Đái tháo đường trong thai kỳ
PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm BVQY 103, HVQY.
Đái tháo đường trong thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp glucose, hoặc đái tháo đường được phát hiện lần đầu tiên trong thời kỳ có thai.
Định nghĩa này áp dụng với mọi mức độ rối loạn dung nạp glucose và ngay cả khi glucose huyết tiếp tục tăng cao sau khi sinh. Định nghĩa này cũng không loại trừ trường hợp bệnh nhân đã có đái tháo đường từ trước khi có thai nhưng không được chẩn đoán, cho đến khi có thai mới được chẩn đoán. Sáu tuần sau khi sinh, bệnh nhân sẽ được đánh giá lại để xếp loại lại (vào nhóm đái tháo đường, hay rối loạn đường huyết lúc đói, hay rối loạn dung nạp glucose hay không có đái tháo đường...). Trong trường hợp đái tháo đường trong thai kỳ, đường huyết sẽ trở lại bình thường sau khi sinh 6 tuần. 30 - 50% số bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ sau này sẽ trở thành đái tháo đường thực sự hoặc týp 1 hoặc týp 2 sau 5-10 năm (đa số là týp 2).
Theo các thống kê thì có từ 2 - 10% phụ nữ có thai có nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ. Bệnh này có thể dẫn đến những biến chứng cho cả mẹ và thai nhi. Người mẹ mang thai từ tuần thai thứ 24 - 28 là thời điểm thường xuất hiện bệnh.
Triệu chứng:
Đái tháo đường thai kỳ thường không có triệu chứng rõ ràng, nhưng người mẹ mang thai sẽ gặp một số biểu hiện giống những người mắc bệnh đái tháo đường: Luôn cảm thấy khát nước và đi tiểu nhiều; vùng kín bị nấm men, ngứa ngáy, khó chịu; khó lành các vết trầy xước, vết thương; sụt cân không rõ nguyên nhân; cơ thể cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng và kiệt sức; nước tiểu có kiến bâu, ruồi đậu; tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường; mẹ bầu bị thừa cân, béo phì (chỉ số khối cơ thể - BMI trên 30); tuổi người mẹ trên 35; tiền sử bản thân có đái tháo đường thai kỳ trong lần mang thai trước; trước đây đã sinh một bé nặng trên 4,1 kg hoặc một thai chết lưu không rõ nguyên nhân.
Ảnh hưởng của đái tháo đường thai kỳ đối với mẹ:
Các biến chứng thai kỳ thường gặp như tiền sản giật, sản giật cao gấp 4 lần so với người bình thường, nhiễm trùng, băng huyết sau sinh; khó sinh: Đường trong máu người mẹ sẽ truyền sang bé, làm tuyến tụy của bé hoạt động nhiều hơn bình thường để sản xuất thêm insulin làm thai to, khó sinh; sinh non, thai chết lưu, đa ối, vỡ ối gây nguy hiểm đến mẹ và bé.
Ảnh hưởng của đái tháo đường thai kỳ đối với thai nhi:
Hội chứng hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh, do sau sinh tuyến tụy của bé vẫn tiếp tục sản xuất nhiều insulin để đáp ứng lượng đường dư thừa trước đây. Do đó, lượng đường trong máu của bé sẽ xuống thấp gây nên tình trạng hạ đường huyết. Một số trường hợp gây ra tình trạng co giật dẫn đến hôn mê và tổn thương não; thai nhi có nguy cơ dị tật hoặc tử vong, thai to, giảm sự trưởng thành của phổi gây suy hô hấp sau sinh; em bé có thể bị sinh non khi phổi chưa phát triển đầy đủ cũng gây suy hô hấp; Nếu mẹ bị thừa cân và đái tháo đường trước khi mang thai, em bé sinh ra có nguy cơ thừa cân gấp 3,5 lần so với những bé khác; thai nhi có nguy cơ bị các dị tật bẩm sinh ở hệ tiết niệu, hệ thần kinh, tim mạch; bé cũng dễ bị vàng da trong 28 ngày đầu sau sinh.
Cách phòng tránh đái tháo đường thai kỳ
Cho đến nay vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính gây ra đái tháo đường thai kỳ. Một số nguyên nhân như mẹ tăng cân nhiều, thay đổi hormone thai kỳ được cho là có liên quan đến chứng bệnh này. Để hạn chế tối đa nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ, người mang thai có thể phòng ngừa bằng cách cải thiện chế độ ăn uống, luyện tập cũng như có kế hoạch chuẩn bị trước khi mang thai.
Chế độ tập luyện: cần thực hiện các hoạt động thể dục, các bài tập nhẹ nhàng, tập yoga, đi bộ, bơi, đạp xe đạp cũng giúp kiểm soát được lượng đường trong máu, tăng lưu thông khí huyết và hỗ trợ sự phát triển của thai nhi trong bụng. Nên đi bộ khoảng từ 20 - 30 phút sau bữa ăn. Việc tập luyện mỗi ngày sẽ giúp cơ thể dễ dàng dung nạp glucose, đẩy lùi đái tháo đường, khắc phục triệu chứng đau lưng, chuột rút...
Chế độ ăn uống: nên chia nhỏ các bữa ăn thành 5 - 6 bữa một ngày với 3 bữa chính và 2 - 4 bữa phụ. Các bữa ăn nên cố định vào một thời gian và khối lượng tương tự nhau giữa các ngày. Khẩu phần ăn: tổng lượng tinh bột trong mỗi phần ăn của mẹ bầu chỉ nên tối đa là 62g. Không ăn nhiều đồ ngọt. Khi được phát hiện đái tháo đường thai kỳ, cần được bác sĩ chuyên khoa tư vấn theo dõi.