Điếc đột ngột và hiệu quả điều trị bằng Oxy cao áp

Cập nhật: 16/10/2019 Lượt xem: 6592

ĐIẾC ĐỘT NGỘT VÀ HIỆU QUẢ ĐIỀU TRỊ BẰNG OXY CAO ÁP

1. Khái niệm điếc đột ngột

1.1. Điếc đột ngột là gì?

Quan niệm thông thường trong dân gian thì điếc được cho là hoàn toàn không nghe thấy gì. Quan niệm y học thì điếc là hiện tượng giảm thính lực (nghe kém) ở các mức độ khác nhau. Điếc được chia làm 3 loại:

- Điếc dẫn truyền: Do gián đoạn dẫn truyền âm thanh từ tai ngoài đến cửa sổ bầu dục.

- Điếc tiếp nhận hay điếc do cảm thụ thần kinh: Do tổn thương từ ốc tai đến vỏ não thính giác.

- Điếc hỗn hợp: Kết hợp hai loại trên.

Hình 1. Cấu trúc giải phẫu hệ dẫn truyền thính giác của tai.

Điếc đột ngột được định nghĩa là tình trạng mất hoặc giảm thính lực xảy ra nhanh chóng, phần lớn chỉ xuất hiện ở một tai, do tổn thương của tai trong, có biểu hiện nghe kém tiếp nhận trên thính lực đồ đơn âm.

Điếc đột ngột được coi là một cấp cứu của chuyên khoa Tai – Mũi - Họng, chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị có thể làm giảm hiệu quả và cơ hội phục hồi thính lực của người bệnh.

1.2. Dịch tễ bệnh điếc đột ngột

Ước tính hàng năm gặp điếc đột ngột ở 1/5.000 người, có thể gặp ở mọi lứa tuổi và thường gặp ở người lớn độ tuổi 40 - 50. Khoảng 32 - 65% số người bệnh điếc đột ngột tự cải thiện thính lực một phần hoặc hoàn toàn trong vòng một đến hai tuần sau khởi phát. Tuy nhiên, bệnh có thể không thuyên giảm kể cả khi điều trị tích cực, khiến người bệnh lo lắng, để lại di chứng ảnh hưởng đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống.

1.3. Nguyên nhân gây điếc đột ngột

Nguyên nhân của điếc đột ngột rất khó xác định, 4 giả thuyết sau được phần lớn các tác giả chấp nhận:

- Nhiễm vi-rút: 30-40% các trường hợp có nhiễm khuẩn đường hô hấp trên trong vòng 1 tháng trước khi triệu chứng điếc đột ngột xuất hiện.

- Nguyên nhân mạch máu: Các tổn thương làm giảm lưu lượng máu đến tai trong như vi huyết khối, vi thuyên tắc mạch, co thắt mạch máu, giảm huyết áp, xuất huyết nội mê nhĩ.

- Yếu tố miễn dịch: Kháng thể kết hợp các kháng nguyên nội sinh ở tai trong.

- Chấn thương mê nhĩ.

Chỉ khoảng 10 - 15% các trường hợp điếc đột ngột có thể xác định được nguyên nhân. Các nguyên nhân thường gặp nhất bao gồm:

- Các bệnh truyền nhiễm: Viêm màng não, viêm mê nhĩ, viêm ốc tai có thể do các tác nhân nấm, vi khuẩn, virus (sởi, quai bị, rubella, virus gây bệnh mụn rộp, virus thủy đậu,…).
- Các bệnh lý mạch máu: Tắc hoặc co thắt mạch máu tai trong, đặc biệt ở nhóm người bệnh có yếu tố nguy cơ cao như đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì, rối loạn mỡ máu,…

- Các bệnh lý của tai trong như bệnh Ménière (ứ nước mê nhĩ: chóng mặt, điếc một tai, ù tai, cảm giác tức nặng trong tai, mất thăng bằng, nhức đầu, buồn nôn…).

- Sử dụng các thuốc độc cho tai: Kháng sinh nhóm aminoglycosides, quinine, aspirin, cisplatin, thuốc lợi tiểu quai.

- Các bệnh lý u: U góc cầu - tiểu não, u ống tai trong, u di căn từ nơi khác đến xương thái dương hay màng não.

- Các bệnh lý tự miễn: U hạt Wegener (bệnh u hạt với viêm đa mạch máu ở não, các xoang, họng, phổi, thận), viêm đa khớp, hội chứng Cogan (viêm giác mạc không do giang mai + các khiếm khuyết tai - tiền đình hai bên), bệnh Lupus ban đỏ hệ thống.

- Các chấn thương: Chấn thương đầu, chấn thương tai do áp lực (lặn sâu, đi máy bay, leo vùng núi cao,…), chấn thương tai do âm thanh, rò ngoại dịch.

- Các bệnh lý chuyển hóa: Rối loạn chuyển hóa sắt, suy thận,…

2. Biểu hiện lâm sàng và chẩn đoán điếc đột ngột

Bệnh cảnh điển hình của điếc đột ngột là buổi sáng thức dậy, hoặc sau tắm, gội đầu nước lạnh, người bệnh có cảm giác nghe kém 1 bên tai, thường được phát hiện tình cờ khi người bệnh nghe điện thoại. Các triệu chứng khác có thể xuất hiện kèm theo là: đầy nặng tai, ù tai, chóng mặt. Triệu chứng có thể xuất hiện và tiến triển nhanh trong vài phút đến vài giờ hoặc tăng dần trong vài ba ngày.

Để chẩn đoán điếc đột ngột cần tiến hành đo thính lực đồ đơn âm. Khám nghiệm này giúp phân biệt giữa một trường hợp giảm thính lực dẫn truyền với một trường hợp giảm thính lực tiếp nhận.

Tiêu chuẩn chẩn đoán điếc đột ngột:

- Giảm thính lực tiếp nhận trên 30 decibels.

- Giảm thính lực ở 3 tần số âm liên tiếp khi đo thính lực đồ.

- Giảm thính lực xảy ra trong vòng 3 ngày.

Khi đã xác định được điếc đột ngột, tùy theo gợi ý trên lâm sàng, cần làm thêm các xét nghiệm khác để tìm nguyên nhân gây bệnh: Xét nghiệm máu, xét nghiệm hình ảnh (thường là nội soi tai, chụp cộng hưởng từ), và các nghiệm pháp đánh giá chức năng tiền đình.

Mặc dù thăm khám bệnh và thực hiện các xét nghiệm kỹ lưỡng, chỉ có thể xác định được nguyên nhân gây điếc đột ngột cho khoảng 10-15% các trường hợp. Trong số các nguyên nhân điếc đột ngột xác định được, khoảng 0,8 - 4% người bệnh có u ống tai trong hoặc u góc cầu - tiểu não, ngay cả khi người bệnh đã hồi phục thính lực hoàn toàn cũng không thể loại trừ các nguyên nhân này. Do đó, chụp cộng hưởng từ (MRI) có tiêm gadolinium là xét nghiệm phù hợp nhất để loại trừ các bệnh lý sau ốc tai. Nếu không thể chụp cộng hưởng từ, người bệnh nên được đo điện thính giác thân não hoặc đo lại thính lực đồ trong quá trình điều trị. Các bất thường kéo dài trên 2 xét nghiệm này có thể gợi ý cho các bệnh lý sau ốc tai.

Chụp CTscan xương thái dương không được khuyến cáo thực hiện thường quy ở các bệnh nhân điếc đột ngột, ngoại trừ các trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi. Nhóm bệnh nhân này có tỉ lệ bệnh lý u sau ốc tai thấp nhưng có tỉ lệ bất thường về cấu trúc giải phẫu cao. Các bất thường giải phẫu có thể phát hiện bằng chụp CTscan ở những người bệnh này bao gồm: Thiểu sản ốc tai, hội chứng Mondini (loạn sản hay dị dạng bẩm sinh của mê đạo xương phát hiện bằng chụp X quang), giãn rộng cống tiền đình.

3. Điều trị điếc đột ngột thế nào?

- Điều trị bằng thuốc: Vì có 85-90% các trường hợp điếc đột ngột không xác định được nguyên nhân. Do đó, có nhiều thuốc điều trị được đưa ra với mục đích điều trị bao vây dựa trên các giả thuyết gây bệnh. Tùy theo triệu chứng của từng bệnh nhân mà bác sĩ lựa chọn các thuốc phối hợp. Các thuốc này có thể được phân nhóm theo cơ chế tác dụng như sau:

+ Nhóm Corticosteroids: Methyl prednisolon 40mg (Solumedrol 40mg) tiêm tĩnh mạch (TTM).

+ Nhóm thuốc giãn mạch: Piracetam (Nootropyl) truyền tĩnh mạch/ngày. Sibelium uống buổi tối.

+ Nhóm thuốc kháng virus, nếu nghi ngờ có nhiễm virus: Acyclovir, valacyclovir.

+ Nhóm chất chống oxy hóa: Vitamin E, Thocoferol.

+ Nhóm thuốc kháng histamin: Loratadin, Ebastin, Fexofenadine uống.

+ Nhóm thuốc điều trị chóng mặt (nếu bệnh nhân có chóng mặt): Acetyl-DL–Leucine (Tanganil) uống, Betahistine (Betaserc) uống.

- Hội Tai Mũi Họng và Phẫu thuật Đầu Cổ của Hoa Kỳ đã đưa ra khuyến cáo trong tiếp cận điều trị người bệnh điếc đột ngột không rõ nguyên nhân như sau:

+ Giải thích cho người bệnh về nguyên nhân của điếc đột ngột và hiệu quả điều trị.

+ Corticosteroids là một lựa chọn hiệu quả cho khởi đầu điều trị. Trước đây, corticosteroids thường được sử dụng bằng đường toàn thân (dạng tiêm hoặc uống). Trong những năm gần đây, tiêm corticoids trực tiếp xuyên màng nhĩ vào tai giữa (qua đó thuốc có thể đi vào tai trong) được nhiều nghiên cứu ghi nhận tính hiệu quả. Để tiết kiệm chi phí điều trị, tiêm corticoids xuyên nhĩ được khuyến cáo chỉ nên thực hiện khi thính lực không phục hồi sau sử dụng corticosteroids đường toàn thân.

+ Oxy cao áp là liệu pháp được sử dụng có hiệu quả tốt.

+ Đánh giá lại thính lực đồ của người bệnh trong vòng 6 tháng sau chẩn đoán.

+ Tư vấn người bệnh sử dụng thiết bị trợ thính giúp người bệnh hòa nhập lại cuộc sống nếu thính lực không phục hồi sau quá trình điều trị tích cực.

Đối với nhóm bệnh nhân có thể xác định được nguyên nhân gây bệnh. Tùy từng trường hợp, có chỉ định phương thức điều trị phù hợp: Điều trị kháng sinh hoặc kháng virus trong các trường hợp nhiễm khuẩn hoặc nhiễm virus, phẫu thuật lấp lỗ rò nếu người bệnh có rò ngoại dịch,…

Các nghiên cứu đều xác nhận việc điều trị sớm trong 1 -2 tuần đầu sau khi xuất hiện triệu chứng sẽ đem lại hiệu quả phục hồi cao, và cơ hội cải thiện sức nghe rất thấp nếu như bắt đầu điều trị 4 tuần sau thời điểm khởi phát. Việc điều trị sớm trong những ngày đầu có thể cải thiện thính lực trong 60 - 80% các trường hợp.

Các yếu tố tiên lượng khả năng phục hồi kém bao gồm: Chóng mặt kèm theo, giảm thính lực nặng, người bệnh lớn tuổi.

4. Kết quả điều trị điều trị điếc đột ngột bằng oxy cao áp phối hợp với corticoid tại khoa Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng bệnh viện 103 phối hợp cùng khoa Tai – Mũi – Họng.

Chúng tôi lựa chọn phác đồ corticoid phối hợp với liệu pháp oxy cao áp để điều trị cho các bệnh nhân điếc đột ngột cho kết quả rất khả quan:

- Nếu bệnh nhân đến trong hai tuần đầu hoặc có thể 1 tháng đầu sau khởi phát điếc đột ngột, sử dụng corticoid phối hợp với oxy cao áp.

- Nếu bệnh nhân đến muộn hơn một tháng sau khởi phát điếc đột ngột sử dụng thuốc giãn mạch phối hợp với oxy cao áp.

- Phác đồ điều trị oxy cao áp:

+ Mỗi ngày 1 lần (có thể điều trị 2 lần sáng và chiều), mỗi lần 60 phút, một đợt điều trị 20 lần.

+ Thời gian tăng áp 7 phút, thời gian đẳng áp 46 phút, thời gian giảm áp 7 phút.

+ Áp xuất oxy đẳng áp 1,2 - 1,6 atmosphere tùy tình trạng bệnh nhân.

       

Hình 5. Điều trị điếc đột ngột bằng oxy cao áp tại Khoa Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng Bệnh viện 103.

Kết quả:

- Nhóm bệnh nhân được điều trị trong tuần đầu sau khởi phát điếc đột ngột: 96,7% phục hồi thính lực tốt, 3.3% hồi phục khá.

- Nhóm bệnh nhân được điều trị trong tuần 2 đến 4 sau khởi phát điếc đột ngột: 80,2% phục hồi thính lực tốt, 9,8% hồi phục khá.

- Nhóm bệnh nhân được điều trị sau 4 tuần (1 tháng) khởi phát điếc đột ngột: 67,8% phục hồi thính lực tốt, có 1,5% bệnh nhân không hồi phục.

Đặc biệt có một bệnh nhân đến điều trị muộn sau 6 tháng đã phải dùng máy trợ thính, sau điều trị thính lực được cải thiện, bệnh nhân bỏ được máy trợ thính.

Kết luận:

- Phác đồ điều trị corticoid hoặc thuốc giãn mạch phối hợp với liệu pháp oxy cao áp có hiệu quả tốt trong điều trị điếc đột ngột.

- Điều trị càng sớm cho kết quả càng tốt, hiệu quả điều trị giảm dần theo thời gian điều trị muộn.

- Đây là biện pháp điều trị an toàn nếu tuân thủ tốt chỉ định và chống chỉ định của liệu pháp, chúng tôi không gặp biến chứng nào trong quá trình điều trị.

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm

 

 

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

Bệnh thận - Tiết niệu

    Bệnh tim mạch

      Bệnh cơ-xương-khớp

        Bệnh nội tiết-chuyển hóa

          Bệnh tiêu hóa

            Bệnh phổi - phế quản

              Bệnh Thần kinh - Tâm thần

                Bệnh truyền nhiễm

                  Bệnh nhi khoa

                    Cận lâm sàng

                      Bệnh khác

                        Thuốc

                          Vật lý trị liệu

                            Phục hồi chức năng

                              Tư vấn và Chia sẻ thông tin

                                Sách đã xuất bản của Hà Hoàng Kiệm

                                  Bài báo khoa học

                                    SÁCH CỦA TÔI