Cấp cứu cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất

Cập nhật: 22/02/2020 Lượt xem: 10977

CẤP CỨU CƠN NHỊP NHANH KỊCH PHÁT TRÊN THẤT

Trích từ cuốn “Thực hành cấp cứu và điều trị bệnh nội khoa”. PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm. NXB YH 2013. Tr 71 - 74.

  1. CHẨN ĐOÁN

+ Nhịp nhanh đều 140 - 220 nhịp/phút, trẻ em có thể > 200 nhịp/phút

+ Thất đồ có hình dạng bình thường, trừ nhịp bộ nối giữa, dẫn truyền lệch hướng

+ Sóng P khó xác định

+ Ấn nhãn cầu, day xoang cảnh, làm nghiệm pháp Valsava có thể đột ngột chuyển về nhịp xoang.

Cần chẩn đoán phân biệt với nhịp nhanh xoang:

+ Nhịp nhanh xoang thì tần số thường không vượt quá 160 nhịp/phút

+ ấn nhãn cầu hoặc day xoang cảnh, nhịp có thể chậm lại, khi ngừng nghiệm pháp nhịp tim lại nhanh trở lại. Nếu là nhịp nhanh kịch phát trên thất thì khi làm các nghiệm pháp trên, hoặc là nhịp tim đột ngột trở về nhịp xoang, hoặc là không làm thay đổi nhịp tim.

Hình 1.19: Hình ảnh điện tim cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất.

  1. BIỆN PHÁP CẤP CỨU                               

Nếu bệnh nhân bị shock tim, ngất, đau ngực nặng, suy tim cần cắt cơn nhịp nhanh càng sớm càng tốt. Có thể dùng shock điện đồng bộ, kích thích phế vị hoặc dùng thuốc có tác dụng cường phó giao cảm hoặc các thuốc có tác dụng gây tăng huyết áp.

Các biện pháp cấp cứu sau đây được xếp theo thứ tự ưu tiên, nếu biện pháp trước không đạt kết quả chuyển sang biện pháp sau:

Ghi điện tim ở DII kéo dài, nếu cần tìm P thì ghi ở V1, aVF, đạo trình S5.

  1. 1. Nghiệm pháp gây cường phó giao cảm

2.1.1. Day xoang cảnh

Day xoang cảnh phải 20 giây nếu chưa đạt kết quả thì sau 2 phút day xoang cảnh trái 20 giây, nếu chưa đạt sau 2 phút có thể lặp lại day xoang cảnh phải. Xoang cảnh nằm ở bờ trước cơ ức đòn chũm tại bờ trên của sụn giáp. Cho bệnh nhân nằm nghiêng đầu nhẹ về phía đối diện với thầy thuốc, dùng 2 ngón tay đè động mạch cảnh vào cành ngang của đốt sống cổ 6, có thể ấn động mạch 15 - 20 giây đồng thời vừa ấn vừa day. Nên day xoang cảnh bên phải trước, nếu không kết quả 2 phút sau day tiếp bên trái, không bao giờ được ấn cùng một lúc cả 2 xoang cảnh. Bệnh nhân cần được theo dõi điện tim liên tục trong thời gian day và ngừng ngay khi nhịp tim đã về nhịp xoang, vì nếu tiếp tục day có thể gây ngừng tim.

2.1.2. Ấn nhãn cầu

Ấn nhãn cầu bằng 2 ngón tay 1 - 5 phút. Chú ý ấn nhãn cầu có thể gây tổn thương củng mạc, bong võng mạc nếu bệnh nhân bị cận thị.

Nếu các biện pháp gây cường phó giao cảm thất bại, thì có thể dùng một trong các thuốc sau, theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống.

  1. 2. Dùng thuốc

Nếu các biện pháp gây cường phó giao cảm không kết quả thì sử dụng thuốc, thứ tự ưu tiên như sau:

2.2.1. Verapamin                     

Dạng ống 5mg tiêm tĩnh mạch 1 ống, là biện pháp điều trị tốt nhất nếu day xoang cảnh thất bại. Nếu tiêm verapamin không thành công có thể shock điện đồng bộ.

2.2.2. Adenosin

Dạng ống 6mg tiêm tĩnh mạch 6mg, nếu sau 2 phút không kết quả tiêm tiếp 12mg, với liều  này 91% số bệnh nhân trở về nhịp xoang. Nếu không có adenosin có thể dùng ATP ống 20mg tiêm tĩnh mạch 1 ống.

2.2.3. Digoxin

Dạng ống tiêm 1/2 mg tiêm tĩnh mạch 1 - 2 ống, sau tiêm 30 phút đến 1 giờ lặp lại day xoang cảnh. Nếu không thành công có thể tiêm tiếp 1/4 - 1/2 mg và tiếp tục day xoang cảnh sau tiêm 30 phút hoặc 1 giờ. Là biện pháp tốt nhất nếu verapamin thất bại, nhưng cần lưu ý cả 2 đều làm chậm dẫn truyền nhĩ thất, cần theo dõi cơn nhịp quá chậm.

2.2.4. Thuốc giống phó giao cảm

Neostigmin ống 0,5mg tiêm dưới da hoặc bắp thịt 1 - 4 ống, tiếp tục day xoang cảnh sau 30 phút đến 1 giờ nếu nhịp vẫn nhanh. Có thể tiêm lặp lại sau 3 -4 giờ. Không được tiêm tĩnh mạch vì có thể gây ngừng tim.

2.2.5. Procainamid

+ Tiêm tĩnh mạch 100 mg trong 1 phút, cứ 5 phút tiêm 100 mg, liều tối đa 1000 mg.

+ Truyền tĩnh mạch: pha 500 mg vào dung dịch  glucose 5% truyền tĩnh mạch chậm.

+ Tiêm bắp 0,5 - 1g, cứ 4 - 6 giờ tiêm 1 lần.

2.3. Shock điện đồng bộ

Liều điện 150 - 250 W/giây

2.4. Điều trị triệt để

Nếu cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất tái phát nhiều lần, gây rối loạn huyết động, không cắt được cơn bằng thuốc hay bằng shock điện, nên điều trị triệt để căn nguyên bằng cách đốt vòng vào lại bằng dòng điện tần số radio. Đưa catheter qua da vào tĩnh mạch đùi, đưa điện cực vào buồng nhĩ phải ghi điện sinh lý tim để phát hiện vị trí vòng vào lại. Sau đó, đưa điện cực vào, dùng dòng điện có tần số radio đốt để cắt đứt  vòng vào lại.

2.5. Nếu không khẩn cấp, dùng các biện pháp gây cường phó giao cảm như

+ Ngửa đầu ra sau tối đa

+ Thổi bóng loại khó thổi, làm căng bóng

+ Nghiệm pháp Valsava (thở ra gắng sức khi thiệt hầu đóng bằng cách ngậm mồm bịt mũi) hoặc nghiệm pháp Muller (hít mạnh gắng sức khi thiệt hầu đóng).

+ Gây nôn bằng ngoáy họng hoặc dùng siro ipeca liều đầu 4 - 8 ml uống, cứ mỗi giờ 1 lần cho đến khi nôn. Triệu chứng phụ là toát mồ hôi, yếu sức, giảm huyết áp, xanh xao, tiêu chảy nhưng thường chỉ ở mức độ nhẹ.

+ Dùng phản xạ lặn: ngồi trước một bàn có chậu nước lạnh, hít sâu vào nín thở úp mặt vào nước lạnh trong 30 giây. Nếu lần đầu thất bại có thể lặp lại lần 2, nước càng lạnh càng tốt.

+ Diasepam 5 - 10 mg uống hoặc phenobacbital 15 mg tiêm bắp cũng có thể cắt được cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất.

+ Morphin sulphat 15 mg tiêm bắp cũng có thể cắt cơn nhịp nhanh.

Chú ý: các biện pháp trên được xếp theo thứ tự ưu tiên, nếu đạt kết quả phải ngừng ngay và cho thuốc an thần: seduxen, transen, trừ nhịp nhanh kịch phát trên thất mạn tính. Mọi bệnh nhân có cơn nhịp nhanh phải kiểm tra có tình trạng cường giáp hay không, ngừng các chất kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá.


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI