Nguồn gốc thanh long ruột đỏ Lập Thạch

Cập nhật: 01/11/2016 Lượt xem: 7210

Nguồn gốc thanh long ruột đỏ Lập Thạch

Ai là người đã đưa giống thanh long ruột đỏ về trồng tại Lập thạch tỉnh Vĩnh phúc?

Sáng 29/7/2016, UBND huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) đã tổ chức hội nghị công bố chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể "Thanh long ruột đỏ Lập Thạch".  Nhãn hiệu “Thanh long ruột đỏ Lập Thạch" đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ số 239720, tại Quyết định số 7766/QĐ-SHTT. Tháng 10.2016, thanh long ruột đỏ Lập Thạch đã được xuất khẩu chuyến đầu tiên sang Malaysia. Đây là niềm vui cho người dân Lập Thạch, một huyện nghèo đã phát triển một mô hình cây trồng mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhưng niềm vui lớn nhất mà có lẽ ít người biết đến chính là vợ chồng chị Bùi Thị Én, người đã đưa giống cây trồng này về quê hương mình.

Sinh ra và lớn lên ở xã Vân Trục, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, Đại tá, PGS. TS y học Hà Hoàng Kiệm, một cán bộ công tác tại bệnh viện 103, Học viện Quân y cùng các bạn đồng niên Lập Thạch sống tại Hà Nội, những người thành đạt đã được đi nhiều nơi thấy sự giàu có của những miền quê này bởi những nghề truyền thống hoặc những cây trồng đặc sản, vẫn luôn đau đáu về quê hương mình, một huyện đất đai chủ yếu là đồi núi, đất đồi sỏi đá, cây trồng chủ yếu là sắn và bạch đàn, hiệu quả kinh tế rất thấp, dân thì nghèo, tìm loại cây gì cho phù hợp để phát triển kinh tế. Chủ đề này đã nhiều lần được các anh đưa ra bàn thảo trong các cuộc hội ngộ bên bàn trà nhưng chưa có lối thoát. Về thăm quê Anh Kiệm thấy chú em rể là Nguyễn Văn Hùng trồng một khóm thanh long ruột trắng mang giống từ bình thuận về ở đầu nhà đã 4 năm, năm nào cũng cho quả to và ngon không kém thanh long bình Thuận. Anh Kiệm, với trí tuệ nhạy bén của một  nhà khoa học chợt nảy ra ý nghĩ: giống cây này phù hợp với đất quê mình đây và khuyên chú em nên phát triển rộng ra để thành cây thương nghiệp. Nhưng chú em nói quả này ở đây cho mọi người không ai muốn ăn, trồng thì bán cho ai. Câu chuyện dừng lại ở đó.

Cái gì cũng có nhân duyên, một dịp vào năm 2007 anh Nguyễn Công Huân người xã Vân Trục ở gần nhà anh Kiệm đưa anh Đỗ Văn Nam xuống Hà nội nhờ anh Kiệm khám bệnh. Trong lúc trò chuyện tại nhà anh Kiệm ở B28 TT7 khu đô thị Văn Quán, Hà Đông, Hà nội mới biết anh Nam là người gốc Bình thuận thường theo xe chở thanh long Bình Thuận ra chợ đầu mối Long biên để bán thì gặp chị Nguyễn Thị Vân Anh, người xã Vân trục cùng bố xuống làm thuê tại chợ đầu mối Long Biên. Anh chị quen nhau, thế là anh trở thành rể xã Vân Trục và về Vân Trục ở. Gia đình vợ anh cũng rất nghèo, anh Nam nói nếu anh có được 30 triệu đồng để làm vốn trồng thanh long thì anh có thể sẽ thoát nghèo. Thật là duyên kỳ ngộ, anh Kiệm cũng đang muốn phát triển cây thanh long ở quê mình. Qua trao đổi ý định phát triển cây thanh long ở vùng đất đồi Vân Trục, một thỏa thuận nhanh chóng được đưa ra: vợ chồng Anh Kiệm cho anh Nam mượn 30 triệu đồng để trồng thanh long không tính lãi, không thời hạn, với điều kiện anh Nam giúp cho chú em anh Kiệm ở quê là anh Hà Công Chính về kỹ thuật trồng cho đến khi vườn thanh long ra trái vụ đầu là hết hợp đồng. Nói là hợp đồng nhưng chỉ là hợp đồng miệng bên bàn trà cho vui vậy thôi, nhưng cả hai hăm hở với dự kiến hai nhà phát triển hai vườn thanh long, Vợ chồng anh Kiệm cung cấp vốn còn anh Nam và anh Chính trồng mỗi nhà một vườn, anh Nam chịu trách nhiệm chuyển giao kỹ thuật. Với suy nghĩ "Người nông dân chỉ làm khi thấy mình đã trồng thành công rồi, khi đó nhất định Lập Thạch sẽ thành một vùng thanh long giúp xóa đói giảm nghèo". Bốn người gồm vợ chồng anh Kiệm chị Én, anh Nam và anh Huân bắt tay nhau hứa hẹn tiến hành.

Vợ anh Kiệm, chị Bùi Thị Én là một doanh nhân, chị là chủ tich Hội đồng thành viên Công ty TNHH Ngôi sao may mắn, một người rất nhậy bén và rất giỏi kinh doanh nói rằng: không trồng thanh long ruột trắng vì không thể cạnh tranh được với thanh long của Bình Thuận mà trồng thanh long ruột đỏ. Lúc đó cả anh Kiệm và anh Huân mới biết có loại thanh long ruột đỏ. Anh Nam thì nói rằng Bình Thuận cũng mới chỉ có thanh long ruột trắng. Chị Én nói chị sẽ chịu trách nhiệm tìm giống thanh long ruột đỏ, đúng là những trí tuệ lớn gặp nhau. Sau một tháng dò tìm, chị Én với kinh nghiệm của một nhà kinh doanh đã tìm được giống thanh long ruột đỏ, chị đã tới Viện Nghiên cứu rau quả liên hệ. Viện nghiên cứu rau quả vừa hoàn thành dự án trồng khảo nghiệm giống thanh long ruột đỏ ở các tỉnh phía Bắc là giống có xuất xứ từ Đài Loan, đầu tiên trồng ở 3 điểm: Trâu Quỳ (Gia Lâm); Kim Quan (Thạch Thất, Hà Nội) và Phủ Quỳ (Nghệ An). Dự án đã kết thúc và vườn thử nghiệm ở Thạch Thất đã bỏ hoang mấy năm nay chỉ còn lại một số cây, viện đồng ý bán giống với giá 4000đ một hom, giống được thu gom từ hai vườn thử nghiệm ở Thạch Thất và Trâu Quỳ. Anh Kiệm và Chị Én về bàn với Bố ở quê mượn bố khu vườn sau nhà giao cho chú em là Hà Công Chính cùng với vườn của chú ở liền kề để trồng thanh long, giống và vốn do anh chị cung cấp, kỹ thuật do anh Nam chịu trách nhiệm chuyển giao. Thế là 4 vườn thanh long đồng thời được triển khai năm 2008, một của anh Chính, một của anh Nam, một của anh Huân và một của chú Hùng Liêm (em anh Kiệm), trong đó vườn của anh Chính rộng nhất với gần 800 gốc.  Cứ vài ngày anh Nam lại xuống hướng dẫn chú Chính kỹ thuật chăm sóc  bón phân, phun thuốc, tỉa nhánh, phun nước tưới ...  Sau 1 năm cây thanh long đã vươn ra khỏi trụ và cho lứa quả đầu tiên. Tuy nhiên lứa đầu bị lẫn một nửa thanh long ruột trắng do không phân biệt được hom giống, các anh phải loại bỏ toàn bộ cây ruột trắng chỉ giữ lại cây ruột đỏ. Sang vụ thứ hai thì giống ruột đỏ đã thuần.

Thông tin trái thanh long rột đỏ vừa ngọt lại vừa đẹp lan ra và Ngày 24/5/2010, đồng chí Phùng Quang Hùng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã tổ chức thăm mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ tại xã Vân Trục, huyện Lập Thạch. Cùng đi có lãnh đạo Sở NN&PTNT, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Lập Thạch.

Sau chuyến thăm này của PCT Phùng Quang Hùng, một dự án phát triển cây thanh long ruột đỏ của tỉnh Vĩnh Phúc và Huyện Lập Thạch được phê duyệt và triển khai. Dưới đây là bài báo của trang Web công an tỉnh Vĩnh Phúc năm 2010:

“Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phùng Quang Hùng thăm mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ.

http://conganvinhphuc.vn/?cmd=act:news%7Cnewsid:1229

Cập nhật ngày: 25/05/2010, 07:46 GMT+7.

http://conganvinhphuc.vn/picture/1274748402article16090.jpg  
Trong ảnh trái PCT Phùng Quanh Hùng (người đứng trước bên trái) và anh Hà Công Chính (người đứng trước bên phải), ảnh phải là hoạt động của đoàn trong vườn thanh long 2 năm tuổi của anh Hà Công Chính ngày 24.5.2010.

Ngày 24/5/2010, đồng chí Phùng Quang Hùng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã tổ chức thăm mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ tại xã Vân Trục, huyện Lập Thạch. Cùng đi có lãnh đạo Sở NN&PTNT, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Lập Thạch.

 

Cây thanh long ruột đỏ có nguồn gốc từ các tỉnh phía Nam, được gia đình anh Hà Công Chính (tại thôn Đồng Núi, xã Vân Trục, huyện Lập Thạch) đưa về trồng tại địa phương từ năm 2000 và bắt đầu phát triển vào năm 2005. Đây là giống cây ăn quả có giá trị kinh tế, cho chất lượng và năng suất cao; có khả năng xuất khẩu cho các thị trường: Châu âu, Mỹ, Nhật. Hiện nay, mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ là do dân tự phát, mới chỉ có tại xã Vân Trục và được hơn 20 hộ gia đình trồng. Theo tính toán ban đầu, mỗi một năm trừ chi phí, một sào trồng cây thanh long ruột đỏ sẽ cho thu hoạch từ 1,5 đến 3 tấn quả, tương đương giá trị thu nhập 30 triệu đồng/sào (300 triệu đồng/ha).

Tại đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Quang Hùng đã giao Sở NN&PTNT giúp huyện Lập Thạch và xã Vân Trục lập dự án riêng đề nghị tỉnh hỗ trợ về vốn (bao gồm giống, vật tư, phân bón, tuyên truyền tập huấn…) để nhân rộng mô hình ra toàn xã, mở rộng quy mô, tiến tới xuất khẩu ra thị trường ngoài nước. Đồng chí yêu cầu gia đình anh Hà Công Chính ngoài việc chăm sóc để tiếp tục duy trì diện tích trồng cây thanh long ruột đỏ hiện có, cần tích cực phổ biến đến mọi người dân trong vùng về giá trị kinh tế, kỹ thuật trồng để nhân rộng quy mô trồng thanh long ruột đỏ. Đặc biệt cùng với huyện và xã tiến hành nghiên cứu thị trường, từng bước chuyên nghiệp hoá việc trồng cây thanh long ruột đỏ và thành lập mô hình HTX chuyên trồng loại cây có giá trị kinh tế này.

Theo Baovinhphuc.com.vn”.

(Bài báo có sự nhầm lẫn về năm trồng thanh long và nguồn gốc cây thanh long-Chú thích của Hà Hoàng Kiệm)

GS. Nguyễn Lân Hùng cũng đã dẫn một đoàn cán bộ và phóng viên lên thăm vườn thanh long của anh Chính và đưa tin trên VTV1 (2011) trong chương trình nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng địa chỉ cung cấp giống thanh long ruột đỏ của anh Hà Công Chính. Nhiều người từ các tỉnh phía bắc đã tìm tới mua giống và cây thanh long ruột đỏ Lập Thạch đã được trồng ở Hà Giang, Tuyên Quang, sơn Tây…

GS Nguyễn Lân Hùng (người mặc áo kẻ) đang nói chuyện với cụ Hà Công Liêu (bố anh Hà Công Chính) trong vườn thanh long ruột đỏ 1 năm tuổi nhà anh Chính.

Cây thanh long ruột đỏ Lập Thạch đã trở thành thương hiệu có chỗ đứng vững trong lòng người tiêu dùng và trở thành thương hiệu ưa dùng được bình chọn năm 2016.

 Thanh long ruột đỏ Lập Thạch đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo và có thể làm giàu cho vùng quê này còn phải nói tới sự đóng góp tích cực của Hội thanh long ruột đỏ Lập Thạch. Hội sản xuất thanh long ruột đỏ huyện Lập Thạch đã được thành lập và đã tổ chức đại hội lần thứ I, nhiệm kỳ 2013 – 2018. Sau quá trình thực hiện thành công Dự án Thí điểm trồng Thanh long ruột đỏ ở Lập Thạch, Sở Khoa học và Công nghệ được UBND tỉnh cho phép triển khai nhiệm vụ: Xây dựng, bảo hộ, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm thanh long ruột đỏ của huyện Lập Thạch. Hồ sơ đăng kí nhãn hiệu tập thể “Thanh long ruột đỏ Lập Thạch – Vĩnh Phúc” do Hội thanh long ruột đỏ huyện Lập Thạch đứng tên chủ sở hữu đăng kí bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ. Nhãn hiệu “Thanh long ruột đỏ Lập Thạch" đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ số 239720, tại Quyết định số 7766/QĐ-SHTT.   

Tháng 10.2016 Thanh long ruột đỏ Lập Thạch đã được xuất khẩu chuyến đầu tiên sang Malaysia. Xem tin này trên bản tin thời sự VTV1 trưa 31.10.2016, nhìn những trái thanh long ruột đỏ quê nhà trên sạp hàng siêu thị nước bạn được người tiêu dùng khen, từ Hà Nội anh Kiệm đã gọi điện cho chị Én, lúc này chị đang đi khảo sát thị trường ở Hội An, Đà Nẵng. Cả hai đã reo lên trên điện thoại, nỗi lo lâu nay của anh chị mỗi khi về quê thấy diện tích thanh long phát triển nhanh và giá đã bắt đầu rơi, nếu không có đầu ra ổn định, rớt giá thua lỗ thì người nông dân sẽ lại phá đi như những cây trồng khác. Thế là ổn rồi, khi đến cơ quan, các bạn của anh, những người đã được anh chia sẻ ngay từ khi mới có ý tưởng đến khi được anh tặng trái thanh long ruột đỏ vụ đầu (2009) đã chúc mừng anh về thông tin này.

Cũng thật đáng mừng vì chính quyền địa phương (tỉnh và huyện) đã nhạy bén, nắm bắt kịp thời, định hướng và tổ chức đúng đường đi cho cây thanh long Lập thạch. Nếu không có sự vào cuộc của chính quyền thì cây thanh long ruột đỏ cũng chỉ dừng ở các hộ gia đình nhỏ lẻ. Vai trò của chính quyền trong thành công này thật là to lớn. Nếu không có những người tâm huyết với công việc trong các cấp chính quyền thì chưa thể có thành công cho cây thanh long như hôm nay được.

Thế nhưng đằng sau thành công đó, ít có ai biết rằng chị Bùi Thị Én, một người con dâu Lập Thạch, là người đã tìm và đưa giống thanh long ruột đỏ về quê chồng để cây phát triển và thành công như ngày nay. Bốn gia đình đầu tiên ở thôn Song Vân, xã Vân Trục đã dũng cảm bỏ vốn thử nghiệm trồng thanh long đầu tiên. Dũng cảm là vì với khí hậu bốn mùa chỉ có ba tháng nắng, không ai nghĩ cây thanh long lại có thể sinh trưởng và cho quả được, người nông dân lại nghèo, bỏ ra vài trăm triệu đồng để thử nghiệm mà thất bại thì đẩy cả gia đình vào chỗ khốn cùng. Bốn gia đình đó là:

Hộ gia đình anh Hà Công Chính,

Hộ gia đình chị Hà Thị Liêm,

Hộ gia đình anh Đỗ Văn Nam,

Hộ gia đình anh Nguyễn Công Huân.

Giống thanh long ruột đỏ Lập Thạch đều từ 4 gia đình này mà lan ra theo dự án của chính quyền.  Mừng vì thành công của cây thanh long ruột đỏ Lập thạch đã phát triển đúng theo ý nguyện của những người đã mang nó về quê hương của họ.

http://1.bp.blogspot.com/-TU7S3tT5Q14/UuKC3NqtNwI/AAAAAAAAAME/SVWr7_abT44/s1600/thanhlong1.jpg http://nnptntvinhphuc.gov.vn/imageupload/Lan_hcth/Thanh%20long%20ruot%20do.jpg

Chị Nguyễn Thị Bình vợ anh Hà Công Chính (ảnh trái), chị Hà Thị Liêm vợ anh Nguyễn Văn Hùng (ảnh phải)  trên vườn cây thanh long ruột đỏ đầu tiên ở huyện Lập Thạch được 2 năm tuổi của các anh chị (2010) tại thôn Đồng Núi, xã Vân Trục, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.

  

Anh Đỗ Văn Nam (ảnh trái), và anh Nguyễn Công Huân (ảnh phải) trong vườn thanh long ruột đỏ đầu tiên ở huyện Lập Thạch được 2 năm tuổi của các anh năm 2010.

  

Chị Bùi Thị Én, Người đã đưa giống thanh long ruột đỏ về trồng tại Lập Thạch.

 

 

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

SÁCH CỦA TÔI