Những món ngon không thể không thử khi tới Nha Trang

Cập nhật: 23/08/2015 Lượt xem: 2302

Những món ngon không thể không thử khi tới Nha Trang

Tôi đã may mắn được sống ở Nha Trang vài năm. Trong chiến tranh giai đoạn chiến dịch Hồ Chí Minh, chúng tôi là hai đội điều trị 14 và 16 của Quân khu V sát nhập thành đội điều trị 15, tiếp quản bệnh viện không quân của quân đội Sài Gòn trên đường Trần Phú, con đường dọc bờ biển Nha Trang xinh đẹp. Ngày nay qua vài lần thay đổi bệnh viện này được gọi là bệnh viện 87 trực thuộc Cục Quân Y. Chẳng hiểu vì thế mà nặng tình hay vì Nha Trang quá xinh đẹp với khí hậu ôn hòa quanh năm 25-26 độ C, bầu trời và nước biển trong xanh với nhiều hòn đảo xinh đẹp, thỉnh thoảng ào xuống một trận mưa rào, đến nhanh mà tạnh cũng nhanh. Con người Nha Trang hiền dịu thật thà, xã hội thì ôn hòa. Tôi đã đi nhiều nơi trên khắp đất nước Việt Nam, nhưng chưa nơi nào tôi lại khao khát được trở lại như đối với Nha Trang, mà mỗi lần có dịp trở lại thì cảm giác háo hức chờ đợi lại ào đến. Ở đó không chỉ có thiên nhiên hữu tình mà còn có các bạn chiến đấu, những người đồng đội đã từng ngủ rừng, sốt rét, chia nhau từng chút vui buồn trong suốt những năm chiến tranh, sau khi tiếp quản bệnh viện Không Quân thì ở lại  làm việc rồi nghỉ hưu và hiện vẫn là cư dân của Nha Trang. 

 

Đã nhiều lần tôi trở lại Nha trang, thăm cầu Xóm Bóng, tháp bà Bonaga, khu tắm bùn khoáng, hòn chồng, ra Đảo Yến, Đảo Hòn tre, lặn biển, khu bảo tàng Hải Dương học, thăm mộ Yersin (Alexandre Émile Jean Yersin sinh 22/9/1863 tại Aubonne, Tổng Vaud, Thụy Sĩ - mất 1/3/1943 tại Nha Trang, Việt Nam). Ông là bác sĩ y khoa, nhà vi khuẩn học, và nhà thám hiểm người Pháp gốc Thụy Sĩ. Ông là nhà bác học tài năng trên nhiều lĩnh vực, người  tìm ra vi khuẩn dịch hạch, tên của ông được đặt cho vi khuẩn này (Yersinia pestis), là người nghiên cứu ra kháng huyết thanh đẩy lùi bệnh dịch hạch. Với Việt Nam, ông là người khám phá ra Cao nguyên Lâm Viên (nay là Đà Lạt) và vạch ra một con đường bộ từ Trung Kỳ sang Cao Miên, cũng là người thành lập và là hiệu trưởng đầu tiên của Trường Y Đông Dương (tiền thân của Đại học Y Hà Nội), người thành lập Viện Pasteur Nha trang, người đặt nền móng cho nền thú y Đông Dương. Ông là người đã đưa cây cao su, cây canh-ki-na (quinquina) để sản xuất thuốc quinin chữa sốt rét vào Việt Nam. Ông đã sống và gắn bó với mảnh đất Nha Trang hơn 50 năm. Mộ của ông nằm trên ngọn đồi nhỏ gần Trại chăn nuôi Suối Dầu (xã Suối Cát, H.Cam Lâm, Khánh Hòa), cách TP.Nha Trang khoảng 20 km.

  

Đến Nha Trang không chỉ đắm say bởi những cảnh đẹp tạo hóa đã ban tặng cho vùng này mà còn không thể quên được những món ăn độc đáo do bàn tay của những con người nơi này sáng tạo nên. Nếu có điều diện tới thăm vùng biển xinh đẹp Nha Trang, bạn đừng quên thưởng thức những món đặc sản ngon nổi tiếng dưới đây nhé. Bánh xèo và trái Thanh long là hai thứ tôi được thưởng thức lần đầu tiên chính là ở Nha Trang, và tuần trăng mật của vợ chồng tôi nữa cũng ở Nha Trang.

 

Thành phố Nha Trang không chỉ thu hút du khách với bờ biển đẹp như trong mơ mà còn ở các món ăn hấp dẫn, độc đáo.

1. Bún chả cá

Bún cá trong văn hóa ẩm thực của người dân biển Nha Trang thân thuộc như món phở với người Hà Nội hay tô mì Quảng với người Quảng Nam. Cùng tên nhưng bún cá Nha Trang có nhiều điểm khác biệt với bún cá vùng miền khác, làm nên đặc trưng riêng cho món ăn Nha Trang. Vì là vùng biển nên nguyên liệu nấu bún cá cũng là cá biển chứ không phải loại cá đồng, cá nước ngọt như các tỉnh miền Bắc hay miền Tây. Cá ở đây là chả cá, một đặc sản rất riêng của Nha Trang. Chả cá được làm từ cá tươi, quết bằng tay, một loại chả có thể không chỉ làm từ một loại cá mà là sự kết hợp của nhiều loại cá khác nhau nên vị ngọt đậm đà, tươi, ngon chứ không rõ rành toàn bột như các loại cá viên chiên hay các loại chả khác.

Chả cá ngon đã là một nửa thành công của tô bún cá. Nhưng tô bún cá nóng hổi còn được làm dịu vị bởi hương dứa chua man mát dễ chịu. Các nguyên liệu trong tô bún cá hoàn toàn lấy từ biển, nước dùng được nấu hoàn toàn từ cá chứ không dùng thịt, các phụ liệu khác cũng từ biển và rất hạn chế gia vị nên tô bún cá vừa ngọt ngào, vừa dịu dàng lại vẫn đậm đà nồng nàn vị biển.

2. Nem nướng Ninh Hòa

Một món ăn đặc sắc nữa không thể không thử khi tới Nha Trang là nem nướng. Nem nướng có xuất xứ từ Ninh Hòa nhưng ngày nay đã trở thành món ăn phổ biến ở Nha Trang và trở thành món ăn mà bất kì khách du lịch nào cũng hào hứng muốn được khám phá. Nguyên liệu cho một phần nem nướng khá cầu kì, bao gồm thịt băm lụi, bánh tráng chiên giòn cùng các loại rau ăn kèm. Rau ăn kèm nem nướng kể sơ sơ cũng phải có cả gần chục loại, đủ vị cay, chua, chát. Tùy theo mùa mà rau có thể gồm diếp cá, hẹ, húng quế, xà lách, dưa leo, chuối chát, khế hoặc xoài non…có nơi còn có thêm dưa chua hoặc hành chua

Khách du lịch khi ăn nem nướng Nha Trang thường có liên tưởng tới món bánh tráng Tràng Bảng hay bánh tráng thịt heo Đà Nẵng vì cũng có rất nhiều loại rau, cuốn cùng bánh tráng. Đặc biệt, nước chấm nem là loại nước lèo pha chế theo công thức riêng của mỗi quán, đó là loại nước chấm đặc biệt mà chỉ nem nướng Ninh Hòa mới có. Thứ nước chấm sánh đậm, ngọt ngào hợp vô cùng với nem nướng thơm nức, bánh tráng giòn dai, rau sống thanh mát; ai thưởng thức cũng đều không thể quên.

3. Hải sản

Không cứ gì Nha Trang, điểm đặc biệt khi tới bất kì vùng biển du lịch là thưởng thức hải sản. Tại Nha Trang, khách du lịch có thể vào bất kì nhà hàng nào để thưởng thức hải sản. Nhưng còn gì thú vị hơn là khám phá những hàng quán nhỏ mà ngon miệng nơi thành phố du lịch sầm uất này. Nếu hỏi một người dân địa phương thân thiện, nhiều khả năng bạn sẽ tìm được tới con đường Phạm Văn Đồng, nơi có nhiều quán hải sản tươi ngon với giá thành hợp lý. Hải sản ở đây tươi và rẻ một phần cũng bởi nhiều nhà hàng ở đây là đầu mối thu mua hải sản có tiếng ở đất biển.

Hải sản ở đây rất đa dạng về thể loại như tôm, ghẹ, ốc, sò,cá bò, cá mú, mực lá… Nhà hàng thường trưng bày sẵn rất nhiều hải sản để chứng minh độ tươi sống và đa dạng của chúng, du khách có thể tự tay lựa chọn và giao cho đầu bếp chế biến. Vì hải sản rất tươi nên sau khi chế biến đều vô cùng thơm ngon và đậm đà vị biển. Đây có lẽ là điều khiến du khách yêu thích hải sản Nha Trang một cách đặc biệt.

Nếu có điều kiện, bạn hãy ghé qua làng chài và ăn sản sản tươi vừa bắt dưới biển. Dân làng chài sẽ đưa bạn đến những nhà hàng trên biển bằng phà. Tại đây, bạn có thể chọn hải sản tươi sống hay tự tay đánh bắt tôm, cá từ dưới biển và nhờ nhà hàng chế biến chúng thành thức ăn cho mình.

4. Bánh căn

Tuy không mang nhiều nét đặc trưng nhưng du khách tới thành phố biển cũng muốn tìm ăn thử hương vị bánh căn Nha Trang. Bánh căn thú vị ở phương cách chế biến, từng động tách đổ bánh, đậy nắp, múc bánh nhanh thoăn thoắt của người bán hàng đều có thể khiến thực khách ngạc nhiên và thích thú.

Trước, bánh căn chỉ làm từ trứng và bột nhưng ngày nay theo thị hiếu đa dạng, các cô chủ hàng cũng đã thêm nhiều hương vị vào bánh như bánh căn bò, bánh căn mực… Khánh ăn ngồi cạnh quầy hàng con con, tự múc cho mình một bán nước chấm hương vị ưa thích lại là một trải nghiệm đặc biệt khác khi ăn bánh căn. Không chỉ có đơn thuần một loại nước chấm, bánh căn có thể có đến 2,3 thậm chí nhiều loại hơn nữa cho khách lựa chọn nhưng thông thường nước chấm được chia làm 3 loại chính: nước chấm ngọt, mắm nêm và mắm cá. Mắm ăn kèm với xoài xanh bào nhỏ, thêm vào ít ớt cay cay, chiếc bánh căn nhỏ xinh nóng hổi chấm cùng thứ nước chấm ấy càng trở nên ngon miệng, khó quên.

Bạn có thể thưởng thức món bánh căn trên đường Lê Thánh Tôn hay Nguyễn Thiện Thuật.

5. Bò nướng Lạc Cảnh

Thịt bò nướng cũng là một trong những đặc sản của Nha Trang. Dân sành ăn vẫn kháo nhau rằng: "Đến Nha Trang mà chưa ăn bò nướng Lạc Cảnh thì mới biết Nha Trang có một nửa". Tuy đó chỉ là câu đùa nhưng thực ra cũng không phải quá lời. Trong cẩm nang ẩm thực của du khách nước ngoài luôn có địa chỉ của quán bò Lạc Cảnh

Bí quyết làm nên vị ngon của món thịt bò này nằm ở các công thức trộn thịt bò với mật ong cùng hơn 10 gia vị của quán. Thịt bò nướng Lạc Cảnh được thái quân cờ và nướng trên than hoa. Tại quán có khá nhiều loại bò nướng để bạn lựa chọn nhưng nhìn chung, bò đều có vị ngọt và mềm chứ không hề dai, ăn lâu cũng không ngấy. Món này thường được ăn kèm với rau sống, tuy nhiên bạn cũng có thể gọi thêm bánh mỳ hoặc bánh tráng để ăn kèm

6. Phở Bắc Hải đường Quang Trung

Phở có nguồn gốc từ miền Bắc, nhưng người dân Nha Trang cũng “nghiền” phở không kém các món ăn đặc trưng địa phương khác. Khắp Nha Trang có không ít các hàng phở nhưng ngon đến độ…khó thể quên chỉ có thể là cửa hàng Phở Bắc Hải trên đường Quang Trung. Được biết, ông chủ vốn là người Hà Nội gốc, tính tình rất dễ chịu, cởi mở và thân thiện nên khách đến quán đông phần lớn vì phở ngon, nhưng vì quý mến ông chủ cũng không phải là ít.

Tô phở Bắc Hải được chọn lựa chế biến từ những nguyên liệu tươi, đặc biệt là thịt bò. Dù là miếng thịt tái hay thịt chín, chỉ có thịt bò tươi ngon mới đảm bảo vị mềm thơm mà vẫn béo bùi, ngọt miệng đến thế. Nước dùng rất trong và thanh, dậy mùi bò tự nhiên chứ không hề có váng mỡ hay gợn chút hôi tanh nào. Mở quán ở Nha Trang đã lâu, đã rất có tiếng tăm nhưng phở ở đây vẫn giữ đúng quy trình nấu phở miền Bắc truyền thống, mọi phụ liệu gia giảm đều gợi vị “Hà Nội” nên khách du lịch xứ Bắc thì thấy thân quen, người địa phương lại thấy lạ miệng mà hấp dẫn. Thậm chí, nhiều khách hàng còn phải công nhận ăn phở Bắc Hải ở Nha Trang còn ngon hơn nhiều lần các hàng phở gia truyền có tiếng ở Hà Nội

 

Theo Depplus.vn/MASK

 

 


CHIA SẺ BÀI VIẾT

Bài cùng chủ đề

SÁCH CỦA TÔI