U xơ tử cung, chẩn đoán và điều trị

Cập nhật: 12/09/2017 Lượt xem: 7800

U xơ tử cung, chẩn đoán và điều trị

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103, HVQY

Uterine fibroids.jpg

Hình 1. U xơ tử cung

1. Đại cương

1. Khái niệm

U xơ tử cung (Uterine fibroids hay uterine leiomyoma, myoma, fibromyoma fibroleiomyoma) là khối u lành tính phát triển từ cơ trơn tử cung, u gồm tổ chức liên kết và cơ trơn tử cung nên được gọi là u xơ tử cung.  U là những khối u tròn, đặc, mật độ chắc, mầu trắng ngà giới hạn rõ với lớp cơ tử cung bao quanh có mầu hổng. Có thể có một hoặc nhiều u xơ ở nhiều vị trí khác nhau trên thành tử cung. Các khối u có thể to nhỏ khác nhau. U xơ tử cung giới hạn với thành tử cung bởi một lớp vỏ bọc và một lớp tổ chức liên kết lỏng lẻo, từ lớp vỏ này có những mạch máu nhỏ đi vào khối u. Trong u thấy các sợi xơ, sợi cơ và tổ chức liên kết đan xen lẫn nhau và xếp thành hình xoáy ốc. Đây là bệnh rất hay gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản từ 30 đến 50 tuổi.

Nguyên nhân của bệnh chưa rõ, có nhiều giả thuyết cho rằng u xơ tử cung có liên quan đến:

- Yếu tố di truyền: Có bằng chứng cho thấy rằng u xơ có xu hướng xảy ra theo gia đình và trẻ sinh đôi cùng trứng có khả năng cùng bị u xơ cao hơn trẻ sinh đôi khác trứng.

- Nội tiết tố: Estrogenprogesterone là hai hormone kích thích sự phát triển của nội mạc tử cung trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt để chuẩn bị cho sự mang thai, dường như đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của u xơ. U xơ có nhiều thụ thể estrogen và progesterone hơn các tế bào cơ tử cung bình thường và có xu hướng teo lại sau mãn kinh do sự suy giảm hormone.

- Các yếu tố tăng trưởng: Các yếu tố giúp cơ thể duy trì nội môi, chẳng hạn như yếu tố tăng trưởng giống insulin, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của u xơ.

- Môi trường, thực phẩm, rối loạn nội tiết, béo phì.....

1.2. Cơ chế bệnh sinh và sự tiến triển

Hiện tại chưa biết chính xác bệnh sinh của u xơ tử cung. Tuy nhiên u xơ là khối u lệ thuộc chủ yếu vào estrogen và một phần progesterone, có nhiều thụ thể nhạy cảm với hai loại nội tiết tố này trong khối u.

U thường phát triển ở thời kỳ sinh sản của người phụ nữ, có thể có một đến rất nhiều u xơ ở một người và trong nhiều trường hợp khối u xơ có thể chiếm toàn bộ tử cung thậm chí cả ổ bụng. Sau tuổi mãn kinh, do nội tiết tố đã bị suy giảm nên u xơ thường nhỏ đi nhưng không mất hẳn.

- Có bốn loại u xơ tử cung sau:

  + U xơ dưới thanh mạc: phát triển từ tử cung và hướng ra phía ngoài;

+ U xơ trong vách: loại u này phát triển từ trong thành tử cung và có thể làm cho tử cung to lên;

+ U xơ dưới niêm mạc: đây là loại u phát triển trong nội mạc tử cung và có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, do đó dẫn đến vô sinh và sẩy thai;

+ U xơ tử cung có cuống: loại u này tách ra khỏi tử cung nhưng vẫn còn dính bởi 1 cuống nhỏ với tử cung.

Kết quả hình ảnh cho u xơ tử cung Kết quả hình ảnh cho u xơ tử cung

Hình 2. Các loại u xơ tử cung.

U có thể ở thân tử cung, ở eo tử cung (thường gây chèn ép các tạng xung quanh), ở cổ tử cung (thường phát triển về phía âm đạo dưới dạng polyp).

- U có thể tiến triển thoái hóa như:

+ Thoái hóa kính: lõi khối u hóa thành một chất dịch màu nâu.

+ Thoái hóa dạng nang: lõi khối u hóa thành một chất dịch màu trắng đục.

+ Có thể tiến triển thoái hóa vôi: thường vôi hóa vỏ khối u tiến dần về lõi khối u, thường gặp ở người phụ nữ lớn tuổi.

- U xơ tử cung có thể bị nhiễm trùng và hoại tử sau sẩy thai, nạo phá thai, hay trong thời kỳ hậu sản.

- Trong lúc mang thai, các mạch máu phát triển không kịp so với sự tăng nhanh kích thước của u, khiến khối u bị thiếu máu và hoại tử. U ở tình trạng này có đặc điểm là hoại tử vô khuẩn.

- U xơ tử cung cũng có thể tiến triển thoái hóa mỡ hay tiến triển ung thư hóa, tỷ lệ chiếm 2/1000 trong tất cả các loại u xơ tử cung, tuy nhiên có nhiều tài liệu cho thấy tỉ lệ u thoái hóa ác có thể cao hơn: 1/493 các loại u xơ.

2. Lâm sàng

2.1. Triệu chứng ngoài thời kỳ mang thai

- Đau bụng dưới: chủ yếu là vùng tử cung, đặc biệt là vào các kì kinh nguyệt.

- Đau khi quan hệ tình dục: Cơn đau kéo dài khi quan hệ tình dục.

- Xuất huyết âm đạo như: rong kinh (kinh kéo dài), rong huyết (xuất huyết ngoài chu kỳ hành kinh), cường kinh (lượng kinh rất nhiều).

- Với u to có thể sờ nắn thấy, sờ nắn u sẽ thấy đau, cộm. 

- Thấy buồn tiểu nhiều do u đè ép vào bàng quang, thường là các khối u vùng eo tử cung. Nếu u to quá chèn ép vào niệu quản sẽ gây ra thận ứ nước. Nếu u ép đến trực tràng, người bệnh có nguy cơ trĩ và táo bón. 

- Khó thụ thai và lâu có con (hiếm muộn).

2.2. Triệu chứng trong thời kỳ mang thai

- Sẩy thai.

- Ngôi thai bất thường nên khó sinh đường âm đạo làm tăng nguy cơ sinh mổ.

- Thai chậm tăng trưởng thậm chí suy dinh dưỡng.

- Dễ gây băng huyết do một phần khối u xơ tử cung to làm chậm sự co hồi của tử cung sau sanh.

2.3. Chẩn đoán

Siêu âm: là phương pháp thường qui giúp tầm soát và phát hiện u xơ, có thể siêu âm qua thành bụng, siêu âm qua đường âm đạo.

MRI: Giúp đánh giá các đặc điểm của khối u xơ và sự tưới máu của khối u xơ tử cung.

3. Điều trị

Phần lớn u xơ không cần điều trị, chỉ cần đi khám định kỳ để theo dõi sự phát triển của u xơ.

3.1. Điều trị nội khoa

Thuốc điều trị u xơ tử cung thực chất là các loại nội tiết tố sinh dục, được đưa tạm thời vào cơ thể bệnh nhân để gây ức chế buồng trứng tạm thời không tiết estrogen, nhằm làm cho khối u nhỏ lại (giống như tình trạng mãn kinh). Sau khi ngưng thuốc, buồng trứng sẽ làm việc trở lại và sẽ kích thích khối u tiếp tục phát triển. Phương pháp này chỉ áp dụng cho các khối u lớn chờ phẫu thuật hoặc các u giàu tưới máu giúp làm giảm nguy cơ chảy máu nhiều khi phẫu thuật và thủ thuật.

- Orgametrin 5mg/ ngày uống tử ngày thứ 16 – 21 của vòng kinh, uống liền 6 chu kỳ. Sau đó phải kiểm tra kích thước khối u có nhỏ hay không.

- Noristera 200mg tiêm bắp 3 tháng một lần, dùng vài đợt.

- Depo provera hoặc DPMA 150mg tiêm bắp 3 tháng 1 lần, dùng vài đợt sau đó kiểm tra kích thước của nhân xơ.

Một số các chất từ thực vật có thể hạn chế sự phát triển của khối u như lá cây Trinh nữ hoàng cung (Nga phụ khang).

31-chua-u-xo-tu-cung-bang-cay-la

Hình 3. Cây trinh nữ hoàng cung.

3.2. Phẫu thuật

- Mổ mở: Mổ mở qua thành bụng ngoài phúc mạc.

- Mổ nội soi: Mổ nội soi qua thành bụng hoặc mổ nội soi qua đường âm đạo.

 Có hai cách chính để loại bỏ khối u xơ tử cung: cắt bỏ tử cung bán phần hay hoàn toàn và mổ bóc u xơ chọn lọc. Nếu cắt tử cung sẽ làm mất vĩnh viễn khả năng có thai nên chỉ áp dụng đối với các trường hợp u quá to có chảy máu nhiều trong lúc phẫu thuật và phụ nữ đã sinh đủ số con hoặc không mong muốn có con trong tương lai.

Hình ảnh có liên quan

Hình 4. Phẫu thuật mở cắt một u xơ tử cung nặng hơn 4kg.

3.3. Phương pháp can thiệp làm thuyên tắc mạch máu

 Dùng catheter đưa từ động mạch đùi lên vào động mạch tử cung rồi bơm chất gây tắc mạch. Phương pháp này làm tắc các động mạch nuôi các u xơ tử cung, chỉ áp dụng cho các u xơ tử cung giàu mạch máu. Sau tắc mạch thường sẽ rất đau do khối u xơ tử cung bị hoại tử nhồi máu.

Hình ảnh có liên quan Kết quả hình ảnh cho u xơ tử cung

Hình 5. Thủ thuật gây tắc mạch điều trị u xơ tử cung.

Tuy nhiên phương pháp này có nguy cơ sẽ tắc các nhánh cấp máu cho buồng trứng hoặc các vùng cơ tử cung lành nên có một tỉ lệ vô kinh thậm chí vô sinh sau tắc mạch. Phương pháp này nên áp dụng cho các trường hợp khối u xơ tử cung giàu mạch máu và người phụ nữ đã đủ số con hoặc không mong muốn có thêm con trong tương lai.

3.4. Phương pháp điều trị MRI HIFU (Magnetic resonance guided high intensity focused ultrasound - siêu âm tập trung cường độ cao dưới định vị của cộng hưởng từ).

Hình ảnh có liên quan

 

Kết quả hình ảnh cho Phương pháp điều trị MRI HIFU

Hình 6. Điều trị u xơ tử cung bằng phương pháp MRI HIFU.

Phương pháp này là dùng sóng siêu âm cường độ cao hội tụ tại khối u, tạo hiệu ứng nhiệt để đốt tế bào khối u dưới định vị bằng hình ảnh cộng hưởng từ, phần mô tế bào hoại tử do nhiệt sẽ được cơ thể hấp thu theo con đường thực bào. Sau điều trị, chụp lại MRI vùng chậu để đánh giá lại kết quả và nhận định sự thu nhỏ dần của khối u định kỳ theo thời gian 06 tháng, 12 tháng, 24 tháng. Có khoảng 20% số bệnh nhân cần phải điều trị bổ sung sau 12 tháng điều trị bằng MRI HIFU.

Đây là phương pháp điều trị u xơ tử cung tiên tiến nhất hiện nay, giúp loại trừ mô đích bất thường trong cơ thể mà không cần phẫu thuật, không chảy máu, không để lại sẹo, không ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, giúp bảo tồn tử cung, độ an toàn cao. Hôm sau có thể làm việc trở lại. Phương pháp này chỉ áp dụng cho các loại u xơ tử cung nghèo mạch máu nuôi, không áp dụng cho các u xơ tử cung giàu mạch máu.

Mỗi phương pháp điều trị đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Điều quan trọng là các bệnh nhân u xơ tử cung đã có biến chứng thì trước khi chọn bất kỳ một phương pháp điều trị nào cần chụp cộng hưởng từ vùng chậu để đánh giá chính xác đặc điểm của khối u xơ tử cung cũng như mức độ tưới máu của u xơ tử cung.

 

Tài liệu tham khảo:

1. https://vi.wikipedia.org/wiki/U_x%C6%A1_t%E1%BB%AD_cung

2. http://www.yersinclinic.com/vi/document/795/u-xo-tu-cung

3. http://news.zing.vn/cat-bo-thanh-cong-khoi-u-xo-tu-cung-nang-nhat-the-gioi-post769641.html

4. https://www.slideshare.net/thinhtranngoc98/2-u-xo-tu-cung

5. http://www.webtretho.com/forum/f92/u-xo-tu-cung-trong-thai-ky-nhung-dieu-ba-bau-can-biet-2152493/

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI