Bệnh giun đũa (Ascaris lumbricoides)

Cập nhật: 21/04/2019 Lượt xem: 4377

Bệnh giun đũa ở trẻ em và cách phòng ngừa

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV103, HVQY

Bệnh giun đũa là bệnh thường gặp ở trẻ em, do loại giun đũa Ascaris lumbricoides ký sinh trong ruột người gây ra.

  

Hình 1. Giun đũa Ascaris lumbricoides.

Giun đũa là loại giun có kích thước lớn ký sinh ở ruột non của người. Giun cái trưởng thành dài khoảng 20-25cm, giun đực dài 15-17cm. Giun có màu trắng hồng, đầu và đuôi thon nhọn. Giun đũa cái đẻ trứng, trứng giun hình bầu dục dài 45-50 mm theo phân thải ra môi trường. Trứng giun đũa ra ngoài thâm nhập vào đất, gặp điều kiện thuận lợi ở nhiệt độ môi trường từ 24-250C sau 12-15 ngày, trứng phát triển thành ấu trùng tồn tại trong đất có khả năng gây nhiễm cho người trong nhiều tháng thậm chí một hai năm nếu gặp vùng đất thuận lợi. Trứng giun tồn tại trong mùa hè được khoảng 3 tháng, ở nhiệt độ thấp hơn thì thời gian trứng tồn tại kéo dài hơn. Trứng giun đũa có khả năng tồn tại ở nhiệt độ âm tới -120C. Trứng giun dễ bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao, sống được vài giây ở nhiệt độ 500C và bị diệt ở nhiệt độ 60oC nên ăn chín, uống sôi có tác dụng phòng bệnh tốt. Độ ẩm trên 80% là điều kiện thuận lợi nhất cho trứng phát triển. Trứng giun dễ bị diệt dưới ánh nắng mặt trời và khô hanh. Điều kiện quyết định sự lây truyền của giun đũa là khí hậu, tình trạng vệ sinh, các tập quán sinh hoạt và mức độ tiếp xúc với đất bẩn nhiễm phân người. Bệnh giun đũa phát triển ở cả các nước nhiệt đới và ôn đới, dân ở nông thôn nhiễm cao hơn dân ở thành thị. Trẻ em nhiễm giun đũa cao hơn người lớn.

Người nuốt phải trứng giun, khi đến ruột non trứng nở giải phóng ấu trùng, ấu trùng chui qua thành ruột vào máu, di chuyển đến phế nang phổi và phát triển lớn lên tại phổi khoảng 1 tuần, sau đó ấu trùng lên khí quản và được nuốt lại vào dạ dày. Tại ruột non, ấu trùng phát triển thành giun đũa trưởng thành. Thời gian từ khi nuốt phải trứng có ấu trùng đến khi có các triệu chứng đầu tiên của nhiễm giun ở phổi từ 5-14 ngày. Thời gian từ khi người nuốt phải trứng có ấu trùng đến khi giun trưởng thành đẻ trứng khoảng 45 đến 60 ngày. Thời kỳ lây truyền là khoảng thời gian sống của giun cái trưởng thành từ khi được thụ tinh. Giun đũa cái có khả năng đẻ trên 200.000 trứng/ngày. Đời sống của giun đũa từ 13-15 tháng. Trứng giun chỉ phát triển và có khả năng lây nhiễm khi bị thải theo phân ra ngoài ngoại cảnh. Phương thức lây truyền: Qua đường ăn uống do nuốt phải trứng giun có trong đất bị nhiễm phân người. Không lây truyền trực tiếp từ người sang người. Tất cả mọi người đều có thể nhiễm giun đũa, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Hình 2. Chu kỳ giun đũa ký sinh ở người

Biểu hiện lâm sàng của bệnh giun đũa: không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu. Trẻ thường bị đau bụng quanh rốn, hay buồn nôn, kém ăn gầy xút cân. Đôi khi, giun sống bị thải ra theo phân hoặc chui ra theo đường miệng, mũi. Một số bệnh nhi có hội chứng Loffler ở phổi với các biểu hiện thở khò khè, ho, sốt, đau ngực dữ dội, tăng bạch cầu ái toan. X quang có nhiều nốt thâm nhiễm rải rác hai phổi, cần phân biệt với lao thâm nhiễm ở phổi. Nếu đám mờ là do ấu trùng giun đũa thì các triệu chứng trên mất đi sau 6-7 ngày, nếu đám mờ là lao thâm nhiễm thì sau hai tuần vẫn tồn tại không thay đổi. Biến chứng nặng do giun đũa gây ra là tắc ruột, tắc mật hoặc viêm ruột thừa do giun. Chẩn đoán khi xét nghiệm phân có trứng giun hoặc thấy giun trưởng thành trong phân hoặc giun chui ra qua mũi, miệng.

    

Hình 2. Trứng giun đũa nhìn trên kính hiển vi (mũi tên hình trái). Giun trong đại tràng nhìn thấy qua nội soi đại tràng (mũi tên hình phải).

Điều trị: nên chọn thuốc có tác dụng với nhiều loại giun, ít độc, dùng một liều duy nhất vẫn đạt hiệu quả cao. Thuốc thường được lự chọn là Albendazole hoặc Mebendazole hoặc Pyrantel pamoate liều duy nhất. Chú ý Albendazole và Mebendazole chống chỉ định với trẻ dưới 2 tuổi, phụ nữ có thai 3 tháng đầu hoặc cho con bú, người có tiền sử mẫn cảm với Benzimidazol, người có tiền sử nhiễm độc tuỷ xương. Thận trọng khi điều trị cho người suy gan, suy thận.

Dự phòng: nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân và cộng đồng, bảo vệ môi trường không bị nhiễm phân, vệ sinh môi trường đặc biệt là khu vực gần nhà, trong nhà và khu vực vui chơi của trẻ em. Xây hố xí hợp vệ sinh, xử lý môi trường như dọn vệ sinh trong cộng đồng dân cư, xây dựng hệ thống cống rãnh, xử lý nước thải. Có thể xử lý phân bằng vôi bột 150-200 gam/kg phân, trứng chết sau 30 phút-1 giờ. Vệ sinh cá nhân như rửa tay trước khi ăn hoặc chuẩn bị thức ăn, ăn thức ăn chín, uống nước đun sôi để nguội, không ăn rau sống khi chưa rửa thật sạch. Dự phòng cho trẻ em có nguy cơ cao: tẩy giun định kỳ 2 lần/năm cách nhau 4-6 tháng, đặc biệt là trẻ em từ 2-12 tuổi.


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI