Trật khớp vai

Cập nhật: 20/01/2021 Lượt xem: 4011

Trật khớp vai

PGS. TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103, HVQY

1. Đại cương

1.1. Đặc điểm giải phẫu khớp vai

Khớp vai là một khớp chỏm cầu, tiếp khớp không hoàn toàn, có biên độ vận động lớn. Chỏm khớp hình bán cầu to, chỉ có một phần tiếp khớp với ổ chảo. Ổ chảo bé và nông, có một sụn viền quanh ổ chảo để tăng cường cho ổ chảo.

Hình 1. Giải phẫu khớp vai

Các phương tiện giữ khớp: bao khớp rộng và lỏng lẻo, phía trước mỏng, có ba dây chằng (trên, giữa và dưới) tăng cường. Dây chằng là chỗ dày lên của bao khớp. Giữa dây chằng giữa và dây chằng dưới để hở một chỗ hình tam giác chỉ có bao khớp mỏng là điểm yếu. Vì thế hay bị trật khớp vai kiểu trước trong, dưới mỏm quạ.

1.2. Định nghĩa

Trật khớp vai là mất sự tiếp xúc của diện khớp ổ chảo và chỏm xương cánh tay.

1.3. Nguyên Nhân

- Ngã chống tay, nhất là khi cánh tay đưa ra sau và xoay ngoài.

- Chấn thương thể thao.

- Tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn trong sinh hoạt hàng ngày... trong đó chấn thương thể thao chiếm tỷ lệ cao nhất (58%).

1.4. Phân loại

1.4.1. Phân loại theo thời gian

- Trật khớp vai mới: là trật khớp vai xảy ra lần đầu và bệnh nhân đến dưới 3 tuần.

- Trật khớp vai cũ: là trật khớp vai xảy ra lần đầu và bệnh nhân đến muộn trên 3 tuần.

- Trật khớp vai tái diễn: là trật khớp vai xảy ra cùng bên trên 2 lần

1.4.2.  Phân loại theo vị trí lồi cầu bị trật

- Trật khớp vai ra trước, xuống dưới, vào trong: gặp 95% trật khớp vai, khi bị trật ra trước thì chỏm xương xuống dưới và vào trong, gồm có:

+ Chỏm ngoài mỏm quạ (còn gọi là bán trật).

+ Chỏm dưới mỏm quạ (khoảng 80% trật khớp vai là loại này).

+ Chỏm trong mỏm quạ.

+ Chỏm dưới xương đòn, trong lồng ngực.

- Trật xuống dưới ổ chảo (ít gặp): Cánh tay quặt ngược lên trời, khuỷu tay gấp, bàn tay sờ đầu. Xquang: chỏm xương trật xuống dưới ổ chảo.

- Trật ra sau, rất hiếm (chỉ gặp khoảng 5%) vì có xương bả vai án ngữ: Cánh tay khép, cẳng tay như dán chặt vào than mình, nằm ngang trước lồng ngực, cổ bàn tay ruỗi tối đa. nhìn dáng vẻ như của một người ghê sợ một vật gì không muốn đến gần. Xquang phim thẳng, đọc không kỹ dễ nhầm tưởng khớp vai bình thường. Phim nghiêng thấy rõ chỏm xương trật ra sau.

1.4.3. Biến chứng của trật khớp vai

- Tổn thương xương và sụn khớp vai:

Khoảng 25% số ca trật vai có kèm theo tổn thương xương.

+ Tổn thương Hill - Sachs: Đây là tổn thương ở phía trên ngoài chỏm xương cánh tay do chỏm xương cánh tay bị cắm vào bờ ổ chảo lúc trật khớp vai, gặp khoảng 80% trong trật khớp vai ra trước, gặp 25% trong trật khớp vai ra sau.

+ Tổn thương Bankart:  là sự bóc tách điểm bám của dây chằng ổ chảo cánh tay, chủ yếu là dây chằng ổ chảo cánh tay giữa và dưới ra khỏi sụn viền ổ chảo. Ngoài ra còn có tổn thương Bankart xương, tức là gẫy (vỡ) miếng xương ổ chảo, rách sụn viền ổ chảo. Tổn thương Bankart nếu không được phục hồi giải phẫu thì gặp trật tái diễn khoảng 67%.

- Tổn thương thần kinh:

Có thể gặp đến 15% số trường hợp. Có nhiều mức độ, từ liệt nhẹ thần kinh mũ đến liệt nặng đám rối thần kinh cánh tay. Liệt cơ delta hay gặp nhất, chiếm khoảng 10%, thường bị liệt tạm thời. Nếu bị liệt kéo dài quá 3 tháng sẽ không hồi phục nhưng hiếm gặp.

- Tổn thương mạch máu:

Tỉ lệ gặp 6 - 10%, có thể động mạch bị tắc do thương tổn nội mạc sau đụng dập, bị rách bên do đứt gốc động mạch vai dưới.

- Tổn thương gân chóp xoay:

Tổn thương gân chóp xoay thường để lại di chứng đau quanh khớp vai, rất hay gặp ở người lớn tuổi sau trật khớp vai. Đau quanh khớp vai thường là thể viêm quanh khớp vai đơn thuần.

- Tiên lượng:

+ Nếu trật lần đầu ở bệnh nhân trẻ > 20 tuổi, thì 95% sẽ bị trật lại.

+ Nếu trật vai ở bệnh nhân trên 40 tuổi, gãy xương kèm theo chiếm khoảng 50%

2. Triệu chứng

2.1. Lâm sàng

- Có nguyên nhân chấn thương.

- Đau khớp vai dữ dội: đau chói tại khớp vai bị trật.

- Bất lực vận động khớp vai: Cánh tay dạng khoảng 30 - 40 độ xoay ra ngoài. Mất cử động chủ động của tay bên bị trật khớp do khớp không còn ở vị trí sinh lý bình thường.

- Sờ vai thấy hõm khớp rỗng do chỏm xương cánh tay đã bật ra ngoài.

- Dấu hiệu vai vuông hay “nhát rìu” làm vai biến dạng nhìn khác bên vai lành.

- Dấu hiệu lò xo: Cánh tay ở tư thế bắt buộc, nếu đẩy tay đau sang một tư thế khác, khi bỏ ra nó lại bật về tư thế cũ. Nếu ép cánh tay vào thân, bệnh nhân bị đau, thả tay ra, cánh tay bệnh nhân trở về vị trí cũ.

- Bầm tím da vùng vai nách.

- Nhiều trường hợp trật khớp vai có kèm theo gãy xương bả vai, cổ xương cánh tay... liệt thần kinh cảm giác và vận động cánh tay...

Hình 2. Trật khớp vai phải

2.2. Cận Lâm Sàng

- Chụp XQ khớp vai: khớp vai được chụp XQ ba tư thế là thẳng, nghiêng, chếch 25 độ (đèn từ sau dưới nách). Chụp lấy hình ảnh tổn thương Hill Sachs là chụp thẳng trước sau, cánh tay xoay trong tối đa.

Hình 3. X-quang khớp vai phải của bệnh nhân sai khớp vai ra trước xuống dưới

- Chụp CTscan và MRI: CTscan đánh giá 3 chiều những tổn thương xương, giúp chúng ta chỉ định phương pháp mổ, tiên lượng và chế độ luyện tập.

MRI giúp đánh giá toàn diện cả phần mềm: dây chằng ổ chảo cánh tay, sụn viền cũng như xương ổ chảo cánh tay, gân cơ chóp xoay, bao hoạt dịch mỏm cùng vai, dây chằng khớp cùng đòn, giúp chọn lựa phương án điều trị hiệu quả nhất.

Hình 4. MRI khớp vai phải: rách sụn viền vai phải, tổn thương Bankart sụn.

3. Điều trị

3.1. Nắn chỉnh khớp vai

Vô cảm cần gây mê để nắn, kèm thuốc dãn cơ, nắn nhẹ nhàng không nắn giật cục. Các phương pháp nắn:

- Phương pháp Hypocrat:

Bệnh nhân nằm ngửa, người nắn ngồi bên cạnh, độn gót chân vào nách, đạp chân tựa vào thành ngực, kéo cánh tay từ từ ở tư thế cánh tay dạng 20 độ, có thể kèm xoay nhẹ vào trong. Theo Bohler gần 100% trường hợp thành công, chỉ vài lần thất bại do mẩu xương, gân bị kẹt vào hõm khớp.

- Phương pháp (Dfanelidfe):

Bệnh nhân nằm ngửa, tay bên sai khớp buông thõng ra ngoài mép bàn chỉnh hình, để trọng lượng chi tự kéo dãn, sau 20-30 phút người nắn đẩy đẩu chỏm vào hõm khớp.

Sau khi nắn thành công: Bất động bằng băng Desault để 3 - 4 tuần. Bệnh nhân trên 40 tuổi băng khoảng 2 tuần, sau đó tập phục hồi chức năng khớp vai.

Hình 5. Bất động sau nắn

3.2. Điều trị trật khớp vai cũ: trật khớp trên 3 tuần.

- Từ 3 – 4 tuần, nắn thử theo phương pháp Hypocrat.

- Từ 4 – 8 tuần: dùng  phương pháp Mother (dùng đai da):

Bệnh nhân nằm ngửa trên bàn chỉnh hình, dùng đai da quàng qua dưới nách bị sai khớp, cố định đai da vào bàn hoặc vào tường. Người phụ cầm cổ tay bệnh nhân kéo giạng (càng giạng càng tốt), người nắn trực tiếp đẩy chỏm vào ổ khớp

- Sau 8 tuần không còn chỉ định nắn, phải mổ đặt lại khớp, găm kim Kirchner, hoặc bắt vít giữ trong 3 tuần, sau đó rút kim và cho tập phục hồi chức năng.

3.3. Tập phục hồi chức năng sau nắn chỉnh

- Chườm đá (trong túi chườm lạnh) vùng vai trong vòng 48h sau nắn chỉnh.

- Tay sau nắn chỉnh được đeo đai vai trong 4 - 6 tuần.

- Tập sớm ngay ngày đầu tiên bằng gồng cơ, co duỗi khuỷu tay, cổ tay bàn tay và các ngón tay.

- 3 tuần đầu tập vận động chủ động có trợ giúp. Tập sức cơ bằng gồng cơ. Hạn chế xoay ngoài, không đưa tay ra sau.

- Sau 4 tuần tập vai thả lỏng, đưa tay ra trước và ra sau nhẹ nhàng được. Xoay ngoài khoảng 20 độ, xoay trong khoảng 10 độ.

- Sau 8 tuần tập chủ động đưa tay ra trước, ra sau với biên độ rộng hơn, tập dạng tay, và tập bàn tay đi bộ trên tường.

- Sau 3 tháng tập mạnh sức cơ, tăng xoay ngoài và các bài tập kéo dãn bao khớp.

- Sau 6 tháng tập vận động chuyên ngành thể thao.

Để tìm hiểu chi tiết hơn về bệnh khớp vai, mời các bạn đọc trong cuốn "Viêm quanh khớp vai, chẩn đoán, điều trị và dự phòng" Hà Hoàng Kiệm. NXB TDTT. 2015. Sách có bán ở các hiệu sách trên toàn quốc. Các bạn cũng có thể mua sách oneline ở các địa chỉ sau:

1. https://shopee.vn/S%C3%A1ch-Vi%C3%AAm-Quanh-Kh%E1%BB%9Bp-Vai-Ch%E1%BA%A9n-%C4%90o%C3%A1n-V%C3%A0-%C4%90i%E1%BB%81u-Tr%E1%BB%8B-i.104290381.2223013320

2. https://tiki.vn/viem-quanh-khop-vai-chan-doan-va-dieu-tri-p439398.html

3. https://123mua.com.vn/Sach-Viem-Quanh-Khop-Vai-Chan-Doan-Va-Dieu-Tri-p.1__2223093830__104288726

4. https://123mua.com.vn/Sach-Viem-Quanh-Khop-Vai-Chan-Doan-Va-Dieu-Tri-p.1__2223093830__104288726

Bạn nào muốn mua sách: "Bệnh thoái hóa khớp, chẩn đoán, điều trị và dự phòng" Hà Hoàng Kiệm. NXB TT và DL. 2019. Xin vào các địa chỉ sau:

1. https://tiki.vn/benh-thoai-hoa-khop-chan-doan-dieu-tri-va-du-phong-p10187469.html?spid=10187470&utm_source=google&utm_medium=cpc&utm_campaign=SEA_NBR_GGL_PLA_DAP_ALL_VN_MB_UNK_UNK_C.ALL_X.1057274772_Y.54169762056_V.10187470_W.c_A.&gclid=Cj0KCQjwkIzlBRDzARIsABgXqV9rDUnJ4OeIl588d2-YbJTJz6T44zYuKG7FpnQ-TgBVmKv-gtt7RK8aAoVuEALw_wcB

2. https://shopee.vn/S%C3%A1ch-B%E1%BB%87nh-Tho%C3%A1i-H%C3%B3a-Kh%E1%BB%9Bp-Ch%E1%BA%A9n-%C4%90o%C3%A1n-%C4%90i%E1%BB%81u-Tr%E1%BB%8B-V%C3%A0-D%E1%BB%B1-Ph%C3%B2ng-i.62069215.1960162258

3. https://sachdayroi.com/benh-thoai-hoa-khop-chan-doan-dieu-tri-va-du-phong-nti10187469.html

4. https://www.beecost.com/S%C3%A1ch-B%E1%BB%87nh-Tho%C3%A1i-H%C3%B3a-Kh%E1%BB%9Bp-Ch%E1%BA%A9n-%C4%90o%C3%A1n-%C4%90i%E1%BB%81u-Tr%E1%BB%8B-V%C3%A0-D%E1%BB%B1-Ph%C3%B2ng-i.62069215.1960162258

5. https://giasieure.click/san-pham/S%C3%A1ch-B%E1%BB%87nh-Tho%C3%A1i-H%C3%B3a-Kh%E1%BB%9Bp-Ch%E1%BA%A9n-%C4%90o%C3%A1n-%C4%90i%E1%BB%81u-Tr%E1%BB%8B-V%C3%A0-D%E1%BB%B1-i.104288726.2223090172


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI