Đau đầu týp căng thẳng (tension - type headache)

Cập nhật: 01/04/2016 Lượt xem: 10136

 Đau đầu týp căng thẳng (tension - type headache)

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103 

Kết quả hình ảnh cho headache           Kết quả hình ảnh cho headache

1. Đại cương

1.2. Khái niệm

Đau đầu căng thẳng là một trong những dạng đau đầu hay gặp nhất, thứ đến là đau đầu migraine, thứ ba là đau thần kinh V, thứ tư là đau đầu chuỗi. Nguyên nhân thường gặp của đau đầu căng thẳng là do căng thẳng tâm lý. Cơn đau có đặc điểm kéo dài từ 30 phút đến 7 ngày với tính chất: Đau như ép, như bó chặt (không đau theo mạch đập), thường đau cả hai bên đầu. Cường độ đau từ nhẹ đến vừa. Cơn đau thường không tăng khi vận động thể lực nhẹ như leo cầu thang hoặc đi bộ. Người bệnh thường không có cảm giác buồn nôn hoặc nôn, không sợ ánh sáng, sợ tiếng động hoặc chỉ có một trong hai triệu chứng này.

Gần 90% nữ giới và trên 70% nam giới đã từng bị chứng đau đầu do căng thẳng trong cuộc đời. Mặc dù không nguy hiểm nhưng đau đầu do căng thẳng lại luôn gây ra những phiền toái trong công việc hàng ngày.

Đau đầu căng thẳng được biểu hiện dưới ba dạng chính:

- Đau đầu chu kỳ không thường xuyên: Đau đầu xuất hiện ngẫu nhiên và thỉnh thoảng mới xuất hiện.

- Đau đầu chu kỳ thường xuyên:

        + Trung bình từ 1 đến 14 đợt mỗi tháng.

        + Mỗi đợt có thể kéo dài từ 30 phút đến 7 ngày.

- Đau đầu mạn tính: 

         + Trung bình có từ 15 đợt trở lên mỗi tháng.

          + Đau đầu kéo dài nhiều giờ và có thể liên tục.

          + Buồn nôn có thể xảy ra ở một số thời gian.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy, nếu tính trung bình:

Khoảng một nửa số người trường thành có thể có đau đầu vào một lúc nào đó với tần suất dưới 1 cơn mỗi tháng, trường hợp này gọi là “Đau đầu căng thẳng chu k không thường xuyên”.

Một phần ba số người trưởng thành trung bình có từ 2 lần đau đầu mỗi tháng trở lên được gọi là “Đau đầu căng thẳng chu k thường xuyên”.

Khoảng 3% số người trưởng thành trung bình có ít nhất 15 lần đau đầu mỗi tháng trở lên (tức là hầu hết các ngày) và được gọi là “đau đầu do căng thẳng mạn tính” hoặc cũng có khi được gọi là đau đầu mãn tính hàng ngày.

1.2. Nguyên nhân

Những biến động trong cuộc sống là nguyên nhân chính gây ra căng thẳng và làm xuất hiện những cơn đau đầu. Một số trường hợp khác bị kích hoạt bởi các yếu tố như: tổn thương tâm lý, lo lắng, mệt mỏi…

Về mặt y học, nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được thống nhất giữa các chuyên gia. Nhiều ý kiến cho rằng có thể là do sự co thắt của các lớp cơ bao quanh hộp sọ; Khi các lớp cơ này bị viêm hoặc co thắt bất thường khi căng thẳng sẽ gây nên cơn đau đầu hoặc đau đầu buồn nôn. Người ta cho rằng tình trạng căng cơ (cơ bám da đầu và cổ) và căng thẳng tâm lý gây ra cơn đau đầu. Cũng có một số nghiên cứu cho rằng, yếu tố di truyền cũng đóng một vai trò quan trọng trong chứng đau đầu do căng thẳng. Quan niệm này hiện đã bắt đầu thay đổi, bắt đầu từ tên gọi, nhiều người đã chuyển từ thuật ngữ đau đầu căng thẳng sang thuật ngữ đau đầu dạng căng thẳng.

1.3. Bệnh sinh

Bản thân não không cảm nhận được cảm giác đau, bởi vì nó không có thụ thể cảm nhận đau. Tuy nhiên, một số vùng trên đầucổ có thụ thể cảm nhận đau. Các vùng đó bao gồm các mạch máu ngoài sọ, các tĩnh mạch lớn, các xoang tĩnh mạch, màng não, các dây thần kinh sọ và dây thần kinh cột sống cổ, cơ đầu, cơ cổ.

Đau đầu xuất hiện khi các cấu trúc cảm nhận đau ở đầu bị kích thích. Chúng được phân bố nhiều ở màng não, hệ thống mạch máu não, cấu trúc da và các cơ bám da đầu. Đau đầu căng thẳng được cho là gây ra bởi kích hoạt các dây thần kinh ngoại vi ở các cơ vùng đầu cổ.

Trước đây, nguyên nhân của đau đầu căng thẳng được lý giải là do tình trạng gia tăng sự co thắt của các nhóm cơ ở đầu. Ngày nay, người ta đã xác định rằng chứng đau đầu này không liên quan trực tiếp đến sự co cơ, mà nguyên nhân chình là do sự thay đổi bất thường của ngưỡng nhạy cảm đau ở các tế bào neuron thần kinh về cảm giác.

Các yếu tố cảm xúc, stress và căng thẳng về tinh thần có liên quan mật thiết với chứng đau đầu căng thẳng. Các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy các stress tâm lý làm khởi phát đau đầu căng thẳng và các liệu pháp tâm lý thư dãn giúp làm dịu bớt cơn đau đầu. Sự lo âu và trầm cảm làm giảm đi khả năng chịu đựng đau của bệnh nhân, do đó họ rất dễ có cảm giác đau.

2. Lâm sàng và chẩn đoán

2.1. Triệu chứng

Đặc trưng của đau đầu do căng thẳng là cảm giác căng, bóp chặt xung quanh đầu ở khu vực vành đai mũ hay còn gọi là cảm giác đau kiểu mũ chật. Một vài người có cảm giác như có một sức ép hoặc một áp lực đè lên xung quanh đầu của họ. Vị trí đau có thể là hai bên đầu, lan xuống cổ, có khi lại chỉ ở một bên đầu.

 

Cường độ cơn đau đầu diễn biến có thể rất phức tạp, có khi chỉ vừa và nhẹ, có khi lại rất nặng nề, phụ thuộc vào nhiều yếu tố tác động, cũng có thể do cơ địa của bệnh nhân. Thời gian đau có thể từ 30 phút, có khi lại kéo dài đến vài ngày. Người ta có thể thỉnh thoảng lên cơn đau, cũng đôi khi lại đau triền miên. Những người thỉnh thoảng phải chịu cơn đau đầu nhưng tình trạng đau kéo dài không dứt thì có nguy cơ cao mắc đau đầu mạn tính về sau.

Đau đầu do căng thẳng có khá nhiều biểu hiện giống với bệnh đau nửa đầu, nhưng khác với đau nửa đầu là:

- Đau đầu căng thẳng không kèm theo rối loạn thị giác, đau nhức vùng bụng, yếu hoặc tê nửa người, nói ngọng… hay cơn đau không tăng nặng hơn khi vận động.

- Triệu chứng nhạy cảm với ánh sáng và tiếng động giống như người bị đau nửa đầu có thể thấy ở những cơn đau đầu do căng thẳng nhưng không phải là triệu chứng đặc trưng.

- Bệnh đau đầu căng thẳng ít có tính chất thon thót mạch đập và thường tiến triển tăng dần, khác với kiểu khởi phát cơn đau nửa đầu (đến khá nhanh và bất ngờ). Thời gian cơn đau kéo dài, dao động khác nhau nhưng tính chất cơn đau ổn định và cường độ không dữ dội như đau nửa đầu.

 

      Kết quả hình ảnh cho headacheNhức đầu căng thẳng
                                                  

Các đặc điểm của chứng đau đầu căng thẳng:

- Cảm giác căng hoặc siết chặt ở các cơ vùng đầu và cổ.

- Đau đầu kiểu bị nén ép hoặc ê ẩm ở đầu, tăng nhạy cảm đau xung quanh đầu.

- Đau thường lan tỏa khắp đầu. Thường khó chịu nhất ở phần sau đầu (vùng chẩm) và vùng cổ.

- Đau đầu thường nặng hơn khi kèm theo stress, mệt mỏi, tiếng ồn, chói sáng hoặc vào cuối ngày.

Đau đầu có thể được mô tả như sau:

- Đau âm ỉ (không đau nhói).

- Cảm giác như đầu bị buộc hoặc bị kẹp bởi cái kìm.

- Đau toàn bộ đầu (chứ không chỉ trong một điểm hay một bên).

- Tình trạng đau hơn xảy ra ở khu vực da đầu, thái dương, hoặc sau cổ, và có thể ở hai vai.

Đau có thể xảy ra theo từng cơn, liên tục, hoặc hàng ngày. Đau có thể kéo dài 30 phút đến 7 ngày. Cơn đau có thể được kích hoạt hoặc trở nên tồi tệ hơn khi cơ thể bị căng thẳng, mệt mỏi, tiếng ồn, hoặc ánh sáng chói. Có thể gây ra tình trạng khó ngủ. Đau đầu căng thẳng thường không gây buồn nôn hoặc nôn.

2.2. Chẩn đoán

Chẩn đoán dựa vào mô tả đặc điểm cơn đau của bệnh nhân. Để chẩn đoán đau đầu căng thẳng mạn tính dựa vào tiêu chuẩn chẩn đoán của IHS-2004:

Bảng 1. Đau đầu căng thẳng mạn tính (Tiêu chuẩn chẩn đoán của IHS)*

A. Ít nhất 10 cơn đau đầu đáp ứng tiêu chuẩn B-F liệt kê dưới đây. Đau xảy ra 15 ngày/tháng trong vòng ít nhất 3 tháng (180 ngày/năm)

B. Đau đầu kéo dài nhiều giờ hoặc có thể liên tục.

C. Có ít nhất 2 trong các đặc điểm sau:

1. Ép chặt/siết chặt (không theo mạch đập)

2. Cường độ từ nhẹ đến vừa phải (có thể cản trở nhưng không mất khả năng hoạt động bình thường)

3. Đau hai bên

4. Không tăng cường độ đau khi lên cầu thang hay hoạt động thể chất hàng ngày

D. Có cả hai đặc điểm sau:

1. Không có nhiều hơn 1 trong các triệu chứng sau: buồn nôn nhẹ, sợ âm thanh, sợ ánh sáng

2. Không có buồn nôn hay ói mửa trung bình đến nặng

E. Dùng thuốc giảm đau hoặc các thuốc khác 10ngày/tháng

F. Không do một rối loạn khác

Đau đầu căng thẳng mạn tính có nhạy ấn đau quanh sọ

Đau đầu căng thẳng mạn tính không có nhạy ấn đau quanh sọ

* Theo Ủy ban phân loại đau đầu của IHS, 2004

Tuy nhiên vẫn có một số vấn đề trong cách phân loại mới của IHS năm 2004 về đau đầu căng thẳng mạn tính. Trong bảng phân loại này, các triệu chứng buồn nôn nhẹ, không phải là nôn ói, được IHS chấp nhận trong chẩn đoán đau đầu căng thẳng mạn tính. Thực ra dạng nhẹ của các triệu chứng buồn nôn, sợ tiếng động và sợ ánh sáng có thể thích hợp trong chẩn đoán dạng đau đầu này nếu có thước đo tốt hơn cho mức độ nặng của chúng. Sở dĩ các triệu chứng vốn là đặc tính của migraine này được gộp vào tiêu chuẩn của đau đầu căng thẳng mạn tính là do thói quen gộp cả migraine mạn tính vào dạng đau đầu này trong thực hành. Tuy nhiên hiện nay migraine mạn tính được định nghĩa tách riêng khỏi đau đầu căng thẳng mạn tính nên không cần thiết phải gộp các đặc tính của migraine vào tiêu chuẩn chẩn đoán đau đầu căng thẳng mạn tính nữa. Migraine và đau đầu dạng căng thẳng mạn tính có thể cùng hiện diện trên một bệnh nhân, với lưu ý rằng cơn đau đầu nào không phải cơn migraine thì không có các đặc trưng của migraine. Guitera và cộng sự dựa trên dữ liệu dịch tễ học trong cộng đồng đề xuất rằng đau đầu căng thẳng mạn tính và migraine có thể cùng tồn tại khi và chỉ khi cơn đau đầu hiện tại không có đặc trưng của migraine và bệnh nhân có tiền sử migraine xa trước đó.

Chẩn đoán đau đầu căng thẳng mạn tính tiến triển từ đau đầu căng thẳng từng cơn đòi hỏi phải có các bằng chứng về đau đầu căng thẳng từng cơn trước đó. Độ tin cậy của chẩn đoán tăng lên nếu đau đầu căng thẳng từng cơn gia tăng tần suất dần đến mức đáp ứng các tiêu chuẩn của đau đầu căng thẳng mạn tính. Mặc dù định nghĩa đau đầu căng thẳng mạn tính không xác định rõ thời gian cơn đau đầu, các bằng chứng hiện tại không ủng hộ việc đưa ra một ngưỡng thời gian cụ thể. Người ta có thể dùng mốc 4 giờ một cách võ đoán để tách biệt với đau đầu cụm và các loại đau đầu hàng ngày khác với thời gian cơn ngắn hơn. Nhiều khả năng bản thân đau đầu căng thẳng mạn tính đã không đồng nhất về mặt sinh học và căn nguyên. Cần phân biệt đau đầu căng thẳng mạn tính với đau đầu do lạm dụng thuốc (MOH-medication overuse headache).

 

2.3. Chẩn đoán phân biệt

Đau đầu căng thẳng là dạng đau đầu nguyên phát thường gặp nhất nhưng lại ít đặc trưng nhất. Chẩn đoán dựa chủ yếu vào sự vắng mặt các triệu chứng đặc trưng của migraine (đau xảy ra đột ngột, đau một bên, kiểu mạch đập, nặng lên khi hoạt động thể chất và các triệu chứng kèm theo). Các bệnh nhân đau đầu thứ phát do nguyên nhân thực thể thường có những triệu chứng giống đau đầu căng thẳng.  

Nhạy ấn đau (nhạy cảm đau khi ấn) quanh sọ xảy ra cả trong migraine và đau đầu triệu chứng do viêm màng não hoặc xuất huyết khoang dưới nhện. Do chưa có một xét nghiệm cận lâm sàng nào có thể khẳng định chẩn đoán đau đầu căng thẳng (hay bất kỳ 1 chứng đau đầu nguyên phát nào), cần luôn xem xét tìm các bệnh lý cấu trúc hoặc chuyển hóa ẩn dưới đối với các bệnh nhân đáp ứng toàn bộ các tiêu chuẩn chẩn đoán đau đầu căng thẳng. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp đau đầu mới khởi phát, cơn đau thay đổi tính chất, hoặc khi có những triệu chứng quan trọng khác ngoài những triệu chứng vốn kết hợp với đau đầu nguyên phát và khi có những dấu hiệu thần kinh bất thường.

Đau đầu căng thẳng có thể bị chẩn đoán nhầm là đau đầu do xoang khi có hiện tượng chảy đờm mũi sau hoặc dày niêm mạc xoang; hoặc chẩn đoán nhầm là đau đầu do cột sống cổ khi có triệu chứng cứng cơ cổ hoặc bị viêm dính cứng đốt sống cổ. Tuy nhiên cũng không nên chắc chắn rằng bệnh nhân bị đau đầu căng thẳng khi chỉ dựa trên kết quả khám thực thể và thần kinh bình thường.

Đau đầu hàng ngày có thể là biểu hiện của máu tụ dưới màng cứng mạn tính hoặc tăng áp lực nội sọ lành tính. Các trường hợp trên có thể dễ dàng chẩn đoán nếu có phù gai thị. Nếu bênh nhân không có phù gai thị, sẽ khó có thể phân biệt được đau đầu do các nguyên nhân này với đau đầu căng thẳng mạn tính.  

Đau do bệnh lý hoặc rối loạn chức năng hàm dưới hoặc khớp thái dương hàm có thể lan tới vùng thái dương hoặc xa hơn và có thể bị chẩn đoán nhầm là đau đầu căng thẳng. Đau xuất phát từ các bệnh lý hoặc rối loạn chức năng các cấu trúc vùng cổ có thể lan tới vùng chẩm và các vùng đầu khác, nhưng các cơn đau này gần như luôn được kích khởi khi cử động cổ, đây là dấu hiệu để phân biệt chúng với đau đầu căng cơ từng cơn.

Chứng đau cơ-sợi (fibromyalgia) là một rối loạn mạn tính, 90% các trường hợp xảy ra ở phụ nữ. Điểm đặc trưng là đau lan toả và ấn đau cơ khắp toàn thân. Triệu chứng kèm theo gồm rối loạn giấc ngủ (75%), cứng khớp buổi sáng (77%), mệt mỏi (81%), dị cảm, đau đầu (52.8%) và lo âu (47.8%) hoặc trầm cảm (31.5%). Do bệnh làm giảm ngưỡng chịu đau nên cơn đau từ các nguyên nhân khác nếu có sẽ có thể trầm trọng hơn. Rối loạn chức năng vận động (mất phản hồi thần kinh về bó cơ trong vận động chủ động), các điểm nhạy ấn đau, giảm đau khi tiêm vào điểm kích khởi, và lo âu trầm cảm kèm theo hiện diện ở cả đau cơ-sợi lẫn đau đầu bệnh lý này có thể trùng lắp với chứng đau cơ-sợi khu trú ở các cấu trúc quanh sọ. Hội chứng đau cân cơ (myofascial pain syndrome) phân biệt được với đau cơ - sợi vì chúng là một rối loạn khu trú và tự giới hạn, với những điểm kích khởi đau. 

Migraine và đau đầu căng thẳng từng cơn từ lâu được coi là hai bệnh lý riêng biệt, và IHS cũng tiếp tục quan điểm này; và bệnh nhân có thể được chẩn đoán cùng lúc cả migraine và đau đầu căng cơ. Tuy nhiên, một số bác sĩ lâm sàng và dịch tễ học cho rằng migraine và đau đầu căng thẳng là các bệnh lý có liên quan với nhau và chỉ khác nhau ở độ nặng hơn là ở thể loại. Cả migraine và đau đầu căng thẳng đều có thể là những cơn đau đầu lành tính tái diễn. Đa số các bệnh nhân migraine (62%) cũng có đau đầu căng thẳng và 25% bệnh nhân đau đầu căng thẳng cũng có migraine. Một cơn đau đầu migraine có thể khởi phát như đau đầu căng thẳng rồi sau đó mới phát triển thêm các đặc tính của migraine khi mức độ đau tăng lên.

Có thể phân đau đầu căng thẳng từng cơn hiện nay thành hai trường hợp bệnh lý khác nhau, một là các cơn migraine nhẹ và hai là đau đầu căng thẳng đơn thuần, không kèm các đặc tính của migraine hoặc cơn migraine nặng. Việc sử dụng sumatriptan chỉ có hiệu quả với cơn đau đầu căng thẳng xảy ra ở bệnh nhân migraine mà không có tác dụng với cơn đau đầu căng thẳng ở bệnh nhân không có migraine ủng hộ cho quan điểm này.

Đau đầu do lạm dụng thuốc (MOH) trước được gọi là đau đầu dội ngược, đau đầu do thuốc và đau đầu do dùng sai thuốc. Bệnh nhân bị đau đầu thường xuyên thường lạm dụng các thuốc giảm đau, dẫn xuất á phiện, ergotamine và triptans. Với những người đau mạn tính, lạm dụng thuốc có thể là hậu quả của đau; còn ở những bệnh nhân có xu hướng đau đầu, nó có thể gây ra cơn đau đầu dội ngược do thuốc cùng với tình trạng lệ thuộc vào các thuốc chữa triệu chứng. Thêm vào đó, lạm dụng thuốc có thể làm cho đau đầu trở nện kháng với các thuốc phòng ngừa. Mặc dù khi ngưng đột ngột các thuốc điều trị cấp có thể dẫn đến các triệu chứng cai thuốc và một giai đoạn tăng đau đầu nhưng sau đó tình trạng đau đầu thường được cải thiện.

Khi một cơn đau đầu mới xuất hiện lần đầu không lâu sau khi tiếp xúc với một thuốc, nó được coi là đau đầu thứ phát do thuốc đó gây ra. Điều này đúng ngay cả khi cơn đau đầu có những đặc điểm của đau đầu căng thẳng. Nếu cơn đau đầu nguyên phát đã có từ trước trở nên nặng hơn khi tiếp xúc với một thuốc, có hai khả năng có thể xảy ra, và bệnh nhân có thể được giữ chẩn đoán đau đầu nguyên phát đã có từ trước hoặc được chẩn đoán cả đau đầu nguyên phát và đau đầu do thuốc. Chẩn đoán đau đầu do thuốc thường chỉ được xác định rõ khi cơn đau mất đi hoặc giảm đáng kể khi ngừng tiếp xúc với thuốc đó. Trong trường hợp đau đầu do lạm dụng thuốc (MOH), IHS quy định cần một khoảng thời gian 2 tháng kể từ khi ngưng dùng thuốc nghi vấn, và chẩn đoán được xác định nếu đau đầu cải thiện trong khoảng thời gian này. Trước khi ngừng thuốc hay trong 2 tháng chờ cải thiện sau khi ngừng thuốc, nên chẩn đoán là có khả năng MOH. Nếu sau hai tháng đau đầu không cải thiện thì loại bỏ chẩn đoán đó..

Các bệnh nhân đã có cơn đau đầu nguyên phát từ trước nay xuất hiện thêm loại đau đầu mới hoặc đau đầu căng thẳng bị làm nặng thêm đáng kể khi lạm dụng thuốc phải được chẩn đoán cả chứng đau đầu đã có từ trước và MOH. Cơn đau đầu do lạm dụng thuốc thường có kiểu cách riêng biêt, thay đổi ngay cả trong cùng ngày từ dạng có các đặc tính giống migraine sang các đặc tính của đau đầu căng thẳng (nghĩa là một loại đau đầu mới). Chẩn đoán MOH rất quan trọng về mặt lâm sàng bởi vì bệnh nhân ít khi đáp ứng với thuốc phòng ngừa trong khi đang lạm dụng thuốc điều trị cấp. Lạm dụng thuốc được định nghĩa theo số ngày điều trị trong tháng. Quan trọng là việc điều trị diễn ra thường xuyên và đều đặn, nghĩa là nhiều ngày trong tuần. Ví dụ một tiêu chuẩn chẩn đoán lấy mốc từ 10 ngày dùng thuốc trở lên trong 1 tháng (15 ngày đối với thuốc giảm đau thông thường) tính ra thành 2-3 ngày mỗi tuần.

3. Điều trị

3.1. Điều trị dự phòng

Điều trị dự phòng được cân nhắc sử dụng khi tần số cơn hơn 2 ngày 1 tuần, thời gian đau hơn 3- 4h và mức độ đau đến mức có thể gây mất chức năng đáng kể hoặc dẫn đến tình trạng lạm dụng thuốc điều trị cấp. Việc điều trị có thể bắt đầu với thuốc chống trầm cảm 3 vòng hay chất ức chế tái hấp thu serotonin (SSRIs). Nếu có chỉ định, nên chọn thuốc phòng ngừa từ một trong những nhóm chính, dựa trên tác dụng phụ và các bệnh kèm theo.

Thuốc chống trầm cảm 3 vòng là loại thuốc thông dụng nhất để phòng ngừa đau đầu căng thẳng và amitriptyline là loại thuốc thường dùng nhất trong nhóm này.

Các loại thuốc chống trầm cảm khác cũng được dùng như doxepin, nortriptyline và protriptyline trong đau đầu căng thẳng. SSRIs có ít tác dụng phụ hơn thuốc chống trầm cảm 3 vòng và được bệnh nhân ưa thích hơn.

Thuốc dãn cơ có thể có hiệu quả trong điều trị phòng ngừa đau đầu căng thẳng mạn tính. Tác dụng của tizanidine dùng độc lập không rõ ràng.

Các dược chất khác cũng được sử dụng trong việc điều trị đau đầu mạn tính, thường là dạng hỗn hợp migraine và đau đầu căng thẳng mạn tính.

Thuốc phòng ngừa nên được dùng bắt đầu với liều thấp và tăng từ từ cho đến khi có tác dụng chữa bệnh hoặc đã đến liều tối đa cho phép. Thuốc chống trầm cảm 3 vòng, như amitriptyline thường được dùng với liều 100-200mg/ngày cho trầm cảm, trong khi liều 10-20mg/ngày thường hiệu quả cho đau đầu căng thẳng (liều amitriptyline khởi đầu 20- 25mg/ngày thường được dùng cho bệnh nhân trầm cảm nhưng có thể gây tác dụng phụ nặng cho bệnh nhân migraine). Tuy một số bệnh nhân đáp ứng với thuốc phòng ngừa liều thấp, nhưng nếu không tác dụng thì cần tăng liều dần lên đến mức tối đa có thể chịu được trước khi kết luận thuốc không hiệu quả. Thời gian thử tác dụng thuốc đầy đủ có thể kéo dài 2-6 tháng. Nhiều trường hợp bệnh nhân được điều trị bằng thuốc phòng ngừa mới trong 1-2 tuần mà không thấy tác dụng rồi ngưng thuốc quá sớm, dẫn tới cả bác sĩ và bệnh nhân đều nghĩ rằng thuốc không có tác dụng. Thêm vào đó, để có được kết quả tốt nhất khi điều trị phòng ngừa, bệnh nhân cần tránh lạm dụng thuốc giảm đau.

Đau đầu có thể được cải thiện theo thời gian mà không phụ thuộc vào điều trị; nếu kiểm soát đau tốt, có thể giảm liều dần rồi tạm ngưng dùng thuốc. Nhiều bệnh nhân vẫn không bị đau đầu sau khi ngưng thuốc hoặc cảm thấy không cần dùng liều như cũ. Giảm liều thuốc có thể mang lại tỉ số lợi ích/rủi ro tốt hơn.

3.2. Điều trị không dùng thuốc

Các phương pháp điều trị không dùng thuốc nên được cân nhắc khi điều trị đau đầu nguyên phát. Bệnh nhân cần được hướng dẫn các thói quen lành mạnh như ngủ đủ giấc, ăn cân bằng, tập thể dục thường xuyên và từ bỏ những thói quen có hại như hút thuốc và uống quá nhiều rượu. Do bệnh nhân có thể lo lắng về một khối u não tiềm ẩn hay các bệnh hiểm nghèo khác, cần giải thích về chẩn đoán cho bệnh nhân để họ yên tâm. Trầm cảm, lo âu, hoặc cả hai có thể cùng tồn tại với hoặc làm nặng thêm đau đầu căng cơ; các rối loạn này có vẻ là hậu quả hơn là nguyên nhân của đau đầu và cần được điều trị thích đáng.

Liêu pháp tâm lý bao gồm trấn an, tư vấn, kiểm soát căng thẳng, liệu pháp thư giãn và phản hồi sinh học. Phản hồi sinh học với điện cơ giúp bệnh nhân kiểm soát độ căng cơ bằng cách cung cấp thông tin liên tục liên quan đến tình trạng căng cơ ở một hoặc nhiều cơ, thường dùng nhất là cơ trán. Phản hồi có thể biểu hiện bằng âm thanh (tiếng click với tốc độ thay đổi) hoặc hình ảnh (các vạch thay đổi chiều dài). Một đợt trị liệu kéo dài khoảng 1 giờ, bao gồm giai đoạn thích nghi, giai đoạn căn bản, giai đoạn huấn luyện và giai đoạn tự kiểm soát. Hiệu quả sẽ cải thiện khi bệnh nhân học được cách gia tăng hoặc giảm bớt các hoạt động điện cơ quanh sọ.

Các dạng tập luyện thư dãn thường dùng nhất là tập luyện thư giãn tăng dần và tự tập luyện. Mục đích của tập luyện thư dãn tăng dần là giúp bệnh nhân nhận ra căng thẳng và thư dãn trong cuộc sống hàng ngày. Thiền là một biện pháp có ích. Bệnh nhân học cách làm căng rồi thư dãn hoặc lần lượt thả lỏng các nhóm cơ khác nhau khắp cơ thể. Họ được yêu cầu thực tập thư dãn mỗi ngày ở nhà, và được cung cấp băng từ hỗ trợ. Người ta xây dựng hai loại liệu pháp hành vi-nhận thức khác nhau.

Mặc dù điều trị hành vi làm cải thiện đau đầu căng thẳng chậm hơn so với thuốc, nhưng sự cải thiện có thể được duy trì lâu dài mà không cần đến bác sĩ chuyên khoa. Cải thiện đạt được từ liệu pháp tâm lý có thể duy trì 3-9 tháng.

Can thiệp hành vi-nhận thức, ví dụ như chương trình kiểm soát stress, có thể làm giảm đáng kể đau đầu căng thẳng khi thực hiện độc lập nhưng có thể hữu hiệu hơn khi dùng kết hợp với các liệu pháp phản hồi sinh học hay thư giãn, đặc biệt là đối với những bệnh nhân bị stress nặng mỗi ngày. Phương pháp điều trị tiếp xúc hạn chế gồm 3-4 đợt mỗi tháng được hỗ trợ băng nghe và tài liệu đọc tại nhà là một lưa chọn thay thế ít tốn kém. Dùng quá nhiều thuốc giảm đau hay ergotamine làm giảm lợi ích điều trị. Bệnh nhân bị đau đầu liên tục ít đáp ứng với liệu pháp thư giãn hay phản hồi sinh học và bệnh nhân có kèm bệnh tâm thần mức độ đáng kể cũng ít đáp ứng với điều trị hành vi do không tác động đến bệnh lý này.

Giáo dục bệnh nhân và chăm sóc tại nhà là mấu chốt trong điều trị; bao gồm hướng dẫn về loại thức ăn nhai được và điều chỉnh hành vi trong các tư thế vô thức và thói quen nghiến và nghiền thức ăn.

3.3. Điều trị cơn đau

Trước tiên cần phải loại bỏ nguyên nhân gây đau đầu thứ phát. Sau đó có thể dùng các thuốc như:

- Thuốc giảm đau thông thường: aspirin, noramidopyrin, paracetamol...

- Các thuốc dãn cơ vân, có thể dùng dạng tiêm hoặc uống. Cần dùng thuốc sau bữa ăn. Thận trọng khi dùng thuốc cho người có bệnh lý dạ dày - tá tràng, trẻ em và người già. Không dùng cho bệnh nhân có bệnh nhược cơ.  

- Các thuốc an thần kinh như diazepam, sulpiride, tuy nhiên các thuốc này không nên dùng kéo dài vì có thể gây quen thuốc.

- Các thuốc có tác dụng tăng tuần hoàn não như piracetam, vinpocetin...

Botulinum toxin (BTX) tiêm vào cơ quanh sọ có tác dụng đối với bệnh nhân đau đầu căng cơ trong một nghiên cứu mở và trong 2 nghiên cứu kiểm soát giả dược mù đôi nhưng không thấy ở thấy tác dụng ở nghiên cứu thứ 3.

Tóm lại, khi có các triệu chứng đau đầu người bệnh cần đến khám tại các chuyên khoa thần kinh để xác định đúng nguyên nhân gây đau đầu và dùng thuốc phù hợp với tình trạng bệnh lý.

3.4. Một số hướng dẫn chăm sóc cho bệnh nhân khi bị đau đầu căng thẳng

- Hãy tắm nước ấm.

- Dùng một túi nước ấm hoặc túi nước đá chườm lên vùng đầu hoặc cổ bị đau.

- Hãy nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc. Đảm bảo giấc ngủ đầy đủ ngay cả trong ngày cuối tuần và ngày lễ.

- Tập thể dục thường xuyên và đều đặn. Duy trì thói quen 20-40 phút vận động thể dục 3 lần mỗi tuần có thể giảm bớt căng thẳng và ổn định các hoạt động trong cơ thể.

- Ăn uống đầy đủ và đều đặn. Không bỏ bữa ăn, đặc biệt là bữa ăn sáng.

- Hãy uống nhiều nước trong ngày.

- Nên loại bỏ các nguyên nhân gây stress, nên thư dãn sẽ giúp giảm đau nhiều.

- Tập thiền, yoga hoặc thái cực quyền sẽ giúp bạn có sự thư dãn tốt.

- Duy trì sự liên lạc thường xuyên với người thân, bạn bè.

- Đi du lịch, đi về các vùng đồng quê.

- Học các kỹ thuật quản lý cảm xúc và tư tưởng.

  


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI