Loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh

Cập nhật: 07/03/2020 Lượt xem: 1938

Loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BVQY 103, HVQY

Loãng xương là bệnh lý của hệ thống xương biểu hiện giảm tỉ trọng chất khoáng của xương kết hợp với sự hư biến cấu trúc xương làm cho xương trở nên xốp, giòn và yếu đến mức rất dễ gãy dù bị chấn thương rất nhẹ, thậm chí có thể gãy tự nhiên. Bệnh thường gặp ở người cao tuổi, nhất là phụ nữ sau mãn kinh. Xương là một mô sống nên luôn có quá trình đổi mới. Đổi mới xương do hai quá trình tạo xương và hủy xương tồn tại song song. Các tế bào hủy xương (hủy cốt bào) có vai trò hủy xương, các tế bào tạo xương (tạo cốt bào) có chức năng tạo mới xương thay thế cho phần xương bị hủy. Ở trẻ em quá trình tạo xương mạnh hơn hủy xương làm cho xương phát triển. Ở người già quá trình hủy xương mạnh hơn tạo xương gây ra tình trạng loãng xương. Ở tuổi thiếu niên xương phát triển nhanh, 18 - 20 tuổi ở nữ hoặc 20 - 25 tuổi đối với nam xương phát triển chậm lại. Người già xương bị phân hủy nhanh hơn sự tạo thành, tỉ lệ cốt giao (thành phần hữu cơ) giảm, vì vậy xương người già xốp giòn, dễ gãy và nếu gãy thì liền xương rất chậm, không chắc chắn.

Phân loại loãng xương:

Loãng xương nguyên phát, gồm loãng xương týp I là loãng xương sau mãn kinh ở phụ nữ, loãng xương týp II là loãng xương tuổi già gặp ở cả nam và nữ. Loãng xương thứ phát, do: Bất động quá lâu; do các bệnh nội tiết như cường vỏ thượng thận, suy tuyến sinh dục, cường giáp trạng, to viễn cực...; do bệnh thận gây thiếu chất 1a,25-dihydrocholecalciferol do thiếu enzyme 1-alpha hydroxylase của thận; do thuốc như corticoid, heparin...

Cơ chế loãng xương sau mãn kinh:

Hormon sinh dục nữ ostrogen có tác dụng ức chế hoạt động của tế bào hủy xương. Sau mạn kinh nồng độ ostrogen giảm mạnh, làm tế bào hủy xương không bị ức chế và tăng hoạt động làm tăng quá trình hủy xương. Loãng xương thường xuất hiện sau mạn kinh 3-4 năm.

Biểu hiện của loãng xương:

Tình trạng mất xương (giảm mật độ xương) do bệnh loãng xương thường không biểu hiện triệu chứng rõ ràng cho đến khi trọng lượng xương giảm trên 30%. Người bệnh có thể không biết mình mắc bệnh cho đến khi xương trở nên yếu đi, dễ gãy khi gặp những sang chấn nhỏ ví dụ như trẹo chân, va đập hoặc té ngã. Giảm mật độ xương khiến xương ở cột sống có thể bị xẹp (còn gọi là gãy lún). Biểu hiện của tình trạng này bao gồm có cơn đau lưng cấp, giảm chiều cao, dáng đi khom và gù lưng. Cảm giác đau nhức các đầu xương, người bệnh sẽ cảm thấy đau dọc các xương dài, thậm chí đau nhức như bị kim chích toàn thân. Đau ở vùng xương chịu gánh nặng của cơ thể thường xuyên như: cột sống thắt lưng, xương chậu, xương hông, đầu gối, những cơn đau lặp lại nhiều lần. Những cơn đau sẽ tăng lên khi vận động, đi lại, đứng ngồi lâu và sẽ thuyên giảm khi nằm nghỉ. Đau ở cột sống thắt lưng hoặc hai bên liên sườn, gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh liên sườn, dây thần kinh đùi và thần kinh tọa. Những cơn đau trở nặng khi vận động mạnh hoặc bất ngờ thay đổi tư thế. Vì vậy, người có dấu hiệu bị loãng xương thường rất khó thực hiện những tư thế như cúi gập người hoặc xoay hẳn người. Chụp X-quang thấy tăng sáng hơn bình thường, hình ảnh lún đốt sống. Chỉ số T-score đo theo phương pháp DEXA nhỏ hơn hoặc bằng -2,5.

Hậu quả của loãng xương:

là gãy xương, có thể gãy cổ xương đùi và lún xẹp đốt sống (chiếm 50% các loại gãy xương và chiếm 25% số người trên 70 tuổi), gãy đầu dưới xương cẳng tay. Phụ nữ sau mãn kinh có thể bị thấp đi 6,4cm và hình ảnh của lún đốt sống có thể là gù, còng lưng và vẹo cột sống.

Điều trị loãng xương:

Sử dụng thuốc giảm đau, uống calci, vitamin, bổ xung nội tiết tố sinh dục, thuốc tăng khối lượng xương (Thyrocalcitonin, Biphosphonate), chế độ ăn giàu calci, chế độ vận động hợp lý, hạn chế chất kích thích (rượu bia, thuốc lá...). Các phương pháp vật lý trị liệu để giảm đau, đặc biệt dùng hồng ngoại và tử ngoại để tăng cường hấp thu vitamin D, từ trường để chống loãng xương.

Dự phòng loãng xương:

Cùng với tuổi tác, từ 20-80 tuổi khối lượng xương mất tuyến tính khoảng 30%. Ở phụ nữ nặng hơn vì thêm rối loạn sau mãn kinh, tỷ lệ có thể tới 40% ở tuổi 80. Để phòng bệnh hiệu quả, các biện pháp sau đây cần được chị em quan tâm: Tăng cường vận động phù hợp với khả năng. Uống calci (0,5-1,5g/ngày) và vitamin D, cần theo dõi nồng độ calci máu để tránh tăng calci máu gây lắng đọng calci ở các mô và sỏi ở các các quan. Dùng nội tiết tố sau tuổi mạn kinh. Chế độ ăn cần cung cấp đủ năng lượng và đủ chất canxi. (thực phẩm giàu canxi là tôm, cua, trứng, sữa...). Trong điều kiện có thể, mỗi ngày nên uống 1/4 lít sữa tươi hoặc 2 hộp sữa chua. Thực ra, đề phòng loãng xương ở tuổi sau mãn kinh người ta phải chú ý tới chế độ ăn và luyện tập từ khi còn trẻ.


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI