Lịch sử Tượng Nữ thần Tự do

Cập nhật: 04/12/2016 Lượt xem: 4409

Lịch sử Tượng Nữ thần Tự do

Nguồn gốc

Dự án Tượng Nữ thần Tự do là do chính trị gia kiêm giáo sư luật học người Pháp, Édouard René de Laboulaye gợi ý vào giữa năm 1865. Trong một buổi nói chuyện sau giờ ăn tối ở tư gia gần Versailles, Laboulaye, một người nhất mực ủng hộ phe liên bang trong Nội chiến Hoa Kỳ, đã phát biểu rằng "nếu một tượng đài cần được dựng lên tại Hoa Kỳ để làm đài kỷ niệm đánh dấu nền độc lập của họ, tôi thiết nghĩ lẽ tự nhiên duy nhất là nếu nó được xây dựng bằng sự hợp lực - một việc làm chung của cả hai quốc gia chúng ta".

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/9/91/U.S._Patent_D11023.jpeg/170px-U.S._Patent_D11023.jpeg

Bản quyền thiết kế của Frédéric Bartholdi

Lời phát biểu của Laboulaye không có dụng ý khởi xướng dự án nhưng đã gây nguồn cảm hứng cho một điêu khắc gia trẻ, Frédéric Bartholdi, người có mặt trong buổi ăn tối hôm đó. Vì chế độ độc tài chuyên chế của Napoleon III lúc bấy giờ, Bartholdi không thể thực hiện ý tưởng đó ngoài việc bàn luận với Laboulaye. Trái lại, Bartholdi tiếp xúc với Ismail PashaKhedive (quốc vương) của Ai Cập để đệ trình dự án xây một ngọn hải đăng khổng lồ có hình dạng một nữ nông dân cổ Ai Cập, vận áo choàng và tay cầm một ngọn đuốc đưa lên cao. Tượng sẽ đặt ở Cảng Said ngay lối vào phía Bắc Kênh đào Suez. Hình vẽ phác thảo và hình mẫu được thực hiện như dự định, nhưng ngọn hải đăng này không được thực hiện.

Trong lịch sử thì trước kia có một bức tượng cổ điển dựng lên bên bờ Kênh đào Suez; đó là Tượng thần Mặt Trời ở Rhodes, một pho tượng đồng tạc hình thần mặt trời Hy Lạp, Helios. Bức tượng này tương truyền cao trên 30 mét (100 ft), dáng đứng ngay lối vào cửa biển, tay cầm một ngọn đèn để hướng dẫn tàu thuyền.

Chiến tranh Pháp-Phổ sau đó tiếp tục trì hoãn dự án xây bức tượng cho nước Mỹ. Bartholdi phải nhập ngũ, phục vụ với cấp bậc thiếu tá địa phương quân. Trong cuộc chiến tranh này, Hoàng đế Napoleon III bị bắt và truất ngôi. Tỉnh Alsace, quê hương của Bartholdi bị nhượng cho Phổ, còn ở Pháp, một nền cộng hòa mới, cấp tiến hơn hình thành.

Từ lâu Bartholdi từng ấp ủ ý định viếng thăm Hoa Kỳ. Sau khi bàn bạc với Laboulaye, ông cho là thời điểm đã đến nên hỏi ý chính giới Mỹ. Tháng 6 năm 1871, Bartholdi vượt Đại Tây Dương với lá thư giới thiệu do Laboulaye ký. Khi đến Thành phố New York, Bartholdi chọn đảo Bedloe làm nơi đặt tượng vì nhận thấy đây là địa điểm lý tưởng khi tàu thuyền ra vào hải cảng New York đều sẽ đi ngang qua hòn đảo này. Ông càng hứng khởi khi biết rằng hòn đảo này thuộc chính phủ liên bang Hoa Kỳ vì trước kia Nghị viện Tiểu bang New York đã nhượng đảo cho chính phủ Hoa Kỳ từ năm 1800 để phòng thủ bến cảng. Bartholdi kết luận trong lá thư gởi cho Laboulaye, "đất này là đất chung của tất cả các tiểu bang." Ngoài các cuộc gặp mặt với nhiều thân hào New York, Bartholdi còn đến thăm Tổng thống Ulysses Simpson Grant nhưng Grant cho rằng trưng dụng đảo Bedloe làm nơi dựng tượng là chuyện rất khó.

Bartholdi đi khắp từ đông sang tây Hoa Kỳ hai lần bằng xe lửa, gặp mặt nhiều người Mỹ ủng hộ dự án. Tuy nhiên, Bartholdi cho rằng công luận ở cả Pháp lẫn Mỹ vẫn chưa đón nhận dự án một cách nồng nhiệt bèn cùng Laboulaye hoãn chờ một thời gian, đợi ngày mở cuộc vận động công chúng.

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/0/04/2014-09-15_16-14-55_lion-belfort.jpg/220px-2014-09-15_16-14-55_lion-belfort.jpg

Sư tử Belfort của điêu khắc gia Bartholdi

Bartholdi làm mô hình đầu tiên theo phác thảo của năm 1870. Theo người con của họa sĩ Mỹ John La Farge (bạn với Bartholdi) thì nhà điêu khắc Bartholdi cho ra đời phác họa đầu tiên nhân chuyến viếng thăm phòng tranh của La Farge ở Rhode Island, Hoa Kỳ. Bartholdi tiếp tục phát triển phác thảo này sau khi quay về Pháp. Khi về Pháp ông thực hiện một số tác phẩm điêu khắc làm khơi dậy lòng yêu nước của người Pháp dù bại trận sau chiến tranh Pháp-Phổ. Một trong số những bức tượng của thời kỳ đó là Sư tử Belfort, một tác phẩm điêu khắc tạc bằng sa thạch đặt ở chân pháo đài Belfort. Nơi này trong cuộc chiến đã cầm cự suốt hơn ba tháng cuộc vây hãm của quân Phổ. Con sư tử bất khuất này có chiều dài 22 mét (73 ft) và cao hơn 10 mét, biểu hiện thật hùng hồn đường nét lãng mạn mà sau này Bartholdi cũng đã lồng vào Tượng Nữ thần Tự do.

Thiết kế, kiểu mẫu và biểu tượng

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/7/7e/Indian_princess_and_Columbia.jpg/180px-Indian_princess_and_Columbia.jpg

Bích họa trên tường do Constantino Brumidi thực hiện trong Tòa Quốc hội Hoa Kỳ, với hai biểu tượng xưa của Mỹ: Columbia (trái) và công chúa da đỏ thổ dân châu Mỹ.

Bartholdi và Laboulaye cùng nhau cân nhấc, tìm cách diễn tả ý niệm lý tưởng tự do của Mỹ. Họ có hai mô típ để dùng. Từ thuở khai quốc, hai nhân vật phụ nữ thường dùng làm biểu tượng văn hóa của đất nước Hoa Kỳ là ColumbiaLibertas. Columbia được xem như hiện thân của Hoa Kỳ cũng giống như Britannia là biểu tượng của Vương quốc AnhMarianne đại diện cho nước Pháp. Trước đó công chúa da đỏ đã được dùng là biểu tượng của Mỹ nhưng vì công luận cho đó hàm ý mọi rợ, kém văn minh, thật không xứng đáng với nước Mỹ nên Columbia đã thay thế công chúa da đỏ. Còn Libertas, vị nữ thần tự do được thờ phụng rộng rãi vào thời cổ đại La Mã, nhất là trong giới nô lệ được phóng thích thì hình tượng này đã được dùng trên nhiều đồng tiền kim loại của Mỹ vào thời đó. Đồng thời Libertas cũng phổ biến trong mỹ thuật công cộng và văn hóa bình dân. Tiêu biểu là Tượng Tự do (1863) của Thomas Crawford nằm trên mái vòm của Tòa Quốc hội Hoa Kỳ. Hình tượng Nữ thần Tự do cũng có mặt trên Quốc ấn của Pháp.

Mỹ thuật thế kỷ 18thế kỷ 19 thường dùng Nữ thần Tự do là biểu tượng lý tưởng công chính của nền cộng hòa. Tuy nhiên Bartholdi và Laboulaye không muốn dùng hình nữ thần tự do để đề cao tinh thần cách mạng như trong bức tranh nổi tiếng Nữ thần Tự do dẫn dắt Nhân dân (tiếng Pháp: La Liberté guidant le peuple) (1830) của họa sĩ Eugène Delacroix. Bức tranh này kỷ niệm cuộc cách mạng Pháp năm 1830 với Nữ thần Tự một tay phất cờ, tay kia cầm súng hô hào toán người vũ trang tiến lên, đạp lên cả xác người đã gục. Laboulaye không có cảm tình với phe cách mạng nên hình ảnh Bartholdi chọn làm mẫu là thần tự do vận áo choàng dài. Thay vì đặt bạo động là trọng tâm như tác phẩm của Delacroix, Bartholdi muốn tạo cho tượng vẻ thanh thản, tay trương ngọn đuốc tượng trưng cho tiến bộ.

Về phần pho tượng của Crawford trên mái vòm của Tòa Quốc hội Hoa Kỳ thì tượng được thiết kế vào đầu thập niên 1850. Ban đầu, theo dự định thì đầu tượng đội mũ hình nấm (pileus), một kiểu mũ của người nô lệ sau khi phóng thích có từ thời cổ La Mã. Tuy nhiên Bộ trưởng Chiến tranh Hoa KỳJefferson Davis, vốn là người miền Nam (sau làm tổng thống của Liên minh miền Nam Hoa Kỳ) thì ngần ngại cho rằng mũ hình nấm là biểu tượng của chủ nghĩa bãi nô nên không chấp thuận. Davis mới ra lệnh thay thế mũ hình nấm bằng mũ giáp (helmet). Tranh của Delacroix thì vẽ thần Tự do đội mũ hình nấm, và Bartholdi có ý định dùng cùng một kiểu mũ nhưng sau chọn kiểu mũ miện (diadem hay như vương miện crown) cho pho tượng. Kiểu mũ miện tránh sự ngộ nhận thần Tự do với Marianne, biểu tượng nước Pháp vì Marianne luôn mũ hình nấm.

Mũ miện của Bartholdi có bảy tia như vầng hào quang mặt Trời, tương ứng với bảy đại dương, và bảy đại lục địa. Ngoài ra tia sáng của mũ miện cùng ngọn đuốc thể hiện ánh sáng của Tự do rạng soi khắp thế giới.

Tất cả những mẫu hình đầu tiên của Bartholdi đều có chung một nét: một người phụ nữ theo thể tân cổ điển tượng trưng cho tự do. Thân tượng khoác áo choàng dài (kiểu áo thường được dùng để cho các nữ thần La Mã); tay tượng cầm ngọn đuốc giương cao. Khuôn mặt tượng tạc theo chân dung của Charlotte Beysser Bartholdi, mẹ của chính điêu khắc gia. Ông thiết kế tượng với bố cục khỏe khoắn, không quá rườm rà để hòa vào biển trời bao la của hải cảng New York. Khách trên thuyền vào cửa bể có thể ngắm nhìn pho tượng từng khía cạnh một khi thuyền chậm tiến vào Manhattan. Tượng mang đậm nét cổ điển, điêu khắc gọn ghẽ, giản lược để tăng phần quy mô và vẻ uy nghi của toàn bố cục. Bartholdi tự thuật như sau:

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/9/93/Freedom_1.jpg/150px-Freedom_1.jpg

Tượng Tự do của Thomas Crawford

Vỏ ngoài của tượng nên khái quát và đơn giản; thiết kế thì cần xác định rõ ràng và đậm nét, nhấn mạnh ở vài trọng điểm. Tránh khuếch đại hay lặp lại những chi tiết thêm chi ly. Nếu phóng đại đường nét để dễ thấy hơn hay tăng cường những tiểu tiết thì ắt làm hỏng tỷ lệ toàn tác phẩm. Cuối cùng, mẫu hình như trong thiết kế cần có đặc tính tổng thể ví như ta phác thảo thật nhanh. Điều cần thiết là nét đặc trưng phải do chủ ý và nghiên cứu; nghệ nhân khi tập trung kiến thức sẽ tìm thấy hình thể và đường nét trong cái thật là đơn giản.

Ngoài việc thay đổi kiểu mũ trên đầu tượng, bản mẫu cũng thay đổi những chi tiết khác trong lúc dự án đang tiến hành. Bartholdi định thêm sợi dây xích đứt trong tay Nữ thần Tự do nhưng sau đó lại thôi vì cho rằng hình ảnh đó chỉ gây chia rẽ giữa hai miền Nam Bắc Hoa Kỳ khi vừa mới xong chiến cuộc. Thay vì cầm xích, ông cho tượng đứng giẫm lên trên một đoạn xích gãy, một phần có gấu áo che khuất nên khó thấy từ chân bệ tượng nhìn lên. Ban đầu Bartholdi còn phân vân không biết tay trái của Nữ thần sẽ cầm gì; sau ông mới quyết định dùng tấm tabula ansata, một mảnh đá phiến như dạng đá đỉnh vòm (keystone), tượng trưng cho ý tưởng luật pháp. Một mặt Bartholdi rất khâm phục Hiến pháp Hoa Kỳ nhưng ông chọn khắc dòng chữ "JULY IV MDCCLXXVI" trên tấm tabula ansata, nối liền ngày Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ với ý niệm tự do.

Sau khi tham khảo xưởng đúc kim loại mỹ thuật Gaget, Gauthier & Co., Bartholdi kết luận rằng vỏ tượng tốt nhất nên làm bằng những tấm đồng được nện thành hình như ý muốn qua phương pháp "repoussé". Theo cách tạo hình này thì tấm kim loại mỏng được trang trí hay tạo hình bằng cách nện uốn bên mặt trái. Lợi điểm của repoussé là toàn bức tượng khá nhẹ vì lớp vỏ đồng chỉ dày khoảng 0,094 inch (2,4 mm). Ông ấn định chiều cao của pho tượng là 151 ft (46 mét), tức là cao gấp đôi tượng Colosso di San Carlo Borromeo của Ý và tượng Arminius của Đức. Hai tác phẩm đó cũng làm theo phương pháp repoussé. Với dự án này, Bartholdi đã lôi cuốn được người thầy cũ là kiến trúc sư Eugène Viollet-le-Duc cùng hợp tác. Viollet-le-Duc đóng góp trong việc xây lõi gạch bên trong tượng để đính vỏ đồng ra bên ngoài.

Vận động & khởi công

Năm 1875, trong khi tình hình chính trị Pháp dần ổn định và kinh tế cũng hồi phục sau cuộc chiến tranh với Phổ thì dân chúng cũng náo nức mong đợi Hội chợ Thế giới năm 1876 sắp khai trương tại Philadelphia, Hoa Kỳ. Nhân cơ hội này Laboulaye mới vận động tìm hậu thuẫn để thực hiện dự án. Tháng 9 năm 1875, ông chính thức thông báo dự án và lập liên hội Mỹ-Pháp với vai trò gây quỹ cho kế hoạch Nữ thần Tự đo Soi sáng Thế giới. Pháp nhận tài trợ việc đúc tượng còn Mỹ thì sẽ lãnh phần trang trải khoản phí xây bệ tượng. Thông báo dự án của Laboulaye gây nhiều phấn khởi ở Pháp cho dù công luận ở Pháp vẫn còn có người oán giận Hoa Kỳ đã không hỗ trợ Pháp trong cuộc chiến với Phổ vừa qua. Phe bảo hoàng ở Pháp thì phản đối bức tượng chỉ vì Laboulaye là người khởi xướng mà Laboulaye thì thuộc phe cấp tiến đối lập. Dù vậy Laboulaye lại đắc cử là một trong 75 nghị sĩ với nhiệm kỳ trọn đời (tiếng Pháp: sénateur inamovible, nghị sĩ bất khả phế) nên tiếng tăm ông càng nổi. Laboulaye liền ra sức vận động chính giới Pháp cùng thân hào nhân sĩ bằng buổi trình diễn đặc biệt tại nhà hát nhạc kịch Paris. Vở kịch ngày 25 tháng 3 năm 1876 cũng là buổi ra mắt nhạc kịch "cantata" mới được Charles Gounod hoàn tất với tựa là La Liberté éclairant le monde. Đó cũng chính là tên tiếng Pháp của bức tượng.

Hình lập thể cánh tay phải và ngọn đuốc của Tượng Nữ thần Tự do, Triển lãm 100 năm (1876) của Hoa Kỳ.

Tuy ban đầu họ tập trung vận động giới thượng lưu nhưng sau liên hội Mỹ-Pháp đã thành công huy động được mọi tầng lớp xã hội: thường dân và cả học sinh đều tham gia. Có 181 trải rộng khắp nước Pháp cũng góp tiền. Hưởng ứng lời kêu gọi nồng nhiệt là thân hữu của Laboulaye trong chính giới Pháp cùng hậu duệ quân nhân Pháp từng tham chiến trong cuộc Chiến tranh Cách mạng Mỹ. Ngoài ra còn có những thành phần tuy góp tiền nhưng có dụng ý muốn mua chuộc Hoa Kỳ để hậu thuẫn Pháp thực hiện kênh đào Panama. Công ty Japy Frères, chuyên buôn đồng hiến tặng toàn lượng đồng cần thiết để xây tượng, trị giá 64.000 franc (khoảng 16.000 đô la đương thời, tương đương với 323.000 đô la ngày nay). Có người cho rằng lượng đồng này xuất xứ từ Visnes, Na Uy, nhưng đến nay vẫn chưa rõ hư thực.

Dù kế hoạch xây dựng tượng chưa được hoàn toàn đúc kết, Bartholdi liền khởi công, bắt đầu với cánh tay phải cầm ngọn đuốc và phần đầu tượng. Công việc tiến hành ở xưởng đúc Gaget, Gauthier & Co. Tháng 5 năm 1876, nhân danh là một thành viên trong phái đoàn Pháp tham dự Hội chợ Thế giới, Bartholdi vượt Đại Tây Dương sang Hoa Kỳ. Hội chợ ở Philadelpha năm đó cũng là năm kỷ niệm 100 năm nền độc lập Hoa Kỳ nên Bartholdi cũng thu xếp để triển lãm bức họa khổng lồ ở New York hầu công chúng hình dung được pho tượng vĩ đại ông muốn thực hiện. Nếu đúng theo kế hoạch thì cánh tay cầm đuốc của pho tượng đồng cũng sẽ ra mắt dân chúng Mỹ khi Hội chợ khai mạc nhưng chuyến tàu hàng đến trễ nên rốt cuộc khi tàu cập bến Philadelphia vào tháng 8 thì đã trễ không kịp ghi danh. Vì thế mà danh mục triển lãm không ghi tên tác phẩm của Bartholdi khiến có nơi gọi lầm nó là "Cánh tay khổng lồ" hay "Ngọn đèn điện của Bartholdi". Khu trưng bày cũng có những tác phẩm quy mô khác, thu hút khách đến xem. Ngoài cánh tay đồng, Bartholdi cũng góp một đài phun nước rất lớn do ông thiết kế. Cánh tay được nhiều người chú ý, nhất là vào những ngày cuối cuộc triển lãm; khách được leo lên tận ban công của ngọn đuốc để ngắm nhìn toàn cảnh khu triển lãm. Sau khi bế mạc, tay tượng chuyển về New York, dựng ở Công viên Quảng trường Madison vài năm cho công chúng đến xem trước khi chuyển về Pháp "đoàn tụ" với thân tượng.

Trong chuyến đi lần thứ hai này đến Hoa Kỳ, Bartholdi đi diễn thuyết nhiều nơi, nói chuyện về dự án lớn của ông và kêu gọi bên phía Mỹ hãy mau lập ủy ban cùng hợp tác với liên hội Mỹ-Pháp để xây tượng. Lần lượt các ủy ban địa phương ra đời tại New York, Boston và Philadelphia, phụ trách việc quyên góp để tài trợ phần xây bệ. Riêng ủy ban New York đảm nhiệm phần lớn việc vận động tại Hoa Kỳ nên sau mang danh là "Ủy ban Hoa Kỳ". Một trong những ủy viên ở New York lúc bấy giờ là Theodore Roosevelt, một thanh niên mới 19 tuổi. Nhân vật này sau đắc cử thống đốc tiểu bang New York rồi lên làm tổng thống Hoa Kỳ. Ngày 3 tháng 3 năm 1877, vào ngày cuối cùng của nhiệm kỳ, Tổng thống Grant ký một nghị quyết chính thức nhận bức tượng là quà tặng của Pháp. Tổng thống Rutherford Birchard Hayes, người kế nhiệm ngày hôm sau, đã phê duyệt và chọn lấy đảo Bedloe y như Bartholdi đề nghị trước kia.

Xây tượng tại Pháp

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/8/8a/SOLparkParis.jpg/220px-SOLparkParis.jpg

Đầu tượng được trưng bày tại Hội chợ Thế giới Paris năm 1878

Khi về Pháp năm 1877, Bartholdi tập trung vào việc hoàn tất phần đầu của pho tượng. Công đoạn này sau được ra mắt tại Hội chợ Thế giới Paris năm 1878. Nhiều mô hình nhỏ hơn được đem bán để hỗ trợ việc gây quỹ. Dân chúng cũng có thể mua vé vào xem công đoạn xây tượng đang diễn ra tại xưởng Gaget, Gauthier & Co. Ngoài ra chính phủ Pháp cho mở một cuộc xổ số; giải thưởng có một cái đĩa bằng bạc và một mô hình tượng bằng đất nung. Tính đến cuối năm 1879 thì đã quyên góp được khoảng 250.000 franc Pháp.

Viollet-le-Duc có công trong việc cấu tạo đầu và tay tượng nhưng ông ngã bệnh năm 1879 rồi mất. Là người then chốt trong giai đoạn này, Viollet-le-Duc lại không để văn bản nào về cách ráp phần da vỏ đồng bên ngoài vào lõi tượng bằng nề bên trong. Phải đến năm sau Bartholdi mới tìm được người tiếp sức với nhiều sáng kiến: nhà xây cất và thiết kế Gustave Eiffel. Eiffel cùng với kỹ sư xây cất Maurice Koechlin quyết định bỏ không dùng lõi gạch; thay vào đó sẽ dùng giàn tháp cao bằng sắt. Eiffel cũng không dùng giàn cứng chắc vì áp suất sẽ đè lên vỏ ngoài, dần gây ra rạn nứt. Chủ ý của Eiffel là muốn pho tượng di dịch ít nhiều vì vị trí ở cửa biển đôi khi sẽ có gió lớn. Ngoài ra vào những ngày hè oi bức, tượng cần co giãn. Ông giải quyết hai nhu cầu trên bằng cách nối vỏ tượng ngoài vào giàn tháp trong bằng một khung giáp (armature). Khung này dùng mảnh sắt tạo từ những khuyên sắt nhỏ nối vỏ ngoài với sườn trong một cách kiên cố. Trong tiến trình thi công, mỗi mảnh bằng khuyên sắt phải được gia công riêng. Để ngăn ngừa cơ nguy vỏ bằng đồng làm soi mòn giàn tháp trong, Eiffel cho bọc lớp vỏ đồng bằng chất amiăng có trộn sơn cánh kiến. Việc thay đổi cấu trúc từ lõi bằng nề sang giàn tháp sắt đã cho phép Bartholdi sử đổi cách ráp tượng. Trước kia ông có ý định ráp vỏ tượng tại nơi dựng tượng khi khung nề hoàn tất như Viollet-le-Duc thiết kế; tuy nhiên với giàn tháp sắt Bartholdi chọn cho ráp tượng tại Pháp, sau đó tháo ra rồi chuyển đến Hoa Kỳ để ráp lại tại đảo Bedloe.

Thiết kế của Eiffel đã làm cho bức tượng này trở thành một trong số những mẫu công trình xây dựng đầu tiên sử dụng kỹ thuật xây vách treo mà theo đó phần bên ngoài của công trình không phải là phần chịu tải, thay vào đó phần ngoài được một khung sườn phía bên trong nâng đỡ. Ông gắn thêm hai cầu thang hình xoáy ốc bên trong để khách tham quan dễ dàng di chuyển lên điểm quan sát nằm trên chiếc mũ miện hơn. Lối vào ban công quan sát nằm quanh ngọn đuốc cũng được thiết kế nhưng vì chỗ cánh tay hẹp nên chỉ có thể đặt được duy nhất 1 cái thang đơn độc dài 40 ft (12 mét). Khi sườn tháp được từ từ xây cao lên, Eiffel và Bartholdi cùng điều hợp công việc của họ một cách cẩn thận sao cho các đốt vỏ tượng ăn khớp hoàn toàn vào khung cấu trúc chống đỡ.

Trong một hành động mang tính chất biểu tượng, Đại sứ Mỹ tại Pháp là Levi P. Morton đã đóng cây đinh tán đầu tiên vào vỏ tượng để kìm giữ tấm đồng vào ngón chân to của bức tượng. Tuy nhiên, vỏ tượng không được thi công theo đúng chiều thứ tự từ thấp đến cao; công việc lắp ráp vỏ tượng được tiến hành cùng lúc trên nhiều đoạn tượng khác nhau theo cách thường hay làm cho khách tham quan lẫn lộn. Một số công đoạn được những nhà thầu thi công - một số những ngón tay được làm đúng theo chi tiết của Bartholdi là do hãng làm kim loại đồng ở thị trấn Montauban miền Nam nước Pháp phụ trách. Vào năm 1882, bức tượng đã được hoàn chỉnh lên đến phần ngực, đây là một sự kiện mà Barthodi ăn mừng bằng cách mời các phóng viên đến dự một buổi ăn trưa được tổ chức trên một bục nền xây bên trong bức tượng. Năm 1883, Laboulaye qua đời. Ferdinand de Lesseps, người xây kênh đào Suez lên kế nhiệm ông làm chủ tịch ủy ban Pháp. Bức tượng hoàn chỉnh được chính thức trao cho Đại sứ Morton trong một buổi lễ tại Paris ngày 4 tháng 7 năm 1884, và de Lesseps thông báo rằng chính phủ Pháp đồng ý trả tiền cho việc chuyên chở bức tượng tới Thành phố New York. Bức tượng vẫn được để nằm yên tại Paris, chờ đợi phần bệ tượng đang được hoàn thành; đến tháng giêng năm 1885, việc gì đến đã đến, bức tượng được tháo rời và đóng thùng sẵn sàng cho chuyến vượt đại dương.

Vận động quyên góp quỹ, sự chỉ trích và quá trình xây dựng tại Hoa Kỳ

Ủy ban tại Hoa Kỳ đối mặt với những khó khăn to lớn trong việc tìm nguồn quỹ cho bức tượng. Nỗi lo sợ năm 1873 đã tạo ra cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài nhiều thập niên. Dự án tượng Nữ thần Tự do không phải là dự án duy nhất đối mặt với khó khăn khi tìm nguồn quỹ: công trình xây dựng đài tưởng niệm hình tháp mà sau đó được biết với tên tượng đài Washington đôi khi bị ngưng trệ trong nhiều năm trời; sau cùng mất đến trên 3 thập niên rưỡi mới hoàn thành xong. Từng có sự chỉ trích cả về bức tượng của Bartholdi và việc món quà tặng của người Pháp lại phải bắt người Mỹ bỏ tiền ra xây bệ tượng. Trong những năm sau Nội chiến Hoa Kỳ, đa số người Mỹ ưa chuộng các tác phẩm nghệ thuật hiện thực mô tả những vị anh hùng và các sự kiện xảy ra trong lịch sử quốc gia hơn là những tác phẩm có tính chất biểu tượng như tượng Nữ thần Tự do. Cũng có ý kiến rằng người Mỹ nên tự thiết kế những công trình công cộng của Mỹ - việc lựa chọn họa sĩ Constantino Brumidi sinh tại Ý để trang trí Tòa Quốc hội Hoa Kỳ đã gây ra cuộc chỉ trích dữ dội cho dù ông là một công dân Mỹ nhập tịch. Tạp chí Harper's Weekly tuyên bố ước gì "Ông Bartholdi và các anh em họ người Pháp của chúng ta đã 'chi trọn gói' khi xây tượng và trao cho chúng ta cả bức tượng và bệ tượng ngay cùng một lúc". Nhật báo The New York Times lên tiếng rằng "không có người yêu nước chân chính nào có thể cho phép bất cứ sự chi tiêu nào như thế cho những hình tượng nữ bằng đồng với tình trạng tài chính hiện tại của chúng ta". Vì phải đối mặt với những lời chỉ trích như thế nên ủy ban Mỹ chỉ có một ít động thái trong vài năm.

Nền móng cho bức tượng được đặt bên trong đồn Wood, một căn cứ lục quân bị bỏ hoang nằm trên Đảo Bedloe, được xây dựng giữa năm 1807 và 1811. Từ năm 1823, đồn này ít khi được sử dụng, tuy trong thời Nội chiến Hoa Kỳ, nó được dùng làm nơi tuyển mộ binh sĩ. Vành đai bảo vệ của căn cứ này có hình ngôi sao 11 cánh. Nền móng và bệ tượng được chỉnh sao cho bức tượng quay mặt về hướng Đông Nam để chào đón tàu thuyền từ Đại Tây Dương đi vào trong bến cảng. Năm 1881, ủy ban New York ủy nhiệm Richard Morris Hunt thiết kế bệ tượng. Trong mấy tháng, Hunt đệ trình một dự án chi tiết và cho biết rằng ông ước tính sẽ hoàn thành bệ tượng này trong 9 tháng. Ông đề nghị một bệ tượng cao 114 ft (35 mét); vì đối mặt với các vấn đề tài chính nên ủy ban quyết định giảm chiều cao bệ tượng xuống còn 89 ft (27 mét).

Bản thiết kế bệ tượng của Hunt gồm có những chi tiết kiến trúc cổ điển trong đó có các cổng dùng thức cột Doric, và phần khối to lớn của nó được chia thành từng mảng với các chi tiết kiến trúc tỉ mỉ để tập trung sự chú ý vào bức tượng. Về hình thể, bệ tượng là một kim tự tháp bị cắt đỉnh nhọn, có đáy rộng 19 m2 (62 bộ vuông) và phần chóp rộng 12 m2 (39,4 bộ vuông). Bốn phía có hình dạng giống nhau. Ngay trên cửa ở mỗi phía có mười đĩa tròn mà Bartholdi đề nghị đặt huy hiệu của các tiểu bang Hoa Kỳ (giữa năm 1876 và 1889, có 40 tiểu bang Hoa Kỳ) nhưng điều này không được thực hiện. Phía trên đó, một ban công đặt ở mỗi phía được các cột đỡ chia thành từng ô. Bartholdi đặt một đài quan sát gần đỉnh của bệ tượng, nơi bức tượng vươn lên ở phía trên. Theo tác giả Louis Auchincloss, bệ tượng "ít nhiều gợi lên uy quyền của một châu Âu cổ đại mà sức chi phối của hình ảnh Tượng Nữ thần Tự do vươn đến tầm cao hơn". Ủy ban thuê cựu tướng lãnh lục quân là Charles Pomeroy Stone giám sát việc thi công xây dựng. Công cuộc xây dựng bắt đầu bằng việc xây một nền móng sâu 4,6 mét (15 ft) vào năm 1883, và viên đá đặt nền của bệ được đặt xuống vào năm 1884. Theo khái niệm ban đầu của Hunt, bệ tượng phải được làm hoàn toàn bằng đá granit. Những vấn đề tài chính lần nữa bắt buộc ông phải thay đổi bản thảo; bản thiết kế cuối cùng gồm có việc xây những bức tường bằng bê tông dày 6,1 mét (20 ft), và trên bề mặt được trang trí bằng những khối đá granit. Khối lượng bê tông được dùng đến ở mức lớn nhất chưa từng có vào thời đó.

Cuộc vận động gây quỹ cho bức tượng bắt đầu từ năm 1882. Ủy ban Hoa Kỳ tổ chức một số lớn các sự kiện gây quỹ. Một cuộc đấu giá nghệ thuật và bản thảo viết tay đã được tổ chức như một phần của công cuộc vận động gây quỹ. Thi sĩ Emma Lazarus được yêu cầu góp phần đầu tiên. Ban đầu bà từ chối và nói rằng bà không thể làm một bài thơ về một bức tượng. Vào lúc đó, bà cũng đang tham gia vào công cuộc giúp đỡ người tị nạn đến Thành phố New York sau khi họ vượt thoát khỏi các cuộc náo loạn bài Do Thái tại Đông Âu. Những người tị nạn này buộc phải sống trong những điều kiện mà bà Lazarus giàu có chưa từng trải qua. Bà tìm thấy một cách để bày tỏ sự thông cảm của bà đối với những người tị nạn qua những từ ngữ diễn tả về bức tượng. Kết quả là bài thơ "The New Colossus" theo thể điệu "sonnet" ra đời, trong đó có những câu nổi bật như "Hãy cho tôi nỗi mệt mỏi và đáng thương của bạn/Đoàn người các bạn túm tụm nhau khao khát hít thở tự do", được xác định là có một không hai về Tượng Nữ thần Tự do. Bài thơ này được khắc trên một tấm bia đặt trong viện bảo tàng nằm dưới nền móng bức tượng.

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/0/09/Pedestal_for_Bartholdi%27s_Statue_of_Liberty.jpg/220px-Pedestal_for_Bartholdi%27s_Statue_of_Liberty.jpg

Bệ tượng của Richard Morris Hunt đang được xây dựng vào tháng sáu năm 1885

Nhưng ngay cả với những nỗ lực trên, cuộc vận động gây quỹ vẫn tụt lùi ở phía sau. Grover Cleveland, thống đốc New York, phủ quyết một đạo luật cho phép tài trợ 50.000 đô la cho dự án vào năm 1884. Một cố gắng vào năm sau đó để xin Quốc hội Hoa Kỳ cung cấp 100.000 đô là đủ để hoàn thành dự án cũng thất bại khi các dân biểu thuộc đảng Dân chủ không đồng ý chi trả. Với vỏn vẹn 3.000 đô la trong ngân hàng, Ủy ban New York đã đình chỉ công việc xây bệ tượng. Đang lúc dự án gặp bế tắc thì các nhóm người từ những thành phố khác của Mỹ trong đó có BostonPhiladelphia đề nghị trả toàn bộ chi phí dựng tượng để đổi lấy việc dời vị trí dựng tượng sang thành phố của họ. Joseph Pulitzer, chủ bút nhật báo World của Thành phố New York, thông báo một chiến dịch gây quỹ 100.000 đô la (tương đương khoảng 2,3 triệu đô la ngày nay). Pulitzer tuyên bố là sẽ in tên của từng người đóng góp, không cần biết là họ đóng góp nhiều hay ít. Chiến dịch gây quỹ này đập vào mắt người New York, đặc biệt là khi Pulitzer bắt đầu cho in ra những dòng chữ mà ông nhận được từ những người đóng góp. "Một người con gái trẻ cô độc trên thế giới" quyên góp "60 xu, đây là kết quả của sự tự chối bỏ mình." Một người quyên tặng cho "năm xu như là một phần nhỏ đóng góp của một cậu bé tạp dịch nghèo dành cho Quỹ xây bệ tượng." Một nhóm trẻ em gởi tặng một đô la như là "số tiền mà chúng em tiết kiệm được để đi xem xiếc". Một đô la khác được quyên góp từ một "người phụ nữ rất già và cô độc". Những cư dân trong một ngôi nhà dành cho những người nghiện rượu trong thành phố đối thủ với Thành phố New York là thành phố Brooklyn (hai thành phố này vẫn chưa được sáp nhập mãi cho đến năm 1898) quyên tặng 15 đô la; những người nghiện rượu khác giúp đỡ tại các thùng quyên góp đặt trong quán bar và các nơi công cộng khác. Một lớp mẫu giáo tại Davenport, Iowa gởi đến tòa soạn nhật báo World một món quà là 1,35 đô la.

Khi các cuộc quyên góp rầm rộ lên thì ủy ban bắt tay vào công việc trở lại để xây bệ tượng. Tháng 6, người New York tỏ ra hăng say nhiệt tình đối với bức tượng khi chiếc tàu Pháp Isère đến, mang theo những thùng hàng có chứa những mảnh rời của bức tượng. Hai trăm ngàn người đứng dọc theo các bến tàu và hàng trăm tàu thuyền chạy ra cửa biển để chào mừng con tàu Isère. Sau năm tháng kêu gọi hàng ngày để quyên góp quỹ cho bức tượng, ngày 11 tháng 8 năm 1885, nhật báo World thông báo rằng 102.000 đô la đã quyên góp được từ 120.000 người trong đó 80% tổng số tiền quyên góp được là từ những phần đóng góp riêng lẻ ít hơn 1 đô la cộng chung lại.

Cho dù cuộc vận động gây quỹ thành công nhưng bệ tượng vẫn chưa được hoàn thành cho đến tháng 4 năm 1886. Ngay sau đó, công việc lắp ráp tượng bắt đầu được tiến hành. Khung sườn sắt của Eiffel được mắc kết nối vào các thanh thép hình chữ I nằm bên trong bệ tượng bằng bê tông cốt thép và được lắp ráp lại. Ngay sau khi hoàn thành, các khúc đoạn của vỏ tượng được gắn vào một cách cẩn thận. Vì chiều rộng của bệ tượng nên không thể nào dựng các giàn giáo. Các công nhân phải đu đưa trên những sợi dây thừng được cột chặt vào khung giáp để gắn các phân đoạn của vỏ tượng. Tuy nhiên, không có ai thiệt mạng trong suốt những ngày lắp ráp tượng. Bartholdi trước đó có dự tính sẽ đặt những chiếc đèn pha trên ban công của ngọn đuốc để thắp sáng ngọn đuốc; một tuần trước lễ khánh thành, Công binh Lục quân Hoa Kỳ phủ quyết đề nghị này vì sợ rằng các hoa tiêu tàu bè đi qua bức tượng sẽ bị chói mắt. Thay vào đó, Bartholdi cắt những lỗ nhỏ trong ngọn đuốc (ngọn đuốc được bọc bằng vàng lá) và đặt những ngọn đèn bên trong. Một máy phát điện được gắn trên đảo để thắp sáng ngọn đuốc và cũng để dùng cho những nhu cầu khác về điện. Sau khi vỏ tượng được lắp ráp hoàn toàn, kiến trúc sư nổi tiếng về cảnh quan là Frederick Law Olmstead, người vẽ thiết kế cho Công viên Trung tâm của Thành phố New York và Công viên Prospect của thành phố Brooklyn, trông coi việc dọn dẹp Đảo Bedloe để chuẩn bị cho lễ khánh thành tượng.

Khánh thành

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/6/6e/EdwardMoran-UnveilingTheStatueofLiberty1886Large.jpg/220px-EdwardMoran-UnveilingTheStatueofLiberty1886Large.jpg

Lễ khánh thành Tượng Nữ thần Tự do soi sáng Thế giới (1886), tranh sơn dầu trên vải của Edward Moran. Bộ sưu tập tranh của J. Clarence Davies tại Bảo tàng Thành phố New York.

Lễ khánh thành được tổ chức vào buổi trưa ngày 28 tháng 10 năm 1886. Tổng thống Grover Cleveland, cựu thống đốc tiểu bang New York đứng ra làm chủ tọa cho buổi lễ. Vào buổi sáng ngày khánh thành, một cuộc diễu hành được tổ chức trong Thành phố New York; ước tính về số người xem từ vài trăm ngàn đến 1 triệu người. Tổng thống Cleveland dẫn đầu buổi diễu hành, rồi đứng vào đài quan sát để xem các ban nhạc và đoàn người diễu hành đến từ khắp nước Mỹ. Tướng Stone là trưởng ban phụ trách nghi lễ cho buổi diễu hành. Đường diễu hành bắt đầu từ Quảng trường Madison và tiến về Công viên Battery ở mũi phía Nam của Manhattan, qua ngã đường số 5 và đường Broadway với một chút đổi hướng để cuộc diễu hành đi ngang trước mặt tiền tòa báo World nằm trên đường Park Row. Khi đoàn diễu hành đi ngang qua Sở giao dịch chứng khoán New York, những người mua bán chứng khoán quăng các cuộn hoa giấy từ các cửa sổ xuống, khởi đầu cho truyền thống diễu hành có quăng hoa giấy tại Thành phố New York.

Một cuộc diễu hành trên biển bắt đầu lúc 12:45 trưa. Tổng thống Cleveland lên một du thuyền đưa ông ngang bến cảng để tới Đảo Bedloe cho lễ khánh thành. De Lesseps thay mặt ủy ban Pháp đọc bài diễn văn đầu tiên, theo sau là diễn văn của chủ tịch ủy ban New York là Thượng nghị sĩ William M. Evarts. Một lá cờ Pháp quấn quanh mặt tượng sẽ được buông xuống như là nghi thức khánh thành bức tượng khi Evarts kết thúc bài diễn văn của mình. Nhưng vì Bartholdi lầm tưởng rằng bài diễn văn đã kết thúc khi Evarts ngưng giữa chừng bài diễn văn của mình và vì vậy lá cờ bị buông xuống trước khi bài diễn văn thật sự kết thúc. Những tiếng reo hò tiếp theo đó đã chấm dứt bài diễn văn của Evarts. Tiếp theo là Tổng thống Cleveland lên nói chuyện. Ông phát biểu rằng "luồng ánh sáng của bức tượng sẽ xuyên qua bóng tối của dốt nát và sự áp bức của con người cho đến khi Nữ thần Tự do soi sáng thế giới". Bartholdi, đứng quan sát gần bục lễ đài, được mời đến để nói chuyện nhưng ông từ chối. Sau đó Chauncey M. Depew kết thúc buổi lễ bằng một bài diễn văn dài.

Không có thành viên công chúng nào được phép đến đảo trong suốt buổi lễ khánh thành mà chỉ dành riêng hoàn toàn cho giới quyền cao chức trọng. Những phụ nữ duy nhất được phép dự lễ khánh thành là vợ Bartholdi và cháu gái của de Lesseps; các viên chức nói rằng họ sợ phụ nữ có thể bị thương trong đám đông chen lấn. Sự hạn chế này đã xúc phạm đến những người vận động mở rộng quyền đầu phiếu đến mọi công dân. Họ thuê một chiếc tàu và tiến gần sát đảo ở mức có thể được. Những người lãnh đạo nhóm đọc diễn văn hoan nghênh việc chọn người phụ nữ làm hiện thân của Thần Tự do và hô hào cổ vũ cho quyền đầu phiếu của phụ nữ. Một buổi bắn pháo hoa được dự trù trước đó đã bị dời lại cho đến ngày 1 tháng 11 vì thời tiết xấu.

Ngay sau khi kết thúc lễ khánh thành, tuần báo The Cleveland Gazette của người Mỹ gốc Phi đề nghị rằng ngọn đuốc của bức tượng không nên thắp sáng cho đến khi nào Hoa Kỳ trở thành một quốc gia tự do "thật sự":

"Nữ thần Tự do soi sáng thế giới", thật hay ho làm sao! Lời lẽ này làm cho chúng tôi phát bệnh. Chính phủ này là một kẻ giễu cợt trò hề đang kêu rống. Họ không thể hay đúng hơn là không hề bảo vệ công dân ngay trong chính biên cương của họ. Hãy xô bức tượng của Bartholdi, ngọn đuốc và tất cả xuống đại dương cho đến khi nào "tự do" của quốc gia này như thể biến thành sự thật cho một người da màu cần cù siêng năng và vô hại có thể kiếm được cuộc sống đàng hoàng cho chính mình và gia đình mà không bị "Ku Klux Klan" làm hại, có thể là bản thân anh ta bị mưu sát, vợ và con gái bị sỉ nhục và tài sản bị hủy hoại. Ý tưởng về "tự do" của quốc gia này "soi sáng thế giới" hay thậm chí soi sáng Patagonia thật quá sức khôi hài.

Lịch sử từ khi khánh thành

Ban đặc trách Hải đăng và Bộ chiến tranh Hoa Kỳ (1886–1933)

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/9/90/Novum_Eboracum.jpg/220px-Novum_Eboracum.jpg

Bích chương chính phủ sử dụng Tượng Nữ thần Tự do để quảng bá Trái phiếu Nữ thần Tự do.

Ngọn đuốc được thắp sáng vào đêm khánh thành tượng chỉ sinh ra một vệt sáng yếu ớt, khó nhìn thấy từ Manhattan. Nhật báo World diễn tả nó giống "như một con đom đóm hơn là một hải đăng". Bartholdi đề nghị mạ tượng để tăng khả năng phản chiếu ánh sáng nhưng điều này được chứng minh là quá tốn kém. Ban đặc trách Hải đăng Hoa Kỳ tiếp quản Tượng Nữ thần Tự do vào năm 1887 và cam kết gắn trang thiết bị để gia tăng hiệu quả của ngọn đuốc; mặc dù có nhiều cố gắng nhưng bức tượng vẫn gần như vô hình vào đêm. Khi Bartholdi trở lại Hoa Kỳ năm 1893, ông có thêm những đề nghị khác nhưng tất cả đều được chứng thực là không hiệu quả. Ông đã thành công trong việc vận động hành lang cho việc cải tiến hệ thống đèn bên trong bức tượng để cho du khách chiêm ngưỡng thiết kế bên trong bức tượng của Eiffel tốt hơn. Năm 1901, Tổng thống Theodore Roosevelt, trước đây từng là một thành viên của Ủy ban New York, ra lệnh thuyên chuyển tượng sang cho Bộ Chiến tranh Hoa Kỳ vì nó đã được chứng minh là vô dụng trong vai trò của một hải đăng. Một đơn vị của Quân đoàn Truyền tin Lục quân Hoa Kỳ đã đóng trại trên Đảo Bedloe cho đến năm 1923. Sau đó lực lượng quân cảnh thay thế và ở đó trong khi hòn đảo này còn nằm dưới thẩm quyền quân sự.

Bức tượng nhanh chóng trở thành một danh thắng của Thành phố New York. Nhiều di dân vào Hoa Kỳ đi qua Thành phố New York thấy bức tượng như một dấu hiệu chào mừng họ. Những câu chuyện kể của di dân đã ghi lại những cảm xúc phấn khởi của họ khi lần đầu tiên thấy Tượng Nữ thần Tự do. Một di dân đến từ Hy Lạp nhớ lại:

Tôi thấy Tượng Nữ thần Tự do. Và tôi tự nói với chính mình, "Chào bà, bà đẹp như thế đó! Bà đã mở rộng đôi tay và đón nhận tất cả người ngoại quốc đến đây. Hãy cho tôi cơ hội chứng minh rằng tôi đáng được như vậy để làm điều gì đó, để là người nào đó tại Mỹ." Và bức tượng ấy luôn ở trong tâm trí tôi.

Ban đầu, bức tượng có màu đồng sậm nhưng chẳng bao lâu sau năm 1900, một lớp rỉ xanh do vỏ đồng bị ôxy hóa bắt đầu lan rộng. Đến đầu năm 1902, báo chí bắt đầu đề cập đến vấn đề này, cho đến năm 1906, lớp rỉ xanh bao phủ đã toàn bộ bức tượng. Vì người ta tin rằng lớp rỉ này là bằng chứng của sự ăn mòn kim loại nên Quốc hội Hoa Kỳ cho phép chi tiêu 62.800 đô la để sơn bức tượng cả từ trong ra ngoài. Công chúng đã phản đối việc sơn bên ngoài bức tượng như đã được đề nghị. Công binh Lục quân Hoa Kỳ đã nghiên cứu lớp rỉ xanh xem có bất cứ hiệu ứng hư hại nào đối với bức tượng không và đi đến kết luận rằng lớp rỉ xanh đó đã bảo vệ vỏ tượng. Bức tượng chỉ được sơn phần bên trong. Công binh Lục quân cũng gắn thêm một thang máy để đưa du khách từ tầng nền lên đến đỉnh của bệ tượng.

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/8/8b/Liberty_1927.gif/220px-Liberty_1927.gif

Đảo Bedloe năm 1927 với tượng Nữ thần Tự do và các tòa nhà của Lục quân. Những bức tường hình sao 11 cánh của Đồn Wood vẫn tạo thành nền móng của bức tượng và có thể thấy được trong hình.

Ngày 30 tháng 7 năm 1916, trong thời Chiến tranh thế giới thứ nhất, những kẻ phá hoại người Đức đã gây một vụ nổ trên bán đảo Black Tom nằm bên Thành phố Jersey, tiểu bang New Jersey trong khu vực mà ngày nay là một phần của Công viên Tiểu bang Nữ thần Tự do gần Đảo Bedloe. Những toa xe chở đầy chất nổ và những vật liệu nổ khác đang được chuẩn bị gởi đến Anh và Pháp phục vụ chiến tranh bị kích nổ. Bảy người bị thiệt mạng trong vụ việc này. Bức tượng bị thiệt hại nhẹ, phần lớn là ở chỗ cánh tay phải cầm đuốc và phải đóng cửa khoảng 10 ngày. Tổn phí sửa chữa bức tượng và những tòa nhà trên đảo là khoảng 100.000 đô la. Lối hẹp đi lên ngọn đuốc bị chặn lại vì lý do an toàn cho công chúng và nó vẫn còn đóng cửa từ đó đến ngày nay.

Cùng năm đó, Ralph Pulitzer, thừa kế người cha làm chủ bút nhật báo World, bắt đầu mở chiến dịch quyên góp 30.000 đô la cho một hệ thống chiếu sáng bên ngoài để thắp sáng bức tượng về đêm. Ông tuyên bố có trên 80.000 người đóng góp nhưng không đạt đến số tiền mong muốn. Phần chi phí còn thiếu được một người giàu có lặng lẽ đóng góp - đây là sự thật không được công bố mãi cho đến năm 1936. Một dây cáp ngầm được đặt dưới biển để truyền điện từ đất liền sang và đèn pha được đặt dọc theo những bức tường của Đồn Wood. Gutzon Borglum, người sau này tạc tượng Núi Rushmore, đã thiết kế lại ngọn đuốc. Ông thay thế phần lớn khối đồng ban đầu bằng thủy tinh màu. Ngày 2 tháng 12 năm 1916, Tổng thống Woodrow Wilson bấm nút máy điện tín để bật đèn lên thắp sáng bức tượng một cách thành công.

Sau khi Hoa Kỳ tham gia vào Chiến tranh thế giới thứ nhất năm 1917, những hình ảnh về bức tượng đã được sử dụng nhiều trong các tấm áp phích cổ động nhập ngũ và cổ động cho Trái phiếu Tự do, hối thúc công dân Hoa Kỳ ủng hộ tài chính cho chiến tranh. Việc này khiến công chúng cảm kích vì mục đích chiến tranh được cho là để đảm bảo sự tự do và được xem như một điều nhắc nhở rằng nước Pháp đang bị chiến tranh hoành hành đã từng trao tặng cho Hoa Kỳ bức tượng.

Năm 1924, Tổng thống Calvin Coolidge dùng quyền lực của mình theo Đạo luật Antiquities tuyên bố bức tượng là một tượng đài quốc gia. Vụ tự tử thành công duy nhất trong lịch sử của bức tượng xảy ra 5 năm sau đó khi một người đàn ông trèo ra ngoài một trong các cửa sổ ở phần mũ miện và nhảy xuống tìm cái chết. Người này trượt qua ngực tượng và rơi xuống cạnh bàn chân nữ thần.

Những năm đầu dưới Cục Công viên Quốc gia Hoa Kỳ (1933–1982)

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/f/f9/Nixon_at_Liberty_Island.jpg/220px-Nixon_at_Liberty_Island.jpg

Ngày 26 tháng 9 năm 1972: Tổng thống Richard Nixon viếng thăm tượng để khánh thành Bảo tàng Di dân Mỹ. Có thể nhìn thấy bàn chân phải nhấc lên của bức tượng với ý nghĩa biểu thị sự di chuyển về phía trước.

Năm 1933, Tổng thống Franklin Roosevelt ra lệnh thuyên chuyển bức tượng sang Cục Công viên Quốc gia Hoa Kỳ (NPS). Năm 1937, Cục Công viên nhận được thẩm quyền quản lý những phần còn lại trên Đảo Bedloe. Với việc ra đi của Lục quân, Cục Công viên Quốc gia bắt đầu chuyển đổi hòn đảo thành một công viên. Cơ quan Quản trị Tiến triển Công chánh (Works Progress Administration, viết tắt là WPA) san bằng phần lớn các tòa nhà cũ, phân định và sửa sang lại góc phía Đông hòn đảo, đồng thời xây một nền bậc thang bằng đá granit để làm một lối mới cho công chúng đến bức tượng từ phía sau lưng. WPA cũng tiến hành công việc trùng tu bên trong bức tượng, tạm thời tháo các tia khỏi vầng hào quang của tượng để thay thế phần nâng đỡ đã bị rỉ sét của chúng. Những bậc thang bằng gang rỉ sét trong bệ tượng được thay thế bằng những bậc thang mới làm bằng bê tông cốt thép; phần phía trên của những chiếc cầu thang bên trong tượng cũng được thay thế. Lớp bọc bằng đồng được gắn vào bệ tượng để chống nước mưa thấm vào gây thêm hư hại. Bức tượng bị đóng cửa từ tháng 5 cho đến tháng 12 năm 1938.

Trong thời Chiến tranh thế giới thứ hai, bức tượng vẫn mở cửa cho du khách nhưng không được thắp sáng về đêm vì lệnh tắt đèn ban đêm ở bên ngoài thời chiến (phi công đối phương có thể dễ dàng tìm thấy mục tiêu tấn công). Tượng được thắp sáng ngắn ngủi vào ngày 31 tháng 12 năm 1943 và vào ngày D-Day, 6 tháng 6 năm 1944, khi các ngọn đèn của tượng chớp "chấm-chấm-chấm-gạch", mã Morse biểu thị cho chữ V có nghĩa là victory (chiến thắng). Hệ thống đèn mới và cực mạnh được gắn năm 1944–1945, và bắt đầu vào Ngày chiến thắng bức tượng lần nữa được thắp sáng sau hoàng hôn. Đèn được thắp chỉ vài tiếng đồng hồ mỗi chiều tối mãi cho đến năm 1957 thì bức tượng được thắp sáng cả đêm mỗi buổi tối. Năm 1946, phần bên trong của tượng ở những nơi mà du khách có thể với tay tới được bọc loại chất dẻo đặc biệt để có thể lau xóa các hình vẽ hay chữ viết trên tường.

Năm 1956, một đạo luật của Quốc hội Hoa Kỳ chính thức đổi tên Đảo Bedloe thành Đảo Liberty (Đảo Tự do). Việc đổi tên đảo đã từng được những thế hệ của Bartholdi vận động trước đây. Đạo luật cũng có nhắc đến nỗ lực xây một Bảo tàng Di dân Mỹ trên hòn đảo mà những người hậu thuẫn cho nó đã tiến hành, vì mặc dù liên bang đã chấp thuận dự án nhưng chính phủ chậm chạp trong việc cấp ngân quỹ. Bằng tuyên cáo của Tổng thống Lyndon Johnson năm 1965, Đảo Ellis gần đó được biến thành một phần của Tượng đài Quốc gia Tượng Nữ thần Tự do. Năm 1972, bảo tàng di dân nằm trong nền tượng cuối cùng cũng được khánh thành bằng một buổi lễ do Tổng thống Richard Nixon chủ trì. Bảo tàng này đóng cửa năm 1991 sau khi bảo tàng di dân trên Đảo Ellis khánh thành.

Năm 1976, một hệ thống đèn chiếu sáng cực mạnh mới được lắp đặt trước lễ mừng Hoa Kỳ 200 năm. Ngày 4 tháng 7 năm 1976, bức tượng là điểm hội tụ của Chiến dịch Thuyền buồm, một cuộc đua thuyền buồm gồm có những chiếc thuyền buồm cao to đến từ khắp nơi trên thế giới vào bến cảng New York và chạy quanh Đảo Liberty. Cuộc đua kết thúc với màn bắn pháo hoa hoành tráng gần bức tượng.

Trùng tu đến nay (từ năm 1982)

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/e/eb/Nancy_Reagan_reopens_Statue_of_Liberty_1986.jpg/220px-Nancy_Reagan_reopens_Statue_of_Liberty_1986.jpg

Ngày 4 tháng 7 năm 1986: Đệ nhất phu nhân Nancy Reagan (áo đỏ) khánh thành tượng đài sau đợt trùng tu lớn kỷ niệm 100 năm

Năm 1986, bức tượng được nhóm kỹ sư Hoa Kỳ và Pháp kiểm tra rất tỉ mỉ như là một phần của kế hoạch kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của tượng. Năm 1982, có thông báo rằng bức tượng cần phải được trùng tu đáng kể. Cuộc nghiên cứu tỉ mỉ cho thấy cánh tay phải được gắn không chính xác vào cấu trúc chính của tượng. Cánh tay đung đưa nhiều hơn khi gặp gió mạnh và có nguy cơ đổ sập rất lớn. Ngoài ra, phần đầu tượng đã được gắn lệch khỏi trung tâm đến 0,61 mét (2 ft) và một trong số những tia trên mũ miện đã làm thủng một lỗ trên cánh tay phải khi bức tượng chuyển động theo gió. Cơ cấu khung giáp bị ăn mòn một cách tệ hại, và khoảng 2% các đĩa tròn bên ngoài cần được thay thế. Tuy những vấn đề của khung giáp đã được phát hiện từ sớm vào năm 1936, khi đó những phần thay thế bằng gang cho một số thanh trụ đã được gắn, nhưng phần nhiều những chỗ ăn mòn bị che lấp bởi nhiều lớp sơn phủ lên trong nhiều năm.

Tháng 5 năm 1982, Tổng thống Ronald Reagan thông báo thành lập Ủy ban Trăm năm Tượng Nữ thần Tự do - Đảo Ellis do chủ tịch của công ty Chrysler CorporationLee Iacocca lãnh đạo nhằm vận động quyên góp quỹ cần thiết để hoàn thành công việc trùng tu. Qua chi nhánh vận động quyên góp của mình là Quỹ Tượng Nữ thần Tự do - Đảo Ellis, ủy ban này đã quyên góp được trên 350 triệu đô la. Tượng Nữ thần Tự do là một trong số những công trình hưởng lợi đầu tiên nhất của một chiến dịch tiếp thị gồm có nỗ lực của cả các tổ chức bất vụ lợi và các công ty thương mãi hợp tác tham gia (tiếng Anh gọi là cause marketing campaign). Một cuộc vận động tiếp thị năm 1983 quảng cáo rằng cứ mỗi lần mua hàng sử dụng thẻ tín dụng của American Express thì công ty sẽ đóng góp 1 xu cho việc trùng tu bức tượng. Chiến dịch vận động tiếp thị này tạo ra một khoảng đóng góp lên đến 1,7 triệu cho dự án trùng tu tượng.

Năm 1984, bức tượng bị đóng cửa để trùng tu trong một khoảng thời gian dài. Các công nhân dựng giàn giáo làm che khuất bức tượng. Nitơ lỏng dùng để tẩy sạch các lớp sơn được quét lên phía bên trong vỏ tượng bằng đồng trong nhiều thập niên, để lại hai lớp nhựa than đá mà ban đầu được quét để bịt kín những chỗ xì và chống ăn mòn. Bột nổi được thổi vào để tẩy các lớp nhựa than đá mà không làm hư hại phần lõi đồng. Công việc trùng tu bị ngưng lại vì chất có chứa Amiăng mà Bartholdi đã sử dụng (không hiệu quả như các cuộc kiểm tra cho thấy) để chống ăn mòn đinh tán. Các công nhân trong khu vực bức tượng phải mặc quần áo bảo vệ, được gán tên là "bộ đồ lên cung trăng", cùng với hệ thống mặt nạ dưỡng khí. Những lỗ to hơn trên vỏ tượng được sửa chữa và thêm đồng vào chỗ cần thiết. Vỏ tượng thay thế được tháo từ phần trên cùng của một mái nhà của công ty Bell Labs (Phòng thí nghiệm Bell) vì lớp trên của mái nhà này có lớp đồng rỉ xanh tượng tự như của tượng nữ thần; đổi lại, phòng thí nghiệm được lấy vỏ đồng cũ để thí nghiệm. Ngọn đuốc được phát hiện bị nước rò rỉ vào sau nhiều lần thay đổi vào năm 1916 đã được thay thế bằng một mô hình y hệt như ngọn đuốc gốc bạn đầu của Bartholdi. Vấn đề thay thế cánh tay và bờ vai cũng được xem xét; Cục Công viên Quốc gia Hoa Kỳ luôn cho rằng nên sửa chữa chúng hơn là thay thế.

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/f/fd/National_Park_Service_9-11_Statue_of_Liberty_and_WTC_fire.jpg/220px-National_Park_Service_9-11_Statue_of_Liberty_and_WTC_fire.jpg

Ngày 11 tháng 9 năm 2001: Tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới đang bốc cháy. Ở tiền cảnh là Tượng Nữ thần Tự do.

Toàn bộ khung giáp được thay thế. Những thanh sắt mà Eiffel sử dụng dần bị loại bỏ. Những thanh mới gắn vào tháp tượng được chế tạo từ thép không gỉ, có độ chống ăn mòn cao. Những thanh có đinh kẹp nằm cạnh bên vỏ tượng được làm bằng ferralium, một loại hợp kim dễ dàng uốn cong nhẹ nhàng và quay trở về hình thể ban đầu của nó khi bức tượng chuyển động. Để tránh các tia trên mũ miện và cánh tay va chạm vào nhau, các tia được điều chỉnh lại khoảng vài độ. Hệ thống chiếu sáng lại được thay thế - việc thắp sáng ban đêm hiện nay là do những ngọn đèn metal halide đảm trách. Chúng truyền từng chùm ánh sáng đến những phần đặc biệt trên bệ tượng hay bức tượng, soi rõ từng chi tiết khác nhau. Lối dẫn vào bệ tượng đi xuyên qua một chiếc cổng được xây trong thập niên 1960 được tân trang mở rộng và gắn thêm một bộ cửa đồng đồ sộ. Một thang máy hiện đại được lắp đặt giúp cho người tàn tật có thể dễ dàng lên đến khu vực quan sát của bệ tượng. Một thang máy khẩn cấp có thể đi lên đến bờ vai tượng được gắn bên trong bức tượng.

Ngày 3–6 tháng 7 năm 1986 được ấn định là "Những ngày cuối tuần Tự do", đánh dấu 100 năm bức tượng và ngày khánh thành của nó. Tổng thống Reagan chủ tọa buổi lễ tái khánh thành cùng với sự hiện diện của Tổng thống Pháp François Mitterrand. Ngày 4 tháng 7 là ngày trở lại của Chiến dịch Thuyền buồm (cuộc đua thuyền buồm, khởi sự lần đầu tiên tại bến cảng New York ngày 4 tháng 7 năm 1976). Bức tượng được mở cửa trở lại cho công chúng ngày 5 tháng 7. Trong bài diễn văn tái khánh thành của Tổng thống Reagan, ông nói rằng "Chúng ta là những người giữ ngọn lửa của tự do; chúng ta đưa cao ngọn lửa cho thế giới nhìn thấy".

Sau các vụ tấn công ngày 11 tháng 9, bức tượng và Đảo Liberty lập tức bị đóng cửa. Đảo được mở cửa trở lại vào cuối năm 2001 trong khi đó bệ tượng và bức tượng vẫn được đặt trong tình trạng đóng cửa đối với công chúng. Bệ tượng mở cửa lại vào tháng 8 năm 2004, nhưng Cục Công viên Quốc gia Hoa Kỳ thông báo rằng các du khách có thể không được an toàn khi vào bức tượng vì rất khó thoát ra khi có tình trạng khẩn cấp. Cục Công viên Quốc gia vẫn duy trì lập trường này cho đến hết thời gian còn lại của chính quyền George W. Bush. Anthony D. Weiner, một dân biểu Hoa Kỳ từ tiểu bang New York, đã tiến hành một cuộc vận động cá nhân để bức tượng được mở cửa trở lại. Ngày 17 tháng 5 năm 2009, Bộ trưởng Nội vụ của Tổng thống Barack ObamaKen Salazar thông báo rằng vì là "một món quà tặng đặc biệt" cho nước Mỹ nên bức tượng sẽ được mở cửa trở lại cho công chúng vào ngày 4 tháng 7, nhưng mỗi ngày chỉ có một số người hạn chế được phép đi lên đến phần mũ miện. Bức tượng được dự trù đóng cửa vào cuối năm 2011 với thời hạn từ 9 tháng đến 1 năm để gắn vào một cầu thang mới nhằm trợ giúp cho tình trạng khẩn cấp phải di tản.

Du lịch và đặc điểm của tượng

Vị trí và viếng thăm

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/8/80/Libertyferry.png/220px-Libertyferry.png

Du khách trên một chiếc phà "Circle Line" (tên gọi chung các chuyến tàu đưa khách ngắm tượng) hướng ra Đảo Liberty, tháng 6, 1973.

Bức tượng nằm trong Vịnh Thượng New York trên Đảo Liberty, phía Nam Đảo Ellis. Cả hai đảo này được tiểu bang New York nhượng lại cho chính phủ liên bang năm 1800. Như thỏa thuận được ký năm 1834 giữa tiểu bang New York và tiểu bang New Jersey trong việc ấn định đường ranh giới nằm ở khoảng giữa vịnh, các đảo gốc vẫn thuộc lãnh thổ New York mặc dù vị trí của chúng nằm bên phía ranh giới của New Jersey. Phần đất san lấp nhân tạo tại Đảo Ellis là lãnh thổ của New Jersey.

Lối vào Tượng đài Quốc gia Tượng Nữ thần Tự do thì miễn phí nhưng tất cả du khách phải trả tiền phí qua phà vì các tàu thuyền tư không thể đậu ở hòn đảo. Năm 2007, "Statue Cruises" được chuyển nhượng quyền điều hành giao thông và bán vé cho các cơ sở tham quan trên đảo, thay thế "Circle Line" là dịch vụ phà hoạt động từ năm 1953. Các chuyến phà khởi hành từ Công viên Tiểu bang Liberty trong Thành phố JerseyBattery Park trong Hạ Manhattan cũng dừng lại ở Đảo Ellis giúp thực hiện được một chuyến tham quan kết hợp. Cùng với vé qua phà, du khách có ý định vào tầng hầm của bức tượng và bệ tượng phải mua một vé "mời tham quan bảo tàng/bệ tượng". Những ai muốn dùng cầu thang nằm trong bức tượng để lên đến phần mũ miện thì phải mua vé đặc biệt. Vé này có thể phải đặt mua trước đến 1 năm. Tổng cộng chỉ có khoảng 240 người được phép đi lên đến phần mũ miện mỗi ngày: mỗi nhóm là 10 người, mỗi giờ có 3 nhóm. Những người lên đó có thể chỉ được phép mang theo thuốc uống và máy ảnh - có các hộp tủ khóa cung cấp sẵn để cất những thứ vật dụng còn lại - và phải được kiểm tra an ninh lần thứ hai.

Những bản khắc chữ và tri ân

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/3/3a/Emma_Lazarus_plaque.jpg/220px-Emma_Lazarus_plaque.jpg

Bản khắc vinh danh nữ thi sĩ Emma Lazarus cùng với lời bài thơ "The New Colossus" của bà

Có một vài bản khắc chữ (plaque) và bản nhỏ (tablet) tri ân được đặt trên hay gần Tượng Nữ thần Tự do. Một bản khắc nằm ngay phía dưới chân nữ thần tuyên bố rằng đây là một bức tượng khổng lồ đại diện cho Nữ thần Tự do, do Bartholdi thiết kế và phân xưởng Paris của công ty Gaget, Gauthier et Cie (Cie là chữ viết tắt tiếng Pháp có nghĩa là công ty) xây dựng. Một bản nhỏ giới thiệu cũng mang tên của Bartholdi, tuyên bố bức tượng là một món quà của nhân dân Pháp nhằm vinh danh "sự liên minh của hai quốc gia trong công cuộc giành độc lập cho Hoa Kỳ và chứng thực tình hữu nghị vĩnh cửu của hai quốc gia". Có một bản nhỏ do ủy ban New York dựng lên để kỷ niệm cuộc vận động gây quỹ để xây bệ tượng. Viên đá đặt nền xây bệ tượng cũng có mang một bản khắc do các thành viên của Hội Tam điểm dựng.

Năm 1903, những người bạn của nữ thi sĩ Emma Lazarus trao tặng bà một bản khắc chữ nhỏ bằng đồng có chứa lời bài thơ "The New Colossus" và cũng là để tưởng niệm nữ thi sĩ. Bản khắc được đặt bên trong bệ tượng cho đến lần trùng tu năm 1986; hiện nay vẫn nằm trong Bảo tàng Tượng Nữ thần Tự do ở tầng nền. Nó được đặt cùng với một tấm bảng nhỏ ca ngợi cuộc đời của nữ thi sĩ do Ủy ban Tưởng niệm Emma Lazarus trao tặng năm 1977.

Một nhóm gồm nhiều bức tượng được đặt ở góc cuối phía Tây của hòn đảo để vinh danh những người có liên quan mật thiết với Tượng Nữ thần Tự do. Hai người Mỹ là Pulitzer và Lazarus cùng ba người Pháp là Bartholdi, Laboulaye, và Eiffel được tạc tượng. Những bức tượng này là tác phẩm của điêu khắc gia từ tiểu bang Maryland là Phillip Ratner.

Năm 1984, Tượng Nữ thần Tự do được UNESCO công bố là di sản thế giới. Trong "Lời tuyên bố về tầm quann trọng", UNESCO miêu tả bức tượng như một "kiệt tác tinh thần của nhân loại" đang "đứng vững như một biểu tượng hùng tráng cao độ - truyền cảm hứng cho dự tính, tranh luận và đấu tranh - cho những lý tưởng như tự do, hòa bình, nhân quyền, bãi nô, dân chủ và cơ hội".

Mô hình, phim ảnh về bức tượng

Hàng trăm mô hình Tượng Nữ thần Tự do được trưng bày khắp thế giới. Một mô hình nhỏ hơn, khoảng một phần 5 chiều cao bức tượng gốc, được cộng đồng người Mỹ tại Paris tặng cho thành phố. Hiện nay nó đứng trên Île aux Cygnes, quay mặt về hướng Tây nhìn về phía người chị em lớn hơn của mình (bức tượng gốc tại New York). Một mô hình của bức tượng cao 9,1 mét (30 ft) đặt trên nóc Liberty Warehouse ở Đường số 64 trong quận Manhattan đã đứng đó trong nhiều năm liền; hiện nay được đặt tại Bảo tàng Brooklyn. Trong cử chỉ bày tỏ lòng yêu nước như một phần của chiến dịch "Làm vững mạnh Cánh tay Tự do" năm 1949–1952, Nam Hướng đạo Mỹ đã tặng khoảng hàng trăm mô hình tượng Nữ thần Tự do làm bằng đồng, cao khoảng 2,5 mét (100 inch) cho các tiểu bang và khu tự quản khắp nơi ở Hoa Kỳ. Mặc dù không phải là mô hình thật nhưng bức tượng được biết với tên gọi là Nữ thần Dân chủ được dựng tạm thời trong suốt Cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 đã nhận cảm hứng tương tự từ những truyền thống dân chủ Pháp - những người tạc tượng này đã rất cẩn trọng để tránh mô phỏng trực tiếp Tượng Nữ thần Tự do. Trong các công trình giải trí ở Thành phố New York, bản sao của bức tượng là một phần cảnh quan dùng để trang trí bên ngoài tại Khách sạn và Sòng bài New York-New YorkLas Vegas, Nevada.

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/e/e3/1971_airmail_stamp_C80.jpg/220px-1971_airmail_stamp_C80.jpg      https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/8/87/LineartPresRev.png/220px-LineartPresRev.png

Con tem gửi bằng máy bay năm 1971 của Bưu điện Hoa Kỳ có in hình đầu tượng Nữ thần Tự do. Mặt trái đồng kim loại 1 đô la Tổng thống.

Là một hình tượng Mỹ, Tượng Nữ thần Tự do từ lâu đã được in trên những con tem thư và tiền kim loại của Hoa Kỳ, xuất hiện trên những đồng tiền kim loại tưởng niệm được phát hành để đánh dấu sinh nhật 100 năm của tượng và trên phiên bản tiền 25 xu của tiểu bang New York năm 2001 thuộc bộ phát hành tiền 25 xu kỷ niệm các tiểu bang Hoa Kỳ. Năm 1997, hình của bức tượng được chọn dùng cho loại tiền không lưu hành là đồng bạch kim đại bàng Mỹ (American Eagle platinum bullion coins) và xuất hiện ở mặt trái hay còn gọi là "mặt chữ" của bộ tiền kim loại 1 đô la Tổng thống đang được lưu hành. Hai hình ngọn đuốc của bức tượng (một lớn và một nhỏ) xuất hiện trên tờ giấy bạc 10 đô la lưu hành hiện nay.

Nhiều cơ sở và cơ quan vùng cũng đã sử dụng mô hình hay hình tượng của bức tượng. Giữa năm 1986 và 2000, tiểu bang New York phát hành biển đăng ký số xe có hình bức tượng. Đội New York Liberty thuộc Hội Bóng rổ Nữ Quốc gia Hoa Kỳ sử dụng cả tên lẫn hình ảnh của tượng trên biểu trưng của mình trong đó ngọn lửa của tượng được cách điệu nhân đôi thành một quả bóng rổ. Đội New York Rangers thuộc Liên đoàn Khúc côn cầu Quốc gia Hoa Kỳ in hình đầu tượng trên áo thi đấu của mình bắt đầu từ năm 1997.

Bức tượng là một đề tài thường xuyên có mặt trong văn hóa đại chúng. Trong âm nhạc, nó được gợi lên để chỉ sự ủng hộ cho những chính sách của Mỹ, thí dụ như trong bài hát "Courtesy of the Red, White, & Blue (The Angry American)" của Toby Keith. Trong chiều hướng đối ngược, bức tượng xuất hiện trong album phiên bản cover Bedtime for Democracy của ban nhạc The Dead Kennedys có nội dung phản đối những chính sách của chính phủ Reagan. Trong phim ảnh, ngọn đuốc là cảnh quay cao trào của bộ phim năm 1942 của đạo diễn Alfred Hitchcock với tựa đề Saboteur. Một trong những lần xuất hiện trên màn bạc nổi tiếng nhất của bức tượng là trong bộ phim năm 1968 có tựa đề Planet of the Apes, trong đó có cảnh bức tượng bị chôn vùi nửa phần dưới cát. Bức tượng cũng bị phá hủy trong những bộ phim khoa học viễn tưởng như Independence Day, The Day After TomorrowCloverfield. Trong tiểu thuyết du hành thời gian của Jack Finney có tựa đề là Time and Again, cánh tay phải của bức tượng đóng vai trò quan trọng và được trưng bày trong Công viên Quảng trường Madison vào đầu thập niên 1880. Robert Holdstock, người tham vấn biên tập của Bách khoa Tự điển Khoa học Viễn tưởng, đã tự hỏi vào năm 1979:

[Khoa học viễn tưởng] sẽ về đâu nếu không có Tượng Nữ thần Tự do? Trong nhiều thập niên nó đã vụt đứng thẳng lên hay bị đổ nát trên những vùng đất ngập nước của Trái Đất hoang vắng - những người khổng lồ lật đổ nó, những người hành tinh tò mò tìm hiểu nó... biểu tượng của Tự do, của lạc quan, đã trở thành một biểu tượng của cái nhìn bi quan về tương lai trong khoa học viễn tưởng".

Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/T%C6%B0%E1%BB%A3ng_N%E1%BB%AF_th%E1%BA%A7n_T%E1%BB%B1_do


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

SÁCH CỦA TÔI