Hội chứng gân cơ sấp cánh tay quay

Cập nhật: 03/08/2022 Lượt xem: 2746

Hội chứng gân cơ sấp cánh tay quay

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BVQY 103, HVQY

1. Đại cương

1.1. Giải phẫu chức năng cơ sấp cánh tay quay

- Nguyên ủy: Cơ bám vào gờ trên lồi cầu ngoài xương cánh tay và vách gian cơ ngoài của xương cánh tay.

- Bám tận: Mặt ngoài đầu dưới xương quay ngay trên mỏm châm quay.

- Chi phối thần kinh: rễ C5, C6, dây thần kinh quay

- Tên gọi: vì cơ có chức năng sấp cẳng tay và có hai điểm bám là đầu dưới xương cánh tay và đầu dưới xương quay nên được gọi là cơ sấp cánh tay quay.

- Chức năng: Gấp cẳng tay, sấp cẳng tay từ tư thế ngửa đến trung tính, ngửa cẳng tay từ tư thế sấp đến trung tính.

Động tác gấp khuỷu tay có sự tham gia của 4 cơ:

+ Cơ nhị đầu cánh tay (Bicep bracii)

+ Cơ cánh tay (Bracialis)

+ Cơ sấp cánh tay quay (Briachioradialis)

+ Trợ giúp của cơ sấp tròn (Pronatoteres)

                                                                                                                           

Hình 1. Cơ sấp cánh tay quay và hướng co cơ của nhóm cơ gấp cẳng tay

Cơ cánh tay quay nhỏ hơn cơ nhị đầu và cơ cánh tay nhưng có cánh tay đòn dài nên có lợi về lực nhất trong động tác gấp khuỷu, cũng chính vì vậy ở động tác gấp khuỷu có lực cản mạnh, gân cơ phải chịu lực mạnh so với độ lớn của nó. Lực gấp cánh tay của cơ có hiệu quả nhất khi cẳng tay ở tư thế nửa sấp. Gân cơ có một phần bám vào mạc ngoài cánh tay nên nuôi dưỡng kém dễ bị thoái hóa và tổn thương hơn các gân cơ khác.

1.2. Nguyên nhân

Hội chứng gân cơ sấp cánh tay quay thường gặp ở:

- Người trên 40 tuổi

- Người lao động thường phải làm các động tác gấp duỗi, sấp ngửa cẳng tay lặp đi lặp lại như vặn vắt, xách nặng

- Người chơi thể thao thường sử dụng động tác vung mạnh cẳng tay ở tư thế gấp và sấp như chơi tenis, chơi golf

1.3. Mô bệnh học

Sinh thiết gân cơ sấp cánh tay quay ở những người có hội chứng gân cơ sấp cánh tay quay cho thấy hình ảnh gân thoái hóa, có những dải gân bị hyalin hóa, có những sợi gân bị đứt, tính bền dai của gân giảm dễ bị đứt rách sợi gân khi bị căng kéo mạnh. Bên cạnh các sợi gân bị thoái hóa có xâm nhập bạch cầu, biểu hiện của quá trình viêm mạn.

Hình 2. Hình minh họa mô bệnh học gân bị thoái hóa

1.4. Bệnh sinh

Cơ sấp cánh tay quay là một cơ có kích thước nhỏ trong nhóm cơ có chức năng gấp cẳng tay nhưng lại dài nhất nên phải chịu lực lớn so với kích cỡ của cơ. Điểm bám của nguyên ủy cơ một phần vào đầu dưới xương cánh tay phía trên ngoài mỏm lồi cầu, phần lớn còn lại bám vào mạc ngăn ngoài cánh tay nên nuôi dưỡng của gân cơ kém. Vì các đặc điểm giải phẫu sinh lý trên mà gân cơ sấp cánh tay quay đầu nguyên ủy thường bị thoái hóa theo tuổi nặng hơn các gân cơ khác vùng khủy tay, vì vậy bệnh thường gặp ở người trên 40 tuổi, rất hiếm gặp ở người trẻ. Khi gân đã bị thoái hóa, độ bền và tính co giãn của gân giảm làm gân dễ bị tổn thương như đứt rách sợi gân khi phải chịu lực co cơ mạnh hoặc co cơ đột ngột.

2. Lâm sàng

2.1. Triệu chứng

- Đau ở 1/3 dưới ngoài cánh tay phía trên nếp gấp khủy với đặc điểm:

+ Xảy ra ở người trên 40 tuổi

+ Thường xảy ra sau khi lao động hoặc thể thao phải làm động tác gấp duỗi sấp ngửa cẳng tay mạnh đột ngột hoặc lặp đi lặp lại.

+ Giữ yên cẳng tay ở tư thế gấp nửa sấp không co cơ đau giảm hoặc không đau

+ Đau tăng lên khi làm động tác duỗi và xoay ngửa cẳng tay hoặc làm động tác gấp và sấp cẳng tay, đau càng tăng lên khi sức cản co cơ càng mạnh như khi khi dắt xe máy ra khỏi vị trí đỗ, khi phải xách vật nặng, khi phải nâng một vật nặng từ thấp lên ngang vai, khi phải vặn ốc vít hoặc vặn vắt quần áo….

- Khám:

+ Nhìn da vùng đau bình thường, không sưng nề, không nóng đỏ

+ Ấn vào 1/3 ngoài vùng đầu dưới cánh tay phía trên nếp gấp khuỷu (vùng nguyên ủy của gân sấp cánh tay quay) bệnh nhân đau.

+ Cho bệnh nhân đặt cẳng ta trên bàn, ngửa bàn tay, thầy thuốc giữ cố định bàn tay của bệnh nhân:

* Bảo bệnh nhân xoay sấp bàn tay, cố gắng thắng sức cản, đau xuất hiện ở đầu dưới 1/3 ngoài cánh tay là vùng gân nguyên ủy của cơ sấp cánh tay quay.

* Bảo bệnh nhân gấp cẳng tay vào cánh tay, thầy thuốc giữ cổ tay bệnh nhân tạo sức cản, đau xuất hiện ở vị trí như trên.

* Bảo bệnh nhân vừa gấp vừa sấp cẳng tay cố gắng thắng sức cản của thầy thuốc, xuất hiện đau mạnh ở vùng nguyên ủy của gân sấp cánh tay quay.

Hình 3. Vị trí đau trong hội chứng gân cơ sấp cánh tay quay (1/3 dưới ngoài cánh tay trên nếp gấp khuỷu)

2.2. Xét nghiệm

Các xét nghiệm huyết học, sinh hóa, Xquang, siêu âm đều bình thường, có giá trị chẩn đoán phân biệt với các bệnh khác.

2.3. Chẩn đoán

- Chẩn đoán xác định dựa vào lâm sàng và chẩn đoán loại trừ

- Chẩn đoán phân biệt:

+ Viêm khớp khuỷu

+ Đau do thoái hóa khớp khuỷu

+ Viêm điểm bám gân mỏm trên lồi cầu xương cánh tay

3. Điều trị

3.1. Điều trị không dùng thuốc

- Không bê xách hoặc các động tác phải co cơ cẳng tay để thắng sức cản, đặc biệt là động tác gấp sấp cẳng tay hoặc gấp và xoay ngửa cẳng tay. Tột nhất cần cho tay bên bệnh nghỉ ngơi không lao động trong thời gian điều trị. Nếu chỉ cho tay bệnh nghỉ ngơi thì những trường hợp nhẹ bệnh cũng tự khỏi trong khoảng 1-2 tuần.

- Điều trị bằng nhiệt: với đau cấp tính 1-2 ngày đầu cần chườm lạnh, từ ngày thứ 3 trở đi chừm nóng tại chỗ để tăng tuần hoàn dinh dưỡng cho gân, mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 30-60 phút. Có thể sử dụng Paraffin, túi nhiệt, máy có đầu nhiệt điều trị, đèn hồng ngoại, cũng có thể sử dụng các biện pháp đơn giản như là ngải cứu giã sao nóng đắp lên vùng điều trị khi nguội đặt chai nước nóng hoặc túi nước nóng lên trên để duy trì nhiệt độ nóng đủ thời gian điều trị.

- Sóng ngắn, sóng cực ngắn, vi sóng: có thể đặt điện cực đối diện qua vùng đau hoặc đặt ở hai đầu cơ sấp cẳng tay quay. Liều ấm nóng, thời gian 15-20 phút/lần, mỗi ngày 2 lần.

- Điện xung: dòng TEN điều trị 15-20 phút/lần, 2 lần/ngày

- Điện di ion thuốc (điện phân dẫn thuốc) thuốc thường dùng là novocain, lidocain, salisilat natri.

- Sóng xung kích (shock wave) điều trị 1 lần/tuần, một đợt 4-6 lần.

- Siêu âm hoặc từ trường điều trị tại chỗ cũng có tác dụng.

Thông thường phối hợp 3 phương pháp có cơ chế tác dụng khác nhau trong một liệu trình điều trị, cũng có thể phối hợp các liệu pháp không dùng thuốc với dùng thuốc sẽ có lợi là cộng hưởng tác dụng của các phương pháp với nhau.

3.2. Dùng thuốc

- Thuốc bôi tại chỗ: các thuốc chống viêm không steroit dạng gel như: voltaren, diclofenax, Buscopn…

- Thuốc chống viêm không steroid đường uống: Mobic, Voltaren, Diclofenax…

4. Tiên lượng

Kết quả điều trị thường tốt, bệnh nhân hết đau, vận động, lao động và sinh họat trở lại bình thường.


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI