Các biến chứng của hội chứng thận hư

Cập nhật: 21/12/2018 Lượt xem: 11218

Biến chứng của hội chứng thận hư

(Complications in patients with nephrotic syndrome)

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV103, HVQY

1. Khái quát

Hội chứng thận hư được định nghĩa là một hội chứng lâm sàng và sinh hóa với biểu hiện protein niệu nhiều (>=3,5g/24 giờ), protein máu giảm (<60g/l), albumin máu giảm (<30 g/l), lipid máu tăng và phù. 

Hội chứng thận hư xảy ra trong giai đoạn tiến triển của bệnh cầu thận, đây là hội chứng gặp phổ biến nhất trong các bệnh cầu thận nhất là ở trẻ em. Mô bệnh học thận cho thấy hội chứng thận hư thay đổi tối thiểu chiếm tỉ lệ hơn 80% ở những bệnh nhân là trẻ em. Hầu hết bệnh nhân mắc hội chứng thận hư thay đổi tối thiểu đều có kết quả thuận lợi mà không có biến chứng. Tuy nhiên, những bệnh nhân bị viêm cầu thận tổn thương ổ đoạn, bị protein niệu nặng và kéo dài, bệnh nhân hội chứng thận hư kháng corticosteroit, thường có nguy cơ cao bị biến chứng. Biến chứng của hội chứng thận hư được chia thành hai loại:

- Các biến chứng liên quan đến bệnh. Các biến chứng liên quan đến bệnh bao gồm:

+ Nhiễm khuẩn: viêm phúc mạc, nhiễm khuẩn huyết, viêm mô tế bào và thủy đậu.

+ Nghẽn tắc mạch máu: nghẽn tắc tĩnh mạch và nghẽn tắc động mạch mạch. Nghẽn tắc tĩnh mạch gặp nhiều hơn nghẽn tắc động mạch. Nghẽn tắc tĩnh mạch sâu và tĩnh mạch thận gặp nhiều hơn các tĩnh mạch khác, nghẽn tắc động mạch chi dưới gặp nhiều hơn các động mạch khác.

+ Cơn khủng hoảng thận hư: biểu hiện đau bụng cấp kèm dấu hiệu shock giảm thể tích máu (nhịp tim nhanh, hạ huyết áp, ý thức lơ mơ hoặc vật vã, hematocrit máu tăng, nồng độ natri và kali máu thấp).

+ Suy thận cấp:

+ Thiếu máu và các bệnh khác: suy giáp, hạ calci máu, bệnh xương và bệnh lý nội tạng.

+ Suy dinh dưỡng ở người lớn, suy dinh dưỡng và chậm phát triển ở trẻ em.

Cơ chế bệnh sinh chính của các biến chứng liên quan đến bệnh bắt nguồn từ sự mất một lượng lớn protein huyết tương qua nước tiểu ở bệnh nhân bị hội chứng thận hư. Phần lớn bệnh nhân bị hội chứng thận hư tổn thương tối thiểu đáp ứng tốt với điều trị bằng corticosteroid hoặc thuốc gây độc tế bào, ít gặp biến chứng và nếu có thì thường nhẹ hơn so với những bệnh nhân có hội chứng thận hư do các thể tổn thương mô bệnh học khác và các bệnh nhân hội chứng thận hư kháng corticosteroid. 

- Các biến chứng liên quan với thuốc điều trị: Corticosteroid, các tác nhân alkyl hóa, các tác nhân độc tế bào, cyclosporin A và mycophenolate mofetil, là các thuốc thường được sử dụng để điều trị hội chứng thận hư và các thuốc này có các biến chứng liên quan đến điều trị. Phát hiện sớm và điều trị thích hợp các biến chứng này sẽ cải thiện kết quả cho bệnh nhân bị hội chứng thận hư.

2. Các biến chứng của hội chứng thận hư

2.1. Nhiễm khuẩn

Bệnh nhân bị hội chứng thận hư có nguy cơ nhiễm khuẩn cao. Mặc dù tỷ lệ nhiễm khuẩn ở bệnh nhân bị hội chứng thận hư đã giảm ở các nước tiên tiến, nhưng chúng vẫn là một vấn đề lớn ở các nước đang phát triển.

Nhiễm khuẩn huyết vẫn là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ em bị hội chứng thận hư. Trẻ em được điều trị bằng thuốc gây độc tế bào có tỷ lệ nhiễm khuẩn lâm sàng cao hơn so với những trẻ chỉ được điều trị bằng corticoid. Ở trẻ bệnh nhân bị hội chứng thận hư, Streptococcus pneumoniae là vi khuẩn quan trọng nhất hay gây ra viêm phúc mạc nguyên phát. Tuy nhiên, các vi khuẩn khác như streptococci tan huyết, Haemophilus và vi khuẩn gram âm cũng thường gây ra nhiễm khuẩn ở bệnh nhân hội chứng thận hư. Viêm mô tế bào cũng là kết quả của streptococci-tan huyết hoặc nhiều loại vi khuẩn gram âm.

Bệnh sinh của biến chứng này là: một số yếu tố miễn dịch như nồng độ các globulin miễn dịch trong huyết thanh thấp, bổ thể trong huyết thanh thấp do mất qua nước tiểu, transferrin, chức năng tế bào T bị suy yếu và các yếu tố sinh lý như ứ đọng dịch trong các khoang cơ thể và pha loãng hệ thống phòng thủ tại chỗ do phù nề có thể đóng vai trò chính làm tăng nhạy cảm với nhiễm khuẩn ở bệnh nhân thận hư.

Vắc-xin phế cầu khuẩn chống lại kháng nguyên dạng nang được khuyến cáo sử dụng cho tất cả trẻ em bị hội chứng thận hư. Nhưng cần lưu ý tiêm vắc-xin khi đang điều trị bằng corticoid liều cao hoặc điều trị bằng thuốc độc tế bào hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác trong vòng ba tháng thì nguy cơ bị nhiễm varicella rất cao. Khi bị nhiễm varicella zoster cần điều trị bằng immunoglobulin varicella zoster trong vòng 72 giờ sau khi tiếp xúc và tiêm acyclovir tĩnh mạch khi bị nhiễm varicella zoster hoạt động.

2.2. Nghẽn tắc mạch máu

Nghẽn tắc tĩnh mạch hoặc động mạch là một yếu tố nguy cơ cao ở bệnh nhân bị hội chứng thận hư. Những bệnh nhân có protein niệu cao nghiêm trọng có nguy cơ mắc bệnh nghẽn tắc tĩnh mạch cao gấp 3,4 lần so với các bệnh nhân thận hư khác. Người ta cũng biết rằng bệnh nhân bị hội chứng thận hư kháng corticosteroid có nguy cơ nghẽn tắc mạch cao hơn các bệnh nhân có hội chứng thận hư nhạy cảm với corticosteroid. Nghẽn tắc tĩnh mạch gặp nhiều hơn nghẽn tắc động mạch. Có thể gặp nghẽn tắc ở mọi tĩnh mạch, nhưng nghẽn tắc tĩnh mạch sâu chi dưới gặp với tỉ lệ cao hơn các tĩnh mạch khác. Bệnh nhân bị hội chứng thận hư do viêm cầu thận màng gặp nghẽn tắc tĩnh mạch thận nhiều hơn các thể tổn thương mô bệnh học thận khác. Nghẽn tắc động mạch là một biến chứng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân. Có thể gặp nghẽn tắc ở mọi động mạch, nhưng nghẽn tắc động mạch chi dưới có tỉ lệ cao hơn nghẽn tắc các động mạch khác. Nghẽn tắc động mạch phổi, động mạch vành, động mạch não thường đe dọa tính mạng bệnh nhân.

Bệnh sinh của biến chứng này là: Huyết khối có thể hình thành ở bệnh nhân hội chứng thận hư do mất các protein liên quan đến cơ chế đông máu toàn thân như antithrombin III (ATIII), protein C, protein S qua nước tiểu. Tăng tổng hợp các yếu tố có bản chất protein ở gan trong đó có các yếu tố đông máu để bù đắp cho giảm albumin máu như: fibrinogen, yếu tố V, VII, VIII, X. Tăng số lượng và tăng hoạt tính của tiểu cầu. Ngoài ra hiện tượng cô đặc máu cũng góp phần hình thành cục máu đông. 

Hà Hoàng Kiệm và Nguyễn Thị Bích Ngọc (2011) nghiên cứu 42 bệnh nhân người lớn có hội chứng thận hư bị nghẽn tắc mạch đối chứng với 158 bệnh nhân người lớn có hội chứng thận hư không có nghẽn tắc mạch cho thấy ở nhóm có nghẽn tắc mạch có 90,47% tăng fibrinogen, 95,23% tăng yếu tố V, 97,6% tăng yếu tố VIII, tỉ lệ giảm ATIII, giảm protein C, giảm protein S khác biệt rõ rệt so với nhóm chứng bệnh. Nhóm có biến chứng nghẽn tắc mạch có tỉ lệ albumin máu giảm thấp <20g/l gặp 85,71%, bệnh nhân có cô đặc máu (hematocrid >0,47l/l) chiếm 80,95%, tỉ lệ tăng DDmer máu 80,95%. Mô bệnh học thận gặp viêm cầu thận màng chiếm tỉ lệ cao nhất 48,39%, viêm cầu thận màng tăng sinh chiếm 22,58%, xơ hóa cầu thận ổ đoạn gặp tỉ lệ thấp nhất 3,23%. Các loại mạch máu bị nghẽn tắc có tỉ lệ như sau: nghẽn tắc tĩnh mạch chiếm 80,95% trong đó gặp nhiều nhất là nghẽn tắc tĩnh mạch chi dưới 59,52% ngoài ra nghẽn tắc các tĩnh mạch: cảnh, thận, phổi, cửa, xoang tĩnh mạch dọc trên có tỉ lệ xấp xỉ nhau 4,7%. Nghẽn tắc động mạch chiếm 19,05%, trong đó nghẽn tắc động mạch chi dưới chiếm tỉ lệ cao nhất 7,14%. 

Các yếu tố ảnh hưởng đến hình thành huyết khối trong hội chứng thận hư như sau:

- Bất thường trong kích hoạt và kết tập tiểu cầu, tăng số lượng tiểu cầu.

- Kích hoạt hệ thống đông máu.

- Tăng tổng hợp các yếu tố V, VII, VIII, X, von Willebrand, fibrinogen và tích lũy α 2 –macroglobulin.

- Giảm chất chống đông máu nội sinh: antithrombin III, protein C, protein S, và chất ức chế con đường đông máu nội sinh.

- Giảm hoạt động hệ thống tiêu sợi huyết: plasminogen, tiền chất của plasmin, và sự mất cân bằng của hai chất điều hòa chính của sự hình thành plasmin, chất ức chế plasminogen-1 và chất kích hoạt plasminogen mô.

- Thay đổi trong hệ thống cầm máu cầu thận.

- Thay đổi thể tích máu lưu hành.

- Máu bị cô đặc do dịch thoát ra khe gian bào và sử dụng thuốc lợi tiểu.

Tiểu máu có hoặc không có suy thận cấp, dãn tĩnh mạch bìu trái là một gợi ý huyết khối tĩnh mạch thận ở bệnh nhân bị hội chứng thận hư, cần làm siêu âm Doppler hoặc chụp mạch cộng hưởng từ để phát hiện. Đặc biệt, khi bệnh nhân có hội chứng thận hư có dấu hiệu khó thở hoặc khó thở rõ, cần lưu ý xác suất cao của nghẽn tắc động mạch phổi, cần thực hiện chụp động mạch phổi để phát hiện ngay.

