Tiểu sử Đức Chúa Jésus Christ (Thiên của giáo)

Cập nhật: 24/12/2016 Lượt xem: 64933

Tiểu sử Đức Chúa Jésus Christ (Thiên của giáo)

Kết quả hình ảnh cho chúa jesus

Đức Chúa Jésus là Giáo chủ của Thiên Chúa giáo. Đạo Thiên Chúa là Thánh đạo trong Ngũ Chi Đại Đạo do Đức Jésus lập ra ở nước Do Thái, sau Đạo Phật ở Ấn Độ 544 năm.

Đức Chúa Jésus giáng sinh trong một gia đình bần hàn nhưng rất đạo đức: Gia đình Bà Maria và Ông Joseph.

Bà Maria trước đó là một Nữ tu trong Đền Thờ Jérusalem, đến tuổi lấy chồng, luật Đền Thờ buộc các Nam tu sĩ trong Đền Thờ phải có người đứng ra cưới, bởi vì căn cứ theo lời dạy của Thượng Đế với Ông Adam và Bà Êve: "Unissez-vous et multipliez." (Bây phải chung sống cùng nhau đặng sanh sản ra nhiều nữa).

Lễ chọn chồng của Nữ tu Maria tổ chức theo luật của Đền Thờ: Các vị Nam tu sĩ chưa có vợ, mỗi người lựa một nhánh bông, cắm vào bình bông đặt trong Đền Thờ, sau 3 ngày, bông của người nào còn tươi tắn là duyên của người đó, phải cưới Maria.

Ông Joseph lúc đó đã 50 tuổi, cũng phải theo luật lệ đó. Các vị Nam tu sĩ trẻ tuổi đã lựa bông kỹ lưỡng với nhiều hy vọng và đã cắm vào bình hoa hết rồi. Còn Joseph nghĩ mình đã già rồi, có vợ con làm chi nữa, nhưng luật Đền Thờ thì phải vâng, nhưng làm cho có lệ. Ông lượm một nhánh bông huệ khô héo của ai bỏ dưới đất, đem cắm đại vào bình. Nhưng kỳ lạ thay, loài hoa huệ, những bông nở tàn rồi thì rụng đi, còn bông búp bắt nước sống lại, nở ra tươi tốt. Các thứ hoa khác trong bình đều tàn rụi. Thế là Ông Joseph phải cưới Maria.

Luật Đền Thờ lại buộc 2 vợ chồng mới cưới phải ra ở ngoài, không được ở trong Đền Thờ nữa. Vợ chồng Maria và Joseph dắt ra ngoài mướn nhà ở, lo làm ăn sinh sống. Ông Joseph làm nghề thợ mộc, Bà Maria làm nghề vá may, đan thêu, tạm sống qua ngày.

Bà Maria có thai con đầu lòng: Chúa Jésus. Bà được Thiên Thần Gabriel báo mộng cho biết Bà sẽ sinh ra cho loài người một Đấng Cứu Thế.

Đến ngày Lễ hàng năm tổ chức long trọng nơi Đền Thờ Jérusalem, tuy bụng mang dạ chửa gần ngày sinh nở, nhưng vì lòng mộ đạo, hai vợ chồng Maria-Joseph đều cố gắng đi đến Đền Thờ để chầu lễ. Khi đến nơi, các quán trọ đều bị khách đi dự lễ mướn hết, tiết trời lại quá lạnh lẽo, hai vợ chồng phải đến Bêlem, xin với một chủ trại cho tạm trú đỡ trong chuồng chăn nuôi.

Đúng 12 giờ khuya đêm 24 tháng 12 dương lịch, Bà Maria chuyển bụng sinh ra Chúa Jésus. Chúa Hài đồng được quấn tã và được tạm đặt vào máng cỏ cho đỡ lạnh nơi chuồng ngựa trong hang đá.

Các nhà Tiên tri đã báo trước ngày Chúa giáng sinh : Ngày nào sao chổi mọc là ngày đó Chúa giáng sinh, nên nhớ mà để ý tìm người. Trong giờ Chúa giáng sinh, có nhiều huyền diệu xảy ra : Đám chăn chiên ngoài đồng bỗng nghe giữa thinh không có tiếng nói của Thiên Thần: Có Chúa Cứu Thế giáng sinh, hào quang tỏa sáng ngời.

Các người chăn chiên liền đi tìm và gặp Chúa Hài đồng nằm trong máng cỏ, họ đảnh lễ Chúa trước tiên hơn hết.

Vua Hérode đang cai trị dân Do Thái, bỗng tiếp kiến các Đạo sĩ từ phương Đông tìm đến và hỏi rằng: " Vua dân Do Thái mới sinh ra hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Ngài bên Trời Đông, nên tìm đến để đảnh lễ Ngài".

Nghe vậy, vua Hérode hoảng hốt và cả thành Jérusalem cũng náo động lên. Ông cho triệu tập các vị Thượng Tế và Ký Lục để hỏi thì họ cho biết Chúa đã được sinh ra ở Bêlem xứ Juđê. Vua Hérode lo sợ sự hiện diện của Chúa làm hại đến quyền lực của Ông, nên Ông tìm cách giết Chúa, nhưng Ông không biết trẻ con nào là Chúa. Ông ra lệnh giết tất cả những đứa trẻ từ 2 tuổi trở xuống, tính theo thời gian mà Ông đã hỏi nơi các Đạo sĩ.

Thiên Thần liền hiện ra báo mộng cho ông Joseph, bảo: Hãy chỗi dậy và đem hài nhi và mẹ Ngài trốn qua Ai Cập và cứ ở đó cho đến khi ta nói lại, vì vua Hérode sắp lùng bắt hài nhi mà giết đi.

Sáu năm sau, vua Hérode chết. Thiên Thần lại đến báo mộng bảo Joseph: Hãy chỗi dậy và đem hài nhi và mẹ Ngài trở về Do Thái vì kẻ tìm hại hài nhi đã chết.

Ông Joseph đem gia đình về xứ Galilé ở thành Nazaret. Chúa Jésus được 6 tuổi. Cả gia đình sống rất bần chật. Ông Joseph tiếp tục làm nghề thợ mộc, Bà Maria thì vá may. Chúa Jésus thường giúp mẹ đội nước mướn ở bờ sông Jourdain.

Lúc Chúa Jésus được 12 tuổi, Ngài theo cha học nghề thợ mộc. Khi đó, Ông Joseph nhận lĩnh làm nhà cho một người trong xóm, tính toán thế nào mà khi cắt gỗ, mấy cây cột đều cụt hết. Chủ nhà bắt đền. Ông Joseph ngồi khóc ròng, vì nhà nghèo tiền đâu mà đền. Chúa Jésus liền cầu nguyện, rồi cha nắm một đầu cột, con nắm một đầu cột kéo dãn dài ra cho đủ thước tấc để bồi thường cho chủ nhà. Việc làm liều đó, lạ lùng thay, cây cột gỗ lại dãn dài ra như ý muốn.

Đó là Đấng Christ làm phép lạ lần đầu tiên lúc 12 tuổi.

Cũng trong năm đó, Chúa Jésus vào Đền Thờ Jérusalem. Các vị Giáo sĩ trong Đền Thờ nghe danh Chúa là thần đồng liền xúm lại chất vấn. Buổi đó, Đức Christna giáng linh trên Chúa, nên Ngài đã ngồi giữa các vị Giáo sĩ thuyết pháp say mê làm mọi người rất đổi kinh ngạc.

Từ đó, Chúa Jésus về nhà thì cũng như mọi người, phụ làm thợ mộc với cha, hiếu hạnh với mẹ, hòa nhã với mọi người. Nhưng Ngài cảm thấy khó khăn, Chúa Jésus bèn xin đi làm thuê bên ngoài, lấy tiền về phụ với cha mẹ nuôi gia đình.

Thời gian dài trôi qua, đến năm Chúa Jésus được 30 tuổi, nghe Thánh Jean Baptiste đang làm lễ Giải Oan tại bờ sông Jourdain, Chúa Jésus liền đi đến đó. Khi nhìn thấy Chúa Jésus từ xa đi tới, Thánh Jean Baptiste biết đây là Chúa Cứu Thế, mới nói: "Từ sáng tới giờ, tôi chỉ chờ vị này thôi".

Đức Chúa đến thọ pháp Giải Oan nơi Thánh Jean. Khi Thánh Jean hành pháp vừa xong, Đức Chúa Jésus từ dưới sông vừa bước lên bờ thì trên không trung hiện ra hào quang sa xuống giữa đầu Chúa và có tiếng phán rằng: "Nầy con yêu dấu của Ta! Cả ân đức của Ta để cho ngươi đó".

Sau đó, Chúa Jésus được khiến đi vào sa mạc để chịu sự thử thách của Quỉ Satan. Suốt 40 ngày đêm, Chúa bị Quỉ vương cám dỗ đủ điều, nhưng không dụ được Chúa. Quỉ vương đành khuất phục trước sự cao cả của Ngài.

Từ buổi đó, Đức Chúa Jésus là Chân linh của Đấng Christna giáng hạ. Ngài bắt đầu truyền Đạo khắp nơi, thâu nhận 12 Tông đồ, làm nhiều phép lạ để cứu khổ nhân sinh. Ngài xưng là con của Đức Chúa Trời, tức là con của Thượng Đế và tôn vinh Đấng Thượng Đế cao cả.

Đức Chúa Jésus, với lòng thương yêu nhân sinh một cách nồng nàn, Ngài đã dạy dỗ các môn đồ lòng thương yêu, bác ái, hạnh bố thí, sự chân thật, khiêm nhường, tự xét mình để sửa mình, các điều răn cấm, giữ tâm thanh cao trong sạch, lời nói trọn lành, hành động chân chính, thờ kính Đức Chúa Trời một cách hết lòng.

Bởi luật vô vi, không ai thoát khỏi ngày Phán Xét cuối cùng, dù người đã chết hay người đang sống, cũng đều chịu sự thưởng phạt đúng mức công bình.

Tất cả những điều giáo huấn của Đức Chúa Jésus tạo thành một hệ thống Giáo lý cho nền Đạo Thánh ở nước Do Thái, truyền bá mạnh mẽ sang Âu Châu. Uy quyền của vua quan phong kiến và các Giáo chủ Cai-phe bị lung lay, nên họ tìm cách giết Chúa Jésus.

Họ vu cáo Ngài mưu việc phản loạn, lại mua chuộc Yuda, một Tông đồ của Chúa, phản lại Chúa. Yuda bị tiền bạc làm chóa mắt nên điềm chỉ cho bọn lính bắt Chúa và Chúa bị chúng đưa lên án tử hình, đóng đinh trên Thập tự giá.

Đức Chúa Jésus đã biết trước việc đó, nhưng Ngài không né tránh, mà cứ thể theo Thiên ý.

Cái chết của Ngài có ý nghĩa gì ?

Đó là đem xác Thánh quí trọng hiến dâng lên Đức Thượng Đế, làm con tế vật hầu chuộc tội cho loài người. Việc làm này đồng thể với việc dâng Tam bửu của tín đồ Cao Đài lên Đức Chí Tôn, nhưng lại tuyệt đối cao trọng hơn.

Cái chết của Chúa Jésus để chuộc tội cho loài người thật là cao cả, xứng đáng là Chúa Cứu Thế của nhân loại.

Mười hai vị Thánh Tông đoàn của Đức Chúa Jésus là:

1. Simôn, cũng gọi là Phêrô (Thánh Pierre).

2. Anhrê, em của Phêrô.

3. Yacôbê, con của Zêbêđê.

4. Yoan, em của Yacôbê.

5. Philip.

6. Barthêlêmy.

7. Thôma.

8. Mathiơ là người thâu thuế.

9. Yacôbê, con của Alphê.

10. Thađê.

11. Simôn nhiệt thành người Ca-na-an.

12. Yuđa Iscariốt (được thay bằng Matthya).

Chính Yuda đã bán Chúa để nhận tiền của bọn Cai-phe đem về mua ruộng đất, nhưng liền bị tai nạn té nhào, vỡ bụng lòi ruột chết thảm.

Mười một Tông đồ còn lại của Chúa đã cử Ông Matthya thay thế Yuđa cho đủ số 12 Tông đồ như lúc đầu.

Đức Chúa Jésus Christ, tuy là Giáo chủ Thánh đạo, nhưng Chân linh Ngài là một vị Phật. Ngài lĩnh lệnh Đức Chí Tôn mở Đạo Thánh nơi nước Do Thái để cứu độ các sắc dân ở Âu Châu.

Đức Chúa Jésus giáng sinh, dù do phàm thai hay do Thánh thai, dù là con ruột của Ông Joseph thuộc dòng dõi vua David (tức là phàm thai, Đức mẹ Maria không đồng trinh), hay là con nuôi của Ông Joseph, không thuộc dòng dõi của vua David (tức là Thánh thai, Đức mẹ Maria đồng trinh), thì sự tôn thờ Chúa, không phải căn cứ vào điều đó, mà căn cứ vào công đức và sự nghiệp của Chúa đối với nhân loại. Chúa Jésus đã dạy dỗ nhân loại nhiều điều hữu ích và sau cùng dùng cái chết của mình trên cây Thập giá để chuộc tội cho loài người và trả hiếu Thượng Đế. Đó mới là điều quan trọng. Nhân loại mới tôn thờ Ngài, suy tôn Ngài là Đấng Cứu Thế.

Nếu nói rằng Đức Chúa Jésus giáng sinh bằng phàm thai là hạ thấp giá trị của Chúa thì hoàn toàn không đúng, bởi vì nếu đúng như vậy, thì Đức Phật Thích Ca hay Đức Khổng Tử đều giáng sanh bằng phàm thai thì không đáng kính trọng hay sao?

Chúa Giêsu

SermonOnTheMountcropped.jpg

Gia phả và Gia đình

Cuộc đời và đường khổ nạn của Chúa Giêsu, tranh của họa sĩ Ý Gaudenzio Ferrari, 1513

Giáng sinh và Thời thơ ấu

Các mục tử tìm đến tôn thờ Ấu Chúa, tranh Gerard van Honthorst

Theo Matthew và Luca, Chúa Giê-su sinh ở Bethlehem xứ Judea bởi nữ đồng trinh Mary, do "quyền năng siêu nhiên" của Chúa Thánh Linh. Phúc âm Lu-ca thuật lại sự kiện thiên sứ Gabriel đến gặp Mary để báo tin cô đã được chọn để mang thai Con Thiên Chúa. Tín hữu Công giáo gọi sự kiện này là Lễ Truyền tin. Cũng theo Lu-ca, Mary và Joseph, bởi chiếu chỉ của Caesar Augustus, phải rời nhà mình ở Nazareth để trở về quê hương của Joseph thuộc dòng dõi của Vua David để đăng ký vào sổ dân. Sau khi sinh hạ hài nhi Giê-su, hai người phải dùng một máng cỏ làm nôi bởi vì không có chỗ trong quán trọ. Theo Lu-ca, một thiên sứ đã loan tin giáng sinh cho những người chăn chiên để họ tìm đến chiêm ngưỡng rồi họ báo tin mừng đến khắp nơi trong vùng. Matthew thuật lại câu chuyện Những nhà thông thái mang lễ vật đến cho hài nhi Giê-su trong cuộc hành trình được hướng dẫn bởi một vì sao mà họ tin là dấu hiệu báo tin giáng sinh của Đấng Messiah hoặc Vua của dân Do Thái.

Tuổi thơ của Chúa Giê-su, theo ký thuật của Tân Ước, trải qua ở thành Nazareth xứ Galilee sau khi trở về từ Ai Cập, nơi họ tìm đến trú ẩn ngay sau khi hài nhi Giê-su chào đời để tránh cuộc tàn sát của vua Herod. Năm 12 tuổi, cậu bé Giê-su cùng cha mẹ lên Đền thờ ở Jerusalem, bị thất lạc và được cha mẹ tìm thấy, là toàn bộ cuộc sống ẩn dật thời thơ ấu của Chúa Giê-su được ghi trong sách Tân Ước của Luca.

Báp têm và chịu cám dỗ

Phúc âm Máccô bắt đầu với sự kiện Chúa Giê-su chịu báp têm (phép rửa) bởi Giăng Báp-tít (Gioan Tẩy giả), được các học giả Kinh Thánh xem là điểm khởi đầu thánh chức của ngài trên đất. Theo ký thuật của Mark, Chúa Giê-su đến sông Jordan, nơi Giăng Báp-tít vẫn giảng dạy và làm báp têm cho đám đông. Sau khi Chúa Giê-su chịu lễ báp têm và bước lên khỏi nước thì, theo lời thuật của Mark, "Ngài thấy các từng trời mở ra, và Chúa Thánh Linh ngự xuống trên Ngài như chim bồ câu. Lại có tiếng từ trên trời phán rằng: Ngươi là Con Yêu dấu của ta đẹp lòng ta mọi đường" . Lu-ca bổ sung những chi tiết tuần tự kể rằng Giăng Báp-tít khởi sự giảng dạy vào năm thứ 15 đời Tiberius Ceasar (khoảng năm 28 CN.), và Chúa Giê-su chịu lễ báp têm lúc ngài khoảng ba mươi tuổi. Matthew bổ sung cho các ký thuật khác chi tiết Giăng từ chối làm lễ báp têm cho Chúa Giê-su, nói rằng chính Chúa Giê-su mới là người xứng đáng cử hành lễ báp têm cho Giăng. Tuy nhiên, Chúa Giê-su nhấn mạnh rằng việc ngài chịu lễ báp têm là để "làm trọn mọi việc công bình". Phúc âm Giăng tập chú vào lời chứng của Giăng Báp-tít nhìn thấy Chúa Thánh Linh như chim bồ câu đậu trên mình Chúa Giê-su, và nhận biết ngài là "Chiên con của Thiên Chúa", và là Chúa Cơ Đốc (nghĩa là đấng chịu xức dầu để trị vì).

Theo ký thuật của phúc âm Mátthêu, sau khi chịu lễ báp têm, Chúa Thánh Linh đưa Chúa Giê-su vào hoang mạc, ở đó ngài kiêng ăn trong bốn mươi ngày đêm. Ma quỷ hiện ra và cám dỗ Chúa Giê-su bày tỏ quyền năng siêu nhiên để chứng minh ngài chính là Thiên Chúa, nhưng ngài đã khước từ và thắng sự cám dỗ của ma quỷ bằng cách trưng dẫn lời Kinh Thánh từ sách Phục truyền Luật lệ ký (Đệ nhị Luật). Cả thảy, ma quỷ tìm đến cám dỗ ngài ba lần. Các sách Phúc âm thuật lại rằng, sau khi chịu thất bại, ma quỷ bỏ đi và các thiên sứ đến để hầu việc Chúa Giê-su.

Thi hành Thánh chức

Bài giảng trên núi, tranh của Carl Heinrich Bloch, thế kỷ 19

Theo các sách Phúc âm, Chúa Giê-su là Đấng Messiah, "Con Thiên Chúa", "Chúa và Thiên Chúa". Ngài đến để "phó mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người""giảng tin mừng của Nước Trời". Các sách Phúc âm cũng thuật lại rằng Chúa Giê-su đi khắp nhiều nơi để rao giảng tin lành và làm nhiều phép lạ như chữa bệnh, đuổi quỷ, đi trên mặt nước, hóa nước thành rượu, và khiến kẻ chết sống lại như trong câu chuyện của Lazarus.

Phúc âm Giăng ghi nhận ba kỳ lễ Vượt qua trong thời gian Chúa Giê-su thi hành thánh chức. Điều này ngụ ý thời gian Chúa Giê-su rao giảng Phúc âm kéo dài ba năm. Mặc dù có nhiều môn đồ, Chúa Giê-su rất gần gũi với Mười hai Sứ đồ. Có những đám đông khổng lồ lên đến hàng ngàn người tìm đến nghe ngài giảng dạy. Dù không được tôn trọng ở quê nhà,[15] và ở Perea (thuộc phía tây sông Jordan), ngài được đặc biệt trọng vọng trong xứ Galilee (phía bắc Israel).

Một trong những bài thuyết giáo nổi tiếng nhất của Chúa Giê-su là Bài giảng trên núi, trong đó có Các Phước Lành và bài Cầu nguyện chung (Kinh Lạy Cha). Chúa Giê-su khuyên bảo tránh xa sự giận dữ, dâm dục, chớ ly dị, thề nguyền và báo thù; tôn trọng và tuân giữ Luật pháp Moses. Theo ghi chép trong phúc âm Mátthêu, Chúa Giê-su nói: "Các ngươi đừng tưởng Ta đến đặng bãi bỏ luật Mô-sê hay là lời các ngôn sứ; ta đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn". Trong khi diễn giải luật Moses, Chúa Giê-su truyền dạy môn đồ "điều răn mới" và khuyên họ "nếu ai vả má bên hữu ngươi, hãy đưa má bên kia", hãy yêu kẻ thù và cần tuân giữ tinh thần của luật pháp chứ không phải mù quáng theo văn tự.

Chúa Giê-su thường dùng dụ ngôn khi giảng dạy, như chuyện kể về Người con trai hoang đàng, và câu chuyện Người gieo giống. Giáo huấn của ngài tập chú vào tình yêu vô điều kiện và thấm nhuần tinh thần hi sinh đối với Thiên Chúa và đối với mọi người. Chúa Giê-su cũng dạy về tinh thần phục vụ và đức khiêm nhường cũng như lòng bao dung khoan thứ, sống hòa bình, đức tin, và ơn thừa hưởng sự sống vĩnh cửu trong "Vương quốc Thiên Chúa". Chúa Giê-su loan báo những sự kiện sẽ xảy ra, và tiên báo về sự tận cùng của thế giới, là điều sẽ đến cách bất ngờ; do đó, nhắc nhở những người theo ngài hãy luôn tỉnh thức và trung tín trong đức tin. Bài giảng trên núi Olive, được chép trong phúc âm Mátthêu 24, Mark 13, và Lu-ca 21 cung cấp nhiều chi tiết về sự kiện này.

Trong giáo huấn của Chúa Giê-su có những điều xem ra là nghịch lý đối với thế gian nhưng phù hợp với lẽ công bình của Thiên Chúa như lời cảnh báo "kẻ đầu sẽ nên rốt, và rốt sẽ nên đầu" cũng như lời dặn dò "Ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai vì cớ ta mà mất sự sống thì sẽ được lại" và lời khuyên hãy lấy tình yêu thương và lòng hiếu hòa mà đáp trả bạo lực. Giê-su hứa ban sự bình an cho những người tin ngài, và giải quyết mọi nan đề họ đối diện trong cuộc sống song Chúa Giê-su cũng cảnh báo rằng sẽ có sự phân rẽ khiến các thành viên trong gia đình chống nghịch nhau (vì bất đồng về niềm tin)..

Chúa Giê-su thường tranh luận với giới lãnh đạo tôn giáo của dân Do Thái. Ngài bất đồng với người Sadducee vì họ không tin vào sự sống lại của người chết.[28] Mối quan hệ giữa Chúa Giê-su và người Pharisee còn phức tạp hơn. Mặc dù thường quở trách người Pharisee là đạo đức giả, Chúa Giê-su vẫn mở ra cho họ cơ hội tiếp cận với giáo huấn của ngài bằng cách cùng ăn tối với họ, giảng dạy tại các hội đường, và xem một số người Pharisee như Nicodemus là môn đồ.

Xứ Judaea và Xứ Galilee trong thời Chúa Giê-su

Chúa Giê-su sống gần gũi với những người bị xã hội khinh rẻ như giới thu thuế (nhân viên thuế vụ của Đế chế La Mã, thường bị khinh miệt vì lợi dụng chức quyền để nhũng nhiễu), trong đó có Matthew (về sau là một trong Mười hai Sứ đồ); khi người Pharisee chỉ trích Giê-su vì thường tiếp xúc với kẻ tội lỗi, Chúa Giê-su đáp lại rằng chỉ có người bệnh mới cần đến thầy thuốc, không phải người khỏe mạnh hoặc tưởng mình là khỏe mạnh, "Hãy đi và học cho biết câu này nghĩa là gì: Ta muốn sự thương xót, nhưng chẳng muốn của tế lễ. Vì ta đến đây không phải để kêu kẻ công bình, song kêu kẻ có tội". Theo Lu-ca và Giăng, Chúa Giê-su tìm đến để rao giảng phúc âm cho cộng đồng Samaria (những người theo một hình thức biến dị của Do Thái giáo và bị người Do Thái xem là tà giáo) cạnh giếng Jacob tại Sychar

Bốn sách Phúc âm đều thuật lại sự kiện Chúa Giê-su được chào đón vinh hiển khi vào thành Jerusalem. Ấy là trong kỳ lễ Vượt qua (15 Nisan; vào mùa xuân) theo Phúc âm Giăng, họ hô vang Hosanna để chúc tụng Chúa là Đấng Messiah.

Chết trên thập tự giá

Câu chuyện Chúa Giê-su vào Đền thờ được ký thuật trong ba sách Phúc âm đồng quan, và trong Phúc âm Giăng. Khi bước vào Đền thờ, Chúa Giê-su nhìn thấy trong sân đầy những thú nuôi dùng để dâng tế lễ, và bàn của những người đổi bạc. Họ đổi tiền đang lưu hành sang những đồng nửa shekel, loại tiền đồng dùng trong nghi thức đền thờ. Theo các sách phúc âm, Chúa Giê-su đánh đuổi thú nuôi, hất đổ những bàn đổi tiền và nói "Có lời chép rằng, Nhà ta sẽ là nhà cầu nguyện; song các ngươi biến thành hang trộm cướp" .

Theo các sách phúc âm đồng quan, Chúa Giê-su dùng bữa cùng các môn đồ, gọi là Tiệc Ly, rồi đến Vườn Gethsemane để cầu nguyện. Trong bữa tiệc ly, Chúa Giê-su bẻ bánh, dâng lời tạ ơn, đưa bánh cho các môn đồ mà nói rằng "Nầy là thân thể ta"; Rồi lấy chén, tạ ơn, đưa cho các môn đồ mà nói rằng "Hết thảy hãy uống đi; vì này là huyết ta, huyết của sự giao ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội". Sau cùng, ngài căn dặn môn đồ: "Hãy làm điều này để nhớ đến ta".

Khi đang ở trong vườn Gethsemane, lính La Mã tìm đến vây bắt Chúa Giê-su theo lệnh của Tòa Công luận (Sanhedrin) và thầy thượng tế Caiaphas (về sau được nhắc đến trong Matthew). Nhà chức trách quyết định bắt giữ Chúa Giê-su vì xem ngài là mối đe dọa cho quyền lực của họ, vì cách thức Chúa dùng để diễn giải Kinh Thánh và vì Chúa thường vạch trần sự giả trá của họ trong đời sống tôn giáo. Họ tìm cách bắt Chúa Giê-su vào ban đêm hầu tránh bùng nổ bạo loạn vì ngài được dân chúng yêu mến. Theo các sách Phúc âm, Judas Iscariot, một trong các sứ đồ, phản bội Chúa Giê-su bằng cách ôm hôn ngài để giúp binh lính có thể nhận diện ngài trong bóng đêm. Một môn đồ, Peter (Phêrô hoặc Phi-e-rơ) dùng gươm tấn công những kẻ đến bắt giữ Chúa Giê-su, chém đứt tai một người, nhưng theo Phúc âm Luca, Chúa Giê-su chữa lành cho người ấy. Ngài quay sang quở trách Peter rằng "Hãy nạp gươm vào vỏ; vì hễ ai cầm gươm sẽ bị chết vì gươm". Sau khi Chúa Giê-su bị bắt, các môn đồ tản lạc nhiều nơi để ẩn trốn. Thầy Thượng tế và các trưởng lão tra hỏi Chúa Giê-su "Ngươi là Con Thiên Chúa sao?"; ngài đáp: "Chính các người nói ta là Con Ngài". Chúa Giê-su bị Tòa công luận buộc tội phạm thượng. Thầy Thượng tế giao ngài cho Tổng đốc La Mã Pontius Pilate với cáo buộc phản loạn vì cho rằng Giê-su tự nhận mình là Vua dân Do Thái.

Chúa bị đóng đinh, tranh Paolo Veronese, thế kỷ 16.

Khi Pilate hỏi Chúa Giê-su "Có phải ngươi là Vua của dân Do Thái không?", ngài trả lời: "Thật như lời ngươi nói". Theo các sách phúc âm, Pilate nhận biết Chúa Giê-su không phạm tội gì chống nghịch chính quyền La Mã, vì vậy theo tập tục, vào dịp lễ Vượt qua tổng đốc La Mã sẽ phóng thích một tù nhân, Pilate yêu cầu đám đông chọn giữa Giê-su người Nazareth và một kẻ phiến loạn tên Barabbas. Đám đông, theo sự xúi giục của giới lãnh đạo Do Thái, muốn Barabbas được tha và Giê-su bị đóng đinh. Theo phúc âm Mátthêu, Pilate rửa tay mình để bày tỏ rằng ông vô tội trong quyết định này. Pilate, vì cố xoa dịu cơn phẫn nộ của đám đông, cho đánh đòn Chúa Giê-su. Song đám đông tiếp tục đòi hỏi Giê-su phải bị đóng đinh. Trong cơn cuồng nộ, họ gào thét, "Hãy đóng đinh hắn trên cây thập tự," và khẳng định trách nhiệm của họ về cái chết của Giê-su, "Huyết nó sẽ đổ lại trên chúng tôi và con cái chúng tôi!". Cuối cùng Pilate chịu nhượng bộ. Những người lính La Mã đan một mão bằng gai và đặt trên đầu ngài, rồi quỳ xuống mà chế giễu "Mừng Vua dân Do Thái".

Bốn sách Phúc âm thuật lại Pilate ra lệnh đóng đinh Chúa Giê-su với tấm bảng treo trên đầu cây thập tự viết rằng "Người này là Giê-su, Vua dân Do Thái". Buộc phải vác thập tự giá lên đồi Golgotha, nơi ngài bị đóng đinh. Theo Phúc âm Luca, khi bị treo trên cây thập tự, Chúa Giê-su cầu nguyện: "Lạy Cha, xin tha cho họ; vì họ không biết mình làm điều gì" (Luca 23. 34). Nhiều người đi qua nhiếc móc Chúa Giê-su và có kẻ cho uống giấm khi nghe Giê-su kêu khát. Theo Phúc âm Giăng, Mary và những phụ nữ khác đến bên chân thập tự giá. Khi thấy Chúa Giê-su đã chết, một người lính La Mã dùng giáo đâm vào hông để kiểm tra, tức thì máu và nước chảy ra.

Theo bốn sách phúc âm, Chúa Giê-su trút hơi thở cuối cùng trước khi trời tối, Joseph người Arimathea, một người Do Thái giàu có và là thành viên Tòa Công luận, đến gặp Pilate để xin an táng Chúa Giê-su, ông đặt xác trong một ngôi mộ. Theo ký thuật của Giăng, Nicodemus, người được nhắc đến trong những phần khác của Phúc âm Giăng, tìm đến cùng Joseph lo việc an táng. Các sách Phúc âm đồng quan đều thuật lại hiện tượng động đất và bầu trời tối sầm từ mười hai giờ trưa đến ba giờ chiều.

Phục sinh và Lên Trời

Một họa phẩm thế kỷ 16 miêu tả Sự Phục sinh của Chúa Giê-su của Matthias Grünewald

Theo các sách Phúc âm, Chúa Giê-su sống lại từ kẻ chết sau ba ngày kể từ khi bị đóng đinh trên cây thập tự. phúc âm Mátthêu thuật lại một thiên sứ hiện ra bên ngôi mộ và báo tin sự sống lại của Chúa Giê-su cho những phụ nữ khi họ đến xức xác theo tục lệ. Quang cảnh hiện ra của thiên sứ đã làm các lính canh hôn mê. Trước đó, thầy thượng tế và người Pharisee xin Pilate cho lính đến gác mộ vì họ tin rằng các môn đồ sẽ tìm cách cướp xác. Vào buổi sáng phục sinh, Chúa Giê-su hiện ra với Mary Magdalene. Khi Mary nhìn vào ngôi mộ, hai thiên sứ hỏi bà tại sao khóc; và khi bà nhìn quanh, thấy Chúa Giê-su nhưng không nhận ra cho đến khi ngài gọi bà.

Theo ký thuật của sách Công vụ các Sứ đồ, Chúa Giê-su hiện ra cho nhiều người tại nhiều địa điểm khác nhau trong suốt bốn mươi ngày. Sau khi sống lại, Chúa Giê-su đến với hai người khách bộ hành đang trên đường đến thành Emmaus. Khi các môn đồ nhóm lại, Giê-su hiện ra với họ ngay buổi chiều phục sinh. Thư Corinthian thứ nhất, Phúc âm cho người Hebrew, và một số tư liệu cổ khác đều đề cập đến việc hiện ra cho James (Giacôbe hoặc Gia-cơ). Theo Phúc âm Giăng, một môn đồ tên Thomas tỏ vẻ hoài nghi về sự phục sinh của Chúa Giê-su, nhưng sau khi đặt tay vào vết đâm bên hông, ông thốt lên "Lạy Chúa tôi, Thiên Chúa của tôi!". Sau đó, Chúa Giê-su đến xứ Galilee và hiện ra với vài môn đồ bên bờ hồ. Sau khi ủy thác cho các môn đồ sứ mạng rao giảng Phúc âm trên khắp đất, Chúa Giê-su về trời, "Ngài phán bấy nhiêu lời rồi, thì được cất lên trong lúc họ đang nhìn xem Ngài, có một đám mây tiếp Ngài khuất đi, không thấy nữa". Chúa Giê-su hứa trở lại để ứng nghiệm lời tiên tri về sự tái lâm.

Bữa tiệc ly của chúa Gie-su với 12 môn đồ, Chúa Giê-su bẻ bánh, dâng lời tạ ơn, đưa bánh cho các môn đồ mà nói rằng "Nầy là thân thể ta"; Rồi lấy chén, tạ ơn, đưa cho các môn đồ mà nói rằng "Hết thảy hãy uống đi; vì này là huyết ta, huyết của sự giao ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội". Sau cùng, ngài căn dặn môn đồ: "Hãy làm điều này để nhớ đến ta".

 

Nguồn: Phỏng theo: Đạo cao đài và các tôn giáo khác. http://www.daotam.info/tusachdd.htm Và https://vi.wikipedia.org/wiki/

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

SÁCH CỦA TÔI