lừa hay là vật chi thuộc về kẻ lân cận ngươi.

Mười Ðiều Răn của Chính Thống Giáo và Tin Lành:

  1. Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác.
  2. Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp nầy, hoặc trong nước dưới đất. Ngươi chớ quỳ lạy các hình tượng đó, và cũng đừng hầu việc chúng nó; vì ta là Giê hô va đức Chúa Trời ngươi, tức là đức Chúa Trời kỵ-tà, hể ai ghét ta, ta sẽ nhơn tội tổ phụ phạt lại con cháu đến ba bốn đời và sẽ làm ơn đến ngàn đời cho những kẻ yêu mến ta và giữ các điều răn của ta.
  3. Ngươi chớ lấy danh Giê hô va mà làm chơi, vì đức Giê hô va chẳng cầm bằng vô tội kẻ nào lấy danh ngài mà làm chơi.
  4. Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh. Ngươi hãy làm hết công việc mình trong sáu ngày, nhưng ngày thứ bảy là ngày nghỉ của Giê hô va và đức Chúa Trời ngươi: trong ngày đó, người con trai, con gái, tôi trai, tớ gái, súc vật của ngươi, hoặc khách ngoại bang ở trong nhà ngươi, đều chớ làm công việc chi hết; vì trong sáu ngày đức Giê hô va dã dựng nên trời, đất, biển và muôn vật ở trong đó, qua ngày thứ bảy thì Ngài nghỉ: Vậy nên đức Giê hô va đã ban phước cho ngày nghỉ và làm nên ngày thánh.
  5. Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi ban cho.
  6. Ngươi chớ giết người.
  7. Ngươi chớ phạm tội tà dâm.
  8. Ngươi chớ trộm cướp.
  9. Ngươi chớ nói chứng dối cho kẻ lân cận mình.
  10. Ngươi chớ tham nhà kẻ lân cận ngươi, cũng đừng tham vợ người, hoặc tôi trai, tớ gái, bò, lừa hay là vật chi thuộc về kẻ lân cận ngươi.

Mười Ðiều Răn của Thiên Chúa Giáo:

  1. Ta là Ðức Chúa Trời, ngươi chớ thờ Chúa khác trước ta.
  2. Chớ gọi tên ta không lý do
  3. Giữ ngày Chủ nhật nghỉ
  4. Thờ kính cha mẹ.
  5. Chớ giết người.
  6. Chớ có dâm dục.
  7. Chớ nói dối.
  8. Chớ làm chứng dối.
  9. Chớ muốn vợ, chồng người.
  10.  Chớ tham của người.

Về vũ trụ và con người, trong Sáng Thế Ký, Cựu Ước ghi như sau: Vào buổi sơ khai  Thiên Chúa tạo tác trời và đất.  địa cầu lúc ấy còn trong trạng thái hỗn mang, các vực thì u thâm, và trên nước có Thần phong thổi ào ào.

1. Thiên Chúa phán: Ánh sáng đâu hãy xuất hiện, và lập tức có ánh sáng.  Thiên Chúa đã thấy ánh sáng tốt đẹp vô cùng. Sau đó Thiên Chúa đã cách li ánh sáng khỏi bóng tối Thiên Chúa gọi ánh sáng là ngày, và bóng tối là đêm. Rồi hoàng hôn tới, và bình minh theo sau - ngày thứ nhất trôi qua.

2. Sau đó Thiên Chúa phán, "hãy xuất hiện một mái vòm trên những khối nước để biên định các hải dương." Quả nhiên, Thiên Chúa tạo ra một mái vòm, và mái đó phân cách phần nước bên trên ra khỏi phần nước bên dưới mái vòm.  Thiên Chúa gọi (phía trên) mái vòm là trời, phía dưới là nước. Hoàng hôn tới, và bình minh theo sau - ngày thứ hai trôi qua.

3. Sau đó Thiên Chúa phán, "Nước ở bên dưới trời hay tụ về cả một vực mà thôi, để cho lục địa khô cạn xuất hiện." Quả thế: nước ở bên dưới trời đã dồn cả vào một vực, và lục địa khô cạn đã xuất hiện. Thiên Chúa gọi lục địa khô cạn là đất, còn vực tụ nước thì Ngài gọi là biển. Thiên Chúa cho là tuyệt hảo. Sau đó Thiên Chúa phán, " Ðất đai hãy sản xuất thảo mộc gồm những cây mang hạt giống và những cây ăn trái mà trái lại có hạt giống bên trong." Và quả như vậy: đất đai sản xuất các cây có hạt giống đủ loại, và các cây ăn trái mà trái lại có hạt giống bên trong cũng đủ loại. Thiên Chúa cho là tuyệt hảo. Hoàng hôn tới và bình minh theo sau - ngày thứ ba trôi qua.

4. Sau đó Thiên Chúa phán, "Hãy xuất hiện những điểm sáng ở vòm trời để cách li ngày khỏi đêm, và mấy điểm này sẽ giúp xác định thời giờ, ngày và năm, 15 lại dùng làm đèn soi vòm trời, chiếu sáng xuống đất." Và quả như vậy: Thiên Chúa tạo ra hai nguồn sáng chính, nguồn mạnh hơn để giám quản ban ngày, và nguồn yếu hơn giám quản ban đêm; và ngài còn tạo ra các tinh cầu. Thiên Chúa đặt chúng vào vòm trời, để chiếu sáng xuống mặt đất, và để giám quản ngày và đêm, lại cách li ánh sáng khỏi bóng tối. Thiên Chúa cho là tuyệt hảo. Hoàng hôn tới, và bình minh theo sau - ngày thứ tư trôi qua.

5. Sau đó Thiên Chúa phán:" Dưới nước kia phải lúc nhúc các sinh vật, và trên đất kia hãy để cho chim muông bay lượn dưới vòm trời. "Và đúng như vậy: Thiên Chúa đã tạo tác những hải vật to lớn hình dạng khủng khiếp và mọi thứ sinh vật lúc nhúc dưới nước , cùng là đủ loại cầm điểu có cánh. Thiên Chúa cho là tuyệt hảo, và Thiên Chúa chúc phúc cho chúng bằng câu, " Hãy sinh sản ra nhiều, cho chật nước các hải dương, và chim muông phải tăng số trên mặt đất. " Hoàng hôn tới, bình minh tiếp theo - ngày thứ năm trôi qua.

6. Sau đó Thiên Chúa phán, "Mặt đất hãy sản xuất các sinh vật gồm có gia súc, các giống bò sát *và các hoang thú đủ loại." Và đúng như vậy: Thiên Chúa đã tạo ra các hoang thú đủ loại, gia súc đủ loại, và các giống bò sát mặt đất đủ loại. Thiên Chúa cho là tuyệt hảo. Thế rồi Thiên Chúa phán, "Nào chúng ta  hãy tạo nên những con người giống hình ảnh chúng ta, phỏng theo tượng dạng chúng ta. Hãy đặt chúng quản trị cá ở biển, chim trên trời và gia súc cùng là các hoang thú và các tạo vật bò sát mặt đất." Thiên Chúa đã tác tạo con người lấy chính mình làm mô dạng, theo đúng mô dạng của Thiên Chúa ngài đã tác tạo y; có nam và có nữ ngài đã tác tạo họ.  Thiên Chúa chúc lành cho họ bằng câu: "Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều; hãy lan tràn khắp mặt đất và hãy làm chủ địa cầu. Hãy thống trị cá biển, chim trời và các sinh vật di động trên đất”. Thiên Chúa còn phán,"Kìa, ta ban cho các ngươi các cây mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây sinh trái có hạt giống bên trong để các ngươi dùng làm thức ăn, ngoài ra còn cho các thú vật trên lục địa, chim trên trời, và mọi sinh vật bò sát trên mặt đất được lấy cây xanh làm thực phẩm."Và đã được như ý. Thiên Chúa ngắm các thức ngài đã tác tạo, và nhìn nhận là tuyệt hảo. Hoàng hôn tới, và bình minh theo sau - ngày thứ sáu trôi qua.

7. Như vậy là cuộc tác tạo các tầng trời và địa cầu cùng tất cả các phụ vật đã thành toàn. Vào ngày thứ bảy Thiên Chúa làm xong công trình ngài đương làm. Vào ngày thứ bảy ngài đã ngưng nghỉ sau khi hoàn tất công tác trù liệu.

Hồi đó khi Thiên Chúa tác tạo trái đất và các tầng trời - lúc ấy trên lục địa chưa có cây cối, ngoài đồng nội cỏ xanh chưa đâm mầm, vì trước lúc ấy Gia-vê Thiên Chúa chưa cho mưa tưới địa cầu, lại chưa có người cày cấy, chỉ có một con suối từ lòng đất vọt lên chan nước ra khắp nơi. Gia-vê Thiên Chúa lấy bụi đất nặn ra hình người và hả hơi vào mũi y để y tiếp nhận sức sống, và như vậy con người trở thành một sinh vật.

 Sau đó Thiên Chúa tạo ra một thửa vườn ở Y điền  toạ lạc tại hướng đông, và ngài đem con người ngài đã nặn đặt vào đó. Từ lòng đất Gia-vê Thiên Chúa cho cây cối đủ loại mọc lên, hình dạng xinh đẹp lại có thể dùng làm thực phẩm tốt; đặc biệt có cây Trường Sinh mọc chính giữa vườn, lại có cây giúp ý thức điều thiện điều ác....

Gia-vê Thiên Chúa đem con người bỏ vào vườn Y điền, để y cầy cấy chăm nom thửa vườn. Gia-vê Thiên Chúa ra cho y mệnh lệnh sau: "Nhà ngươi muốn ăn trái cây nào trong vườn cũng được, trừ trái cây giúp ý thức thiện ác. Trái từ cây đó nhà ngươi chớ có ăn; nếu ăn vào là mất mạng."

Gia-vê Thiên Chúa phán: "Ðàn ông ở một mình thì không hay. Ta sẽ tạo ra một kẻ đồng bạn xứng hợp với y." Thế là Gia-vê Thiên Chúa lấy đất nặn ra nhiều hoang thú khác nhau và nhiều chim trời khác nhau và Ngài đem lại cho người đàn ông để y ngắm dạng và đặt tên cho chúng. Y cho tên nào thì mỗi con sẽ mang tên ấy. Người đàn ông đặt tên cho các gia súc, các chim trời, và các hoang thú; nhưng không con nào có thể gọi là đồng bạn xứng hợp với y được.

Như vậy Gia-vê Thiên Chúa làm phép cho người đàn ông ngủ mê, và đương khi y ngon giấc, ngài rút một khúc xương sườn của y, và lấy thịt đắp vào chỗ khuyết. Thế rồi Gia-vê Thiên Chúa lấy khúc xương sườn rút ra từ người đàn ông mà kiến tạo nên một người đàn bà. Khi ngài đem nàng lại cho chàng, thì người đàn ông nói: " Rốt cuộc, đây là khúc xương từ bộ cốt của ta, là cơ nhục từ thịt xác của ta. Nàng sẽ mang tên là "đàn bà" , là vì từ đàn ông của mình nàng đã ra đời."

Ðó là lí do khiến đàn ông bỏ cha bỏ mẹ mà gắn bó với vợ mình, và hai người trở thành một thân thể. Người đàn ông và vợ cả hai ở dạng khoả thân mà không e thẹn gì hết.

Con rắn thường được coi là loài tinh khôn nhất trong các vật được Gia-vê Thiên Chúa tác tạo. Bữa đó con rắn hỏi người đàn bà,"Có thật Thiên Chúa cấm nàng không được ăn bất cứ trái cây gì trong vườn chăng? "  Người đàn bà trả lời con rắn: "Chúng tôi được phép ăn trái các cây trong vườn,  chỉ trừ có trái từ cây đứng ở giữa vườn, vì Thiên Chúa đã căn dặn 'Các ngươi chớ ăn nó vào, động tới là chết.'"  Nhưng con rắn bảo người đàn bà. "Ðâu có! Nàng sẽ chẳng chết đâu! Chỉ vì Thiên Chúa thừa biết nàng ăn trái đó vào, thì sẽ giác ngộ, sẽ giống các thần minh ý thức được điều thiện điều ác." Người đàn bà ngắm nghía thấy trái ăn vào chắc ngon miệng, mà trông lại đẹp mắt, nó còn hấp dẫn vì có thể giúp mình hiểu biết thêm. Nàng bèn hái lấy vài ba trái từ cây mà đưa lên miệng; rồi lại đem mấy trái nữa mời chồng nàng lúc ấy đương ở gần nàng, và chàng cũng ăn. Chợt con mắt của cả hai bừng mở, và họ nhận thức mình đương trần truồng, mới đi kiếm lá cây kết lại làm đồ mặc che thân.

Khi họ nghe thấy tiếng chân Thiên Chúa tản bộ trong vườn vào lúc ánh dương đã dịu lại có gió hiu hiu, thì vợ chồng hai người muốn lánh mặt Gia-vê Thiên Chúa, bèn tìm đến mấy lùm cây trong vườn mà ẩn núp.

 Sau khi A-đam đã ăn trái cấm, Gia-vê Thiên Chúa lên tiếng gọi người đàn ông mà hỏi chàng, "Ngươi đâu rồi?". Chàng đáp, "Nghe tiếng ngài trong vườn, tôi sợ quá vì thấy mình khoả thân, thành ra phải đi ẩn."  Ngài hỏi, "Ai mách cho ngươi hay là ngươi khoả thân? Phải rồi, ngươi đã ăn trái cấm !"  Người đàn ông đáp, "Người đàn bà ngài đã đặt bên tôi - nàng đã cho tôi trái cây đó, và tôi đã ăn."  Bấy giờ Gia-vê Thiên Chúa hỏi người đàn bà, "Sao ngươi làm chuyện như vậy?" Người đàn bà trả lời, "Con rắn cám dỗ tôi, và tôi đã ăn."

Gia-vê Thiên Chúa nói với con rắn, "Bởi vì mày đã làm chuyện như thế này, mày sẽ bị đày xa các thú vật khác, và trong số các tạo vật sống hoang mày sẽ phải bò bằng bụng, và phải ăn bụi ăn đất suốt đời mày. Ta sẽ gây nên mối thù giữa mày với người đàn bà, và giữa con cái của mày với con của nàng; mà con nàng sẽ tấn công trúng đầu mày, giữa lúc mày muốn tấn công gót chân người đó."

Với người đàn bà ngài phán, "Ta sẽ bắt ngươi phải đau quặn khốn nạn khi sinh đẻ; và ngươi phải khổ sở lắm mỗi khi lâm bồn. Ngươi một lòng khát mong chồng, mà chàng sẽ làm chúa ngươi"

Với người đàn ông, ngài phán," Ðất kia bị rủa độc là vì ngươi! Muốn ăn hoa mầu của nó suốt đời ngươi sẽ phải lao động cực nhọc. Từ đất chà gai sẽ mọc lên gây khó cho ngươi, và ngươi sẽ phải lượm rau hoang ngoài đồng mà lót dạ. Phải đổ mồ hôi trán, ngươi mới tìm ra cơm bánh mà ăn, chờ ngày ngươi trở lại với bụi đất nơi ngươi xuất phát. Là vì ngươi vốn là bụi đất, ngươi sẽ trở thành bụi đất."

Người đàn ông gọi vợ mình là E-va, bởi vì nàng là mẹ hết các người sống .

Muốn giúp hai vợ chồng, Gia-vê Thiên Chúa lấy da thú làm áo cho họ mặc. Rồi Gia-vê Thiên Chúa phán, "Xem đây! Người đàn ông đã trở thành một vị trong số chúng ta, vì đã nhận thức điều thiện với điều ác! Do đó đừng cho y với tay hái quả cây Trường Sinh nữa, kẻo ăn vào y sẽ sống đời đời. "23 Sau đó Gia-vê Thiên Chúa đuổi chàng ra khỏi vườn Y-điền, bắt cầy đất, vốn là chất đã giúp cấu tạo ra chàng. Phát vãng người đàn ông rồi, ngài đặt những (thiên sứ thuộc cấp) Kê-ru-bim tay cầm kiếm sáng loáng, trấn lối vào cây Trường sinh..

.....

Ðó là đoạn kinh của Do Thái nói rõ về nguồn gốc của Vũ trụ và con người đều do Thiên Chúa tạo ra.

Moses

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Đây là một bài viết cơ bản. Nhấn vào đây để biết thêm thông tin.

 

Moses, tranh của José de Ribera (1638)

Moses (tiếng Latin: Moyses, tiếng Hebrew: מֹשֶׁה, Tiêu chuẩn Moshe Tiberian Mōšeh; Greek: Mωυσής; Arabic: موسىٰ, Mūsa; Ge'ez: ሙሴ, Musse), trong tiếng ViệtMô-sê hoặc Môi-se, là lãnh tụ tôn giáo, người công bố luật pháp, nhà tiên tri, nhà chỉ huy quân sự và sử gia. Ông cũng được xem là người chép kinh Torah (năm sách đầu tiên của Kinh Thánh, còn gọi là Ngũ kinh Moses). Trong tiếng Hebrew, ông được gọi là Moshe Rabbeinu (מֹשֶׁה רַבֵּנוּ, Lit. "Moses Thầy chúng ta"). Moses cũng là một nhà tiên tri quan trọng trong Do Thái giáo,[1][2] Cơ Đốc giáo,[1] Hồi giáo,[3] Đạo Bahá'í,[4] Mormon, và Phong trào Rastafari.[1]

Theo ký thuật của Kinh Thánh, Moses là con của một phụ nữ Hebrew (Do Thái). Khi nhận biết đứa bé sơ sinh là con trai, bà tìm cách cứu con mình khỏi bị giết theo một chiếu chỉ của Pharaon ra lệnh tàn sát tất cả bé trai thuộc dân tộc Do Thái nô lệ ngay khi chúng vừa chào đời. Cuối cùng, cậu bé Moses được nhận nuôi để trở nên một thành viên của Hoàng gia Ai Cập. Sau khi ra tay giết chết một quản nô Ai Cập để cứu một người Hebrew, Moses bị buộc phải chạy trốn, rồi trở thành mục tử. Về sau ông được Thiên Chúa kêu gọi trở về Ai Cập với sứ mạng giải phóng dân tộc mình khỏi ách nô lệ, dẫn dắt họ băng qua Hồng Hải, tiến vào hoang mạc và, vì lòng vô tín và sự cứng lòng của dân Israel, ông cùng với họ lưu lạc trong đó suốt 40 năm. Sống thọ 80 tuổi, Moses được vào Đất Hứa.

Ông là một thiên tài quân sự.[5] Buổi đầu sự nghiệp của ông khá giống với vua Cyrus Đại Đế - vị Hoàng đế khởi lập Đế quốc Ba Tư (xem bộ sử "Historiai" của Herodotos) - và ông cùng với vua Cyrus Đại Đế đóng vai trò vô cùng lớn lao trong lịch sử.[6] Ông trở thành một vị anh hùng dân tộc của người Do Thái.[7]

Moses trong Kinh Thánh

Nguồn tư liệu chính về cuộc đời Moses là Kinh Torah (Cựu Ước). Trong kinh Torah, những câu chuyện liên quan đến cuộc đời Moses được tìm thấy trong các sách Xuất Ai Cập ký (Xuất hành), Lê-vi ký, Dân số ký, và Phục truyền luật lệ ký (Đệ nhị luật). Moses cũng là tác giả của Sáng thế ký, Thi thiên (Thánh vịnh) 90 và 106.

Thiếu thời

Công chúa Ai Cập cứu cậu bé Moses, tranh của Konstantin Flavitsky

Có một thời gian dài giữa hai thời điểm lúc kết thúc Sáng Thế ký và lúc khởi đầu Xuất Ai Cập ký (hoặc Xuất hành). Trong thời kỳ này, dân Israel sống giao hòa với người Ai Cập khi họ được phép định cư tại xứ Goshen, phần lãnh thổ ở phía đông sông Nile. Tuy nhiên, về sau người Ai Cập trở nên thù địch với dân Israel, bắt phục họ, và biến họ thành những kẻ nô lệ.[8]

Theo Xuất Ai Cập ký, Moses là con trai của Amram, thuộc chi phái Levite, mẹ là Jochebed.[9] Moses có một chị gái lớn hơn 7 tuổi tên Miriam, và một anh trai lớn hơn 3 tuổi tên Aaron.[9] Theo Sáng thế ký 46: 11[10] Cha của Amram, Kê-hát, ở trong số 70 người thuộc gia đình Jacob vào ngụ cư ở Ai Cập.[11] Như thế, Moses là thế hệ thứ hai sinh trưởng tại Ai Cập.

Moses chào đời khi Pharaon (Vua Ai Cập) ra lệnh sát hại tất cả bé trai Hebrew bằng cách trấn nước chúng tại sông Nile. Cả kinh Torah và sử gia Flavius Josephus đều không nói gì đến tên tuổi và thân thế của Pharaon này.[12] Người ta không rõ đây là vị Pharaon nào trong lịch sử Ai Cập cổ đại, và có những quan điểm cho rằng đây là vua Seti I hoặc là vua Ramesses II của Vương triều thứ 19.[13]

Jochebed, sau khi sinh hạ một con trai, đã tìm cách giấu đứa bé trong ba tháng.[9][14][15] Khi biết không thể bảo vệ đứa bé lâu hơn nữa, Jochebed đặt đứa bé vào một cái nôi và thả trôi theo dòng sông Nile.[14] Miriam, chị của cậu bé, dõi theo canh chừng chiếc thuyền con bé tí này cho đến khi nó trôi giạt vào nơi công chúa Thermuthis (Bithiah) đang tắm cùng các nữ tì.[9][16] Công chúa thấy đứa bé nằm trong nôi bèn ra lệnh vớt lên. Miriam tìm đến và xin công chúa nhận cô làm vú nuôi chăm sóc đứa bé.[9] Về sau, Jochebed thay thế con gái trở thành vú nuôi của đứa bé. Khi lớn lên, Moses được đem vào cung và được công chúa nhận làm con nuôi. Công chúa đặt tên đứa bé là Mosheh, tiếng Hebrew là mashah nghĩa là được "cứu khỏi nước". Trong bản dịch Hi văn, Mosheh được gọi theo tiếng Hi Lạp là Moses.[17]

Ý nghĩa của tên Moses

- Tên Moses được cấu thành bởi hai từ, một nghĩa là "nước", từ còn lại nghĩa là "ra khỏi" (nghĩa là "được cứu khỏi nước") bởi vì một Công chúa Ai Cập tìm thấy đứa bé lúc đang tắm bên bờ sông và cứu cậu.[18] Điều này có ý nghĩa quan trọng vì trong Kinh Thánh, từ "nước" thường được xem là hình ảnh tượng trưng cho thế gian tội lỗi. Như thế tên Moses là biểu trưng cho sự giải cứu đặc biệt của Thiên Chúa khi Ngài đem dân Hebrew ra khỏi xứ Ai Cập để vào đất hứa. Hình ảnh dân Israel, dưới sự lãnh đạo của Moses, vượt qua Biển Đỏ, hàm chứa ý nghĩa họ được giải cứu khỏi nước.

- Một số học giả đương đại cho rằng có thể công chúa chọn tên cho đứa bé bằng một từ trong tiếng Ai Cập moses, từ này có nghĩa là "con trai của"; ví dụ như "Thutmose" nghĩa là "con trai của thần Thoth", hoặc Rameses là "con trai của thần Ra".[19]

- Một giả thuyết khác luận giải rằng trong tiếng Ai Cập cổ từ "Mo" nghĩa là "nước" và từ "Sa" nghĩa là "con trai". Như thế, có thể tên "Mosa" có ý nghĩa là "con trai của nước", bởi vì Moses được tìm thấy khi nằm trong một chiếc nôi đang trôi giạt trong nước.

Mục tử xứ Midian

Moses bảo vệ các con gái của Jethro, tranh của Ciro Ferri, thế kỷ 17

Khi đã trưởng thành, Moses đi ra và nhận thấy đồng bào mình đang sống lầm than trong kiếp nô lệ.[14] Khi chứng kiến một quản nô Ai Cập đánh đập một người Hebrew, Moses giết người Ai Cập và vùi xác người ấy trong cát, tin rằng người duy nhất biết vụ giết người này sẽ giữ kín.[14] Ngày hôm sau, Moses đi ra và thấy hai người Hebrew đang gây gổ nhau bèn đến để can ngăn nhưng gặp lại chính người được ông giải cứu hôm trước, người này dọa tố cáo Moses. Ngay sau đó, Moses biết vụ việc đã bị lộ và pharaon đang tìm giết ông, nên vội vàng lẩn trốn vào bán đảo Sinai.[14][20] Khi nghỉ chân tại một giếng nước, Moses bênh vực bảy cô gái chăn cừu khỏi một nhóm mục tử hung bạo. Cha của các cô gái, một thầy tư tế xứ Midian tên Jethro,[21][22][23] tiếp đãi Moses và gả con gái Zipporah, rồi giao bầy chiên cho ông chăm sóc.[24] Moses sống ở Midian trong bốn mươi năm với nghề chăn chiên. Trong thời gian này, Zipporah sinh cho ông một con trai đặt tên Gershom.[14][21]

Vào một ngày, khi dẫn bầy chiên lên núi Horeb[25] – thường được xem là núi Sinai, trong thời Trung Cổ, người ta tin vị trí núi này thuộc bán đảo Sinai, nhưng ngày nay nhiều học giả tin rằng vị trí núi Horeb ở xa hơn về phía đông nơi Moses ngụ cư ở Midian. Moses nhìn thấy một bụi gai đang bốc cháy nhưng không lụi tàn, vì tò mò ông đến gần để quan sát kỹ hơn; tại đây Thiên Chúa phán bảo với Moses từ trong bụi gai cháy và mặc khải cho ông Danh của Ngài là Đấng Tự hữu Hằng hữu.[14]

Lãnh đạo dân Israel

Thiên Chúa phán bảo Moses trở về Ai Cập để giải cứu đồng bào của ông khỏi ách nô lệ. Thiên Chúa thực hiện những dấu lạ như biến cây gậy trong tay Moses thành con rắn cũng như khiến tay ông bị phung rồi chữa lành, bảo cho Moses biết ông được ban cho quyền năng để có thể khiến nước sông tràn ngập mặt đất và biến nước thành máu.[26][27][28]

Trở lại Ai Cập

Khi bắt đầu cuộc hành trình, Moses gặp anh mình, Aaron, đến đón ông trở về Ai Cập. Nhờ những dấu lạ mà họ thực hiện, Moses và Aaron thuyết phục được các trưởng lão của dân Israel.[29][30] Trong thời gian Moses vắng mặt, pharaon, người tìm giết Moses (được cho là Seti I hoặc Ramesses II), đã qua đời, như thế tân vương có thể là Ramesses II hoặc là Merneptah.[13] Theo lịch sử, Pharaon Merneptah là một ông vua tầm thường, không thể sánh bằng tiên vương Ramesses II. Moses và Aaron đến gặp pharaon và bảo rằng Thiên Chúa của dân Israel muốn nhà vua cho phép dân tộc ông đi ra để cử hành tế lễ cho Chúa trong vùng hoang mạc. Pharaon đáp rằng ông không biết Chúa nào hết và không cho phép dân Israel đi. Pharaon quở trách hai người và buộc dân Israel phải lao dịch nặng nhọc hơn trước. Dân chúng quay sang phiền trách Moses.[31][32]

Mười Tai họa

Moses và Aaron đến gặp pharaon lần nữa, Moses làm dấu lạ trước mặt pharaon biến cây gậy trong tay ông thành rắn, nhưng các pháp sư của pharaon cũng làm giống như vậy. Lần thứ ba Moses và Aaron gặp pharaon là bên bờ sông Nile, Moses truyền cho Aaron biến dòng sông thành máu, nhưng các pháp sư cũng thực hiện được điều này. Trong lần gặp thứ tư, Moses bảo Aaron khiến ếch từ sông Nile tràn khắp xứ Ai Cập, một lần nữa các pháp sư của pharaon cũng làm được như thế. Nhưng pharaon phiền lòng vì dịch ếch nhái nên yêu cầu Moses cầu xin Chúa khiến ếch nhái dang xa và hứa cho phép dân Israel ra đi tế lễ trong đồng vắng. Hôm sau, tất cả ếch nhái chết, người ta chất chúng thành đống, mùi hôi lan tỏa khắp cả xứ, nhưng pharaon đổi ý cầm giữ dân Israel lại. Sau rốt, pharaon phải để người Hebrew ra đi sau khi người Ai Cập hứng chịu đủ mười tai họa bởi tay Thiên Chúa của Moses. Tai họa thứ ba là muỗi xuất hiện khắp đất. Tai họa thứ tư là ruồi mòng. Tai họa thứ năm là dịch lệ rất lớn giết hại các loài súc vật như ngựa, lừa, lạc đà, bò và chiên. Đến tai họa thứ sáu thì người dân Ai Cập bị ghẻ chốc tác hại trên người. Cả xứ Ai Cập bị tàn phá bởi mưa đá, sấm sét và lửa chạy trên mặt đất là hậu quả của tai họa thứ bảy. Tai họa thứ tám xuất hiện khi châu chấu tràn khắp xứ tàn phá mùa màng. Rồi cả xứ bị bao phủ trong sự tối tăm dày đặc trong ba ngày liền "đến nỗi người ta rờ đụng đến được",[33] đó là tai họa thứ chín. Tai họa thứ mười là sự trừng phạt cuối cùng và thảm khốc hơn hết khi "hết thảy con trưởng nam trong xứ Ai Cập đều chết, từ thái tử của pharaon ngồi trên ngai mình, cho đến con cả của người tôi đòi ở sau cối xay".[34] Sự kinh hãi bao trùm đất nước Ai Cập. Sau cùng, họ chịu để dân Israel được tự do. Sự kiện này được kỷ niệm hằng năm trong mỗi gia đình Do Thái khi họ cùng nhau dự Lễ Vượt qua, nhắc nhở rằng tai họa ấy đã "vượt qua" khỏi các gia đình Do Thái, nhưng mang sự chết đến từng nhà người dân Ai Cập.[35]

Vào Hoang mạc

Moses đập vào tảng đá nước tuôn ra, tranh của Jacopo Tintoretto (1577)

Moses dẫn dắt dân chúng đi về hướng Đông, khởi đầu một cuộc hành trình dài tiến vào Canaan. Đoàn dân di chuyển chậm chạp, và phải cắm trại hai lần trước khi vượt qua biên giới Ai Cập để đến bên bờ Biển Đỏ. Trong khi đó, pharaon đổi ý, tập hợp binh lính để săn đuổi những kẻ nô lệ vừa được phóng thích. Đoàn dân ô hợp khiếp đảm, nhưng theo ký thuật của Xuất Ai Cập ký, Thiên Chúa khiến nước phân rẽ, làm cho biển bày ra khô để dân Israel đi qua như trên đất cạn. Khi đạo quân Ai Cập đuổi theo, Thiên Chúa khiến nước lấp phủ đáy biển trở lại, đạo quân với chiến xa, kỵ binh và bộ binh bị chôn vùi trong biển.[36]

Khi đến Marah, gặp phải nguồn nước đắng, dân chúng oán trách Moses, nhưng Moses lấy một thanh gỗ ném xuống nước, nước bèn hóa ra ngọt.[37][38] Rồi đến lúc thực phẩm cạn kiệt, dân chúng tìm gặp Moses và Aaron, cay đắng bảo rằng họ thà chết trong kiếp nô lệ ở Ai Cập hơn là chết đói trong hoang mạc. Thiên Chúa khiến manna (một loại bánh được dùng làm lương thực thay thế) rơi xuống từ trời mỗi sớm mai, buổi chiều có chim cút bay đến phủ các lều trại của dân Israel.[39][40] Nhưng khi dời trại đi đến Rephidim, ở đó không có nước, và dân chúng lại oán than, "Sao người mang chúng tôi ra khỏi xứ Ai Cập để chúng tôi, con cái và bầy súc vật phải chịu chết khát thế này?".[41] Moses lại thể hiện phép mầu của Thiên Chúa bằng cách đập vào một tảng đá, nước bèn tuôn ra.[42][43]

Những chiến binh Amalek tìm đến và tấn công dân Israel. Moses ra lệnh Joshua dẫn những tráng sĩ tuyển chọn từ đoàn dân ra đối địch trong khi ông đứng trên đỉnh đồi với cây gậy của Thiên Chúa trên tay. Khi Moses giơ tay cao thì các chiến binh Israel chiến thắng, song khi ông hạ tay xuống thì kẻ thù thắng hơn. Do tay của Moses quá mỏi nên Aaron và Hur ngồi ở hai bên để giữ tay của Moses giơ cao cho đến chiều tối là lúc dân Amalek bị đại bại trước dân Israel.[44][45]

Nhạc phụ của Moses, Jethro, đến thăm đem theo vợ và hai con trai của Moses, gia đình ông sum họp. Sau khi nghe thuật lại công cuộc giải phóng dân Israel khỏi xứ Ai Cập, Jethro dâng tế lễ cho Yaweh, rồi ăn bánh cùng các trưởng lão. Hôm sau, khi thấy Moses bận rộn từ sớm mai cho đến chiều tối xét xử các công việc trong dân, Jethro đề nghị Moses bổ nhiệm các phán quan để họ đảm nhiệm chức trách này hầu ông có thể tập trung vào công việc lãnh đạo. Moses làm theo lời khuyên của nhạc phụ.[46][47]

Mười Điều răn

Khi đến Sinai, đoàn dân hạ trại đối diện cùng núi. Moses ra lệnh đoàn dân không được chạm vào núi. Moses lên núi, nhận lãnh Mười điều răn (khi ấy chưa được khắc trên bảng chứng) và các điều luật đạo đức khác. Moses cùng Aaron, Nadab, Abihu, và bảy mươi trưởng lão lên núi chiêm ngưỡng Thiên Chúa của Israel. Sau đó, một mình Moses lên núi để nhận lãnh bảng đá, ông để lại Aaron và Hur chăm lo dân chúng.

Moses đập vỡ Bảng Luật pháp, tranh của Gustave Doré.

Song, đang khi Moses ở trên núi Sinai để nhận lãnh giáo huấn và luật pháp của Thiên Chúa, dân chúng đến gặp Aaron và yêu cầu ông dựng các thần linh cho họ. Aaron quyên góp vòng đeo tai của dân chúng và đúc nên một con bò bằng vàng rồi nói rằng, "Hỡi Israel, này là các thần của ngươi đã đem ngươi ra khỏi xứ Ai Cập", và tiếp, "Sáng mai sẽ có lễ tôn trọng cho Yaweh". Sáng hôm sau, dân chúng dâng tế lễ, "ngồi mà ăn uống, đoạn đứng dậy mà vui chơi". Cơn thịnh nộ của Thiên Chúa nổi lên cùng đoàn dân nhưng Moses nài xin Chúa đừng diệt họ.[48] Ông xuống núi, và khi chứng kiến dân chúng nhảy múa quanh bò vàng thì giận dữ ném vỡ hai bảng chứng. Ông nghiền nát tượng bò vàng và quở trách Aaron. Nhận thấy dân sự vẫn cứ buông tuồng, Moses đứng nơi cửa trại quân nói, "Ai thuộc về Chúa, hãy đến cùng ta." Hết thảy người Lê-vi đến bên Moses, ông ra lệnh cho họ giết những kẻ thờ lạy hình tượng.[49][50]

Theo ký thuật của những chương cuối của Xuất Ai Cập ký, Đền Tạm (Tabernacle) được dựng lên, ban hành lề luật tế lễ, rồi lễ cung hiến Đền Tạm.[51]

Miriam và Aaron phiền trách Moses về người phụ nữ Ethiopia mà ông kết hôn, và tra vấn về thẩm quyền của Moses. Miriam mắc bệnh phong cùi trong bảy ngày như một sự trừng phạt của Thiên Chúa.[52]

Do thám xứ Canaan

Đoàn dân rời Hazeroth rồi cắm trại trong đồng vắng Paran (phía bắc bán đảo Sinai, ngay phía nam Canaan).[53] Moses sai 12 người được tuyển chọn từ 12 chi phái vào do thám xứ Canaan, trong số đó CalebJoshua. Sau 40 ngày họ trở về mang theo nho và các sản vật khác họ đem từ Canaan. Mặc dù có sự đồng thuận của cả nhóm về sự trù phú của xứ Canaan, chỉ có Joshua và Caleb cố thuyết phục đoàn dân đi lên chiếm lấy xứ; hậu quả là hai người suýt mất mạng vì dân chúng định ném đá họ. Dân chúng kêu khóc đòi trở lại Ai Cập vì khiếp đảm trước thành trì vững chắc và hình vóc cao lớn của dân trong xứ, rồi bàn bạc với nhau để lập lên một quan trưởng mới đặng dẫn họ trở lại Ai Cập.[54] Moses không chịu nhìn thấy dân Israel bị tận diệt trong cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, cũng không chịu tiếp nhận cơ hội để dòng dõi của ông trở thành tuyển dân của Ngài. Ông nài xin Thiên Chúa, "Chúa vốn chậm nóng giận và đầy ơn; hay xá điều gian ác và tội lỗi; nhưng không kể kẻ có tội là vô tội, và nhân tội tổ phụ phạt con cháu trải ba bốn đời. Tôi xin Chúa tha tội gian ác của dân này tùy theo ơn lớn của Chúa, như Chúa đã tha từ xứ Ai Cập đến đây."[55] Thiên Chúa nhậm lời cầu nguyện của Moses và không hủy diệt dân Israel nhưng chỉ trừng phạt họ bằng cách để họ lang thang trong hoang mạc 40 năm cho đến khi những kẻ phản loạn này chết ở đó. Con cháu của họ là những người sẽ đi lên chiếm lấy xứ Canaan. Trong một sự bùng nổ cảm xúc, dân chúng quyết định tiến vào Canaan dù Mose đã cố ngăn cản họ. Và họ bị thảm bại trước dân Amalek và Canaan.[56]

Sự Phản loạn của Korah, Dathan, Abiram

Chi phái Reuben, dưới sự lãnh đạo của Korah, Dathan, Abiram cùng 25 trưởng lão lớn tiếng cáo buộc Moses và Aaron là lạm quyền. Moses bảo họ sáng hôm sau hãy đến với lư hương trên tay mỗi người. Do Dathan và Abiram không chịu đến gặp Moses, ông đến trại của hai người. Sau khi Moses khẳng định rằng thẩm quyền của ông đến từ Thiên Chúa,[57] đất hả miệng nuốt họ, gia quyến cùng tài sản của họ, rồi đất lấp lại. Một ngọn lửa thiêu hóa 250 người dâng hương. Ngày hôm sau, dân chúng lại lên tiếng cáo buộc Moses và Aaron đã giết dân của họ. Lần này, tai họa giáng trên dân chúng cướp mạng sống của 14 000 người, tai họa chỉ dừng lại khi Moses bảo Aaron, thầy tế lễ của đoàn dân, mang lư hương đến giữa đoàn dân làm lễ chuộc tội cho họ, "người đứng giữa kẻ chết và kẻ sống, thì tai vạ bèn ngừng lại."[58] Nhằm xác chứng thẩm quyền tế lễ của Aaron trước toàn dân, Moses yêu cầu các quan trưởng của 12 chi phái, mỗi người đem gậy có đề tên của mình đặt trước hòm bảng chứng trong hội mạc. Chỉ có cây gậy của Aaron đâm chồi, nở hoa và kết quả hạnh nhân chín.[59]

Sau khi rời Sinai, dân Israel đến Kadesh và dựng trại ở đó. Lại thêm những lời phiền trách của dân chúng, họ cáo buộc Moses đã "dẫn họ ra khỏi Ai Cập đặng dẫn đến vùng đất không thể gieo mạ, chẳng có cây vả, cây nho, cây lựu, cũng không có nước uống." Thiên Chúa ra lệnh Moses bảo với hòn đá thì nó sẽ chảy ra nước để nuôi dân chúng và bầy súc vật của họ. Song Moses cầm gậy đập hai lần vào hòn đá, nước chảy tràn ra nhiều nhưng Mose và Aaron không được bước chân vào đất hứa vì không tôn Chúa nên thánh trước dân chúng.[60]

Con rắn đồng

Moses treo cao con rắn đồng để đoàn dân nhìn vào được chữa lành.

Có lẽ dân Israel bỏ ý định tiến vào Canaan qua thành Hebron ở phía nam Canaan, vì họ biết thành này rất kiên cố. Họ tránh thành Hebron bằng cách đi về hướng bắc dọc theo Tử Hải. Lộ trình này buộc họ phải băng qua lãnh thổ của Edom, MoabAmmon. Các dân tộc này là hậu duệ của Lot. Bởi vì Lot là cháu của Abraham, tổ phụ dân Israel, nên khi không được phép băng qua vùng đất này dân Israel quyết định đi đường vòng thay vì tấn công họ. Trong khi đang trên đường di chuyển, đoàn dân lại than phiền về manna, "linh hồn chúng tôi ghê gớm thứ lương thực đạm bạc này." Chúa sai loài rắn lửa đến cắn chết nhiều người, Moses bèn làm một con rắn bằng đồng, treo lên một cây sào, hễ ai bị rắn cắn nhìn con rắn bằng đồng thì được sống.[61] Con rắn đồng này vẫn tồn tại trong dân Israel cho đến đời trị vì của Vua Hezekiah, nhà vua cho bẻ gãy nó vì dân chúng bắt đầu sùng kính nó như một thần tượng.[62]

Khi dân Israel tiến đến bờ cõi xứ Moab, họ nhận ra rằng trước đó dân Moab đã bị Sihon, vua dân Amorite tấn công. Dân Amorite từng là một thế lực lớn trong vùng. Moses sai sứ giả đến xin phép băng ngang qua lãnh thổ dân Amorite nhưng bị từ chối, Moses liền ra lệnh tấn công (bởi vì dân Amorite không có quan hệ huyết thống với tổ phụ dân Israel nên dân Israel mạnh dạn mà tranh chiến) và đánh bại dân Amorite.[63][64] Sau khi chiếm giữ lãnh thổ của dân Amorite, người Israel tiến theo hướng bắc đến Bashan, vùng đất màu mỡ nổi tiếng với những rừng sồi và bầy súc vật. Vua Og đang cai trị xứ này. Dân Israel đánh bại đạo binh của vua Og tại Edrei, biên giới phía của Bashan, tàn sát hết cư dân và chiếm lấy xứ.[64]

Balaam

Vua dân Moab, Balak, khiếp sợ khi nghe đến những cuộc chinh phục của dân Israel vì tin rằng xứ sở của mình sẽ là mục tiêu kế tiếp, sai các trưởng lão của dân Moab và dân Madian đến gặp Balaam (ông là một nhà tiên tri có quyền năng và được mọi người tôn trọng), nài xin nhà tiên tri đi ra và rủa sả dân Israel. Balaam bảo cho họ biết Thiên Chúa đã hiện ra với ông trong chiêm bao cấm ông cùng đi với họ, bởi vì dân Israel là dân tộc "được ban phước".[65] Balak lại sai các sứ thần là những người được tôn trọng hơn tìm đến Balaam với lời hứa tôn vinh Balaam. Lần này, Chúa cho phép Balaam đi cùng các sứ thần với lời căn dặn, "chỉ hãy làm theo lời ta sẽ phán." Khi Balaam khởi sự lên đường cùng các sứ thần của Balak, một thiên sứ hiện ra ngăn cản Balaam. Thoạt đầu, chỉ có con lừa Balaam đang cưỡi nhìn thấy thiên sứ. Khi Balaam tức giận cầm gậy đánh nó vì không chịu đi tiếp, một phép lạ xảy ra và con lừa mở miệng than phiền với Balaam. Ngay lúc ấy, Chúa mở mắt Balaam để ông có thể nhận thấy thiên sứ. Balaam hối cải, nhưng thiên sứ cho phép ông đi tiếp.[66][67]

Balak đến đón Balaam ở Kirjath-huzoth để cùng đi đến những nơi cao của Baal để có thể nhìn thấy toàn thể trại quân Israel, và dâng tế lễ trên bảy bàn thờ. Họ chờ đợi Balaam rủa sả dân Israel. Song, Balaam chúc phúc dân Israel, khi Balak phản đối, Balaam nhắc lại rằng ông chỉ có thể nói những điều Chúa đặt vào miệng ông. Balak đưa Balaam lên chót núi Pisgah, lập bảy bàn thờ và dâng tế lễ. Một lần nữa, Balaam lại cất tiếng chúc phúc cho dân Israel. Cuối cùng, Balak giận dữ đưa Balaam đến Peor, lời thỉnh cầu lần này của Balak có nhiều nhượng bộ, "Chớ rủa sả, nhưng cũng đừng chúc phúc." Thần của Thiên Chúa ngự trên Balaam và ông tuyên cáo những lời tiên tri tích cực về tiền đồ của dân Israel.[68]

Về sau, Balaam bày kế cho Balak và dân Midian dẫn dụ dân Israel phạm tội thờ lạy hình tượng. Người Midian cho các phụ nữ đẹp dẫn dụ những chàng trai Israel tham dự các lễ hội cúng tế hình tượng. Mưu kế này tỏ ra rất thành công.[69] Phinehas, cháu nội của Aaron, phá vỡ âm mưu này bằng cách giết chết hai người công khai phạm tội khi dân chúng ăn năn vì cơn thịnh nộ của Thiên Chúa bắt đầu giáng đổ trên họ. Có 24 000 người bị giết chết trong tại họa này.[70] Sau khi tu bộ toàn dân, Moses cử quân đi đánh dân Midian, họ cũng giết Balaam, và năm vua của Midian.[71]

Trước đó, Moses đã bổ nhiệm Joshua, con trai Nun, kế nhiệm ông trong cương vị lãnh đạo dân Israel.[72]

Từ trần

Moses được Chúa bảo cho biết ông sẽ không được dẫn dắt dân Israel vượt sông Jordan để tiến vào Đất Hứa, nhưng sẽ chết bên bờ đông của dòng sông (Dân số ký 20: 12). Vì vậy, Moses tập hợp mười hai chi phái và nói với họ những lời sau cùng, thông điệp của ông được chép trong Phục truyền luật lệ ký. Moses tóm tắt Luật pháp, nhắc nhở họ những điều quan trọng nhất, "Ngày nay, ta bắt trời và đất làm chứng cho các ngươi rằng ta đã đặt trước mặt ngươi sự sống và sự chết, phước lành và rủa sả. Vậy, hãy chọn sự sống, hầu cho ngươi và dòng dõi ngươi được sống, yêu mến Thiên Chúa ngươi, vâng theo tiếng phán Ngài, và tríu mến Ngài; vì Ngài là sự sống ngươi." [73]. Ông cũng đưa ra những lời cảnh cáo nghiêm khắc, tiên báo những thảm họa và sự hủy diệt, cuộc sống triền miên trong đau khổ, khiếp đảm và sỉ nhục nếu họ lìa bỏ Thiên Chúa, "Các ngươi sẽ bị truất khỏi xứ mình...tản lạc trong các dân, từ cuối đầu này của đất đến cuối đầu kia… các ngươi không được an tịnh, bàn chân ngươi không được nghỉ ngơi… nhưng là lòng run sợ, mắt mờ yếu, và linh hồn hao mòn… ngày và đêm ngươi hằng sợ hãi, khó liệu bảo tồn mạng sống mình. Bởi cớ sự kinh khủng đầy dẫy lòng ngươi, và bi cảnh mắt ngươi sẽ thấy, nên sớm mai ngươi sẽ nói: Chớ chi được chiều tối rồi! Chiều tối ngươi sẽ nói: Ước gì được sáng mai rồi!"[74]

Sau đó, Moses chúc phước cho dân chúng, rồi lên núi Nebo đến đỉnh Pisgah, nhìn khắp xứ đang trải rộng dưới chân, rồi từ trần, khi ấy ông được một trăm hai mươi tuổi.[75] Chính Thiên Chúa chôn Moses trong trũng tại xứ Moab; "cho đến ngày nay không ai biết được mộ của người".[76]

Như vậy, Moses là công cụ đắc dụng trong tay Thiên Chúa để tạo lập dân tộc Israel, và ban luật pháp cho họ. Ông được xem "là người khiêm hòa hơn mọi người trên thế gian",[77] và là người được hưởng đặc ân của Thiên Chúa, vì "Về sau, trong Israel không còn dấy lên tiên tri nào giống như Moses, mà Thiên Chúa biết giáp mặt."[78][79]

Trong bài tiểu luận về văn học Đức sáu năm trước khi ông mất, vua nước PhổFriedrich II Đại Đế (1712 - 1786) - vốn yêu thích văn học Pháp - chê bai nền văn học vô tổ chức của dân tộc Đức.[80][81] Tuy nhiên, ông cảm thấy nền văn học Đức đang phát triển và sẽ trở nên huy hoàng, và thế là ông trích dẫn điển tích về nhà tiên tri Moses:[82][83] "Cũng như Moses, Trẫm nhận thấy miền Đất Hứa từ phương xa, nhưng Trẫm sẽ không thể đến đó."

Nhiều người nhận thấy nơi Martin Luther King - khi ông lãnh đạo phong trào đấu tranh cho quyền bình đẳng của người da màu ở Hoa Kỳ trong thập niên 1960 - hình ảnh của Moses khi đứng trước Pharaoh và tuyên bố, "Hãy để dân ta đi!". Một ngày trước khi bị ám sát, King đã nói với những người ủng hộ mình, "Trường thọ là điều quý báu, nhưng hiện nay tôi không quan tâm đến nó. Tôi chỉ muốn tuân phục ý Chúa. Ngài cho phép tôi leo lên đỉnh núi, nhìn về phía xa, và tôi đã thấy Đất Hứa. Có thể tôi sẽ không đến đó cùng với anh em. Nhưng đêm nay tôi muốn anh em biết rằng, chúng ta, như là một dân tộc, sẽ tiến vào Đất Hứa. Đêm nay tôi thấy mình hạnh phúc. Tôi không lo lắng gì nữa. Tôi không sợ hãi ai nữa. Mắt tôi đã ngắm xem sự vinh hiển của Chúa.[84]

Quan điểm của các Tôn giáo về Moses

Do Thái giáo

Có nhiều truyện kể và các chi tiết khác về Moses được tìm thấy trong thứ kinh Do Thái và một trường phái giải kinh gọi là Midrash, cũng như trong các tác phẩm khác của Do Thái như luật pháp truyền khẩu, MishnahTalmud.[85]

Các sử gia Do Thái sinh sống ở Alexandria như Eupolemus tin rằng Moses đã dạy bảng chữ cái cho dân Phoenicia,[86] tương tự với Thoth. Artapanus thành Alexandria công khai đồng nhất Moses không chỉ với Thoth/Hermes mà còn với Musaeus (mà ông gọi là "thầy của Orpheus"), và cho rằng chính Moses là người chia Ai Cập thành 36 tỉnh. Ông cũng kể tên vị công chúa đã trưởng dưỡng Moses là Merris, vợ của pharaon Chenephres.[87]

Theo những người Do Thái giáo Chính thống, Moses là Moshe Rabbenu, `Eved HaShem, Avi haNeviim zya"a.[85] Ông được xưng tụng là "Moshe Lãnh tụ của chúng ta", "Tôi tớ của Thiên Chúa", và "Cha của mọi nhà tiên tri".[85]

Cơ Đốc giáo

Đối với tín hữu Cơ Đốc, Moses – được nhắc đến trong Tân Ước nhiều hơn bất cứ nhân vật Cựu Ước nào khác – thường được xem là biểu tượng cho luật pháp của Thiên Chúa, luật pháp này được xác lập và dẫn giải trong các giáo huấn của Chúa Giê-xu. Các tác giả Tân Ước thường so sánh lời giảng và hành động của Chúa Giê-xu với Moses nhằm giải thích sứ mệnh của ngài. Ví dụ như Công vụ các Sứ đồ 7: 39-43, 51-53[88] trình bày sự tương đồng giữa thái độ của người Do Thái cổ đại khi họ khước từ Moses để quay sang thờ lạy tượng bò vàng với thái độ của người Do Thái thời Tân Ước khi khước từ Chúa Giê-xu.

Moses cũng được nhắc đến trong các thông điệp của Chúa Giê-xu. Khi gặp Nicodemus, Chúa Giê-xu cũng đề cập đến sự kiện ngày xưa trong hoang mạc, Moses đã treo con rắn bằng đồng để người dân Israel ngước xem mà được chữa lành, để giải thích việc ngài sẽ bị treo trên thập tự giá (sự chếtsự phục sinh của Chúa Giê-xu) để cứu những kẻ tin.[89] Trong chương sáu của Phúc âm Giăng (hoặc Gioan), Chúa Giê-xu giải thích rằng không phải Moses, nhưng chính là Thiên Chúa, đã ban bánh manna cho dân chúng khi họ sống trong hoang mạc. Nhân đó, Chúa Giê-xu tỏ cho họ biết ngài là "bánh của sự sống; ai đến cùng ta chẳng hề đói, và ai tin ta chẳng hề khát".[90]

Moses, tranh khắc nổi tại Hạ viện Hoa Kỳ.

Cùng với Elijah (Ê-li-a hoặc Ê-li), Moses hiện diện trong lần nói chuyện cùng Chúa Giê-xu trong sự kiện hóa hình được chép trong Phúc âm Matthew 17, Mark 9 và Lu-ca 9. 

*

  *           *        

10 Bí quyết thành công của người Do Thái

Do Thái là một dân tộc rất nổi tiếng bởi mang nhiều điểm độc đáo, khác biệt với nhiều dân tộc đang tồn tại trên thế giới hiện nay. Từ hơn 2000 năm trước, đất nước họ bị ngoại xâm, tổ quốc không còn, họ phải đi phiêu bạt khắp bốn phương trời để mưu sinh tồn tại và phát triển. Họ dã từng bị xua đuối, bị chà đạp, thậm chí có khi bị tàn sát dã man trong một thời kỳ lịch sử dài lê thê. Chỉ riêng trong Đại thế chiến lần II đã có tới gần năm triệu người Do Thái bị Đức quốc xã giết hại vô cùng thảm khốc. Thế nhưng dân tộc bất khuất này vẫn không bị diệt vong mà còn phát triển thịnh vượng. Đến nay, họ đã lập nên nhà nước Israel độc lập, tự chủ tuy nhỏ bé nhưng lại vừa giàu vừa mạnh ở Trung Đông, nằm trong lòng khối các nước Ả Rập.

Nguyên nhân nào đã dẫn tới thành công kỳ diệu của dân tộc Do Thái? Lý Hạo – một học giả Trung Quốc, đã nghiên cứu và tham khảo ý kiến rộng rãi của nhiều học giả trên thế giới nêu ra 10 bí quyết lớn dẫn tới thành công của người Do Thái. Qua cuốn sách này, bạn đọc sẽ thấy rõ hơn trí tuệ thông minh tuyệt vời và tài kinh doanh tuyệt diệu, tinh thần phấn đấu ngoan cường, ý thức dân tộc mãnh liệt của dân tộc Do Thái.

Trước đây chúng ta đã biết, nhiều nhân vật nổi tiếng khai sáng những học thuyết, tôn giáo, khoa học lớn trên thế giới đều là những người mang dòng máu Do Thái như: Chúa Jésu, nhà tiên tri Mohammed, Karl Marx, Alber Einstetn… Nhưng ít người biết rằng, ngày nay thế giới cũng có khá nhiều tỷ phú là người Do Thái. Có một vị học giả đã nói, một ông chủ ngân hàng lớn người Do Thái ở Washington bị “ho hắng” , toàn bộ ngân hàng trên thế giới sẽ bị “cảm cúm” ngay; 5 tập đoàn tài chính lớn của người Do Thái liên hợp lại có thể khống chế toàn bộ thị trường vàng thế giới. Một vị học giả Mỹ đã phải kêu lên: “tiền của người Mỹ đã chui hết vào túi người Do Thái”. Từ đó có thể thấy sự giàu có của các doanh nhân người Do Thái!

Vì sao những người Do Thái lại có những thành công lớn lao như vậy?.Có thể kể ra 10 bí quyết của họ ,đó là:

No 1: Coi trọng trí tuệ hơn tri thức

  • Trí tuệ quan trọng hơn tri thức
  • Người có trí tuệ càng khiêm tốn
  • Trí tuệ quan trọng hơn nguồn gốc xuất thân
  • Kinh sách doanh thương – Trí tuệ
  • Trí khôn đồng nghĩa với trí tuệ
  • Thành công không chỉ do tri thức, cần có trí tuệ
  • Mưu trí – kho báu của nhân sinh
  • Trí tuệ chắp cánh cho tâm hồn

No 2: Kiên trì học tập suốt đời

  • Tinh thần hiếu học, ham hiểu biết
  • Học tập là một nghĩa vụ
  • Sinh mệnh có thể chấm dứt, học tập thì không
  • Không ngừng học tập
  • Tích cực tiến lên, học không biết đủ
  • Thắc mắc giúp ta học tập tiến bộ
  • Học tập – tiếp cận sự hoàn mỹ
  • Học tập không bao giờ muộn
  • Học tập phải có mục tiêu
  • Khéo khai thác tiềm năng của mình

No 3: Tri thức quý hơn tiền bạc

  • Tiền bạc có thể bị tước đoạt, tri thức thì không
  • Coi trọng giáo viên và cha mẹ cao nhất
  • Giáo dục – mảnh đất mầu mỡ vun trồng tri thức
  • Nghiện sách như cơm ăn, tri thức là sinh mệnh
  • Doanh nhân cũng theo đuổi học thức uyên bác

No 4: Nghịch cảnh – một cơ hội trong đời

  • Tự lực tự cường, quyết giành thắng lợi
  • Quyết không nản trước thất bại
  • Lạc quan trước khó khăn
  • Nghèo khổ trở thành tỷ phú
  • Nhìn xa trông rộng, bình tĩnh đối phó với hiểm nghèo
  • Tai ương hun đúc sức chịu đựng phi thường
  • Biến tai ương thành động lực lập nên sự nghiệp
  • Tinh thần mạo hiểm được phát huy trong nghịch cảnh
  • Chuyện về nhà văn nữ Do Thái đoạt giải thưởng Nobel
  • Dùng ý chí bất khuất chiến đấu với nghịch cảnh
  • Thất bại là mẹ thành công

No 5: Quý trọng thời gian hơn tiền bạc

  • Thời gian là sinh mệnh, một đi không trở lại
  • Không được lãng phí thời gian
  • Quý trọng sinh mệnh, ngày nào cũng là ngày cuối cùng trong đời
  • Không đánh cắp thời gian của người khác .
  • Quản lý tốt thời gian sẽ nắm được sinh mệnh
  • Làm chủ thời gian
  • Giá trị của thời gian thể hiện rõ trong kinh doanh
  • Nắm chắc thông tin, ra tay trước
  • Thời gian là hàng hóa, tuyệt đối không được lãng phí
  • Tôn trọng khế ước – tôn trọng thời gian

No 6: Căm ghét quyền uy, bản thân không uy quyền

  • Không mù quáng phục tùng quyền uy, hãy theo đuổi độc lập cá nhân
  • Trừ Chúa, không ai có quyền uy tuyệt đối
  • Căm ghét quyền uy nhưng không phản đối lãnh đạo có trợ thủ
  • Luật pháp vẫn có thể bị “nghịch đảo”
  • Biện pháp tốt nhất để đánh đổ quyền uy của luật pháp – dung “tiểu xảo lách luật”

No 7: Khéo đối nhân xử thế, thỏa mãn với bản thân

  • Vượt qua bản thân mình hơn vượt qua người khác
  • Điều thiện giúp cho nhân tính tốt đẹp hơn
  • Trong cái khổ có cái sướng – Trí tuệ xử thế
  • Tiếng cười hài hước – Liều thuốc bổ quý nhất
  • Khoan dung bản thân, tiền và tình không có gì nhơ nhuốc
  • Tràn trề hi vọng vào bản thân, thực sựcó hy vọng trong cuộc sống
  • Coi trọng mình và coi trọng người
  • Nhận – cho, con đường nhân sinh bền vững
  • Nhiệt tình phải dựa vào lý trí
  • Han rỉ không hoàn toàn có hại
  • Tự cao tự đại, con đường ngắn nhất dẫn đến tội lỗi
  • Yêu thương mình mới biết yêu thương người
  • Tự nắm lấy vận mệnh trong tay mình
  • Tin vào bản thân, có ý thức độc lập mạnh mẽ
  • Vượt bản thân mình – một nguồn sinh mệnh
  • Vạn sự khởi đầu từ bản thân mình
  • Sức khỏe, điều quan trọng nhất
  • Ngày nghỉ thực sự mới có tác dụng
  • Không trốn tránh trách nhiệm, mình làm mình chịu
  • Phải tận hướng cuộc sống
  • Làm chủ bản thân, không làm nô lệ cho tâm tư tiêu cực
  • Biết nhẫn nại
  • Sống điều độ mới có khoái lạc thực sự
  • Đối xử tốt với người nghèo
  • Yêu thương mọi người trên đời, kể cả kẻ thù
  • Giữ bí mật chuyện riêng tư của người khác
  • Quý trọng người và vật thân quen
  • Coi niềm vui của người là niềm vui của mình
  • Không cưỡng bức người khác
  • Mọi người đều có mạnh yếu, ưu nhược
  • Trong đàm phán không mang lòng oán thù
  • Nên nhận mình yếu kém
  • Tôn trọng lẫn nhau, khoan dung độ lượng

No 8: Nghe quan trọng hơn nói

  • Ghét người làm lời thêu dệt
  • Nói ít nghe nhiều, làm điều hay
  • Cẩn trọng cái họa miệng
  • Nắm được tin tình báo tốt nhất
  • Khi nó phối hợp nhịp nhàng với tư thế và phong thái
  • Một cuộc đàm phán xuất sắc của doanh nhân Do Thái Jofer

No 9: Giữ lập trường khác người

  • Lập trường cá nhân quan trọng hơn gia tộc
  • Đặc điểm tình yêu, hôn nhân của người Do Thái
  • Tôn trọng phụ nữ hơn các dân tộc khác
  • Nhìn vấn đề theo nhiều góc độ khác nhau
  • Giữ đúng cam kết, một sự công bằng về hình thức
  • Khéo lợi dụng khe hở của luật pháp
  • Tư duy “nghịch đảo”luật pháp
  • Tránh nhẹ dạ cả tin, cần có lập trường riêng
  • Để tránh bị lừa, cần giám sát chặt chẽ hành động của đối phương
  • Cái mình không thích; đừng làm cho người khác
  • Nhường người chính là vì mình

No 10: Tuyệt đối không được ngược đãi đồng tiền

  • Coi trọng tác dụng của đồng tiền
  • Đồng tiền – tấm gương phản ánh nhân cách và tinh thần dân tộc
  • Người biết kiếm tiền mới là người có trí tuệ
  • Tiền có được do lao động
  • Khéo vay tiền để kiếm ra tiền
  • Tiền là tiền, không phân biệt cao thấp sang hèn
  • Khéo lợi dụng quốc tịch để kiếm tiền
  • Kiếm tiền gắn liền mục tiêu – tiền nằm trong tay người có tiền
  • Trọng tâm hai nguồn tài nguyên lớn: Phụ nữ và cái miệng
  • Phát triển từ nhỏ đến lớn, tập trung vào xã hội thượng lưu
  • Thượng đế thế tục của người do Thái: Đồng tiền
  • Nơi nào có tiền có thể đến
  • Giỏi tính toán, chi ly từng đồng
  • Tiền là tiền, không phải là thần cũng chẳng phải quỷ
  • Kiếm tiền là điều hợp lẽ tự nhiên
  • Tiền tất nhiên để hưởng thụ
  • Kiếm tiền và theo đuổi nữ sắc đều hợp lý
  • Sáu bí quyết lớn “Tay trắng làm nên đại nghiệp”
  • Tăng cường năng lực làm giàu

theo Blog Tuduydothai.

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bài về chủ bút

    Tinh hoa nhân loại

      Khoa học

        Văn học

          SÁCH CỦA TÔI