Tiền sản giật và sản giật ở người có thai
PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103, HVQY
Tiền sản giật và sản giật là một biến chứng nguy hiểm có thể gây tử vong cho cả mẹ và thai nhi, những hiểu biết về tiền sản giật và giản giật của các bà mẹ mang thai có thể giúp các mẹ phát hiện sớm để đi khám, theo dõi và điều trị kịp thời là rất cần thiết.
Tiền sản giật là tình trạng thai phụ có các triệu chứng là yếu tố nguy cơ gây ra sản giật. Sản giật là giai đoạn tiếp theo của tiền sản giật tiến triển. Tuy nhiên, không phải tất cả các bệnh nhân tiền sản giật sẽ tiến triển đến sản giật, mà chỉ gặp 15-20% tiền sản giật dẫn đến sản giật. Triệu chứng đặc trưng của sản giật là cơn co giật toàn thể, thường xảy ra trong tuần đầu của kỳ sinh đẻ. Khoảng 50% xảy ra trước khi đau đẻ, 25% trong khi đau đẻ, và 25% trong khi đẻ và sau khi đẻ. Sản giật có thể xảy ra trong vòng 48 giờ trước đẻ, nhưng cũng có thể 2-3 tuần sau đẻ.
Biểu hiện lâm sàng của tiền sản giật:
- Tăng huyết áp:
Khi huyết áp tâm trương trên 90 mmHg, từ tuần thứ 20 của thai kỳ. Huyết áp tâm thu ít giá trị cho chẩn đoán và tiên lượng. Mức huyết áp thông thường 140/90 mmHg hoặc hơn trong ba tháng cuối của thai kỳ. Bệnh nhân có thể đau đầu, rối loạn thị lực, tăng phản xạ gân xương. Cần chẩn đoán phân biệt người có thai sinh ra tăng huyết áp với người có tăng huyết áp nguyên phát có thai. Nếu là người có tăng huyết áp nguyên phát có thai, thì huyết áp tăng từ trước khi có thai, hoặc trong nửa đầu kỳ thai đã có tăng huyết áp (huyết áp tâm trương trên 90 mmHg), huyết áp tăng thường xuyên. Trường hợp này tăng huyết áp không phải triệu chứng thuộc tiền sản giật. Trong trường hợp trước khi có thai và nửa đầu của thai kỳ (20 tuần đầu) không được theo dõi huyết áp thì chẩn đoán phân biệt trở nên khó khăn. Vì vậy, các bà mẹ trước khi dự định có thai hoặc khi biết có thai cần được kiểm tra huyết áp và sức khỏe nói chung nhất là bệnh thận.
- Protein niệu:
Đi kèm với tăng huyết áp là xuất hiện protein trong nước tiểu ở ba tháng cuối. Ngưỡng protein niệu được coi là dương tính ở phụ nữ có thai là 0,3g/24giờ trở lên. Mức độ protein niệu phản ánh mức độ nặng của bệnh, và có liên quan với tỉ lệ tử vong chu sinh và tỉ lệ phát triển chậm của trẻ. Khi khám thai, thai phụ cần được làm xét nghiệm nước tiểu để tầm soát protein niệu. Mặc dù protein niệu phản ánh mức độ nặng của bệnh, nhưng protein niệu âm tính cũng không loại trừ được mức độ nặng của tiền sản giật. Bệnh nhân có thể có tăng huyết áp nặng, với huyết áp tâm trương vượt quá 110 mmHg mà không có protein niệu. Bệnh nhân có protein niệu, nhưng không có tăng huyết áp, có thể vẫn là biểu hiện bệnh tiền sản giật nặng, và thường kết hợp với trẻ chậm phát triển sau sinh.
- Một số triệu chứng khác:
Phù là một triệu chứng trong tam chứng kinh điển của tiền sản giật (tăng huyết áp, protein niệu và phù). Phù xảy ra chủ yếu ở phụ nữ tiền sản giật, kết hợp với tăng nhanh trọng lượng của người mẹ. Tuy nhiên tiền sản giật nặng và sản giật có thể xảy ra mà không có phù. Các nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ tử vong chu sinh ở phụ nữ tiền sản giật không có phù lớn hơn ở nhóm tiền sản giật có phù. Phù cũng là đặc điểm của người có thai bình thường. Tỉ lệ người có thai sinh ra tăng huyết áp không có sự khác biệt giữa người có phù và người không có phù. Phù có thể xảy ra mà không có tiền sản giật. Vì vậy, mặc dù phù thường là đặc điểm của người có thai sinh ra tăng huyết áp và tiền sản giật, nhưng nó ít giá trị như là một đặc trưng cho chẩn đoán. Tăng acid uric máu là một triệu chứng đặc trưng cho chẩn đoán tiền sản giật. Tăng huyết áp kết hợp với tăng acid uric máu, thường có tỉ lệ tử vong chu sinh cao hơn so với người có thai có cùng mức độ tăng huyết áp, nhưng không có tăng acid uric máu. Số lượng tiểu cầu ở người có thai sinh ra tăng huyết áp thường thấp ở ba tháng giữa kỳ thai, do có sự tiêu hủy tiểu cầu. Nhưng vì số lượng tiểu cầu ở người có thai bình thường giao động trong một khoảng rộng, vì vậy số lượng tiểu cầu ít có giá trị chẩn đoán. Mặc dù vậy, đếm số lượng tiểu cầu nhiều lần kết hợp với những đặc điểm khác sẽ có ích hơn.
Sản giật:
Sản giật là giai đoạn tiếp theo của tiền sản giật tiến triển. Triệu chứng đặc trưng của sản giật là cơn co giật toàn thể, thường xảy ra trong tuần đầu của kỳ sinh đẻ. Sản giật thường kết hợp với tăng huyết áp, mặc dù có thể tăng huyết áp không nặng. Protein niệu thường âm tính khoảng 20-40% số bệnh nhân sản giật. Bệnh nhân thường không có triệu chứng báo trước cơn co giật, hoặc có thể có vài triệu chứng báo trước như đau đầu, đau thượng vị, rối loạn thị lực, tăng acid uric máu, các xét nghiệm chức năng gan rối loạn. Huyết khối tiểu cầu và rối loạn đông máu cũng có thể gặp. Vì vậy, khó chẩn đoán trước cơn co giật sẽ xảy ra, tuy nhiên các triệu chứng báo hiệu trên có thể có ích, nhất là các triệu chứng đau đầu, đau thượng vị, nôn ở người có thai có tiền sản giật. Tăng huyết áp và protein niệu ở người có thai cần được điều trị tích cực để dự phòng sản giật. Các xét nghiệm thường lệ bao gồm, nồng độ acid uric máu, xét nghiệm chức năng gan, số lượng tiểu cầu và dấu hiệu tan máu khi xét nghiệm phết kính. Nếu các xét nghiệm trên rối loạn, được gọi là hội chứng HELLP (Hemolysis with microangiocytic smear, Elivatid Liver enzymes, and a Low Platelet count: tan máu khi xét nghiệm phết kính, tăng men gan và giảm số lượng tiểu cầu). Hội chứng HELLP phản ánh tình trạng thiếu máu gan do tắc mạch.
Chẩn đoán:
Chẩn đoán có thai sinh ra tăng huyết áp khi nửa đầu thai kỳ (20 tuần đầu) huyết áp bình thường, nhưng huyết áp tăng vào nửa sau của thai kỳ (huyết áp tâm trương trên 90 mmHg). Nếu không có protein niệu thì đây là thể nhẹ hoặc trung bình. Trong trường hợp trước khi có thai và nửa đầu của thai kỳ (20 tuần đầu) không được theo dõi huyết áp thì chẩn đoán phân biệt trở nên khó khăn. Trường hợp này, xét nghiệm acid uric máu có thể giúp ích nhiều. Người có thai sinh ra tăng huyết áp thường có acid uric máu tăng, còn người tăng huyết áp mạn tính có thai thì nồng độ acid uric máu thường là bình thường.
Tiền sản giật và sản giật là biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và con. Tiền sản giật nếu không được điều trị, thường có tỉ lệ sinh non và thai chết lưu tăng. Bệnh nhân bị tiền sản giật nặng hoặc sản giật, có tỉ lệ tử vong chu sinh tăng vì chảy máu trong sọ. vì vậy các bà mẹ mang thai cần đi khám định kỳ để được theo dõi và điều trị tích cực.