Rung nhĩ với đáp ứng thất chậm trên điện tâm đồ
1. Điện tâm đồ rung nhĩ: Điện tâm đồ thường quy 12 chuyển đạo.
- Sóng P biến mất được thay thế bởi những sóng lăn tăn gọi là sóng f (fibrillation). Các sóng f này làm cho đường đẳng điện thành một đường sóng lăn tăn.
- Sóng f có đặc điểm: Tần số không đều từ 300 - 600 ck/phút. Các sóng f rất khác nhau về hình dạng, biên độ, thời gian. Sóng f thấy rõ nhất ở các chuyển đạo trước tim phải (V1, V3R) và các chuyển đạo dưới (DII, DIII, aVF), còn các chuyển đạo trước tim trái (DI, aVL, V5, V6) thường khó thấy.
- Nhịp tâm thất rất không đều về tần số (các khoảng RR dài ngắn khác nhau), và rất không đều về biên độ (biên độ sóng R thay đổi cao thấp khác nhau) không theo quy luật nào cả. Đó là hình ảnh loạn nhịp hoàn toàn.
- Tần số thất nhanh hay chậm phụ thuộc vào dẫn truyền của nút nhĩ thất.
- Hình dạng QRS nói chung thường hẹp, nhưng trên cùng một chuyển đạo có thể có khác nhau chút ít về biên độ, thời gian,...
- Phân biệt rung nhĩ với cuồng nhĩ điển hình, tần số sóng F từ 240 đến 320 ck/phút. Ngoài ra, còn cần phân biệt với nhịp nhanh nhĩ đa ổ luôn có sóng P' đi trước QRS.
2. Phân loại rung nhĩ
Dựa vào tiến triển lâm sàng, rung nhĩ được chia ra các thể:
- Cơn rung nhĩ kịch phát: rung nhĩ kéo dài ≤ 7 ngày, cơn tự chuyển về nhịp xoang.
- Rung nhĩ bền bỉ: rung nhĩ kéo dài > 7 ngày, phải dùng các biện pháp chuyển nhịp can thiệp mới có thể cắt được rung nhĩ.
- Rung nhĩ mạn tính: kéo dài hơn 1năm và không thể cố gắng chuyển nhịp được bằng các biện pháp can thiệp.