Bệnh giun tóc (Trichuriasis)

Cập nhật: 30/04/2019 Lượt xem: 3564

ệnh giun tóc (Trichuriasis)

1. Tác nhân gây bệnh

- Tác nhân: giun tóc (Trichuris trichiura).

- Hình thể: giun tóc được chia làm 2 phần rõ rệt, phần đầu dài và nhỏ chiếm 2/3 chiều dài cơ thể, phần thân còn lại ngắn và phình to. Giun tóc có màu hồng nhạt hoặc trắng sữa. Giun cái dài 30 - 50 mm, giun đực dài 30 - 45 mm. Đuôi giun tóc cái thường thẳng, đuôi giun đực thường cong và có một gai sinh dục.

         

Giun tóc Trichuris trichiura và trứng giun.

- Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài: trứng giun tóc bắt buộc phải có thời gian phát triển ở ngoại cảnh mới có khả năng gây nhiễm cho người. Thời gian để trứng giun phát triển thành trứng mang ấu trùng là 17 - 30 ngày ở nhiệt độ thích hợp 25 - 300C, độ ẩm trên 80% và có oxy. Trứng giun tóc có khả năng phát triển trong dung dịch acide chlohydric 10% tới 3 tuần, trong dung dịch acid nitric 10% và formalin 10% tới 9 ngày. Tuy nhiên, dễ bị hỏng dưới tác dụng của ánh nắng mặt trời, nhiệt độ trên 500C trứng giun sẽ chết. Trong quá trình thực hiện chu kỳ, ấu trùng giun tóc không có giai đoạn chu du như ấu trùng giun đũa, giun móc/giun mỏ.

2. Đặc điểm dịch tễ học

-  Bệnh giun tóc lưu hành ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Dân ở nông thôn nhiễm cao hơn dân ở thành thị, đặc biệt là dân có tập quán dùng phân người bón ruộng.

-  Một số đặc điểm dịch tễ nhiễm giun tóc khác với giun đũa và giun móc/giun mỏ: Lứa tuổi dưới 1 tuổi hầu như không thấy nhiễm giun tóc, nguyên nhân có thể do mầm bệnh trong đất thấp hơn giun đũa. Lứa tuổi 2 - 3 tuổi có tỷ lệ nhiễm giun tóc thấp, chứng tỏ giun tóc thường nhiễm muộn. Tỷ lệ nhiễm tăng dần theo lứa tuổi trên 3 tuổi nhưng không có hiện tượng tăng vọt. Tỷ lệ nhiễm giun tóc ở nam và nữ xấp xỉ nhau.

3. Nguồn lây nhiễm

- Ổ chứa: ổ chứa giun tóc là người.

- Thời gian ủ bệnh: không rõ ràng. Người nuốt phải trứng giun tóc, khi đến ruột non trứng nở, giải phóng ấu trùng, ấu trùng chui qua thành ruột vào máu, di chuyển đến phế nang phổi và phát triển lớn lên tại phổi, sau đó lên khí quản và được nuốt lại vào dạ dày. Tại manh tràng, ấu trùng phát triển thành giun tóc trưởng thành. Thời gian từ khi nuốt phải trứng có ấu trùng đến khi có các triệu chứng đầu tiên ở phổi từ 5 - 14 ngày.

- Thời kỳ lây truyền: là khoảng thời gian sống của giun cái trưởng thành từ khi được thụ tinh. Thời gian từ khi nuốt phải trứng có ấu trùng đến khi giun trưởng thành đẻ trứng khoảng 45 - 60 ngày. Giun cái có khả năng đẻ tới 2.000 trứng/ngày. Đời sống của giun tóc từ 5 - 6 năm nếu không được điều trị.

4. Phương thức lây truyền

Qua đường ăn uống: người bị nhiễm giun tóc do ăn, uống phải trứng giun tóc đã phát triển ở ngoại cảnh tới giai đoạn ấu trùng. Tất cả mọi người đều có thể nhiễm giun tóc.

5. Đặc điểm lâm sàng

- Hầu hết không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu. Một số Bệnh nhân có hội trứng giống lỵ: đau bụng vùng đại tràng, mót rặn, đại tiện nhiều lần/ngày, phân ít và có nhiều chất nhầy lẫn máu lờ lờ như máu cá. Bệnh nhân nhiễm giun tóc có thể bị nổi mẩn dị ứng, nhiễm nhiều và kéo dài có thể gây thiếu máu nhược sắc, tim có tiếng thổi tâm thu và bị phù nhẹ. 

Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh tương tự: cần phân biệt với các bệnh lỵ amip, thiếu máu khác.

- Xét nghiệm:
+  Loại mẫu bệnh phẩm: phân.

+  Phương pháp xét nghiệm: kỹ thuật Kato hoặc Kato-Katz. Trứng giun tóc có hình quả cau bổ dọc, màu vàng đậm, vỏ dày, dạng hình nút ở 2 đầu, kích thước 22 × 50mm.

   

Trứng giun tóc.

6. Điều trị

Điều trị giun tóc thường khó vì phần đầu giun cắm vào niêm mạc ruột.

- Chọn thuốc có tác dụng với nhiều loại giun, ít độc, dùng một liều duy nhất vẫn đạt hiệu quả cao.

- Điều trị nhiễm giun tóc đơn thuần: albendazole 400 mg/ngày × 3 ngày hoặc dùng mebendazole 100 mg/lần × 2 lần/ngày × 3 ngày.

- Điều trị nhiễm giun tóc phối hợp giun móc/giun mỏ: albendazole 400 mg/ngày × 3 ngày hoặc dùng mebendazole 500 mg/ngày × 3 ngày.

Chú ý: albendazole và mebendazole chống chỉ định với trẻ dưới 2 tuổi, phụ nữ có thai 3 tháng đầu hoặc cho con bú, người có tiền sử mẫn cảm với Benzimidazol, người có tiền sử nhiễm độc tuỷ xương. Thận trọng khi điều trị cho người suy gan, suy thận

7. Các biện dự phòng

Vệ sinh môi trường, đặc biệt là khu vực gần nhà, trong nhà và khu vực vui chơi của trẻ em. Xây dựng hố xí hợp vệ sinh. Xây dựng nếp sống vệ sinh cá nhân: rửa tay trước khi ăn hoặc chuẩn bị thức ăn, không ăn rau sống khi chưa rửa thật sạch.
Dự phòng cho đối tượng nguy cơ cao: Tẩy giun định kỳ 2 lần/năm cách nhau 4 - 6 tháng.

Tài liệu tham khảo:

http://vncdc.gov.vn/vi/danh-muc-benh-truyen-nhiem/1109/cac-benh-do-giun

https://xetnghiemdakhoa.com/diendan/showthread.php?tid=473


 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI