Bệnh giun đũa chó, mèo (Toxocariasis)

Cập nhật: 21/04/2019 Lượt xem: 10630

Bệnh giun đũa chó, mèo (Toxocara canis, Toxocara cati)

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103, HVQY

1. Tác nhân gây bệnh

Ca bệnh giun đũa chó, mèo ở người được Wilder mô tả lần đầu năm 1950 khi phát hiện ấu trùng của giun tròn trong u hạt võng mạc (retinal granuloma). Sau đó Beaver và cs. (1952) lần đầu tiên dùng từ “ấu trùng di chuyển nội tạng” (visceral larva migrans) để báo cáo một loạt ca bệnh trẻ em có bạch cầu ái toan tăng cao trong máu đi kèm với bệnh nặng và kéo dài ở nhiều cơ quan, và khi làm sinh thiết phát hiện ấu trùng của Toxocara canis hay Toxocara cati. Trong nhiều năm bệnh giun đũa chó, mèo ở người được xem là bệnh ít gặp ở trẻ em, nhưng với những tiến bộ trong huyết thanh chẩn đoán những năm gần đây người ta thấy tỷ lệ người có phản ứng dương tính với kháng nguyên ngoại tiết của Toxocara sp. không phải là thấp, kể cả ở trẻ em lẫn người lớn và một số tác giả còn cho rằng đây là một bệnh giun sán phổ biến nhất ở các nước phát triển do thói quen nuôi chó mèo làm thú cưng.

Bệnh giun đũa chó, mèo ở người do một loài giun tròn Toxocara canis ở chó hay Toxocara cati ở mèo gây ra, thường được gọi là giun đũa của chó, mèo. Các giun này ký sinh ở trong ruột chó, mèo, giun đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài môi trường và sau 1 - 2 tuần các trứng này sẽ hoá phôi. Đây là giai đoạn có thể gây bệnh cho người nếu nuốt phải trứng. Trẻ em là đối tượng dễ nhiễm bệnh nhất do thói quen nghịch đất cát là nơi phát tán trứng giun do đặc tính phóng uế bừa bãi của chó, mèo. Hiện nay nhiều gia đình nuôi chó cảnh hoặc chó Béc-giê, nên chúng tôi cũng đã khám và phát hiện giun đũa chó gây bệnh cho cả người lớn và các đại gia. Sau khi nuốt trứng vào cơ thể, các ấu trùng giun được giải phóng, đi xuyên qua thành ruột và theo đường máu di chuyển đến gan, phổi, hệ thần kinh trung ương. Tại đây, các ấu trùng có thể sống sót trong cơ thể người trong nhiều tháng và sau đó bị phản ứng viêm của cơ thể tiêu diệt hoặc khiến chúng ngưng phát triển, nhưng chỉ sau khi các ấu trùng này đã gây tổn thương tại các mô.

2. Dịch tễ

  

Hình 1. Nang giun đũa chó mèo (Toxocara canis ) và chu kỳ của giun.

Về dịch tễ do đặc điểm chó, mèo là những động vật rất gần gũi với người, đặc biệt trẻ em, nên bệnh phân bố khắp thế giới và cả ở Việt Nam. Chưa xác định được tỉ lệ bệnh giun đũa chó, mèo ở Việt Nam, một phần vì các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu, một phần vì việc xét nghiệm phân không áp dụng được trong bệnh này vì giun không phát triển được đến giai đoạn trưởng thành và đẻ trứng trong ruột của người. Những năm gần đây đã có nhiều điều tra về huyết thanh học, chủ yếu với kỹ thuật ELISA nhưng chỉ giới hạn ở một số địa điểm cụ thể và số mẫu chưa nhiều nên các số liệu khó nói lên tình hình nhiễm chung trong cả nước. Một điều tra khảo sát tình hình nhiễm ấu trùng giun đũa chó ở xã Thạnh Tân, thị xã Tây Ninh cho thấy tỷ lệ huyết thanh dương tính với Toxocara canis là 20,6%. Tuy chưa có số liệu chính xác về tình hình nhiễm bệnh, nhưng cơ hội lây nhiễm trứng giun đũa chó, mèo vào người, đặc biệt ở trẻ em tại Việt Nam là rất cao, dẫn đến tình hình bệnh không phải là thấp do việc nuôi chó, mèo trong nhà là phổ biến. Một khảo sát tình hình nhiễm giun tròn đường tiêu hóa trong 177 con chó tại một số địa phương tỉnh Thanh Hóa cho thấy qua mổ khám tỷ lệ chó nhiễm Toxocara canis chiếm từ 10% - 25% và qua xét nghiệm phân là từ 22,8% - 40%. Ngoài ra một khảo sát trên 90 mẫu rau sống bán tại các siêu thị trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, số mẫu rau nhiễm trứng giun đũa chó, mèo chiếm đến 67,7%.

3. Thể bệnh lâm sàng

Triệu chứng khi nhiễm giun đũa chó, mèo: Ở chó hay mèo nhà, giun trưởng thành sống trong lòng ruột non. Ở người, mắc bệnh khi nuốt phải trứng giun đũa chó, mèo đã hoá phôi. Nhưng các ấu trùng từ trứng nở ra sẽ không phát triển được đến giai đoạn trưởng thành ở trong ruột mà chúng sẽ chu du trong cơ thể người trong vài tháng đến nhiều năm. Các ấu trùng này gây tổn thương tại những nơi mà chúng đến, gây nên bệnh giun đũa chó, mèo ở người.

Mức độ tổn thương của các cơ quan trong cơ thể cùng với các triệu chứng tùy thuộc vào số lượng ấu trùng cũng như nơi mà chúng xâm nhập: gan, phổi, hệ thần kinh trung ương, mắt… Các thể lâm sàng của bệnh giun đũa chó, mèo như sau:

- Thể ấu trùng di chuyển trong nội tạng, chủ yếu gặp ở trẻ < 5 tuổi với các triệu chứng: sốt, gan to và bị hoại tử, lách to, triệu chứng hô hấp giống như hen suyễn, bạch cầu ái toan tăng (tỷ lệ có thể đến 70%), các globulin miễn dịch IgM, IgG và IgE trong máu tăng. Ngoài ra có thể gặp viêm cơ tim, viêm thận, hệ thần kinh trung ương bị thương tổn với các triệu chứng co giật, triệu chứng tâm thần kinh hay bệnh lý ở não.

- Thể ấu trùng di chuyển tới mắt, gặp ở trẻ từ 5 đến 10 tuổi với triệu chứng giảm thị lực một bên mắt, đôi khi bị lác mắt. Mức độ suy giảm thị lực tuỳ thuộc vào vùng bị thương tổn (võng mạc, điểm vàng), có thể dẫn đến mù loà.

   

Hình 2. Ban dị ứng (hình trái). Giun ký sinh dưới da (hình phải).

  

Hình 3. Giun ký sinh trong mắt.

Ngoài hai thể lâm sàng chính nói trên, có thể gặp những thể khác:

- Thể “kín đáo”, được mô tả ở trẻ em với các đặc điểm: hiệu giá kháng thể Toxocara qua kỹ thuật ELISA tăng vừa phải (≥ 1/50), số lượng bạch cầu ái toan bình thường hay tăng nhẹ, đau bụng, nhức đầu, ho.

- Thể “thông thường”, được mô tả ở người lớn với các triệu chứng: mệt mỏi, ngứa, nổi ban, thở khó và đau bụng. Có lẽ thể “kín đáo” và thể “thông thường” chỉ là một, chỉ khác nhau ở đối tượng bị bệnh là trẻ em hay người lớn.

- Thể “thần kinh”, gây bệnh ở hệ thần kinh trung ương (sa sút trí tuệ, viêm não-màng não, viêm tuỷ, viêm mạch máu não, động kinh hay viêm dây thần kinh thị giác) hoặc ở thần kinh ngoại biên (viêm rễ thần kinh, gây tổn thương các dây thần kinh sọ hay thần kinh cơ-xương).

Một nghiên cứu năm 2012 của Trung tâm Khám bệnh chuyên ngành Viện Sốt rét-KST-CT TP. Hồ Chí Minh trên 103 bệnh nhân có test ELISA Toxocara dương tính cho thấy các triệu chứng sau:

TT

Triệu chứng

Tần xuất

Tỉ lệ %

1

ELISA (+)

103

100

2

Ngứa

97

94,2

3

Mề đay

97

94,2

4

Đau đầu

76

73,8

5

Rối loạn tiêu hóa

34

33,0

6

Bạch cầu ái toan tăng

21

20,4

7

Ăn kém

15

5,0

8

Đau bụng

14

4,7

4. Chẩn đoán

- Chẩn đoán bệnh giun đũa chó, mèo gặp nhiều khó khăn vì:

+ Triệu chứng trong các thể lâm sàng của bệnh giun đũa chó, mèo không đặc hiệu.

+ Ấu trùng có thể phân tán rộng trong cơ thể và không phải lúc nào làm sinh thiết cũng phát hiện được ấu trùng,

+ Huyết thanh chẩn đoán ELISA sử dụng kháng nguyên ngoại tiết TES (Toxocara excretory-secretory antigen) có thể dương tính chéo với các trường hợp nhiễm giun, sán khác (giun đũa, giun móc, giun lươn, giun chỉ hệ bạch huyết, sán lá gan lớn, sán dây). Do đó để khẳng định thì phải làm Western-Blot là một kỹ thuật có tính đặc hiệu cao hơn.

+ Ngoài ra nhiều nơi sản xuất kit ELISA với những hiệu giá kháng thể hay mật độ quang (OD) khác nhau về ngưỡng dương tính, nên khó so sánh hay theo dõi diễn tiến bệnh.

+ Sự hiện diện của kháng thể kháng Toxocara cũng không nói lên tình trạng đang mắc hay đã mắc bệnh vì các kháng thể chống Toxocara có thể tồn tại đến hơn 2,8 năm với kỹ thuật ELISA và đến hơn 5 năm với kỹ thuật Western-Blot.

+ Số lượng bạch cầu ái toan có thể bình thường hoặc có tăng nhưng với mức độ rất thay đổi.

- Chẩn đoán theo đề xuất của  Glickman và cs (1979) căn cứ vào các thông số sau:

                  (1) Số lượng bạch cầu > 10.000/µL máu.

(2) Bạch cầu ái toan > 10% tổng số bạch cầu.

(3) Hiệu giá anti-A isohemagglutinin >400.

(4) Hiệu giá anti-B isohemagglutinin > 200.

(5) Nồng độ IgG và IgM tăng.

(6) Gan to.

Nếu hội đủ 3 tiêu chuẩn trên trở lên thì là mắc bệnh giun đũa chó, mèo.

 - Chẩn đoán theo đề xuất của Pawlowski ZS. (2002) căn cứ vào các thông số sau:

                  (1) Đặc điểm dịch tễ học của bệnh nhân liên quan nhiễm Toxocara spp.;

                  (2) Dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng trên từng thể bệnh;

                  (3) Kháng thể anti-Toxocara spp IgG dương tính;

                  (4) Bạch cầu ái toan trong máu ngoại biên tăng;

                   (5) Nồng độIgE toàn phần tăng (bình thường IgE < 130 IU/mL).

5. Điều trị

Về điều trị nhìn chung albendazole được nhiều tác giả khuyến cáo sử dụng do tính an toàn, có sẵn và ít phản ứng bất lợi. Thời gian dùng albendazole cũng rất thay đổi tuỳ theo tác giả.

Các thuốc chống giun sán có thể sử dụng để điều trị hội chứng ấu trùng di chuyển phủ tạng (VLMs). Điều trị có thể dẫn đến các phản ứng quá mẫn nghiêm trọng do ấu trùng chết và các thuốc chống viêm như corticosteroids chỉ định đồng thời. Điều trị bệnh lý ở mắt có thể gồm phẩu thuật, áp lạnh laser và các thuốc giảm tổn thương mắt thêm.

Hiện tại có rất nhiều loại thuốc trên thị trường có hiệu quả với bệnh ấu trùng giun đũa chó/ mèo này, song mỗi loại thuốc có cơ chế tác dụng riêng và có những tác dụng ngoại ý nhất định. Phần lớn liệu trình điều trị thuốc nào cũng vậy (dài ngày) nên khó tránh khỏi các cảm giác khó chịu, nhất là triệu chứng rối loạn tiêu hóa. Dưới đây là một số thuốc có hiệu quả và đã được nghiên cứu:

1. Albendazole (ALB), liều dùng 15mg/kg cũng cho thấy có hiệu quả trên ca nhiễm ấu trùng giun đũa chó/ mèo trong 2-3 tuần liên tiếp tùy thuộc thể bệnh.

2. Thiabendazole (TBZ) liều dùng 25mg/kg, uống 2 lần/ngày trong 2, 3, hoặc 5, 7, hoặc 21 ngày liên tiếp hay ngắt quãng (tùy thuộc vào thể bệnh ở da niêm mạc thông thường hay thể ở cơ quan nội tạng).

Đối với thể ấu trùng di chuyển ở mắt (OLM) phải dùng corticoid (0,5-1 mg prednisone/kg/ngày) để chống hiện tượng viêm. Ngoài ra có thể dùng thiabendazole 25 mg/kg × 2 lần/ngày trong 5 ngày (liều tối đa trong ngày 3g), albendazole 800 mg, ngày 2 lần trong 6 ngày, hoặc mebendazole 100-200 mg, ngày 2 lần trong 5 ngày. Nếu võng mạc bị bong thì phải phẫu thuật để can thiệp.

Liên quan bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo với tương tác thuốc trong điều trị, một nghiên cứu trên thế giới về tương tác thuốc ở bệnh nhân nhiễm ấu trùng giun đũa chó, bất luận loại thuốc nào được dùng. Đối với thể bệnh ở mắt (OLMs), mục đích điều trị là hạn chế tổn thương mắt. Điều trị toàn thân thuốc diệt KST với thuốc có thể có hiệu quả đối với các ca bệnh hoạt động. Cố gắng phẩu thuật loại bỏ ấu trùng có thể khó thành công, chống viêm mắt qua việc dùng steroids toàn thân hoặc tại chỗ có thể cân nhắc chỉ định. Đối với các bệnh nhân mắc thể ẩn, việc xem xét chỉ đinh thuốc nhằm tránh gây thêm các tổn thương về sau là cần thiết.

6. Dự phòng

Phòng bệnh: dọn dẹp sạch sẽ nơi chó, mèo nằm. Phân chó, mèo phải được chôn lấp hay bỏ vào túi và cho vào thùng rác. Không cho trẻ chơi đùa nơi có chó, mèo thải phân. Rửa tay với xà phòng sau khi chơi đùa với chó, mèo, sau khi nghịch đất cát và trước khi ăn uống. Định kỳ tẩy giun cho chó, mèo.

Các bạn có thể tham khảo thêm tác tư liệu sau:

Bé trai thủng ruột do nhiễm giun tròn chó mèo không phát hiện kịp thời. https://news.zing.vn/be-trai-thung-ruot-do-nhiem-giun-tron-cho-meo-khong-phat-hien-kip-thoi-post866949.html

Video gắp giun đũa chó 14mm trong mắt bệnh nhân ở Nghệ An. http://soha.vn/kinh-hai-video-lay-con-giun-dai-14mm-ra-khoi-mat-nguoi-20160511174313359.htm

Nghệ An: Kinh hoàng phát hiện giun đũa chó kí sinh trong mắt người. https://baomoi.com/nghe-an-kinh-hoang-phat-hien-giun-dua-cho-ki-sinh-trong-mat-nguoi/c/19345761.epi

Ba người trong một gia đình mắc bệnh không ngờ từ giun đũa chó. http://giadinh.net.vn/song-khoe/3-nguoi-trong-mot-gia-dinh-mac-benh-khong-ngo-tu-giun-dua-cho-20180914183758698.htm

Đau đầu cả tháng do giun đũa chó mèo "chui" vào não. https://dantri.com.vn/suc-khoe/dau-dau-ca-thang-do-giun-dua-cho-meo-chui-vao-nao-1376908317.htm

Người đàn ông bị giun đũa chó mèo làm tổ trong não ở Hải Phòng. http://www.doisongphapluat.com/doi-song/suc-khoe-lam-dep/nguoi-dan-ong-bi-giun-dua-cho-meo-lam-to-trong-nao-o-hai-phong-a182977.html

Kinh hãi vì giun sán "bò" khắp cơ thể bệnh nhân. https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/bac-si-kinh-hai-vi-giun-san-bo-khap-co-the-benh-nhan-254120.html

 

 

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI