Các nghiệm pháp thăm dò chức năng ống thận

Cập nhật: 16/03/2018 Lượt xem: 11837

CÁC NGHIỆM PHÁP THĂM DÒ CHỨC NĂNG ỐNG THẬN

PGS. TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103, HVQY.

 

1. Thăm dò chức năng ống lượn gần

1.1. Nghiệm pháp bài tiết PSP

          1923 Marsahall và Vicker báo cáo chất phenol sulphon phtalein (PSP) được thận bài xuất với số lượng nhiều hơn hệ số thanh thải của nó. Hơn 10 năm sau Rourntree và Gheraghty đề xuất, bài tiết PSP của ống thận có thể ứng dụng trong lâm sàng để thăm dò chức năng của ống thận. PSP là chất không độc, không bị cơ thể chuyển hóa, định lượng nồng độ PSP đơn giản, từ đó đo tốc độ bài xuất PSP đã trở thành nghiệm pháp thông dụng để thăm dò chức năng của ống thận.

          Khả năng bài xuất PSP của ống thận không bị giới hạn khi nồng độ trong máu <1 mg/dl. Với liều 6 mg dùng trong nghiệm pháp, nồng độ PSP trong máu chỉ đạt 1/5 giá trị trên. Ở nồng độ thấp trong huyết tương, hơn 80% PSP gắn với albumin, chỉ còn lại 20% ở dạng tự do, nhưng chỉ có 20% dòng huyết tương qua thận mỗi phút, do đó chỉ có 4% tổng lượng PSP trong cơ thể được cầu thận lọc (0,2´0,2=0,04). Phần PSP liên kết với albumin được ống lượn gần bài tiết. PSP hầu như được bài tiết hoàn toàn (92%) khỏi tuần hoàn. Do đó, hệ số thanh thải PSP gần bằng thể tích dòng huyết tương qua thận. Vì vậy, nghiệm pháp PSP vừa được dùng để đo dòng huyết tương qua thận, vừa được dùng để đánh giá chức năng bài tiết của ống lượn gần.

+ Kỹ thuật: 30 ph trước khi tiêm PSP, cho bệnh nhân uống 300 ml nước. Đặt ống thông bàng quang, và tháo kiệt nước tiểu trong bàng quang bỏ đi trước khi tiêm PSP. Sau đó tiêm chính xác 1 ml chứa 6 mg PSP, tiêm nhanh vào tĩnh mạch và bấm thời gian. Lấy các mẫu nước tiểu sau 15 ph, 30 ph, 60 ph, 120 ph. Đo thể tích và định lượng nồng độ PSP ở mỗi mẫu nước tiểu, rồi tính số lượng PSP được đào thải ở từng mẫu. Tính tỉ lệ phần trăm PSP được bài xuất ở từng mẫu so với lượng đưa vào cơ thể (6 mg).

Bảng 1. Kết quả bài xuất PSP của thận ở người bình thường

Thời gian

(phút)

Bài xuất PSP (%)

Tối thiểu

Tối đa

Trung bình

15

30

60

120

28

13

9

3

51

24

17

10

35

17

12

6

Tổng (2 giờ)

63

84

70

+ Nhận định kết quả:

- Lượng PSP bài xuất tăng: nếu lượng PSP được bài xuất ở các mẫu sau 15 ph cao hơn bình thường, có thể do không lấy hết nước tiểu trong bàng quang ở các mẫu trước. Nếu sau 2 giờ, lượng PSP bài xuất trên 85%, có thể do tiêm quá liều hoặc do có bệnh lý ở gan. Lượng PSP trong 15 ph đầu không bị ảnh hưởng bởi bệnh gan.

- Lượng PSP bài xuất giảm: bài xuất PSP giảm sớm trong các bệnh lý thận, đặc biệt các bệnh ống-kẽ thận. Cần chú ý lọai trừ các trường hợp có tắc nghẽn đường tiết niệu, như sỏi đường tiết niệu, u chèn ép niệu quản, hoặc PSP bị ứ đọng trong hệ thống thận tiết niệu như thận đa nang, thận ứ nước, còn nước tiểu ứ đọng trong bàng quang.

1.2. Nghiệm pháp thăm dò khả năng tái hấp thu natri của ống lượn gần bằng đo hệ số thanh thải lithium

          Lithium được tái hấp thu ở ống lượn gần cùng tốc độ với tái hấp thu natri. Bình thường, lithium không được tái hấp thu và bài tiết ở ống lượn xa. Vì vậy, hệ số thanh thải lithium cho phép đánh giá khả năng tái hấp thu natri của ống lượn gần.

          Tỉ số hệ số thanh thải lithium/hệ số thanh thải creatinin nội sinh là 0,25 ở nữ, và 0,23 ở nam. Khi tỉ số trên tăng, phản ánh tái hấp thu natri của ống lượn gần giảm.

1.3. Nghiệm pháp thăm dò khả năng tái hấp thu natri bằng phân số thải natri (FENa%)

          Natri được tái hấp thu suốt dọc chiều dài ống thận, từ ống lượn gần đến ống góp. Tỉ lệ phần trăm giữa hệ số thanh thải natri/hệ số thanh thải creatinin nội sinh phản ánh khả năng tái hấp thu natri của ống thận, và được gọi là phân số thải natri FENa (fraction of excretion).

FENa% =  [(UNa/PNa) / (Ucre/Pcre)] x 100

          Trong đó FENa là phân số thải natri (%); UNa là nồng độ natri trong nước tiểu (mmol/l); PNa là nồng độ natri trong huyết thanh (mmol/l); Ucre là nồng độ creatinin trong nước tiểu (mmol/l); Pcre là nồng độ creatinin trong huyết thanh (mmol/l).

          Bình thường FENa <1%, khi FENa >1% phản ánh khả năng tái hấp thu natri của ống thận giảm. Trong suy thận cấp tính, nếu FENa <1% là biểu hiện của suy thận cấp chức năng, vì khả năng tái hấp thu natri của ống thận còn bình thường, phản ánh chưa có tổn thương thực thể của ống thận. Nếu FENa >1% là biểu hiện của suy thận cấp thực thể, vì khả năng tái hấp thu natri của ống thận giảm, phản ánh ống thận bị tổn thương thực thể.

1.4. Nghiệm pháp thăm dò khả năng bài tiết PAH tối đa (TmPAH)

          PAH (para aminohypuric acid) được ống thận bài tiết trong 1 phút là có giới hạn. Khi nồng độ PAH trong huyết tương cao, thận chỉ có khả năng bài tiết 10-13 mg/dl, thận không có khả năng bài tiết hơn khi nồng độ PAH trong huyết tương tăng, đây là ngưỡng bài tiết PAH của thận.

+ Kỹ thuật: dùng phương pháp truyền tĩnh mạch hai giai đoạn.

- Giai đoạn 1: pha 60 ml dung dịch natri PAH 20% vào 300 ml dung dịch inulin 1% (hoặc manitol 6%), truyền tĩnh mạch tốc độ 20 ml/ph.

- Giai đoạn 2: pha 90 ml dung dịch natri PAH 20% vào 500 ml dung dịch inulin 1,2% (hoặc manitol 3,4%), truyền tĩnh mạch với tốc độ 4 ml/ph.

          Đặt ống thông bàng quang qua niệu đạo, sau khi bắt đầu giai đoạn 2 được 20 ph, tháo kiệt nước tiểu trong bàng quang bỏ đi, sau đó bơm vào bàng quang một ít không khí, 20 ph sau lấy hết nước tiểu trong bàng quang và lấy máu. Đo thể tích nước tiểu và tính thể tích nước tiểu/phút, định lượng nồng độ PAH và nồng độ inulin (hoặc manitol) trong nước tiểu và huyết tương. Tính mức lọc cầu thận (F) bằng hệ số thanh thải inulin (hoặc manitol), và tính TmPAH theo công thức sau:

TmPAH = UV – FPw

          Trong đó TmPAH là lượng PAH được thận bài tiết tối đa (mg/ph); U là nồng độ PAH trong nước tiểu (mg/dl); V là thể tích nước tiểu/phút (ml/ph); F là mức lọc cầu thận đo bằng hệ số thanh thải inulin (hoặc manitol) (ml/ph); P là nồng độ PAH trong huyết tương (mg/dl); w là tỉ lệ PAH tự do trong huyết tương.

+ Nhận định kết quả:

- Giá trị bình thường của TmPAH là 77,5 mg/ph (51,5-104 mg/ph).

- TmPAH giảm trong các bệnh lý thận, đặc biệt các bệnh ống kẽ thận.

          TmPAH phản ánh tỉ lệ ống thận còn chức năng trong thận bệnh lý. Nói cách khác, TmPAH phản ánh khối lượng mô ống thận còn khả năng bài tiết. Khi TmPAH giảm, có thể do tổn thương thực thể hoặc tổn thương chức năng ống thận. Nếu tổn thương thực thể, TmPAH phản ánh khối lượng mô ống thận bị phá hủy ở một mức độ nào đó. TmPAH giảm nói chung phản ánh mô ống thận bị phá hủy, tuy vậy cũng có thể do rối loạn chức năng thận, như giảm thể tích tuần hoàn.

1.5. Nghiệm pháp thăm dò khả năng tái hấp thu glucose tối đa (TmG)

          Số lượng glucose được ống thận tái hấp thu là có giới hạn, khi nồng độ glucose trong huyết tương lớn hơn một giới hạn nào đó, ống thận không còn khả năng tái hấp thu thêm lượng glucose được lọc. Ở ngưỡng này, người ta xác định được giới hạn tái hấp thu tối đa glucose của ống thận, ký hiệu là TmG.

+ Kỹ thuật: trước khi làm nghiệm pháp, định lượng glucose máu lúc đói của bệnh nhân và tháo kiệt nước tiểu trong bàng quang bằng ống thông qua niệu đạo. Sau đó truyền tĩnh mạch nhanh 100-120g glucose pha trong 300-400 ml nước cất. Truyền trong 10 ph, trong 5 phút đầu truyền nhanh, khi kết thúc truyền, lấy 5 mẫu máu cách nhau 6-8 ph (cách nhau không quá 10 ph). Giữa hai lần lấy máu, lấy hết nước tiểu trong bàng quang. Định lượng nồng độ glucose trong các mẫu máu và nước tiểu, đo thể tích các mẫu nước tiểu tính ra ml/ph.

+ Vẽ biểu đồ: tính lượng glucose bài xuất trong từng mẫu nước tiểu (U´V), vẽ đường biểu diễn lượng glucose/ph được bài xuất dựa vào tọa độ (U´V) và nồng độ glucose máu. Đường biểu diễn được xác định ít nhất ba điểm khi mức glucose máu trên 16,66 mmol/l (300 mg/dl), ba điểm này phải thẳng hàng.

- Đường biểu diễn glucose được lọc, dựng song song với đường biểu diễn glucose bài xuất qua gốc tọa độ (0).

- Ngưỡng tối thiểu được xác định trên trục hoành, là mức glucose máu bắt đầu xuất hiện trong nước tiểu (điểm A).

- Ngưỡng trung bình là điểm cắt của đường kéo dài đường biểu diễn glucose bài xuất cắt trục hoành (điểm B).

- TmG được đọc trên trục tung, tương ứng với tọa độ đối chiếu của ngưỡng trung bình (điểm B) lên đường biểu diễn glucose được lọc.

Hình 3.5. Biểu đồ xác định khả năng tái hấp thu glucose tối đa (TmG)
+ Giá trị bình thường:

- Ngưỡng tối thiểu bài xuất glucose của thận: 9,44-10 mmol/l (170-180mg/dl)

- Ngưỡng trung bình bài xuất glucose của thận: 12,77 mmol/l (230 mg/dl)

- Ngưỡng tối đa bài xuất glucose của thận: 18,33-22,22 mmol/l (330-400 mg/dl)

- TmG là 19,44±2,77 mmol/ph (350±50 mg/ph)

+ TmG giảm trong các bệnh lý thận phản ánh khối lượng nephron chức năng của thận giảm, vì ống thận muốn tái hấp thu glucose, trước hết phải có glucose được cầu thận lọc đi tới. Giá trị của nghiệm pháp TmG thường chỉ giới hạn ở phân tích rối loạn chức năng ống thận trong bệnh đái tháo đường, trong bệnh thiếu hụt chức năng ống thận riêng biệt và hội chứng Fanconi.

2. Các nghiệm pháp thăm dò chức năng ống lượn xa

2.1. Các nghiệm pháp thăm dò khả năng cô đặc nước tiểu của thận

          Giảm khả năng cô đặc nước tiểu của thận có thể gặp trong nhiều bệnh, thường gặp nhất một số bệnh sau:

+ Đái tháo nhạt: đái tháo nhạt bao gồm hai loại

- Đái tháo nhạt trung ương: do tổn thương vùng dưới đồi thị hoặc thùy sau tuyến yên, gây giảm bài tiết ADH, nồng độ ADH trong máu thấp.

- Đái tháo nhạt do thận: thường do bẩm sinh, do các tế bào ống lượn xa và ống góp kém đáp ứng hoặc không đáp ứng với ADH, mặc dù nồng độ ADH trong máu bình thường. Ngoài ra còn gặp do các chất ngoại sinh như lithium, demeclocyclin, amphotericin B, methoxyfluran, cyplastin, tăng calci máu.

          Để chẩn đoán phân biệt đái tháo nhạt trung ương và đái tháo nhạt do thận, người ta định lượng ADH trong máu. Bình thường, nồng độ ADH trong máu là 0,5 pg/ml, nếu đái tháo nhạt trung ương thì ADH giảm, nếu đái tháo nhạt do thận thì nồng độ ADH bình thường hoặc tăng.

+ Các bệnh ống-kẽ thận: viêm thận bể thận mạn, thận đa nang, viêm kẽ thận mạn do thuốc hoặc do nhiễm độc. Khả năng cô đặc nước tiểu của thận trong các bệnh lý này giảm sớm, ngay cả khi mức lọc cầu thận chưa giảm (phân ly chức năng cầu-ống thận).

+ Suy thận mạn: suy thận mạn là nguyên nhân thường gặp nhất trong giảm khả năng cô đặc nước tiểu của thận. Khi mức lọc cầu thận giảm dưới 30 ml/ph, có biểu hiện đồng thẩm thấu niệu thấp.

+ Suy thận cấp thực tổn: giảm khả năng cô đặc nước tiểu của thận thấy trong pha đái trở lại và pha hồi phục của suy thận cấp, và sau ghép thận.

2.1.1. Phương pháp đo độ thẩm thấu nước tiểu mẫu sáng sớm

          Đây là phương pháp đơn giản, dễ áp dụng và có giá trị trong lâm sàng để đánh giá khả năng cô đặc nước tiểu của thận. Cơ sở của phương pháp là do ban đêm nước tiểu được cô đặc tốt nhất vì không đưa thêm nước vào cơ thể, lưu lượng máu qua thận giảm vì nhịp tim và huyết áp giảm, vì vậy mẫu nước tiểu sáng sớm phản ánh tốt nhất khả năng cô đặc nước tiểu của thận.

+ Kỹ thuật: trong ngày bệnh nhân sinh hoạt và ăn uống bình thường, tối hôm trước, bệnh nhân không được dùng các chất có tác dụng lợi tiểu như rượu, bia, thuốc lợi tiểu cả đông y và tây y. Trước khi đi ngủ đi tiểu hết bãi để loại nước tiểu ban ngày còn lưu trong bàng quang. Trong đêm không uống thêm nước, không truyền dịch, nếu đi tiểu trong đêm thì loại bỏ các mẫu nước tiểu này. Nước tiểu của lần đi tiểu đầu tiên của buổi sáng lúc ngủ dậy (từ 4giờ đến 6 giờ sáng) được gọi là mẫu nước tiểu sáng sớm. Mẫu nước tiểu này được đựng trong bô sạch, lấy 2 ml để đo độ thẩm thấu.

+ Nhận định kết quả:

- Giá trị bình thường của độ thẩm thấu nước tiểu mẫu sáng sớm là 800±30mOsm/kg H2O (Hà Hoàng Kiệm 1998).

- Khi độ thẩm thấu của mẫu nước tiểu sáng sớm ³600 mOsm/kg H2O, khả năng cô đặc nước tiểu của thận là bình thường, không cần phải làm thêm bất kỳ một nghiệm pháp nào khác để đánh giá khả năng cô đặc nước tiểu của thận.

- Khi độ thẩm thấu nước tiểu mẫu sáng sớm <600 mOsm/kg H2O, có thể khả năng cô đặc nước tiểu của thận giảm. Tuy nhiên, để kết luận đủ độ tin cậy, cần làm lại xét nghiệm này vài lần, hoặc nếu cần thì làm nghiệm pháp mất nước.

2.1.2. Độ thẩm thấu của một mẫu nước tiểu bất kỳ trong ngày

          Nếu một mẫu nước tiểu được lấy bất kỳ thời gian nào trong ngày có độ thẩm thấu ³600 mOsm/kg H2O, thì có thể kết luận khả năng cô đặc nước tiểu của thận là bình thường. Nhưng nếu độ thẩm thấu của mẫu nước tiểu này <600 mOsm/kg H2O, không kết luận được khả năng cô đặc nước tiểu của thận giảm mà phải làm lại bằng các nghiệm pháp đủ độ tin cậy hơn.

2.1.3. Đo độ thẩm thấu nước tiểu mẫu 24 giờ, đồng thời với độ thẩm thấu máu

          Nếu đồng thời đo độ thẩm thấu nước tiểu mẫu 24 giờ và độ thẩm thấu huyết thanh, chúng ta có thể tính được các thông số:

+ Hệ số thanh thải thẩm thấu:

Cosm = (Uosm x V)/Posm

          Trong đó Cosm là hệ số thanh thải thẩm thấu (ml/ph); Uosm là độ thẩm thấu nước tiểu mẫu 24 giờ (mOsm/kg H2O); V là thể tích nước tiểu/phút (ml/ph); Posm là độ thẩm thấu huyết thanh (mOsm/kg H2O).

+ Hệ số thanh thải nước tự do:

CH2O = V - Cosm

          Trong đó CH2O là hệ số thanh thải nước tự do (ml/ph); V là thể tích nước tiểu/phút (ml/ph); Cosm là hệ số thanh thải thẩm thấu (ml/ph).

- Nếu CH2O = 0: nước tiểu đẳng trương so với máu

- Nếu CH2O > 0: nước tiểu nhược trương so với máu

- Nếu CH2O < 0: nước tiểu ưu trương so với máu

+ Tỉ số độ thẩm thấu nước tiểu/độ thẩm thấu máu (Uosm/Posm)

- Tỉ số Uosm/Posm = 0: nước tiểu đẳng trương so với máu

- Tỉ số Uosm/Posm >0: nước tiểu ưu trương so với máu

- Tỉ số Uosm/Posm < 0: nước tiểu nhược trương so với máu

2.1.4. Nghiệm pháp Zimniski

+ Kỹ thuật: trong ngày làm nghiệm pháp, bệnh nhân sinh hoạt và ăn uống bình thường, chỉ tránh vận động nhiều. 6 giờ sáng cho bệnh nhân đi tiểu, loại bỏ mẫu nước tiểu này. Sau đó, cứ mỗi 3 giờ cho bệnh nhân đi tiểu hết nước tiểu trong bàng quang, thu các mẫu nước tiểu này riêng biệt, đến đúng 6 giờ sáng hôm sau lấy mẫu nước tiểu lần cuối. Tổng số 24 giờ, thu được 8 mẫu nước tiểu. Đo số lượng và tỉ trọng (tốt nhất đo độ thẩm thấu) của các mẫu nước tiểu thu được.

+ Nhận định kết quả:

- Khả năng cô đặc nước tiểu của thận là bình thường khi thỏa mãn các điều kiện sau:

. Số lượng nước tiểu của các mẫu chênh lệch nhau nhiều, và thể tích nước tiểu ban ngày (6 giờ đến 18 giờ) nhiều hơn thể tích nước tiểu ban đêm (18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau)

. Tỉ trọng (hoặc độ thẩm thấu) của các mẫu nước tiểu chênh lệch nhau nhiều, và ít nhất có một mẫu có tỉ trọng ³1,025 (hoặc độ thẩm thấu ³750 mOsm/kg H2O)

- Khả năng cô đặc nước tiểu của thận giảm khi:

. Số lượng nước tiểu của các mẫu gần bằng nhau, thể tích nước tiểu ban đêm lớn hơn thể tích nước tiểu ban ngày.

. Tỉ trọng (hoặc độ thẩm thấu) của các mẫu nước tiểu thấp  và gần bằng nhau, không có mẫu nước tiểu nào có tỉ trọng đạt tới 1,025 (hoặc độ thẩm thấu đạt tới 750 mOsm/kg H2O).

2.1.5. Nghiệm pháp Mozenthan

          Các điều kiện làm nghiệm pháp giống như làm nghiệm pháp Zimniski, chỉ khác là ban đêm nước tiểu được gom vào một mẫu để khắc phục khó khăn phải lấy mẫu nước tiểu ban đêm nhiều lần như trong nghiệm pháp Zimniski.

          Lấy mẫu nước tiểu từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối, cách 3 giờ một lần (các mẫu nước tiểu ban ngày). Từ 8 giờ tối đến 8 giờ sáng hôm sau gom vào một mẫu (mẫu nước tiểu ban đêm).

          Nhận định kết quả giống như nghiệm pháp Zimniski.

2.1.6. Nghiệm pháp làm mất nước

          Đây là nghiệm pháp tiêu chuẩn, cho phép nhận định chính xác khả năng cô đặc nước tiểu của thận. Có hai phương pháp được tiến hành là nghiệm pháp nhịn khát của Volhard, và nghiệm pháp tiêm vasopressin.

+ Nghiệm pháp nhịn khát của Volhard:

          Buổi sáng cho bệnh nhân đi tiểu hết bãi, trong ngày không được uống nước hoặc truyền bất kỳ loại dịch nào vào cơ thể. Các bữa sáng, trưa, tối, phải ăn chế độ khô. Lượng nước cả ăn, uống, tiêm, truyền, không quá 500 ml/24 giờ. Thời gian nhịn khát cần đạt 18 giờ. Cân bệnh nhân trước và trong quá trình làm nghiệm pháp, khi cân nặng giảm 3-5% so với trước khi làm nghiệm pháp, hoặc độ thẩm thấu máu tăng mới đạt yêu cầu, và có thể ngừng nghiệm pháp. Cứ mỗi 3 giờ lấy hết nước tiểu trong bàng quang một lần, đo số lượng và đo độ thẩm thấu (hoặc đo tỉ trọng) của từng mẫu nước tiểu.

          Khả năng cô đặc nước tiểu của thận là bình thường khi: số lượng nước tiểu của các mẫu giảm dần, ít nhất có một mẫu có độ thẩm thấu ³800 mOsm/kg H2O (hoặc tỉ trọng ³1,025).

          Khả năng cô đặc nước tiểu của thận giảm khi: số lượng nước tiểu của các mẫu xấp xỉ bằng nhau, và không có mẫu nước tiểu nào có độ thẩm thấu đạt tới 800 mOsm/kg H2O (hoặc không có mẫu nước tiểu nào có tỉ trọng đạt tới 1,025).

+ Nghiệm pháp tiêm arginin vasopressin (AVP):

          Buổi sáng trước khi tiêm AVP, cho bệnh nhân đi tiểu hết bãi, sau đó tiêm dưới da 5 đơn vị AVP. Bệnh nhân không được uống nước hay truyền dịch trong suốt thời gian làm nghiệm pháp. Lấy các mẫu nước tiểu sau tiêm 1giờ, 2giờ, 3giờ... (cách 1 giờ 1 lần, ít nhất 6 mẫu) lưu ý lấy hết nước tiểu trong bàng quang. Đo độ thẩm thấu (hoặc tỉ trọng) của các mẫu nước tiểu, và số lượng nước tiểu trong từng mẫu.

          Nhận định kết quả giống như nghiệm pháp nhịn khát của Volhard.

2.2. Thăm dò khả năng pha loãng nước tiểu của thận

          Nghiệm pháp pha loãng nước tiểu của thận được sử dụng để đánh giá khả năng thích ứng của thận. Buổi sáng bệnh nhân nhịn ăn, đặt ống thông bàng quang tháo hết nước tiểu, sau đó cho uống 20 ml nước/kg thể trọng trong 30 phút. Bệnh nhân nằm nghỉ trên giường, cứ cách 1 giờ lấy hết nước tiểu trong bàng quang một lần cho đến 4 giờ sau, đo số lượng và tỉ trọng của các mẫu nước tiểu.

          Bình thường, tổng lượng nước tiểu sau 4 giờ lớn hơn hặc bằng lượng nước uống vào ban đầu, ít nhất có một mẫu nước tiểu có độ thẩm thấu giảm xuống £100 mOsm/kg H2O (hoặc tỉ trọng giảm xuống 1,001-1,005).

          Khả năng pha loãng nước tiểu của thận giảm khi tổng lượng nước tiểu sau 4 giờ ít hơn lượng nước tiểu uống vào, không có mẫu nước tiểu nào có độ thẩm thấu giảm xuống tới 100 mOsm/kg H2O (hoặc tỉ trọng giảm xuống tới 1,005).

          Nghiệm pháp pha loãng nước tiểu của thận ít được sử dụng, vì nó ít giá trị trong lâm sàng. Khả năng pha loãng nước tiểu của thận chỉ bị rối loạn khi mức lọc cầu thận giảm xuống dưới 20 ml/ph.

2.3. Các nghiệm pháp thăm dò khả năng bài tiết hydrogen (H+) của thận

          H+ được bài tiết ở ống lượn xa để giữ cân bằng acid-base. Để thăm dò khả năng bài tiết H+ của ống thận, có thể sử dụng phương pháp đơn giản là đo nồng độ HCO3- trong máu động mạch và pH nước tiểu mẫu sáng sớm. Nếu nồng độ HCO3- trong máu động mạch <20 mmol/l và pH nước tiểu mẫu sáng sớm >5,5, có thể có khả năng suy giảm khả năng acid hóa nước tiểu của thận. Để nhận định chính xác, cần làm nghiệm pháp acid hóa nước tiểu với ammonium clorid.

          Nghiệm pháp acid hóa nước tiểu của thận được tiến hành như sau: buổi sáng cho bệnh nhân đi tiểu hết bãi, sau đó uống 0,1g/kg ammonium clorid. Vì ammonium clorid gây buồn nôn, nên cho uống cùng với ăn sáng. Sau đó, cứ mỗi hai giờ một lần lấy hết nước tiểu trong bàng quang và lấy máu tĩnh mạch, lấy trong vòng 6 giờ. Đo pH nước tiểu và HCO3 máu của các mẫu.

          Khả năng acid hóa nước tiểu của thận là bình thường khi ít nhất có một mẫu nước tiểu có pH <5,3 và sau 4 giờ máu mao mạch hay tĩnh mạch có HCO3- ³16mmol/l. Ở trẻ em, pH nước tiểu <5,0 và HCO3- như người lớn.

            Giảm khả năng acid hóa nước tiểu của ống thận khi không đạt các chỉ tiêu trên.

Nguồn: Hà Hoàng Kiệm. THẬN HỌC LÂM SÀNG. NXB YH. 2010. Tr 151 - 158

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI