Viêm mỏm trên lồi cầu và mỏm trên dòng dọc xương cánh tay
PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV103, HVQY
Đặc điểm giải phẫu vùng khuỷu tay
Khuỷu tay là khớp nối giữa cánh tay và cẳng tay, khớp khuỷu có 2 vùng xương nhô ra, nơi đó có các gân bám vào:
- Mỏm trên lồi cầu nằm ở phía ngoài khuỷu là nơi bám của gân các nhóm cơ duỗi cổ tay và các ngón tay.
- Mỏm trên dòng dọc nằm ở bên trong khuỷu là nơi bám của các nhóm cơ gấp cổ tay và các ngón tay.
Xung quanh các khớp vùng khuỷu có dây chằng và bao khớp. Chức năng khuỷu tay là gập duỗi và sấp ngửa cẳng tay.
1. Viêm điểm bám gân mỏm trên lồi cầu xương cánh tay
1.1. Nguyên nhân
Viêm điểm bám gân mỏm trên lồi cầu còn được gọi là hội chứng Tennis elbow
- Do lực căng cơ quá mức và đột ngột: Các gân cơ bám vào mỏm lồi cầu có thể bị tổn thương do vận động khuỷu tay quá mức hoặc động tác mạnh lặp đi lặp lại hàng ngày, như là xuay vặn ốc, lau chùi cửa, chơi tennis… gây căng giãn kéo giật các gân cơ gây ra viêm gân.
Không phải chỉ những người chơi Tennis mới bị chứng Tennis elbow. Nhiều người bị hội chứng Tennis elbow do tham gia vào các hoạt động làm việc hay giải trí đòi hỏi sử dụng lặp đi lặp lại và mạnh mẽ của các cơ bắp cẳng tay. Họa sĩ, thợ ống nước, thợ mộc, đặc biệt dễ bị chứng khuỷu tay quần vợt. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng người lao động, đầu bếp, và thậm chí người nội trợ chặt thịt ... bị khuỷu tay quần vợt thường xuyên hơn so với phần còn lại của dân số. Người ta cho rằng sự lặp lại và nâng trọng lượng cần thiết trong những ngành nghề dẫn đến chấn thương.
- Tuổi: Hầu hết những người bị chứng đau khuỷu tay tennis elbow trong độ tuổi từ 30 và 50, mặc dù ai cũng có thể bị chứng tennis elbow nếu họ có các yếu tố nguy cơ.
- Ngoài ra có một số trường hợp không rõ nguyên nhân.
1.2. Triệu chứng
- Đau là triệu chứng chính của khuỷu tay quần vợt, đau phát triển dần dần. Trong hầu hết các trường hợp, cơn đau bắt đầu là nhẹ và từ từ trở nên xấu hơn trong vài tuần và tháng. Thường không có chấn thương cụ thể liên kết với sự bắt đầu của triệu chứng. Đau thường trở nên tồi tệ với các hoạt động cánh tay và cẳng tay như: vắt khăn, cầm búa, bắt tay, cầm ca nước...
Hình 1. Viêm điểm bám gân mỏm trên lồi cầu xương cánh tay.
- Các xét nghiệm: Xét nghiệm có giá trị chẩn đoán phân biệt với một số bệnh lý vùng khớp khuỷu.
X-quang: Xquang khuỷu tay bình thường trong bệnh lý viêm gân, nếu bị viêm lâu có thể thấy hình ảnh của vôi hoá nơi bám gân. Phim chụp MRI khuỷu tay điểm bám gân mỏm trên lồi cầu ngoài cánh tay phù nề có màu trắng do nhiều nước.
Hình 2. MRI khớp khuỷu cho thấy gân bám vào mỏm trên lồi cầu ngoài phù nề ngấm nước có màu trắng (mũi tên).
Điện cơ (EMG): EMG giúp loại trừ đau do chèn ép dây thần kinh. Nhiều dây thần kinh đi qua xung quanh khuỷu tay, và các triệu chứng thần kinh bị chèn ép tương tự như trong khuỷu tay quần vợt.
1.3. Điều trị
1.3.1. Điều trị không dùng thuốc
Khoảng 80% đến 95% bệnh nhân thành công với điều trị bảo tồn.
- Đầu tiên là để cho cánh tay nghỉ ngơi hợp lý. Phải ngừng hoặc giảm tham gia vào các hoạt động thể thao hoặc làm việc nặng trong vài tuần. Băng thun hoặc nẹp thun khuỷu tay: trong khi làm việc hay chơi thể thao có thể làm giảm tổn thương gân và giảm đau.
- Vật lý trị liệu: sử dụng nhiệt nóng (paraffin, hồng ngoại), sóng ngắn, siêu âm, điện xung, sóng xung kích (shock wave). Thường phối hợp các phương pháp này mỗi ngày điều trị 1 đến 2 lần, điều trị 2 – 4 tuần thường có hiệu quả.
1.3.2. Điều trị bằng thuốc
- Thuốc kháng viên không steroid làm giảm đau và sưng.
- Tiêm corticoid vào điểm bám gân: thuốc thường dùng là diprospan hoặc depomedrol. Thuốc có tác dụng tốt nhưng dễ tái phát, thường chỉ tiêm 1 mũi, nếu phải lặp lại thì cách xa ít nhất 1 tuần.
2. Viêm điểm bám gân mỏm trên lồi cầu trong
2.1. Nguyên nhân
Viêm điểm bám gân mỏm trên lồi cầu trong còn gọi là hội chứng Golf.
Tổn thương xảy ra ở các nhóm gân phía trong khuỷu tay, có thể gây ra do các động tác lặp đi lặp lại nhiều lần của bàn tay, ví dụ công việc cầm búa đóng mỗi ngày, cầm gậy chơi Golf...
2.2. Triệu chứng
- Đau dọc bên trong khuỷu tay, đặc biệt là liên quan đến vận động của cổ tay. Đau nơi điểm bám của gân cơ tại mỏm trên lồi cầu trong khuỷu, cảm giác căng cơ, vận động khuỷu tay vẫn bình thường.
Hình 3. Viêm điểm bám gân mỏm trên lồi cầu trong cánh tay.
- Chụp XQ: không thấy bất thường, trừ khi bị viêm mãn tính sẽ thấy chồi xương.
2.3. Điều trị
- Đầu tiên là để cho cánh tay nghỉ ngơi hợp lý. Phải ngừng hoặc giảm tham gia vào các hoạt động thể thao hoặc làm việc nặng trong vài tuần. Băng thun hoặc nẹp thun khuỷu tay: trong khi làm việc hay chơi thể thao có thể làm giảm tổn thương gân và giảm đau.
- Vật lý trị liệu: sử dụng nhiệt nóng (paraffin, hồng ngoại), sóng ngắn, siêu âm, điện xung. Thường phối hợp các phương pháp này mỗi ngày điều trị 1 đến 2 lần, điều trị 2 – 4 tuần thường có hiệu quả.
- Sóng xung kích (shock wave): 1 hoặc 2 lần/tuần, mỗi liệu trình 4 - 6 lần thương mang lại kết quả tốt.
Hình 4. Điều trị viêm mỏm trên lồi cầu ngoài xương cánh tay bằng shock wave.
- Thuốc kháng viên không steroid làm giảm đau và sưng.
- Tiêm corticoid vào điểm bám gân: thuốc thường dùng là diprospan hoặc depomedrol. Thuốc có tác dụng tốt nhưng dễ tái phát, thường chỉ tiêm 1 mũi, nếu phải lặp lại thì cách xa ít nhất 1 tuần.