2.3. Biến chứng tim mạch

Những bệnh nhân bị hội chứng thận hư có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch do tăng lipid máu, tăng huyết khối và rối loạn chức năng nội mô. Tăng cholesterol máu có liên quan chặt với mức độ nghiêm trọng của protein niệu hoặc suy thận kéo dài cũng góp phần gây ra bệnh tim mạch.

Có rất ít hoặc không có nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở trẻ em bị hội chứng thận hư tổn thương cầu thận tối thiểu đáp ứng với corticosteroid vì tăng lipid máu không liên tục và trong thời gian ngắn. Nguy cơ xơ vữa động mạch sớm do tăng lipid máu. Thời gian tăng lipid máu do hội chứng thận hư có tầm quan trọng gây tổn thương mạch máu. Những bệnh nhân bị protein niệu nặng, liên tục có nguy cơ cao nhất.

Lipoprotein tỉ trọng rất thấp (VLDL), lipoprotein tỉ trọng thấp (LDL) và apoprotein (a) tăng ở trẻ em bị hội chứng thận hư kéo dài và thường xuyên tái phát. Những bệnh nhân có tăng VLDL và LDL có nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch cao. Tăng lipid máu góp phần vào sự tiến triển của bệnh cầu thận và kẽ thận. Tổn thương nội mô mạch máu do tăng lipid máu dẫn đến tăng sinh tế bào nội mạch và xơ vữa động mạch.

Điều trị bằng thuốc hạ lipid máu, thuốc ức chế men khử hydroxymethylglutaryl coenzyme A (HMG-CoA), cần hết sức thận trọng ở trẻ em vì vẫn còn đang tranh cãi. Mặc dù Prescott và cộng sự báo cáo rằng việc giảm mức cholesterol trong thời thơ ấu có thể làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch và gợi ý sự an toàn và hiệu quả ngắn hạn của thuốc ức chế men khử HMG-CoA. Những nghiên cứu khác cho thấy thuốc gây hạ lipid quá mức với mức độ albumin thấp có thể ảnh hưởng đến đau cơ bắp và khó chịu ngay cả ở liều bình thường. Do đó, các nghiên cứu có kiểm soát trong tương lai ở trẻ em là cần thiết để đánh giá hiệu quả và độ an toàn của thuốc hạ lipid máu.

2.4. Cơn khủng hoảng thận hư

Cơn khủng hoảng thận hư có bản chất là shock giảm thể tích, là một trong những biến chứng nặng của hội chứng thận hư. Biểu hiện lâm sàng là: đau bụng từ trung bình đến nặng kèm theo biểu hiện shock giảm thể tích: tứ chi lạnh, tái do tuần hoàn mao mạch kém, mạch nhanh nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt thấp, bệnh nhân có thể lơ mơ, li bì hoặc vật vã.

Các yếu tố nguy cơ của cơn khủng hoảng thận hư bao gồm: nồng độ albumin máu bị suy giảm nghiêm trọng do mất qua nước tiểu, sử dụng thuốc lợi tiểu liều cao và nôn. 

Xét nghiệm có thể cho thấy hematocrit tăng, nồng axit uric máu tăng cao, nồng độ natri và kali máu giảm.

Xét nghiệm đánh giá bài tiết natri qua nước tiểu (UNa) hoặc phân số thải Natri (FENa%) rất có giá trị khi đánh giá tình trạng giảm thể tích. Donckerwolcke và cs tìm thấy mối tương quan tốt hơn giữa log aldosterone và tỉ số kali niệu/(kali niệu + natri niệu), [U K/(U Na + U K )] so với các thông số khác. Ở những bệnh nhân bị giữ natri do thận thì FENa: <0,5%, tỷ lệ U K/(U Na + U K) >0,6, cho phép xác định bệnh nhân bị tăng nồng độ aldosterone và hạ kali máu chức năng. Những bệnh nhân này không nên truyền nước muối đẳng trương vì ít mang lại lợi ích đồng thời có nguy cơ cao gây quá tải natri. Do đó, chỉ số này có thể được sử dụng để đánh giá bệnh nhân nào sẽ được hưởng lợi khi truyền dung dich nước muối sinh lý (20 ml/kg trong 1 đến 2 giờ) hoặc dùng albumin với liều tối đa 1 g/kg trong 3 đến 5 giờ khi theo dõi huyết áp. Việc truyền albumin chỉ nên được thực hiện ở bệnh nhân có giảm thể tích tuần hoàn, không nên thực hiện cho tất cả các bệnh nhân vì có thể nguy hiểm khi ở trẻ em không bị suy giảm thể tích dẫn đến nguy cơ phù phổi cấp.

Đọc thêm bài: Cơn khủng hoảng thận hư trong: http://hahoangkiem.com/benh-than/con-khung-hoang-than-hu-nephrotic-crisis-3658.html

2.5. Thiếu máu

Thiếu máu nhẹ được quan sát thấy ở những bệnh nhân bị hội chứng thận hư. Thiếu máu thường là nhược sắc, điển hình là thiếu sắt, nhưng kháng với điều trị bằng sắt vì mất lượng lớn transferrin huyết thanh qua nước tiểu ở một số bệnh nhân có hội chứng thận hư. 

 Mất Erythropoietine (EPO) và transferrin qua nước tiểu gây thiếu máu do thiếu hụt EPO và transferrin. Tăng dị hóa transferrin gây ra hạ kali máu và thiếu máu do thiếu sắt trong một số trường hợp. Điều trị thiếu máu bằng tiêm dưới da EPO tái tổ hợp và bổ sung sắt để điều trị thiếu máu do thiếu EPO và sắt đã tỏ ra có hiệu quả. Tuy nhiên, điều trị để làm giảm protein niệu vẫn là cơ bản để làm đảo ngược các biến chứng này.

2.6. Suy thận cấp

Suy thận cấp tính là biến chứng không phổ biến ở bệnh nhân có hội chứng thận hư nhưng là biến chứng xấu và nặng. Khi protein niệu nhiều liên tục và nồng độ albumin giảm sâu, thể tích tuần hoàn trong huyết tương giảm đã tạo ra sự suy giảm tuần hoàn thận, làm tăng urê máu trước thận, thường ở mức độ nhẹ. Đây là trường hợp suy thận chức năng. Khi thể tích tuần hoàn được bù đắp đầy đủ thì chức năng thận trở lại bình thường. 

Tuy nhiên, một số ít trường hợp suy thận cấp không đáp ứng với điều trị bù thế thể tích. Những bệnh nhân này, suy thân cấp không phải do giảm thể tích tuần hoàn mà do giảm khả năng lọc của màng lọc cầu thận do tổn thương bệnh lý. Với protein niệu nghiêm trọng, tắc nghẽn màng lọc do hình thành các lắng đọng phức hợp miễn dịch hoặc chèn ép từ ngoại bào do phù kẽ thận có thể dẫn đến tăng áp lực ống thận gần, dẫn đến giảm tốc độ lọc cầu thận.

Suy thận cấp thường xảy ra khi có nhiễm khuẩn huyết, điều trị bằng phóng xạ kết hợp, hoại tử ống thận cấp tính do kháng sinh gây độc với thận hoặc các chất chống viêm không steroid. Nếu suy thận kéo dài hơn một vài ngày, lọc máu có thể cần thiết để chờ chức năng thận phục hồi hoàn toàn.

2.7. Tràn dịch các màng

Phù thường được quan sát thấy ở bệnh nhân bị bệnh cầu thận. Cổ trướng, tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tinh hoàn thường xảy ra trong trường hợp phù nặng, nhưng tràn dịch màng tim lại hiếm gặp trừ khi chức năng tim có bất thường. Phù là do giảm áp lực keo huyết tương, tăng aldosterol và giảm kali máu thứ phát. Những yếu tố này kích thích giữ natri thứ phát ở thận.

Điều trị phù bao gồm hạn chế natri trong chế độ ăn, sử dụng hợp lý các thuốc lợi tiểu tác dụng vòng như furosemide và bumetanide. Có thể truyền albumin kết hợp furosemide trong trường hợp phù nặng và khó chữa. Tràn dịch màng phổi, màng bụng chỉ chọc tháo dịch khi lượng dịch lớn chèn ép gây khó thở nhiều. Lượng dịch lấy ra cần tối thiểu, chỉ đủ giúp người bệnh dễ thở. Vì chọc tháo dịch nhiều gây mất thêm protein làm tăng phù, đồng thời khi điều trị hội chứng thận hư có kết quả thì dịch sẽ được hấp thu hết không để lại di chứng.

2.8. Thay đổi Hormon, khoáng chất và lồng ruột (intussusception)

Mất một lượng lớn protein qua nước tiểu là nguyên nhân quan trọng gây ra các bất thường nội tiết khác nhau ở bệnh nhân bị hội chứng thận hư. 

- Các xét nghiệm chức năng tuyến giáp nằm trong phạm vi bình thường ở hầu hết bệnh nhân bị hội chứng thận hư, các giá trị trung bình của triiodothyronine (T3) và globulin gắn với tuyến giáp (TBG) thấp hơn so với bệnh nhân không có hội chứng thận hư do tăng bài tiết qua nước tiểu của T3, T4 và TBG. Khám sàng lọc tuyến giáp định kỳ và điều trị thay thế sớm hormone tuyến giáp là cần thiết cho trẻ sơ sinh bị hội chứng thận hư nặng và suy giáp lâm sàng.

- Hạ calci máu ở bệnh nhân có hội chứng thận hư cũng do giảm albumin máu, giảm calci máu toàn phần và calci ion hóa gặp từ 50% đến 80% các trường hợp. Trẻ bị hội chứng thận hư thường bị giảm calci niệu do giảm hấp thu canxi qua đường tiêu hóa. Điều này cho thấy khả năng bất thường trong chuyển hóa vitamin D. Bất thường chuyển hóa vitamin D là do sự tăng lọc các chất chuyển hóa vitamin D liên kết với globulin gắn vitamin D. Tuy nhiên, bệnh xương hiếm khi xảy ra ở bệnh nhân hội chứng thận hư, và do đó, điều trị thường quy bằng vitamin D không được khuyến cáo. Tuy nhiên, mối quan tâm đặc biệt nên được đưa ra cho rối loạn xương do cường cận giáp thứ phát.

- Lồng ruột có thể xảy ra ở bệnh nhi bị hội chứng thận hư gây ra cơn đau bụng cấp. Lồng ruột là do  phù nề có thể xảy ra trong ngã ba hồi tràng và ruột non ở bệnh nhân bị hội chứng thận hư kết hợp với nhu động ruột bất thường. Cơn đau bụng cấp xảy ra cũng có do sự kết hợp của các mảng phù nề thành ruột và rối loạn nhu động ruột (Cho và cs [6]). 

2.9. Suy dinh dưỡng ở người lớn, suy dinh dưỡng và chậm phát triển ở trẻ em

Do mất nhiều protein qua nước tiểu, protein máu và albumin máu giảm kéo dài, chế độ ăn không bù đắp nổi đã gây ra suy dinh dưỡng ở cả bệnh nhân người lớn và trẻ em, trẻ em chậm phát triển về thể lực, còi xương. Mất các hormon tăng trưởng như GH,  yếu tố tăng trưởng giống insulin (IGF) và/hoặc protein gắn với IGF (IGFBP) qua nước tiểu cũng làm trẻ em chậm phát triển thể lực.

3. Các biến chứng do dùng thuốc

3.1. Corticosteroid

Corticosteroid đã làm giảm tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân hội chứng thận hư xuống khoảng 3% và nhiều bệnh nhân điều trị hết được hội chứng thận hư. Tuy nhiên, do phải dùng liều cao kéo dài nên corticoid có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng như hội chứng Cushing, tăng cân, chậm phát triển, tăng huyết áp, loãng xương, đục thủy tinh thể, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, rối loạn tâm thần, loét đường tiêu hóa và hoại tử chỏm xương đùi, dễ nhiễm khuẩn, suy chức năng tuyến thượng thận.

Hai nguyên nhân chính gây ra chậm phát triển ở ở trẻ em mắc hội chứng thận hư là mất các yếu tố tăng trưởng giống như insulin (IGF) và/hoặc protein gắn với IGF (IGFBP) và liệu pháp corticoid. Một số báo cáo cho thấy có sự thay đổi nồng độ IGF và IGFBP trong huyết thanh ở trẻ em bị hội chứng thận hư. Corticoid làm tăng quá mức nồng độ IGF-1 huyết thanh, dẫn đến sự phát triển tiềm năng của kháng IGF, một trong những yếu tố chính gây ra tình trạng chậm phát triển kéo dài. Sự trưởng thành của xương và tăng trưởng bị chậm lại do sử dụng liệu pháp corticoid dài hạn, liều cao, đặc biệt khi liều vượt quá 0,5 mg/kg/ngày. 

Các biến chứng do corticoid gây ra có thể thống kê như sau:

- Dễ nhiễm khuẩn: bùng phát viêm gan B, C hoặc bùng phát lao, viêm mô tế bào, nhiễm nấm…

- Ức chế tuyến thượng thận, gây suy chức năng tuyến thượng thận cấp hoặc mạn.

- Chậm tăng trưởng ở trẻ em, suy dinh dưỡng ở người lớn.

- Loãng xương có thể gây gãy xương tự phát, hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi.

- Loét dạ dày, chảy máu đường tiêu hóa.

- Làm khởi phát đái tháo đường hoặc làm nặng thêm đái tháo đường ở những bệnh nhân đã có đái tháo đường. 

- Làm khởi phát tăng huyết áp hoặc làm cho tăng huyết áp nặng lên ở những bệnh nhân dã có tăng huyết áp.

- Đục thủy tinh thể.

- Rối loạn tâm thần.

3.2. Cyclophosphamide (Endoxan)

Cyclophosphamid (Endoxan) là tác nhân alkil hóa. Các tác nhân alkyl hóa ức chế quá trình sao chép DNA bằng cách gắn các chuỗi alkyl vào các gốc purin. Tác dụng phụ của các tác nhân alkyl hóa, bao gồm:

- Các biến chứng sớm: ức chế tủy xương, rụng tóc, rối loạn tiêu hóa, viêm bàng quang xuất huyết và nhiễm khuẩn.

- Các biến chứng muộn: xuất hiện các khối u ác tính, khả năng sinh sản bị suy giảm, đặc biệt là ở nam giới. Có mối liên quan giữa liều lượng thuốc được sử dụng với số lượng tinh trùng và liều tích lũy của cyclophosphamide. Để tránh độc tính của tuyến sinh dục, không nên sử dụng cyclophosphamide quá 12 tuần (2 mg/kg, liều uống một lần) và nên dừng thuốc nếu số lượng bạch cầu dưới 5.000/mm 3. Cần uống nhiều nước để tránh viêm bàng quang xuất huyết trong quá trình sử dụng cyclophosphamide.

3.3. Cyclosporin A (CsA)

Cyclosporin A là một chất chiết xuất từ một loại nấm, thuốc có tác dụng ức chế miễn dịch bằng cách thay đổi chức năng tế bào T và ức chế giải phóng interleukin-2 từ các tế bào T trợ giúp. Sử dụng lâu dài cyclosporin A gây giảm chức năng thận, tăng sản lợi, tăng huyết áp, tăng kali máu, bệnh não và dễ nhiếm khuẩn. Tổn thương ống dẫn trứng do cyclosporin A gây ra đã được phát hiện ở 30 đến 40% trẻ em đã dùng cyclosporin A trong hơn 12 tháng. 

Một số nghiên cứu đã chỉ ra các yếu tố nguy cơ đối với các biến chứng cyclosporin A, như thời gian điều trị bằng cyclosporin A kéo dài, nồng độ trong máu của cyclosporin A cao và tuổi trẻ khi bắt đầu điều trị bằng cyclosporin A. Do đó, liều cyclosporin A thấp nhất có hiệu quả được khuyến cáo điều trị duy trì ở trẻ em bị hội chứng thận hư với liều giảm dần trong một năm. 

3.4. Biến chứng của các thuốc khác

- Mecophenolat Mophetil (MMF) có thể có các biến chứng bao gồm rối loạn tiêu hóa, ức chế tủy xương và đau đầu, cần giảm liều hoặc thậm chí ngừng thuốc. 

- Tacrolimus là một chất ức chế calcineurin có tác dụng tương tự như cyclosporin A nhưng có thể có một số tác dụng phụ, như tăng huyết áp, giảm chức năng thận, run, chuột rút cơ bắp, tăng kali máu, giảm phosphat máu, giảm bạch cầu và tăng đường máu. 

- Rituximab gần đây đã được giới thiệu và có thể được sử dụng để điều trị hội chứng thận hư phụ thuộc corticosteroid. Các biến chứng của Rituximab bao gồm co thắt phế quản đe dọa tính mạng, nhồi máu cơ tim, bệnh não chất trắng đa ổ tiến triển và tái kích hoạt các loại virus như cytomegalovirus và virus viêm gan B.

- Levamisole: là thuốc chống giun sán, có thể được sử dụng ở những bệnh nhân phụ thuộc steroid, nhưng không hiệu quả như mong muốn. Levamisole có thể có tác dụng phụ nhỏ như giảm bạch cầu, tác dụng tiêu hóa và viêm mạch, nhưng không có tác dụng phụ quan trọng nào được báo cáo. 

Kết luận

Các biến chứng của hội chứng thận hư có thể được chia thành hai loại, liên quan đến bệnh và liên quan đến điều trị. Điều quan trọng là điều trị thích hợp và theo dõi sát các biến chứng cấp tính. Kiểm tra và theo dõi thường xuyên các biến chứng mạn tính để hạn chế tối đa hậu quả xấu.

Mời đọc thêm:

1. Hà Hoàng Kiệm. Hội chứng thận hư. http://hahoangkiem.com/benh-than/hoi-chung-than-hu-96.html.

2. Hà Hoàng Kiệm. Tìm hiểu về hội chứng thận hư. http://hahoangkiem.com/benh-than/tim-hieu-ve-hoi-chung-than-hu-1492.html.

3. Hà Hoàng Kiệm. Cơn khủng hoảng thận hư. http://hahoangkiem.com/benh-than/con-khung-hoang-than-hu-nephrotic-crisis-3658.html.

4. Hà Hoàng Kiệm. Biến chứng nghẽn tắc mạch ở bệnh nhân hội chứng thận hư. http://hahoangkiem.com/benh-than/bien-chung-nghen-tac-mach-o-benh-nhan-hoi-chung-than-hu-3662.html

5. Hà Hoàng Kiệm. Corticoid con dao hai lưỡi lưỡi nào cũng sắc. http://hahoangkiem.com/thuoc/corticoid-mot-con-dao-hai-luoi-luoi-nao-cung-sac-152.html

6. Se Jin Park, Jae Il Shin. Complications of nephrotic syndrome. Korean J Pediatr. 2012 April; 55(4): 151. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC321270.

7. Cho MH, Hwang HH, Choe BH, Kwon SH, Ko CW, Kim JY, et al. The reversal of intussusception associated with nephrotic syndrome by infusion of albumin. Pediatr Nephrol. 2009;24:421–422. [PubMed]

 

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI