Bệnh giun xoắn (Trichinelliasis)

Cập nhật: 30/04/2019 Lượt xem: 3258

Bệnh giun xoắn (Trichinelliasis)

1. Tác nhân gây bệnh

- Tác nhân là: giun xoắn (Trichinella spiralis) là loại giun tròn, ký sinh ở ruột non.

- Hình thái: giun xoắn đực trưởng thành dài 1,4 - 1,6mm, giun cái dài 3 - 4mm. Ấu trùng giun xoắn ký sinh tại các tổ chức cơ, được bọc bởi màng bao tạo thành kén (giun bao). Màng kén của ấu trùng có 2 lớp, màu trong, hình bầu dục hoặc hình tròn tuỳ loại vật chủ khác nhau.

   

Giun xuắn và ấu trùng giun xoắn trong cơ vân.

- Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài: ấu trùng giun xoắn trong kén có sức đề kháng rất cao. Trong thịt súc vật đã thối rữa, ấu trùng có thể sống được 2 - 5 tháng trong kén. Nếu ra khỏi kén, ấu trùng sẽ chết sau vài giây ở nhiệt độ 45 – 700C. Ở nhiệt độ -200C, ấu trùng chết sau 20 ngày.

2. Dịch tễ học 

Bệnh giun xoắn có thể gặp ở khắp nơi trên thế giới, tỷ lệ mắc phụ thuộc vào tập quán ăn sống, ăn tái. Ở những vùng mổ lợn không có kiểm tra của Thú y và dân có tập quán ăn sống, ăn tái, ăn tiết canh lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa nấu chín sẽ mắc bệnh giun xoắn với tính chất thành dịch. 

3. Nguồn lây nhiễm

- Ổ chứa: Chủ yếu là lợn, các loài khác như chuột, chó, mèo và nhiều loại thú hoang như cáo, lợn rừng v.v.

- Thời gian ủ bệnh: Các triệu chứng điển hình thường xuất hiện sau 5 - 15 ngày kể từ khi ăn phải thịt nhiễm ấu trùng giun xoắn và tuỳ thuộc lượng ấu trùng giun xoắn ăn phải nhiều hay ít. Thời gian ủ bệnh có khi kéo dài tới 45 ngày nếu nhiễm ít ấu trùng.

- Thời kỳ lây truyền: Người ăn phải thịt nhiễm kén có ấu trùng giun xoắn chưa nấu chín, ấu trùng sẽ thoát kén tại dạ dày và sau 1-2 giờ di chuyển đến ruột non. Ở ruột non, sau 24 giờ, ấu trùng phát triển thành giun trưởng thành và xâm nhập ký sinh trong niêm mạc ruột non. Sau 4-5 ngày, giun cái có thể đẻ ấu trùng. Một giun xoắn cái có thể đẻ từ 500 - 1.000 ấu trùng trong thời gian khoảng 4-6 tuần. ấu trùng xâm nhập hệ tuần hoàn đến tim trái và tới các tổ chức cơ vân, cơ hoành... ký sinh, tạo kén. Sau 10 - 15 ngày, các kén có ấu trùng này có khả năng lây nhiễm. Sau 6 - 9 tháng, kén sẽ bị vôi hoá dần. Kén giun xoắn trong tổ chức cơ có thể tồn tại vài năm, thậm chí tới 20 - 30 năm và vẫn có khả năng lây nhiễm.

   

Kén ấu trùng giun xoắn trong cơ vân (1), thớ cơ vân (2).

4. Phương thức lây truyền

- Qua đường ăn uống: ăn sống, ăn tái, ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt (chủ yếu là thịt lợn) nhiễm ấu trùng giun xoắn chưa nấu chín kỹ. Tất cả mọi người đều có thể nhiễm giun xoắn.

- Giun xoắn không lây truyền trực tiếp từ người sang người.

 

Thịt lợn có ấu trùng (các nốt trắng).

5. Biểu hiện lâm sàng

Biểu hiện lâm sàng của nhiễm giun xoắn có 4 triệu chứng cơ bản:

- Phù mi mắt là dấu hiệu sớm và đặc trưng của bệnh, đôi khi phù cả đầu hoặc lan xuống cổ và chi trên. Đôi khi phù mi kèm theo xuất huyết dưới giác mạc, võng mạc.

- Đau cơ xuất hiện khi thở sâu, ho, khi nhai, nuốt, đại tiện, đau cả mặt và cổ, đau khi vận động và cả khi ăn, nói. Do đau dẫn đến co cứng cơ và hạn chế vận động.

- Sốt nhẹ sau tăng dần, sau 2-3 ngày thân nhiệt lên tới 39-40oC.

- Tăng bạch cầu ái toan ngay từ những ngày đầu và cao nhất vào tuần thứ 3 của bệnh và kéo dài tới 2-4 tháng sau khi khỏi bệnh. Thể nhẹ, bạch cầu ái toan tăng 15-30%; thể nặng tăng tới 50-60%.

Ngoài ra có thể gặp các triệu chứng khác như tiêu chảy, khát nước, ra mồ hôi nhiều, cảm giác ớn lạnh và mệt mỏi kiệt sức.

Các biến chứng về tim mạch và thần kinh: trường hợp nặng, tử vong do suy cơ tim có thể xảy ra ngay tuần đầu hoặc tuần thứ 2. Các biến chứng có thể xuất hiện ở tuần thứ 3 thứ 4 của bệnh như viêm cơ, viêm phổi, viêm não gây tử vong. Tuỳ theo mức độ nhiễm ấu trùng giun xoắn, tỷ lệ tử vong từ 6-30%.

- Chẩn đoán xác định bệnh: tìm kháng thể kháng ấu trùng giun xoắn trong huyết thanh bằng phản ứng ngưng kết bổ thể, miễn dịch huỳnh quang hoặc ELISA dương tính, công thức máu có bạch cầu ái toan tăng cao. Ở giai đoạn đầu của bệnh có thể thấy giun xoắn trưởng thành trong phân. Ở giai đoạn toàn phát, sinh thiết cơ vận động có thể thấy những nang ấu trùng giun xoắn.
- Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh tương tự: cần phân biệt với nhiễm xoắn khuẩn leptospira, viêm da, viêm phế quản dị ứng, viêm phổi, cúm...

- Xét nghiệm:

+  Loại mẫu bệnh phẩm: máu

+  Phương pháp xét nghiệm: phản ứng ngưng kết bổ thể hoặc miễn dịch huỳnh quang hoặc ELISA. Sinh thiết cơ vận động sau ngày thứ 10 kể từ khi phát bệnh (thường gặp vào tuần thứ 4-5).

6. Điều trị

Thuốc điều trị giun xoắn:

- Praziquantel (Biltricid, Distocid) liều 10 mg/kg cân nặng/ngày × 2 ngày hoặc liều 75 mg/kg cân nặng/ngày chia làm 3 lần. Có thể kết hợp với corticoid để làm giảm phản ứng dị ứng.

- Albendazole hoặc  liều 15 mg/kg cân nặng/ngày × 7 ngày.

- Mintezol (Thiabendazol) liều 25 mg/kg cân nặng/ngày × 24 ngày (chia làm 2 lần sau khi ăn). Mintezol có thể gây chậm tiêu, chóng mặt, đau thượng vị hoặc buồn nôn. Không dùng cho phụ nữ có thai hoặc cho con bú.

7. Phòng bệnh

- Ăn chín, uống nước đã đun sôi, đặc biệt ở các vùng dân có tập quán ăn sống, tái, ăn tiết canh.

- Thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân: Nhiễm giun xoắn là một quá trình nhiễm độc dị ứng dẫn đến viêm dị ứng toàn bộ mao mạch, hoại tử tế bào cơ vân và thiếu oxy tổ chức gây suy tim, suy gan cấp, suy hô hấp hoặc rối loạn ý thức. Bệnh nhân nhiễm giun xoắn cần được điều trị tại các cơ sở y tế để điều trị thuốc đặc hiệu và điều trị các triệu chứng, biến chứng do giun xoắn gây ra.

- Dự phòng cho đối tượng nguy cơ cao: xét nghiệm chẩn đoán cho những người đã ăn loại thịt nghi ngờ nhiễm giun xoắn.

- Xử lý môi trường: tịch thu và tiêu huỷ thịt hoặc những sản phẩm từ thịt đã bị nhiễm giun xoắn. Tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm trong giết mổ súc vật, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa.

Tài liệu tham khảo:

http://vncdc.gov.vn/vi/danh-muc-benh-truyen-nhiem/1109/cac-benh-do-giun

http://www.impehcm.org.vn/noi-dung/kham-benh-giun-san/benh-giun-xoan-trichinella-spiralis.html


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI