Bệnh giun Kim (Enterobius vermicularis)

Cập nhật: 21/04/2019 Lượt xem: 7451

Bệnh giun kim

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103, HVQY

Giun kim có tên là Enterobius vermicularis, là loại ký sinh trùng sống chủ yếu ở đường tiêu hóa, có thể lây từ người này sang người khác. Trẻ em có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn người lớn. Giun kim có màu trắng sữa, đầu hơi phình và vỏ có khía. Miệng có 3 môi, những môi này có thể thụt vào trong miệng. Giun đực dài khoảng 2 - 5mm, đuôi cong. Giun cái dài 9 - 12 mm, đuôi dài và nhọn, hậu môn của giun kim cái cách mút đuôi khoảng 2 mm. Giun trưởng thành cư trú chủ yếu ở ruột non, sau đó xuống ruột già. Chúng thường ở manh tràng và các đoạn ruột lân cận, nằm bám lỏng lẻo vào niêm mạc ruột. Giun kim đực chết sau khi giao hợp. Giun kim cái thường ra rìa hậu môn để đẻ trứng và vì vậy chúng kích thích niêm mạc hậu môn gây ngứa, sưng tấy. Một con giun cái đẻ khoảng 4000 – 200 000 trứng. Sau khi đẻ hết trứng, giun kim cái chết. Vì vậy tuổi thọ của giun kim rất ngắn, chỉ sống khoảng 1-2 tháng.

  

Hình 1 Giun Kim và vòng đời của nó.

Trứng giun kim phát triển rất nhanh. Ở môi trường bên ngoài, nếu nhiệt độ môi trường 300C, độ ẩm trên 70% và có oxy thì sau 6 - 8 giờ trứng đã phát triển thành trứng mang ấu trùng và có khả năng lây nhiễm. Trứng giun kim không phát triển được ở nhiệt độ dưới 200C và trên 400C, ở nhiệt độ 600C trứng giun kim hỏng trong vài phút. Trong nước, trứng giun kim chết sau vài tuần.

Nguồn lây là người có giun kim đặc biệt là trẻ nhỏ. Khi nuốt phải trứng giun có ấu trùng vào dạ dày, ấu trùng thoát vỏ, di chuyển đến manh tràng và thành giun trưởng thành sau 2 - 4 tuần. Thời kỳ lây nhiễm là khoảng thời gian từ khi giun kim cái trưởng thành được thụ tinh và đẻ trứng. Giun kim đực sẽ bị chết sau khi thụ tinh cho giun kim cái. Giun kim cái đẻ khoảng 4000-16 000 trứng. Sau khi đẻ hết trứng, giun sẽ teo lại và chết. Đời sống của giun kim khoảng 1-2 tháng. Bệnh lây qua đường ăn uống: do dùng tay gãi hậu môn có trứng giun kim sau đó cầm thức ăn, nước uống, hoặc do mút tay ở trẻ nhỏ, ấu trùng sẽ theo đường tiêu hoá vào dạ dày. Khi đến dạ dày ấu trùng phát triển thành giun rồi di chuyển xuống ruột non và trưởng thành sau đó di chuyển xuống ruột già. Tuy nhiên giun kim còn có đường truyền nhiễm bất thường là chu kỳ ngược dòng: Trứng giun kim phát triển thành ấu trùng tại các nếp rãnh hậu môn và nở thành ấu trùng. Những ấu trùng này chui vào hậu môn và di chuyển ngược lên manh tràng để phát triển thành giun trưởng thành.

Biểu hiện lâm sàng: Nhiều trường hợp bị nhiễm giun kim nhưng không có triệu chứng gì. Bệnh giun kim là bệnh có tính chất kéo dài, mạn tính, chúng thường gây nên các triệu chứng tiêu hóa: ngứa hậu môn, ngứa thường xuất hiện vào buổi tối và lúc lên giường đi ngủ. Trẻ ngứa và gãi hậu môn, quấy khóc về đêm. Quan sát bằng mắt thường có thể thấy giun kim cái ở rìa hậu môn. Khi trẻ đại tiện phân rắn có thể thấy giun kim cái bám ở rìa khuôn phân. Rìa hậu môn tấy đỏ, sung huyết. Phân thường nát hoặc lỏng, đôi khi có máu hoặc chất nhày, thỉnh thoảng tiêu chảy. Trẻ thường chán ăn hoặc ăn không tiêu, đôi lúc có buồn nôn hoặc nôn, đau bụng âm ỉ. Triệu chứng thần kinh: Trẻ thường bứt rứt, khó chịu, suy nhược thần kinh hoặc thần kinh bị kích thích gây khó ngủ, dễ khóc đêm. Mắc giun kim cũng là một trong những nguyên nhân gây đái dầm ở trẻ em, viêm âm đạo ở trẻ em gái do giun kim chui vào âm đạo mang theo vi sinh vật gây bệnh. Giun kim cũng có thể xâm nhập và gây viêm phổi, thực quản, hốc mũi, cổ tử cung, viêm ruột thừa, làm thủng ruột… Chẩn đoán khi xét nghiệm phân hoặc dùng giấy bóng kính phết hồ thấm nước chùi vào các nếp rìa hậu môn của trẻ sau đó dán lên phiến kính sạch và soi dưới kính hiển vi có trứng giun kim hoặc thấy giun kim cái ở rìa hậu môn.  

 

Hình 2. Giun kim ra đẻ trứng ở hậu môn và bé 5 tuổi bị nhiễm giun kim.

Điều trị bằng thuốc mebendazole hoặc albendazole, dùng liều duy nhất cho cả người lớn và trẻ em, điều trị nhắc lại sau 1 tháng với liều như trên. Nếu tập thể bị nhiễm cao phải điều trị hàng loạt để tránh tái nhiễm. Chú ý chống chỉ định albendazole và mebendazole với trẻ dưới 2 tuổi, phụ nữ có thai 3 tháng đầu hoặc cho con bú, người có tiền sử mẫn cảm với Benzimidazol, người có tiền sử nhiễm độc tuỷ xương. Thận trọng khi điều trị cho người suy gan, suy thận.

Dự phòng: Nâng cao ý thức vệ sinh, phát động các chiến dịch dọn vệ sinh trong cộng đồng dân cư, xây dựng hệ thống cống rãnh, xử lý nước thải. Bảo vệ môi trường không bị nhiễm phân, đặc biệt là nền nhà, giường chiếu, quần áo của trẻ em. Vệ sinh cá nhân tốt như rửa tay trước khi ăn, sau khi đi tiêu, tiểu, cắt ngắn móng tay và giữ sạch sẽ; không cho trẻ mút tay; tránh gãi vùng quanh hậu môn; không cho trẻ mặc quần thủng đít, không cho cởi truồng. Cha mẹ cần rửa sạch hậu môn cho trẻ hàng ngày bằng xà phòng; lau nhà thường xuyên; Định kỳ giặt ga trải giường, chăn màn cũng có tác dụng diệt trứng giun; Nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và tẩy giun đúng cách. Khi xác định có nhiễm giun kim cần phải điều trị; nên điều trị cho tất cả các thành viên trong gia đình.Với những trẻ có nguy cơ cao cần tẩy giun định kỳ, đặc biệt là trẻ em từ 2-12 tuổi tẩy giun 2 lần/năm cách nhau 4 - 6 tháng.


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI