Bệnh sán dây lợn, bò (Taeniasolium, Taenia saginata)

Cập nhật: 21/04/2019 Lượt xem: 5456

Bệnh sán dây lợn, bò

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV103, HVQY

Bệnh sán dây ở người bao gồm 2 loại là sán dây lợn (Taeniasolium) và sán dây bò (Taenia saginata). Sán dây có thể ký sinh ở người dưới hình thức là sán trưởng thành và ấu trùng.

Hình 1. Sán dây trưởng thành.

Sán dây ký sinh ở bò hoặc lợn: Trâu, bò, lợn ăn phải trứng sán hoặc đốt sán trong môi trường hoặc phân người có sán, vào dạ dày, ruột chúng nở ra thành ấu trùng. Ấu trùng sán chui qua thành ống tiêu hóa vào máu và tới các cơ vân tạo kén ở đó tạo thành các nang màu trắng nổi lên như hạt gạo gọi là bò gạo hoặc lợn gạo. 

 Người ăn phải thịt của bò gạo hoặc lợn gạo chưa nấu chín, ấu trùng sán vào ruột sẽ nở ra con sán trưởng thành. Sán trưởng thành ký sinh trong ruột non. Sán dây bò, đầu có 4 giác bám, không có vòng móc, dài từ 4-12m, gồm từ 1200-2000 đốt. Sán dây lợn, đầu có 4 giác bám, có 2 vòng móc, dài từ 2-4m và có từ 700-1000 đốt).  Trứng sán nằm trong đốt sán theo phân ra ngoài môi trường.

Người ăn phải trứng sán khi vào dạ dày và ruột, trứng nở ra ấu trùng, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại các cơ vân, não, mắt… nổi lên các nang màu trắng như hạt gạo. Người bị nhiễm ấu trùng sán dây gọi là người gạo.

Trứng sán dây nằm trong đốt sán nên khó bị phá vỡ, chỉ khi nào đốt sán thối rữa mới giải phóng trứng. Trứng sán dây tồn tại trong môi trường, chỉ khi nhiệt độ trên 700C mới có khả năng diệt được trứng sán. Ấu trùng sán dây lợn bị giết chết ở nhiệt độ dưới -20C trong 4 ngày, nhưng ở 00C đến -20C nó sống được gần 2 tháng và nhiệt độ trong phòng cũng sống được 26 ngày. Ấu trùng bị giết chết ở nhiệt độ 45-500C, để đảm bảo an toàn phải đun sôi trên 1 giờ.

Nguồn lây nhiễm: Người có sán dây trưởng thành sống ở ruột noni. Một số động vật có vú như người, lợn, lợn rừng, trâu, bò, lạc đà, cừu, dê, ngựa, thỏ, chó, mèo có ấu trùng sán dây lợn sống ký sinh ở trong tổ chức. Thời gian ủ bệnh: sán dây trưởng thành khoảng 8-10 tuần, ấu trùng khoảng 9-10 tuần. Thời kỳ lây truyền: sau khoảng 10 tuần, sán trưởng thành sống trong ruột non của người, những đốt sán già tự rụng ra ngoài hậu môn hoặc theo phân bài tiết ra ngoài. Trong đốt sán có trứng sán, khi đốt rữa ra trứng sẽ được giải phóng. Nếu người ăn phải trứng sán dây lợn sẽ gây bệnh ấu trùng sán dây lợn (người gạo). Nếu người ăn phải thịt lợn, thịt bò có ấu trùng sán (lợn gạo, bò gạo) chưa được nấu chín sẽ phát triển thành sán dây lợn hoặc bò trưởng thành ký sinh ở ruột non của người.

Biểu hiện lâm sàng:

- Bệnh sán dây trưởng thành: Sán trưởng thành ký sinh ở ruột non, chủ yếu gây triệu chứng đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ, kém ăn, gầy. Trẻ bị bệnh thường xuyên có cảm giác khó chịu, bứt rứt do những đốt sán tự rụng và bò ra ngoài ống tiêu hóa bất cứ lúc nào. Bệnh sán dây trưởng thành thường liên quan đến tập quán ăn thịt lợn hoặc bò tái hoặc chưa nấu chín. Chẩn đoán: xét nghiệm phân tìm thấy đốt sán hoặc trứng sán dây.

Hình 2. Một con sán trưởng thành trong phân người.

- Bệnh ấu trùng sán dây: tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau: Nang sán ở cơ vân thấy các nốt ở dưới da bằng hạt đỗ, hạt lạc, di động dễ, không ngứa, không đau, nằm ở vị trí cơ vân, không ở trên đường đi của hạch bạch huyết. Nếu nang sán ở não có thể bị động kinh, liệt tay, chân, hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu. Nếu nang sán ở mắt có thể tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù. Bệnh ấu trùng sán dây lợn thường gặp ở những vùng có sử dụng phân tươi để bón cây trồng. Chẩn đoán xác định khi có một trong các tiêu chuẩn sau: sinh thiết các nốt (nang) sán dưới da, ép, soi kính hiển vi thấy vòng móc của đầu sán hoặc chụp cắt lớp não (CT scanner) có nang sán trong não là những nốt dịch có chấm mờ lệch tâm, kích thước 3-5mm, có nốt to hơn, có thể có nốt vôi hóa. Chụp cộng hưởng từ (MRI) có độ chính xác cao hơn. Xét nghiệm máu tìm kháng thể kháng ấu trùng sán dây lợn bằng phương pháp ELISA. Tuy nhiên xét nghiệm máu dương tính chỉ cho biết bệnh nhi đã từng nhiễm sán, còn hiện tại có sán hay không thì không xác định được.

 

Hình 3. Người gạo (hình trái) và sán dây trong não trên phim MRI (hình phải)

Điều trị: Thuốc điều trị sán dây trưởng thành có thể dùng một trong hai loại thuốc sau: Praziquantel hoặc Niclosamide liều duy nhất uống lúc đói, sau 2 giờ tẩy bằng Magie sulphat kèm theo uống nhiều nước. Điều trị nang sán: áp dụng tại các bệnh viện, có thể dùng Praziquantel mỗi đợt 10 ngày, 2-3 đợt, mỗi đợt cách nhau 10-20 ngày hoặc Albendazole mỗi đợt 30 ngày, 2-3 đợt, mỗi đợt cách nhau 10-20 ngày. Trước khi dùng phác đồ này, cần tẩy sán trưởng thành bằng Praziquantel.

Dự phòng: Người dân cần hiểu về tác hại và đường lây của bệnh sán dây và bệnh ấu trùng sán để chủ động phòng chống bệnh. Quản lý và xử lý nguồn phân tươi hợp lý, tránh reo rắc mầm bệnh ra môi trường. Phát hiện và tẩy sán trưởng thành sớm nếu bị nhiễm bệnh. Thực hiện vệ sinh cá nhân, không ăn thịt bò hoặc lợn tái hoặc chưa nấu chín. Khi phát hiện thịt lợn gạo hoặc thịt bò gạo không được ăn và phải tiêu hủy, Thực hiện ăn chín, uống chín, ăn rau sống phải rửa sạch dưới vòi nước.


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI