Bệnh giun chỉ (Filariasis)

Cập nhật: 30/04/2019 Lượt xem: 3585

Bệnh giun chỉ (Filariasis)

1. Tác nhân gây bệnh

Tác nhân là loài giun chỉ gây bệnh cho người: có 3 loại là Wuchereria bancrofti (W. bancrofti), Brugia malayi (B. malayi ) và Brugia timori ( B.timori ). Tại Việt Nam, chỉ phát hiện được 2 loài là W. bancrofti và B. malayi.

- Ấu trùng W.bancrofti thường khu trú ở hệ thống bạch huyết vùng bẹn hoặc nách. Giun chỉ W.bancrofti trưởng thành trông giống như sợi chỉ, mầu trắng sữa dài từ 25-40 mm, chiều ngang khoảng 0,1 mm. Giun W.bancrofti cái dài khoảng 60-100 mm.

- Ấu trùng B.malayi thường khu trú ở hạch bộ phận sinh dục và vùng thận. Giun chỉ B.malayi gần giống như giun chỉ W.bancrofti. Giun đực có kích thước khoảng 22,8 x 0,08 mm, giun cái có kích thước khoảng 55 x 0,16 mm.

Giun đực và cái thường cuộn vào nhau  làm cản trở bạch huyết.

     

Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài: ấu trùng giun chỉ và giun chỉ trưởng thành không tồn tại ở môi trường tự nhiên, chỉ tồn tại trong cơ thể người và trong cơ thể muỗi truyền bệnh.

2. Dịch tễ

- Bệnh giun chỉ lưu hành địa phương ở các nước nóng ẩm. Để hoàn thành chu kỳ phát triển, giun chỉ bắt buộc phải phát triển qua 2 vật chủ: vật chủ chính là người và vật chủ phụ là muỗi truyền bệnh. Dịch tễ học bệnh giun chỉ bạch huyết liên quan chặt chẽ với muỗi truyền bệnh và môi trường phát triển của muỗi truyền bệnh.

- Muỗi truyền bệnh và môi trường: muỗi truyền bệnh giun chỉ bạch huyết ở các nước khác nhau và tuỳ theo loài giun chỉ. Muỗi truyền bệnh giun chỉ phát triển phụ thuộc vào các yếu tố thích hợp như địa lý, khí hậu thời tiết. ở Việt Nam, giun chỉ W.bancrofti chủ yếu do muỗi Culex quinqueafasciatusAnopheles hyrcanus truyền, muỗi này phát triển ở vùng đồng bằng, trung du và bán sơn địa, thích hút máu người. Giun chỉ B.malayi chủ yếu do muỗi Mansonia uniformis và Mansonia annulifera truyền. Muỗi này phát triển ở vùng đồng bằng, nơi có nhiều ao hồ có thuỷ sinh như bèo Nhật Bản, thích hút máu người.

- Sau khi muỗi truyền bệnh đốt máu người bệnh có ấu trùng giun chỉ, ấu trùng ở trong dạ dày muỗi khoảng 2 - 6 giờ và thoát áo, xuyên qua thành dạ dày muỗi và di chuyển lên vùng ngực muỗi mất khoảng 15 giờ. Tại vùng cơ ngực muỗi, ấu trùng phát triển nhanh thành ấu trùng giai đọan II, sau 6 - 7 ngày thành ấu trùng giai đoạn III có kích thước khoảng 225 - 300 × 15 - 30 mm. Sau 1 tuần nữa, ấu trùng thay vỏ thành ấu trùng giai đoạn IV có kích thước 1-2 mm × 18-23 mm, ký sinh trong tuyến nước bọt của muỗi và xâm nhập vào cơ thể người khi muỗi đốt hút máu. Thời gian từ khi muỗi truyền bệnh hút máu có ấu trùng giun chỉ giai đoạn I đến khi muỗi có khả năng truyền bệnh cho người khác từ 12-14 ngày.

3. Nguồn lây truyền

- Ổ chứa: Người là ổ chứa duy nhất của giun chỉ bạch huyết.

- Thời gian ủ bệnh: thời gian ủ bệnh kéo dài từ 6 - 12 tháng, hầu hết không có triệu chứng lâm sàng.

- Thời kỳ lây truyền: Thời gian từ khi bệnh nhân nhiễm ấu trùng giun chỉ đến khi giun chỉ trưởng thành đẻ ra ấu trùng giun chỉ giai đoạn I xuất hiện trong máu khoảng 6-12 tháng. Tuổi thọ của giun chỉ trên 10 năm nếu không được điều trị. Giun chỉ trưởng thành đẻ ra ấu trùng giai đoạn I, ấu trùng di chuyển đến hệ tuần hoàn nếu được muỗi truyền bệnh đốt sẽ tiếp tục phát triển trong cơ thể muỗi. Nếu không được muỗi truyền bệnh đốt, ấu trùng sẽ chết sau khoảng 10 tuần.

Phương thức lây truyềndo muỗi truyền bệnh giun chỉ. Tất cả mọi người đều có thể nhiễm giun chỉ bạch huyết.

4. Biểu hiện lâm sàng

-  Giai đoạn đầu của bệnh: Hầu hết không có biểu hiện lâm sàng. Một số ít có triệu chứng sốt cao đột ngột kèm theo mệt mỏi, nhức đầu nhiều, sốt tái phát từng đợt 3-7 ngày. Viêm bạch mạch và hạch bạch huyết xảy ra sau sốt vài ngày. Viêm đỏ đau dọc theo hệ bạch mạch, thường ở mặt trong chi dưới, hạch bẹn có thể sưng to, đau.

-  Giai đoạn mạn tính:

+ Phù voi, các đợt phù xuất hiện liên tiếp, da dày dần, phù dần từ dưới lên, thường bị phù một chân hoặc một tay, hay gặp là phù chi dưới cả bàn chân có thể tới đùi, da dày và cứng, có thể có những vết loét do thiếu dưỡng.

+ Viêm Bộ phận sinh dục: viêm thừng tinh, viêm tinh hoàn, tràn dịch màng tinh hoàn, trường hợp nặng có phù to như bìu voi, vú voi nhưng không đỏ, không đau. Phù voi ảnh hưởng nhiều đến lao động, chức năng vận động, hoạt động sinh lý và thẩm mỹ của bệnh nhân.

+ Đái dưỡng chấp: nước tiểu trắng đục như nước vo gạo, để lâu không lắng, đôi khi lẫn máu. Trường hợp nước tiểu có nhiều dưỡng chấp, để lâu có thể đông lại.

   

Phù chân voi do giun chỉ.

- Chẩn đoán xác định bệnh: có ấu trùng giun chỉ trong máu hoặc xét nghiệm nước tiểu có ấu trùng giun chỉ trong trường hợp bệnh nhân đái ra dưỡng chấp (hiếm), hoặc xét nghiệm miễn dịch hấp phụ gắn men ELISA (Enzyme linked immunosorbent assay) (+) hoặc siêu âm, chụp bạch mạch, sinh thiết bạch huyết có giun chỉ trưởng thành.

- Chẩn đoán phân biệt:

+ Giai đoạn đầu của nhiễm ấu trùng giun chỉ bạch huyết cần phân biệt với các sốt do nhiễm khuẩn, do virus, sốt rét, viêm bạch mạch do nhiễm khuẩn.

+ Phù voi cần chẩn đoán phân biệt với phù do nấm, chèn ép bạch mạch do nguyên nhân khác.

+ Đái dưỡng chấp cần phân biệt với nguyên nhân ở thận như lao thận hoặc do chấn thương.

+ Tràn dịch màng tinh hoàn cần phân biệt với thoát vị bẹn.

-  Xét nghiệm: 

Loại mẫu bệnh phẩm: máu

Phương pháp xét nghiệm:

+ Phương pháp nhuộm giemsa: lấy máu ngoại vi ban đêm từ 20 giờ đến 24 giờ, làm tiêu bản giọt đặc, nhuộm giemsa soi kính hiển vi quang học là phương pháp thông dụng nhất. Tuy nhiên, trong các trường hợp có phù voi hoặc đái dưỡng chấp thì tỷ lệ ấu trùng giun chỉ dương tính chỉ chiếm 3-5%. Ấu trùng giun chỉ trong máu ngoại vi có hình dạng giun nhỏ, có phần đầu và đuôi, thân uốn éo đều đặn chứa các hạt nhiễm sắc. Hạt nhiễm sắc ở cuối đuôi là đặc điểm quan trọng để phân loại 2 loài Wuchereria bancrofti (W.bancrofti) và Brugia malayi (B.malayi). Trên lam nhuộm giemsa, ấu trùng W.bancrofti dài khoảng 260 mm, có áo bao thân và đuôi ngắn, hạt nhiễm sắc ít và rõ ràng, không có hạt nhiễm sắc ở cuối đuôi. ấu trùng B.malayi dài khoảng 220 mm, có áo bao thân và đuôi dài, hạt nhiễm sắc nhiều và không rõ ràng, có hạt nhiễm sắc ở cuối đuôi. 

+ Test chẩn đoán nhanh ICT (Immuno Chromatographic Test) chỉ chẩn đoán W.bancrofti và có thể xét nghiệm ban ngày.

+ Phương pháp Knote: lấy 2 ml máu tĩnh mạch vào ống nghiệm có chứa 10 ml formalin 2%, ly tâm lấy cặn nhuộm giemsa soi kính hiển vi quang học.

+ Phương pháp Harris: lấy 4 ml máu tĩnh mạch vào ống nghiệm có chứa 0,1 ml heparin và 4 ml saponin 2%, ly tâm quan sát phần lắng.

+ Phương pháp màng lọc Millipore: lấy 1 ml máu tĩnh mạch và hút thêm 4 ml nước cất, lắc bơm tiêm đến khi huyết tán hoàn toàn rồi bơm máu vào màng lọc. Sau đó lại hút 5 ml nước cất và bơm vào màng lọc, làm như vậy 4 - 5 lần để rửa bơm tiêm. Bơm không khí vào màng lọc 4 - 5 lần rồi lấy màng lọc ra, úp lên lam kính, nhuộm màng lọc bằng giemsa, rửa nhanh, để khô và soi kính hiển vi huỳnh quang.

+ Phương pháp đẩy giun chỉ ra máu ngoại vi ban ngày bằng cách cho bệnh nhân uống 100 mg DEC (Diethyl Carbamazin).

5. Điều trị

- Thuốc điều trị: 

+ Diethyl Carbamazin (DEC) có biệt dược là Banocide, Hetrazan, Notezine... dạng viên nén 50 mg, 100 mg, 300 mg.

+ Albendazole: dạng viên nén 400 mg. Khi dùng đơn độc, albendazole không diệt ấu trùng. Khi dùng phối hợp với DEC, albendazole làm tăng hiệu quả diệt ấu trùng ở cả 2 loài W.bancrofti và B. malayi.  

- Điều trị nhiễm ấu trùng giun chỉ nhưng không có biểu hiện lâm sàng cấp tính:

+ Với W.bancrofti: DEC 6mg/kg/ngày × 12 ngày. Tổng liều 72 mg/kg.

+ Với B.malayi: DEC 6mg/kg/ngày × 6 ngày. Tổng liều 36mg/kg.

Điều trị nhắc lại một liều như trên sau một tháng nếu kiểm tra vẫn còn ấu trùng giun chỉ trong máu.

- Điều trị trường hợp nhiễm ấu trùng giun chỉ có biểu hiện lâm sàng cấp tính:

+ Trong đợt cấp chỉ điều trị triệu chứng, kháng sinh chống bội nhiễm. Không sử dụng DEC do có thể gây viêm mạch, hạch bạch huyết.

+ Sau khi hết đợt cấp tính thì sử dụng DEC liều như trên.

- Các trường hợp có phù voi: chỉ dụng thuốc DEC khi xét nghiệm có ấu trùng giun chỉ trong máu, liều DEC như trên. Điều trị kháng sinh nếu có bội nhiễm, rửa chi bị phù ngày 2 lần bằng xà phòng tắm, thấm khô bằng khăn mềm sạch, vận động và xoa bóp nhẹ chi bị phù để tăng cường lưu thông máu. Đêm ngủ nằm gác chân lên cao.

-  Các trường hợp đái dưỡng chấp: chỉ dụng thuốc DEC khi xét nghiệm có ấu trùng giun chỉ trong máu, liều như trên. Chế độ ăn kiêng mỡ và thức ăn giầu protein. Trường hợp đái dưỡng chấp nhiều và kéo dài cần chuyển điều trị ngoại khoa nếu có thể.

Chống chỉ định thuốc DEC: mắc các bệnh cấp tính, sốt. Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú. Trẻ em dưới 24 tháng tuổi. Có tiền sử dị ứng với thuốc. Thận trọng khi điều trị cho người có bệnh hen phế quản, các bệnh mãn tính: tim, gan, thận.
Tác dụng phụ của DEC: xuất hiện trong vòng 3 ngày sau khi uống thuốc có cảm giác mệt mỏi khó chịu, nhức đầu. Chán ăn, buồn nôn và nôn. Mẩn ngứa. Người đang có ấu trùng giun chỉ có thể gặp sốt, viêm mạch, hạch bạch huyết, thừng tinh, mào tinh hoàn. Những triệu chứng này thường thoáng qua và không phải xử trí.

6. Dự phòng

- Vệ sinh phòng bệnh: ngủ màn thường xuyên để tránh muỗi đốt, xoa kem xua muỗi, phát quang bụi rậm và khơi thông cống rãnh quanh nhà, mặc quần áo dài buổi tối. Vớt rong, rêu làm thoáng mặt nước ao, hồ.

- Thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân: Bệnh nhân có ấu trùng giun chỉ cần được bảo vệ, tránh muỗi đốt.

- Dự phòng cho đối tượng nguy cơ cao: ngủ màn thường xuyên để tránh muỗi đốt, xoa kem xua muỗi, mặc quần áo dài buổi tối. Để loại trừ bệnh giun chỉ, điều trị toàn dân vùng có ấu trùng bằng DEC + albendazole. Từ  24 tháng - 10 tuổi: 100 mg DEC (1 viên) + 400 mg albendazole (1 viên). Từ 11-15 tuổi: 200 mg DEC (2 viên) + 400 mg albendazole (1 viên). Trên 15 tuổi: 300 mg DEC (3 viên) + 400mg albendazole (1 viên)

- Xử lý môi trường: tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường như phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh quanh nhà, vớt rong, rêu làm thoáng mặt nước ao, hồ.

Tài liệu tham khảo:

http://vncdc.gov.vn/vi/danh-muc-benh-truyen-nhiem/1109/cac-benh-do-giun

https://vi.wikipedia.org/wiki/Giun_ch%E1%BB%89

http://www.impehcm.org.vn/noi-dung/kham-benh-giun-san/benh-giun-chi-bach-huyet.html
 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI